12122024Thu
Last updateWed, 11 Dec 2024 6pm

in our time, Những nét phác thảo của một phong cách nghệ thuật

1. in our time ?

            in our time trong thời đại chúng ta – là tên gọi một tập sách nhỏ, chỉ vỏn vẹn 32 trang, do The Three Mountains Press xuất bản tại Paris năm 1924 với hình bìa là một tập hợp các mẩu tin thời sự cắt từ các tờ báo đương thời, đặt xen kẽ nhau như một bức tranh cách điệu, với dòng chữ nhỏ phía trên : in our time by ernest hemingway – paris. Trên thực tế, in our time không phải là tác phẩm ra mắt công chúng sớm nhất của Hemingway, vì trước đó, 1923, đã thấy xuất hiện Three Stories and Ten Poems, với mười bài thơ va ba truyện ngắn, nhưng xét về nhiều phương diện, in our time, theo chúng tôi, lại là một sự khởi đầu thực sự.

            Trước hết, để tránh nhầm lẫn, chúng tôi cần nói rõ hơn về nhan đề tác phẩm. Hemingway có hai tập sách có cùng một tên gọi “in our time” : tập thứ nhất vừa đề cập đến ở trên, còn tập thứ hai, xuất bản sau đó một năm, 1925, tại Mỹ, với tên gọi In Our Time (viết hoa), gồm mười bốn truyện ngắn, cùng toàn bộ nội dung tập thứ nhất, các chapter in xen kẽ giữa các truyện, với một vài thay đổi: hai chương 10 và 11 chuyển thành hai truyện Một chuyện rất ngắnNhà cách mạng, trật tự các chương có bị xáo trộn ít nhiều, Chương 18 đổi tên là Đoạn kết( L’Envoi), số thứ tự các chương (1,2,3…) đổi thành số La mã(I,II,III…). Sau này, trong tập Shot Stories by Ernest Hemingway do Hemingway sắp xếp và viết lời giới thiệu, hình thức ấy vẫn được giữ nguyên, và được bổ sung thêm ba mươi lăm truyện nữa. Trong các bài nghiên cứu, phê bình, cho đến nay, vẫn xuất hiện hai nhan đề “in our time” với hai kiểu chữ : in thường và in hoa, để phân biệt. Ở đây chúng tôi cũng theo thông lệ đó.

            in our time gồm mười tam đoạn văn ngắn, được gọi là các chapter [chương], từ Chapter 1 đến Chapter 18. Về nội dung, mỗi chương là một trích đoạn hiện thực với một sự kiện nhỏ, có liên quan đến cuộc sống thời chiến, và trong đó, năm chương thuật lại cảnh đấu bò. Về chủ thể trần thuật, sáu chương được kể ở ngôi thứ nhất, còn lại là với người kể chuyện ẩn mặt. Về nghệ thuật trần thuật, cũng với hình thức xen cài giữa kể, tả và đối thoại như thường vẫn thấy trong các tác phẩm tự sự.

Nhìn bề ngoài, có lẽ in our time không có gì khác biệt lắm so với các truyện ngắn. Tuy vậy, về kích thước thì có vẻ quá khiêm tốn : đoạn ngắn nhất khoảng 70 từ, đoạn dài nhất khoảng 500 từ ; hơn nữa, lại khó mà xem đó là “những câu chuyện”. Trong tình hình những qui cách của truyện ngắn truyền thống đã ngày càng được khẳng định bởi những bậc thày như E.Poe, Hawthorne, rồi O’Henry, Shêkhôv, Maupasssant..., với những truyện rất “chuẩn”, thì cái kiểu dạng khác thường của tập sách vài ba mươi trang kia hẳn đã mang đến một sự băn khoăn không nhỏ cho người tiếp nhận.

