"Màu thời gian" - "Bông sáng tạo dâng lên bàn thờ đạo" (Một diễn giải về thơ từ đặc trưng loại hình)

Đọc thơ Đoàn Phú Tứ, ở bài Màu thời gian, người ta có thể tìm được cho mình một định nghĩa về thi sĩ và thơ. Đoàn Phú Tứ là một thi sĩ và thơ ông Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình phảng phất Tình một thuở còn hương:

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

 

Ngàn xưa không lạnh nữa Tần Phi

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

 

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh

 

Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân  vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

 

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát

(1939 - 1940)(1)

Màu thời gian ẩn chứa những quan niệm mĩ học khác làm nên chất thơ của một thi phẩm đánh dấu một loại hình thơ khác so với thơ lãng mạn. Nói cách khác, Màu thời gian là sự hiện hình của tư tưởng Xuân Thu về nghệ thuật, thi ca, trong đó hàm chứa khát vọng đổi mới nội dung và hình thức thẩm mĩ của thơ, đưa thơ trữ tình vượt ra khỏi địa hạt của thơ ca lãng mạn vốn đã trở nên quen nhàm trong tinh thần của lớp thi nhân và người đọc đương thời. Đứng trước Màu thời gian, những kinh nghiệm thẩm mĩ của thơ ca lãng mạn vừa mới chan hòa trong ta chợt thấy cần phải được tiết chế, cần phải được hướng vào một “Đạo” (như là con đường để đến với cái đẹp, trong, thật – Quan điểm Xuân Thu) khác để có thể “thông tri” ( Nietzsche ) với những sắc thái tinh thần mới mẻ, hướng đến “Đạo” (chân lý tối cao, mục đích của thơ) mà thế hệ thi nhân tiếp theo muốn gây dựng trên mảnh đất thi ca Việt Nam.

1.     Màu thời gian mang một quan niệm mới về chất thơ

Chất thơ của một thi phẩm chính là sự hòa điệu của thanh âm, nhạc điệu và tâm trạng, cất lên trong một cấu trúc ngôn từ nhịp nhàng, gây dựng từ sự lặp lại của các thành tố ngôn ngữ trong quá trình “tuyển lựa” và “kết hợp” (R. Jakovson). Giản dị hơn, chất thơ là phẩm tính đặc trưng để một cấu trúc ngôn từ được gọi là thơ. Và dĩ nhiên, quan niệm về thơ và chất thơ luôn hàm chứa sử tính của nó, nên sự vận động của thơ ca xét đến cùng là sự vận động của quan niệm về chất thơ. Quan niệm về chất thơ chính là hạt nhân trong tư duy thơ – nền tảng của loại hình thơ.

Màu thời gian là một sản phẩm của sự SÁNG TẠO trong khát vọng hướng đến “Điệu tuyệt vời, trong, đẹp, thật, để thấu được cái Nhạc của đất trời”(2), là “những bông SÁNG TẠO dâng lên bàn thờ ĐẠO”(3). Thơ, Nhạc là hình thức hiện hữu của “những nhịp chân thành của riêng từng tâm hồn cá nhân”(4). Đó là con đường sáng, là lý tưởng sống – lẽ sống mà văn thi sĩ của nhóm Xuân Thu muốn biểu tỏ và thực hành. Thơ, Nhạc là trạng thái của “Vô biên” đạt đến tầm mức của “Hình nhi thượng”. Như thế, chất thơ chỉ là một tinh chất trong quá trình đi tìm một quan niệm (hình nhi thượng) về nghệ thuật, về Đẹp, Trong, Thật, hướng tới Đạo như là hình thức tối cao của thẩm mĩ quan (giống như trong mĩ học Nhật Bản với Trà đạo, Hoa đạo, Kiếm đạo,… Đạo của người Nhật giống như Pháp của Trung Hoa – Kiếm pháp, Trận pháp, Thư pháp,… nhưng dường như đã vượt lên và hàm chứa sự uyên súc và tinh diệu của hình nhi thượng)(5).

