18042024Thu
Last updateThu, 18 Apr 2024 12am

Trở lại vấn đề “câu đặc biệt” trong tiếng Việt

1. Trong tiếng Việt, có những câu mà trên ngôn bản, chỉ do một từ hay một ngữ chính - phụ tạo thành. Có thể nhận thấy thái độ không giống nhau (biểu thị những quan điểm lý thuyết khác nhau) của các nhà nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt đối với hiện tượng đó.

 

Khuynh hướng ngữ pháp nhà trường trước đây (ngữ pháp truyền thống) không đề cập tới hiện tượng đó. Với khuynh hướng này, câu ít ra phải là một “mệnh đề” bao gồm chủ ngữ và vị ngữ: trong đó, vị ngữ quan trọng hơn chủ ngữ. Vì thế, như Nguyễn Lân sau này đã nói rõ “có thể có những câu chỉ có một từ, nhưng từ ấy phải là một vị ngữ. Ví dụ khi ta bảo một em bé đương trèo lên cây: Xuống, hoặc khi ta bảo một em bé đương khóc: Nín…”, còn những trường hợp khác thì “chỉ hoặc là những trạng từ, những thán từ, hoặc là những bổ ngữ, hoặc nữa là cách viết đặc biệt của mốt nhà văn vì một ngụ ý riêng không muốn theo quy tắc ngữ pháp. Không thể coi những từ hoặc nhóm từ ấy là câu, vì nếu tách chúng ra khỏi đoạn văn thì chúng không thể biểu thị được ý của người viết hay nói” (1).

 

Trong sự phát triển của Việt ngữ học, không né tránh thực tế, tuyệt đại bộ phận các nhà nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt đều thừa nhận những trường hợp nói trên là câu, và có thể gọi những câu ấy là câu đặc biệt. Tuy nhiên, cách xử lý của họ không phải hoàn toàn như nhau. Một số người xem câu đặc biệt là một kiểu độc lập, riêng biệt, không có liên hệ với kiểu câu bình thường (tức là câu có hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ). về mặt cấu trúc. Với Lê Văn Lý (2), thì 94 kiểu câu mà ông nêu ra là 94 kiểu câu riêng biệt, về mặt cấu trúc, trong đó có những kiểu câu chỉ do một từ hay một ngữ chính - phụ đảm nhiệm Các tác giả quyển “Nói và viết đúng tiếng Việt” (3), Nguyễn Kim Thản (4), Lê Xuân Thại (5) khi phát biểu quan điểm cụm từ trong việc nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, Hồ Lê (6) khi bàn vấn đề phân loại câu… cũng đều cô lập câu đặc biệt với câu bình thường, xem câu bình thường và câu đặc biệt tách rời nhau, không có liên hệ với nhau về mặt cấu trúc… Một số người khác thì lại xem câu đặc biệt, về mặt cấu trúc, có liên hện mật thiết với câu bình thường, thông qua vị ngữ. Với Emeneau (7), câu đặc biệt là câu thiếu chủ ngữ. Với Đái Xuân Ninh thì “không có chủ ngữ, câu vẫn tồn tại. Câu chỉ có vị ngữ là câu đặc biệt” (8). Còn Lưu Vân Lăng gọi loại câu này là câu chỉ có thuyết ngữ hoặc câu ẩn đề ngữ. Đây là loại câu đặc biệt” (9).

 

2. Thừa nhận sự tồn tại khách quan của câu đặc biệt trong tiếng Việt, đó là một thái độ “thực sực cầu thị”. Nhưng bản chất về mặt cấu trúc của câu đặc biệt là gì, thì đó là vấn đề không đơn giản. Muốn có được một lời giải đáp phải chăng, cần thiết phải tiến hành phân tích tỉ mỉ đối với các trường hợp cụ thể.

