20112024Wed
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Thành quả nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản tại Trung Quốc, Đài Loan

(Vũ Thị Thanh Trâm, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN)

Tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản là một bộ phận thuộc văn học Nhật Bản nói chung và văn học chữ Hán Nhật Bản nói riêng. Thế nhưng nếu như thi, từ, thi thoại Hán văn Nhật Bản được các học giả Trung Quốc, Đài Loan quan tâm nghiên cứu từ sớm thì công tác sưu tầm, nghiên cứu và chỉnh lý tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản chỉ mới được tiến hành trong hơn hai mươi năm trở lại đây. Ở địa hạt nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản, người có đóng góp to lớn là giáo sư Vương Tam Khánh thuộc Đại học Thành Công (Đài Loan). Mục đích của bài viết là giới thiệu những thành quả nghiên cứu của giới học thuật Trung Quốc, Đài Loan về lĩnh vực này. Bài viết là sự tổng hợp, chỉnh lý và phiên dịch từ những tài liệu có liên quan đến tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản của học giả Trung - Đài -Nhật.

 

1.Tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản và những vấn đề liên quan

Tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản có số lượng không bằng tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, Hàn Quốc, và việc nghiên cứu chỉnh lý thu thập tư liệu chỉ mới được giới nghiên cứu Trung Quốc, Đài Loan tiến hành từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX đến nay. Nhưng cách đó nửa thế kỷ, các học giả Nhật Bản đã bắt đầu tìm hiểu về thể loại này. Nhìn chung, trước đây tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản ít được các học giả Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản quan tâm tìm hiểu. Nguyên nhân chính là do “…không được xếp vào loại thư tịch truyền tải văn hóa bản địa, không được xem là thuộc về lĩnh vực Trung Quốc học, cũng không thuộc Nhật Bản học... Những tác phẩm Hán văn Nhật Bản mang trên mình thân phận gượng ép lại bị bỏ quên mà trở nên hoang tàn, lạnh lẽo. Trong lĩnh vực văn học Trung Quốc, những tác phẩm này không phải là những sáng tác người dân viết trên đất Trung Quốc, thế nên nó bị ý thức quan về chủ lưu quốc tịch bài trừ và không nhắc đến cũng là một điều tất nhiên. Nhưng những tác phẩm do chính người Nhật Bản viết ra trên mảnh đất của mình, trong lĩnh vực văn học Nhật Bản lại bị xem là những tác phẩm không dùng văn tự Nhật Bản. Thế nên không dành cho chúng quá nhiều những trang giới thiệu, nhiều hơn thì cũng như chuồn chuồn điểm nước mà thôi”[1].  Tình hình này bắt đầu thay đổi trong mấy mươi năm trở lại đây, khi “vực ngoại Hán tịch” [2] thu hút sự quan tâm của các học giả Trung Quốc, Đài Loan, và theo đó tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản cũng trở thành đối tượng được học giới chú tâm tìm hiểu. Từ đó nhiều vấn đề được đem ra thảo luận. Đầu tiên là khái niệm “tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản”. Đa số các học giả đều cho rằng khái niệm trên bao gồm ba bộ phận: một là tiểu thuyết chữ Hán do nhân sĩ Nhật Bản xưa sáng tác, hai là những bản khắc và bản chép tay của người Nhật về tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc, và ba là những bản khắc hoặc chép tay tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc đã thất tán nhưng tồn tại ở Nhật Bản. Như vậy, nghĩa rộng của “tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản” tức chỉ những Hán tịch thuộc loại tiểu thuyết tồn tại ở Nhật, nghĩa hẹp tức chỉ những tiểu thuyết cổ đại bằng chữ Hán do người Nhật sáng tác. Trước mắt, các học giả Trung Quốc, Đài Loan vẫn đang sưu tầm, tìm hiểu về bộ phận thứ nhất, tức nghiên cứu những tiểu thuyết người Nhật dùng chữ Hán để sáng tác. Nhưng công việc này không dễ dàng khi cần phải xác định khái niệm “tiểu thuyết” và “phân loại tiểu thuyết”.

