Cái bóng như một cổ mẫu hay là những suy nghĩ từ truyện Cái bóng của Hans Christian Andersen và một số tác phẩm khác

Kinh nghiệm cái bóng là một trong những kinh nghiệm sớm nhất của loài người khi bản thân họ là thiên nhiên, là tự nhiên, là vũ trụ. Đó là thứ kinh nghiệm hiện hữu, kinh nghiệm về sự có mặt, hiện diện của thực tại, của tồn sinh giống như bóng cây, bóng lá trên đường, bóng núi chân đèo, bóng mây giữa đồng, bóng chim trên sóng, bóng trăng đáy nước. Một sự hiện diện, và vì thế mà hiện hữu, vừa giống lại vừa khác với hình, tức khác với thực thể được hắt bóng, được ngã bóng, được chiếu bóng.

Bước ra từ hình, đó là bóng, nhưng khi bóng quay lại nhìn hình, ngắm hình thì lập tức xuất hiện một thứ kinh nghiệm khác về cái bóng. Đó là kinh nghiệm bản ngã. Ấy là lúc con người soi mình trên nước, nhìn thấy không chỉ bóng mình như bóng núi mà cả khuôn mặt mình, nhưng là một khuôn mặt khác, vừa giống lại vừa khác, đó là khuôn mặt của cái bóng. Một màn sương tâm linh trùm lên sự hiện hữu của cái bóng là vì thế. Con người phóng chiếu lên bóng những trải nghiệm bản thân. Và chính một-cái-ta-khác là cái bóng này giúp con người hoàn tất bản ngã, vừa báo hiệu sự hiện hữu, vừa chia sẻ những trải nghiệm, vừa giúp hiện hình một phần những trải nghiệm ở tầng sâu đời sống tâm linh.

Kinh nghiệm cái bóng như thế là một kinh nghiệm phổ quát, mang tính toàn nhân loại, có đời sống nơi vô thức tập thể. Cái bóng là một cổ mẫu (archetype). Cái-ta-khác có từ thứ kinh nghiệm về người kháccủa người khác này, với tư các là một cổ mẫu sống nơi tầng sâu vô thức tập thể, đã được đẩy lên tầng ý thức (nhưng gốc rễ vẫn còn nơi vô thức tập thể) để chuyển tải cái vô thức cá nhân khi đi vào văn chương và các ngành nghệ thuật khác, và vì thế nó có những biến hoá khôn lường.

Trước hết, cái bóng trong truyện Cái bóng (1847) của Hans Christian Andersen (1805-1875) là như thế. Nhờ giữ nguyên đặc điểm nguyên thuỷ của cổ mẫu cái bóng, tức miêu tả cái bóng từ khi hình hắt bóng, mà câu truyện của Andersen thấm đẫm màu sắc huyền thoại, gắn với kiểu truyện cổ tích, truyện thần tiên. Nhưng khi cái bóng tách khỏi hình, có một đời sống riêng độc lập và tự do, rồi quay lại đẩy con người vào bi kịch thì bấy giờ vẫn với yếu tố li kì của truyện cổ tích, truyện thần tiên nhưng Cái bóng đã vượt khỏi khuôn khổ của thể loại nguyên gốc này để bước tới truyện ngắn huyền thoại hiện đại; một cách khác, truyện cổ tích ấy đã lung linh huyền thoại hiện đại. Cái bóng như một phân thân, như một phản thân, như một hoá thân, như một hiện thân, và như tất cả những thực thể ấy.

                         Mình với ta tuy hai mà một

                         Ta với mình tuy một mà hai

(Chúng ta cần chú ý hiện tượng ngược chiều, lộn đầu trong cấu trúc và trong ngữ nghĩa tiếng Việt của ta với mình. Đây là điểm thật sự thú vị).

Vì thế, cái bóng trong truyện Cái bóng của Hans Christian Andersen không ngừng hiện lên mỗi lần một khác dưới một ánh sáng mới, dưới một cái nhìn theo một hệ qui chiếu mới. Chính từ đây, trong cái lốt trẻ con của truyện cổ tích, truyện của Andersen đạt đến cái thuần phác lão đồng của triết học.

