28032024Thu
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Tư liệu Hán Nôm và nghiên cứu lịch sử văn hóa thời Mạc

Sáng ngày 10-4-2016, tại Phòng A.214, Văn phòng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Bộ môn Hán Nôm đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Tư liệu Hán Nôm và nghiên cứu lịch sử văn hóa thời Mạc” do diễn giả PGS.TS. Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trình bày với sự tham gia của các thầy cô thuộc Bộ môn Hán Nôm, học viên Cao học cùng sinh viên ngành Hán Nôm.

IMG 1450

Diễn giả PGS.TS. Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Buổi nói chuyện giới thiệu về nguồn sử liệu Việt Nam và Trung Quốc để nghiên cứu văn hoá, lịch sử nhà Mạc (1527-1592) Việt Nam, như các thư tịch Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt thông sử … và thư tịch Trung Quốc: Minh thực lục (do Hồ Quảng và một số sử gia khác của nhà Minh biên soạn. Trong bộ sử này có nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến nhà Mạc được chép trong thực lục của Thế Tông, quyển 199, 204, 205, 220, 221 và 259) ;   Hoàng Minh chiếu lệnh ; 安南來威圖冊  An Nam lai uy đồ sách ;  Thù vực chu tư lục ;    Việt kiệu thư ;  西Đông Tây dương khảo (soạn năm Mậu Ngọ Vạn Lịch, 1618) ; Chinh Nam bi (do Điền Nhữ Thành (1500-1563) soạn) ; Trịnh Khai Dương tạp trứ (do Trịnh Nhược Tăng (1505-1580) biên soạn, gồm nhiều tập, trong đó có tập bản đồ An Nam đồ thuyết, cùng hai tập nghiên cứu là安南考An Nam khảoThiên triều chí An Nam đạo lộ, khảo cứu về các đường đến An Nam từ Trung Quốc);   An Nam đồ chí (do Đặng Chung, Phó tổng binh Quảng Đông biên soạn năm Mậu Thân (1608), niên hiệu Vạn Lịch. Sách này phản ánh nhiều mặt của lịch sử Việt Nam, nhất là tổ chức hành chính thời Mạc với các bản đồ hành chính, quân sự đương thời) ; Minh sử ; Gia Tĩnh Khâm châu chí ; Quảng Đông thông chí và  直隸州志Quy Thuận trực lệ châu chí...

Ngoài ra, diễn giả tập trung giới thiệu về văn bia, sử liệu, thơ văn, pháp luật… thời Mạc qua các thư tịch cổ Việt Nam mà diễn giả sưu tầm được. Từ đó có những nghiên cứu và đánh giá khách quan về những đóng góp và hạn chế của nhà Mạc trên các phương diện hành chính, giáo dục khoa cử, kinh tế, nghệ thuật… Qua đó đưa đến kết luận về triều đại nhà Mạc như sau:

- Nhà Mạc thay thế nhà Lê là phù hợp với quy luật khách quan lịch sử;

- Nhà Mạc không cắt đất cho nhà Minh;

- Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh là để thoả mãn yêu sách của nhà Minh nhằm tránh một cuộc chiến tranh đầu rơi máu đổ;

- Có vai trò ổn định đất nước sau nhà Lê, xây dựng chính quyền, hưng thịnh về mặt văn hoá, nghệ thuật, giáo dục…;

- Đình làng và tục thờ thần Thành hoàng bắt đầu từ thời nhà Mạc…

Sau phần trình bày của diễn giả PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, cử toạ đã có những thảo luận, trao đổi với diễn giả, vạch ra những vấn đề nghiên cứu tư liệu Hán Nôm trên địa bàn cả nước nói chung và khu vực Nam Bộ nói riêng.

IMG 1457 1

Toàn thể cử tọa chụp hình lưu niệm với PGS. TS Đinh Khắc Thuân