Một cách xác định đặc trưng thể loại tục ngữ từ hướng tiếp cận bối cảnh

 (Ảnh: Giảng viên trẻ Lê Thị Thanh Vy (áo vàng) cùng với thầy cô trong Hội đồng chấm LV thạc sĩ)

      (VH-NN) Luận văn TỤC NGỮ TRONG VĂN HỌC: MỘT TRƯỜNG HỢP CỦA NGHIÊN CỨU FOLKLORE TRONG BỐI CẢNH của Lê Thị Thanh Vy, học viên cao học chuyên ngành Văn học Việt Nam (Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) do  PGS. Chu Xuân Diên hướng dẫn, đã được bảo vệ tại Trường ĐH KHXH và Nhân văn ngày 6 tháng 9 năm 2013 vừa qua. Luận văn tiến hành nghiên cứu theo một hướng mới: Nghiên cứu folklore trong bối cảnh, một hướng nghiên cứu phát triển khá mạnh ở Hoa Kỳ trong mấy thập niên vừa qua. Hội đồng đánh giá: Luận văn có đóng góp mới vào việc nghiên cứu tục ngữ, đã đạt được yêu cầu cao của một luận văn thạc sĩ. Vì vậy cả 5 thành viên hội đồng đều nhất trí cho luận văn điểm tối đa (10 điểm). VH-NN xin giới thiệu một phần Chương 3 và Mục lục của khóa luận.

 

3.1. Tục ngữ và vấn đề khung thể loại

Thể loại là một phạm trù lý luận có vai trò quan trọng, là nguyên tắc chỉ đạo về mặt phương pháp luận trong nghiên cứu, sưu tầm và giảng dạy folklore. Nó là tiêu chí phân loại, là xương sống của nhiều bộ sưu tập văn bản và các bảng tra cứu. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, việc xác định những đặc trưng thể loại và thiết lập một hệ thống phân loại chủ yếu dựa vào văn bản, tức các đơn vị ngôn từ folklore đã được sưu tầm, chỉnh lí, biên soạn, in ấn. Giá trị của việc làm này là rất rõ ràng: giúp chúng ta có cái nhìn khái quát, hệ thống về khối lượng tư liệu folklore đồ sộ đã sưu tầm được. Song đến thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu dần nhận ra tính chất bất cập của cách làm này, từ hai lí do. Thứ nhất, sự tồn tại thật sự của folklore không phải là trên văn bản, mà là trong môi trường diễn xướng sống động của đời sống. Khác với văn học viết, đó không phải là thứ ngôn từ bất biến mà là thứ ngôn từ của từng người diễn xướng cụ thể trong từng môi trường cụ thể, với những mục đích giao tiếp cụ thể. Lí do thứ hai là hệ quả của lí do thứ nhất: như vậy, liệu những văn bản sưu tầm được đã thực sự trung thực chưa, hay đó là những văn bản được cắt xén, đẽo gọt cho vừa vặn với những khuôn mẫu đã được xác lập từ trước, mà Richard M. Dorson gọi đó là những văn bản “ngụy folklore” (fakelore), với đầy rẫy những “kéo và hồ dán”[1]. Nhận thức này đã thôi thúc các nhà folklore Mỹ đương đại đặt ra nhiệm vụ phải tái định hướng (reorientation) nghiên cứu thể loại folklore. Ý tưởng quan trọng nhất của hướng nghiên cứu này là “thay cho việc dựa vào văn bản, việc xác lập đặc trưng thể loại phải dựa triệt để vào bối cảnh nghĩa là các văn bản folklore cụ thể sẽ được xem xét trong quá trình diễn xướng và trong mối quan hệ với các yếu tố giao tiếp phi ngôn ngữ khác. Thể loại folklore cũng không còn được xem xét như là một cách phản ánh đời sống mà là được xem xét như là một phong cách lời nói (speech style) trong hoạt động giao tiếp” [3,115].

Mô hình về khung thể loại / khung định hướng quy ước trong giao tiếp về mặt hình thức thể loại folklore được Trần Thị An tổng kết trong bài viết “Tái định hướng thể loại folklore” [3] bao gồm 3 yếu tố: hình thức - thực hành - chủ đề. Nói cách khác, một thể loại folklore chịu tác động bởi ba định hướng: định hướng về mặt hình thức, định hướng về mặt nội dung (hay chủ đề) và định hướng về mặt giao tiếp.

- Định hướng về mặt hình thức: “mỗi một thể loại được xem như một phong cách lời nói, một tập hợp những đặc điểm và cấu trúc về mặt hình thức cùng tồn tại, quan hệ với nhau một cách có hệ thống, là một khung định hướng quy ước (conventional orienting framework) hướng tới sự sản sinh và tiếp nhận một diễn ngôn. Cụ thể hơn, mỗi thể loại là một phong cách lời nói hướng tới sự sản sinh và tiếp nhận một dạng văn bản đặc biệt”[2]. Trần Thị An đã đánh giá: “Đây là một nét rất mới trong quan niệm về thể loại, nó không tìm tòi đặc điểm về văn phong hay cấu trúc đặc trưng cho từng thể loại mà hướng tới cách tổ chức các đặc điểm ấy trong hoạt động lời nói. Cách tổ chức ấy được gọi tên là một khung định hướng quy ước, không phải do các nhà nghiên cứu định ra từ văn bản có sẵn mà do người kể và người nghe cùng thỏa thuận với nhau, cùng hướng về nó, cùng tạo ra nó trong quá trình giao tiếp” [3,115]. Tác giả cũng cho dẫn chứng: Với truyện cổ tích thần kì, mô hình lí tưởng ấy bắt đầu với “ngày xửa ngày xưa” và kết thúc với: “sau đó chàng trai lên làm vua trị vì vương quốc và họ sống với nhau hạnh phúc trọn đời” hoặc “chàng trai trở nên giàu có và sống sung sướng đến già”. Còn với truyện cổ tích thế sự, mô hình ấy cũng bắt đầu với “ngày xửa ngày xưa” nhưng kết thúc với: “và thế là…”, “từ đó trở đi…”. Với một cái khung định hướng này, những người tham dự vào câu chuyện thỏa sức thêu dệt trí tưởng tượng, tha hồ thêm bớt, thay đổi sự kiện sao cho phù hợp với ý đồ của người kể và thị hiếu của người nghe. Với truyền thuyết, khung định hướng quy ước đó là sự ra đời thần kỳ, chiến công mang màu sắc siêu nhiên, cái chết thần kì của người anh hùng mà chiến công của họ làm thay đổi số phận dân tộc. Trong cái khung quy ước đó, người kể và người nghe cũng được thỏa sức tưởng tượng trong giới hạn của phạm vi cái thiêng liêng được tôn vinh (thể hiện bằng nhóm truyền thuyết đã định hình) hay cái bí ẩn của đời thực đang cần được giải thích (thể hiện ở nhóm truyền thuyết đang được định hình). Điều này trong lý thuyết định hướng thể loại được gọi là tầm đón đợi về mặt hình thức, nó mở ra những gì tiếp theo sau cái công thức mở đầu này, nó hình dung tới những gì tiếp theo của một diễn ngôn, nó hướng tới kết thúc mà người kể và người nghe đều chờ đợi.

- Định hướng về mặt nội dung / định hướng chủ đề: Mỗi thể loại folklore trong hoạt động giao tiếp của mình đã có sẵn một nhận thức chung như là một tiền lệ rằng, người kể cũng sẽ nói và người nghe cũng chờ đợi được nghe về vấn đề gì. Đó là tính khuynh hướng chủ đề của từng thể loại. Với khung quy ước định vị thể loại về mặt hình thức (công thức bắt đầu và kết thúc), người kể và người nghe cổ tích hướng vào những bài học đạo đức mà câu chuyện muốn truyền tải; người kể và người nghe truyền thuyết hướng tới cảm xúc tôn vinh tổ tiên, tôn vinh các anh hùng trong quá khứ. Cùng với tầm đón đợi về mặt hình thức, tầm đón đợi về mặt nội dung là hai khía cạnh khác nhau của tầm đón đợi mà người nói và người nghe chia sẻ với nhau trong các hoạt động giao tiếp của mình. Hai khía cạnh này cấu thành cái khung cho việc văn bản hóa, thông qua đó, các diễn ngôn được tổ chức thành văn bản.

