28032024Thu
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Hình thức và nội dung nhìn từ tri nhận luận (Một vài ghi nhận)

(Trịnh Sâm, Tạp chí  Ngôn ngữ số 7/ 2015)

1. Dẫn nhập

Do nhiều lý do khác nhau, hình thức và nội dung, mối quan hệ giữa chúng, là những vấn đề đã được nhiều ngành khoa học quan tâm và lý giải rất khác nhau. Quan điểm Maxism lý luận rằng, nội dung quyết định hình thức, hình thức tác động lại bình diện nội dung, còn cấu trúc luận lại biện giải, nội dung và hình thức thống nhất ngay trên mặt hình thức của nó. Liên quan đến vấn đề này, từ lâu ngôn ngữ học đã đề cập đến mối quan hệ giữa âm và nghĩa, giữa năng biểu (signifiant) và sở biểu (signifié) và thường nhìn nhận đó là mối quan hệ có tính võ đoán, ngoại trừ các trường hợp mô phỏng âm thanh như róc rách (tiếng suối chảy), xình xịch (tiếng xe lửa chạy), meo meo (tiếng mèo kêu) và mô phỏng cấu âm, đơn cử như trường hợp liên hội giữa phát âm chúm môi vần um trong bụm, chụm, chúm, núm, túm, xúm, khúm núm và hiệu quả ngữ nghĩa do chúng mang lại.

Ngôn ngữ học tri nhận nhìn nhận vấn đề có khác với truyền thống. Trước hết, những trải nghiệm của con người là kết quả của một sự tương tác với chính cơ thể mình, với môi trường tự nhiên và với tha nhân được ngôn ngữ chuyển tải hoàn toàn có thể giải thích được. Chẳng hạn, các ẩn dụ nguyên cấp như Tình thương là hơi ấm, Nhiều hơn thì hướng lên, Gần nhất thì trước nhất, kết quả của mối quan hệ đồng xuất hiện trải nghiệm. Nói cụ thể, hơi ấm liên quan đến tình thương, trải nghiệm chung của đứa bé được cha mẹ cho bú mớm, bế bồng, ôm ấp, vỗ về, ở đây tình thương cùng xuất hiện với hơi ấm; tương tự, đối với một vật thể, như một đống gạo, một đống củi khi ta thêm nhiều gạo vào, nhiều củi vào thì nó sẽ cao hơn lên, nghĩa là ở đây có mối tương quan trải nghiệm về gia tăng số lượng và gia tăng độ cao; khi bạn rơi vào một trạng thái không bình thường, chẳng hạn đang ngủ có trộm vào nhà, để tự vệ bạn vớ bất kỳ một vật dụng gì gần bạn nhất, khi buồn hay đau khổ bạn thường nghĩ đến hoặc chia sẻ với những người thân cận nhất.

Thứ đến, dù nói hay viết, mọi giao tiếp đều xảy ra trong thời gian và theo trật tự tuyến tính, mà thời gian thường được ẩn dụ hoá dưới dạng thức không gian, rõ nhất là dưới hình thức văn tự. Nói khác, con người ý niệm hoá hình thức ngôn ngữ dưới dạng thức không gian nên một số ẩn dụ không gian hoàn toàn có thể áp dụng trong giao tiếp. Thực tế là, trước một nội dung X bao giờ chủ thể giao tiếp cũng phải đắn đo lựa chọn một hình thức biểu đạt Y thích hợp. Do vậy, với ngôn ngữ học tri nhận, không có loại câu đồng nghĩa thật sự, mà về nguyên tắc hình thức khác, nội dung khác, thay đổi về hình thức sẽ làm thay đổi ngữ nghĩa, dù có thể đó chỉ là sự thay đổi rất tinh tế.

Tiếp theo, với ẩn dụ đường dẫn (conduit metaphor), mối quan hệ giữa hình thức và nội dung được hình dung là mối quan hệ giữa vật chứa và vật được chứa, trong đó theo suy luận thông thường, hễ vật chứa nhỏ thì thường có nội dung nhỏ, vật chứa lớn thì nội dung lớn.

Bài viết này dựa vào cách mà con người không gian hoá, đặc biệt dựa vào các ẩn dụ không gian hoá để xem xét một số cách tạo nghĩa cho hình thức ngôn ngữ.

2. Càng nhiều hình thức càng nhiều nội dung (More of form is more of content)

Cũng giống như một số ngôn ngữ, tiếng Việt hay dùng một số biện pháp cơi nới hình thức biểu đạt để mở rộng nghĩa theo những chiều kích khác nhau.

 2.1. Hãy so sánh các phát ngôn sau: Cô ấy khóc./ Cô ấy khóc, khóc và khóc và khóc. Phát ngôn sau chỉ ra mức độ khóc nhiều hơn và liên tục hơn so với phát ngôn trước. Hay Thằng bé đi, đi mãi, đi mãi, chỉ ra việc đi nhiều hơn rất nhiều so với Thằng bé đi.

