1. Văn học là sự tự ý thức văn hóa. Mỗi nhà văn muốn hay không trước hết phải là con đẻ của một nền văn hóa dân tộc, tự giác tiếp nhận lối tư duy, những mô thức ứng xử từ xa xưa đã trở thành truyền thống của dân tộc mình. Mặt khác, tùy điều kiện sống của thời đại, họ lại tiếp nhận được nhiều tinh hoa văn hóa của các cộng đồng dân tộc khác. Tất cả những giá trị văn hóa của thời đại này đã được nhào nặn thành các tín hiệu nghệ thuật trong văn bản tác phẩm. Vì vậy giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học cần quan tâm tới việc lí giải các cấp độ khác nhau của tín hiệu nghệ thuật mà nhà văn sáng tạo ra.
Tín hiệu nghệ thuật là một khái niệm mở tùy theo sự phát triển của tư duy nhân loại và mỗi cộng đồng, cho nên nó có nhiều bình diện, nhiều cấp độ khác nhau. Xét ở cấp độ nhận thức từ đơn giản đến phức tạp về mã văn hóa, người ta có thể chia thành: kí tín hiệu, biểu tượng và cao hơn là mật mã. Nếu xét từ cấp độ bản thể đến cấp độ biểu hiện sẽ có: nguyên mẫu hay cổ mẫu, biểu tượng đến hình tượng. Nguyên mẫu (archtupe) là tín hiệu thẩm mỹ đầu tiên nhận thức được trong thời kì sơ khai của xã hội loài người và đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng. Nó là sợi dây liên kết giữa con người hiện tại và tổ tiên chúng ta dưới nấm mồ lịch sử, có tính chung của toàn nhân loại. Các mẫu gốc chính là "bản nguyên sống động vĩnh cửu", là "những mô hình ứng xử vĩnh cửu” của cá nhân và xã hội, đối với những quy luật nhất định của tự nhiên và xã hội. Ở cấp độ biểu tượng (symbol), các mẫu gốc sẽ sinh ra những biến thể khác nhau trong từng cộng đồng và biến thành biểu tượng. Tùy theo điều kiện địa lí, kinh tế, xã hội của từng cộng đồng biểu tượng vừa là biến thể cái biểu đạt vừa là biến thể cái được biểu đạt. Ở cấp độ hình tượng, các mẫu gốc, các biểu tượng, khi đi vào trong tác phẩm nghệ thuật, sẽ chịu sự chi phối và lựa chọn của tư tưởng nghệ thuật nhà văn, nhà thơ mà trở thành các hình tượng nghệ thuật phong phú sinh động khác nhau. Tuy nhiên không phải hình tượng nào cũng là biểu tượng. Những hình tượng được coi là biểu tượng khi nó mang nhiều lớp nghĩa bóc mãi không cùng.
Y.Kawabata là nhà văn đại diện cho tâm hồn yêu chuộng cái đẹp và mỹ cảm tinh tế của dân tộc Nhật Bản. Các nguyên tắc thẩm mỹ trở thành các giá trị văn hóa, định hướng triết lý sống và thị hiếu thẩm mỹ trong đời sống của người Nhật. Thêm nữa ông còn là nhà văn chịu ảnh hưởng sâu sắc của giáo lí Thiền tông, nên người đọc dễ nhận thấy trong tác phẩm của ông không chỉ là những ẩn dụ lớn về triết lý nhân sinh thông qua một hệ thống các biểu tượng văn hóa phong phú, mà còn chất chồng những ám thị, đốn ngộ bằng lối cách điệu, biểu trưng mạnh mẽ. Ngoài ra phải kể tới ảnh hưởng văn hoá phương Tây đặc biệt là trường phái nghệ thuật "tân cảm giác" và thủ pháp kể chuyện "dòng ý thức" của lí luận văn học phương Tây trong tư tưởng nghệ thuật của Y.Kawabata.
Tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” của Y.Kawabata, trên bề mặt là miêu tả một ông già suy kiệt hy vọng tìm mọi cách để có lạc thú, thực ra là thể hiện việc tìm ra cách cứu vớt và tĩnh hóa tâm linh trước những bủa vây của phiền não thế tục. Cái mà tiểu thuyết thể hiện là câu chuyện ẩn tàng về những kĩ nữ vốn là Bồ Tát hóa thân. Trong những thư tịch cổ của hai nước Trung - Nhật đều có ghi chép những câu chuyện loại này. Nhưng câu chuyện này đều truyền đạt tư tưởng phổ độ chúng sinh và vạn vật nhất như của Phật giáo. Y.Kawabata đã vận dụng mô thức kết cấu này để biểu đạt ý nghĩa mới của nội hàm cứu thế. Để hiện thực hóa sinh động hàm nghĩa kiểu truyện “kĩ nữ là Bổ tát hóa thân”, Y.Kawabata đã khéo dùng các hoàn cảnh, bối cảnh để khắc họa nhân vật, xây dựng quan hệ đối lập và tương hỗ giữa các nhân vật. Đằng sau tình tiết kì lạ “người đẹp ngủ say”, đã ẩn dấu chủ để cứu thế của Phật giáo – mọi chúng sinh đều được an ủi những khổ đau nơi phàm trần.
2. “Người đẹp say ngủ” ra đời khi Y.Kawabata đã ngoại sáu mươi. Đó là thời kì ông gắn bó với Tạp chí Tân Trào. Năm Chiêu Hòa thứ 35 (1960) ông chỉ tham gia từ số 1 đến số 6 trên Tạp chí trên. Sở dĩ Y.Kawabata vắng bóng nửa năm 1960 trên Tạp chí Tân Trào vì ông được mời đi Mỹ phỏng vấn và tham dự hội thảo nhà văn quốc tế lần 31 tại Braxin.
Tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” miêu tả ông già Eguchi (âm Hán Việt là Giang Khẩu) 67 tuổi, đã 5 lần đến ngôi nhà được gọi là “mật thất”. Đó là câu lạc bộ của những người đẹp say ngủ, trước sau đã cùng 6 thiếu nữ chung giường chung gối khi họ dùng thuốc ngủ bất tỉnh. Tình tiết kì lạ có vẻ dung tục này đã đem lại những tranh luận cho tới nay vẫn chưa chấm dứt, đã đưa đến những kiến giải khác nhau về những chủ đề và giá trị đích thực của tác phẩm. Ở Trung Quốc phần lớn học giả đều cho rằng tác phẩm “Người đẹp say ngủ” là tác phẩm đồi trụy hư vô không lành mạnh, cho rằng tiểu thuyết biểu hiện tinh thần phóng đãng”, bộc lộ tâm lí bệnh hoạn của tác giả. Ngay trên quê hương Nhật Bản, cũng có không ít tiếng nói phê phán tác phẩm này từ nhiều góc độ khác nhau. Nhà văn Mitsueda Kazuo thậm chí nói: “Tôi thấy, điều mà tác giả thể hiện trong tác phẩm này chính là sự miệt thị và lăng nhục nữ tính.”(1). Xét từ bình diện bề mặt chữ nghĩa, từ dòng mạch những thiếu nữ dưới con mắt của ông già suy kiệt, loại bỏ sự tự tôn của ông già Eguchi, thì những thiếu nữ biến thành những con búp bê sống cho cánh đàn ông hưởng thụ, cũng đủ tạo ra sự lăng nhục đối với nữ giới. Tuy nhiên trên thực tế, những người già trong tiểu thuyết từ trong không gian tĩnh mịch và tăm tối của mật thất, thông qua cảm nhận hết sức mơ hồ của thị giác, khứu giác, xúc giác kể cả hơi thở mong manh do thính giác cảm nhận được, cũng không cần nhiều lời có thể thấy mong muốn cơ bản ở đây là sự truy tìm và thể hiện nỗi luyến tiếc về sức sồng tràn trề đã từng có của đời người trong những năm tháng xa xưa, là sự hưởng thụ khoái lạc về thể xác cũng như khoái cảm tinh thần hết sức thuần khiết phiêu diêu và hư vô. Ở đây tác giả rất dễ rơi vào lối mòn của tiểu thuyết sắc tình ướt át, song đã xử lí vô cùng tài hoa, đem lại cho tác phẩm sự hàm súc, thuần khiết và yên tĩnh. Ngay cả tính dục nguyên thủy luôn vang vọng, thôi thúc trong lòng ông già Eguchi cũng thể hiện sự tiết chế phi thường, không hề có một động tác nào thô dã, cũng chưa hề có một lời nói nào được bộc lộ ra. Độc giả chỉ có thể từ cảm giác mà cảm nhận cảm giác. Trong diễn ngôn, trước sau tác giả hết sức cẩn thận bảo toàn sự trong sạch cho các cô gái, đồng thời ra sức truyền cảm sự hồn thuần cao khiết hết sức đáng yêu của những cô gái này. Vậy thì xét cho cùng Y.Kawabata định mượn tác phẩm này để thể hiện tư tưởng nghệ thuật gì? Cần đi sâu vào đâu để tìm hiểu và lí giải vấn đề này? Đầu tiên có lẽ không thể bỏ qua được một số khái niệm, những chi tiết, hình tượng nghệ thuật. Đó là những tín hiệu nghệ thuật và cũng là biểu tượng văn hóa. Trước hết là chi tiết “say ngủ” (thụy miên).
3. Chi tiết “say ngủ” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ chi tiết này chi phối toàn bộ sự phát triển của tình tiết cốt truyện và biểu tượng say ngủ đã đem lại tính đa nghĩa của tác phẩm. Say ngủ có thể nói là tiền đề và là trạng thái phát sinh toàn bộ câu chuyện. Trước hết tác phẩm mở đầu là khao khát muốn thỏa mãn “thói tò mò hiếu kì” đến mật thất để vượt qua ranh giới giữa không gian hiện thực và không gian cảnh mộng của ông già Eguchi; tình tiết được gắn kết cũng tùy thuộc tư duy quan hệ tương thông giữa mộng trong khi ngủ và mộng ban ngày, từ đó đan dệt thành mạng lưới liên kết trước sau chắc chắn. Hai là, sự xuất hiện của các thiếu nữ hoàn toàn trong trạng thái dùng thuốc để ngủ sâu, trước sau họ đều không mở miệng nói một lời và mắt thì nhắm; không chỉ như vậy, ngay cả ông già Eguchi chủ thể quan sát và tư duy trong tác phẩm, cũng thường dùng một lượng thuốc ngủ nhỏ để rơi vào trạng thái nửa ngủ nửa thức. Như vậy có thể nói, trạng thái “say ngủ” là dòng mạch chính chi phối toàn bộ tác phẩm, thể hiện tư tưởng nghệ thuật tác giả.
“Say ngủ”, là một trạng thái tâm sinh lí được Phật Giáo hết sức quan tâm. Tiếng Phạn gọi “say ngủ” là “Middha”, đơn giản gọi là “ngủ”, chỉ trạng thái không tự chủ giống như sự hôn mê của thân và tâm con người. Bản thân cấu tứ tình tiết “người đẹp say ngủ” đã bao hàm ý nghĩa Phật Giáo.