Chất thơ của Màu thời gian đọng ở hai câu có tính chất chìa khóa: Dìu vương hương ấm thoảng xuân tìnhTình một thuở còn hương. Có thể xem đây là tình thơ trong Màu thời gian. Cái tình khởi xuất cho một linh cảm nghệ thuật về điều bất tử của cái đẹp, cái không băng hoại trong dòng thời gian. Tình thơ này nhanh chóng tìm thấy một “ý tượng” phù hợp nhất với nó là Màu thời gian tím ngát/Hương thời gian thanh thanh – nghĩa là sự “phảng phất”, “nhuốm”, “thoảng” của màu và hương thời gian nhưng lại hàm chứa một khả năng trường cửu trước sự băng hủy. Ý tình ấy lập nên tứ thơ: hương sắc của ái tình muôn thuở phảng phất trong thời gian (NTT nhấn mạnh). Tứ thơ được gây dựng (cấu tứ) dựa trên ý niệm về ái tình không phôi pha giữa dòng thời gian. Để tương ứng với tính chất phảng phất, bảng lảng, thoang thoảng của những thiên diễm tình, những mối “duyên trăm năm”, “tình một thuở còn hương”,… thời gian đã “tự đạm” để trường tồn trong sắc “tím ngát”, “thanh thanh”.

            Trở lên, một số lập luận của chúng tôi về ý tính, cấu tứ của Màu thời gian cũng nhằm hướng tới việc bày tỏ sự “thông tri” với thi nhân về một “chất thơ” mới, một trường thẩm mĩ mới. Lưu ý rằng, trường thẩm mỹ ấy không chỉ là mấy dây tình cảm yêu thương, hờn giận, oán sầu như thơ lãng mạn, không chỉ chuyên chú ở nội dung tư tưởng (mà làm sao có thể tách nội dung tư tưởng của thơ ra khỏi hình thức thơ được?) mà còn là “chất thơ” trong hình thức nghệ thuật, trong “cái biểu đạt”. “Cái biểu đạt” chính là một “cái được biểu đạt” trong ý thức thẩm mĩ, tình cảm thẩm mĩ của không riêng Đoàn Phú Tứ mà cả các thi sĩ thơ mới giai đoạn cuối như Hàn Mặc Tử – Đau thương, Bích Khê – Tinh huyết, Đinh Hùng – Mê hồn ca, Phạm Văn Hạnh – Giọt sương hoa, Nguyễn Xuân Sanh – Buồn xưa, Hồn ngàn mùa, Bình tàn thu,… Chất thơ cần phải được hiểu là “tính thể” của thơ, là linh hồn của thơ, nó biểu hiện trong toàn bộ cấu trúc thi phẩm. Từ khoảng trắng trong thơ đến những thanh âm hãy còn vang vọng sau lời, từ sự lặp lại đến những thanh điệu, nhạc điệu, từ câu thơ, khổ thơ đến cách xuống dòng, ngắt đoạn, từ vần điệu đến giai điệu, từ âm điệu đến những cách tu từ, từ sự hòa điệu của văn bản ngôn từ như một khách thể thẩm mĩ với cái chủ quan thuộc về mĩ cảm, tư duy của người sáng tạo, người tiếp nhận, từ sử quan cộng đồng, thời đại gắn với những hệ giá trị, những chuẩn mực thẩm mĩ,… đều là những phương diện tiềm tàng chất thơ mà ta không thể bỏ qua khi bàn về một thi phẩm nào đó.

            Với giai phẩm Màu thời gian, chất thơ như đã phác họa ở trên còn phảng phất bay lên từ những thanh âm dìu dịu, những sắc màu thanh thanh, những âm giai nhè nhẹ, du dương đầy nhạc tính. Không cần phải tỉ mỉ để đo đếm ta sẽ nhận ngay ra rằng Màu thời gian sử dụng nhiều vần bằng và các ngữ âm có âm vực rộng, cao có tính năng vang và lan tỏa. Một vài thanh trắc tím ngát, tóc mây, đứt đoạn,… tạo nên những điểm nhấn, thay đổi về nhịp để kiến tạo nhạc tính, sau mỗi vần trắc ấy, nhịp thơ như được đập thêm một lần cánh, để lan tỏa, để phảng phất trong thời gian và không gian. Hệ thống từ vựng của Màu thời gian quả thực phảng phất nhuốm màu thời gian, nó vừa xa xôi, cũ càng, vừa có nét thanh tân dịu nhẹ, lại thoang thoảng, mong manh của những gì dễ phôi pha,… Vì thế, nó quyến luyến lòng người – con người vốn mang tính thể hoài niệm – trong hoài niệm, ký ức đẹp lên và “linh lung” hơn rất nhiều.

2.     Một quan niệm mới về thơ

Chúng tôi cho rằng, thơ chính là hình hài của chất thơ. Chất thơ khi được bồi trúc, được hữu hình hóa bằng ngôn từ, bằng các thao tác kiến tạo văn bản trở thành thơ trong tư cách là một loại hình diễn ngôn, phân biệt với các diễn ngôn khác, mang những chất khác mà ta gọi là tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, ký, phóng sự,…

Màu thời gian mang quan niệm mới của Đoàn Phú Tứ về thơ. Một chất thơ bảng lảng, phảng phất trong thời gian và không gian, gợi lên trong lòng người những tình sử thiên thu, chạm vào vùng linh thị của cảm giác yêu đương và sự bất tử. Không chỉ Đoàn Phú Tứ mà các thi sĩ của Xuân Thu nhã tập đều hướng tới một thứ thơ khác với thơ lãng mạn. Trong một nỗ lực tư duy dù biết hết sức cơ giới và khập khiễng nhưng có thể gợi lên một tương quan mang tính “định thể” cho Màu thời gian và các thi phẩm Xuân Thu, có thể gọi đó là Thơ tượng trưng. Chúng tôi không vội đi vào những dấu hiệu của thơ tượng trưng mà trước hết trên bình diện tổng quát phải hiểu rằng thơ tượng trưng là loại hình thơ mang tính biểu trưng. Diễn ngôn thơ chỉ là một hình thức mã hóa của một hệ thống thẩm mĩ – mĩ học ẩn chìm phía sau, phía trong cấu trúc ngôn từ với chằng chịt những ký hiệu, biểu tượng, dấu hiệu biểu trưng như nhạc, nhịp, vần, giai điệu, thanh âm, khoảng trắng, các lối tu từ,… Tất cả có thể được xem như “thể dụng” hoặc “cái biểu đạt” của “thể tính” – cái được biểu đạt. Nói theo cách của Phạm Công Thiện thì toàn bộ thi phẩm là một “Hố thẳm” mà nơi đó, chúng ta phải im lặng để “uyên tư” về “thể tính” của những  “thể dụng” đang hiện hữu trước mắt chúng ta, đang được chúng ta tri kiến(6).

Để có một hình hài tương xứng với chất thơ như trên, Màu thời gian đã tìm đến một lối hành ngôn rất gợi cảm, thay cho việc triển khai hệ từ biểu cảm, truyền cảm vốn là sở trường của thơ lãng mạn. Kiệm lời và những lời được trưng dụng trong cơ chế “tuyển lựa” cũng mang đầy tính biểu trưng, Màu thời gian là một diễn ngôn kiến tạo loại hình thơ mới trong sự tiến hóa của thơ trữ tình Việt Nam sau chặng lãng mạn dường như đã no ứ những xúc cảm trực hiện. Toàn bộ thi phẩm được biểu kiến chỉ là một hệ thống ký hiệu, một “rừng biểu tượng” (Ch. Baudelaire) và các dấu ấn biểu trưng khác. Để đến với Đạo như là một trình độ, một cảnh giới của TRÍ THỨC, THƠ, NHẠC, SÁNG TẠO con người cần phải đi qua rừng biểu tượng này như là sự can dự vào một “Công án”, một hoàn cảnh, tình huống có phẩm năng diệu ngộ. Nhập vào thế giới của Màu thời gian chúng ta ít nhất đã linh cảm được về một chất thơ, một loại hình thơ mới với khả năng gợi lên những xúc cảm thẳm sâu trong tâm thức con người, xuyên qua không thời gian.

3.     Tính chất “âm u, sâu xa” của biểu tượng gợi lên từ “cái nhạt”

Màu thời gian là một thi phẩm tượng trưng, biểu đạt hệ thống thẩm mĩ của mình trước hết bằng các biểu tượng. Cột trụ của khu rừng này chính là biểu tượng thời gian. Màu thời gian, hương thời gian được lặp đi lặp lại trong một cơ chế vừa có tính phản biện vừa mang khả năng kiến tạo một ký hiệu thẩm mĩ mới:

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh

Có nhiều người đã mang câu chuyện một giai nhân xứ Huế với ngón đàn dìu dặt se quyến lòng thi nhân dạo nọ, cái ốm xanh xao mang niềm mĩ cảm của sự phôi pha đầy quyến rũ, cái khoảng cách tấc gang mà nghìn trùng sông bể của những kẻ hữu duyên vô phận,… Cũng có người nhắc đến tích xưa của Lý Phu Nhân và Hán Võ Đế hay mối tình Dương Quý Phí – Đường Minh Hoàng. Dường như, đó chỉ là những chỉ dấu để kiếm tìm một sự thông diễn nào đó. Hương sắc thời gian trong Màu thời gian là một biểu tượng, cùng với các chỉ dấu biểu trưng khác hình thành nên một trường thẩm mĩ. Ở đây, thời gian đã được vĩnh hằng hóa, ngưng đọng và bất biến. Chính tham vọng đó đã nối liền tích xưa và chuyện nay trong một trường mĩ cảm bâng khuâng, xao xuyến về ái tình, về thiên thu vạn đại, về hư hoại phôi pha, về trường tồn và hữu hạn,… Màu thời gian, hương thời gian không nồng, không xanh mà “tím ngát”, “thanh thanh”. Đó là “Mỹ học của cái nhạt” mà F. Jullien đã nói: “ ta nói càng ít (cố giữ đừng nói nhiều) thì ta càng diễn dạt cái nhạt tốt hơn. Lời nói mà lu mờ thì có khả năng gợi cảm”(7). Người xưa nói rằng: Quân tử chi giao đạm nhược thủy (Người quân tử giao tình với nhau đạm bạc như nước), dân gian lại cũng ví von: Càng thắm lại càng mau phai/Thoang thoảng hoa nhài mà được thơm lâu. Nhạt hóa những sắc thái có tính chất mô tả, chính là thủ pháp quan trọng của thơ tượng trưng. Nhòe mờ hướng tới khả năng biểu đạt cao hơn và mang hiệu quả khơi gợi tốt hơn trong mĩ cảm của chủ thể tiếp nhận. Những thủ pháp của tranh Thủy mặc Trung Hoa hay Mặc hội Nhật Bản được sử dụng trong việc biểu tỏ trường mĩ cảm của thi nhân. Bất tử hóa, vô hạn hóa hay ngưng đọng hóa thời gian bằng chính cảm quan hương thơm và màu sắc được nhạt hóa là đặc trưng nổi bật trong ý thức, tư duy thẩm mĩ của Đoàn Phú Tứ. Thời gian trong mĩ cảm của thi nhân đã trở thành biểu tượng bởi chính khả năng lưu giữ những hòa hợp đã qua, những ký ức tinh thần của quá khứ và sống mãi trong cảm quan man mác của con người muôn thuở. Đó cũng là phẩm tính phổ quát của biểu tượng này trong giai phẩm để đời của Đoàn Phú Tứ.

4.     Những chỉ dấu biểu trưng “phảng phất” tín hiệu

Màu thời gian là một khu rừng các chỉ dấu biểu trưng. Đó là đặc trưng của loại hình thơ tượng trưng. Đặt yêu cầu hàm súc, cô đọng lên trên, lấy nhạc tính làm cứu cánh, biểu tượng làm phương tiện, thơ tượng trưng bắt buộc phải kiến tạo một hệ thống biểu trưng, đẩy các thông điệp thẩm mĩ về phía “âm u, sâu xa” đằng sau các chỉ dấu biểu kiến. Các chỉ dấu này “phảng phất” tín hiệu giúp người đọc có thể lần hồi vào thi giới.

Chúng ta có thể nhận ra một số chỉ dấu trong Màu thời gian như:

Ở cấp độ sự - hiểu như là thao tác “dụng sự”(8) - dùng điển cố trong thơ: Lý Phu Nhân và Hán Võ Đế, Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng,…

Ở cấp độ hình ảnh : tiếng chim thanh, gió xanh, hương ấm, tóc mây một món, chiếc dao vàng, mày hoa,…

Ở cấp độ ngôn từ : thanh thanh, xanh, tím ngát, xuân tình, dìu vương, thoảng, phảng phất, nhuốm, e lệ, tình cũ, lìa, hận, phụ, đứt đoạn, một thuở, còn hương, Tần Phi, phụng, Quân vương, nghìn trùng,…

Về sự, chúng ta không cần phải bàn luận nhiều khi đã hiểu rất rõ ràng ý nghĩa của việc dụng điển, dụng sự trong thơ ca kim cổ. Chỉ xin lưu ý một chút từ ý kiến của Cao Hữu Công và Mai Tổ Lân trong Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường, rất được Trần Đình Sử hưởng ứng là dụng sự, dụng điển, cốt mượn tình trong sự ấy. Nghĩa là, sự chỉ là xác vỏ, là cớ để gợi nên tình, kéo dẫn những ý tình từ sự. Từ tiểu sử, tình sử của các nhân vật trong điển, gây nên những cảm tình trong lòng người tiếp xúc, đọc điển. Cứu cánh của một vài điển cố trong Màu thời gian chính là gợi lại cái không khí ngàn xưa, mê mang tình ái. Tính chất kinh điển của những mối tình vương giả gợi lên niềm ngưỡng vọng, đủ sức vượt qua thời gian trở thành thiên thu trong tâm cảm con người mọi thời. Cảm giác bâng khuâng, tiêng tiếc trước những cách ngăn, trước những đứt đoạn, lìa không hận, nơi ái tình ánh lên vẻ quyến rũ nhất thực sự là mục đích mà Đoàn Phú Tứ hướng tới.

Về đặc tính hình ảnh : Các hình ảnh biểu đạt những trạng huống nhè nhẹ, dịu dàng, trong sáng. Tính từ đi kèm với danh từ như là một định ngữ, làm nên sắc thái của sự vật. Tất cả hiện lên vừa trong trẻo, đài các, lại vừa bảng lảng xa xôi, rất quen thân mà cũng khiến lòng người đầy e lệ. Sắc thái của những ái tình hữu duyên vô phận, ánh sáng của những vì sao sắp tắt, của những mong manh, phôi pha thật quyến rũ, ánh lên, rực rỡ lên để tan loãng vào hư không, vào bất tận của thời gian. Có hay không mối tình im lặng của thi nhân với người con gái áo tím xứ Huế? Hệ thống thi ảnh này còn hướng đến một khả năng phổ quát hơn: tâm trạng hạnh phúc đầy âu lo, mê say ẩn chứa niềm bất trắc. Trên bình diện mĩ cảm, tính chất “song hành” (R. Jakovson) đã hiện hữu trong chính các thi ảnh mà Đoàn Phú Tứ kiến tạo. Tính chất song hành về hai hướng tương đồng và đối lập, biểu đạt tính tương đương hướng tới sự “lựa chọn”, “kết hợp” của thi nhân đã giúp ta hình dung cụ thể hơn những véc tơ tinh thần, mĩ cảm sáng tạo. Dĩ nhiên, điều hướng cho những véc tơ này lại có một cốt mạch từ chính sự đã nói tới ở trên.

Đặc tính ngôn từ : Hệ thống ngôn từ của Màu thời gian cung cấp nhiều tín hiệu để chúng ta có thể tiếp cận thi giới của Đoàn Phú Tứ. Về từ loại, có thể nhận ra rất nhiều tính từ được trưng dụng trong thi phẩm. Về thanh điệu, phần lớn là thanh bằng, có âm vực cao, rộng, mang sắc thái nhẹ nhàng, bảng lảng. Một số thanh trắc có nhiệm vụ làm cho ý thơ thoát bay cao hơn sau đôi lần đập cánh. Chính điều này đã “phổ dàn nhạc” (R.Wellek và A.Warren) vào trong thi phẩm, làm nên một trong những đặc trưng căn bản của thơ tượng trưng là ưu tiên tính nhạc. Tính nhạc của Màu thời gian là sự dặt dìu, dịu nhẹ, miên man như hơi đàn yểu mệnh của nữ nhân áo tím xứ Huế. Thoảng trong tơ trúc có lẽ còn là câu chuyện tình thiên thu từ muôn trước. Bao bọc lấy tâm tư ta một không gian của âm nhạc, trong tiếng chim thanh, trong gió xanh, trong hương ấm, trong tóc mây cổ độ, trong áng mày hoa e lệ với nỗi buồn vĩnh hằng. Khúc nhạc tương tư phảng phất nơi thời khắc của sự chia biệt, nhưng cứ vọng mãi qua hương sắc của thời gian.

