12122024Thu
Last updateWed, 11 Dec 2024 6pm

Những anh hùng nửa trần tục – nửa thần linh và sự triển khai lí tưởng về một kiểu mẫu anh hùng trong sử thi Mahabharata (Ấn Độ)

      Mahabharata là tác phẩm lớn nhất- cả về dung lượng lẫn giá trị nhân bản-của văn học Ấn Độ cổ đại. Trong phạm vi văn học thế giới, Mahabharata là một trong những sử thi đồ sộ nhất.
 

  Một mặt, tuân thủ theo các qui tắc chung của sử thi, mặt khác Mahabharata mang những nét độc đáo của Aán Độ, của phương Đông, cả ở tâm hồn, tư tưởng, cả ở bút pháp văn chương, tạo nên sức hấp dẫn rất riêng và góp phần làm phong phú kho tàng sử thi của nhân loại.

 

Báo cáo khoa học này tập trung vào một khía cạnh nhỏ: Những nhân vật nửa trần tục-nửa thần linh và sự triển khai lí tưởng về một kiểu mẫu anh hùng trong sử thi Mahabharata. So sánh với sử thi Iliad, chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ đặc trưng trong quan niệm nghệ thuật về con người nói chung, người anh hùng nói riêng của sử thi Aán Độ.

 

1. Nền tảng lịch sử của Mahabharata là một thời đại đầy nhiễu nhương xung đột.

 

-Xung đột giữa chế độ thị tộc dựa trên cơ sở huyết thống với chế độ chiếm hữu nô lệ mới manh nha trên cơ sở tư hữu và thể chế nhà nước.

 

-Xung đột giữa hai đẳng cấp BRAHMANA (tăng lữ) và KSHATRIYA (Võ sĩ quí tộc) trong cuộc chiến đấu giành quyền lực tối thượng giữa thần quyền và vương quyền.

 

-Xung đột giữa nội bộ đẳng cấp KSHATRIYA trong những cuộc chiến tranh giành đất đai, mở rộng bờ cõi giữa các vương quốc, các tiểu vương quốc, các bộ lạc cổ đại.

 

Các xung đột này thâm nhập, chuyển hoá lẫn nhau và thể hiện ra thành những cuộc chiến tranh có qui mô to lớn, sức huỷ diệt khủng khiếp của thời kì cổ đại.

 

Mahabharata là kí ức lịch sử về những cuộc chiến tranh như vậy. Tác phẩm kể về cuộc chiến tranh cốt nhục giữa hai chi thuộc cùng dòng họ Bharata. Pandava tấn công Kaurava để giành lại vương quốc của họ đã bị chiếm đoạt một cách bất công.

 

Song qua sự phản ánh của Mahabharata, tính chất của chiến tranh đã được khúc xạ đi nhiều. Bằng cớ là trong giải pháp tìm kiếm hoà bình của Pandava, họ chỉ cần 5 làng nhỏ, thay vì cả một vương quốc, miễn là tránh được xung đột đổ máu với các anh con bác của mình. Chỉ khi Duryodhana nhất định cự tuyệt: “Không một tấc đất cắm dùi !”chiến tranh mới trở nên không sao tránh khỏi. Xung đột chủ yếu giữa Pandava và Kaurava là xung đột giữa tinh thần bình đẳng và bác ái, yêu thương, hoà hợp (vốn là truyền thống đạo đức của thời kì Công xã nguyên thuỷ, đồng thời là khát vọng của người Aán) với cái phi đạo lí, bất công, hiềm tị và thù hằn (là bản chất gắn với cơ sở tu hữu và thể chế Nhà nước của các quốc gia chiếm hữu nô lệ mới hình thành). Ở đây, ta thấy cuộc chiến tranh giữa DHARMA (một trong những nghĩa của từ DHARMA là Đạo lí, Lẽ phải) và ADHARMA (Phi đạo lí). Người Aán gọi chiến tranh trong Mahabharata là DHARMAKSHETRE (chiến tranh bảo vệ DHARMA).

 

Đây là điểm khác với Iliad. Trong Iliad, mỗi anh hùng Achille và Hektor đều đại diện, kết tinh tất cả vẻ đẹp và sức mạnh của dân tộc mình, chiến đấu cho quyền lợi của dân tộc, không ai chính nghĩa và phi nghĩa. Trong khi đó, Mahabharata có sự phân biệt chính nghĩa và phinghĩa, thể hiện khá rõ sự đối lập giữa người với người theo các nguyên tắc đạo đức.

