Người đọc am tường, liên tưởng mở rộng: Điểm qua mấy hướng tiếp cận liên văn bản ngoài nước

Tính ra đã 44 năm kể từ khi Julia Kristeva đề ra khái niệm intertextualité (tính liên văn bản) trong tiểu luận “Bakhtine, le mot, le dialogue et le roman” (Bakhtine, từ ngữ, đối thoại và tiểu thuyết), đăng trên tạp chí Critique (Phê bình) tháng 4 năm 1967.  Từ đó đến nay, học giới quốc tế đã tiếp nhận và vận dụng rộng rãi khái niệm liên văn bản trên nhiều lĩnh vực; riêng ở Việt Nam, nó đã được giới thiệu và triển khai trong phạm vi nghiên cứu văn chương khởi sự từ thập niên đầu của thế kỷ này. Bước qua thập niên thứ hai tựa hồ cũng là thời điểm tốt để nhìn lại một chặng đường tiếp biến liên văn bản của thế giới cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn nghiên cứu.  Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, lược thuật này không có tham vọng bao quát toàn cảnh lý thuyết liên văn bản cùng với những tiếp cận đa dạng và phong phú của nó.  Thoạt đầu, có lẽ nên nghe lại những ý kiến cập nhật của chính nữ học giả Pháp gốc Bulgaria về lý thuyết do chính bà đề xướng. Sau đó, bài viết sẽ điểm qua vài khảo cứu ứng dụng của lý thuyết này ở Mỹ và Trung Quốc. Hai nội dung trên đây nhằm góp đôi ý niệm về học thuật liên văn bản đương thời, gợi ra ý hướng cho nghiên cứu theo lối này ở Việt Nam trong thời gian tới.

Julia Kristeva

Liên văn bản, hay là phần khiếm khuyết của văn bản

Trong bài “‘Nous Deux’ or a (Hi)story of Intertextuality” (“Hai chúng ta” hay là (lịch sử) câu chuyện tính liên văn bản), công bố trên The Romanic Review (93:1-2, tháng 1-3/2002), Kristeva nhận xét: “Tính liên văn bản nay đã là chuyện thường thấy của đa số các cuộc tranh luận văn chương, và là một khái niệm xuất hiện trong hầu như tất cả các bộ từ điển lý thuyết văn học. Thế nên, tôi nghĩ rằng con đường hiệu quả nhất hiện nay để xử trí một khái niệm như thế là nên quên đi tất cả những gì nó có thể nói với chúng ta – những nhà lý luận văn học, trong phạm vi giới định của phân tích văn chương, và khởi đầu lại bằng cách xem xét lại tiềm năng của nó như một cuộc phiêu lưu rộng mở hơn.” (t.8).  Bà cho rằng tính liên văn bản là cách đặt người đọc chúng ta không chỉ ở trước một cấu trúc ít nhiều phức tạp và đan xen, mà còn ở trong một tiến trình biểu thị đang diễn ra, có gốc từ phức số ký hiệu học, dưới nhiều tầng bậc của cái hàm nghĩa (significant). Theo đó, ý nghĩa khía cạnh xã hội – lịch sử của tính liên văn bản đạt đến một hàm nghĩa mới: trong mỗi phương ngữ xã hội (sociolect) và hệ tư tưởng (cả hai đều là những hệ thống tín hiệu đã được xác lập vững chắc) luôn có một lỗ hổng của tính chủ quan, tạo thành một ma trận ẩn giấu của những thế lực tiền biểu trưng (pre-symbolic forces), có khả năng khiến lịch sử tiếp diễn thông qua toàn bộ những câu chuyện ngắn ngủi và đơn nhất của nó (t.9). Nói cách khác, những “lỗ hổng” tiềm tàng trong văn bản (theo nghĩa rộng) là chỗ cho văn bản, nhận thức phát triển qua duyệt đọc của độc giả.   

 