- Định hướng về mặt thực hành / giao tiếp xã hội: Việc nhìn nhận thể loại như là một phong cách lời nói quan niệm rằng thể loại là tập hợp những nguyên tắc chỉ đạo mang tính quy ước liên quan tới nhu cầu lặp đi lặp lại của giao tiếp. Trong quá trình lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ vùng này sang vùng khác, các thể loại folklore luôn được sống trong các môi trường giao tiếp. Trần Thị An đưa dẫn chứng về hiện tượng kể khan trong các cộng đồng người Ê Đê. Trong nhu cầu giao tiếp của người Ê Đê với thần linh và người Ê Đê với nhau, sự lặp đi lặp lại của nhu cầu giao tiếp được tiến hành dưới những nguyên tắc chỉ đạo mang tính quy ước của cộng đồng được trao truyền từ đời này qua đời khác thông qua một nhóm nhỏ những người đặc tuyển thay mặt cho cộng đồng sáng tạo ra những văn bản sử thi (sử thi kể về những sự kiện gì, có những type truyện nào, những motif cấu thành nào, những sự kiện đặc biệt nào, thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ gì, được cấu trúc ra sao… được hình thành như một cái khung đặc thù), diễn xướng chúng trong các sinh hoạt đặc biệt của cộng đồng (loại sinh hoạt nào thì kể khan nào, kể trong thời gian bao nhiêu lâu, lúc kể thì ăn mặc thế nào, ngồi vị trí nào trong ngôi nhà, kể bằng giọng gì, nhấn mạnh hoặc lược bớt những đoạn nào… được hình thành như một kịch bản). Tập hợp những nguyên tắc chỉ đạo mang tính quy ước ấy làm nên thể loại khan, một thể loại mang tính bản địa.

Và bởi vì thể loại và văn bản folklore được xem xét như là một giao tiếp lời nói (speaking communication), nên vấn đề rất quan trọng là năng lực giao tiếp (về phía người trình diễn) và khả năng thưởng thức (về khía khán giả). Năng lực giao tiếp “bao gồm phần việc của người trình diễn với giả định trách nhiệm đối với khán giản theo cách thức mà giao tiếp có thể thực hiện được, vượt lên và vượt ra ngoài nội dung liên quan của nó”[3]. Điều này có nghĩa là việc một câu chuyện được kể như thế nào đối với quan tâm của cộng đồng còn đi trước việc câu chuyện đó kể về điều gì, bởi vì, do được lặp đi lặp lại trong giao tiếp, nội dung của nó đã ít nhiều quen thuộc với mọi thành viên. Vì thế, trong thực tế của bất cứ một cộng đồng nào cũng tồn tại vai trò của các nghệ nhân tài ba, người có năng lực thu hút sự chú ý của khán giả. Khả năng thưởng thức của khán giả thể hiện ở chỗ họ thẩm định cách thức mà người trình diễn thể hiện, những kĩ năng hữu quan và hiệu quả của sự trình diễn.

Cuối cùng, tác giả kết lại bằng lưu ý khi xác định các khung thể loại, cần phải có chỗ trống cho các “khoảng cách liên văn bản”(intertextual gap). Trên thực tế, các văn bản không hoàn toàn đồng nhất với mô hình thể loại đã được xác lập, vì vậy thể loại tất yếu chứa đựng trong mình khoảng cách liên văn bản. Sự tôn trọng các khoảng cách liên văn bản sẽ cho thấy sự vận động không ngừng của các hình thức folklore với tư cách là một hoạt động lời nói, ở đó, các khung thể loại không thể là một cái khung chết cứng mà sẽ phải năng động không ngừng để vừa xác lập được những đặc trưng ổn định mang tính chất thể loại, vừa bắt kịp với các thay đổi của văn bản trong ngữ cảnh luôn luôn có nguy cơ phá vỡ hệ thống thể loại vừa được xác lập.

Như vậy, theo quan điểm này, đặc trưng của một thể loại phải được xác lập dựa trên một khung định hướng quy ước trong giao tiếp, bao gồm định hướng về mặt hình thức, định hướng về mặt nội dung và định hướng về mặt thực hành xã hội. Một điểm đáng lưu ý trong quan niệm về thể loại này là nó không hề “đoạn tuyệt” với truyền thống nghiên cứu folklore, nó vẫn sử dụng những khái niệm, những thành tựu đi trước trong nghiên cứu folklore đi trước (thể loại, đề tài, tầm đón đợi, type, motif, nội dung, hình thức,…) nhưng dưới một ánh sáng mới, phản ánh một quan niệm mới về folklore: folklore là giao tiếp. Giao tiếp giữa người và người được xem là hoạt động chi phối tất cả những yếu tố đó, vì vậy những yếu tố như thể loại, đề tài, type, nội dung, hình thức… không phải là một cái gì nó bất biến, xơ cứng, mà nó được nhìn nhận trong tất cả tính năng động của nó.

 

3.2. Diễn xướng tục ngữ và cách “khóa” một diễn xướng tục ngữ

3.2.1. Sử dụng tục ngữ có phải là “diễn xướng” hay không?

Theo cách nghĩ phổ biến, sự “diễn xướng” được hình dung là được diễn ra một không gian đặc biệt, có khán giả và người trình diễn, tiết mục được sắp đặt và lên kế hoạch, diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, đáng kể, chẳng hạn như diễn xướng hát kể sử thi của đồng bào Tây Nguyên, hay hát đối đáp nam nữ quan họ Bắc Ninh,v.v.. Vậy sử dụng một câu tục ngữ ngắn gọn được “chêm” vào lời nói trong giao tiếp đời thường có được gọi là diễn xướng hay không?

“Diễn xướng” trong từ gốc tiếng Anh là “perform” (động từ) và “performance” (danh từ) có nghĩa ban đầu chỉ là “thực hiện, hoàn thành” một hành động, một nhiệm vụ, một chức năng; việc dịch “performance” thành “diễn xướng” phải chăng đã khiến cho cho hành động đó trở nên “nghiêm trọng”?

Diễn xướng, theo quan niệm của Richard Bauman và cũng là quan niệm được phổ biến rộng rãi nhất hiện nay, là “một phương thức thông tin nổi bật và được để ý về mặt mỹ học, được bố trí theo một cách đặc biệt và đưa ra trình diễn trước một cử tọa” [6,71]. Như vậy, diễn xướng về thực chất là một hình thức thông tin, phân biệt với các hình thức thông tin khác ở tính chất thẩm mĩ của nó; diễn xướng được tổ chức theo một khuôn mẫu đặc biệt và tham dự phải từ hai người trở lên. Theo Bauman, một hành động thông tin có thể gồm có nhiều chức năng, trong đó có chức năng diễn xướng:

Sự diễn xướng có thể trội lên trong bậc thang đẳng cấp các chức năng hoặc phụ thuộc vào các chức năng khác như chức năng thông tin, chức năng tu từ, phatic hoặc bất kỳ chức năng nào khác… sự nổi lên tương đối của sự diễn xướng sẽ tùy thuộc vào mức độ nhận trách nhiệm của người diễn xướng trước cử tọa đối với cuộc phô diễn kỹ năng và hiệu quả thông tin so với các chức năng thông tin khác. Nó có thể trải dài trên một thang liên tục, từ một cuộc diễn xướng kéo dài, trọn vẹn như khi một nữ danh ca opêra hát ở LaScala, cho tới một nét lướt thoáng qua diễn xướng như khi một đứa trẻ sử dụng một từ mới và bí mật trong lúc trò chuyện với bạn cùng lứa như một cử chỉ của sự thành thục ngôn ngữ” [6, 74-75].

Một đặc trưng nữa để nhận diện sự diễn xướng, phân biệt nó với các hình thức thông tin thông thường là nó được “khóa” (“key” - từ của nhà xã hội học Canada, Erving Goffman) bằng một công thức/ hình thức đặc biệt: “… mỗi cộng đồng sẽ sử dụng một tập hợp có cấu trúc các phương tiện thông tin riêng để khóa kết cấu diễn xướng sao cho sự truyền thông tin trong khuôn khổ kết cấu đó sẽ được cộng đồng đó hiểu là sự diễn xướng” [6, 75]. Các “khóa” này biểu hiện khá đa dạng, đó có thể là một số công thức lời nói: “Ngày xửa ngày xưa”, “Bạn đã bao giờ nghe kể rằng…” hoặc bằng nhịp điệu, lối nói song song, ngôn ngữ ẩn dụ,v.v… Với tục ngữ, “khóa” này có thể là lời mở đầu bằng việc viện dẫn tới truyền thống như một chuẩn quy chiếu cho trách nhiệm của người diễn xướng (“Người xưa nói rằng”, “Ông bà ta dạy rằng”…). Tuy nhiên, chủ yếu hơn cả vẫn là lối nói nhịp nhàng, đăng đối và giàu hình ảnh ẩn dụ (“Đi một ngày đàng/ học một sàng khôn; “Khôn ba năm/ dại một giờ”, “Bán anh em xa/ mua láng giềng gần) - những đặc trưng khiến tục ngữ trở thành một thể loại văn học dân gian - giúp phân biệt tục ngữ với những lời nói thông thường trước nó và sau nó.