 

Mahabharata không chỉ không thể hiện xung đột DHARMA –ADHARMA thành cuộc giao tranh giữa hai phe Pandava –Kaurava trên chiến trường mà còn chủ quan hoá xung đột đó trong sự đấu trnh và khắc phục giữa cái cao thượng và cái thấp hèn, ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn của mỗi nhân vật. Trong Mahabharata có câu: “Không một người đức hạnh nào lại đủ kiên cường để suốt đời giữ vững phẩm hạnh, cũng như không một kẻ tội lỗi nào lại quá xấu xa để sống trọn vẹn cuộc đời trong vũng bùn tội lỗi. Đời là một cuộn chỉ rối tung và trên thế gian này, không có ai không làm cả việc thiện lẫn điều ác. Mỗi người và mọi người đều phải gánh chịu lấy hậu quả những hành động của mình” (6-tr.97). Với lối tư duy biện chứng như vậy, sử thi này không phân tuyến nhân vật một cách giản đơn theo cực thiện –ác.

 

Sử thi này chia xẻ sâu sắc chân lí ấy trong khi xây dựng hệ thống nhân vật của nó mà ngay cả những anh hùng mẫu mực nhất cũng không phải luôn luôn chiến thắng trong cuộc chiến tâm hồn giữa DHARMA và ADHARMA của bản thân. Ta lưu ý ở đây hiện tượng hàng loạt anh  hùng suy thoái, tha hoá qua tiến trình chiến tranh. Khiến cho cuộc chiến lúc đầu tuân theo những luật lệ cao nhưng càng về cuối các luật lệ đó càng bị vi phạm. Yudhisthira, người anh cả trong năm anh em Pandava, người anh hùng nổi tiếng đạo cao đức trọng đến ngày thứ 14 của cuộc chiến tranh cũng bị dục vọng lôi cuốn để sa xuống con đường của người trần tục.

 

Nếu như trong các sử thi khác, nói chung ta gặp mô hình:

 

(1). Tình huống.

 

(2).Hành động của người anh hùng trả lời tình huống đó.

 

(3) Kết quả của hành động (thường là làm thay đổi tình huống, dẫn đến một tình huống mới) thì trong Mahabharata, nhiều khi ta lại gặp mô hình trên có biến thái chút ít:

 

(1). Tình huống.

 

(1bis). Người anh hùng đắn đo về lẽ nên –không nên, phải –trái, được –mất của hành động.

 

(2). Hành động của người anh hùng.

 

(3). Kết quả của hành động.

 

(3bis). Người anh hùng tự thẩm định về hành động của mình và kết quả của hành động, ở đây nhiều khi họ ân hận, dằn vặt, họ thấy chiến thắng vật chất lại chỉ là một thất bại tinh thần.

 

Trong khi vẫn xây dựng nhân vật chủ yếu bằng hành động, hành động được xem là hình thức tồn tại cơ bản, là tiêu chí giá trị cơ bản của các anh hùng, thì bên cạnh những “hành động bên ngoài” (“là các hành động dứt khoát, trên các thời điểm “nút”, bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật, trong quá trình và kết quả của nó sẽ xảy ra sự thay đổi các quan hệ qua lại giữa các nhân vật, thay đổi số phận riêng tư hay địa vị xã hội của chúng”) tác phẩm còn chú ý soi rọi những “hành động bên trong” (“trong trường hợp của hành động bên trong, các sự kiện xuất hiện trước hết với tư cách là nguyên nhân của các suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật. Trong tiến trình sự kiện, cái bị thay đổi không hẳn là tình trạng của nhân vật mà là trạng thái tâm lí của chúng”).

 

Chú ý soi rọi những “hàng động bên trong”, xung đột bên trong giữa DHARMA và ADHARMA của mỗi nhân vật, sử thi Mahabharata cho thấy cái anh hùng trong quan niệm Aán Độ không bao giờ tách rời các tiêu chuẩn đạo đức, nó bao hàm cái cao thượng, vị tha, yêu chuộng sự hoà bình. Sức mạnh của người anh hùng không chỉ thể hiện trong khả năng hành động mà nhiều khi ở chính sự kiên nhẫn, sức chịu đựng, quyết định lùi bước trước những hành động không xứng đáng.