2.2. Thông thường, với hạt nhân nghĩa đẹp, chúng ta sẽ có các dạng thức phát triển sau: (i), Đẹp ơi là đẹp; Đẹp đẹp là; rất ư là đẹp (ii), kéo dài nguyên âm  chính đẹ- ẹ- ẹ- ẹ- ẹp. Từ hạt nhân nghĩa nhỏ (i), có thể nói nhỏ ơi là nhỏ, nhỏ nhỏ là, nhỏ rí, nhỏ rí ri, nhỏ chút chun, rất rất rất nhỏ (ii), kéo dài rấ- ấ-ấ- ấ- ất  nhỏ, rất  hoặc nhỏ-ỏ-ỏ- ỏ. Trong phương ngữ Nam Bộ, để chỉ mức độ lớn từ hạt nhân nghĩa bự, cũng có thể nói (i), bự ự ự ự ự (ii), bự chảng, bự chảả ả ả ng bành ky.

Rõ ràng các dạng thức kéo dài hoặc mở rộng hình thức đã làm cho nghĩa của hạt nhân mở rộng, đặc trưng đẹp sẽ đẹp hơn, nhỏ sẽ nhỏ hơn, bự sẽ bự hơn.

2.3. Phổ biến nhất là biện pháp lặp: Người người so với người, nhà nhà so với nhà, ngày ngày so với ngày, gật, gật và gật so với gật, thương thương quá, so với thương, (đen) sì sì so với (đen) sì, vội vội vàng vàng so với vội vàng.

Hình thức lặp lại đã biển đổi một danh từ, từ số đơn sang số phức, một động từ với nghĩa đơn nhất thành liên tục và hoàn thành, một tính từ làm cho nghĩa của nó gia tăng.

2.4. Đối với hiện tượng láy, tình hình có phần phức tạp hơn. Loại láy hai có thể nhận diện yếu tố gốc, bên cạnh việc hệ thống này vẫn tuân theo nguyên lý đang phân tích như lạnh lẽo, lạnh lùng, so với lạnh; nhỏ nhoi, nhỏ nhắn, nhỏ nhặt so với nhỏ, còn có lệ ngoại, dường như càng nhiều hình thức càng ít nội dung như tim tím so với tím, đèm đẹp so với đẹp. Các dạng thức láy có thể nhận diện yếu tố gốc còn lại, nhìn chung đều cho thấy càng nhiều hình thức biểu hiện càng nhiều nội dung như những trường hợp điển hình sau đây:

Ví dụ: tí  → tí ti → tí tì ti → tí tỉ tì ti; sạch → sạch sanh → sạch sành sanh → sách sạch sành sanh; xốp → xốp xộp → xốp xồm xộp → xốp xộp xồm xôm.

2.5. Ở dạng điển hình, thông thường lượng thông tin của diễn ngôn càng lớn, càng quan trọng, càng khó dự đoán thì hình thức ngôn ngữ càng dài, càng phức tạp.

 Hãy so sánh:

(i) Ở sân bay tôi đã gặp một cô gái rất dễ thương.

(ii) Ở sân bay tôi đã gặp một cô gái có mái tóc vàng bồng bềnh, với cặp mắt ướt, buồn rười rượi mà ngay cái nhìn đầu tiên, tôi biết, tôi đã phải lòng cô ấy.

(iii) Kể nhau nghe cái gió chuyển mùa, bài hát sướt mướt, một cuốn sách hay, rên rỉ về một nỗi buồn và không đưa ra lời hứa hẹn.

(vi) Kể nhau nghe cái gió chuyển mùa, bài hát sướt mướt vừa nghe được chiều nay, một cuốn sách hay tìm thấy được trong gánh ve chai, hay rên rỉ về một nỗi buồn quéo râu ria, vô cớ đến chiếm đoạt từng tế bào và không đưa ra lời hứa hẹn nào rằng sẽ ra đi sớm (Nguyễn Ngọc Tư, Đong tấm lòng).

Dễ thấy, lượng thông tin, tính phức tạp, độ nổi trội và tính bất ngờ của các định ngữ ở (ii) so với (i), ở (vi) so với (iii) là rất rõ ràng, nói khác ở đây có sự tương quan về lượng giữa nội dung và hình thức diễn ngôn.

