09102024Wed
Last updateMon, 07 Oct 2024 12am

Về ý niệm ngon / dở trong tiếng Việt

           Tóm tắt: Cũng giống như một số ngôn ngữ khác, tiếng Việt thường dùng miền ý niệm nguồn là thực phẩm để kiến tạo nên những ý niệm trừu tượng ở miền đích. Tuy nhiên, nếu như trong tiếng Anh, từ qui trình chế biến, đặc điểm chất liệu, đến mùi vị thực phẩm được khai thác một cách đều đặn thì tiếng Việt, thang độ ưu tiên thiên về việc lựa chọn phẩm chất ngon/dở nhằm mục đích đánh giá. Việc ý niệm hóa như thế, một mặt cho thấy cách tư duy phổ quát của nhân loại, mặt khác còn thể hiện cách lựa chọn riêng của người Việt.

 

Từ khóa: ý niệm, thực phẩm, ngon/dở, thang độ ưu tiện

1. Trí não của con người, thông qua những trải nghiệm hoặc có tính cá nhân hoặc dựa vào hệ thống ý niệm của cộng đồng diễn ngôn, dung nạp, xử lý, lưu trữ, phục hồi và cả truy xuất tri thức không hoàn toàn thụ động mà có tính tương tác theo những phương thức tri nhận nhất định.

1.1. Về khía cạnh thứ nhất, tương tác dễ quan sát nhất là với chính cơ thể của con người mà ngôn ngữ học gọi là những trải nghiệm nghiệm thân.

Trước hết, xuất phát từ thân xác con người (nghiệm thân sinh lý). Thân xác - một thực thể gần gũi, nơi thu nhận thông tin đầu vào, nơi khởi phát những ý niệm cụ thể, nhưng tầm bao quát và ảnh hưởng của nó trong tri nhận không chỉ có thế. Những trải nghiệm tinh thần như nhận thức, cảm xúc và cả trải nghiệm vật chất như tư thế của con người tách biệt với mặt phẳng, vận động trên mặt phẳng, các hướng di chuyển như lên/xuống, trước/sau, phải/trái, cách cảm nhận ở đây/đằng kia, bây giờ/lúc khác của con người đều có thể là nguồn gốc của sự phóng chiếu.

Thứ đến, là tương tác với môi trường vật chất xung quanh (nghiệm thân (với) tự nhiên). Tại đây, quá trình tương tác, chủ thể không thể không tác động đến môi trường tri nhận và đến lượt nó, môi trường tri nhận không thể không ảnh hưởng ngược trở lại. Mặc dù rất đề cao vai trò của chủ thể kinh nghiệm, nhưng ngôn ngữ học tri nhận không phủ nhận chức năng phóng chiếu của hiện thực với tư cách là miền nguồn.

Tiếp theo, là tương tác với người khác (nghiệm thân xã hội), trong mối quan hệ liên nhân, đó là những ràng buộc gắn liền với tri thức nền, với niềm tin, với những chia sẻ chung trong một nền văn hóa chủ đạo (mainstream culture), ngoài ra, không thể không kể đến những giá trị của văn hóa nhóm (subculture).

1.2. Về khía cạnh thứ hai, đó là quá trình và cũng là kết quả của các bình diện tương tác, tập hợp một số phương thức tạo thành một chỉnh thể, quyết định bản chất trí não của con người, đó chính là những mô hình tri nhận, mà về nguyên tắc là một hệ thống mở có tác dụng kích hoạt, giúp con người quy loại, hình thành và lý giải, nội suy những ý niệm trực tiếp hoặc gián tiếp.

Hiển nhiên, cả hai khía cạnh trên đều không thể tách rời các giá trị văn hóa. Trái lại, tương tác văn hóa sẽ chi phối cách thức chúng ta tri nhận. Và cũng như tương tác tri nhận, tương tác văn hóa cũng có cơ sở từ môi trường kinh nghiệm. Z. Kӧvecses [7; 67-68] có nhắc đến bốn trường hợp sau: (i) nhiều miền ý niệm nguồn khác nhau được dùng để nhận hiểu một miền ý niệm đích duy nhất, (ii) một miền ý niệm nguồn duy nhất được dùng để nhận hiểu nhiều miền ý niệm đích khác nhau, (iii) một tập hợp các ẩn dụ để tạo ra miền ý niệm đích là giống nhau trong hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa nhưng việc ưu tiên sử dụng loại nào là không giống nhau và (iv) một số ẩn dụ độc nhất với cả miền nguồn và miền đích độc nhất chỉ có trong một ngôn ngữ và nền văn hóa nào đó. Và trên cơ sở phân tích các ẩn dụ đồng dạng (congruent metaphor) và ẩn dụ thay thế (alternative metaphor) có thể xem xét các mô hình tri nhận trong các ngôn ngữ khác nhau.

