24112024Sun
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Vị phố, vị quê

Sài Gòn trước Giáng sinh bao giờ cũng lạnh. Cái lạnh se se của đất trời nghe quen quen như không khí của giờ này năm ngoái, nhưng lại lạ ơi là lạ so với không khí của những ngày còn lại trong năm.

Vào thời gian này, Sài Gòn có thêm một chút hơi nước lành lạnh tỏa ra trong cái gió trời phương Nam tưởng chừng như lúc nào cũng nóng bức. Hơi lạnh quẩn quanh, mênh mang trên đường phố vào mỗi hừng đông còn mờ sương hay khi hoàng hôn bắt đầu lặn xuống bên phía bờ kia của sông Sài Gòn. Chỉ cần một chút hơi sương lạnh đó thôi, trong hai khoảng khắc ngắn ngủi của ngày, cũng đủ khiến cho công dân thành phố xúng xính áo mũ, khăn quàng, ríu rít thở than mà như… khoe với nhau “trời ơi, lạnh gì mà lạnh dữ”. Rồi lại lục tục kéo nhau chui vào thang máy. Đi lên thật cao chui vào trong những tòa cao ốc, nghe cái hơi lạnh quen thuộc tỏa ra từ những chiếc máy điều hòa trong công sở, lòng cứ tần ngần tiếc rẻ phải chi giờ này được đứng thêm trong cái lạnh ở ngoài kia một lát.

images1244478 khoai 1

Mót khoai. (Ảnh: Internet)

Năm nào cũng vậy, khi khí trời bắt đầu có chút hơi gió lạnh, những chiếc máy điều hòa ở nhà tôi mới được nghỉ phép vài hôm sau khi đã cật lực phục vụ gia chủ quanh năm. Giữa khuya tôi còn thức dậy mấy lần kéo chăn cho hai đứa con nhỏ quen nằm tơ hơ giữa nào máy lạnh, nào máy quạt hết đêm này sang đêm khác. Sáng dậy đưa con đi học, tôi cứ bắt tụi nhỏ áo trong áo ngoài dù đứa nào cũng phụng phịu than nóng. Chỉ cần đợi đến cổng trường là chúng trả ngay áo khoác cho mẹ mang về.

Vào những ngày không phải xúng xính áo dài lên giảng đường gặp gỡ sinh viên, đợi bóng con khuất sau cánh cổng trường học là tôi phi ngay ra con đường nhỏ men theo bờ kênh Nhiêu Lộc. Con kênh dài uốn quanh trong lòng thành phố đã được nâng cấp khang trang, sạch sẽ trong chừng vài năm trở lại đây. Tìm một đoạn bờ kênh có những hàng cây xanh thật đẹp, tôi lặng yên ngồi đó, ngắm thiên hạ đang rùng rùng xe cộ ngang qua cho kịp đưa con đi học và vào sở làm buổi sáng; ngắm các ông lão, bà lão thong dong đi dạo dọc bờ kênh. Ngắm các anh chị trung niên hay các em trai, em gái trẻ trung trong áo thun, quần sọt và giày thể thao đang đi bộ. Đợi một chút cho qua giờ cao điểm, tôi lại lái xe chạy rì rì dọc bờ kênh, nghe cái lạnh thực sự chui vào cổ áo, thoáng rùng mình để rồi nhớ, trời ơi là nhớ cái lạnh của quê nhà xa lăng lắc.

Chiều đón con tan trường về trong những buổi chiều se se như thế này, thế nào hai mẹ con cũng có tiết mục dừng xe lại bên đường, vừa thổi vừa ăn củ khoai lang nướng nóng sực, thơm phức và to vật vã. Vừa ăn vừa nhờ chút hơi ấm tỏa ra từ bếp than hồng rực của xe bán khoai dạo. Và giây phút ngắn ngủi đó cũng là lúc trả lời cho con câu hỏi: “bếp than là gì”, “than ở đâu mà có” và “tại sao chú bán khoai phải nướng khoai bằng than củi”? Năm nay, khi con lớn hơn lại tiếp tục hỏi thêm một câu ngoài chủ đề năm trước, rằng: “Mẹ ơi, quê ngoại nhà mình trồng nhiều khoai lắm phải không?”. Câu hỏi của con khiến tôi cả đêm nằm trăn trở, nhớ cái dáng lom khom của bà ngoại bên giồng khoai mới đào, nhớ củ khoai lùi trong đống tro bếp cháy đen cháy đỏ vì đứa cháu của bà còn bận mãi chơi.