Theo mục lục học truyền thống Trung Quốc thì tiểu thuyết chỉ ghi chép những chuyện vụn vặt, bổ sung cho sách sử, là một loại tản văn tự sự đặc thù. Còn theo lý luận văn học Châu Âu cận đại, tiểu thuyết chỉ những tác phẩm văn học tự sự, thể loại tản văn, “thông qua tình tiết câu chuyện nhất định có quan hệ với nhân vật, tiến hành nghệ thuật miêu tả cụ thể vận mệnh, tính cách, tư tưởng, tình cảm, trạng thái tâm lý và hoàn cảnh hoạt động của nhân vật” [3]. Do đó các nhà khoa học cho rằng người sưu tầm nên dựa trên tiêu chuẩn khái niệm tiểu thuyết của phương Tây, xét thêm quan điểm mục lục học truyền thống Trung Quốc và thực trạng văn học tự sự truyền thống Nhật Bản khi quy thuộc một tác phẩm vào thể loại tiểu thuyết. Có sự khác biệt trong việc phân loại tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản giữa học giới Trung Quốc và Đài Loan. Học giả Trung Quốc như Tôn Hổ Đường trong “Nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản” phân loại: thể bút ký, thể truyền kỳ, thể thoại bản và chương hồi. Còn học giả Đài Loan Vương Tam Khánh trong “Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết tùng san” khu biệt như sau: bút ký tùng đàm (quyển 1-3), truyền thuyết thần quái (quyển 4), giảng sử (quyển 4), thế tình (quyển 5), diễm tình (quyển 5), tiếu thoại (quyển 5).

Vấn đề tiếp theo liên quan đến hình thức văn tự của tác phẩm. Thời thượng cổ Nhật Bản vốn không có văn tự, từ khi chữ Hán và thư tịch Trung Quốc truyền vào Nhật Bản, người Nhật mượn chữ Hán làm công cụ ghi chép, sáng tác. Sau đó, họ nghiên cứu sử dụng phần bộ thủ hoặc văn tự chữ Hán và lối viết thảo thư sáng tạo âm đọc tiếng Nhật Hiragana (bình giả danh)Katakana (phiến giả thanh). Trước khi quá trình sáng tạo văn tự hoàn chỉnh, Nhật Bản vẫn sử dụng chữ Hán. Thế nhưng xét về ngữ nghĩa, cú pháp đã dần dần xuất hiện những thay đổi [4], hiện tượng này được gọi là biến thể Hán văn. Các nhà nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản cho rằng, đối tượng nghiên cứu là những tác phẩm dùng thuần chữ Hán hoặc nhiễm cực ít biến thể Hán văn.

Khảo sát những tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản được sưu tầm, các nhà nghiên cứu cho rằng nhìn chung có thể chia làm hai loại. Loại thứ nhất là người viết dùng tư duy độc lập cấu tạo nên ý tưởng và dùng chữ Hán để sáng tác; loại thứ hai là đem Hòa văn tiểu thuyết (tiếng Nhật) dịch ra Hán văn và tổ chức nội dung cho phù hợp với thể loại tiểu thuyết. Về cách phân loại này, các học giả có những ý kiến bất đồng. Có quan điểm rằng, những tác phẩm thuộc loại phiên dịch không thể xem là một bộ phận của tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản. Bởi nó không mang tính chất sáng tạo, nên chỉ có thể xếp vào loại hình “tiểu thuyết phiên dịch”. Một số học giả khác lại cho rằng việc tuyển chọn tình tiết để phiên dịch, cải tạo và nhuận sắc bản dịch cũng là một lần tái sáng tác. Hơn nữa, tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản vốn được xét trên ba phương diện: quốc tịch tác giả, hình thức văn tự và tính chất thể loại, còn “tiểu thuyết phiên dịch” xét trên hai phương diện là phương thức sáng tác và tính chất thể loại; có thể thấy rằng hai cách phân loại trên không mâu thuẫn mà lại có những điểm tương đồng, khác biệt lớn nhất là phương thức sáng tác. Thế nên, khó có thể áp dụng để phân loại một tiểu thuyết. Do đó chỉ cần dịch giả là người Nhật Bản cổ đại thì đều có thể xếp vào loại tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản.