Trước Cái bóng năm 1847 của Andersen là Người mất bóng năm 1814 của Aldalbert von Chamisso (1781-1838), một tác giả Đức.

Thực ra tác phẩm của Aldalbert von Chmisso có tên là Truyện khác thường của Peter Schlemihl (Peter Schlemihls wundersame Geschichte). Schlemihl là một từ thuộc ngôn ngữ Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu, chỉ một người vụng về, bất hạnh và hình như chẳng có gì diễn ra hợp lẽ đối với nó. Peter Schlemihl trao cái bóng của mình cho người lạ mặt vận đồ xám đầy pháp thuật để đổi lấy cái túi Thần tài. “Tôi thấy ông ta nhè nhẹ gỡ cái bóng của tôi khỏi thảm cỏ một cách nhanh nhẹn dị thường. Ông ta gỡ từ đầu đến chân, xếp nó, cuốn lại và cuối cùng cho vào túi” (trang 29). Thế là Peter Schlemihl mất bóng.

Đây là mô típ bán linh hồn cho quỉ dẫu rằng về sau này có lúc tác giả khiến ta lầm tưởng cái bóng kia với linh hồn là hai thực thể biệt lập. Ấy là khi Schlemihl nhiều lần bị đẩy vào tình thế bi đát đã tìm cách đổi lại bóng của mình thì người đàn ông lạ mặt vận đồ xám xuất hiện hứa sẽ trả cái bóng lại cho Schlemihl với điều kiện Schlemihl ký tên bán linh hồn của mình sau khi chết. Vẫn là quan hệ một-hai nhưng bây giờ là linh hồn với cái bóng. Đó là trò chơi của quỉ, trò chơi của tiềm thức cùng vô thức. Trò chơi ấy lộ ra với chúng ta một điều là hình như giữa hình với bóng không phải chỉ là quan hệ một-hai mà trong cái thực thể là hình kia tồn tại những thực thể khác, những cái-ta-khác, những tiếng nói khác nơi những tầng bậc khác nhau của tổng thể tâm thức con người bao gồm cả ý thức, tiềm thức, vô thức.

Truyện Cái bóng của H.C.Andersen khởi từ khát vọng của nhà bác học muốn khám phá ngôi nhà đối diện có “một thứ ánh sáng kỳ lạ, lấp lánh”,“các đoá hoa nom như những ngọn lửa, màu sắc chói lọi”, có “một cô gái tuyệt đẹp” và tiếng nhạc mê hồn (trang 278). Thế là một đêm kia khi ngọn đèn phía sau hắt bóng nhà bác học lên bức tường ngôi nhà trước mặt, cuộc độc thoại của hình rồi cuộc đối thoại thầm lặng giữa hình với bóng diễn ra, và bóng ra đi. “Ông ta đứng dậy và quay vào, buông rèm cửa xuống. Nhưng nếu có ai ở đấy cũng sẽ trông thấy cái bóng cũng quay vào cửa bên kia và biến vào trong nhà” (trang 279).

Từ đó cái bóng đi đường của bóng. Còn nhà bác học lại mọc ra cái bóng mới từ cái rễ của cái bóng cũ còn sót lại. Chúng ta gặp lại mô típ một hình nhiều bóng. Cái gốc rễ vô thức tập thể kia một khi được đẩy lên tầng vô thức cá nhân sẽ hiện hình thành nhiều biến tướng. Những biến tướng ấy ứng phó với từng phương diện nhân cách của ý thức. Con người tồn tại giữa những phương diện nhân cách ấy, đi giữa những tiếng nói khác nhau một cách đa dạng ấy. Nếu không điều hoà được, không thoả hiệp được, không vượt lên được, con người sẽ rơi vào nguy cơ bị huỷ diệt. Đó là bi kịch đánh mất bản ngã.