Quê ngoại của tôi và quê ngoại của con tôi ở Quảng Nam, một vùng đất nằm dọc bờ biển duyên hải miền Trung, xứ sở của nắng hanh, gió Lào, của cát sỏi và của… khoai. Chẳng hiểu sao khoai lang được trồng ở quê tôi nhiều vô kể, có lẽ chỉ có thứ củ dân dã đó mới chịu nổi thời tiết khắc nghiệt trên những vùng đất cát trắng khô cằn. Vào mùa hè nếu ai dám để chân trần mà đi trên cát thì tối về nhà phải nấu nước muối để ngâm đôi bàn chân phồng rộp. Khoai lang quê tôi cũng như người dân quê tôi, lam lũ và chịu thương chịu khó. Khoai trồng ở đâu cũng được, đất nào cũng được, thế nên ông bà xưa mới có câu “khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen” để nói lên cái đặc tính dễ sinh sôi của khoai dù ở bất kỳ vùng đất lạ nào. Nhưng cho năng suất cao nhất và giống củ ngon nhất có lẽ phải là những dây khoai trồng được trên vùng đất cát trắng bạt ngàn như ở quê tôi. Chẳng phải ông bà ngày xưa đã từng nhắn nhủ lại cho con cháu phương pháp trồng khoai qua câu ca dao này sao: “Trăng rằm đã tỏ lại tròn/ Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi”.

Hồi còn bé, vào những ngày hè không phải đến trường, chúng tôi thường được mẹ cho về ngoại chơi (thực ra là mẹ gởi chúng tôi cho ngoại chăm để ba mẹ được rảnh ranh lo kế sinh nhai). Tôi là đứa con gái bé nhất sau hai anh trai nên bao giờ cũng được ông bà cưng chiều nhất. Khi nào đi rẫy gần nhà và vào lúc mát trời, bà đều dẫn tôi theo. Bà cho tôi ngồi trên lưng trâu, còn bà thì mang theo đôi quang gánh, thỉnh thoảng bà dừng lại nhặt những cục phân trâu cho vào thúng, bảo rằng để mang về ủ làm phân bón cho cây. Tôi vẫn nhớ việc đầu tiên khi ra tới đồng là tôi nhảy ào xuống ao nước trong vắt, mát rượi mà bà vẫn hay dùng gàu múc lên để tưới khoai. Sau khi bơi lội thỏa thích tôi mới chịu lên bờ thay quần áo và xem bà lúc thì giâm ngọn, lúc thì ngắt lá non, lúc thì đào củ. Trong kí ức của tôi vẫn tràn đầy hình ảnh của những giồng khoai lang rợp lá xanh trên những mô cát trắng. Ngọn lang được nước, được phân thường tươi tốt và vươn dài bò trên mặt đất. Lá già có màu xanh lục nhưng lá non lại có màu xanh tía, lá mọc ra từ thân phủ loà xoà trên mặt cát. Người quê tôi vẫn thường ngắt đọt rau non vào luộc trong nước sôi và chấm với mắm cái - loại mắm làm từ cá. Món ăn này đã gắn liền với bữa ăn hàng ngày của ông bà tôi và của chúng tôi trong những mùa hè từ ngày xưa xa lắc.