Tiếp thu khái niệm của Bauman về diễn xướng, chúng tôi hiểu sử dụng tục ngữ trong giao tiếp cũng là một hình thức diễn xướng. Đây là một trong những hình thức diễn xướng ở quy mô nhỏ nhất, đối với một đơn vị tác phẩm văn học dân gian nhỏ nhất là tục ngữ. 

3.2.2. Cách khóa một diễn xướng tục ngữ (Hay định hướng về mặt hình thức của thể loại tục ngữ)

Qua khảo sát của chúng tôi thực hiện trên 218 cứ liệu bối cảnh sử dụng tục ngữ được lấy ra từ tác phẩm văn học, khi người nói muốn dẫn ra một câu tục ngữ, họ có thể sử dụng một số cách thức mở đầu và kết thúc như sau:

- Xác định tác giả của câu tục ngữ: là  “người xưa” (“Tôi biết mà “ngọc lành chờ đợi giá cao”, người xưa thường nói” (Hai viên ngọc, trong Hương rừng Cà Mau - tập 2, tr.196)), “ông bà” (““Bịnh ở đâu thì thuốc ở đó”. Ông bà mình nói nghe thậm phải” (Cao khỉ U Minh, trong Hương rừng Cà Mau - tập 1, tr.164)), “các cụ” (“Rõ cha nào con nấy, các cụ nói, chẳng câu nào bỏ đi” (Quê người, tr.191)), “cổ nhân” (“ “Nữ thập tam, nam thập lục” thật đúng như lời cổ nhân” (Cái ghen đàn ông, tr.83)), “người ta”(“Thảo nào người ta vẫn bảo: “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”” (Lều chõng, tr.19); “Người ta bảo “Học thầy không tày học bạn”” mà!” (Bong bóng lên trời, tr.54)), “dân ta” (“Ừ, dân ta có câu: Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên” (Rừng trúc, tr.508)), “thánh” (“Bẩm nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Bao nhiêu con gái thì, theo lời thánh dạy, cũng chẳng đáng kể. Còn con giai mà có một cậu thôi, theo lời thành dạy, thế cũng là hiếm” (Số đỏ, tr.28-29)), “sách” (“Sách đã nói rồi “nhất cự li, nhì tốc độ”.” (Phòng trọ ba người, tr.66), “cô giáo” (“Cô con dạy đi một ngày đàng học một sàng khôn là vậy đó nội” (Ngọn đèn không tắt, trong Ngọn đèn không tắt, tr.12)…

- Xác định thể loại: “tục ngữ” (“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, câu tục ngữ thật không sai.” (Nửa chừng xuân, tr.136); “Nhưng tục ngữ có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”.” (Nữ sinh, tr.68)), “phương ngôn” (“Cá không ăn muối cá ươn. Phương ngôn chẳng nói câu nào sai cả.”(Lá ngọc cành vàng, tr.182); “Nhiều thầy thối ma, đẻ lại không biết câu phương ngôn ấy hay sao?” (Số đỏ, tr.68)), “lời tục” (“Thói thường, lời tục thường ví: “Được voi đòi tiên”. Đúng quá!” (Người tình của cô đào hát, trong Hương rừng Cà Mau - tập 3, tr.113)), “câu” (“Tôi cho là ngốc và vô lý hết chỗ nói là cái câu này: No ba ngày tết, đói ba tháng hè” (Mùa lá rụng trong vườn, tr.64); “Đàng nầy có phải đúng câu “con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu” không” (Dưới đồng sâu, tr.145); “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc… biết câu đó chăng?” (Hai con cá, trong Hương rừng Cà Mau - tập 2, tr.153))…

- Không nêu thể loại/ tác giả câu nói, nhưng nhận xét câu nói đó đúng khi soi chiếu với sự việc mà người nói đang tham dự, chứng kiến. Như vậy trong trường hợp này, tiền giả định là đã từng có nhiều người nói câu nói đó. Đây là biến thể của hai trường hợp trên: “Thực là hòn vàng thì mất, hòn đất thì còn” (Sống nhờ, tr.399), “Đi một ngày đàng học một sàng khôn thật” (Rừng trúc, tr.553), “Đúng là chồng nào vợ ấy” (Mùa lá rụng trong vườn, tr.70), “Thật đúng là ngu si hưởng thái bình nhở” (Mùa lá rụng trong vườn, tr.225)…

- Cho rằng đây là “thói đời”: “Làm ơn mắc oán, thói đời thường gặp.” (Dưới đồng sâu, tr.34), “… rồi nghề đời trâu buộc ghét trâu ăn…” (Bỉ vỏ, tr.146), ““Giàu đổi bạn, sang đổi vợ là thói đời, nhưng mà thằng Tạ Đình Hách này thì vốn không có cái thói ấy” (Giông tố, tr.229)…

Như vậy, dù khác nhau về hình thức song các công thức rào đón trên đều nhằm những mục đích sau:

(1) Khẳng định đây là kết luận của quá khứ, của người xưa, của ông bà

(2) Khẳng định đây là kết luận của nhiều người, được nhiều người đồng tình: “người ta”, “dân ta”

(3) Khẳng định đây là một điều đã xảy ra nhiều lần: “thói đời”, “nghề đời”

(4) Khẳng định cả (1), (2), (3) khi cho rằng đây là một câu tục ngữ, phương ngôn, lời tục

Khi sử dụng các công thức rào đón này, người nói muốn xác định với người nghe đây không phải là lời nói do bản thân mình nghĩ ra mà là tiếng nói của quá khứ, của truyền thống, và vì thế mà đáng tin cậy. Đây là điều mà Alan Dundes gọi là “sức mạnh ở tính khách quan” (impersonal power) của tục ngữ [32, 70]. Các công thức mở đầu / kết thúc này tạo nên một khung định hướng, nơi mà người nói có thể thỏa sức trình bày những khái quát xã hội mà không bị người nghe đánh giá, phản ứng. Và về phía người nghe, họ cũng đón nhận nó ở tâm thế một người đang đón nhận kinh nghiệm của xưa với ít nhiều sự tôn trọng. Người nghe nếu có sự phản đối cũng hết sức cẩn trọng, như mở rộng vấn đề để tìm kiếm một ngoại lệ, hay sử dụng một câu tục ngữ khác có ý nghĩa bổ sung.

Tuy nhiên, việc sử dụng các công thức rào đón trên chỉ chiếm 58 trường hợp trên 218 trường hợp khảo sát cho thấy đây không phải là mô hình bắt buộc đối với mọi diễn xướng tục ngữ. Đại đa số trường hợp, tục ngữ có thể hòa lẫn vào lời nói của nhân vật mà không cần công thức mở đầu hay kết thúc như vậy. Theo chúng tôi, cơ cấu giúp “khóa” một diễn xướng tục ngữ, phân biệt sự diễn xướng tục ngữ với các lời nói thông thường ở trước nó và sau nó là do cách nói của người sử dụng khi trình bày một câu tục ngữ: nhịp nhàng, đăng đối, lên bổng xuống trầm, nhấn nhá. Lý do khiến người nói có thể sử dụng những cách biểu cảm này, một mặt, nằm ở kĩ năng ngôn ngữ của người nói, tuy nhiên, sự quy định chính nằm ở cấu trúc hình thức hay những đặc trưng nghệ thuật của tục ngữ. Đó là những đặc trưng về vần, nhịp, cấu trúc và hình ảnh được sử dụng trong tục ngữ. 