 

a) Quả thực, có nhiều câu đặc biệt có liên hệ với câu bình thường thông qua thành phần vị ngữ. Ví dụ: Đúng, Trưa rồi. Đây là những câu, nhưng nhiều người thừa nhận, chỉ có bộ phận vị ngữ hay thuyết ngữ, đó là bộ phận nói lên đặc trưng nhưng không nói rõ đặc trưng của đối tượng nào, tức là không có chủ ngữ hay đề ngữ. Ở những trường hợp này, câu được gọi là câu đặc biệt là bởi vì nó không giống với câu bình thường, câu bình thường có đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ, còn câu đặc biệt chỉ có một thành phần là vị ngữ.

 

b) Nhưng có những câu đặc biệt hình như lại liên hệ với câu bình thường thông qua thành phần chủ ngữ. Ví dụ: Máy bay. Khi thấy “Máy bay bay”, ta có thể nói “Máy bay!”, khi thấy “Máy bay bổ nhào”, ta có thể nói “Máy bay !”, cả khi thấy “Máy bay đang đỗ trên sân bay”, ta cũng có thể nói “Máy bay !”. Như vậy, có thể cho những câu đặc biệt như câu “Máy bay !” là câu chỉ có bộ phận nói lên sự vật, bộ phận chủ ngữ hay đề ngữ, chứ không có bộ phận nói rõ đặc trưng của sự vật đó, bộ phận vị ngữ hay thuyết ngữ. Mặc dù khôg có bộ phận nói lên đặc trưng của sự vật, nhưng khi nge câu “Máy bay!”, trong một hoàn cảnh xác định, ta vẫn biết được trạng thái tồn tại của sự vật đó (là “bay” hay “lượn”, hay “bổ nhào”, hay “đang đỗ trên sân bay”…). Ở trường hợp này, câu đặc biệt là câu chỉ có một thành phần là chủ ngữ, khi so với câu bình thường là câu có đủ hai thành phần là chủ ngữ và vị ngữ.

 

c) Lại có những câu rất khó xác định dứt khoát là câu đặc biệt chỉ có vị ngữ hay là cau đặc biệt chỉ có chủ ngữ. Ví dụ: Mưa. Trong sự liên hệ với câu bình thường “Mưa rơi”, ta có thể nhận thấy câu đặc biệt “Mưa” là câu chỉ có chủ ngữ. Nhưng trong sự liên hệ với câu bình thường “Trời mưa”, thì câu đặc biệt “Mưa” lại là câu chỉ có vị ngữ. Như vậy, trong trường hợp này, hoàn cảnh sẽ giúp chúng ta xác định câu đặc biệt “Mưa” là câu chỉ có vị ngữ hay là câu chỉ có chủ ngữ. Cũng có thể nghĩ rằng “Mưa” là hình thức cùng âm của hai câu đặc biệt, một câu chỉ có chủ ngữ, còn một câu khác chỉ có vị ngữ. Nội dung của hai câu đặc biệt này không xa nhau lắm, bởi vì chính nội dung của hai câu bình thường tương ứng “Mưa rơi” và “Trời mưa” cũng không thật khác nhau.

 

d) Ở những trường hợp trên, câu đặc biệt hiện ra dưới dạng chỉ có một thành phần, hoặc là vị ngữ hoặc là chủ ngữ. Còn thành phần kia là tiềm ẩn (chứ không phải được tỉnh lược) bằng thành phần hiện diện ấy, câu đặc biệt xác lập mối liên hệ với câu bình thường là câu có đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ. Bên cạnh hiện tượng đó, chúng ta có thể gặp những câu đặc biệt vốn do chủ ngữ hay vị ngữ của câu bình thường được dùng tách ra. Ví dụ:

 

Tiến lên !

 

Chiến sĩ, đồng bào ! (Hồ Chủ tịch)

 

Ở đây, câu bình thường có đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ “Chiến sĩ, đồng bào tiến lên” sau khi đã được dùng đảo trật tự “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào” lại được tách ra thành hai câu đặc biệt, câu “Tiến lên !” chỉ có vị ngữ, và câu “Chiến sĩ, đồng bào !” chỉ có chủ ngữ. Rõ ràng trong trường hợp này, câu đặc biệt là kết quả của sự vận dụng cấu trúc của câu bình thường, có mối liên hệ trực tiếp với câu bình thường.