Từ nhỏ Y.Kawabata đã chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của triết học Phật giáo và suốt đời ông gắn bó tôn sùng Phật giáo. Bản thân ông từ rất sớm đã rất hứng thú với ý nghĩa của khái niệm “say ngủ” trong giáo lí nhà Phật. Thêm nữa năm Chiêu Hòa thứ 8 và 9 (1933-1934), trên văn đàn Nhật Bản đã xảy ra cuộc tranh luận phân biệt giữa tiểu thuyết và tản văn có liên quan đến vấn đề “cải tạo” và “ranh giới văn học”. Đây cũng là lúc những suy ngẫm về tác phẩm “say ngủ” đã chín muồi trong ông. Tác phẩm mà ông dự kiến, đã xuất phát từ điểm nhìn nghệ thuật của nhân vật “tôi”, tìm hiểu về sự kiện hai nữ đệ tử bị chết vào 5 năm trước. Anh ta đã phải tra cứu nhiều sách về y học và tâm lí học trong thư viện, cuối cùng tìm được khái niệm “Tùy miên phẩm” (thuốc tạo ra giấc ngủ theo ý muốn) trong “A tỳ đạt ma câu xá luận” của Phật giáo. Anh ta cho rằng trạng thái “say ngủ” chưa hề thể hiện rõ bất kì một động cơ giết người nào. “A tỳ đạt ma câu xá luận” đã tiếp nhận những suy ngẫm của Thích Ca, cho rằng nguyên nhân đau khổ của nhân loại là có từ trong những phiền não. Từ đó Phật giáo Ấn Độ mới đi sâu phân tích tỉ mỉ, tinh tế đối với khái niệm “phiền não”, có thể nói đó là một hệ thống tâm lí học uyên áo về nhận thức luận... Y.Kawabata đã có ấn tượng và giữ mãi những hứng thú của Phật điển mặc dù hết sức khó lí giải này. Ông cảm thụ được sức hấp dẫn của giáo nghĩa Phật pháp và thích đi sâu vào những không gian xa xôi phiêu diêu đầy hấp dẫn”(2). Sở dĩ Y.Kawabata có hứng thú với sự uyên áo của “A tì đạt ma câu xá luận”, bởi vì trong đó phần lớn là những trải nghiệm về phiền muộn và sinh li tử biệt. Điều này khiến ông không ngừng suy ngẫm đến những nguyên nhân thống khổ của nhân loại và mong muốn tìm ra những biện pháp để giải thoát nó. Ông già Eguchi trong “Người đẹp say ngủ” thân tâm đã suy yếu, năng lực sinh lí cũng đã gần cạn kiệt, không còn tìm được tình yêu và cả tình dục. Điều mà ông già này vốn đã che giấu, chính là từ thẳm sâu trong cõi lòng cô đơn của ông, nỗi tuyệt vọng về cái chết ngày càng gia tăng và nó cũng đang đến gần; mặt khác tuổi xuân đầy sức sống của ông đã qua đi cũng không có cách nào quay trở lại. Đến ngay cả trong cuộc sống hiện tại, đã lâu rồi ông phải sống trong cô đơn tịch mịch và bị sự trống vắng đè bẹp không tài nào thoát ra nổi. Cũng giống như toàn bộ câu chuyện, “Người đẹp say ngủ” luôn bị vây bủa bởi giấc ngủ say, ông già Eguchi luôn ở trong trạng thái “không thể tự chủ trong tâm linh”. Bề mặt của tác phẩm “Người đẹp say ngủ” là câu chuyện về ông già suy kiệt hy vọng đi tìm lạc thú, nhưng trên thực tế là một câu chuyện ngụ ngôn về sự cứu rỗi đối với những tâm linh khổ đau phiền não nơi thế tục, để tìm ra sự cân bằng yên tĩnh nơi tâm linh. Tiểu thuyết đã hàm chứa sâu xa chủ đề cứu thế của Phật giáo, nhằm vỗ về an ủi nỗi đau ngàn đời nay của chúng sinh nơi trần thế.
4. Cũng cần thấy, không phải ngẫu nhiên mà Y.Kawabata đặt tên cho ông già nhân vật chính trong tác phẩm “Người đẹp say ngủ” là Eguchi (Giang Khẩu). Điều này tự nó đã thể hiện một ý đồ nghệ thuật gắn bó với Phật giáo của tác giả cần phải lí giải. Trong những nhà nghiên cứu về văn học của Y.Kawabata, không nhiều người quan tâm khảo sát cách đặt tên này, tuy nhiên có quan điểm cho rằng cách gọi họ Eguchi vốn có nguồn gốc từ một khúc ca “Giang Khẩu”(3). Xét từ tình tiết câu chuyện “Người đẹp say ngủ” và tư tưởng chủ đề của nó, thì quan điểm này gợi ý so sánh văn hóa và văn bản từ đó tiếp cận khám phá nội hàm tác phẩm. Tương truyền khúc ca “Giang Khẩu” do nhà viết nhạc Trung Quốc Quan A Di (1333-1384) sáng tác. Khúc ca này liên quan đến địa danh thôn Eguchi (Giang Khẩu). Thôn này cũng gần quê hương Ibaraki Shi của Y.Kawabata, nay là Higashi Yodogawaku thuộc Osaka. Nó nằm bên con sông Kanzakigawa, chi lưu của sông Yodogawa chia tách với chủ lưu của nó. Xưa kia nơi đây đã từng là một cảng sông và là nơi buôn bán sầm uất. Nội dung khúc ca “Giang Khẩu” nói về câu chuyện hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát thành kĩ nữ, điều này đã cho thấy: nếu xét từ hình thức, những kĩ nữ phải mưu sinh bằng công việc rất thấp hèn, phải trải qua cuộc sống đầy khổ đau. Song những thể nghiệm của họ trong cuộc đời chẳng qua cũng chỉ là sự cứu rỗi cho mình và cho mọi người. Như vậy đã làm sáng tỏ hơn lẽ vô thường trong cuộc sống. Vì vậy vấn đề ở đây kĩ nữ tức là Phật cần được minh chứng.
Cũng đã có nhiều tài liệu, thư tịch cổ của Nhật Bản hoặc nói về sự hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát thành kĩ nữ như trong khúc ca “Giang Khẩu” hoặc tiếp nối tinh thần của khúc ca trên. Chẳng hạn như trong Kojidan (Cổ sự đàm) (1212-1215), Mansyusyô (Vạn tập sao) (1252) tập 3, Seiku Syoonin đã nhìn thấy hiện thân của Phổ Hiền Bồ Tát”. Vở kịch có nhan đề Eguchi (1424) của Zeami được lấy cảm hứng từ hai tác phẩm trên, trong đó có chuyện kĩ nữ giúp thiền sư đạt đến giác ngộ. Vở kịch kể về một vị thiền sư trên đường hành hương tới chùa Tenoji, ghé qua thôn Eguchi, ông ta chợt nhớ tới thiền sư Saigyo trước kia trong đêm mưa bão bị một cô gái giang hồ từ chối không cho ngủ trọ. Một gái khác tự xưng là hồn ma Kimi – một kĩ nữ nổi tiếng vùng Eguchi xưa, đã mời vị thiền sư cùng cô gái giang hồ kia chèo thuyền trên sông Yodo dưới ánh trăng. Họ hát những bài ca về cuộc sống nổi trôi vô thường, về đời người ngắn ngủi, về lòng ham dục gây nên bao đau khổ cho con người... Cuối cùng hồn ma Kimi biến thành Bồ Tát và chiếc thuyền biến thành một con voi trắng đưa thiền sư đến Tây phương cực lạc. Sự hóa thân của Bồ Tát thành kĩ nữ giúp các thiền sư đắc đạo không phải là chuyện hiếm trong tín ngưỡng Trung đại Nhật Bản. Vào thế kỉ XIV, có câu chuyện dân gian nhan đề “Chigo Kannon engi” (Truyện thiền sư Kanon) đề cao chuyện Bồ Tát biến thành chú tiểu, rồi quan hệ đồng tính với sư thầy. Thời bấy giờ thậm chí chú tiểu trẻ đẹp được coi là biểu tượng của vẻ đẹp Phật giáo. Như vậy có thể thấy, câu chuyện quan hệ giữa kĩ nữ và thiền sư ở đất nước Nhật Bản không chỉ đơn thuần là sắc dục, mà kĩ nữ (gheisa) được coi là biểu tượng cho cái đẹp nghệ thuật nhiều hơn là sắc dục. Cả thiền sư và kĩ nữ đều là người không có gia đình, thiền sư cần chùa để tu luyện chay tịnh, đắc đạo và làm cầu nối giữa Phật pháp với thế giới nhân gian; còn kĩ nữ cần quán rượu để cho nhân gian thấy những đam mê của họ chỉ là những ảo ảnh vô thường. Câu chuyện Bồ Tát hóa thân thành kĩ nữ là sự cụ thể hóa chân lí “giả tướng tức thực tướng”, nghĩa là thế giới ảo tức là thế giới thực. Chân lí này có khả năng thanh tẩy tâm hồn, khiến thiền sư có thể đốn ngộ, nhận ra rằng mọi say mê chấp chước chẳng qua chỉ là mộng tưởng, chợt đến rồi lại đi. Rõ ràng Bồ Tát dù biến thành kĩ nữ hay thành chú tiểu người tình của vị sư già nhằm đem lại đốn ngộ cho nhân gian chính là “mĩ cảm của sự dấn thân”, là vẻ đẹp cứu rỗi của triết lí Thiền.