- Vần, nhịp, cấu trúc:

Tác dụng của vần trong tục ngữ đã được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra: “Vần là chất thơ của tục ngữ. […] Vần là một hình thức nghệ thuật tạo nên âm hưởng mượt mà cho tục ngữ” [13,90], “Tính biểu cảm nghệ thuật của tục ngữ phụ thuộc phần lớn vào vần” [29, 375]. Vần của tục ngữ thường xuất hiện trong các câu có từ hai vế trở lên (“Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”). Song vần của tục ngữ cũng có thể xuất hiện trong các câu chỉ có một vế (“Thầy bói nói dựa”. “Nước mưacưa trời”. Vần của tục ngữ có thể là vần liền - tức vần gieo vào hai tiếng sát nhau (“Người sống, đống vàng”, “Có mới, nới cũ”). Tuy nhiên, chiếm đa số vẫn là vần cách: cách một tiếng (“Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, “Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa), cách hai tiếng (“Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”, “Chê dao nhụt có ngày cụt tay”), cách ba tiếng (“Chết trước được mồ được mả, chết sau nằm ngả nằm nghiêng”), cách bốn tiếng (“Giàu trong làng trái duyên khôn ép, khó nước người phải kiếp cũng theo”), cách năm tiếng (“Người dưng cái ngãi thì đãi người dưng, anh em vô ngãi thì đừng anh em”).

Nhịp là chỗ ngừng để phân đoạn các thành phần trong một câu tục ngữ. Nhịp trong tục ngữ đại đa số được thể hiện một cách sáng rõ, có mối quan hệ gắn bó thiết thân với vần và cấu trúc. Triều Nguyên đã tổng kết:

Ở số tục ngữ có gieo vần, vị trí ngừng của nhịp được thể hiện sóng kèm với vần. Sự thể hiện thường gặp là, ở mỗi cặp vần (gồm hai tiếng cùng vần, nằm liền hay tách rời nhau), vị trí của nhịp được đặt sau chỗ gieo vần đầu tiên. Đây là quy cách chung của hiện tượng nhịp ở số tục ngữ có gieo vần, bất luận đó là vần liền, vần cách một tiếng, vần cách hai tiếng,…, bất luận đó là những câu tục ngữ có cấu trúc chia hai ba vế cân đối hay có cấu trúc không cân đối” [25, 173].

Ví dụ: “Có mới / nới cũ”, “Cháu bà nội / tội bà ngoại”, “Sống được miếng dồi chó // chết được vàng tâm”, “Ghét khi rao // ưa khi thớt”, “Bố vợ là rợ cọc chèo // mẹ vợ là bèo trôi sông // chàng rể là ông Ba Vì”, “Có đức/ mặc sức mà ăn”, “Đường xa / cái bánh đa cũng nặng”[4].

Với những câu tục ngữ không gieo vần, thì nhịp của tục ngữ sẽ chịu sự quy định chính của cấu trúc. Với các câu tục ngữ có cấu trúc cân đối, chẳng hạn như 2-2, 3-3, 4-4,… thì nhịp được đặt ở giữa cấu trúc cân đối này. Ví dụ: “Trèo cao / té đau”, “Trai thời loạn / gái thời bình”, “Có công mài sắt / có ngày nên kim”. Như vậy đại đa số trường hợp, nhịp của tục ngữ được thể hiện rõ ràng (căn cứ vào vần, nếu không có vần thì căn cứ vào cấu trúc) nên rất khó xảy ra trường hợp lẫn lộn khi ngắt nhịp. Một số ít trường hợp dễ lẫn lộn là với những câu tục ngữ không gieo vần và cấu trúc không cân đối. Khi đó tùy vào kiểu câu mà người nói xác định cách ngắt nhịp, cẳng hạn với kiểu câu so sánh thì nhịp thường nằm trước từ so sánh: “May / hơn khôn”, “Mẹ già / như chuối chín cây”, “Máu bò / cũng như tiết dê”, “Trăm đom đóm / chẳng bằng một bó đuốc”… Tuy nhiên, Triều Nguyên sau khi khảo sát đã nhận thấy số tục ngữ không vần cũng không có cấu trúc cân đối trong kho tàng tục ngữ dân tộc rất ít [25, 181].

- Các biện pháp tu từ: Có thể kể ra một số biện pháp tu từ phổ biến sau đây:

+ Điệp từ ngữ: Đây là hình thức lặp lại cùng một từ/ cụm từ trong cùng một câu hoặc các vế khác nhau của cùng một câu. Ví dụ: “Dâu năng hái như gái năng tô”, “Cắt dây bầu dây bí, ai nỡ cắt dây chị dây em”, v.v..

+ Phép liệt kê: Cách thức xếp đặt một loạt các khái niệm, hình ảnh bên cạnh nhau để chúng gợi lên các liên tưởng cần thiết. Chẳng hạn như: “Bún, giá, cá, ruốc” (bốn thứ đi kèm với nhau tạo thành một món ăn ngon, hợp khẩu vị), “Bưởi Chí Đám, quýt Đan Hà, cà phê Phú Hộ, đồi trà Thái Ninh” (Các thổ sản của tỉnh Phú Thọ), “Ở đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” (Những việc làm không đem lại lợi lộc cho bản thân nhưng đòi hỏi nhiều trách nhiệm, công sức, cũng như hay bị người đời chê bai, dè bỉu), v.v.. Dạng đặc biệt của phép liệt kê là phép tăng, giảm - một hình thức liệt kê có định hướng: tiệm tiến hoặc tiệm thoái, chẳng hạn như: “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò do biết đi”, v.v..

+ Tương phản: Cách dùng những hình ảnh trái ngược nhau để chỉ cùng một đối tượng, chẳng hạn như: “Của người bồ tát, của mình lạt buộc”, “Chuyện mình thì quáng, chuyện người thì sáng”, v.v..

+ Nhân cách hóa: Gán cho các sự vật, hiện tượng vô tri vô giác các đặc tính, hoạt động của con người. Ví dụ: “Lúa chiêm đứng nép đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”, “Cái khó cái khôn”, “Cái nết đánh chết cái đẹp”… 

+ So sánh: Biện pháp khẳng định một đặc điểm nào đó của đối tượng bằng cách so sánh, liên hệ đối tượng ấy với đối tượng khác. Từ so sánh có thể hiển lộ (“Con không cha như nhà không nóc”, “Cơm với cá như mạ với con”) hoặc bị ẩn đi (“Canh suông khéo nấu thì ngon (cũng như) mẹ già khéo nói thì con đắt chồng”, “Uốn cây từ thuở còn non (cũng như) dạy con từ thuở con còn thơ ngây”, v.v.).

+ Ẩn dụ: Lối nói ví von, so sánh kín đáo, trong đó đối tượng nhận thức bị ẩn đi, người nghe phải từ đối tượng được được dùng để so sánh mà suy ra đối tượng nhận thức ấy. Chẳng hạn như: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” (Cuộc đời ai, người ấy phải tự lo liệu), “Con giun xéo lắm cũng quằn” (Người có địa vị xã hội thấp bé khi bị áp bức một cách quá đáng cũng sẽ chống trả trở lại), v.v..

+ Hoán dụ: Phương thức tu từ dựa trên cơ sở sự liên tưởng tương cận. Ví dụ: “Bánh ít đi, bánh quy lại” (Quà cáp, quyền lợi trao đổi qua lại để vừa lòng nhau), “Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng” (Bòn rút nơi nghèo khổ để cung phụng chỗ giàu sang), v.v..

+ Ngoa dụ: Nói quá, nói vượt hơn so với thực tế, tạo ấn tượng mạnh nhằm khẳng định một sự đánh giá, nhìn nhận. Ví dụ: “Đông chết se, hè chết lụt”, “Gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, “Một trăm đám cưới không bằng hàm dưới cá trê”, v.v..

 

3.3. Nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh

3.3.1. Các nghiên cứu về nghĩa của tục ngữ và nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh

Vấn đề nghĩa của tục ngữ đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới quan tâm. Ở đây, trong khả năng nghiên cứu cho phép, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một số quan niệm về nghĩa của tục ngữ nói chung và nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh mà chúng tôi có điều kiện tiếp cận cũng như chúng tôi nhận thấy có quan hệ gần gũi với đề tài.

Triều Nguyên khi bàn về nghĩa của tục ngữ trong Khảo luận về tục ngữ người Việt (Nxb. Khoa học xã hội, 2010) đã có điểm lại sự nhìn nhận về nghĩa của nhiều nhà nghiên cứu đi trước. Ở đây, xin tạm lược thuật theo cuốn sách này.