3. Càng gần thì tầm tác động càng lớn (Closeness is trengh of effect)

G.Lakoff và M.Johnson (2003) cho rằng, trong tiếng Anh khi người ta  hỏi, ai là người thân cận nhất, thì cũng có nghĩa là họ muốn biết những ai có tầm tác động mạnh mẽ nhất. Thế có nghĩa là, về mặt khái quát, nhận định này có liên quan đến những trải nghiệm về cự ly, khoảng cách và tầm tác động, nó chi phối đến nhiều phương diện của tư duy mà rõ nhất là các ẩn dụ ý niệm không gian trực tiếp hay gián tiếp chi phối mối quan hệ giữa hình thức và nội dung của ngôn ngữ.

3.1 Dễ thấy nhất là là hiện tượng khoảng cách gần của các yếu tố hình thái cú pháp và tầm tác động của chúng đến nghĩa của phát ngôn. Nói cụ thể, nếu nghĩa của hình thái A ảnh hưởng đến hình thái B thì về mặt vị trí A càng gần B bao nhiêu thì tầm tác động về nghĩa của hình thái A đến hình thái B càng mạnh bấy nhiêu.

Đối với tiếng Việt, có thể minh hoạ, trường hợp ta có các hình thái A B C D… trên hình tuyến, có một yếu tố x bất kỳ, nếu muốn bổ nghĩa cho hình thái nào thì phải đặt x ngay bên cạnh yếu tố đó, chẳng hạn:

Để phổ biến một số Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban Nhân dân yêu cầu các Quận, Huyện lập kế hoạch triển khai bao gồm: kinh phí, thời gian, địa điểm, danh sách báo cáo viên, gửi về cho văn phòng Uỷ Ban trước ngày 15 tháng 05 năm 2015.

Diễn đạt phát ngôn trên không chuẩn, có người sẽ bắt bẻ, Nghị quyết được Quốc hội thông qua không phải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sở dĩ có chuyện hiểu nhầm vì ngữ đoạn Quốc hội thông qua tác động trực tiếp lên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do vị trí của chúng kế cận nhau, trong khi lại sắp xếp ngữ đoạn bổ nghĩa và được bổ nghĩa quá xa nhau, và hậu quả là” xa mặt cách lòng”. Ý của người viết là Để phổ biến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh một số nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua…

 Ta tiếp tục quan sát hai ví dụ sau:

(i)                Lọt vào vòng bơi chung kết là mục tiêu của kình ngư đang đeo quân hàm đại uý quân đội, tại giải vô địch thế giới diễn ra vào tháng 8 tới, tại Kazan, Nga. (Báo)

(ii)             Mục tiêu của kình ngư đang đeo quân hàm đại uý quân đội là lọt vào vòng bơi chung kết tại giải vô địch thế giới diễn ra vào tháng 8 tới, tại Kazan, Nga. (Báo)

Cả hai phát ngôn đều không sai. Nhưng có khác nhau về sắc thái nghĩa. Không kể sự khác biệt về độ nổi trội thông tin (Lọt vào vòng bơi chung kết so với Mục tiêu của kình ngư), phát ngôn sau, do sắp xếp các định ngữ liên tục và hợp lý, nói như ngôn ngữ học tri nhận là đã khai thác một cách hiệu quả nguyên lý vị trí từ càng gần thì tác động ngữ nghĩa càng lớn, ở đây vòng bơi chung kết gần với tại giải vô địch thế giới hơn, gần với diễn ra vào tháng 8 tới hơn, gần với tại Kazan, Nga hơn, do vậy thông tin không bị gián cách và mạnh hơn.

Xét tiếp phát ngôn: Giải ngoại hạng Anh chỉ duy nhất có ở Việt Nam trên VTC. (Dẫn lại của Nguyễn Đức Dân, 2013, Từ câu sai đến cây hay). Không kể việc xếp tiêu điểm thông tin nhằm mục đích quảng cáo không hợp lý, tác động của ngữ đoạn chỉ duy nhất có đến ở Việt Nam, là nguyên nhân dẫn đến câu mơ hồ.

Và hẳn phát ngôn: Việc Quốc hội Myanmar bác bỏ sửa đổi 2 điều trong hiến pháp hiện hành trên thực tế làm tiêu tan mọi cơ hội và triển vọng để bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ trở thành tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến vào cuối năm nay, sẽ mạch lạc hơn do có chú ý đến vị trí nổi trội và tầm tác động của các yếu tố gần, so với: Việc Quốc hội Myanmar bác bỏ sửa đổi 2 điều trong hiến pháp hiện hành trên thực tế làm tiêu tan mọi cơ hội và triển vọng để lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ, bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến vào cuối năm nay. (Báo)

3.2. Tính chất gần/ xa và tầm tác động đến nghiã của các yếu tố cú pháp  trên hình tuyến trong tiếng Anh về mặt gây khiến (causation) cũng đã được một số nhà ngôn ngữ học tri nhận chú ý đến.

Ví dụ : (i) Sam killed Harry. (ii) Sam caused Harry to die.

