27112024Wed
Last updateTue, 26 Nov 2024 12pm

Vài mảnh ký ức

Ngày 30.4.1975. Vừa qua tuổi hai mươi được hơn một tháng. Căn nhà trọ chỉ còn có ba anh em ở xa, tất cả đều là sinh viên Văn Khoa. Tiếng đại bác thỉnh thoảng xé gió bay ngang đầu. Mấy anh em đào hầm trú ẩn ngoài vườn và nghe tin tức qua radio. Những chiếc trực thặng to lớn của hải quân Mỹ từ biển vào bay đầy trời để đón người di tản. Buổi sáng lính tráng chế độ cũ rùng rùng rút về nội thành trên xe tăng, xe GMC. Họ chỉa súng lên trời bắn loạn xạ. Đến trưa ngoài đường chỉ còn ngỗn ngang súng đạn, quần áo, giày vớ của lính. Các xe Zeep chở những thanh niên đeo băng đỏ chạy hăng hái trên đường phố. Chiều mấy anh em lò dò lên trường thăm dò tin tức. Trên đường từng đoàn xe chở bộ đội vào thành phố, họ mặc quần áo mới, mắt nhìn lên cao, không hiểu vì hiếu kỳ hay là cảnh giác. Cả mấy chục ngàn sinh viên Văn Khoa chiều 30.4 chỉ có mặt hơn chục người. H. được bầu vào Ban Tự vệ của trường, tối về nghe đọc tên hắn trên đài phát thanh.

 

Nhưng sáng 1.5.1975 sân trường lại nhộn nhịp như cũ, các tà áo dài đủ màu thướt tha qua lại. Toàn bộ sinh viên tập trung ở giảng đường 1 (lầu 1 dãy A bây giờ). Giảng đường chỉ có 300 chỗ nên chật ních người. T.D.D không hiểu tập bài Giải phóng miền Nam của Huỳnh Minh Siêng hồi nào, lên bục say sưa bắt nhịp cho mọi người hát. Có mấy anh bộ đội vào thăm trường, bảo cũng là sinh viên khoa Văn. Một anh mặc áo rộng thùng thình, đeo túi đựng mìn claymor của quân đội Mỹ, bước lên bục giảng đọc thơ rất say sưa, trong đó có nhắc cả Whitman và Lá cỏ.

 

Vậy là đất nước đã sang một chương mới. Mấy tháng trước vẫn còn ngao ngán vì không biết bao giờ chiến tranh mới chấm dứt. Trong giờ học cách đó không lâu, thầy N.D.C. còn nói đến chuyện can thiệp của người Pháp, còn nói như đinh đóng cột rằng Trung Quốc, Pháp… sẽ can thiệp để Việt Nam Cộng hòa vẫn còn phần đất từ Nha Trang trở vào. Rồi một hôm cả trường nháo nhác khi nghe tiếng bom phía dinh Độc Lập. Thầy N. V. T. đang dạy vội vã lái xe về nhà. Cứ tưởng lại có đảo chánh. Sau này mới biết người lái chiếc F5 ném bom hôm đó chính là Nguyễn Thành Trung.

 

Đất nước đã hòa bình, lòng thì mừng nhưng cũng có hoang mang. Sau này đọc tùy bút Vô đề của Nguyễn Tuân viết ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, tôi mới hiểu thêm tâm trạng của mình khi cách mạng đến. Như đứa trẻ được sinh ra một lần nữa, nói gì thấy cũng khó. Cả suy nghĩ về một cơn mưa, một ngày nắng giờ cũng rất khác.Như con gián non mới lột xác lúng túng vỗ đôi cánh bay vào cuộc đời mới đầy xa lạ, điều đó khó khăn làm sao. Phải tước đi những tâm sự cũ, phải chôn đi những hình bóng của cuộc sống vừa qua, phải coi những ý nghĩ và rung động cũ như là những cố nhân bẽ bàng, điều đó đau đớn biết chừng nào.

 

Sau đó là những ngày học tập chính trị bên Đại học Vạn Hạnh. Trên sân thượng của trường có thiền viện với hòn non bộ, có nền cỏ mềm rất nên thơ. Lần lao động ở Vĩnh An với rừng già buổi sáng tràn ngập tiếng chim kêu vượn hú, những buổi chiều đi về hàng mấy cây số để tắm sông, những chuyến say mê tìm phong lan trong rừng đầy vắt, trăng rừng sáng và đẹp chưa từng thấy trong đời. Chúng tôi tham gia chiến dịch bài trừ “văn hóa đồi trụy”, tham gia chiến dịch “đánh tư sản mại bản”, đổi tiền; tham gia làm nhà cho người già cơ nhỡ và trẻ em lang thang trên Sông Bé. Chúng tôi trồng ngọc lan trong sân trường để thay cho mấy cây phượng, cây me đã già cỗi. Từ giã triết học với những Kant, Nietzche, Lão Tử, Trang Tử… tôi và các bạn bè ban Triết đi học văn cùng với sinh viên Nhân văn, Tâm lý, Báo chí… của các đại học khác. Chúng tôi đã say mê Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy; say mê Từ ấy của Tố Hữu, Quê hương của Giang Nam. Chúng tôi đã tập tành làm Paven khi đi lao động ở Vĩnh An, ở Khu giản dân Thủ Đức, ở Chánh Phú Hòa. Từ Bắc vào giảng có thầy Hoàng Như Mai, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Đức Nam, Trần Đình Hượu… Cô Lê Hồng Sâm dạy văn học Pháp rất điệu đàng trong bộ áo dài. Thầy Hoàng Xuân Nhị tóc bạc phơ đi dạy dắt theo cô con gái ở miền Nam mới tìm lại được. Thầy Nguyễn Hàm Dương rất đẹp trai, ăn mặc rất lịch sự Thầy Đỗ Văn Khang dạy mỹ học và cho xem rất nhiều tranh. Thầy Hoàng Tuệ (bố của nhà văn Bảo Ninh) dạy ngôn ngữ có giọng trầm rất lạ.

 

Từ đó tôi trở thành người khoa Văn , từ đó tôi sống một cuộc đời khác.

Nguồn: Nội san Xã hội Nhân vân số 33 - 2008