            Thực vậy, không phải ngẫu nhiên mà sau khi được đăng ở Little Review số tháng 10/1923 (gồm sáu trong số các chương), thì vào tháng 4/1924, trên tờ the transatlantic review, thấy xuất hiện bài phê bình của một tác giả ký tên M.R. Và tháng 10 cùng năm, Edmund Wilson, nhà phê bình có uy tín lúc ấy, len tiếng trên tờ Dial, rồi tháng 11/1925, Burton Rascoe, chủ bút tờ New York Tribune, tiếp lời bàn luận về in our time. Nếu các tư liệu này là chính xác, chúng ta nhìn thấy ở đó những điều khá thú vị. Từ khi in our time xuất hiện đến lúc nhận được những lời bình phẩm đầu tiên, phải mất sáu tháng, lại với một nhà phê bình giấu tên, và phải chờ thêm nửa năm nữa, mới có bài thứ hai... Có phải, tình hình ấy đồng nghĩa với một sự thận trọng, dè dặt, e ngại, cân nhắc.... đối với một loại sản phẩm hơi quá khác thường ? Cái tựa khá lạ lẫm mà E. Wilson đặt cho bài báo của mình “Mr Hemingway’s Dry – Points” – tạm dịch “Những điểm khô sắc của ông Hemingway” – dường như đã chỉ ra được phần nào thực chất của những trang viết ngắn ngủi kia.

2.  Định danh thể loại

                        Xét trên mặt bằng những tiêu chí thể loại truyền thống của phương thức tự sự, có lẽ, in our time gần với truyện ngắn hơn cả, vì có dung lượng từ nhỏ. Tuy nhiên, thật cũng khó lòng mà xem đấy là tập truyện ngắn thực sự, xét về cả hình thức lẫn nội dung biểu hiện, vì hầu như ở phương diện nào, ta cũng nhận thấy có những bất cập nhất định : kích thước, kết cấu, cốt truyện, nhân vật... Điểm qua những tài liệu liên quan, thấy có tình hình chung là các tác giả thường đề cập đến tác phẩm với một cách gọi gián tiếp nào đó, chứ không – hay không thể – chỉ đích danh thể loại. E.Wilson, trong bài phê bình nói trên, dùng từ “vignettes” [tạm dịch “tiểu phẩm”] để gọi in our time, và chỗ khác, cẩn thận hơn, “dry compressted little vignettes” - [ “tiểu phẩm nhỏ cô đọng, sắc và khô”]. Trong một bài viết sau này về sự kiện đó, Emergence of Ernest Hemingway, Wilson cũng vẫn gọi đấy là “little vignettes”(1). Wallace và Mary Stegner, trong lời giới thiệu cuốn Great American Short Stories, nói đến “vignettes less than a page long” [“những tiểu phẩm dài chưa đầy một trang”] (2) Carlos Baker, trong Citizen of the World, dùng thuật ngữ “miniatures” [bức tiểu họa] để chỉ các chương(3) . Còn trong cuốn Ernest Hemingway, A Life Story, khi đề cập đến cơ cấu của tập In Our Time, nhà nghiên cứu này viết “The vignettes from in our time would appear as interchapters among the longer stories” [Các tiểu phẩm rút ra từ in our time sẽ xuất hiện như là các chương xen giữa các truyện dài hơn](4). Có nghĩa là, từ khi được đưa vào In Our Time, các chương của in our time sẽ có thêm một tên gọi nữa là interchapter, chương xen. Trong bài viết The Origins and Meaning of a Style, Philip Young gọi in our time pamphlet [tập sách nhỏ] ; và khi nói ve In Our Time, ông xác định các chương ấy là interchapter “sketches” [các phác thảo được dùng như kiểu chương xen](5). D.H. Lawrence, với In our Time : A Review, lại dùng từ “mottoes” [đề từ] để chỉ các chương trong in our time khi chúng được đưa vào trước các truyện của tập In Our Time (6) ...

