27112024Wed
Last updateTue, 26 Nov 2024 12pm

Alyosha Nồi đất

Phương Phương dịch

Alyosha là con trai út. Người ta đặt biệt danh Nồi đất cho cậu là vì mẹ cậu sai cậu mang nồi sữa đến cho bà vợ ông cố đạo, cậu bị vấp và làm vỡ cái nồi. Bà mẹ đánh cho cậu một trận, còn lũ trẻ thì chế nhạo cậu là đồ nồi đất[1]. Thế là thành biệt danh của cậu là Alyosha Nồi đất.

Alyosha là cậu bé gầy gò, có đôi tai dài như đôi cánh[2], còn mũi thì to cộ. Bọn trẻ con trêu chọc: “Alyosha có cái mũi như con chó đực ở trên đồi”. Trong làng có trường học, nhưng Alyosha không biết chữ vì chẳng có lúc nào để học. Anh trai lớn của cậu sống ở nhà một thương gia trên thành phố, còn Alyosha từ bé đã phải giúp bố. Lúc cậu lên sáu, cậu đã cùng chị gái canh cừu và bò ngoài bãi chăn thả, còn khi thành thiếu niên thì phải chăn ngựa cả ngày lẫn đêm. Mười hai tuổi cậu đã đi cày và đánh xe. Sức không có, nhưng lại rất khéo léo. Lúc nào cậu cũng vui vẻ. Bọn trẻ chế nhạo cậu, cậu hoặc im lặng hoặc cười. Nếu như bị bố mắng mỏ, cậu im lặng lắng nghe. Ông bố vừa ngừng mắng là cậu lại cười ngay và bắt tay luôn vào việc đang đợi cậu.

Năm Alyosha mười chín tuổi, anh trai cậu bị đi lính. Ông bố cậu gửi cậu lên thế chỗ anh làm lao công ở nhà ông thương gia. Người ta đưa cậu đôi ủng cũ của người anh, cái mũ và áo khoác của bố và chở cậu lên thành phố. Alyosha vui thích với bộ cánh của mình, nhưng ông thương gia lại không hài lòng với dáng vẻ của cậu.

- Tôi cứ tưởng là có người thay cho thằng Semyon – ông ta ngắm Alyosha và bảo – thế mà ông lại đưa một thằng vắt mũi chưa sạch đến. Nó thì làm được việc gì?

- Nó làm được mọi thứ - nào thắng ngựa, đánh xe, làm các việc nặng. Chỉ trông bên ngoài còm nhom thế thôi chứ nó khỏe lắm.

- Thôi được rồi, để xem sao.

- Và hơn hết, nó rất cần mẫn, được việc ghê lắm.

- Biết làm gì với ông đây, thôi để nó ở lại.

Thế là Alyosha sống ở nhà ông thương gia.

Gia đình ông thương gia không đông lắm: bà chủ, bà mẹ già, người con trai lớn đã có vợ thì ít học, lo việc buôn bán cùng cha, người con trai thứ hai uyên bác, tốt nghiệp trung học rồi vào đại học, nhưng bị đuổi khỏi đó và về nhà sống. Nhà còn có thêm một cô con gái là nữ sinh trung học nữa.

Ban đầu mọi người không ưa Alyosha – cậu quá chất phác, ăn mặc thì tồi tàn, và lại chẳng biết cách ứng xử phải phép, “mày tao” với tất cả mọi người, nhưng rồi mọi người cũng quen với cậu. Cậu làm việc còn tốt hơn cả anh trai. Đúng là rất cần mẫn, mọi việc đều gọi đến cậu, và cậu làm mọi việc một cách vui vẻ và nhanh chóng, lần lượt hết việc này đến việc khác không trễ nải. Cậu càng làm nhiều thì người ta lại càng trút việc lên cậu nhiều hơn. Nào bà chủ nhà, nào mẹ của ông chủ, nào con gái ông chủ, nào con trai ông chủ, nào ông quản gia, nào bà bếp, tất cả mọi người đều lúc thì sai cậu đi đây đi đó, lúc thì bắt cậu làm việc gì đó. Chỉ toàn nghe những câu như “Chạy ngay đi cậu em”, hay “Alyosha mày sắp xếp cái này đi”, “Mày sao thế, quên hay sao? – Coi chừng, đừng có mà quên đấy Alyosha”. Và thế là Alyosha chạy đi, sắp xếp, coi chừng, không quên, và mọi việc đều làm kịp, và lúc nào cũng cười.