 

d) Đương nhiên, không phải mọi câu đặc biệt cũng đều liên hệ với câu bình thường thông qua vị ngữ hoặc chủ ngữ. Có khi một thành phần khác trong cấu tạo câu bình thường cũng có thể tách ra thành câu đặc biệt. Ví dụ:

 

Ra tới mặt đường, Vị và Cáo đều ướt. Ướt từ đầu đến chân. (Nguyễn Khải)

 

“Ướt từ đầu đến chân” vốn là phần xen, thành phần chú trong câu bình thường, nhưng với thao tác tách phụ câu, nó đã trở thành một câu đặc biệt. Đây chính là đặc điểm cấu trúc của loại câu đặc biệt này trong sự liên hệ với câu bình thường.

 

e) Nhiều câu đặc biệt được tạo ra bằng cách tách thành phần than, gọi ra khỏi kết cấu vốn có của câu bình thường. Ví dụ:

 

Nem ơi !

 

Các đồng chí !

 

Chao ! Trăng đến rằm thì trăng tròn (Học Phi)

 

Thông thường, ta gặp những câu như “Nam ơi, cậu có ở nhà không”, “Nam ơi, về nhà đi”, “Bông hoa này đen quá, Nam ơi. Trong những câu này, thành phần “Nam ơi” có giá trị báo hiệu cho người tên là Nam lưu ý về sự kiện được nói tới trong câu. So với những câu này, câu đặc biệt “Nam ơi !” chỉ có bộ phận nêu lên điều có giá trị báo hiệu, còn bộ phận nói về sự kiện hoặc không hiện ra trong câu khác.

 

g) Thành phần chỉ tình huống trong câu bình thường cũng có thể được tách ra thành câu đặc biệt

 

Ngã ba Tuần Giáo. Xe ầm ầm, cái đi Lai Châu, cái về Thuận Châu (Nguyễn Tuân)

 

Tháng giêng, Mạc Tư Khoa tuyết trắng

 

Một người đi, quên rét buốt xương. (Tố Hữu)

 

…. Tiếng ngựa quan châu thì không kể mùa hồi hay mùa lúa. Quan đi tuần. Quan đi bắt phu làm đường, xẻ núi hầm xe lửa. Quanh năm. (Tô Hoài)

 

Đấy là những câu đặc biệt chỉ có một thành phần, thành phần chỉ tình huống, đặc điểm này quy định mối liên hệ giữa loại câu đặc biệt này với câu bình thường có đủ thành phần “tình huống - sự kiện”.

 

3. Những trường hợp cụ thể vừa nêu lên trên đây chưa bao quát hết được các loại cấu tạo, các cách hình thành câu đặc biệt. Tuy nhiên, chừng ấy dữ kiện cũng đủ chứng tỏ rằng không thể giản đơn coi tất cả mọi câu đặc biệt là câu chỉ có vị ngữ hay thuyết ngữ, càng không thể giản đơn cho câu đặc biệt là câu không xác định được thành phần, là câu có cấu trúc riêng biệt, cô lập, không có liên hệ gì với câu bình thường. Loại câu này, sở dĩ được gọi là câu đặc biệt là vì được xem xét trong mối liên hệ với câu bình thường, nó là kết quả của sự vận dụng cấu trúc bình thường.