Đứng ở lập trường của người nghiên cứu, cũng tồn tại hai thái độ khác nhau. Một thì cho rằng văn học chữ Hán Nhật Bản nói chung có quan hệ mật thiết với văn học Trung Quốc. Trong đó, tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc trên các mặt ngôn ngữ, thể loại, phương thức tư duy sáng tác. Cách nhìn phiến diện này sẽ dẫn đến những thiên lệch trong đánh giá, nhận xét. Một thì đặt tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản trong bối cảnh giao lưu văn hóa, thư tịch và tương tác lẫn nhau giữa các nước trong khu vực để tiến hành nghiên cứu. Đứng từ góc độ này, kết quả nghiên cứu toàn diện, khách quan hơn.

2. Thành quả nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản tại Trung Quốc-Đài Loan

Theo bài viết của giáo sư Uchiyama Tomoya [5] (năm 2000), có rất ít người Nhật nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản. Những học giả đó là: Yamashiki Kazuo (nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản đầu đời Minh Trị), Tokooa Takeshi (nghiên cứu so sánh tiểu thuyết Hòa văn thời Giang Hộ và tiểu thuyết Trung Quốc, tiểu thuyết cận thế Nhật Bản, thơ chữ Hán Nhật Bản và tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc), Lai Tsutomu. Theo giáo sư Uchiyama Tomoya, một trong những nguyên nhân là do đa số thư viện các trường đại học Nhật không lưu giữ những tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản cả nguyên bản lẫn những bản được xuất bản sau này. Riêng với Hán văn, người Nhật không còn quá hứng thú. Từ năm 1973-1999, số tư liệu nghiên cứu có liên quan đến tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản bao gồm sách, luận văn, phiên dịch, chú thích là 31 loại [6]. Nhưng dựa trên nghiên cứu mới nhất của các học giả Trung Quốc (tháng 11 năm 2011), thời gian người Nhật bắt đầu nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản sớm hơn thời điểm 1973. Từ năm 1926, đã có bài nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn “Liễu Kiền tân chí” của Nagai Kafuu, sau đó là bài viết của các học giả như: Nagasawa Kikuya (năm1933), Matazo Ishizaki (năm 1940). Từ những năm 50 của thế kỷ XX, số lượng luận văn nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn tăng dần. Đặc biệt đáng nhắc đến là “Hội nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản” tại Tokyo do giáo sư Uchiyama Tomoya nỗ lực thành lập. Hội nghiên cứu này tổ chức các buổi chia sẻ ý kiến định kỳ, phát động phong trào thảo luận và nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn nhật Bản.