Chẳng mấy chốc cậu làm rách ủng của anh, ông chủ chế nhạo cậu vì cậu đi lại với đôi ủng tơi tả thò cả ngón chân ra ngoài, và ra lệnh mua cho cậu đôi ủng mới ngoài chợ. Có đôi ủng mới tinh, Alyosha vui mừng, nhưng đôi chân của cậu thì vẫn như cũ, cứ đến tối là đau nhức vì phải chạy quăng quật nhiều, và cậu cáu tiết với chúng. Alyosha còn sợ rằng khi cha cậu lên nhận tiền thay cậu sẽ giận vì ông thương gia sẽ trừ tiền đôi ủng vào lương.

Mùa đông, Alyosha dậy từ trước khi trời sáng, bổ củi, quét sân, cho bò ngựa ăn uống. Rồi cậu đốt lò, chùi ủng và áo quần cho chủ, cọ rửa và đặt ấm xa mô va, rồi sau đó hoặc ông quản gia gọi cậu ra kéo đồ, hoặc bà bếp sai cậu nhồi bột, cọ xoong chảo. Sau đó họ sai cậu vào thành phố, hoặc đi đưa cái thư nào đó, hoặc đưa con gái nhà chủ đến trường hoặc đi lấy dầu bóp cho bà già. “Mày đi đâu mất biệt vậy hả thằng khốn” – hết người này đến người khác nói với cậu. “Sao các người lại phải đi, để thằng Alyosha đi. Alyosha! Alyosha!” Và Alyosha lại chạy.

Cậu vừa đi vừa ăn sáng, còn ăn trưa thì hiếm khi kịp cùng với mọi người. Bà bếp mắng cậu vì cậu không đến ăn cùng mọi người, nhưng vẫn thương cậu và để dành cho cậu thức ăn nóng cho cả bữa trưa lẫn bữa tối. Đặc biệt nhiều việc là lúc sắp đến các ngày lễ và trong thời gian lễ. Alyosha rất thích ngày lễ bởi vì ngày lễ người ta cho cậu tiền boa, dẫu chỉ ít thôi, gom lại chỉ khoảng sáu mươi kopeek, nhưng dù sau cũng là tiền riêng của cậu. Cậu có thể tiêu chúng tùy thích. Tiền lương của mình thì cậu chẳng bao giờ tận mắt nhìn thấy. Ông bố thường đến lấy chỗ ông thương gia, và chỉ mắng cậu đi ủng mau nát.

Khi cậu gom góp được hai rúp tiền boa, theo lời khuyên của bà bếp, cậu mua cho mình cái áo khoác đan màu đỏ, và khi mặc nó vào, cậu không thể khép môi lại được vì mừng vui.

Alyosha nói ít, và khi cậu nói thì luôn ngắt quãng và cụt ngủn. Khi người ta ra lệnh cậu làm việc gì đó, hay hỏi cậu có thể làm điều gì đó hay không, thì cậu luôn trả lời không chút lưỡng lự: “Có thể” – rồi tức thì chạy đi làm luôn.

Cậu chẳng thuộc bài kinh nào vì những gì mẹ cậu dạy thì đã quên hết rồi, nhưng cậu vẫn cầu nguyện cả sáng lẫn tối, cầu nguyện bằng tay, làm dấu thánh giá.