 Bài viết này, xuất phát từ cách hình dung, cấu trúc ý niệm gắn kết chặt chẽ và tương hợp với các giá trị văn hóa, trong so sánh với tiếng Anh, thử xác lập một số cách ý niệm hoá về một vài phẩm chất liên quan đến miền ý niệm thực phẩm trong tiếng Việt, mục đích chủ yếu là đi tìm sự khác biệt trong lựa chọn các thang độ ưu tiên, cũng như các biến thể biểu hiện hữu quan.

 2. Nhìn một cách tổng quan, mô hình tri nhận thường có tính phổ quát, nhất là những trải nghiệm đơn giản kiểu như: Tình thương là hơi ấm, Nhiều thì hướng lên, Không biết thì hướng lên, bởi qua kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, con người có thể nhận hiểu và hoạt hoá (enactment) dễ dàng các ẩn dụ ý niệm ấy.

Sự khác biệt, trước đây trong một số bài viết, chúng tôi thường lý giải và căn cứ vào sự biểu hiện đậm/nhạt của một số phương thức tri nhận nào đấy, chẳng hạn như vai trò sông nước, cây trái, thực phẩm trong phóng chiếu, hiểu là những miền nguồn trong tương tác với chủ thể kinh nghiệm, hầu như ngôn ngữ nào cũng có, nhưng rõ ràng đây là những trường ý niệm rất quen thuộc trong tâm thức của người Việt và bên cạnh tính phổ quát còn có sự đa dạng trong tương tác văn hoá.

Cụ thể hơn, xin được minh họa, như  ẩn dụ Cuộc đời là một cuộc hành trình  rất phổ biến trong nhiều ngôn ngữ, nhưng nếu như trong tiếng Anh, tiếng Pháp, hành trình ấy thường liên hội giữa đường bộ - đường đời thì trong tiếng Việt lại là đường thuỷ – dòng  đời.

Nhiều ẩn dụ cho thấy, theo quan niệm của người Việt: sinh ra từ nước (nước nguồn, nước ối), đời người là dòng sông, và khi nhắm mắt xuôi tay là trở về với nước, cái chết, cách kết thúc hành trình là suối vàng, nơi chín suối, nước tiên, nước phật; nghi thức chèo thuyền đưa linh, tục đóng tiền đò bằng cách bỏ vàng, bạc vào miệng người chết. Ngược lại, trong văn hóa phương Tây, con người sinh ra từ cát bụi, chết là trở về với cát bụi, hình ảnh tiễn đưa người chết thường gắn liền với cỗ xe ngựa (carriage, char), tức khởi đầu và kết thúc hành trình đời người đều diễn ra trên đường bộ [12], [13].

Cách tiếp cận này, cho phép chúng ta nhận ra những nét khu biệt hãn hữu nhưng lại rất khó biện giải trong các trường hợp có xung đột giá trị (conflicts among the values) liên quan đến những xung đột ẩn dụ (conflicts among the metaphors) hoặc khi tính đặc thù mờ nhạt, khi nhận thức văn hoá chỉ cho thấy một xu hướng tri nhận thiên về một góc độ nào đó.

Để giải quyết vấn đề này, G. Lakoff và M. Johnson [8] thường nhắc đến thuật ngữ ưu tiên hay thang độ ưu tiên (priority scale), sau này được Z. Kövecses [6] triển khai rõ ràng hơn, chẳng hạn, các ẩn dụ định vị trong tiếng Anh: Nhiều hơn thì tốt hơn (More is better), Nhiều hơn thì hướng lên (More is up) và Tốt thì hướng lên (Good is up), thoạt nhìn dễ tưởng chúng bình đẳng như nhau. Thế nhưng không ít biểu đạt liên quan, hình như đi ngược lại hay mâu thuẫn với ẩn dụ Tốt thì hướng lên, như Lạm phát đang lên cao (Inflation is rising), Tỉ lệ tội phạm đang gia tăng (The crime rate is going up), tức trong trường hợp này, lạm phát, tội phạm là những hiện tượng xấu và như thế hướng lên chưa hẳn là tốt, thế nhưng ẩn dụ Nhiều hơn thì hướng lên thì vẫn tỏ ra bao quát và đó là sự lựa chọn ưu tiên trong tiếng Anh.