Từ những năm 80 của thế kỷ XX, học giới Trung Quốc, Đài Loan bắt đầu tiến hành thu thập, chỉnh lý và nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản, đến nay đã thu được những kết quả khả quan. Người tiên phong trong lĩnh vực này là giáo sư Vương Tam Khánh [7] của đại học Thành Công (Đài Loan), trong quãng thời gian giảng dạy tại đại học Tenri (Nhật Bản) từ năm 1987-1988, ông đã thu thập tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản thuộc các giai đoạn lịch sử Nại Lương, Bình An, Giang Hộ, Minh Trị. Bắt đầu từ năm 1998, ông cùng giáo sư Trang Nhã Châu [8] và giáo sư Trần Khánh Hạo [9] với sự hỗ trợ của giáo sư Uchiyama Tomoya,  tiến hành kế hoạch “Trung-Nhật-Pháp hợp tác nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản”. Công trình nghiên cứu này nhận được sự hỗ trợ kinh phí của hội “Tưởng Kinh Quốc giao lưu học thuật quốc tế” trong vòng ba năm. Tổng cộng số tác phẩm sưu tầm được gần 70 loại. Dưới sự chủ biên của bốn vị giáo sư, cùng với sự hỗ trợ của hội “Nhật Bản tài đoàn pháp nhân tư văn”, trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và “thư cục Đài Loan học sinh” mà “Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết tùng san” [10] tập 1 được xuất bản vào tháng 10 năm 2003. Sách bao gồm 36 tiểu thuyết được phân loại và chú thích; mỗi tác phẩm đều được phụ bản thuyết minh tiếng Hán và tiếng Nhật, cùng bản chụp nguyên văn. Qua đó cho thấy thái độ nghiêm túc, cẩn trọng trong nghiên cứu khoa học của nhóm biên soạn. Sách được đánh giá cao vì đã bổ khuyết vào mảng trống về tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản và mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới trong học thuật. Nhưng trước xuất bản sách, bài viết “Bước đầu nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản” [11] của giáo sư Vương Tam Khánh được xem là có công “khai sơn phá thạch”. Trong bài viết này, tác giả liệt kê, giới thiệu những tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản đã sưu tầm được, sơ lược bàn về lịch sử giao lưu giữa hai nước Trung-Nhật, văn học chữ Hán và tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản, cuối cùng là phân tích tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản trên các khía cạnh nội dung, thể loại, tư tưởng, v.v.. Bên cạnh đó, giáo sư còn có những bài viết như “Tiểu thuyết Hán văn thời Minh Trị” [12], “Phân tích nghiên cứu cách dùng từ trong tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản” [13], v.v. Đến nay ông vẫn tiếp tục công tác thu thập thư mục, nghiên cứu, chỉnh lý và xuất bản các tác phẩm. Ngoài ra, tại Đài Loan còn có luận văn tiến sĩ “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của tiểu thuyết Minh Thanh với tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản” [14] của Lý Tiến Ích vào tháng 6 năm 1993 và các bài viết như “Đặc sắc nghệ thuật của tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản” [15], “Thử tìm hiểu Dịch chuẩn khai khẩu tân ngữ[16]; Hoàng Cẩm Châu “Nguồn gốc và đặc sắc bút pháp của tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản Dạ Song Quỷ Đàm[17]; những bài giới thiệu tình hình chỉnh lí và nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản ở Đài Loan của giáo sư Trần Ích Nguyên[18],v.v..

Tại Trung Quốc, giáo sư  Tôn Tốn [19] thuộc đại học Sư phạm Thượng Hải được xem là đại biểu của mảng nghiên cứu này, các học giả cũng theo đó mà dần dần triển khai công việc chỉnh lý, nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn thuộc ba khu vực Việt, Nhật, Hàn. Ông cũng từng là người chủ quản ngân sách cho hạng mục “chỉnh lý và nghiên cứu vực ngoại Hán văn tiểu thuyết” của viện Khoa học Xã hội Quốc gia. Những năm gần đây, giáo sư ủy thác cho đại học Sư phạm Thượng Hải, đại học Liên hiệp Hàn Quốc Cao Li, viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và các vị giáo sư như Trần Khánh Hạo ở Pháp, Vương Tam Khánh, Trần Ích Nguyên, Vương Quốc Lương ở Đài Loan liên kết hợp tác thúc đẩy kế hoạch xuất bản “Hải ngoại Hán văn tiểu thuyết toàn tập” bao gồm tiểu thuyết Hán văn Đông Á và tiểu thuyết Hán văn của giáo sĩ truyền giáo phương Tây. Ngoài ra còn có giáo sư Lý Thời Nhân chủ trì hạng mục nghiên cứu “Truyền bá và ảnh hưởng của tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc và nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn ở Đông Á” là công trình nghiên cứu thuộc Xã hội khoa học thành phố Thượng Hải. Bên cạnh đó tại Trung Quốc cũng có những bài viết riêng lẻ, và các luận văn lấy tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản làm đối tượng nghiên cứu và thu được những thành quả nhất định như “Lược luận tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản - Đàm Hải” [20] của giáo sư Tôn Tốn, “Mối quan hệ giữa việc sản sinh tiểu thuyết cổ đại Nhật Bản và văn học Trung Quốc” của Nghiêm Thiệu Đãng [21]. Tôn Hổ Đường “Lược thuật Hán văn tiểu thuyết Nhật Bản”[22], “Lược thuật Nhật Bản Hán văn tiếu hoa tập”; Dương Lâm và Ngô Giai Na “Tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc và tiểu thuyết cổ đại Nhật Bản” [23],.v.v..Nhưng đáng chú ý nhất là “Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết nghiên cứu” [24] của Tôn Hổ Đường. Sách cung cấp cho người đọc cái nhìn bao quát về những vấn đề có liên quan đến tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản như: thực trạng nghiên cứu, lịch sử văn hóa ngữ cảnh Trung-Nhật, con đường lưu truyền thư tịch, cùng giới thiệu các bộ tiểu thuyết,v.v..