 

2.Trong khi giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh Troy được qui tụ quanh sự kiện về cơn giận của Achille là linh hồn của Iliad thì cuộc chiến Kurukshetra lại không phải là toàn bộ mối quan tâm của Mahabharata. Mahabharata không chỉ tập trung vào 18 ngày chiến trận mà bao trùm gần như toàn bộ cuộc đời của các anh hùng từ khi sinh ra cho tới tận kết thúc, khi họ từ bỏ trần gian này sang thế giới bên kia. Trong khi lí tưởng anh hùng là lí tưởng duy nhất đối với Iliad thì lí tưởng anh hùng chỉ là một phương diện trong hệ thống các lí tưởng đạo đức –xã hội của Mahabharata mà thôi.

 

Một mặt thì, trên sân khấu vĩ đại của Mahabharata qua 18 ngày chiến trận, chúng ta thấy biểu dương tầng tầng, lớp lớp những dũng sĩ anh hùng chia xẻ khát vọng sống hào hùng: cuộc sống đẹp nhất là cuộc sống với những võ công oanh liệt, cái chết đáng mơ ước nhất là cái chết trên chiến trường như một chiến binh dũng cảm. Chết, đối với các chiến sĩ, không phải là hết, mà là sự hoàn thành bổn phận. (DHARMA đồng thời còn có nghĩa là Bổn phận cá nhân. Theo quan niệm Hindu giáo, mỗingười, tùy theo đẳng cấp của mình mà có một chức năng xã hội riêng và anh ta phải phục vụ và duy trì xã hội như một tổng thể bằng cách thực hiện đầy đủ tinh thần bổn phận nhiệm vụ đó của mình. DHARMA của đẳng cấp KSHATRIYA là chiến đấu). Chúng ta sẽ hiểu vì sao máu, thương tổn, hi sinh luôn được miêu tả đẹp đẽ, thơ mộng, thậm chí ngời sáng (“Bhima đứng hiên ngang trên chiến địa, máu me đỏ lòm khắp mình mẩy, trông như một ngọn lửa đang bốc cháy rừng rực” tr.408). “Như một cán cờ lớn sau ngày hội vui, xác Salya nằm sõng soài trên chiến địa” (tr.432) trong khi cảm hứng say máu, hiếu chiến hoàn toàn không phải cảm hứng chủ đạo của sử thi này. Ngược lại, những kẻ chạy trốn khỏi chiến trường, khước từ bổn phận chiến đấu hiện lên trong Mahabharata qua những bức biếm họa với cái hài –phủ định. Ở đây chúng ta nhận thấy một sự tương đồng với Iliad trong giọng điệu anh hùng.

 

Những mặt khác, kết thúc chiến tranh của Mahabharata lại là một kết thúc khá xa lạ với các sử thi anh hùng khác trên thế giới. Trong bức tranh về chết chóc, buồn đau, thất vọng sau chiến thắng của Pandava hầu như không có cảm hứng ca ngợi mà chỉ hiện ra tính chất rác rưởi, vô nghĩa, đẫm máu của chiến tranh. Thay cho khúc khải hoàn ca chỉ có tiếng khóc của mẹ già, vợ góa, con côi trên khắp thành Hastinapura tang tóc. Yudshithira cúi đầu mà lên ngôi: “Quả là đất nước đã về tay chúng con. Nhưng anh em thân thiết của con đã đi cả rồi. Chúng con đã mất các con cái thân yêu. Chiến thắng này con xem như một thất bại lớn” (6-tr.454). Từ giọng điệu bi thống này định hình nên khái niệm quan trọng của Hindu giáo là AHIMSA (bất tổn sinh – không làm tổn hại một sinh vật sống nào) nghĩa là phủ nhận hoàn toàn đối với chiến tranh.