Alyosha sống như thế trong một năm rưỡi, đến cuối năm thứ hai thì xảy ra một sự kiện phi thường nhất trong đời cậu. Sự kiện đó là việc cậu hết sức ngạc nhiên nhận ra rằng ngoài những quan hệ giữa người với người phát xuất do cần nhờ vả nhau, thì còn có những quan hệ hoàn toàn đặc biệt: thay vì là một người cần thiết đ chùi ủng, hay đi mua sắm, hay thắng ngựa, mà là một người cần thiết không phải đ nhờ vả, đ phục vụ, mà vì chính con người cậu, vì cậu là Alyosha. Qua bà bếp mà cậu quen biết Ustinia. Ustinia là cô gái mồ côi, còn trẻ và cũng phải làm việc nhiều như Alyosha. Cô thấy thương Alyosha, và Alyosha lần đầu tiên trong đời cảm thấy chính con người cậu, chứ không phải là những phục dịch của cậu cần thiết cho người khác. Khi mẹ cậu thương cậu, cậu không nhận ra điều đó, cậu cảm thấy rằng điều đó là đương nhiên phải thế, điều đó cũng giống như cậu tự thương thân mình. Còn giờ đây cậu bỗng nhiên nhận ra, rằng Ustinia là người hoàn toàn xa lạ, mà lại thương cậu, lại đ dành cho cậu cháo với bơ trong nồi, và khi cậu ăn, thì cô tựa cằm lên tay với tay áo xắn cao mà ngắm nhìn cậu. Khi cậu liếc nhìn cô, cô phá lên cười và cậu cũng phá lên cười.

Điều này thật mới mẻ và kỳ lạ, ban đầu làm Alyosha sợ. Cậu cảm thấy rằng nó cản trở cậu phục vụ như đã từng phục vụ. Nhưng dù sao cậu vẫn thấy vui sướng, và khi nhìn vào cái quần của mình được Ustinia mạng giúp, cậu lắc đầu vào mỉm cười. Thường trong lúc làm việc hay chạy đi đâu đó, cậu hay nhớ đến Ustinia và nói: “Ôi cái cô Ustinia này!” Ustinia giúp cậu bất cứ lúc nào có thể, còn cậu thì giúp cô. Cô kể cho cậu về thân phận của mình, chuyện cô thành trẻ mồ côi, được bà cô nhận nuôi thế nào, rồi đưa vào thành phố, chuyện con trai lão thương gia dụ cô làm điều ngu ngốc và cô đã cự tuyệt hắn như thế nào. Cô thích kể chuyện và cậu thì thích thú nghe cô. Câu nghe bảo rằng các thành phố thường có chuyện là những gã nông nô làm thuê cưới các cô nấu bếp. Có một lần cô hỏi cậu rằng người ta sắp cưới vợ cho cậu chưa. Cậu đáp là không biết và cậu không muốn lấy vợ nhà quê.

- Thế anh đã nhắm được ai chưa? – cô hỏi.

- Giá tôi mà lấy được cô. Cô có theo tôi không?

- Đ nồi đất, nồi đất, khéo tìm cách nói thế không biếtcô đáp, đấm vào lưng cậu. – Sao lại không theo cơ chứ?

Dịp lễ tiễn mùa đông, ông bố lên thành phố lấy tiền. Bà vợ ông thương gia biết chuyện Alyosha muốn cưới Ustinia và bà không thích chuyện này. “Rồi nó có chửa, có con thì còn làm ăn gì được”. Bà nói với chồng.

Ông chủ đưa tiền lương của Alyosha cho ông bố.

- Sao, thằng con tôi nó sống thế nào? – lão nông dân hỏiTôi đã bảo nó chăm chỉ lắm mà.

- Chăm chỉ thì chăm chỉ đấy, những mà nghĩ chuyện ngu ngốc. Nó muốn cưới con bé nấu bếp. Mà tôi thì không giữ những đứa đã lấy vợ lấy chồng đâu. Cái đó không hợp với nhà tôi.

- Thằng ngu, thằng ngu, nó nghĩ ra chuyện gì thế không biết, - ông bố bảo. – Ông đừng lo, tôi sẽ bảo nó bỏ con bé đi.