Về các loại nghĩa, số lượng nghĩa của tục ngữ, có các quan điểm như sau: Chu Xuân Diên trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (Đinh Gia Khánh chủ biên) cho rằng: “Một câu tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng” [10, 244]. Lê Chí Quế trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (Lê Chí Quế chủ biên, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ) viết: “Tục ngữ bao giờ cũng có hai nghĩa: nghĩa đen (hay nghĩa gốc) và nghĩa bóng (trường nghĩa)” [28, 197]. Hoàng Tiến Tựu trong giáo trình cùng tên dành cho hệ cao đẳng sư phạm, viết: “Có những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa (thí dụ: “Khoai ưa lạ, mạ ưa quen”, “Một bụi cỏ, một giỏ phân”…). Nhưng bộ phận tục ngữ đa nghĩa chiếm tỉ lệ khá lớn, chất lượng khá cao và là bộ phận tiêu biểu nhất của thể loại này” [30, 132]. Bùi Mạnh Nhị trong “Bài giảng cho sinh viên khoa văn các trường đại học” cũng cho rằng: “Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh và thường mang nhiều nghĩa” [26, 254]. Nguyễn Xuân Đức trong bài viết “Về nghĩa của tục ngữ” thì cho rằng: “Chúng ta không nên nói tục ngữ có nhiều nghĩa, lại càng không nên nói tục ngữ đa nghĩa. Tục ngữ sinh ra để ứng dụng trong cuộc sống, nếu có nhiều nghĩa, hơn thế nữa lại là đa nghĩa thì thật khó vận dụng”. […] “Thiết nghĩ, nên nói một cách thận trọng rằng: tục ngữ xét trên văn bản có từ một đến hai nghĩa, nhưng xét trong môi trường ứng dụng, tức là môi trường lưu truyền và tồn tại đích thực, thì với mỗi lần phát ngôn chỉ có một nghĩa (có thể là nghĩa đen hay nghĩa bóng) - tức là nghĩa đang được ứng dụng theo mục đích phát ngôn” [14, 52]. Triều Nguyên trong công trình Khảo luận về tục ngữ người Việt đã kế thừa các quan niệm trên cùng với các quan niệm của Nguyễn Đức Dân, Bùi Mạnh Nhị, Phan Thị Đào về nghĩa khái quát của tục ngữ, đã xác định tục ngữ có ba loại nghĩa: nghĩa đen, nghĩa khái quát và nghĩa bóng; và nếu phân loại tục ngữ theo khả năng mang nghĩa thì có bảy dạng tục ngữ: những câu tục ngữ chỉ có nghĩa đen, những câu tục ngữ chỉ có nghĩa khái quát, những câu tục ngữ chỉ có nghĩa bóng, những câu tục ngữ vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa khái quát, những câu tục ngữ vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa bóng, những câu tục ngữ vừa có nghĩa bóng vừa có nghĩa khái quát, những câu tục ngữ vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa khái quát, lại vừa có cả nghĩa bóng [25, 249-250]. Chúng tôi tiếp thu quan niệm về các loại nghĩa này, đồng thời sẽ khảo sát để xác minh trong thực tiễn sử dụng, sự thể hiện của các loại nghĩa này như thế nào, phải chăng “tục ngữ nhiều nghĩa do nhiều lần phát ngôn đem lại chứ nó không đa nghĩa trong mỗi lần phát ngôn” [15, 139] hay “mỗi lần phát ngôn chỉ có một nghĩa” [14, 52] như Nguyễn Xuân Đức đã khẳng định, và bối cảnh đóng vai trò đến mức độ nào trong việc xác định nghĩa của tục ngữ.

Liên quan đến nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh, có một bài viết rất đáng lưu ý của Barbara Kirshenblatt-Gimblett - “Hướng tới một lí thuyết về nghĩa của tục ngữ” (Toward a Theory of Proverb Meaning) [40]. Theo Kirshenblatt-Gimblett, khi nhắc đến nghĩa của tục ngữ, chúng ta cần phân biệt hai loại, hay chính xác hơn là hai cấp độ nghĩa:

- Thứ nhất là nghĩa cơ bản (base meaning). Một câu tục ngữ có thể có nhiều nghĩa cơ bản (multiple base meanings). Nghĩa cơ bản này có thể được xác định bởi các yếu tố: (1) Đối tượng ẩn dụ của câu tục ngữ là gì? (2) Tư tưởng cơ bản của ẩn dụ là gì? (3) Đánh giá tư tưởng cơ bản ấy như thế nào (tích cực hay tiêu cực)? (4) Nếu cú pháp mơ hồ thì hiểu như thế nào? (5) Nếu từ vựng mơ hồ thì hiểu như thế nào? (6) Các “chìa khóa” khác (nghiêm túc, châm biếm, v.v.).

Để minh họa, Barbara đã dẫn chứng bằng hai câu tục ngữ: “A rolling stone gathers no moss” (Hòn đá lăn thì không bám rêu) và “A friend in need is a friend indeed (in deed)” (Một người bạn lúc cần là một người bạn thật sự/ Một người bạn khi cần là một người bạn giúp đỡ ta bằng những hành động cụ thể). Khi được đề nghị giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ thứ nhất, 80 sinh viên Texas đã trả lời theo ba hướng sau: (1) Hòn đá lăn không bám rêu giống như cái máy chạy liên tục sẽ không bao giờ han rỉ và hư hỏng; (2) Hòn đá lăn giống như người thường xuyên di chuyển, không bao giờ sống cố định ở một chỗ, và vì vậy không bao giờ đạt được gì cả; (3) Hòn đá lăn giống như ngưởi thường xuyên di chuyển và vì vậy mà tự do, không phải mang gánh nặng gia đình và tài sản, và không bị rơi vào một cuộc sống buồn tẻ, nhàm chán. Như vậy tính đa nghĩa của câu tục ngữ được hình thành từ việc (1) Hiểu đối tượng ẩn dụ của câu tục ngữ (hòn đá lăn) là gì? (cái máy chạy liên tục/ người thường xuyên di chuyển, v.v.); Hiểu tư tưởng cơ bản của câu tục ngữ như thế nào? (sự vận động tạo nên thành tựu hay sự vững chắc tạo nên thành tựu?); Đánh giá tư tưởng đó như thế nào? (thành tựu về vật chất, về đời sống tình cảm là tốt hay sự tự do là tốt?).

Với câu tục ngữ thứ hai, nhóm học sinh trên trả lời theo bốn hướng như sau: (1) Một người mà đủ thân thiết với bạn để nhờ bạn giúp đỡ khi cần thì thực sự là bạn của bạn (a friend indeed) (2) Một người giúp bạn khi bạn cần thì thực sự là bạn của bạn (a friend indeed); (3) Một người mà giúp bạn bằng hành động cụ thể (friend in deed) khi bạn cần thì thực sự là bạn của bạn - đối lập với những người chỉ biết hứa suông; (4) Một người chỉ là bạn của bạn khi anh ta thấy cần thì không phải là một người bạn thật sự. Như vậy, với câu tục ngữ này, tính đa nghĩa được tạo nên từ (1) Sự mơ hồ về mặt cú pháp (bạn là người cần giúp đỡ hay bạn của bạn là người cần giúp đỡ) (2) Sự mơ hồ về mặt từ vựng (“indeed” (thật sự) hay “in deed” (bằng hành động)); (3) Các “chìa khóa” khác (Câu tục ngữ có sắc thái nghiêm túc hay mỉa mai? Một “người bạn thật sự” là “người bạn tốt” hay “người bạn không tốt”?)  

- Thứ hai là nghĩa sử dụng (Performance Meaning). Nghĩa cơ bản chỉ là một trong ba nguồn hình thành nên nghĩa sử dụng. Hai nguồn còn lại là sự đánh giá tình huống và chiến lược giao tiếp của người sử dụng tục ngữ.

Nghĩa sử dụng của tục ngữ

(Proverb Performance Meaning)

=

Đánh giá tình huống của người tham dự

+

Cách người tham dự hiểu nghĩa cơ bản  của câu tục ngữ (Proverb’s Base Meaning)

+

Chiếc lược giao tiếp của người sử dụng tục ngữ

Barbara đã minh họa cho nghĩa sử dụng này bằng việc liệt kê 8 khả năng sử dụng trong thực tế của câu tục ngữ “Money talks” (Đồng tiền nói chuyện). Trong 8 khả năng này, nghĩa cơ bản (base meaning) của câu tục ngữ không thay đổi, trong khi đó những nhân tố của giao tiếp (tức tình huống, đánh giá tình huống, chiến lược giao tiếp của người nói) thì rất đa dạng. Sau đây là ba trong số 8 tình huống.

Tình huống thứ nhất: John buồn phiền vì thất bại khi xin việc. Anh kể với bạn mình là Harry rằng ngay cả hợp đồng béo bở do bố anh đề xuất với công ty cũng không thuyết phục được người lãnh đạo công ty tiếp nhận anh. Tiền không thuyết phục và không có cơ sở để thuyết phục rằng nó thuyết phục được.