                         Còn bản thân Hemingway, hình như nhà văn cũng chưa hề cho in our time một tên gọi chính thức, mà chỉ nói đến “some writing of mine in the Little Review” [cái tôi viết trên tờ Little Review] như ta có thể tình cờ bắt gặp trong thư giử E. Wilson nhân bài viết của nhà phê bình này về in our time (7). Việc chính Hemingway chuyển hai trong số các chương thành những truyện “ thực sự” như đã nói trên kia cho thấy tác giả không hề vạch một ranh giới dứt khoát giữa hai “dạng” tác phẩm.Cũng khá thú vị khi trong The Selected Short Story by Ernest Hemingway  do Einkeshchein chủ biên, Chương 7 – về biến cố bị thương của Nick –  được chọn in với tư cách một truyện ngắn, bên cạnh những truyện khác.

                        Có thể nói, cho tới nay, mặc dù in our time đã được xem như một thành tựu nghệ thuật hẳn hoi, với chân giá trị của nó, nhưng rõ ràng vẫn chưa được định danh về mặt thể loại, vì hẳn là khó mà tìm được những tác phẩm cùng kiểu dạng để đưa vào  hệ thống của nó. Quả là khi cho rằng Hemingway là nhà cách mạng về phương diện cách tân thể loại, thì đó không phải chỉ là một cách nói màu mè. Nhìn toàn cảnh tác phẩm Hemingway, bên cạnh in our time, còn có thể tìm thấy The Old Man and the Sea [Ông lão và biển cả], rồi A Moveable Feast [Ngày hội di động]..., và các tác phẩm vẫn được gọi là truyện ngắn của Hemingway nữa, cũng không phải là đã “đủ tiêu chuẩn” so với những qui cách thể loại truyền thống. Tuy vậy, trong bối cảnh ranh giới thể loại ngày càng bị xóa nhòa, thì việc cố gắng chỉ ra cho một tác phẩm nghệ thuật nào đó một cái tên nhất định, phải chăng là điều hơi khiên cưỡng ? Và như thế người ta phải xem Ulysses của James Joyce, chẳng hạn, là thuộc thể loại gì khi đó là một tập hợp của mọi hình thức : tự sự, thơ, kịch, nhạc, họa, rồi là hóa đơn, áp phích... và nhiều kiểu cách lạ lùng khác trong nghệ thuật trần thuật ? Bản thân Hemingway chẳng đã từng có lần viết ở trang đầu của A Moveable Feast, một tác phẩm có thể gọi là ký – tùy bút : “Nếu bạn muốn, cuốn sách này vẫn có thể xem như truyện hư cấu...”

                         Rõ ràng, điều mà Hemingway quan tâm hàng đầu không phải là vấn đề thể loại, mà cái làm ông băn khoăn là làm cách nào “viết được loại văn trung thực, thẳng thắn về con người” ; còn hình thức dàn dựng, dường như sẽ tự nó định hình trong từng tình huống, để đạt được mục đích tối thượng kia. Không phải vô cớ mà Hemingway từng bộc bạch ý định nghệ thuật của mình khi đưa in our time vào tập truyện In Our Time với hình thức cứ một chương đi kèm với một truyện : “Tôi làm như thế để đưa ra bức tranh toàn cảnh, xen cài với việc xem xét nó một cách chi tiết”(8) . Và ông so sánh ý đồ đó như việc nhìn bờ biển từ một chiếc tàu, đầu tiên là bằng mắt thường, rồi sau đó, với ống nhòm. Phải chăng ông đã mang lại cho người đọc cái hiện thực đúng như dự định của mình ?

                        Ở đây, có lẽ cần phải suy nghĩ về nhận định củaWallace và Mary Stegner: “... Hemingway ngày càng gia tăng cọ xát với những trói buộc nghiêm ngặt có tính giả tạo của truyện ngắn...” và “Từ những truyện đầu tiên, chỉ là những tiểu phẩm chưa tới một trang giấy, đến truyện cuối cung của ông, chính thật là một truyện ngắn, lại trải ra cả một cuốn sách nhỏ *”(9)

3. Vài nét phác thảo.

Hemingway có làm thơ, tuy vậy, theo Wilson, “thơ của ông không có gì đặc biệt, nhưng văn xuôi thì thuộc loại độc  nhat vô nhị”(10). Đó cũng là sự phát hiện buổi đầu đối với những dấu hiệu khởi động của những bước chân của một “người khổng lồ”, như cách nói của Wallace và Mary. Thực vậy, với in our time, Hemingway “gần như đã sáng tạo một hình thức của riêng ông” (11), cũng là sự định hình cho một phong cách nghệ thuật, mà nhà văn rồi sẽ tiếp nối một cách nhất quán trong các tác phẩm sau này, trước hết là mảng truyện ngắn .