Cũng trong bài này, Kristeva đề cập đến Michael Riffaterre – một nhà lý luận có vai trò trọng yếu trong việc phát triển lý thuyết liên văn bản.  Riffaterre chỉ ra rằng sự tương tác giữa người đọc và văn bản là nguồn gốc biện chứng của ý nghĩa. Văn bản và người đọc tạo nên sự thống nhất cần thiết trong hành động đọc, sự thống nhất mà Riffaterre gọi là “hồi đáp có tính cưỡng bách của người đọc” (compulsory reader response) và “lực dẫn liên văn bản” (intertextual drive).  Tiến trình liên văn bản được miêu tả đồng thời như sự hữu lý hóa và dẫn lực.  Hữu lý hóa là phần diễn giải, đi từ một ma trận còn thiếu của ý nghĩa và tính bất hợp ngữ pháp đến một thông điệp hợp ngữ pháp và có tổ chức trong tiến trình hồi cố của diễn giải. Trong cơ cấu của hành động đọc có sự hiện diện vô thức của liên văn bản (intertext) như dẫn lực của người đọc đến một văn bản ngoại tại. Sự hiện diện này có sẵn trong văn bản như phần thiếu vắng hay bổ nghĩa. Người đọc đối diện với một thể hiện có rào cản, và mong muốn tìm được phần ma trận không thể hiện ấy. Riffaterre ví phần văn bản mà người đọc có được như chiếc bánh rán khuyên tròn (doughnut): trong khi tiêu thụ phần bánh, người đọc vẫn cảm thấy chưa đủ vì sự hiện diện của khoảng tròn trống không ở giữa. Chính từ sự khát thèm phần thiếu vắng này mà tiến trình liên văn bản nảy sinh.  Theo Kristeva: “Cho dù người đọc chưa có năng lực chỉ ra điều đó, họ vẫn biết rằng phải có điều gì đó ngoài văn bản có khả năng biến nó thành một chỉnh thể có nghĩa, và họ dùng một phương pháp nào đó để truy tìm nó, hay sau này do tình cờ mà tìm được nó nhân khi đọc được văn bản then chốt hay ‘thiếu vắng’ nọ... Phần thiếu vắng của một văn bản, được gọi là ‘liên văn bản,’ tựa như một lời chú gắn lên người đọc, buộc họ phải hồi đáp vì nhu cầu hoàn thiện, tinh nguyên.” (t.11-12).           

       

Một số tiếp cận liên văn bản

Xu hướng mở rộng khái niệm “văn bản” (text) đã cho phép khái niệm này dung nạp hầu như toàn bộ các phương thức thể hiện mà không nhất thiết phải dựa trên phương tiện văn tự ghi ký. Theo đó, một tác phẩm hội họa, điện ảnh, âm nhạc, thời trang, hay quảng cáo đã trở thành văn bản và được “đọc” bằng nhiều phương thức khác nhau. Khi lời tuyên bố của Roland Barthes, “Bất kỳ văn bản nào cũng là liên văn bản,” đã trở nên quá phổ biến đến mức có thể “liên văn bản” nặc danh, tiếp cận liên văn bản được mở rộng vô hạn hầu như trên mọi lĩnh vực. Ở đây chỉ đề cập đến một phương diện tiếp cận liên văn bản đối với chuyển thể điện ảnh ở Mỹ.

 

Trong tháng 7 năm 2010, Literature – Film Quarterly (Quý san văn học – điện ảnh) ra số đặc biệt “Texts, Technologies, and Intertextualities: Film Adaptation in a Postmodern World” (Văn bản, kỹ thuật, liên văn bản: Chuyển thể điện ảnh trong thế giới hậu hiện đại). Trong phần tổng luận, Ian Olney phân các bài trong số này theo hai hướng tiếp cận chính: một là xem xét tính chất hậu hiện đại đã ảnh hưởng đến tiến trình chuyển thể như thế nào; và hai là tính chất hậu hiện đại đã cổ vũ các học giả xem xét tác phẩm chuyển thể dưới một ánh sáng mới ra sao. Hướng tiếp cận đầu cho thấy trong xã hội hậu hiện đại – xã hội của biểu diễn, nhiều tác phẩm chuyển thể điện ảnh đã dần trở thành nơi phô diễn kỹ thuật, tạo ra những hiệu ứng đặc biệt (special effects) trước đây chưa từng thực hiện được. Việc cường điệu mang tính hậu hiện đại đối với hồi cố và mô phỏng trong nghệ thuật đã tái tạo quá trình chuyển thể. Các tác phẩm chuyển thể đã hiện đại hóa, tái sáng tạo, và giải cấu trúc văn bản nguồn của nó: rõ nhất là những chuyển thể tác phẩm của Shakespeare gần đây đã tìm cách cập nhật những vở diễn của ông cho phù hợp với khán giả đương đại. Tính chất hậu hiện đại đồng thời phá vỡ sự phân cách giữa văn hóa “cao” và “thấp”; tính đa văn hóa và toàn cầu hóa cũng đưa yếu tố đa nguyên vào chuyển thể điện ảnh, khiến nó không còn là phóng chiếu của nam quyền, hay tinh thần “dĩ Âu vi trung”. Hướng tiếp cận thứ hai cho thấy vấn đề chuyển thể điện ảnh được đánh giá trên cơ sở trung thành với văn bản nguồn của nó đã bị chất nghi.  Barthes tuyên cáo “cái chết của tác giả,” lập luận rằng trong thế giới hậu hiện đại, văn bản “không phải là một hàng những từ ngữ phóng thích ra một ý nghĩa “thần học” đơn nhất (“thông điệp” của một Tác Giả – Thượng Đế), mà là một không gian đa diện trong đó một loạt những trứ tác hòa trộn và va đập vào nhau, không một trứ tác nào trong số này là nguyên sáng”.  Nhà lý luận điện ảnh Robert Stam cho rằng chuyển thể điện ảnh phải được xem như một “thương thảo đa tầng của những liên văn bản” (multileveled negotiations of intertexts) trong đó sách và phim được nhận biết “trong cơn xoáy của quan hệ liên văn bản và chuyển hình, của những văn bản sản sinh ra những văn bản khác trong tiến trình vô tận của tái chế, chuyển hình, biến hóa, không có một điểm khởi đầu rõ ràng.” (t.166-170).  Cả sách và phim cuối cùng đều là những liên văn bản, đối thoại với nhau và với những (liên) văn bản khác. Chuyển thể điện ảnh nay đã được xem xét như một thực thể với những giá trị tự thân và đồng đẳng với tác phẩm văn chương.                

   

Khái niệm liên văn bản từ lâu đã thâm nhập vào đời sống học thuật Trung Quốc. Thuật ngữ “intertextuality” được dịch sang Trung văn theo nhiều cách, ví như “khóa văn bản tính 跨文本性,” “văn bản hỗ thiệp 文本互涉,” “văn bản gian tính 文本間性,” “gian văn bản tính 間文本性,” “hỗ văn bản tính 互文本性,” nhưng sử dụng phổ biến nhất vẫn là “hỗ văn tính 互文性.”  Chuyên luận L’Intertextualité: Mémoire de la littérature của Tiphaine Samoyault (Tính liên văn bản: Chuyên luận văn học, Paris: Nathan université, 2001) đã sớm được dịch sang Trung văn (Hỗ văn tính nghiên cứu, Thiệu Vĩ 邵煒 dịch, Thiên Tân Nhân dân xuất bản xã, 2002), và nhanh chóng trở thành cơ sở lý luận cho các công trình nghiên cứu về sau.  Một khảo sát nhanh qua mạng “China National Knowledge Infrastructure” (CNKI, Cơ sở hạ tầng tri thức quốc gia Trung Quốc, phần “Học thuật văn hiến tổng khố,” http://epub.cnki.net/grid2008/index/ZKCALD.htm) với từ khóa “hỗ văn tính” tra qua hạng mục “chủ đề” cho thấy từ giữa thập niên 1990 cho đến nay đã có khoảng 2,250 đơn vị tư liệu (bao gồm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, và tiểu luận đăng trên tạp chí chuyên ngành) liên quan đến chủ đề này công bố ở Trung Quốc đại lục.  Các nghiên cứu này khảo sát tính liên văn bản trên nhiều điạ hạt khác nhau như quảng cáo, phiên dịch, điện ảnh, nhưng tập trung nhất vẫn là ở phạm vi văn học.

 

Khái niệm liên văn bản đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc vận dụng để khảo sát tương liên giữa các tác phẩm có sự gián cách thời gian, ví như giữa Mrs. Dalloway (Bà Dalloway, 1945) của Virginia Woolf và The Hours (Thời khắc, 1998) của Michael Cunningham, hay giữa thơ Tống và thơ Bạch Cư Dị. Tiếp cận liên văn bản cũng được triển khai để khảo sát một nhóm tác phẩm của cùng tác giả, ví như tìm hiểu bộ 4 tác phẩm của Marguerite Duras – Un  barrage contre le Pacifique (Tường ngăn biển Thái, 1967),  Eden cinéma (Rạp phim Eden, 1977), L’Amant (Người tình, 1984), và L'Amant de la Chine du Nord (Người tình Hoa bắc, 1991) [1]. Nghiên cứu trường hợp đã chỉ ra đối thoại giữa các (liên) văn bản có tính độc lập tương đối, như trong trường hợp chuyển hóa từ sự thực lịch sử của nhân vật yêu nước Trịnh Bình Như (một dạng “văn bản”) sang nhân vật tiểu thuyết Vương Giai Chi trong tiểu thuyết Sắc giới của nhà văn Trương Ái Linh đến nhân vật điện ảnh trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Lý An [2]. Liên quan đến văn học Việt Nam trung đại, đáng chú ý là Kiều Quang Huy đã phát hiện thêm những quan hệ giữa Truyền kỳ mạn lục và các tác phẩm thuộc hệ Tiễn đăng [tân thoại] như Tiễn đăng dư thoại, Hiệu tần tập, Hoa ảnh tập, và đặt bộ tiểu thuyết truyền kỳ Việt Nam vào một quan hệ đối thoại liên văn bản phức hợp: “Chỉ đến khi đưa Truyền kỳ mạn lục vào trong hệ thống văn bản tiểu thuyết của hệ Tiễn đăng mới có thể giải phẫu đầy đủ toàn bộ ý nghĩa của tác phẩm.” [3]

 

Lời kết

Lẽ thường, người đọc nhiều thơ với cảm thụ thi ca sâu sắc thì thường có khả năng bình thơ hay. Nói cách khác, đó chính là người đọc am tường (informed reader) có khả năng mở rộng trường liên tưởng, xây dựng được một mạng liên văn bản, tạo ra đối thoại cho các (liên) văn bản đã được thu nhập vào trong mạng kết nối ấy. Dựa trên tri thức tích lũy từ những năm tháng duyệt đọc các loại văn bản từ nhiều nguồn văn hóa đa dạng, mỗi người đọc thiết lập cho mình một mạng liên văn bản (cũng đồng thời là “liên văn hóa”). Trong quá trình duyệt đọc, mạng liên văn bản – liên văn hóa sẽ được “lực dẫn liên văn bản” trong tác phẩm kích hoạt, giúp người đọc kiến tạo các phương án lý giải tác phẩm, nhằm lấp đầy khoảng trống của chiếc “bánh rán khuyên tròn”. Tùy thuộc vào mạng liên văn bản/văn hóa, hay nền tảng văn hóa (cultural background) của mỗi người mà các tầng bậc ngữ nghĩa tiềm ẩn trong tác phẩm nghệ thuật được hiển lộ qua những phương án duyệt đọc khác nhau.  Với tư cách là một khái niệm, “tính liên văn bản” cho phép nhận ra mối quan hệ phức hợp tiềm tàng giữa một văn bản cụ thể với những văn bản khác.  Cả người viết lẫn người đọc đều được xem như những nhân tố thao tác giữa những mạng văn bản, liên tưởng, chọn lựa, phối kết, và sáng tạo ra những văn bản mới của mình. “Tính liên văn bản” cho thấy khả năng “đồng sáng tạo”, “tái sáng tạo” của người đọc, đồng thời cũng chỉ ra tiềm năng mở trong việc diễn giải văn bản dựa trên liên tưởng, liên hợp – kiến cấu tri thức văn hóa và khả năng ứng dụng, tái tạo chúng trong quá trình “đọc” văn bản.

 

Khái niệm liên văn bản hòa điệu với các khái niệm khác, như “ảnh hưởng” văn hóa – chính trị – xã hội. Các yếu tố văn hóa, chính trị, xã hội của một “văn bản hiện thực” có thể được “chuyển vị” (trans-positioned) vào trong “văn bản nghệ thuật,” và như thế, hoàn toàn có thể thiết lập một đối thoại giữa hai văn bản này. Khái niệm lỗ hổng của tính chủ quan của văn bản mà Kristeva đề cập là phổ quát cho mọi loại văn bản, và đó là chỗ mà người đọc truy cầu để lấp đầy và tạo ra động lực cho lịch sử. Với liên văn bản, cả người viết lẫn người đọc đều là những nhân tố thao tác giữa những mạng văn bản, liên tưởng, chọn lựa, phối kết, và sáng tạo ra những văn bản mới của mình. Trong phê bình, nghiên cứu văn học, chủ thể người đọc được chú trọng vì chính đây là nơi sản sinh ra những cách đọc mới cho văn bản, làm phong phú thêm hàm nghĩa của nó, khiến cho sức sống của tác phẩm không bị cạn kiệt mà luôn được sáng tân.

NN

 

Chú thích

[1]    Xem Hộ Tư Xã 户思社.  “Đỗ La Tư (Duras) tứ bộ tác phẩm trung đích hỗ văn tính nghiên cứu杜拉斯四部作品中的互文性研究,” Giải phóng quân ngoại quốc ngữ học viện học báo解放军外国语学院学报, tháng 03/2008.

[2]    Lý Hồng Mai 李紅梅.  “Sắc Giới hỗ văn tính phân tích 色戒互文性分析,” Điện ảnh bình luận 電影評論, số 15 (2008).

[3]    Kiều Quang Huy 喬光輝.  “Truyền kỳ mạn lục dữ Tiễn đăng tân thoại đích hỗ văn tính giải độc 傳奇漫錄與剪燈新話的互文性解讀, Đông phương luận đàn 東方論壇, số 3 (2006).

 

Nguồn: Bình luận văn học - Niên giám 2011, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề (2011)



* TS, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM

Thông tin truy cập

60869977
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12164
17592
60869977

Thành viên trực tuyến

Đang có 583 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website