08102024Tue
Last updateMon, 07 Oct 2024 12am

Phát biểu khai mạc tọa đàm

PHÁT BIỂU KHAI MẠC TỌA ĐÀM VỀ THI SĨ BÙI GIÁNG

(do Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM tổ chức ngày 14/9/2013)

PGS, TS. Võ Văn Sen

(Hiệu trưởng, Trưởng ban tổ chức)

 

            Bùi Giáng là một nhà thơ tài năng kỳ lạ, một nhà nghiên cứu triết học sâu sắc, một nhà phê bình văn học uyên thâm và một dịch giả tài hoa – tên tuổi của ông gắn liền với đời sống văn chương và học thuật ở Sài Gòn suốt từ cuối thập niên 1950 đến năm 1975 và ở TP.Hồ Chí Minh từ đó đến năm 1998, khi ông trút hơi thở cuối cùng. Hôm nay Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm khoa học về ông. Buổi tọa đàm chủ yếu do các giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, cùng các đồng nghiệp ở một số trường đại học khác và những người yêu mến nhà thơ đứng ra tổ chức với mục đích: xác minh thêm một số tư liệu về nhà thơ, bàn bạc đi đến thống nhất đánh giá các giá trị mà nhà thơ Bùi Giáng để lại. Tôi xin thay mặt cho Trường Đại học KHXH và NV – ĐH QG TP. HCM nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu, quý vị đại biểu trong buổi Tọa đàm ngày hôm nay.

            Bùi Giáng sinh năm 1926 ở xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tình Quảng Nam. Đây là vùng quê nghèo, giàu truyền thống yêu nước. Lúc nhỏ ông đi học ở quê, lớn lên học ở Huế, ông chịu ảnh hường sâu sắc các ông thầy của mình: Lê Trí Viễn, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh…những người thầy sau này trở thành những trí thức lớn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mà ông vẫn nhắc đến với sự kính trọng đặc biệt. Năm 1945 ông đỗ bằng Thành chung. Trong Kháng chiến chống Pháp ông đã tham gia kháng chiến với tư  cách là bộ đội công binh. Sau đó ông thi đỗ bằng tú tài của kỳ thi do phong trào kháng chiến Liên khu V tổ chức. Năm 1952, sau khi thi đậu bằng tú tài 2 ban văn chương, ông vào Sài Gòn dạy học. Ông tham gia đời sống giáo dục, văn chương và học thuật của giới trí thức yêu nước tiến bộ ở Sài Gòn. Năm 1965 trước nguy cơ cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ lan rộng, ông cùng với một số trí thức tiến bộ ở Sài Gòn viết thư gửi 5 trí thức nổi tiếng ở phương Tây là Martin Luther King, Jean Paul Sartre, André Malraux, René Char, Henry Miller để phản đối cuộc chiến tranh ấy, kêu gọi hoà bình cho Việt Nam.

            Gần nửa thế kỷ sống và viết, Bùi Giáng đã để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ đến gần 60 tác phẩm, chủ yếu ở 4 lĩnh vực: thơ ca, bình giảng văn chương, nghiên cứu triết học và dịch thuật. Thơ ca của ông là những thử nghiệm, khám phá khả năng diễn đạt của ngôn ngữ tiếng Việt. Tiếng Việt qua thơ của Bùi Giáng trở nên phong phú hơn, đa sắc hơn, lung linh và kỳ bí hơn. Ông đã thể hiện tình yêu với văn hóa dân tộc qua việc bình giảng thơ ca cổ điển: Chinh phụ ngâm, Truyện Phan Trần, Quan Âm Thị Kính, Truyện Kiều, thơ Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Tản Đà…Ông đưa triết học, văn chương phương Tây đến với độc giả Việt Nam qua việc dịch thuật những danh tác cổ điển.

            Sau 1975 ông vẫn tiếp tục làm thơ cho đến khi qua đời vào ngày 7 tháng 10 năm 1998. Hiện nay hầu hết các tác phẩm của ông đã được tái bản và tái bản nhiều lần. Cuốn Hoàng tử bé của ông còn được Giải thưởng Sách hay năm 2011 bình chọn là tác phẩm dịch hay nhất. Điều ấy khẳng định giá trị lâu dài của sự nghiệp văn học mà Bùi Giáng để lại và sự mến mộ của độc giả, nhất là học sinh sinh viên đối với ông.

*

            Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG TP.HCM là một trong hai cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn lớn nhất trong cả nước. Trường chúng tôi có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề khoa học xã hội phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, trong đó có việc nghiên cứu về những đóng góp của các trí thức lớn đối với văn hóa dân tộc. Gần đây chúng tôi đã tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học về Nguyễn An Ninh, Trần Tuấn Khải, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giáp…Sắp tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục tọa đàm về các nhà khoa học, nhà văn mà công trình và tác phẩm của họ để lại dấu ấn sâu sắc đối với thế hệ sau. Buổi tọa đàm về thi sĩ Bùi Giáng cũng nằm trong chuỗi các hoạt động đó.

            Chúng tôi hy vọng rằng qua Tọa đàm này chúng ta sẽ hiểu rõ hơn cuộc đời, tác phẩm, cũng như những giá trị và đóng góp của Bùi Giáng đối với văn chương, học thuật nước nhà.

            Xin thay mặt cho Ban tổ chức, tôi xin cám ơn các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu, quý vị đại biểu đến dự buổi Tọa đàm ngày hôm nay. Kính chúc quý vị sức khỏe và hạnh phúc. Chúc buổi Tọa đàm thành công tốt đẹp.