Tình huống thứ tư: John nhận được việc làm nhờ vào chính năng lực của anh ta, không phụ thuộc vào việc bố anh đã mang đến cho công ty một hợp đồng béo bở. Harry không chịu thừa nhận rằng John có năng lực hơn mình mà tin rằng hợp đồng đó chính là lý do John nhận được việc làm. Tuy nhiên, bởi vì bây giờ John đã có một vị thế có thể giúp Harry vào làm ở công ty, nên Harry không phát biểu ý nghĩ của mình để tránh chọc tức John. Tiền không tự nói và ngay cả nếu như có một đương sự nghĩ rằng tiền có nói, thì khẳng định điều đó chẳng phải là điều quan tâm của anh ta.

Tình huống thứ sáu: John được nhận vào làm việc là nhờ có hợp đồng của bố anh. Song anh lại nghĩ rằng anh được nhận vào làm việc là do khả năng của chính anh. Harry bạn anh cũng được đào tạo tốt, và cố gắng để được nhận vào cùng chỗ làm, đã thất vọng vì thất bại. John an ủi Harry rằng sự thất bại của anh không phải do năng lực của anh mà là do hoàn cảnh. Khi an ủi Harry, John cố gắng liên hệ thành công của anh với tiền bạc. Anh nói: “Đồng tiền nói chuyện” (Money talks). John không nghĩ rằng đồng tiền nói chuyện, nhưng anh nói vậy để an ủi Harry.

Trong cả 8 thí dụ được tác giả dẫn ra, nghĩa cơ bản (base meaning) của câu tục ngữ tương đối ổn định (bất biến): “Nếu anh cho ai tiền, người đó sẽ cố gắng thỏa mãn ý muốn của anh”. Những dị bản có thể là (a) Tiền bạc trong thực tế có mang lại hiệu quả hay không? (b) Có ít nhất một trong số những người tham gia giao tiếp nghĩ như thế hay không? (c) Sự khẳng định câu tục ngữ có phù hợp với mục đích mà người tham gia giao tiếp mong muốn đạt tới hay không? Ba dị bản trông có vẻ độc lập với nhau đó có thể được phối hợp với nhau thành tám cách, theo bảng dưới đây:

 

Thực tế, tiền bạc có hiệu quả tích cực

Người sử dụng câu tục ngữ nghĩ rằng tiền bạc có hiệu quả tích cực

Đối với người sử dụng câu tục ngữ, sẽ có lợi khi khẳng định tiền bạc có hiệu quả tích cực

Thí dụ 1

-

-

-

Thí dụ 2

-

-

+

Thí dụ 3

-

+

+

Thí dụ 4

-

+

-

Thí dụ 5

+

+

+

Thí dụ 6

+

+

-

Thí dụ 7

+

-

-

Thí dụ 8

+

-

+

Qua bảng trên, chúng ta có thể thấy rằng câu tục ngữ có thể được sử dụng hoặc không được sử dụng, bất chấp việc tiền có thật sự có hiệu quả hay không và bất chấp việc người tham gia giao tiếp có nghĩ rằng như vậy hay không. Sự sử dụng đa dạng và nghĩa mang tính tình huống xã hội của câu tục ngữ, như ví dụ trên, không phải là do sự mơ hồ trong ẩn dụ của câu tục ngữ, hay do nghĩa cơ bản đa dạng, mà do sự hội tụ của những tình huống xã hội đa dạng, sự đánh giá tình huống của người tham dự và chiến lược giao tiếp. Ba nhân tố này (đánh giá tình huống của người tham dự, cách hiểu của người tham dự về nghĩa cơ bản của câu tục ngữ và chiến lược giao tiếp) phối hợp với nhau mới tạo nên nghĩa sử dụng của tục ngữ (Proverb Performance Meaning).

Từ đó, Kirshenblatt-Gimblett nhấn mạnh, cái chính mà chúng ta cần quan tâm không phải là nghĩa tự thân (hay nghĩa cơ bản) của tục ngữ, mà là nghĩa sử dụng của nó. Bởi vì trong cuộc sống hàng ngày, nghĩa của tục ngữ chỉ tồn tại dưới hình thức nghĩa sử dụng (Performance Meaning), hay còn gọi là nghĩa có tính tình huống xã hội (socially situated meaning) mà thôi. Việc tìm ra những nghĩa cơ bản của tục ngữ chỉ là bước đầu tiên, cung cấp cho người nghiên cứu những cơ sở để khảo sát khi nghĩa cơ bản được sử dụng trong đời sống xã hội thì nó sẽ được hiểu ra sao.

 

3.3.2. Vai trò của bối cảnh đối với việc xác định nghĩa của tục ngữ qua nghiên cứu một số tác phẩm văn học

Qua khảo sát của chúng tôi trên cứ liệu nghiên cứu là 218 bối cảnh sử dụng tục ngữ được rút ra từ các tác phẩm văn học, khi một câu tục ngữ được sử dụng trong một tình huống giao tiếp cụ thể, sẽ có 4 khả năng xảy ra như sau đối với ý nghĩa của câu tục ngữ đó:

a.Người nói phát hiện ra một nét nghĩa mới của tục ngữ (hay gán cho câu tục ngữ một ý nghĩa mới), dựa trên cách hiểu và kinh nghiệm cá nhân. “Nét nghĩa mới” ở đây được hiểu là nét nghĩa khác với những nét nghĩa thông thường và không phổ biến. Bản thân người nói cũng ý thức được đây là một cách hiểu hơi “mới”, hơi “lạ” nên thường bổ sung thêm bằng một lời giải thích đi kèm theo sau câu tục ngữ. Đây có thể xem như là sự mở rộng ý nghĩa của câu tục ngữ mà nhiều nhà nghiên cứu đã nhắc đến: “Rất nhiều câu tục ngữ qua quá trình lưu truyền, quá trình sử dụng trong lời nói và suy nghĩ, đã từ ý nghĩa ban đầu nói về bản chất của một hiện tượng nhất định mà mở rộng nội dung phản ánh của nó nói về bản chất của nhiều hiện tượng khác nữa. Đó là một quá trình sáng tạo liên tục về nghĩa (hay quá trình tạo nghĩa liên tục)…” [9, 248]. Tuy nhiên các trường hợp như vậy không nhiều. Từ cách hiểu mới đó (nghĩa bóng/ nghĩa khái quát mới), người nói sẽ cụ thể hóa ý nghĩa câu tục ngữ vào trường hợp, tình huống của bản nhân hoặc nhóm người tham gia giao tiếp.

Trong tiểu thuyết “Đôi bạn” (Nhất Linh), có đoạn nói về việc Trúc ra trước gương, khoác chiếc áo của Dũng, ngắm nghía rồi nói:

“- Vừa như in. Thế mới biết trời sinh voi trời sinh cỏ.” (Đôi bạn, tr.60)

 Câu tục ngữ trên có nghĩa bóng thường được hiểu là: Tạo hóa đã tạo ra muôn vật trong cuộc đời thì tạo hóa phải tạo điều kiện cho nó được sống, trời không tuyệt đường sống với ai bao giờ. Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa rồi, Trúc đã phát hiện ra một nét nghĩa mới: mọi vật tồn tại trong cuộc đời đều có lý do của nó, không có gì là thừa thãi, vô dụng; đồng thời, cụ thể hóa nó vào mối quan hệ của anh và Dũng qua lời giải thích kèm theo: “Tôi là voi mà anh là cỏ. Nếu trời không sinh tôi ra thì lấy ai mặc áo của anh. Thế cho nên tôi sinh ra không phải là một người thừa. Vả lại, Đức Khổng Tử có nói: “Nhân chi kỳ ý, bất nhi đắc kỳ hề”. Cũng là nói theo ý ấy vậy” (Đôi bạn, tr.60).