 

Theo đó, người anh hùng Aán Độ đạt đến chiến thắng trên chiến trường hoàn toàn chưa phải đã đến đích, thậm chí, còn là đã xa đích. Nên họ còn phải tiếp tục lên đường. Và sử thi Mahabharata vì thế không thể dừng sau chiến thắng của Pandava như Iliad có thể chấm dứt sau khi kể về chiến công của Achille. Tác phẩm tiếp tục theo dõi các anh hùng của mình: ba mươi sáu năm cai trị đất nước vẫn không nguôi ân hận, cuối cùng họ đã từ bỏ vương quốc mà cuộc chiến tranh trước đó họ lấy làm mục đích, hành hương lên cao, cao mãi  trên những đỉnh núi Hymalaya. Từ bỏ hoàn toàn cuộc sống gia đình, từ bỏ xã hội, từ bỏ mọi dục vọng, ly viễn cái tinh thần thuần khiết, trong sáng khỏi bản chất vật chất của thế giới. Từ người trẻ nhất trong nhóm, Pandava lần lượt ngã xuống trên đường hành hương. Cuối cùng chỉ còn một mình Yudhisthira tới được cõi trời. Chàng phẫn nộ khi trên thiên đường chàng gặp toàn kẻ thù cũ, còn ở địa ngục lại là các anh em, bè bạn của chàng đang chịu trăm chiều cơ cực. Nhưng đó cũng chỉ ảo ảnh, là thử thách cuối cùng. Yuahisthira phải đi qua cả ba tầng thế giới để tỉnh ngộ rằng trên thiên giới không có chỗ cho lòng hận thù. Anh ta phải vượt trên đối cực của yêu –ghét, thành –bại, hạnh phúc –đau khổ, cũng có nghĩa anh ta phải đi tới giác ngộ bản chất biến đổi, đoản mệnh của thế giới và định mệnh của con người là vượt qua nó. Nghĩa là phải đi tới tuyệt đích MOKSHA (tức từ bỏ, cũng tức là giải thoát).

 

Nếu thời Veda, quan điểm chủ yếu của triết học –tôn giáo Aán Độ là nghiêng về bình diện trần thế, dựa trên cơ sở nghi lễ để thực hiện, duy trì, bảo vệ trật tự xã hội thì đến thời đại sử thi, vấn đề đã có nhiều thay đổi. Đã xuất hiện hai phong trào phê phán quan điểm Veda là đạo Jain và đạo Phật. Cả hai tôn giáo này đều hướng nhiều hơn tới bình diện vĩnh cửu của tồn tại con người, nhấn mạnh tuyệt đích MOKSHA (Giải thoát). NIRBANNA (Niết bàn) chính là cảnh giới  an lạc vĩnh cửu, giải thoát khỏi sinh tử, khỏi mọi khổ đau, phiền não.

 

Vậy, khi nói về thời đại đầy xung đột của Mahabharata chúng ta còn phải nhấn mạnh xung đột này nữa: xung đột giữa DHARMA và MOKSHA, bổn phận và giải thoát, nhập thế và xuất thế. Với người Aán, con người vừa là một sinh vật xã hội vừa là một sinh vật duy nhất có đời sống tâm linh. Là một sinh vật xã hội, nó phải hoàn thành DHARMA của mình (tức bổn phận duy trì, bảo vệ trật tự thế giới trần gian, thế giới vật chất nói chung và xã hội con người nói riêng). Là một sinh vật duy nhất có đời sống tâm linh, nó tìm kiếm MOKSHA  (tức khát khao giải thoát khỏi thế giới vật chất, giải thoát khỏi vòng sinh từ luân hồi).

 

Xung đột DHARMA- MOKSHA cũng được chủ quan hoá khiến các nhân vật của Mahabharata luôn phải lưỡng phân trước đòi hỏi kép mà vận mệnh con người đã giành cho họ.

 

Hai tình tiết trung tâm thể hiện sự căng thẳng (trương lực tension) giữa DHARMA với MOKSHA và cố gắng tìm kiếm những giải pháp hoà hợp giữa hai đòi hỏi trái ngược nhau đò trong tinh thần người anh hùng là:

 

(1). Sự lưỡng lự của Arjuna trước khi chiến tranh mở màn.

 

(2). Sự bối rối của Yudhisthira về vấn đề cai quản vương quốc hay từ bỏ thế giới sau khi chiến tranh kết thúc.