                        3.1. Mười tám chương với mỗi chương là một mảnh thực tại, đã trưng ra cho chúng ta một tập tranh thời sự, là hình ảnh của “thời đại chúng ta”, đúng như tên gọi in our time của tác phẩm. Mỗi bức hình được nhìn ở một góc độ riêng, không trùng lắp, nhưng tất cả lại thống nhất trong một giọng chung, là cùng thể hiện các sắc độ của bạo lực, gắn liền với nỗi bất hạnh của con người dưới sự khống chế của nó. Đây là cảnh một khẩu đội pháo di chuyển trong đêm, với noi lo sợ bị địch phát hiện (Chương 1), cảnh đoàn người di tản đang bị ách lại ở một quãng đường sình lầy trong cơn mưa (Chương 3), cảnh những người lính Đức bị bắn tỉa trong lúc cố leo quabức tường của điểm phòng ngự (Chương 4), cảnh hai toán quân xung đột (Chương 5). Còn kia là cảnh các vị đầu não của chính phủ bị xử bắn trước bức tường bệnh viện trong mưa (Chương 6), cảnh một trận địa pháo đổ nát (Chương 7), lại một điểm bị đạn pháo cày nát nữa (Chương 8). Và đây là hai người trộm thuốc lá bị cảnh sát bắn chết trên đường phố (Chương 9). Còn kia là những cảnh đẫm máu trên sân đấu bò (Chương 2, 12, 13, 14, 16), cảnh một tù nhân bị treo cổ (Chương 17), cảnh truân chuyên của một thanh niên dấn mình cho lý tưởng( Chương 11), rồi là trích đoạn một bi kịch của tình yêu thời chiến( Chương 10).  Cuối cùng, cảnh vua Hy Lạp đang bị quản thúc(Chương 18).

            Dường như đó chỉ là những ghi chép tức thời, không hề gọt dũa, như những mẩu tin mà một phóng viên gửi nhanh về tòa soạn để đảm bảo tính thời sự của nó, và có lẽ, không khó để truy nguyên những chi tiết người thật, việc thật ở đây. Chính vì thế, ngỡ như các chất liệu thô của cuộc sống cứ vậy mà ùa vào tác phẩm một cách tự nhiên nhi nhiên. Nhưng, thực tế, ấy lại là kết quả một sự lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc. Thực vậy, có thể thấy, những  dòng chữ rất ngắn, rất giản dị, và “nguyên chất” ấy lại tiềm ẩn một nội lực nghệ thuật thật lớn lao, đúng như nhận xét của Philip Young “.... những dấu ấn nghệ thuật riêng của ông, chứ không phải ai khác, là cái sắc thái khách quan sinh động, là cái vẻ “thiếu tư tưởng”, là loại văn đơn giản, sắc cạnh một cách đáng kinh ngạc. Những  phẩm chất ấy không in dấu ở đâu rõ hơn (....) ở in our time (12) .

                Thử dẫn ra Chương 6: “Họ bắn sáu bộ trưởng trong hội đồng noi các lúc 6 giờ 30 sáng trước bức tường bệnh viên. Có mấy vũng nước trên sân bệnh viện. Những  chiếc lá rụng ướt nước nằm trên mặt sân. Trời mưa nặng hạt. Mọi cửa chớp của bệnh viện đều bị đóng đinh bít kín. Một trong các vị bộ trưởng đang bị đau thương hàn. Hai người lính mang ông ta xuống cầu thang và đi ra giữa mưa. Họ cố giữ cho ông ta đứng dựa vào tường, nhưng ông cứ ngồi bệt xuống một vũng nước. Năm người kia đứng tựa lưng vào tường hết sức lặng lẽ. Cuối cùng, viên sĩ quan bảo mấy người lính chẳng cần phải cố làm cho ông ta đứng lên nữa. Khi họ bắn loạt đạn đầu tiên, ông ta ngồi xệp trong vũng nước, đầu gục trên hai đầu gối”.