Có khi cái bóng đơn thuần chỉ là một-cái-ta khác, đối lập với hình, đi lên từ tầng sâu của tiềm thức, hiện hình thành hình tượng văn chương như một biến tướng của nhân cách dưới một áp lực tâm lý không thể chịu đượng nổi như trường hợp Yakov Petrovich Golyadkin già và trẻ, vụng về, luống cuống và khéo léo nhanh nhẹn trong Kẻ song trùng (The Double, năm 1846) của Dostoevski.

Cũng là kiểu nhân vật cặp đôi, trùng tên nhưng giống tính khí và như thể nguyên bản với phiên bản, chỉ khác nhau ở cái giọng thì thào của phiên bản. Đó là nhân vật William Wilson và William Wilson phản thân trong truyện William Wilson của Edgar Allan Poe. Poe đã ghi lại một cách tuyệt diệu kinh nghiệm tâm linh của con người lần đầu tiên đối bóng: “… tôi chầm chậm và lặng lẽ kéo tấm màn đã buông kín vừa đủ để ánh sáng chiếu lung linh trên khuôn mặt người đang ngủ, cùng lúc, đôi mắt tôi chằm chằm nhìn vào anh. Tôi nhìn vào anh và ngay tức khắc thấy có một thứ cảm giác tê liệt, lạnh cóng tỏa khắp thân thể. Tôi thở hổn hển, gối khuỵu xuống, đầu óc trở nên vô cảm với nỗi khiếp sợ không tài nào hiểu được.” (trang 536). Cái bóng như một phản thân ấy theo suốt W. Wilson, thường xuyên ám ảnh anh (“Và rất nhiều lần, trong tiềm thức bí ẩn của tôi vẫn vang lên câu hỏi: Anh ta là ai, từ đâu đến và sự xuất hiện của anh ta nhằm mục đích gì? Và tôi không bao giờ tìm được câu trả lời.”, trang 546), mặc dù đã nhiều lần anh chạy trốn, và cái bóng cũng nhiều lần lật tẩy W. Wilson để đến nỗi cuối cùng trong một cơn kích động tột đỉnh, William Wilson giết chết phản thân, giết chết kẻ chế ngự mình, kẻ hành hạ mình, giết chết cái bóng của mình, giết chết cái bản ngã của tầng sâu vô thức. Nhưng vô ích! Hốt nhiên tấm gương soi hiện ra in bóng. Chúng ta lại trở lại với cổ mẫu cái bóng nguyên thuỷ trong tấm gương nước vô thức. Và kinh nghiệm đối bóng một lần nữa hiện lên theo một cách khác, bóng hoàn toàn khống chế hình dẫu cái giọng thì thào của phản thân không còn nữa. “Đó là Wilson. Chỉ có điều anh ta không còn nói thì thào nữa, và tôi cảm thấy chính tôi đang nói điều mà anh nói” (trang 550). Cái thực thể vô thức là phản thân hay là cái bóng hiện thân kia từ đấy chi phối hành vi của con người nhân vật. Bức thông điệp gửi đi từ William Wilson của E.A. Poe mang một ý nghĩa nhân học và triết học đặc biệt. Điều này gợi chúng ta nhớ đến khổ cuối bài thơ Quạ của chính E.A.Poe:

Và quạ, chẳng bao giờ dời đổi, nín lặng vẫn ngồi, nín lặng vẫn ngồi

Trên bức tượng Pallas bán thân vàng vọt ngay trên cửa sổ phòng tôi;

Và đôi mắt hắn có tất cả cái vẻ bề ngoài của đôi mắt quỉ đang mơ màng,

Và ánh sáng đèn tuôn trùm lên người hắn hắt bóng hắn xuống sàn;

Và linh hồn tôi thoát ra từ chiếc bóng đang nằm kia trôi nổi trên sàn

                   Sẽ được nâng lên – không bao giờ nữa

 

Cuộc đối thoại giữa hình và bóng không diễn ra trong Người mất bóng của Aldalbert von Chamisso, và cái bóng một đi không trở lại! Nhưng cuộc đối thoại như thế đã chảy suốt truyện ngắn William Wilson của Edgar Allan Poe dưới hình thức phát ngôn của người kể chuyện-nhân vật theo kiểu một thứ kinh nghiệm bản ngã vô thức được trải ra.