 

a.Sự lưỡng lự của Arjuna và thuyết giảng của Krishna:

 

Trước khi chiến tranh mở màn, nhìn sang bên kia chiến tuyến thấy các thầy học, các bạn bè, họ hàng thân thích, hình dung chết chóc vô nghĩa của họ, Arjuna đau buồn, tuyệt vọng, từ chối chiến đấu. (Chúng ta nhớ Achille trong Iliad cũng từ chối chiến đấu với tinh thần phê phán cuộc chiến tranh, tuy nhiên thái độ phê phán của mỗi anh hùng mang dáng vấp văn hóa khác nhau). Arjuna muốn “rời bỏ xã hội”, cái xã hội đòi chàng phải thực hiện những nhiệm vụ nặng nề, khổ ải. Chàng phủ nhận chiến tranh vì chiến tranh là phản lại thế giới, đi ngược lại ý nghĩa của chính con người.

 

Vào lúc đó, Krishna đã khích lệ tinh thần Arjuna, thuyết giảng cho chàng về hành động. Đối thoại giữa Krishna và Arjuna trở thành “một bài thơ triết lí cỏ vẻ đẹp phithường”, “một cuốn kinh vắn tắt nhất, thâm thúy, hiền minh nhất của nhân loại”: Bhagavad Gita (Bài ca của Đấng Chí Tôn –Chí Tôn Ca).

 

Krishna hiện lên trong tác phẩm với tư cách nhân –thần, vừa là ông hoàng chiến sĩ vừa là hoá thân của thần Vishnu (thần Bảo vệ) tham gia chiến tranh trong vai trò người đánh xe của Arjuna. Cỗ xe và người đánh xe là hình tượng cặp đôi rất quen thuộc trong các kinh điển Hindu giáo cũng như Phật giáo, cho thấy quan hệ của Krishna với Arjuna tượng trưng chủ yếu là một hướng đạo tâm linh. Krishna và Arjuna tượng trưng cho Đức Thế Tôn và Arjuna, Linh Hồn Vô THượng và Linh Hồn Nhân Thế. Khi Linh Hồn Vô Thượng sáng lên trong Linh Hồn Nhân Thế, khi Con Người hoà nhập trong Đức Thế Tôn, Arjuna giác ngô được ý nghĩa đích thực của cá nhân và vai trò xã hội, quay lại hành động.

 

Giải pháp của Bhagavad Gita nói vắn tắt là hành động vô cầu. Chìa khóa đối với sự giải thoát khỏi nghiệp chướng không phải sự khước từ hành động mà là sự thực hiện hành động với một tri kiến thích đáng. Bởi vì chính dục vọng làm dấy lên hành động mới gây ra sự trói buộc của nghiệp, giải thoát khỏi nghiệp vì vậy, liên quan đến , trước hết là sự từ bỏ, sự kiểm soát những dục vọng ích kỉ, cá nhân. Arjuna phải chiến đấu như thể chàng là vũ khí trong tay Đấng Bảo Vệ Vũ trụ, xuất hiện mỗi lần thế giới nguy nan, để tiêu diệt cái ác, bảo vệ thế giới. Bằng cách sống đời mình như một tặng vật cho Đấng Chí Tôn như thế, chàng được hành động vô cầu và vậy là đồng thời vừa thực hiện được DHARMA vừa thực hiện được MOKSHA.

 

b. Sự bối rối của Yudhisthira và cuộc từ bỏ thế giới được hoãn lại.

 

Hậu quả đau buồn của cuộc chiến tranh khiến Yudhisthira, giống như Arjuna trước đây, đau buồn, tuyệt vọng, muốn từ bỏ thế giới để tìm kiếm sự giải thoát trong rừng sâu.

 

Sau đó là cuộc tranh luận giữa Yudhisthira với bốn em trai của chàng và người vợ chung Draupadi của họ. Thực chất là sự cọ xát giữa hai quan điểm Bàlamôn và Kshatriya về xung đột giữa DHARMA và MOKSHA.