3. Trong tiếng Anh, hai ẩn dụ tri nhận sau đây là rất quen thuộc Ý tưởng là thực phẩm (Ideas are food), nghĩ là đun nấu (Thinking is cooking). Và một ẩn dụ khác cũng rất phổ biến trong tiếng Anh và tiếng Việt: Mùi vị cuộc đời là mùi vị của thực phẩm với cả một hệ thống dẫn ngữ rất giống nhau trong hai ngôn ngữ, ngoại trừ cách dùng hai phẩm chất đối nghịch cay đắng - ngọt ngào trong một ngữ đoạn nối như tiếng Anh (But he′ s got bitter - sweet memories of his first appearance there) [1:121], so với ngọt ngào, cay đắng, ngọt bùi được miêu tả riêng trong tiếng Việt.

Bên cạnh đó, ngôn từ về thực phẩm, nhất là về ăn uống xuất hiện khá đa dạng trong tiếng Việt. Thế nhưng độ nổi trội và thang độ ưu tiện lại không hoàn toàn giống nhau.

Hãy chú ý đến sự phong phú trong từ đa nghĩa một cách hệ thống (systematic polysemy) của ăn và sự chuyển nghĩa của nó trong giao tiếp mới thấy hết nỗi ám ảnh của cộng đồng diễn ngôn. Về mặt ngôn ngữ học, lần theo những nét tương đồng nhận thức của từ đa nghĩa trong hành chức, chúng ta sẽ tìm thấy hệ thống ẩn dụ ý niệm tương ứng. Nói khác, hệ thống từ đa nghĩa chính là những dẫn ngữ minh hoạ cho các ẩn dụ, nhất là ẩn dụ phức và ẩn dụ trừu tượng.

Có thể kể đến các ẩn dụ trong tiếng Việt: Con người là thực phẩm, Năng lực, ứng xử của con người là thực phẩm, Vị thế xã hội là thực phẩm, Địa thế là thực phẩm, Công cụ (phương tiện) là thực phẩm, Tài năng là thực phẩm. Từ cách hình dung bên trên, chúng tôi chỉ tập trung phân tích cách ý niệm hoá về ngon/ dở, kết quả của một sự lượng giá, xuất phát từ miền ý niệm thực phẩm, một hiện tượng ngôn ngữ gợi mở nhiều điều thú vị, chứ không đơn giản chỉ là hiện tượng chuyển đổi cảm giác.

3.1.Chúng ta hãy quan sát các phát ngôn sau:

(i) Thân hình của cô ấy rất ngon, Giới chân dài thường có cái dáng ngon, Một đường bóng rất ngon, Bộ vó ông ấy ngon lành, Anh ta ứng xử với bà con lối xóm dở quá, Học lực của thằng nhỏ nhà tôi dở tệ, Tao cũng ngon chứ bộ! Mày có ngon thì đi kiện đi, tao sẽ hầu toà, Ngon thì nhào vô, biết liền hà.

(ii) Cái ghế đó ngon quá, bao nhiêu người thèm muốn, Thời buổi bây giờ ghế ngon giá cả triệu đô, Chỗ đứng ngon.

(iii) Nhà hai mặt tiền ngon ơi là ngon, còn đòi hỏi gì nữa, Xe ngon, Xe chạy ngon, Xe chạy còn ngon, Thuyền ngon, Miếng đất ngon, Điện thoại lắp ráp ở Trung Quốc dở lắm, Phim dở ẹt, sách dở òm, Máy phun thuốc sâu đời mới ngon thiệt, Đang trò chuyện ngon trớn thì nó đến phá đám.

(iv) Ký được hợp đồng béo bở, Không nuốt nổi thương vụ này, Chưa tiêu hóa hết nội dung, Không giảm tải, học sinh rất dễ bội thực kiến thức, Các thầy cô giáo không cần thiết lúc nào cũng mớm kiến thức cho sinh viên, Ngủ ngon, ngủ nướng.

          (v) Ngon ăn, ngon cơm (mỏng cơm, dày cơm), ngon mắt

Có thể thấy, các diễn ngữ liệt kê bên trên trực tiếp hay gián tiếp đều là những ẩn dụ bản thể, tức đều được hình thành từ những trải nghiệm dưới dạng vật thể và chất liệu.

3.2. Ở (i), ngon/dở liên quan đến vóc dáng, sức sống, cách thức ứng xử, năng lực, ở (ii) và (iii) là vị thế xã hội, vị trí địa lý, chất lượng, đặc điểm, ở (iv) là sự kiện, hoạt động, trạng thái, ở (v) là đặc trưng, phẩm chất, tất cả được nhào nặn thành thức ăn, thành thực phẩm.