Quẩn quanh bên bà trên những giồng cát trắng hết ngày này sang ngày khác, rồi tôi cũng được bà cho phép tham gia vào công việc… đào bới. Tôi vẫn nhớ mình thường hay thắc mắc với bà tại sao củ khoai lại có nhiều hình dáng như vậy, có củ tròn tròn, có củ dài dài, cũng có củ không tròn, không dài mà hơi méo méo. Kích cỡ của khoai cũng to nhỏ khác nhau tuỳ theo giống khoai và tuỳ theo dinh dưỡng của đất trồng, có củ nhỏ xíu như ngón tay cái nhưng có củ lại to bằng bắp tay người lớn. Củ khoai lang mọc ra từ rễ và trưởng thành dưới mặt đất. Khi thấy khoai đủ lớn, bà tôi bèn cuốc đất dưới những dây khoai để đào củ lên và phân cho tôi nhiệm vụ nhặt củ bỏ vào trong thúng. Khoai tươi thường được người quê tôi đem luộc chín chấm với muối mè hoặc lùi vào bếp tro, đến khi lôi ra vừa ăn vừa phải thổi phù phù vì nóng. Mấy anh em tôi thường cho khoai vào trong vạt áo để tiện chạy đi chơi, thỉnh thoảng lại giật mình thon thót vì củ khoai nóng chạm vào làn da bụng non tơ.

Vào mùa khoai, khi khoai đào lên ăn không kịp, người quê tôi thường xắt khoai thành những lát dày và đem phơi khô để dành cho mùa mưa. Mà mưa miền Trung thì kéo dài nhiều tháng trời và thường xuyên bão lụt, không một thứ cây trồng nào có thể sinh sôi nẩy nở được. Lúc này bên cạnh những bồ lúa gạo dự trữ cho mùa đông, khoai lang cũng trở thành một nguồn thực phẩm chính trong bữa ăn của những gia đình quanh năm làm nông như ông bà tôi. Hơn ai hết, người làm nông quê tôi hiểu được giá trị của củ khoai trong những ngày mưa gió, thế nên dù có may mắn trồng lúa được mùa no vụ, họ vẫn không quên dặn dò con cháu phải biết trân trọng củ khoai vì “được mùa thóc lúa chớ phụ ngô khoai”. Những lát khoai tươi xắt dọc xắt ngang sau khi phơi khô thường được ghế vào cơm. Thường là hai phần khoai, một phần gạo trộn đều vào nhau nấu lên ăn vào những ngày giáp hạt và mùa mưa bão. Đó là những bữa cơm khoai quen thuộc của các gia đình nghèo khó đông con.

Ở những gia đình khá giả hơn thì người ta thường chế biến khoai lang khô thành món khoai chà. Khoai lang khô được rửa sạch và bỏ vào nồi luộc chín cho lát khoai nở to ra và mềm đi. Khoai đã luộc xong được cho vào một cái rổ có nhiều lỗ lớn rồi người ta chà mạnh khoai vào đáy rổ, để khoai nát ra thành từng miếng nhỏ mịn lọt qua những lỗ ấy rơi vào nồi nước đường nâu đã thắng sẵn. Nấu khoai chà phải nấu bằng đường bát mới ngon. Đường bát lại được đập vụn hoà chung với một ít nước bắt lên bếp thắng cho sôi. Đến khi đường tới nước thì đổ khoai chà vào trộn đều, để lửa riu riu cho đến khi đường bám hết vào khoai và hạt khoai thấy khô là được. Độ ngọt ít hay nhiều là do khẩu vị của người ăn mà giảm lượng đường. Món khoai chà này mà được ăn vào mùa mưa bão thì ngon hết biết.

Nhưng dẫu có là món khoai khô độn cơm vào bữa chính hay món khoai chà giữa bữa thì hình ảnh củ khoai từ bao đời nay ở quê tôi đã gắn liền với cái nghèo, với cuộc sống khốn khó của người nông dân quanh năm chỉ biết sinh nhai dựa vào nương rẫy. Người có chút của cải hay giàu có thì người ta đã ăn cơm trắng gạo dẻo chứ có ai phải ăn khoai bao giờ. Bởi vậy mà người ta vẫn mang món rau khoai ra để ví von cho gia cảnh người nghèo, so đo với cảnh nhà giàu no cơm no cá: “Anh đến nhà em ăn cơm với cá/ Em đến nhà anh ăn rau má với lá lang”.

Thân phận người nông dân nghèo cứ gắn chặt với nương rẫy đồng ruộng, hạt lúa, củ khoai. Dẫu cho đôi lúc tủi buồn bởi “nhọc nhằn chẳng muốn ăn khoai” nhưng vẫn phải lao vào công việc đồng áng cực nhọc để mưu sinh, kiếm miếng cơm manh áo. Trong cái nỗi nhọc nhằn bủa vây người nông dân quanh năm suốt tháng làm sao mà thiếu được việc trồng khoai: “Công việc không kịp trở tay/ Ban đêm xách nước, ban ngày giâm lang”.

