20112024Wed
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Lý luận và phê bình văn học

Khát vọng hòa bình

          Năm nay đất nước ta kỷ niệm 40 năm sống trong hòa bình, thống nhất sau hai cuộc chiến tranh khốc liệt và bi thảm. Trong những ngày này người Việt Nam xúc động xem lại những thước phim quay ở chiến trường, đọc lại ký sự và tiểu thuyết viết về những miền đất lửa, nghe lại bài ca trên những cung đường Trường Sơn… Tất cả đều gợi nhớ những ngày oai hùng và đau khổ trên quê hương với những vết thương chưa lành trong từng gia đình, từng trái tim người Việt.

          Ở miền Nam, một dòng văn nghệ nêu cao khát vọng hòa bình đã không ngừng tuôn chảy kết nối những tâm hồn, từ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Nhất Hạnh đến Trường ca Hòa bình của Ngô Kha; từ Những bài tâm ca của Phạm Duy đến Kinh Việt Nam của Trịnh Công Sơn và Trái tim Việt Nam của Phạm Thế Mỹ… Hòa bình vừa là chủ đề, vừa là nguồn cảm hứng lớn của văn nghệ. Hòa bình là cái đẹp, là điều Thiện lớn nhất mà dân tộc khao khát. Trịnh Công Sơn từng ước mơ “mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình”, “để cho con sông, dòng suối, núi rừng và mặt đất cằn khô này được thở lại điều hòa”.

         Khát vọng hòa bình là khát vọng làm người đúng nghĩa. Chiến tranh cần thiết để bảo vệ độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và phẩm giá con người, nhưng chiến tranh là giai đoạn, hòa bình mới là vĩnh cửu. Những người thư sinh giã từ trường lớp ra mặt trận vẫn mong ngày trở lại với sách bài. Những người nông dân rời bỏ tay cày chuyển sang tay súng vẫn không thôi mơ về vườn cây, ruộng lúa. Nhưng vừa rút chân ra khỏi chiến hào, chúng ta lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới, máu lại đổ ở Đồng Đăng, Lộc Bình, Vị Xuyên, Mộc Bài, Thổ Chu, Gạc Ma… Những người cựu chiến binh chưa kịp nghỉ ngơi lại cùng trai tráng đứng vào hàng ngũ những sư đoàn ra tiền tuyến.

         Triết học Trung Quốc cổ đại còn lưu lại một tư tưởng mang ý nghĩa thời sự để nhắc nhở những kẻ hậu sinh: “Muôn vật cùng sinh trưởng mà không hại nhau, đạo cùng vận hành mà không trái ngược nhau, đức nhỏ như sông chảy, đức lớn đôn hậu mà sinh hoá vô cùng” (Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo tịnh hành nhi bất tương bội, tiểu đức xuyên lưu, đại đức đôn hoá  – Trung Dung). Tư tưởng đó liệu có thể giúp làm hạ nhiệt những cái đầu nóng muốn đầu cơ chiến tranh để phá hoại hòa mình? “Trỗi dậy trong hòa bình”, đó là lời kêu gọi gửi đến các dân tộc muốn đồng hành cùng nhân loại với tinh thần văn minh và tự trọng. Chỉ có ác thú mới có thói quen bắt nạt nhau, đe dọa nhau, khơi mào tương tàn giữa đồng loại. Việt Nam là một dân tộc hiếu hòa, không hề mong rơi vào tình thế “muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”.

          30 năm chiến tranh, Bắc Nam chia cách, thời gian trôi đi đằng đẵng. 40 năm hòa bình qua nhanh như một giấc mơ. Cái giá phải trả để vãn hồi hòa bình đã lớn, cái giá để tạo dựng hạnh phúc cũng không hề nhỏ. Chúng ta loay hoay trong kế hoạch xây dựng mái ấm gia đình và lúng túng trong chiến lược mưu cầu hạnh phúc của nhân dân. Hạnh phúc là bữa cơm đầy đủ, là tấm áo lành lặn, là ngôi nhà khang trang, là một cuộc đời bình dị thuần phác thuận theo lẽ tự nhiên. Hạnh phúc còn là một đời sống tinh thần tự do, sáng tạo, là dân chủ công bằng, là tình yêu thương giữa con người với nhau.

         Ngày xưa, Nguyễn Trãi từng dâng sớ tâu lên vua Lê Thái Tông: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc […]. Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn dắt muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc”. Sự bình an trong từng con người, từng gia đình là điều kiện của sự bình an trên đất nước, là sức mạnh tinh thần để bảo vệ hòa bình cho dân tộc. Hòa bình đi liền với phát triển, chiến lược bảo vệ hòa bình phải gắn kết với chiến lược xóa đi “những tiếng hờn giận oán sầu” trong thôn cùng xóm vắng. Hòa bình là trật tự hài hòa của sự sống, của xã hội, cho nên muốn có hòa bình đích thực, phải có công bằng và công lý giữa các cá nhân, giữa các tộc người, giữa các quốc gia. Đó là đích đến của hành trình nhân đạo hóa lịch sử mà nhân loại luôn theo đuổi.

        Trên hành trình vạn dặm đó, mỗi người có thể góp phần bằng chính việc nuôi dưỡng hạt mầm hòa bình trong lòng mình, biến những phút giây trên trần gian này thành hoa trái của hạnh phúc được sống cùng, sống với tha nhân trong những tương giao hòa ái.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG