20112024Wed
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Văn học Việt Nam

Tưởng nhớ Thầy - Giáo sư Trần Thanh Đạm

Tôi được học Thầy môn Văn học so sánh và Lý luận giảng dạy sau đại học tại trường KHXH&NV TP.HCM, sau lại được Thầy hướng dẫn luận văn Cao học, nên có nhiều thời gian tiếp xúc với Thầy. Nếu bảo tên chính là người thì có thể nói Thầy là một ví dụ điển hình. Một con người, một cuộc đời, từ lúc tôi biết cho tới giây phút này, thực sự thanh, đạm, hiền từ, nhiệt huyết trên con đường giáo dục, mà lòng yêu nước của Thầy thì chưa lúc nào bớt chân thành và nồng nàn.

Mấy năm nay tôi vẫn thường qua nhà thăm Thầy, thấy thời gian gần đây Thầy yếu nhiều, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, còn nụ cười bao giờ cũng thật tươi, thật hiền, thật ấm. Lần nào đến cũng thấy nụ cười ấy. Tuần trước tôi ghé thăm đúng khi Thầy vừa từ bệnh viện về, Thầy vẫn cười nói như thường ngày. Chỉ thấy trong ánh mắt của cô P. - con gái Thầy, một vẻ buồn sâu thăm thẳm giấu sau nụ cười, linh tính cho tôi biết sức khỏe Thầy đang ở tình trạng thật không tốt.

Giáo sư Trần Thanh Đạm

Thế rồi sáng nay đang ngồi trên xe bus, chợt nghe tin Thầy vừa qua đời. Không nghĩ là tin buồn lại đến sớm như vậy, mới tuần trước đây thôi mà...!!!

Ký ức ùa về. Trong ấy có nhiều điều khiến tôi mỗi khi nhớ lại đều xúc động. Đó là lời Thầy nói trước hội đồng bảo vệ luận văn cao học của tôi mấy năm trước, lúc đó tơi mới biết mình là "bế môn đệ tử", người học trò cuối cùng của Thầy, mà thực ra, như Thầy nói, Thầy đã "bước qua lời nguyền" vì tuổi cao sức yếu đã 10 năm qua không nhận hướng dẫn ai, thế mà khi gặp tôi, Thầy đã phá bỏ lời nguyền ấy, bởi tinh thần cầu học của tôi khiến Thầy vui và yên tâm. Đó là lời khuyên nhủ chân tình, rằng em nên đi dạy để góp phần thiết thực hơn nữa cho xã hội, không nên ôm ấp cái mình học, mình đọc, mình biết cho một mình mình, như thế không tốt, đi dạy sẽ mở mang thêm nhiều, không nên mất quá nhiều thời gian cho việc bằng cấp,...

Thế mà giờ đây Thầy đã về nơi xa xôi nào. Giờ đây nếu nhớ Thầy, chỉ còn biết nhờ cậy vào ký ức, để hình dung lại nụ cười lúc nào cũng tươi, lúc nào cũng hiền, lúc nào cũng giản dị của Thầy, để hình dung lại tiếng nói lúc nào cũng trầm ấm thân thương của Thầy, để hình dung lại dáng đi lúc nào cũng chậm rãi lặng lẽ của Thầy,...

Thầy đã được Nhà nước tin tưởng, giao cho đảm nhận nhiều trọng trách (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Nghệ thuật Trung ương,…). Công lao, đóng góp của Thầy đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà và đối với ngành giáo dục đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý (Nhà giáo nhân dân, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương kháng chiến chống Pháp, Huân chương kháng chiến chống Mỹ, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng,…), mùa xuân năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến tư gia thăm hỏi, chúc tết Thầy. Và một điều không thể không nói đến, cũng như đó là niềm vui lớn nhất của đời Thầy, là trong quãng thời gian 50 năm giảng dạy, từ miền Trung – Thừa Thiên Huế, nơi Thầy sinh ra, đến miền Bắc, rồi miền Nam, Thầy đã có vô số các học trò khắp ba miền đất nước. Trong lòng tôi và chắc hẳn rất nhiều học trò khác, Thầy là một người Thầy mẫu mực, nhân từ, tận tâm với nghề và với người, một tấm gương cao đẹp về nhân cách.

84 Năm trải biết bao thăng trầm cùng đất nước, giờ Thầy từ giã chúng ta về cõi vĩnh hằng. Kính chúc Thầy ở bên kia thế giới sẽ gặp lại Cô - người vợ hiền mà Thầy luôn nhắc đến và nghĩ về với tất cả sự yêu thương.

Tôi xin chép lại đây bài hát nói đã làm tặng vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2012, cũng là năm Thầy thượng thọ 80 tuổi, để kỷ niệm và tưởng nhớ:

Một đời theo nghiệp trồng người

Trăm năm để lại đất trời tiếng thơm

Lương sư hoa quốc(1)

Cùng non sông trải mấy cuộc bể dâu

Tám mươi xuân, chân yếu, mắt mờ, bạc tóc, bạc râu

Mà tấm lòng son với giáo dục, văn chương chưa khi nào thôi thắm tỏ

Thanh tu đạm tiết cao thiên cổ

Sĩ vọng nham nham ngưỡng Hống san(2)

Nay Cô cưỡi hạc giã biệt cõi trần gian

Để Thầy vào ra thở than riêng chiếc bóng

Trò cũ Bắc – Trung – Nam mong Thầy thường bảo trọng

Vui hưởng tuổi trời, đón niềm kỳ vọng ở tương lai

Chúc Thầy trường thọ, yêu đời.


-----------

(1) Người thầy giỏi có đức độ sẽ làm đất nước rạng rỡ.

(2) Khí tiết thanh cao đời sau còn lưu truyền mãi, Khiến các kẻ sĩ ngưỡng mộ noi theo gương.

Lưu Hồng Sơn, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