            Có lẽ khó mà tìm thấy ở đây những chỗ dư thừa trong lời kể chuyện. Nhân vật trần thuật có vẻ như hết sức tiết kiệm ngôn từ, đặc biệt với những  tính từ biểu cảm. Và không chỉ ở chương này, ta rất dễ thấy, hầu như ở đâu trong in our time, nhà văn cũng chỉ chú trọng nhiều đến các động từ chỉ hoạt động. Hiện tượng đó đi đôi với một đặc điểm trong cách thức phản ánh sự kiện, tình huống của Hemingway là gần như không hề tỏ bày cảm xúc, hay nói khác đi, là không gây xúc động cho người đọc bằng sự mủi lòng của chính người trần thuật, mà là bằng con đường gián tiếp, tức sự cảm nhận của bản thân người tiếp nhận, qua những  hình ảnh được thể hiện. Hemingway từng có lần dẫn ra những câu trích từ tác phẩm The Sacred Wood của T.S.Eliot để nói về cách viết của mình “Cách duy nhất để biểu hiện cảm xúc trong nghệ thuật là phải tìm kiếm... một tập hợp những đối tượng, một tình huống, một chuỗi những biến cố phù hợp với một cảm xúc đặc biệt ; và thế là, khi những dữ kiện bên ngoài được bày ra, thì ngay lập tức, cảm xúc sẽ được khơi dậy”(13). Chính đó là bí quyết của việc tạo nên những hiệu quả nghệ thuật ma chúng ta tiếp nhận được từ in our time.

                        3.2. Cái sắc thái khách quan, lạnh lùng trong cách biểu hiện của in our time, như vậy, chỉ là lớp vỏ ngoài của một tình cảm sục sôi bên trong, và nói như H.E. Bates, “với nhịp điệu cuộn chảy như dung nham nóng bỏng”(14). Thực vậy, không khó để nhận ra, bên dưới sự khô khan, lãnh đạm của những đoạn văn ngắn ngủi kia, trước hết, là cả một cảm hứng nhân bản mãnh liệt. Sự thực là Hemingway chỉ đơn giản trình bày những bức tranh bạo lực, và không hề bình luận, nhưng ta vẫn nhận ra một các rõ ràng ở đó những cung bậc trầm nhất của sự ngậm ngùi, đau xót. Đúng như Wilson nhận xét “Hemingway đặc biệt thành công trong việc gơi ra những giá trị đạo đức chỉ qua hàng loạt những câu đơn giản (...), và nó mang lại một bản tường thuật đau lòng về những cảnh dã man diễn ra vào thời chúng ta đang sống : bạn không chỉ thấy có những vụ hành quyết chính trị, mà còn là những vụ treo cổ tội nhân, đấu bò rừng, những vụ ám sát của cảnh sát, cùng nhiều tội ác và nỗi sợ hãi chiến tranh nữa...” (15). in our time đã qua nỗi đau mà chỉ ra sự tệ hại của nỗi đau - dường như không ở chương nào mà người đọc lại không bắt gặp máu, sự khổ sở và cái chết. Và tất cả đã cho thấy bộ mặt thật của thực tại, cùng là sự bi thảm cùng cực của con người, của kiếp người.