Nếu xem xét dựa trên công thức về nghĩa tục ngữ mà Barbara Kirshenblatt-Gimblett đề xuất:


 

Nghĩa sử dụng của tục ngữ

(Proverb Performance Meaning)

=

Đánh giá tình huống của người tham dự

+

Cách người tham dự hiểu nghĩa cơ bản  của câu tục ngữ (Proverb’s Base Meaning)

+

Chiếc lược giao tiếp của người sử dụng tục ngữ

Thì Proverb’s Base Meaning (Nghĩa cơ bản của tục ngữ theo cách hiểu của người nói) sẽ là: “mọi vật tồn tại trong cuộc đời đều có lý do của nó, không có gì là thừa thãi, vô dụng”. Đánh giá tình huống của người tham dự - tức nhận xét của Trúc về tình huống mà anh đang có mặt là: Trúc và Dũng đang ở trong phòng riêng của Dũng; Dũng đang cảm thấy khó chịu vì khi về nhà được người vú già báo lại là cha Dũng đang cho người đi tìm anh để sắp xếp chuyện cưới xin cho anh với một người con gái mà anh không yêu. Đứng trước tình huống đó, “chiến lược giao tiếp” hay mục đích giao tiếp mà Trúc muốn đạt được là phá vỡ bầu không khí nặng nề, xốc dậy tinh thần của người bạn thân, cho nên anh đã làm một hành động có vẻ như không liên quan gì là ướm thử chiếc áo, và giải thích hành động của mình bằng một câu tục ngữ theo một ý nghĩa hài hước nhưng không phải là không có lý. Cách giải thích của Trúc cũng ngầm ý thể hiện sự thân mật trong tình cảm đằm thắm giữa hai người: gắn bó, không thể không có nhau, không thể thiếu một trong hai người. Và Trúc đã thành công trong hoạt động giao tiếp này, đạt được mục đích giao tiếp của mình khi Dũng đã không thể nén cười trước cách nói năng hài hước của anh bạn thân, và gắt một cách thân mật: “Anh nói cái gì thế. Mau lên mà sang không đói lắm rồi và khẽ mồm chứ. Ông cụ biết tôi về thì đừng có hòng ăn ngon” (Đôi bạn, tr.60). Như vậy tổng hợp lại ba yếu tố: Cách hiểu của người tham dự về nghĩa cơ bản của câu tục ngữ, đánh giá tình huống và chiến lược giao tiếp của người tham dự, chúng ta sẽ có được nghĩa sử dụng của câu tục ngữ “Trời sinh voi trời sinh cỏ” trong bối cảnh này là: Trời sinh ra đôi bạn thân - tôi và anh - cũng như sinh ra voi và cỏ, chúng ta tồn tại cho nhau, gắn bó với nhau, không thể tách rời; và qua mối quan hệ này, chúng ta thấy cuộc đời vui tươi, có ý nghĩa, đáng sống.

Một ví dụ khác cho trường hợp này là trong truyện ngắn “Bà đầm Phô-xi-đông” (Hương rừng Cà Mau - tập 1, tr.39). Hít và nhân vật xưng “tôi” đến rủ Hai Kéo đi thăm cô Ba - một “nàng hầu” người Việt của ông Tây Đầu Đỏ - nhân lúc Tây Đầu Đỏ đi vắng. Cả ba chàng trai đều có tình ý với cô. Tuy nhiên, “Hai Kéo e thẹn:

- Mình tới thăm cô Ba… ngặt thiếu duyên cớ, chẳng lẽ mình chào hỏi rồi đứng đó hoài?

Tôi đáp:

- Anh đừng lo. Nhập gia tùy tục. Nếu cô Ba đuổi khách, mình sẽ xoay xở. Cổ đang buồn vì vắng chồng. Chẳng lẽ cả ba chúng mình đều vô duyên. Thời buổi trai thiếu gái thừa mà”. (Bà đầm Phô-xi-đông, in trong Hương rừng Cà Mau - tập 1, tr.44)

Nghĩa đen phổ biến của câu tục ngữ “Nhập gia tùy tục” là: đến nơi nào thì phải tuân theo những quy định, lề lối ở nơi đó. Ở đây, nhân vật xưng “tôi” đã mở rộng thêm một nét nghĩa mới là: tùy tình huống nảy sinh mà có những cách xử lý thích hợp; đồng thời cũng cụ thể hóa vào hoàn cảnh của mình qua lời giải thích “Nếu cô Ba đuổi khách, mình sẽ xoay xở”. Với cách hiểu như trên của bản thân về câu tục ngữ, cộng với đánh giá tình huống (ba người thanh niên đến thăm một cô gái trẻ đẹp vắng chồng mà ba người đều có tình ý) và chiến lược giao tiếp (trấn an tinh thần của một anh bạn đang lo lắng), nhân vật xưng tôi đã sử dụng câu tục ngữ “Nhập gia tùy tục” với nghĩa sử dụng (Proverb Performance Meaning) là: “Nếu gặp tình huống cô Ba không muốn đuổi khách, chúng ta sẽ tìm cách xoay sở phù hợp”.   

b. Người nói chọn lựa một khả năng nghĩa (trường hợp những câu tục ngữ có nhiều nghĩa, có thể là nghĩa đen và nghĩa bóng/ nghĩa khái quát hoặc nhiều nghĩa bóng), sau đó cụ thể hóa vào tình huống của mình.

Chẳng hạn như, trong tiểu thuyết “Đứa con” (Đỗ Đức Thu), có đoạn kể về một cuộc chuyện trò ngồi lê đôi mách của hai bà nội trợ rỗi rãi là bà Mậu và bà Tâm. Hai bà bàn tán về chuyện bà kiểm lâm - một người phụ nữ không sinh con được nên chồng công khai dẫn một con gái nhảy về nhà. Hai bà thay nhau thể hiện quan điểm của mình trước việc bà kiểm lâm không có phản ứng gì trước hành động của chồng ngoài việc khóc lóc. Bà Tâm nói:

“- Vâng, trông bà ta ái ngại quá, lôi thôi lốc thốc như con mẹ dại. Nói chuyện như chỉ muốn khóc. Bà ta lành quá. Như tôi thì chả đời nào tôi chịu thế!

Bà Mậu mỉm cười một cách hoài nghi. Bà Tâm vội cãi:

- Thật chứ! Người ta cướp mất chồng mình thì ai mà chịu được. Nhất là lành làm gáo, vỡ làm môi (muôi), đã muốn tan nát thì cho tan nát nhân thể, rồi ra sao thì ra!

Mặt bà Tâm hồng lên, hai mắt long lanh đưa đi đưa lại. Bà ra vẻ hăng hái, cả quyết lắm” (Đứa con, tr.15).

Câu tục ngữ “Lành làm gáo, vỡ làm môi/ muôi” có hai nghĩa bóng: 1. Thái độ bất cần, muốn ra sao thì ra; 2. Không làm được việc này thì dùng vào việc khác[5].

Trong bối cảnh này, bà Tâm chỉ sử dụng nghĩa thứ nhất, tức là: khi mọi việc đã đi theo những chiều hướng quá xấu thì mặc kệ, không cần níu kéo, than thở. Từ đó, bà cụ thể hóa vào việc của bà kiểm lâm: ông chồng đã ngang nhiên thách thức, tệ bạc như vậy, mối quan hệ vợ chồng đã bên bờ vực thẳm như vậy thì cứ làm to chuyện ra cho mất mặt, không nên ủy mị, yếu ớt, cam chịu.

Một trường hợp khác là trong truyện ngắn “Hai mẹ con” (Hương rừng Cà Mau - tập 2, tr.157). Bà chủ Mẹo có cậu con trai độc nhất làm nghề buôn á phiện - một nghề khấm khá nhưng nguy hiểm. Một lần cậu ta mất dạng không thấy về thăm mẹ. Bà Mẹo lo lắng cho an nguy của con trai nên nấp kĩ trong nhà để thăm dò động tĩnh, đồng thời dặn đứa tớ gái báo ngay cho bà khi có người lạ mặt xuất hiện và tránh tiếp chuyện dài dòng với họ. Ba ngày trôi qua, hàng xóm bắt đầu nghi ngờ, đồn đãi rằng bà Mẹo đang có thai. “Con Hạnh báo cáo những lời xúc xiển ấy, bà lắc đầu:

- Vàng thiệt đâu sợ lửa. Bà sợ … thứ khác” (“Thứ khác” ở đây là sự an nguy của đứa con trai độc nhất) (Hai mẹ con, trong Hương rừng Cà Mau - tập 2, tr.161)

“Vàng thiệt (thật) không sợ lửa” có nghĩa đen và nhiều nghĩa bóng, tùy vào cách hiểu ẩn dụ “vàng” và “lửa”, chẳng hạn như 1. Người có năng lực thì không sợ khó khăn, thử thách; 2. Người ngay thẳng thì không sợ gièm pha,v.v.. Trong bối cảnh này, bà Mẹo đã hiểu theo nghĩa thứ hai: Người ngay thẳng thì không sợ gièm pha, đồng thời cụ thể hóa vào hoàn cảnh của mình: Mình không quan hệ nam nữ bất chính, không có thai thì thiên hạ đồn đãi như thế nào cũng không nao núng. 

c. Người nói sử dụng ngay cách hiểu phổ biến (với trường hợp những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa: nghĩa đen, nghĩa bóng hoặc nghĩa khái quát), sau đó cụ thể hóa vào tình huống của mình

Trong tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” (Ma Văn Kháng), trong giây phút hấp hối, ông Bằng đã nhắn nhủ các con:

“- Các con ở lại … yêu thương nhau và mọi người. Thằng Cừ, lá rụng về cội, thương xót vong linh nó. Cho ba xin lỗi bà Chi” (Mùa lá rụng trong vườn, tr.279).