Như vậy, vị từ ngon/ dở trong tiếng Việt có phạm vi sử dụng rất rộng, tuỳ theo ngữ cảnh có thể tương đương với nhiều ý niệm hoạt động, đặc trưng, trạng thái, tính chất trong nhiều ngôn ngữ.

 Và có thể nói, hầu như tất cả các từ ngữ chỉ hoạt động liên quan đến nấu nướng, bếp núc trong tiếng Việt đều có thể dùng với nghĩa ẩn dụ: lập luận sống sít, độ chín của nhà quản lý, xào sách, xào bài, xào khô, xào ướt (tình yêu), con gái nhà này khê rồi, hâm nóng tình yêu, tình cảm nguội lạnh, thêm mắm, thêm muối vào cho câu chuyện đỡ nhạt; vồ vập quá rồi cũng có ngày cháy khét; thiu rồi, em gái ơi; con gái con đứa bếp núc vụng thối vụng nát, nấu cháo điện thoại, phụ tùng xe máy bị luộc rồi.

 Liên quan đến vấn đề đang bàn, trong tiếng Anh với miền ý niệm Cooking and food, thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp một số ẩn dụ nguyên cấp có hình thức biểu đạt hơi khác với tiếng Việt, như từ công thức nấu ăn (recipe) liên tưởng đến bí quyết hạnh phúc, bí quyết thành công (recipe for happiness, recipe for success), từ một vật phẩm để chế biến món ăn (ingredient) trở thành thành phần trong đầu tư an toàn (the ingredient of safe investment), thành phần của bộ phim (The meeting had all the ingredients of high political drama). Hay, từ một mẩu, miếng thực phẩm (a slice) thành một khoảnh khắc trong  ngày (a slice of day), một thời đoạn trong đời (a slice of life), hoặc từ pha loãng (dilute) trong chế biến thực phẩm trở thành pha loãng niềm tin (dilute a belief), pha loãng giá trị (dilute a value), pha loãng chất lượng (dilute a quality), từ hương vị thực phẩm (flavour) liên tưởng đến hương vị của một lãnh thổ, một đất nước (flavour of Hong Kong, flavour of France), thậm chí hương vị của một thời đoạn (flavour of the month). Nghĩa là, tuy tiếng Việt và tiếng Anh cùng xuất phát từ miền ý niệm nguồn thực phẩm nhưng cách kiến tạo lên miền đích là khác nhau. Với những gì vừa phân tích, trong tiếng Anh có thể nghĩ đến các các ẩn dụ: Bí quyết là công thức nấu ăn, Yếu tố cốt lõi của một hệ thống là thành phần chính của món ăn, Hạ thấp giá trị là pha loãng, Hương vị của một đất nước là hương vị của các món ăn.

3.3.Cần lưu ý, liên quan đến ẩn dụ, Thân thể phụ nữ là thực phẩm ở (i), trong tiếng Anh có: Women are sweet food, đây là những ẩn dụ đặc thù thuộc về ngôn ngữ giới, trong một nghiên cứu về cách nam giới nói về nữ giới và ngược lại, thiên về chiều kích xã hội (the social dimension) [7; 89 -92] rất khác với trường ý niệm được thực phẩm hoá đang phân tích ở đây. Nói rõ hơn, trong tiếng Anh, phẩm chất ngọt ngào (Sweetly) nhìn chung thường được dùng để miêu tả con gái và đàn bà kiểu như She smiled at him sweetly, “Go to sleep”, she said sweetly chứ không dùng để chỉ con trai và đàn ông [1; 119]. Ở (ii) là những hoán dụ, phương tiện, vị trí, chức năng thay cho người, còn (iii) với chức năng thu hẹp trường nghĩa vật chất thông qua một số ẩn dụ bậc dưới: Phương tiện là thực phẩm, vì là thực phẩm nên hoàn toàn có thể đánh giá chất lượng ngon /dở. Các diễn ngữ ở (iv), ngủ ngon, ngủ nướng, tuy chưa phải là lựa chọn ưu tiên trong tiếng Việt, so với ẩn dụ Giấc ngủ là vật chứa và vật chứa nước (ngủ sâu, chìm vào giấc ngủ, trôi vào giấc ngủ, trong giấc ngủ, đi vào giấc ngủ) nhưng cách thức  ý niệm hóa cũng nằm trong xu hướng vừa phân tích, các diễn ngữ còn lại trong mục này về hợp đồng, thương vụ, kiến thức nhìn chung là không khác gì trong tiếng Anh. Ở (v), là những phẩm chất dương tính có phạm vi sử dụng khá rộng.