            Nhưng, điều lạ lùng là, việc thể hiện cái bi kịch ấy, không đi kèm với một sự bi lụy, mà thay vào đó, lại là chất châm biếm, mỉa mai. Sự  thực là, tính đối lập ấy đã được khởi sự ngay từ cái nhan đề “in our time”, bởi đấy chính là một lối giễu nhại nhắm vào một câu nổi tiếng trong kinh Thánh “Give peace in our time, O’Lord” [Lạy Chúa, xin ban sự bằng an cho thời đại chúng con]. Và như thế, rõ ràng, cái bức tranh “thời đại chúng ta” mà Hemingway trưng ra qua tác phẩm nhỏ nay quả là một tiếng cười chua xót. Có thể thấy dù được vẽ lại ở góc cạnh nào, thì các trích đọan đời sống ở các chương cũng vẫn gợi nên cái sắc thái hài hước : những người lính say khướt ngả nghiêng trong đêm tối (Chương 1) ; cái nhốn nháo, hỗn loạn nửa bi nửa hài của đám người di tản (Chương 3) ; cái cảnh huống vừa buồn cười vừa thương tâm, khi những người ở điểm phòng ngự cứ chờ cho những tay cảm tử quân bỏ được một chân qua bức tường thì bắn (Chương 4)... Còn trên sân đấu bò, trong lúc con bò rừng và người đấu đang phải diễn tấn thảm kịch thì đám khán giả vẫn la ó liên hồi và ném các thứ xuống vòng đấu (Chương 13).            Và đây là cảnh treo cổ một tội nhân: “Chúng treo cổ Sam Cardinella lúc 6 giờ sáng trong đường hành lang của nhà lao địa phương. Đường hành lang cao và hẹp. Hai bên là hai dãy xà lim. Không một xà lim nào còn trống chỗ. Những người bị treo cổ được đưa vào. Năm người bị kết án treo cổ ở năm xà lim trên cùng. Ba trong số những người bị treo cổ là người da đen. Họ hết sức sợ hãi. Một trong hai người da trắng ngồi trên giường, hai tay ôm lấy đầu. Người kia nằm mẹp trên giường, trùm chăn kín đầu.           Họ bước ra chỗ khung cửa khoét qua bức tường để đến nơi hành hình. Có bảy người, kể cả hai vị linh mục. Họ phải dìu Sam Cardinella đi. Anh đã ở trong tình trạng như vậy từ 4 giờ sáng đến giờ. Trong khi trói hai chân anh vào nhau, hai người lính canh đỡ anh đứng lên và hai vị linh mục thì thầm những gì đó vào tai anh. “Hãy xứng đáng là một con người, con ạ”, một vị linh mục nói. Khi người ta tiến về phía anh với chiếc bao giấy để chụp lên đầu anh thì Sam Cardinella không còn làm chủ được các cơ thắt của mình nữa. Cả hai người lính vẫn đang giữ cho anh đứng vững đều cùng lúc buông anh rơi phịch xuống. Họ thấy kinh tởm. “Lấy cái ghế đi, Will ?”, một người lính hỏi. “Tốt hơn là kiếm một cái”, người đội mũ quả dưa nói. Khi bọn họ bước trở lại chỗ phía sau dàn ván rút của giá treo cổ - một cái giá rất nặng, làm bằng gỗ sồi cùng với thép đang đung đưa trên vòng bi - thì Sam Cardinella, bị trói chặt, được đặt ngồi tại đó, người linh mục trẻ hơn quỳ bên cạnh chiếc ghế. Ngay trước khi tấm ván rút rơi xuống, vị linh mục đã kịp thời lùi lại phía sau dàn treo cổ” (Chương 17).

             Những sứ giả của Chúa đã chẳng giúp gì được cho con người khốn khổ ấy, mà bản thân Chúa cũng bất lực : “Trong khi trận pháo kích ở Fossalta đang đập nát chiến hào ra từng mảnh vụn thì anh ấy nằm dán sát xuống đất, mồ hôi đầm đìa và cầu nguyện : ôi lạy Chúa xin cho con ra khỏi chỗ này (...) Con tin ở Người, và con sẽ nói với mọi người trên khắp thế giới rằng chỉ có Chúa mới là điều có ý nhĩa trên đời ...” Nhưng sau đó, người lính trẻ ấy đã chết (Chương 8)....