Hiện nay, tuy chưa có hội thảo quốc tế riêng biệt về “tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản”, thế nhưng đề tài này từng là một bộ phận trong nội dung thảo luận của các hội thảo quốc tế có liên quan đến vực ngoại Hán văn như “Hội thảo quốc tế: Trung Quốc vực ngoại Hán văn tiểu thuyết” (Đài Loan).

3. Tiểu kết

Như vậy, hiện nay có thể xem “Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết tùng san” và “Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết nghiên cứu” là những thành quả tiêu biểu của giới học giả Đài Loan, Trung Quốc ở khía cạnh nghiên cứu này. Đây cũng là những công trình học thuật có giá trị to lớn, bổ sung tư liệu cùng những hiểu biết mới mẻ về tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản; đồng thời mở ra những hướng nghiên cứu mới – một khi đặt tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc trong cái nhìn tổng thể về tiểu thuyết Hán văn ở Đông Á nói riêng và văn học chữ Hán ở Đông Á nói chung.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

1.                  緒方惟精著、丁策譯《日本漢文學史》(台北:正中書局,1968年)

2.                  中國古典文學研究會主編《域外漢文小說論究》(台北:台灣學生書局,19892月)

3.                  國立中正大學中文系,語言與文學研究中心主編《外遇中國-「中國域外漢文小說國際學術研討會」論文集》(台北:台灣學生, 初版,2001年)

4.                  王三慶、莊雅州、陳慶浩、內山知也主編《日本漢文小說叢刊第一輯》(台北:台灣學生書局, 2003年)

5.                  劉崇稜《日本文學史》(台北:五南圖書出版股份有限公司,2003年)

6.                  楊林、吳佳娜〈中國古代小說與中代日本漢文小說〉(《江西師範大學學報》,2004年,第37卷第6期)。

7.                  李時人《「東亞漢字文化圈」各國古代小說的淵源發展》(香港:香港大學饒宗頤學術館,學術論文,報告系列,2009年)。

8.                  孫虎堂《日本漢文小說研究》(上海:上海古籍出版社,201011月)



[1] Vương Tam Khánh, Trang Nhã Châu, Trần Khánh Hạo, Nội Sơn Tri Dã, “Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết tùng san- tập 1”, Nxb Đài Loan học sinh thư cục, năm 2003,  tr. 6-7.

[2] “Vực ngoại Hán tịch” bao gồm sách vở bằng chữ Hán được sáng tác ở vùng ngoài lãnh thổ Trung Quốc, những bản khắc, chép tay điển tịch cổ Trung Quốc ở vực ngoại và các bản khắc, chép tay điển tịch cổ Trung đã mất nhưng lưu truyền ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

[3]孫虎堂《日本漢文小說研究》(上海:上海古籍出版社,2010年11月), tr.9.