Ông bố vào bếp ngồi đợi con trai bên bàn. Alyosha chạy lo công việc, quay về thở hổn hển.

- Tao nghĩ mày lẩn thẩn đấy. Mày nghĩ ra chuyện gì thế hả? – Ông bố bảo.

- Có gì đâu bố.

- Sao không có gì được. Mày lại muốn lấy vợ. Tao sẽ cho mày lấy khi nào đến lúc, và sẽ cưới cho mày đứa nào cần cưới, chứ không phải cái con điếm thành phố.

Ông bố nói rất nhiều. Alyosha đứng thở dài. Khi ông bố dứt lời, cậu mỉm cười.

- Được rồi, con sẽ bỏ.

- Thế thì được.

Khi ông bố đi khỏi và còn lại một mình với Ustinia, Alyosha nói với cô (cô đứng sau cánh cửa và nghe hết những điều ông bố nói với con trai):

- Chuyện của tụi mình không thành rồi. Cô nghe thấy không, ông ấy nổi cáu, không cho phép.

Ustinia úp mặt vào tạp dề khóc. Alyosha chặc lưỡi.

- Không thể không vâng lời được. Rõ là phải bỏ nhau thôi.

Buổi tối, khi bà chủ gọi cậu đi đóng cửa sổ, bà bảo cậu:

- Thế nào, nghe lời bố mày thôi chuyện ngu ngốc rồi chứ hả?

- Rõ là phải thôi rồi – Alyosha nói, bật cười rồi tức thì òa khóc.

Từ đó Alyosha không nói chuyện với Ustinia về chuyện cưới xin nữa và lại sống như cũ.

Rồi ông quản gia sai cậu dọn tuyết trên mái nhà. Cậu trèo lên mái nhà quét hết tuyết, và bắt đầu bóc những tảng tuyết đóng băng trong máng xối thì bị trượt chân, ngã xuống cùng cái xẻng. Không may là cậu không ngã xuống tuyết, mà lại xuống cạnh sắt của cửa ra vào. Ustinia và con gái chủ nhà chạy tới.

- Có bị thương không Alyosha?

- Bị thương chứ còn gì nữa. Không sao đâu.

Cậu định đứng dậy nhưng không thể, và nhoẻn cười. Người ta khiêng cậu vào phòng của gia nhân. Ông y sĩ đến, khám cho cậu và hỏi chỗ nào đau.

- Đau ở khắp nơi, nhưng không sao cả. Chỉ phải làm phiền ông chủ. Phải báo cho bố tôi biết tin.

Alyosha nằm hai ngày, ngày thứ ba người ta cho gọi cố đạo tới.

- Sao thế, chẳng lẽ anh sắp chết à? – Ustinia hỏi.

- Thì biết làm sao được? Chẳng lẽ ta cứ sống mãi sao? Thì cũng đến lúc phải chết, - Alyosha nói nhanh, như mọi khi. – Cảm ơn Ustinia vì đã thương tôi. May mà người ta không cho ta lấy nhau, chứ không thì chả biết thế nào nữa. Bây giờ thì mọi chuyện ổn hơn rồi.

Cậu cầu nguyện với cha cố chỉ bằng tay và bằng trái tim. Trong trái tim cậu cảm thấy thật dễ chịu bởi đã vâng lời và không giận hờn ở đây, thì ở bên kia cũng sẽ tốt đẹp.

Cậu nói ít, chỉ xin nước uống và ngạc nhiên vì chuyện gì đó.

Cậu ngạc nhiên vì chuyện gì đó, rồi duỗi người ra và chết.

 

    

 

 



[1] Chỉ người ngốc nghếch (trong dân gian Nga, cái nồi thường hay được dùng để ví với cái đầu, “đồ nồi đất” tương tự tiếng Việt là “đồ đầu đất”)

[2] Nguyên văn лопоухий (lopo-ukhi) nghĩa đen là người tai dài, nhưng nghĩa bóng là người chất phác, ngốc nghếch.