Ngoài lớp từ chỉ hương sắc, còn có lớp từ chỉ sự vận động dịu nhẹ cũng góp thêm vào tính năng biểu đạt của ngôn ngữ thơ. Đặc biệt, chúng ta không thể không nhận ra lớp ngôn từ bị cớm úa bởi thời gian. Những từ ngữ gợi lên dáng nét xưa cũ, phảng phất Hồn ngàn mùa chính là chất men về một sự hài hòa đã phôi pha, về ái tình đã mất chỉ còn vương hương trong thời gian. Cái không thể mất là niềm bâng khuâng, lưu luyến trước ái tình – một phẩm tính phổ quát của con người. Tiếp cận thi phẩm cũng không thể không nhận thấy hệ thống ngôn từ rất có dụng ý tu từ về mặt ngữ âm. Những ngữ âm có phổ rộng, mở, trong cứ đan bện, xe quấn vào nhau cùng nâng đỡ thi cảm: tiếng chim thanh, trong gió xanh, dìu vương hương ấm, xuân tình, Tần Phi, tóc mây một món, thà nép mày hoa, tình một thuở còn hương,… Những âm vực hẹp, trầm thấp: đứt đoạn, lìa, hận, phụ,… lại dắt mĩ cảm về miền đối lập đúng như “nguyên lý song hành” mà Jakovson đã chỉ ra trong việc kiến tạo “chức năng thi ca”(9).

            Địa vị của Màu thời gian trong dòng chảy thơ ca Việt nói chung và Thơ mới nói riêng, rộng hơn là những thực hành nghệ thuật của văn thi sĩ nhóm Xuân Thu nhã tập đã được nhiều tiếng nói có uy quyền xác lập. Điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Trong bề bộn những xác quyết ấy, với niềm tin về một giá trị, chúng tôi tìm cho mình một hướng kiến giải riêng trên tinh thần loại hình học. Nghĩa là, căn cứ vào quan niệm về chất thơ, quan niệm về thơ, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, các chỉ dấu biểu trưng thông qua ngôn từ, thi ảnh,… của thi phẩm để xác định loại hình của nó. Xét đến kỳ cùng, thao tác này đã đột phá vào hạt nhân kiến tạo loại hình thơ là tư duy thơ. Trong ý tưởng diễn giải về thơ từ đặc trưng loại hình, nhận diện những chuyển động của thơ Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại mà Thơ mới (bao gồm Xuân Thu nhã tập) là một chặng quan trọng, có tính chất giao thời, ẩn sau biểu tượng Màu thời gian là một xác tín, một kinh nghiệm, một định nghĩa về thơ.

NTT

------------------------------------------

Chú thích và tài liệu tham khảo

  1. Văn Tâm, Đoàn Phú Tứ con người và tác phẩm, Nxb Văn học, H, 1995, tr 471.
  2. Thanh nghị , Phiên bản điện tử của Viện Viễn Đông Bác cổ, 2009, Edition électronique: Philippe Le Failler, số 35, tr 25).
  3. Như trên, tr 25.
  4. Như trên, tr 25.
  5. Khương Việt Hà, Mỹ học Kawabata Yasunari, Nghiên cứu văn học,  số 6/2006.
  6. Phạm Công Thiện, Hố thẳm của tư tưởng, tái bản lần thứ 3, Phạm Hoàng xb, 1970, tr 11.
  7. F. Jullien, Bàn về cái nhạt, Trương Thị An Na dịch, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr 83.
  8. Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân, Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường, Trần Đình Sử, Lê Tẩm dịch, Nxb Văn học, 2000, tr 288 .
  9. R. Jakovson, Thi học và Ngữ học, Trần Mai Châu biên khảo, Nxb Văn học  - Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2008, tr 24. Tìm hiểu về tư duy thơ và ngôn ngữ chúng ta sẽ bắt gặp sự tương đồng của nhiều quan điểm về sự “song hành” (R. Jakovson), “lưỡng hướng” (G. Bachelard), “Cảm xúc đối nghịch” (L.X. Vugotsky), liên tưởng (F. Saussure), trường liên tưởng (Ch. Bally),…

Nguồn: http://vienvanhoc.org.vn/news/vanhoc/1072/mau-thoi-gian---bong-sang-tao-dang-len-ban-tho-dao.aspx

Thông tin truy cập

60759968
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4138
10454
60759968

Thành viên trực tuyến

Đang có 441 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website