Trong “Người đẹp say ngủ”, ông già Eguchi ở bên cạnh một cô gái mới tập sự, chưa thành thục, liền nghĩ đến “Thuyết bất định”: “Nhưng không ai cấm ta hình dung rằng cô vẫn chỉ là hóa thân của đức Phật giống như nhiều truyện hoang tưởng cổ xưa đã nói đến. Mà sự thật chẳng đã có nhiều truyện cổ, trong đó một số cô gái đĩ thõa, hoặc gái đẹp quyến rũ đàn ông lại chính là do đức Phật hóa phép biến thành đấy sao?”(4). Những truyện cổ trong tâm tưởng của Eguchi chẳng đã phù hợp với câu chuyện kĩ nữ là do Phổ Hiền Bồ Tát hóa thân, như những gì mà thư tịch cổ ở trên đã từng ghi chép. Do vậy, có thể thấy bài ca “Giang Khẩu” và tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” trên nhiều phương diện có liên quan và có những chỗ tiếp nhận của nhau, giữa chúng rõ ràng có liên hệ nội tại mật thiết. Y.Kawabata đã đặt tên cho nhân vật chính là Giang Khẩu (Eguchi) tức là đã thể hiện rõ dòng mạch lớn xuyên suốt tác phẩm. Những gì mà tác phẩm “Người đẹp say ngủ” thể hiện cũng là câu chuyện ẩn tàng về kĩ nữ là hóa thân của Bồ Tát.
Ở Trung Quốc, kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân đã xuất hiện từ thời nhà Đường. Trong quyển 5 “Tục Huyền Thánh lục” của Lí Phúc Ngôn (775-833) thời Trung Đường có thiên “Diên Châu phụ nhân” (Người phụ nữ Diên Châu) kể về một thiếu phụ dung nhan xinh đẹp cùng với một thiếu niên đi chơi thân mật và phóng túng, sau khi chết được mai táng. Sau này nhân chuyện Hồ Tăng phát quật ngôi mộ, đã làm sáng tỏ cô ta là Tỏa cốt Bồ Tát hóa thân.”(5) Điều dễ thấy là câu chuyện trên không có trong kinh Phật, mà là sáng tạo của người dân Trung Quốc, có hai nguyên nhân lí giải sự ra đời của nó: “một là sự hưng thịnh của Phật giáo trong thời đại nhà Đường. Hai là tùy theo quá trình hưng thịnh, Phật giáo dần được bản thổ hóa. Câu chuyện này trải qua sự tiếp nối và phát triển, đến thời Tống đã xuất hiện hai văn bản: một bản là truyện “Mã lang phụ” (Vợ chàng họ Mã) trong quyển 13 thượng “Hải lục toái sự” của tác gia Diệp Đình Khuê triều Bắc Tống. Bản khác cũng là truyện “Mã lang phụ” trong quyển 41 “Phật tổ thống kí” đời Hiến tông Nguyên hòa năm thứ 4 do Chí Bàn soạn vào triều Nam Tống(6). Cả hai văn bản này đều đề cao giáo lí của Phật, đồng thời Bồ Tát vốn đã cao khiết và từ bi nay lại càng được đề cao. Đặc biệt là đến sau này, nhiều tình tiết trong kinh Phật đã được truyền tụng và đi sâu vào thế tục, rõ ràng do tưởng tượng thần bí của con người bản thổ, câu chuyện Phật giáo đã mang nhiều dấu vết diễn hóa. Mục đích của sự diễn hóa là nhằm làm giác ngộ chân tâm mọi người, khêu gợi họ hướng thiện và nương nhờ cửa Phật. Tuy nhiên, trọng tâm của câu chuyện vẫn là Mã lang phụ. Có điều rằng truyện trước là hóa thân của Tỏa cốt Bồ Tát, mà truyện sau đã biến thành hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát. Đến đời Nguyên, trong “Thích thị kê cổ lược” quyển 3 của Giác Ngạn, Mã lang phụ lại biến thành hóa thân của Quan Âm Bồ Tát. Thời gian phát sinh câu chuyện là từ đời Đường, từ “Người phụ nữ Diên Châu” đến “Vợ chàng họ Mã” thời đại Tống, Nguyên, hệ thống kiểu truyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” ở Trung Quốc đã trải qua một quá trình diễn hóa dài lâu, từ Tỏa cốt Bồ Tát đến Phổ Hiền Bồ Tát rồi đến Quan Thế Âm Bồ Tát. Trong hệ thống kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân ở Nhật Bản, nhân vật hóa thân thành kĩ nữ chính là Phổ Hiển Bồ Tát, sự kiện này hoàn toàn thống nhất với “Phật tổ thống kí” đời Nam Tống. Ngoài ra, thời gian xuất hiện những văn bản, điển tịch của Nhật Bản như Kojidan (Cổ sự đàm), Jikkinsyo (Thập huấn sao), Sensyusyo (Soạn tập sao)… đại thể tương đương với thời kì Nam Tống ở Trung Quốc. Đó cũng là thời kì giao lưu văn hóa Trung - Nhật hết sức phồn thịnh. Vì vậy, có thể cho rằng, kiểu truyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản trong thời kì Tống – Nguyên, trải qua một quá trình diễn hóa lâu dài đã trở thành văn hóa bản địa Nhật Bản.
Trong “Người đẹp say ngủ”, Y.Kawabata chưa hề nói tới kĩ nữ là do vị Bồ Tát nào hóa thân và nhà văn cũng không hề có ý làm rõ điều này. Song sự phát triển tình tiết trong “Người đẹp say ngủ” và nội dung câu chuyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” trong thư tịch cổ của Trung Quốc và Nhật Bản tuy có những chỗ khác nhau, song câu chuyện dân gian kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân đã đi sâu vào tâm thức nhân dân, bảo lưu thành vô thức tập thể qua nhiều thời đại. Điều này cho thấy Y.Kawabata là một nhà văn suốt đời bảo lưu triết lí Thiền, cho dù vô tình mượn kiểu truyện này thì khát vọng đốn ngộ cho nhân gian bằng “mĩ cảm của sự dấn thân” - vẻ đẹp cứu rỗi của triết lí Thiền là hoàn toàn là hợp lí. Nhưng từ đầu tới cuối tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ”, nhà văn lại thông qua một loạt phương thức hoặc rõ ràng hoặc ám dụ thể hiện những “Người đẹp say ngủ” có những chỗ giống với Bồ Tát. Những cô gái giúp cho ông khách già ngủ được, về bản chất cũng là những cô gái yên hoa, tuy nhiên, trong tác phẩm cũng thể hiện hết sức rõ ràng quan niệm: kĩ nữ và yêu nữ là do Bồ Tát hóa thân. Do vậy có thể cho rằng, Y.Kawabata vô tình đã mượn mô thức kết cấu kiểu truyện này để ngầm biểu đạt tư tưởng nghệ thuật của mình bằng hình tượng hóa sự cứu rỗi của Phật giáo.
Biểu tượng “Người đẹp say ngủ” nói về những cô gái lấy việc dùng thuốc say ngủ làm nghề kiếm sống, đã được những nhà văn sau Y.Kawabata kế thừa đến biểu tượng này. Tiểu thuyết trung thiên Shirakawa yasen (Đêm đi thuyền trên sông Bạch Hà) của nhà văn nữ Yoshimoto Banana cũng nói về biểu tượng người đẹp say ngủ này. Nữ chủ nhân Shiori ở trong một “câu lạc bộ bí mật” làm công việc của người uống thuốc để say ngủ. Trong tập tiểu thuyết “Tokyo Byodoku” (Tokyo bệnh hoạn) của tác gia đương đại Murakami Masahiko, có một tiêu đề truyện ngắn là “Say ngủ”, truyện ngắn này miêu tả trong cửa hàng giặt quần áo tự động có trương một tấm biển quảng cáo “nữ sinh đại học ngắn hạn 19 tuổi say ngủ”, khách có thể hài lòng xem say ngủ, thậm chí muốn say ngủ, lệ phí chỉ mất 5000 yên mỗi giờ”, nhưng tuyệt đối không được mạo phạm hoặc có hành vi dung tục, nếu không sẽ thông qua đồng bạn để báo cảnh sát.”(7) Hình tượng những thiếu nữ say ngủ trong tác phẩm văn học, thực tế không tồn tại ngoài xã hội, nguyên nhân của sự kiện này e rằng chính là từ hình tượng những “người đẹp say ngủ” của Y.Kawabata. Điều này cho thấy, Y.Kawabata hư cấu hình tượng “người đẹp say ngủ”, vốn tiếp nhận từ kiểu truyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” trong dân gian, hình tượng hóa tấm lòng từ bi của Phật giáo, tùy duyên khai mở tư tưởng trí tuệ cho chúng sinh thông qua sáng tác văn học. Kiểu truyện này đã làm thăng hoa cao độ ý nghĩa cứu tế của Phật giáo.
Ý nghĩa cứu tế của câu chuyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” có quan hệ nội tại quan trọng đối với giáo lí của nhà Phật. Tương truyền vào đời Đường, Bàn Thích Mật Đề Du – cao tăng người Ấn Độ người đem “Bàng Nghiêm kinh” truyền vào Trung Quốc. Kinh này đã chỉ ra: kĩ nữ, trộm cướp, đồ tể, buôn gian bán lận đều có thể là do Bồ Tát tái sinh để giáo hóa chúng ta; sau khi ta tịch độ, truyền cho các Bồ Tát và A la hán, hóa thân vào những chỗ cùng nhất, thành muôn hình vạn trạng, tạo ra muôn sự luân chuyển. Hoặc thành sa môn, cư sĩ áo trắng, vua chúa quan chức, đồng nam đồng nữ, ngay cả dâm nữ quả phụ, cờ bạc trộm cắp, cùng đồng bọn của chúng, xưng tụng Phật thừa, làm cho thân tâm nhập đất tam ma”(8) Trong Duy Ma kinh cũng có ghi: hoặc hiện thành dâm nữ, đưa dẫn kẻ hiếu sắc, trước bị tình dục cầm tù, sau biết hướng về Phật trí”.(9) Thậm chí, trong “Hoan hỉ Kim cang” nói: “Trí Huệ (Minh Phi) tròn 16 (tuổi) dùng tay ôm trọn lấy Linh (âm hộ) Chữ (dương cụ) ngay khi hòa hợp, còn A Xà Lê thì làm phép “quán đảnh” tức dạy phép tu theo phương pháp trên. Đệ tử phải kinh qua phép tu “quán đảnh” này mới có thể tu theo Vô thượng du già. Người tu dùng nhục thể người nữ làm đàn tràng, lấy âm hộ làm Liên hoa, do “đăng liên hoa” mà đạt đến điểm cuối cùng của việc tu trì. Sự hoan lạc tối cao (paramànanda) là lấy dục chế dục để đạt đến vô dục”(10). Kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân rõ ràng là có quan hệ mật thiết với giáo nghĩa kinh điển của Phật giáo cũng như cách thức tu luyện để đạt tới đỉnh cao vô dục.
5. Trong “Người đẹp say ngủ”, để thể hiện tốt nhất ý nghĩa hàm ẩn “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân”, Y.Kawabata dùng không ít bút lực và phương tiện nghệ thuật.
Đầu tiên là địa điểm phát sinh câu chuyện, nơi thực thi sự say ngủ là một không gian bị bao bọc bởi những tấm màn màu đỏ, là câu lạc bộ của “người đẹp say ngủ”. Đó là một mật thất tăm tối, có những gian phòng tịch mịch hoàn toàn bị bao phủ trong những rèm cửa sổ bằng nhung màu đỏ thẫm dệt hình những con thiên nga. Từ xưa tới nay, đối với đại tự nhiên, trong tâm thức các dân tộc khác nhau màu đỏ tượng trưng cho màu của lửa và mặt trời, của máu và sự sống. Vì vậy nơi mật thất đỏ thẫm này, thể hiện cho sự tôn nghiêm, vĩnh hằng thần thánh và bất khả xâm phạm. Bối cảnh và hoàn cảnh màu đỏ đã dự cảm tính chất thần thánh của những thiếu nữ say ngủ trong nơi này, khiến họ trở thành “vật cấm kị” bất khả xâm phạm, đồng thời cũng ngầm chỉ ra một câu chuyện cấm kị sẽ diễn ra ở trong đó. Mở trang đầu của tiểu thuyết câu đầu tiên là lời nói “cấm kị” của người phụ nữ già nói với ông già Eguchi - người lạ mới tới là: không được làm điều xấu, không được cho tay vào mồm các cô gái say ngủ. Tiểu thuyết cũng nhiều lần cường điệu chi tiết: những cô gái say ngủ được đem đến cho ông già tất cả đều là xử nữ. Vì vậy, các cô gái này khác hẳn với ca kĩ về ý nghĩa xã hội, chỉ hương thơm cao khiết lan tỏa toàn thân họ, cũng có thể đem lại sức hấp dẫn nơi trần tục. Cũng chính vì như vậy, ông già Eguchi ở bên cạnh họ đã cảm nhận được sự “trong trắng”, “hồn thuần”, “ấm áp” “ngát hương” và “vẻ đẹp ngọt ngào”. Trong không gian màu đỏ này, sự thần thánh của nữ tính được bảo vệ tôn nghiêm. Chính sự thần thánh tôn nghiêm này đã là tiền đề đưa đến việc kĩ nữ là Bồ Tát hóa thân.
Bên cạnh đó, không gian mầu đỏ thẫm tăm tối kia, còn là biểu tượng cho tử cung của người phụ nữ. Nói như Lão Tử, “cái hang tăm tối của giống cái” chứa đựng sự huyền bí sinh sản. Rõ ràng trong căn phòng sẫm mầu máu tăm tối ấy có nhiều yếu tố đối lập âm dương: ông già và cô gái trẻ, sự suy kiệt và tuổi thanh xuân, thực và mộng… để rồi thống nhất trong sự hồi sinh, mà chủ yếu ở đây là sự hồi sinh về mặt tinh thần - đốn ngộ, bừng tỉnh sau những trải nghiệm…
Hai là những cô gái đã uống thuốc ngủ, không còn chút nào năng lực tư tưởng và hành động, như vậy đã rơi vào trạng thái vô tri giác, không tư duy, hoàn toàn ở trong trạng thái mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, “lục căn thanh tĩnh”. Điều này một lần nữa cho thấy các cô gái này cũng thánh thiện và cao khiết như Phật tổ.
Ba là những cô gái này hoàn toàn không hề có phản ứng đối với tư tưởng và cầu dục của những ông già, cũng có thể nói người khách và những cô gái này khồng hề có sự giao lưu, trạng thái khép kín tuyệt đối không thể trực tiếp giao lưu này cũng hoàn toàn giống như trạng thái của người phàm đối với Bồ Tát. Thêm nữa mọi hành vi mạo phạm dù bất kể hình thức nào đối với các cô gái đều bị nghiêm cấm, những vị khách đến thăm đều đã 80-90 tuổi, cái tuổi đã suy kiệt lại đối diện với người đẹp say ngủ bất khả xâm phạm như thần thánh chẳng khác nào phàm nhân đối diện với Bồ Tát.
Bốn là để tăng thêm Phật tính cho những cô gái này, nhà văn đã mượn lời của ông già Kiga nói với ông già Eguchi về cảm giác cùng giường với những người đẹp say ngủ như là: “cùng ngủ với đức Phật thần bí nấp kín đâu đây.”(11) Ở đây tác giả đã nhờ ngôi thứ ba trực tiếp chỉ ra cho người đọc tính Phật của các người đẹp say ngủ.
Năm là người đẹp say ngủ đã không một lời mà bao dung tất cả các ông già, từ sự bi thương, tuyệt vọng, đến cả những xấu xa và tội lỗi mà họ đã gây ra trong cuộc đời, giống như tấm lòng của Phật tổ quảng đại vô biên từ bi hỉ xả phổ độ cho muôn vàn chúng sinh. Đối với những ông già đến căn nhà tĩnh mịch của những người đẹp say ngủ, sự tịnh mịch ở đây không chỉ là để giúp họ dễ dàng tìm về được tuổi thanh xuân đầy sức sống, song lẽ nào lại không có người đến đây vì muốn quên đi tội lỗi mà họ đã gây ra trong cuộc đời?”(12) Ở đây cũng giống như việc xưng tội của con chiên trước Giáo chủ Cơ Đốc giáo để mong tìm được sự cứu rỗi về tinh thần. Ông già Eguchi ở đây cũng muốn cứu chuộc tội lỗi trong cuộc đời, muốn tới đây mong cầu được sự giải thoát. Đối mặt với những cô gái say ngủ, ông ta dâng trào những suy nghĩ:
….Từ góc độ ý nghĩa của thế tục, những ông già này đều là những người thành công, cũng không phải là những kẻ lạc ngũ. Song những thành công của họ có được chính là do làm điều ác mới có, e rằng cũng có người không ngừng dùng thủ đoạn xấu xa để liên tục giữ được thành công. Vì vậy, họ không phải là người có tâm linh yên ổn, luôn lo sợ, luôn thất bại. Khi ngả mình xuống giường, tiếp xúc với làn da của những cô gái trẻ say ngủ, từ thẳm sâu trong lòng, có lẽ không chỉ là tiếp cận với sự lo sợ của cái chết và sự tiếc thương tuổi thanh xuân đã suy kiệt. Có lẽ còn có người hối hận vì ngày xưa tự mình không tích đức, có được một lần thành công thì gia đình lại bị bất hạnh.(13)
Sự trầm mặc của các cô gái khiến cho các ông già không cảm thấy xấu hổ, cũng tránh cho lòng tự tôn của họ không bị tổn thương. Như vậy có thể thấy, “những người đẹp say ngủ phải chăng là một kiểu đức Phật? Là Phật nhưng lại đang sống. Mùi thơm tho của da thịt, mùi hương của tuổi trẻ phải chăng mang lại cho các ông già một kiểu tha thứ và an ủi”.(14) Những câu chữ của nhà văn ở đây không hề bộc lộ, mà chính là để cho sự từ bi rộng lớn của những cô gái giúp cho những ông già giải tỏa được tâm nguyện bi thương.
Ông già Eguchi ở bên những người đẹp say ngủ đã nhớ về những người phụ nữ đi qua trong cuộc đời ông, cuối cùng trong lòng ông cũng lóe lên: người phụ nữ đầu tiên là người mẹ. Lúc này, ông mới bắt đầu quay về bản chất của sự sống, từ điểm tiếp cận cuối cùng của cuộc sống, cũng như con người đi từ hỗn loạn ô trọc đến thuần khiết, an tĩnh. Chi tiết này không chỉ tái hiện buồn vui đối với những người phụ nữ trong cuộc đời ông già Eguchi, mà còn ẩn chứa quan hệ vi diệu về lẽ sinh tử. Như vậy những gì là khổ não trong cuộc đời ông già Eguchi đã được an ủi và tĩnh hóa khi ở bên những người đẹp say ngủ, ông cảm thấy: “trong 67 năm mình đã trải qua, vẫn chưa từng có đêm nào thanh tịnh như đêm nay ở bên các cô gái” “tỉnh lại bên các cô gái ấm áp, và mùi thơm nhu hòa, như nhận được sự ngọt ngào tươi đẹp.” Trẻ thơ vốn là thuần khiết và thiên chân, còn chưa nhiễm ô trọc phiền não cuộc đời. Những người đẹp say ngủ làm cho ông già Eguchi quay trở về được trạng thái trẻ thơ này, quay về với phác thực, thuần tĩnh của sinh mệnh. Song đối với ông những người đẹp say ngủ không chỉ là Bồ Tát hóa thân, mà còn là hiện tại hết sức gần gũi, cũng chẳng cần tới “bỉ ngạn” xa xôi. Như vậy, một nhục thể sống của ông già trên đường suy kiệt, cuối cùng đã nhận được sự cứu về tinh thần.
6. Mặt khác, kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân của hai nước Trung - Nhật đều tuyên dương tư tưởng “vạn vật là một” (vạn vật nhất như) của Phật giáo. Cội nguồn của tư tưởng “vạn vật là một” có từ tư tưởng “Phật Ta là một” của Bà La môn giáo cổ đại Ấn Độ. Bà La Môn giáo đem hai phạm trù Phật và Ta đồng nhất lại, cho rằng Phật chúa tể của thế giới với Ta là những linh hồn cá thể về bản chất là thống nhất. Sau khi Thích Ca xuất gia đắc đạo, nhận thấy chế độ đẳng cấp và quan niệm giai cấp nghiêm ngặt của xã hội Ấn Độ, liền ra sức tuyên truyền sự bình đẳng của chúng sinh, mở rộng tư tưởng “Phật Ta là một”, hình thành tư tưởng “vạn vật là một” của Phật giáo. Phật giáo coi loài người và tất cả sinh vật có máu thịt và linh khí là vạn vật trong trời đất này, tất cả đều được gọi là chúng sinh, và cho rằng về đạo thể bản tính của chúng đều bình đẳng, hình trạng đầu tiên của thế giới là: vạn sự vạn vật hỗn nhiên là một, chưa hề có sự phân biệt. Quan niệm này được gọi là “nhất như” “Ngũ đăng hội nguyên” quyển 1 có viết: “tâm có thể khác, nhưng vạn pháp là một - một là thể huyền bí, gắn bó mật thiết với duyên. Vạn pháp đều quy phục tự nhiên.” Đến ngay cả vật chất vô sinh mệnh cũng đều bình đẳng không có hai, thì có lẽ nào quan hệ giữa người với người lại khác. Bởi vậy, kĩ nữ, người phàm tục, Bồ tát cũng đâu có khác nhau. Tư tưởng “vạn vật là một” được thể hiện hết sức sâu sắc trong “người đẹp say ngủ”: mọi sự vật đối lập trên thế gian này đều thông qua giấc ngủ say mà vượt qua mọi cách trở để quay về “nhất” (một).
Trong tiểu thuyết, những chủ thể say ngủ ở đây gồm hai quần thể đối lập: đó là những thiếu nữ tuổi trẻ sức sống dồi dào, một bên là những ông già sức khỏe đang trong giai đoạn suy kiệt, nói khác đi quần thể trước tượng trưng cho sự bắt đầu cuộc sống, quần thể sau tượng trưng cho sự kết thúc cuộc sống. Nhưng họ đều say ngủ trong cùng một không gian, cùng một thời gian, thậm chí cùng một trạng thái – đều dùng thuốc để say ngủ (mật thất “người đẹp say ngủ” đã có người chuyên chuẩn bị sẵn thuốc ngủ cho họ). Cả hai cùng ngủ một giường đã trở thành sự hợp nhất sinh mệnh, dường như cùng bước đi những bước đầu tiên. Ở đây cũng cho thấy tư tưởng triết học của tác giả khi thấy sự thuần nhất trong giấc ngủ vốn hết sức đa dạng của mọi người. Ngoài ra tác giả còn trở đi trở lại hình tượng “những thiếu nữ ngủ say như chết”, mà các ông già trong giấc ngủ mông lung lại nhớ về những năm tháng của tuổi trẻ. Hiển nhiên quá trình say ngủ sẽ là quá trình cả hai đi theo hướng “về một” (nhất như); cũng là quá trình vận động giữa sống và chết, những thiếu nữ trong lúc say ngủ là tiếp cận cái chết, còn người già trong lúc say ngủ lại quay về với tuổi thanh xuân. Không chỉ như vậy, trong “Người đẹp say ngủ”, mọi quan niệm thế tục về về sự vật đối lập đều có xu hướng quay về đồng nhất. Những ông già suy kiệt và những thiếu nữ say ngủ đều trở thành nhân vật chủ yếu của câu chuyện, cho dù khác nhau về giới tính, về tuổi tác hay trạng thái thân thể, hay cả đặc trưng bên ngoài, cũng đều tồn tại những đối lập giữa nam và nữ, già và trẻ, suy kiệt và mạnh khỏe, xấu xí và tươi đẹp… Nhưng những người đẹp say ngủ do dùng thuốc mà họ bước vào trạng thái vô tri vô giác, đến cả lời nói và hoạt động cùng không thể có, điều này cơ hồ giống với những ông già phản ứng thì chậm chạp, hành động trì trệ, sức sống, cơ hồ sắp cạn; sự đối lập cũng như sai biệt giữa hai quần thể trên qua trạng thái say ngủ đã bị mơ hồ và nhòe hóa. Đáng lưu ý, phần kết thúc lại là ông khách già Eguchi với cái chết của một người đẹp say ngủ. Chi tiết này thêm một lần nữa khẳng định họ triệt để tiến tới cùng một cảnh giới của sự sống và cái chết, mà không hề phân biệt tuổi tác, không có đẹp và xấu. Như vậy, cho dù giữa mọi cá thể có tồn tại những khác nhau rất đa dạng, thì cuối cùng cùng đều quay về sự tương đồng, thực hiện sự bình đẳng và hợp nhất của vạn vật.