                        3.3. Chương 7, người đọc có dịp gặp gỡ một người lính bị thương nặng, ngồi dựa lưng vào bức tường nhà thờ nhìn ra cảnh đổ nát, ngổn ngang sau một trận pháo. Ta nghe anh nói với người bạn đồng ngũ đang nằm bất động gần đó “Senta Rinaldi, Senta. Mày với tao tự kiếm lấy hòa bình đi”. Người lính muốn từ bỏ cuộc chiến đấu ấy là Nick Adams. Cũng từ đây, Nick sẽ luôn có mặt trong suốt chiều dài những trang viết của Hemingway, mà trước hết là truyện ngắn, với một vai trò đặc biệt quan trọng. “Tất cả những gì Hemingway muốn làm, như có lần ông đã viết, là tiếp tục với một nhân vật trung tâm mà qua đó, ông có thể nhìn thấy bản thân mình một cách trực tiếp, và ông sẽ có những cuộc phiêu lưu của Nick Adams” (16). Qua mảng truyện ngắn, và cả các tiểu thuyết nữa, của Hemingway, người đọc sẽ được chứng kiến những chuyến đi khám phá thế giới ấy của Nick Adams, sẽ thấy nhân vật đặc biệt này đã chịu đựng những  thử thách và tồn tại như thế nào trong cái thời đại đầy bất ưng của mình, đã trải nghiệm  những gì trong cuộc sống kia, và chàng thanh niên ấy đã thể hiện cái tôi của tác giả ra sao. Và cũng không thể không nhận ra rằng, mọi sự việc diễn ra ở đây, trong các “chương” của in our time, chính là nằm trong sự chứng kiến của Nick. Và đặc điểm ấy cũng sẽ là một trong những phương thức hết sức quan trọng trong nghệ thuật xây dựng truyện ngắn của Hemingway .

            Là một tác phẩm nhỏ, nhưng lại hàm chứa những yếu tố nghệ thuật lớn lao, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở để tin in our time thực sự là những  trang viết đặt nền móng nghệ thuật cho các tác phẩm sau này của Hemingway, nhất là truyện ngắn. Và nếu nói như H.E. Bates, “với truyện ngắn của mình, Hemingway đã làm một cuộc cách mạng về phương pháp” [method](17), thì chính thực in our time là cái mô hình chuẩn, không chỉ về mặt kiểu dạng tác phẩm, mà còn là ở những phương diện nghệ thuật khác làm nên cái gọi là cách viết Hemingway, kiểu truyện Hemingway. Ở đây, chúng tôi chỉ mới gợi ra một vài khía cạnh ; trong thực tế, in our time còn ẩn chứa rất nhiều đặc sắc.  

 

                                                                                            TRẦN THỊ QUỲNH THUẬN

                                                                                                (Tạp chí Văn học 3/2000)

* Chuù thích

(1) (7) (10) (11) (13) (15) E.Wilson, Emergence of Ernest Hemingway, Hemingway and His Critics, Hill and Wang, Inc, Massachusetts, 1961, tr55-58.

(9) (2)  Wallace vaø Mary Stegner, Great American Short Stories, Introduction, Dell Publishing Co. Inc., New York, 1957, tr26.

(3)  Carlos Baker, Citizen of the World, Hemingway and His Critics, sñd, tr4.

(8) (4)  Calos Baker, Ernest Hemingway, A Life Story, Bantam Books, Inc., New York, 1970, tr174.

(12) (5) (13) (16)  Philip Young, The Origins and Meaning of a Style, Ernest Hemingway, Richart and Company, Inc., New York, 1952,  tr150 – 153.

(6) D.H. Lawrence, In Our Time : A Review, Hemingway, A Collection of Critical Essays, Prentice – Hall, Inc., Englewood Cliffs, N.J., 1962, tr93.

(14) (17) H.E. Bates, Hemingway’s Short Stories, Hemingway and His Critics, sñd, tr76, 72.



* Tức The Old Man and the Sea (Ông lão và biển cả)