Còn trong Cái bóng của H.C.Andersen, cái bóng ra đi rồi trở về, rồi quay lại, và cuộc đối thoại giữa hình với bóng diễn ra như giữa hai thực thể đích thực, bình đẳng. Bóng nhiều lần chỉnh sửa lối xưng hô sỗ sàng, bất bình đẳng của hình. Điều chúng ta cần chú ý là ban đầu cái bóng ra đi khỏi hình xuất phát từ khát vọng của hình là nhà bác học. Nhưng ngay sau đó, như cuộc đối thoại về sau giữa bóng với hình hé lộ, khi đã thành người, bóng rời khỏi nàng Thơ (nàng Thơ không giữ được, nàng Thơ cũng bất lực!), tiếp tục lên đường như một hiện thân của tham vọng khống chế con người nhờ nắm trong tay toàn bộ bí mật của thế giới con người. “Các vị giáo sư gọi tôi là đồng nghiệp. Các bác thợ may biếu tôi quần áo mới, các nhà buôn tặng tôi những sản vật đẹp nhất của họ, phụ nữ cho tôi là tuyệt mỹ” (trang 283, 284). Cái bóng trở về nguyên vẹn sức mạnh của cổ mẫu vô thức tập thể.

Cuộc quay lại lần thứ hai của bóng – một cái bóng đã thành người, nhưng là người mất bóng – mang một ý nghĩa mới. Với toàn bộ sức mạnh của mình, cái bóng đã gây nên cuộc đảo lộn vô tiền khoáng hậu mà lại thường xuyên phô diễn. Ấy là cái bóng trở thành chủ nhân của hình, và hình hoá thành cái bóng của bóng. Hình sống như đã chết. Bóng lừa hình. Bóng giết hình. Thông điệp về cái bản ngã vô thức và sức mạnh khống chế thế giới của nó đã được H.C.Andersen hình tượng hoá một cách tài hoa như thế. Nhưng ngay ở đây, bức thông điệp còn vươn tới cái ý nghĩa nhân sinh sâu sắc đến bất ngờ: Ta đang là ta hay đang là bóng của ta. Ta đang tồn tại như chính ta hay đang sống nhờ vào bóng. Và nhiều câu hỏi khác. Cứ thế cõi người ta phút chốc hoá “mờ mờ nhân ảnh”.

Thế là, cánh bướm trong giấc mơ của Trang Tử đột nhiên khoác chiếc áo huyền thoại hiện đại. Và cũng như thế với Gregor Samsa, K… của F. Kafka, với Jake Barnes, Harry, Jordan, Santiago… của E. Hemingway, với những hình nhân của Sontag, và trong một chừng mực nào đó, với Vũ Nương của Nguyễn Dữ.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. C.G.Jung, “Archetypes of the Collective Unconscious”, in Twentieth Century Criticism, The Free Press, New York, 1974.

 

2.  A.D.Chamisso, Người mất bóng, Cô Lữ dịch, NXB Nguyệt Quế, Sài Gòn, 1973.

 

3.  Hans Christian Andersen, Truyện cổ An-đec-xen, Nguyễn Văn Hải và Vũ Minh Toàn dịch, NXB Văn học, H. 2005.

 

4.  Edgar Allan Poe, Tuyển tập Edgar Allan Poe, Ngô Tự Lập và nhóm Địa cầu Văn hoá dịch, NXB Văn học, H. 2002.

 

* Những đoạn trích được sử dụng trong bài viết đều từ các tài liệu nêu trên, trừ đoạn trích bài thơ Quạ của E.A.Poe là do Đào Ngọc Chương dịch.

 

 

 

Thông tin truy cập

60822366
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5156
8930
60822366

Thành viên trực tuyến

Đang có 251 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website