Sau này khi đã lớn hơn, mùa hè của anh em chúng tôi không còn là quãng thời gian thần tiên vẫy vùng trong làn nước ao mát lành trong vắt hay đuổi bắt nhau trên những đồng cỏ xanh rì nữa. Chúng tôi phải ở lại thành thị để đi học thêm, để luyện thi lên các cấp học cao hơn. Thế là vào mỗi mùa khoai, bà tôi lại tay xách nách mang, đón xe đò lên thành thị, mang cho những đứa cháu thơ của bà những bịch khoai tươi, khoai khô sau một mùa thu hoạch. Mà những đứa trẻ thành thị như chúng tôi, rồi cũng dần quên đi những củ khoai lùi tro thơm phức khi cuộc sống đã đầy đủ hơn. Cha mẹ tôi may mắn làm ăn suôn sẻ, bữa cơm có thêm nhiều thịt cá, có nồi cơm gạo dẻo mà không phải độn khoai. Những bao khoai của bà lặn lội từ quê nhà mang lên cứ nằm mốc meo trong xó bếp, hết ngày này sang ngày khác.

Chiều nay Sài Gòn lại mưa, cái cơn mưa trong chập choạng hoàng hôn cứ ngập ngừng ú òa trên đường tôi đưa con về nhà. Con trai ngồi sao lưng tôi chốc chốc lại thò đầu ra khỏi áo mưa rồi lại chui vào trong áo, miệng cứ lầm bầm “mưa chi mà lạ, chỗ có nước, chỗ lại không”. Xe chạy ngang qua cầu Sài Gòn, hơi lạnh từ dưới sông phả vào trong gió, con trai giật mình ôm chặt lấy bụng tôi rồi than “gió lạnh quá mẹ ơi”. Tôi đưa một tay nắm chặt bàn tay bé xíu của con, kéo sát vào lòng mình. Không biết phải kể như thế nào cho con nghe để con hiểu giờ này, nơi quê ngoại xa xôi có cái lạnh gấp trăm lần như thế. Cũng vào những buổi tan trường như thế này, mẹ cũng đã từng như con ôm chặt lấy bụng ông ngoại trên chiếc yên xe đạp, lùm xùm trong chiếc áo mưa không còn lành lặn. Người cha ở phía trước rạp người đạp xe, và che chắn cho con gái khỏi những cơn mưa quất ràn rạt vào mặt. Khi đến trường đón con gái cưng trong những buổi chiều mùa đông lạnh lẽo và mưa gió như thế này, lúc nào trong túi áo ấm của cha cũng có một củ khoai nóng hổi. Cha bảo con gái vừa thổi vừa ăn cho ấm bụng. Nhưng cho dù cha có cố lấy thân mình che chắn cho con gái bao nhiêu đi nữa, thì lúc về đến nhà hai cha con cũng ướt lướt thướt, tại đứa con gái của cha cũng còn bận lấy thân mình che cho chiếc cặp đựng đầy sách vở.

***

Người Sài Gòn quanh năm phải chịu nóng bức khói bụi nên hân hoan biết bao trong cái không khí se lạnh của mùa đông thành phố. Nhưng cũng chính cái hơi lạnh của thành phố này đã khiến cho những người con xa quê như tôi nhớ nhà muốn khóc. Thèm biết mấy lại được ngồi sau lưng cha trong những buổi tan trường mưa gió bão bùng nhưng ấm áp. Thèm biết mấy được về nhà với mẹ, với anh, cùng ngồi bên nhau cạnh bếp lửa chụm bằng lá thông khô và nồi khoai luộc nghi ngút khói. Cái vị quê hương đậm đà trong từng củ khoai như thế hỏi ai mà không nhớ không thương?

Rồi cái vị lạnh của gió đông, cái vị ngọt ngọt, bùi bùi, thơm thơm của củ khoai dân dã ấy đã theo người dân quê tôi đi khắp bốn phương trời.

Nguồn: http://baoquangnam.com.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/nguoi-quang-xa-que/201602/vi-pho-vi-que-661320/