 

Cuối cùng, Yudhisthira bị thuyết phục đã từ bỏ nỗi buồn đau thất vọng và cai quản vương quốc. Một trong các cố vấn của chàng nêu lên rằng từ bỏ thế giới trước khi hoàn thành trách nhiệm đối với xã hội, trước đã già là không tự nhiên và không hợp truyền thống. Yudhisthira như vậy khôngbị thuyết phục bởi tính hơn hẳn của thế giới trần gian mà chỉ bị thuyết phục bởi sự cần thiết của nó. Từ bỏ xã hội đối với chàng vẫn là con đường cuối cùng dẫn tới giải thoát và chàng bị thuyết phục để làm vua, bảo vệ trật tự thế giới chỉ vì con đường ấy sẽ trì hoãn lại đến một thời gian thích hợp hơn mà thôi. Kết thúc tác phẩm, khi Yudhisthira đã già và cai quản đất nước nhiều năm, chàng từ bỏ thế giới đúng như mong muốn của chàng sau khi kết thúc chiến tranh.

 

Giải pháp, với Yudhisthira, để hoà giải xung đột DHARMA _MOKSHA như vậy là một giải pháp rất phổ biến của truyền thống Hindu. Nó được trình bày trong mọi sách Luật (Manu) của Hindu giáo trong thời gian gần đồng thời với thời gian của Mahabharata. Cuộc đời lí tưởng được miêu tả như có bốn giai đoạn (ASHRAMAS): (1) BRAHMACHARYA, (2) GRIHASTHA, (3) VANAPRASTHA, (4) SANYASA. Trong hành trình cuộc sống từ sinh đến tử, hai giai đoạn đầu, con người phải tu dưỡng học tập, làm chủ gia đình, tìm kiếm của cải và hưởng thụ hạnh phúc vợ chồng, sinh con đẻ cái, phục vụ xã hội bằng cách thực hiện DHARMA của mình. Hai giai đoạn cuối, giai đoạn tu luyện khổ hạnh trong rừng và giai đoạn gạt bỏ hoàn toàn mọi dục vọng, từ bỏ thế giới, anh ta phải tiến tới nhận thức và thực hiện định mệnh vĩnh cửu của mình là giải thoát (MOKSHA).

 

Tóm lại, chúng ta nói đến những anh hùng nửa trần tục-nửa thần linh của Mahabharata không chỉ vì họ là con của một người cha thần thánh và một bà mẹ trần tục. (Achille trong Iliad cũng là con của một người mẹ thần linh và một người cha trần tục). Mà chủ yếu vì Mahabharata đã thể hiện họ vừa cao thượng vừa thấp hèn, luôn luôn trong cuộc đấu tranh bản thân giữa DHARMA và ADHARMA –Đạo lí và Phi đạo lí, vừa chịu lực hút mãnh liệt của trái đất trần tục này vừa hướng tới thiên giới tâm linh vời vợi cao trên kia, luôn luôn giữa hai đòi hỏi trái ngược DHARMA và MOKSHA-Bổn phận và giải thoát, Nhập thế và Xuất thế-Có cảm giác là so với Iliad, các anh hùng của Mahabharata “văn minh” hơn hẳn. Dù rằng,v iệc các anh hùng đôi khi đắm chìm trong suy tư, chiêm nghiệm hơn là thể hiện nhiệt tình hành động cũng bộc lộ bản tính “yếu đuối” không dễ dàng biện hộ của họ. Mahabharata đã cống hiến cho gia tài chung các anh hùng ca cổ điển của thế giới kiểu mẫu “anh hùng suy tư” “anh hùng –đạo sĩ” rất Aán Độ, rất phương Đông.

 