Ở (i) ta có 3 yếu tố  Sam/ Killed/ Harry (Sam giết Harry), động từ giết nằm gần Harry, tác động trực tiếp đến bị tác thể, là nguyên nhân duy nhất, một sự tình duy nhất, do vậy, sự gây khiến mang tính chất trực tiếp hơn. Nói cụ thể, chỉ có một hình thức đơn nhất, từ kill vừa để chỉ nghĩa gây khiến vừa để chỉ nghĩa tác động, tức là một hình thái từ đảm nhận hai vai nghĩa. Trong khi ở (ii), ta có 4 yếu tố: Sam/ caused/ Harry/ to die (Sam làm cho Hary chết), có hai sự tình riêng biệt, cái chết của Harry và những việc làm của Sam khiến cho Harry chết, sự gây khiến ở đây có tính gián tiếp. Thậm chí, có thể nghĩ đến nghĩa nhẹ nhàng: Sam đã mang lại, đã đưa đẩy Harry đến với cái chết, so với Sam giết Harry. Sở dĩ nói được như vậy vì có đến hai từ riêng biệt làm cho (cause) và chết (die) chỉ nguyên nhân và hậu quả. Hiển nhiên, điều này làm cho mối quan hệ giữa hai sự tình nguyên nhân và hậu quả yếu hơn rất nhiều so với phát ngôn trước. Tương tự, ta có các trường hợp: I taugh Greek to Harry và I taugh Harry Greek; Bill sent a walrus to Joy và Bill sent Joy a walrus… Thật ra, những ngữ liệu ở đây có thể được soi sáng từ nguyên lý, hễ hình thức ngôn từ nào chỉ ra sự gây khiến càng gần với hình thức chỉ ra sự tác động thì mối liên hệ gây khiến càng mạnh, hoặc xa hơn, là dùng lý thuyết ảnh tượng (imagery) tức một hình thức biểu trưng, kết quả của sự nội suy dựa vào những trải nghiệm cơ thể của con người để phân tích. Hoặc dựa vào cấu tạo của các yếu tố định danh, kiểu  land yacht để phân tích hình thức và nội dung như G.Fauconnier  và Mark Turner đã làm (2 : 353- 387)

 3.3. Trong tiếng Anh hình thức phủ định do từ đảm nhiệm trong câu và hình thức phủ định do phụ tố đảm nhiệm trong từ cũng có sự khác biệt về nghĩa do ảnh hưởng của tầm tác động gần.

 Hãy so sánh (i) I am not happy. Và (ii) I am unhappy. Thoạt nhìn, dễ tưởng, nghĩa của chúng không khác nhau. Nhưng hãy chú ý vị trí của hai yếu tố phủ định.Tiền tố un đứng liền sát happy nên nghĩa phủ định mạnh hơn, unhappy có nghĩa là buồn; trong khi từ not đứng tách biệt với happy dẫn đến mức độ phủ định yếu, nghĩa not happy có tính trung hoà, có thể chẳng vui mà cũng chẳng buồn.

4. Kết luận

Thừa nhận ẩn dụ là hoạt động của tư duy, xảy ra trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, ngôn ngữ học tri nhận có tham vọng giải quyết một số vấn đề cơ bản nhất về nghiên cứu tâm trí con người. Nếu hình dung phần lớn ẩn dụ đều được hình thành và lệ thuộc vào bản chất cơ thể của chúng ta, vào sự tương tác của chúng ta với môi trường vật chất và thói quen văn hoá thì có thể dựa vào các ẩn dụ nguyên cấp để xem xét các ý niệm trừu tượng, bởi như tri nhận luận xác tín, ý niệm trừu tượng có phần lõi cụ thể và được mở rộng bằng con đường ẩn dụ. Với nhận thức như vậy, chúng tôi hiểu, những phân tích bên trên liên quan đến nội dung và hình thức ngôn ngữ chỉ là những ghi nhận sơ khởi.

 

                                                 Tài liệu tham khảo

1.      Bolinger, D, Meaning and form, Longman, London, 1977.

2.      Fauconnier, G, Turner, M, The way we think ( Chapter 17, Form and  meaning), A member of  the Perseus Books Group, 2002.

 3. Kӧvecses, Z, Metaphor in Culture, universality and variation, Cambridge University Press, Cambridge, 2005.

4. Kӧvecses, Z, Metaphor: A practical introduction, Oxford University Press, New York, 2010 (2002).

5. Lakoff, G, and Johnson, M, Metaphors we live by, University of Chicago Press, Chicago 2003 (1980)

 6. Sharifian, F. et al, Cultural conceptualisation and language, John Benjamins Publishing company, Amsterdam and Philadelphia, 2011.

7. Turner, M, Reading minds: The Study of English in a age of science, NJ: Princeton University Press, Princeton, 1991.