 

Như chúng ta đã biết, câu là đơn vị của lời nói, có số lượng rất lớn và có cấu tạo rất đa dạng. Mặc dù vậy, từ trong cái đa dạng đó, bằng sự trừu tượng hóa khoa học, chúng ta có thể rút ra những mô hình cơ bản, đấy là mô hình cấu trúc của câu bình thường. Nói một cách khác, câu bình thường là câu được cấu tạo theo đúng mô hình cấu trúc cơ bản của câu, các kiểu câu khác, bao gồm cả câu đặc biệt, với những biến thiên, những bước quá độ không giống nhau, đều có liên hệ với mô hình cấu trúc cơ bản đó. Một từ hay một ngữ chính - phụ một mình đứng làm câu, câu một thành phần nhưng đấy là thành phần gì thì phải xem xét và đoán địh một cách cụ thể, trong mối tương quan với cấu trúc của câu bình thường.

 

Đương nhiên, nói đến câu mà chỉ đề cập đến mặt cấu trúc không thôi thì chưa đủ. Câu có những đặc trưng có giá trị khu biệt nó với những cái không phải là câu, đó là tính độc lập tương đối của câu trong chuỗi lời nói. Nếu thiếu tính độc lập tương đối đó, thì những cấu trúc vừa nói ở trên đều không phải là câu mà chỉ là một thành phần hau một bộ phận trong câu khác. Đối với câu đặc biệt, đặc trưng về tính độc lập tương đối ấy được thể hiện ở cả hai mặt, mặt nội dung và mặt hình thức. Về nội dung đó là mục đích phát ngôn, về hình thức, đó là ngữ điệu (khi nói) và dấu ngắt câu (khi viết). Có thể nói tính độc lập tương đối là cái thế để cho câu tồn tại với tư cách câu. Chỉ xét riêng về mặt hình thức, tức là về ngữ điệu, cũng đủ để thấy rõ đặc trưng về tính độc lập tương đối quan trọng như thế nào đối với câu đặc biệt, chính nhiều nhà ngôn ngữ học đã xác định rằng “ngữ điệu có một ý nghĩa đặc biệt trong câu một từ” (10), “cứ có giọng điệu, một từ gũng có thể thành câu” (11).

 

Tóm lại, vấn đề câu đặc biệt tuy không phải là một vấn đề lớn, nhưng nó lại là một trong những vấn đề có giá trị thử nghiệm đối với các quan niệm về cú pháp học. Trở lại vấn đề đó thực chất là gợi lên một sự thảo luận trong quan niệm tổng thể về câu, khi nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt. Đó chính là mục đích mà báo cáo ngắn này muốn đặt ra.

 

Chú thích

 

1. Nguyễn Lân, Một vài ý kiến về cách phân tích câu, Ngôn ngữ, 1979, số 2, tr. 46.

 

2. Lê Văn Lý, Le parler Vietnamine, Paris, 1948.

 

3. Nguyễn Kim Thản, Hồ Lê, Lê Xuân Thại, Hồng Dân, Nói và viết đúng tiếng Việt, Hà Nội, 1967.

 

4. Nguyễn Kim Thản, Một số vấn đề về việc biên soạn một quyển ngữ pháp phổ thông, Ngôn ngữ, 1969, số 1, tr. 36.

 

5. Lê Xuân Thại, Cụm từ và phân tích câu theo cụm từ, Ngôn ngữ, 1969, số 2. tr. 32.

 

6. Hồ Lê, Về vấn đề phân loại câu trong tiếng Việt hiện đại, Ngôn ngữ, 1973, số 3, tr. 36.

 

7. M. B. Emeneau, Studies in Vietnamese (Annamese) Grammar, Berkely and Los Angeles, 1951.

 

8. Đái Xuân Ninh, Một số vấn đề về cú pháp tiếng Việt hiện đại, Ngôn ngữ, 1969, số 2, tr. 58.

 

9. Lưu Vân Lăng, Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt trên quan điểm ngữ đoạn tầng bậc có hạt nhân, Ngôn ngữ, 1979, số 3, tr. 60.

 

10. A. I. Smirnickij, Sintaksis engliijskogo jazyks (bằng tiếng Nga), Moskva, 1957, tr. 105.

11. Nguyễn Kim Thản, như chú thích (4), tr. 55.