Để lí giải vấn đề, chúng ta cần chú ý rằng trong quá trình sáng tác –diễn xướng-lưu truyền-sửa chữa, bổ sung để hình thành nên văn bản tác phẩm cuối cùng đến với chúng ta hiện nay, bên cạnh những điểm tương đồng, Mahabharata có khác biệt so với Iliad. Điểm tương đồng nằm ở chỗ dưới cái tên một tác giả cá nhân mang đầy màu sắc huyền thoại: Vyasa hoặc Homer, cả Mahabharata lẫn Iliad, thực ra, đều là công trình của một tập thể đông đảo các tác giả vô danh qua nhiều thế hệ. Còn khác biệt quan trọng là câu chuyện chiến tranh của các anh hùng bộ lạc, các anh hùng dân tộc làm cốt lõi đầu tiên cho sử thi Mahabharata cũng như Iliad đã được các thế hệ thi sĩ, văn sĩ, nói tóm lại là nghệ sĩ, bồi đắp, trau chuốt, thì trong trường hợp của Mahabharata lại được các thế hệ tu sĩ Brahmana (là đẳng cấp có độc quyền trong xã hội Aán độ về lĩnh vực tư tưởng, tri thức, sách vở) nắm lấy, tái tạo và bổ sung. Các tu sĩ Brahmana đã dựa vào câu chuyện anh hùng, sắp xếp lại, sửa chữa lại, đem nó gắn liền với cảm quan tôn giáo, đạo đức. Cái hùng theo quan điểm Võ sĩ quí tộc Kshatriya đã được uốn nắn trong tương tác với cái hùng theo quan điểm Tăng lữ Brahmana. Mahabharata trở nên một sự hoà trộn giữa hai truyền thống lớn trong văn học Aán: (1) truyền thống Sruti (tạm dịch là truyền thống Thần khải, bao gồm các tác phẩm văn chương –tôn giáo, sản phẩm tinh thần của giới tu sĩ, văn chương hướng tới con người trong quan hệ thần thánh, con người cùng khát vọng tâm linh của mình) (2) truyền thống SMRITI (tạm dịch là truyền thống Nhân văn hay truyền thống Thế tục, bao gồm các tác phẩm văn chương –sản phẩm tinh thần của Kshatriya và các đẳng cấp khác thuộc quần chúng nhân dân, văn chương hướng tới con người trong quan hệ với cuộc sống trần gian, con người mang những bổn phận xã hội).

 

Kết quả là từ câu chuyện cốt lõi có đề tài điển hình sử thi trong văn bản ban đầu chỉ có chừng 884 sloka và thuộc thể loại DJAJA (Truyền thoại về chiến thắng của các Kshatriya) Mahabharata đã dần dần phát triển đầy đặn hơn đến văn bản 24.000 sloka thuộc thể loại ITIHASA và cuối cùng, khi đến với chúng ta ngày nay, với 110.000 sloka nó không còn chỉ là một sử thi anh hùng mà đúng hơn là một sử thi anh hùng –thuyết giáo, một bộ bách khoa toàn thư. Người Aán có câu cách ngôn nổi tiếng: “Cái gì không có trong Bharata (cũng tức là sử thi Mahabharata) thì cũng không tìm thấy ở đâu trên xứ sở Bharata” (tên gọi của đất nước Aán Độ). Từ đây, chúng ta có thể hiểu được tính chất đặc biệt rộng lớn trong tầm khái quát hiện thực, khái quát lí tưởng sống của Mahabharata.

 

Sử thi Aán Độ, cũng như văn học Aán Độ nói chung, mang đậm màu sắc tôn giáo và triết học. Một mặt ràng buộc chặt chẽ với tất cả những khổ lụy, biến ảo vô thường, bất tuyệt của thế giới trần gian này, mặt khác, tư duy người Aán luôn vươn tới cái chân lí, cái vĩnh hằng, cái duy nhất. Sử thi Mahabharata là một truyện lớn và kì diệu theo ýnghĩa đó. “Những đau buồn của cuộc sống nhân gian được mô tả với mộtvẻ đẹp cao cả và nó diễn ra trên một toàn cảnh lớn. Đằng sau câu chuyện về những lầm lạc và đau khổ, nhà thơ chúng ta có một ảo tưởng về cõi Thực và cõi Thiên tiên”.

 

  Tư liệu tham khảo chủ yếu

 

1.David.R. Kinsley Hinduism –A cultural perspective Prentice Hall –Englewood Cliffs –New Jersey, 1993.

 

2/\umepamypbl/lHguu

 

Uzgame /\bcmbo “Hayka”

 

1*/\abHaia Pegaku, uaBocmo Hoũ /\umepamypbl, M.1979

 

3. Georges Dumézil Mythe et Épopée

 

Editions Gallimard, 1968

 

4.N.K. Shidharta The Heroic Age of India

 

New York –Alfred A. Knopf –London –Kegal Paul

 

Trench, Trubner &Co., LTD.1930

 

5.The Mahabharata (epic –in 12vol.)

 

Translated by Kisari Mohan Ganguli, Munshiram Manoharlal Publishers –Pvt-Ltd, Fifth edition 1991.

 

6. Mahabharata

 

Cao Huy đỉnh, Phạm Thuỷ Ba dịch.

 

NXB KHXH-Hà Nội, 1979.