[4] Những chữ Hán được sử dụng không còn giữ được nghĩa vốn có, hoặc vẫn sử dụng chữ Hán nhưng theo cú pháp tiếng Nhật.

[5] Uchiyama Tomoya (內山知也): giáo sư đại học Daito, giáo sư danh dự đại học Tsukuba -Nhật Bản.

[6] Thống kê từ “Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết luận văn tư liệu” của GS. Uchiyama Tomoya, 內山知也〈有關在日本的漢文小說研究之情況〉,(國立中正大學中文系,語言與文學研究中心主編《外遇中國-「中國域外漢文小說國際學術研討會」論文集》(台北:台灣學生, 初版,2001年),tr. 538-540.

[7] Vương Tam Khánh (王三慶): hiện là giáo sư Khoa Trung văn, đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan.

[8] Trang Nhã Châu (莊雅州): giáo sư, nguyên trưởng Khoa Trung văn, đại học Trung Chính, Đài Loan.

[9] Trần Khánh Hạo: giáo sư, trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp.

[10]王三慶、莊雅州、陳慶浩、內山知也主編《日本漢文小說叢刊第一輯》(台北:台灣學生書局, 2003年)。

[11]王三慶〈日本漢文小說研究初稿〉,《域外漢文小說論究》(台北:台灣學生書局,1989年),tr.1-27.

[12]王三慶〈明治時期的漢文小說〉,《文學絲路 —中華文化與世界漢文學論文集》(世界華文作家協會,1998年)tr.121-123。

[13]王三慶〈日本漢文小說詞彙用字之分析研究〉,《域外漢文小說國際學術研討會論文期》(台灣東吳大學中文系,1999年), tr.1-6

[14] 李進益《明清小說對日本漢文小說影響之研究》,luận văn tiến sĩ đại học Văn hóa Trung Quốc, năm 1993.

[15]李進益〈日本漢文小說的藝術特色〉《文學絲路 —中華文化與世界漢文學論文集》(世界華文作家協會,1998年)tr.112-120。

[16]李進益〈譯準開口信語〉,《域外漢文小說國際學術研討會論文期》(台灣東吳大學中文系,1999年), tr.81-91。

[17] 黃錦珠〈日本漢文小說《夜窗鬼談》的寫法特色及其淵源〉(國立中正大學中文系,語言與文學研究中心主編《外遇中國-「中國域外漢文小說國際學術研討會」論文集》(台北:台灣學生, 初版,2001年),tr.395-436.

[18] Trần Ích Nguyên (陳益源): giáo sư, nguyên trưởng khoa Trung văn, đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan. Tham khảo: 陳益源〈台灣對於越南、日本漢文小說的整理與研究〉(國立中正大學中文系,語言與文學研究中心主編《外遇中國-「中國域外漢文小說國際學術研討會」論文集》(台北:台灣學生, 初版,2001年), tr.555-565  và 陳益源〈中國域外漢文小說在台灣〉《北京圖書館館刊,1994年3期》tr. 98-105.

[19] Tôn Tốn (孫遜): giáo sư học viện Nhân văn, đại học Sư phạm Thượng Hải.

[20] 孫遜〈日本漢文小說《譚海》論略〉(國立中正大學中文系,語言與文學研究中心主編《外遇中國-「中國域外漢文小說國際學術研討會」論文集》(台北:台灣學生, 初版,2001年),tr.373-394.

[21] 嚴紹璗〈日本古代小說的產生與中國文學的關係〉(《國外文學》,1982年,第2期)。

[22] 孫虎堂《日本漢文小說述略》, luận văn tiến sĩ, đại học Sư phạm Thượng Hải.

[23] 楊林、吳佳娜〈中國古代小說與中代日本漢文小說〉(《江西師範大學學報》,2004年,第37卷第6期)。

[24]孫虎堂《日本漢文小說研究》(上海:上海古籍出版社,2010年11月)