Vạn vật vốn bình đẳng hợp nhất, điều này bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa, những sai biệt giữa người với người, người với vạn vật về căn bản là không tồn tại. Không chỉ như vậy, sống và chết, gặp gỡ và chia li, ái mộ và oán hận, được và mất… đều là sự vô thường sinh ra nỗi thống khổ cho vạn vật cũng đều không tồn tại. Điều này chính là cảnh giới “bất nhị pháp môn” của Thiền tông. Thiền tông đã vận dụng: “Bất nhị pháp môn” để vượt qua mọi đối lập, nhằm làm cho “Minh tâm kiến tính” quay về bản tâm thuần phác minh tĩnh. Tác phẩm “người đẹp say ngủ” cũng thông qua việc quy nhất lặp lại kĩ nữ và Bồ Tát, cô gái trẻ và ông khách già, thể nghiệm “vạn vật về một”, cũng chính tư tưởng “vạn vật về một” đã dẫn dắt mọi người tiến vào cảnh giới vượt qua mọi sự khác biệt, vượt qua mọi hiện tượng tương đối của vật lí: thời gian không gian, vật và ta, vuông và tròn, dài và ngắn, sống và chết… đồng thời vượt qua cả những quan niệm tâm lí: thuận và nghịch, cùng tắc và thông biến, phải và trái, được và mất, tốt và xấu… từ đó mà mọi phiền não, thống khổ đều được giải thoát, bước vào thế giới tinh thần minh tĩnh thanh khiết. Có thể thấy, đằng sau biểu tượng sắc tình và đồi phế tác phẩm “Người đẹp say ngủ” còn thể hiện tấm lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Phật giáo.
Đương nhiên, là một tác phẩm của nhà văn nổi tiếng trên thế giới, lại sáng tác vào lúc ngòi bút thành thục nhất, thì nội hàm tư tưởng của nó là đa nguyên và hết sức phức tạp. Cứu thế có lẽ không chỉ là một chủ đề duy nhất của “Người đẹp say ngủ”, nhưng chúng ta cũng khó có thể phủ nhận tác giả đã dùng nhiều bút lực thể hiện điều này với một nội hàm sâu sắc, và không thể không thấy đó là một chủ đề quan trọng.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 năm 2010
Dẫn theo: www.inas.gov.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mitsueda Kazuo, Sự ngạo mạn của Kawabata, Chuyển dẫn từ Ykawabata, Tiểu học quán 1991. tr148
2. Umehara Takeshi, Tư tưởng Nho giáo của Y.Kawabata, Quốc Văn 2/1970 tr43
3. Hirayama Jouji, Văn học Kawabata và thế giới cổ điển, Trường Cốc Xuyên Tuyền biên tập, Nghiên cứu tác phẩm Y.Kawabata, Bát Mộc thư điếm 1969.
4. Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000,
5. Xem “Văn uyên các Tứ khố toàn thư”: sách 921. Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán 3/1986 tr645.
6. Chí Bàn soạn (Nam Tống), Phật Tổ thống kỉ Q41, Đại Chính tạng Q49.
7. Murakami Masahiko, Say ngủ, Chuyển dẫn: Tokiyuu Byodoku, Giảng đàm xã 1995. tr282
8. Bàn Thích Mật đế thích: Đại Phật đỉnh thủ Bàng Nghiêm kinh Q6, Xem: Đại chính tàng Q19
9. Duy Ma cật sở thuyết kinh, Q2. Xem: Đại chính tàng Q14
10. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Con đường dẫn đến tự do vô thượng 2006.
11. Viên Tân, Trung Quốc Thiền tông ngữ lục đại quan, Bách hoa châu văn nghệ xuất bản xã. 1994.
(1) Mitsueda Kazuo, Sự ngạo mạn của Kawabata, Chuyển dẫn từ Ykawabata, Tiểu học quán 1991. tr148
(2) Umehara Takeshi, Tư tưởng Nho giáo của Y.Kawabata, Quốc Văn 2/1970 tr43
(3) Hirayama Jouji, Văn học Kawabata và thế giới cổ điển, Trường Cốc Xuyên Tuyền biên tập, Nghiên cứu tác phẩm Y.Kawabata, Bát Mộc thư điếm 1969.
(4) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000,
(5) Xem “Văn uyên các Tứ khố toàn thư”: sách 921. Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán 3/1986 tr645.
(6) Chí Bàn soạn (Nam Tống), Phật Tổ thống kỉ Q41, Đại Chính tạng Q49.
(7) Murakami Masahiko, Say ngủ, Chuyển dẫn: Tokiyuu Byodoku, Giảng đàm xã 1995, tr 282
(8) Bàn Thích Mật đế thích: Đại Phật đỉnh thủ Bàng Nghiêm kinh Q6, Xem: Đại chính tàng Q19
(9) Duy Ma cật sở thuyết kinh, Q2. Xem: Đại chính tàng Q14
(10) Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Con đường dẫn đến tự do vô thượng 2006.
(11) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 400
(12) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 456
(13) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 456
(14) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 457
PGS.TS Trần Lê Bảo
(ĐH Sư phạm Hà Nội)