3.4.Hiển nhiên trong một số trường hợp khi áp đặt một hiện tượng phi vật thể, phi chất liệu thành một vật thể thực thụ, với những chất liệu thực thụ, thậm chí có thể ăn được, có thể nêm nếm được, chẳng qua là người Việt muốn nhận thức về chúng với những mục đích khác nhau. Ở đây các vật thể được cụ thể hóa bằng chất liệu thực phẩm nhằm mục đích đánh giá: ngon, là tích cực, thuận lợi, hướng lên, nằm ở phần dương tính của thang độ, còn dở thì ngược lại.

Có điều, nếu như trong tiếng Anh các hoạt động, thuộc tính, hình dáng liên quan đến thực phẩm từ qui trình chế biến, thành phần, hình dáng chất liệu đến mùi vị đều có thể là miền nguồn trong phóng chiếu lên miền đích một cách đều đặn, thì trong tiếng Việt bên cạnh, một số đặc điểm giống với nhiều ngôn ngữ khác, thang độ ưu tiên thiên về việc lựa chọn phẩm chất ngon/dở, từ đấy, thông qua cái nhìn của chủ thể tri nhận để đánh giá nhiều phương diện của con người, vật thể, cũng như sự kiện.

 4. Việc ý niệm hoá ngon/dở, xuất phát từ miền ý niệm thực phẩm bằng các ẩn dụ bản thể, một mặt cho thấy cách tư duy phổ biến của nhân loại, đó là thông qua miền nguồn cụ thể,  hữu hình, nhiều trải nghiệm để tri nhận các ý niệm trừu tượng, vô hình, ít trải nghiệm hơn, mặt khác còn thể hiện cách lược quy riêng của người Việt, đó là các thuộc tính thuộc chủ đề quen thuộc, thể hiện sự quan tâm thường xuyên của cả cồng đồng diễn ngôn.

                                             Tài liệu tham khảo

1. Deignan A.(1995), English guides 7: Metaphor, The university of Birmingham – Collins Cobuild, Harper Collins Publisher.

2. Fauconnier G. and Turner M. (2002), The way we think: Conceptual intergration and the mind’s hidden complexities, New York.

3. Gibbs R. W. (2006), Embodiment and Cognitive Science, Cambridge University Press, Cambridge.

4. Houdé O. (ed),(2004), Dictionary of  cognitive science, Psychology press, New York and Hove.

5. Kövecses Z. (2000), Metaphor and  emotion, Cambridge University Press, Cambrige.

6.  Kövecses Z. (2002, 2010), Metaphor: A practical introduction, Oxford university press, Oxford.

7. Kövecses Z. (2005), Metaphor in Culture Universality and Variation, Cambridge University Press, Cambrige

8. Lakoff G. and Johnson M. (1980, 2003), Metaphors we live by, The university of Chicago, The United States of American.

         9. Lý Toàn Thắng, (2009), Ngôn ngữ học tri nhận từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb. Phương Đông.

         10. Sharifian F. (2011), Cultural conceptualization, John Benjamins publishing company, Amsterdam / Philadelphia.

11. Sharifian F. and Palmer Gary B, (Eds) (2007), Applied cultural linguictics, John Benjamins publishing company, Amsterdam / Philadelphia.

         12. Trịnh Sâm, (2011a), Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Việt, T/c Ngôn ngữ, số 12.

        13. Trịnh Sâm, (2011b), Dòng sông và cuộc đời, T/c Ngôn ngữ & Đời sống, số 10.

        14. Trịnh Sâm, (2014a), Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Nam bộ, trong “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

       15. Trịnh Sâm, (2014b), Một vài nhận xét về ý niệm ‘tim”, T/c Từ điển học và Bách khoa thư, số 4.

        16. Trịnh Sâm, (2015a), Đặc tính thuỷ trong ứng xử phật pháp của sư Minh Đăng Quang, người sáng lập hệ phái phật giáo khất sĩ ở Việt Nam, trong “Việt Nam học, Những phương diện văn hoá truyền thống”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

       17. Trịnh Sâm, (2015b), Hình thức và nội dung nhìn từ tri nhận luận (Một vài ghi nhận), T/c Ngôn ngữ số 7.

        ( Nguồn, đã in  trong Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 6(38), 11- 2015, tr 26- 30)

                                                                                  

 

 



* PGS.TS. Ngữ văn, Trường  Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.