Câu tục ngữ “Lá rụng về cội” có một nghĩa bóng: khuynh hướng của mọi sinh vật luôn là quay về với nguồn gốc của mình. Từ ý nghĩa bóng khái quát đó, ông đã cụ thể hóa vào tình huống của con trai mình: Cừ tuy hư hỏng, làm nhiều điều để gia đình phải hổ thẹn (vô trách nhiệm với vợ và con, bất chính trong công việc, trốn đi nước ngoài…), nhưng cuối cùng, trước lúc chết cũng đã biết hối hận về những lỗi lầm của mình, biết nghĩ về gia đình, quê hương, bản quán, về các giá trị sống, vì vậy Cừ nên được tha thứ, thông cảm.

Trong tiểu thuyết “Tắt lửa lòng” (Nguyễn Công Hoan), có đoạn nói về cuộc gặp gỡ giữa thằng Vũ và người cha ruột của nó mà nó mới phát hiện ra và tìm gặp được. Vũ trước đây vẫn lầm tưởng mình là con của bà Thúy Liễu và ông phủ Hoàng Xuân Long. Tuy nhiên, thực ra, nó là con riêng của bà Thúy Liễu thời trẻ với một người lính lệ đóng trại gần phủ quan huyện của ông ngoại nó - tức Tư Kềnh hay ông Cách. Được người chỉ dẫn, Vũ đi tìm cha ruột của mình - lúc này đang sống nghèo đói, bệnh tật, cô độc trong một căn lều rách nát. Cuộc đời Tư Kềnh đã trở nên khốn đốn vì sự trả đũa của cha Thúy Liễu sau việc Thúy Liễu có mang với ông. Tư Kềnh kể lại cho thằng Vũ mối lương duyên của mình và Thúy Liễu ngày xưa, mọi việc đều do chính Thúy Liễu chủ động, và thanh minh với Vũ:

“Vâng. Cậu phải biết là cô ấy mê tôi trước. Chứ bụt trên tòa, gà nào dám mổ mắt. Ngày ấy, quan bắt cô ấy uống thuốc mãi, nhưng không làm thế nào cho cái thai ra được” (Tắt lửa lòng, tr.230).

Câu tục ngữ “Bụt trên tòa, gà nào dám mổ mắt” không có nghĩa đen mà chỉ có một nghĩa bóng: người có địa vị thấp chắc chắn không dám gần gũi/ suồng sã/ làm phương hại đến người có địa vị cao hơn. Đó cũng là nghĩa cơ bản của câu tục ngữ theo cách hiểu của Tư Kềnh. Sử dụng câu tục ngữ này, một mặt, Tư Kềnh đánh giá tình huống giao tiếp mà mình tham gia: đối diện với một người lạ không quen biết nhưng thắc mắc về quãng đời trong quá khứ của mình; và hiện tại, với ông, việc nói thật, giãi bày về quá khứ không có gì nguy hại bởi vì tình cảnh của ông đã quá sức thê thảm rồi; đồng thời chiến lược giao tiếp của ông là thanh minh, trần tình về những nỗi oan ức của đời mình, hy vọng một sự thông cảm. Tuy nhiên, niềm hy vọng này cũng không tha thiết lắm, vì ông đã đón nhận những nỗi truân chuyên của đời mình như là sự tất yếu trong thân phận của một người thấp cổ bé họng, đầy sự cam chịu và chấp nhận. 


d. Người nói không cần cụ thể hóa vào trường hợp của mình vì bản thân câu tục ngữ đã quá rõ ràng và sát hợp với hoàn cảnh, vấn đề của mình rồi (trường hợp câu tục ngữ chỉ có một nghĩa đen). Đây là trường hợp duy nhất mà bối cảnh hầu như không có tác động gì đến ý nghĩa của tục ngữ.  

 Đó là trường hợp những câu như: “Giai tân gái hóa thì chơi, đừng nơi có vợ, đừng nơi có chồng” mà bà Phó Đoan nói với Xuân Tóc đỏ khi thấy Xuân cùng với Tuyết từ khách sạn Bồng Lai đi ra (khi ấy Tuyết đã có người dạm hỏi) (Số đỏ, tr.104); câu “Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên” mà Trần Cảnh hỏi Thuận Thiên về thái độ của nàng với cuộc hôn nhân của hai người do vợ chồng Trần Thủ Độ sắp đặt (Rừng trúc, tr.508); câu “Vô phúc đáo tụng đình” mà quan huyện nói với những người đi kiện Nghị Hách về việc hiếp Thị Mịch (Giông tố, tr.85); câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” mà Chuyên nói với Sương khi biết Sương học Cao đẳng Sư phạm (Phòng trọ ba người, tr.55), v.v..

 

Trong những bối cảnh mà chúng tôi khảo sát được, chiếm đa số vẫn là những trường hợp (b), (c), (d), trong khi đó trường hợp (a) - người nói sử dụng câu tục ngữ với một nét nghĩa mới do bản thân phát hiện ra - thì chiếm rất ít. Điều này cho thấy tính ổn định, bền chắc về nghĩa của tục ngữ. Tính ổn định, bền chắc này có được do sự ổn định về cấu trúc, mà Chu Xuân Diên gọi là “có hình thức bền vững” [11, 1879], Đỗ Bình Trị cho là “gọn chắc”, “một câu hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp” [29, 352]. Đặc điểm ổn định và bền chắc về nghĩa này khiến cho tục ngữ dễ dàng được lưu truyền, sử dụng một cách thuận tiện, thống nhất trong cộng đồng.

Trong các khâu: đánh giá tình huống, triển khai nghĩa,… do người nói tục ngữ thực hiện, sự phân biệt ra thành các trường hợp: lựa chọn một trong những khả năng nghĩa với những câu tục ngữ có nhiều nghĩa hay sử dụng ngay cách hiểu phổ biến trong trường hợp những câu tục ngữ có nhiều nghĩa… chỉ là sự phân loại của người nghiên cứu. Trên thực tế, người sử dụng không cần biết/ không quan tâm đến vấn đề này, cho nên thiết nghĩ, chúng ta chỉ cần gọi những nghĩa đen/ nghĩa bóng/ nghĩa khái quát đó là “cách người tham dự hiểu nghĩa cơ bản của tục ngữ” (Proverb’s Base Meaning) như cách nói của Barbara Kirshenblatt-Gimblett là đầy đủ nếu chúng ta nghiên cứu từ phía người sử dụng. Việc phân chia chi tiết nghĩa đen/ nghĩa bóng/ nghĩa khái quát như cách phân loại trên sẽ giúp chúng ta hiểu mối quan hệ giữa những tiềm năng nghĩa của một câu tục ngữ với nghĩa thực tế của câu tục ngữ trong giao tiếp.

Chúng ta cũng thấy, hầu như trong các trường hợp, khâu cuối cùng của thao tác xác định nghĩa của một câu tục ngữ trong tư duy người nói luôn là cụ thể hóa câu tục ngữ vào tình huống của bản thân mình mà mình đang tham dự vào. Điều này gợi nghĩ cho chúng tôi đến công việc của những nhà biên soạn từ điển tục ngữ. Việc ghi nhận tất cả những nghĩa cụ thể của tục ngữ (hay nghĩa sử dụng của tục ngữ - Prover Performance Meaning - theo cách gọi của Barbara Kirshenblatt-Gimblett) là vượt quá khả năng của những người biên soạn từ điển và sự chi tiết quá mức đó cũng không thật sự cần thiết đối với một cuốn từ điển. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người biên soạn không tham khảo các tình huống đời sống có sử dụng tục ngữ, không đọc trong các tài liệu, tác phẩm văn học để tìm hiểu sự sử dụng thực tế của tục ngữ. Nguồn tư liệu này sẽ giúp người biên soạn ghi nhận nghĩa của tục ngữ trong những trường hợp (a) - tức những trường hợp mà người sử dụng mở rộng nghĩa của tục ngữ theo cách hiểu của riêng mình. Không cần phải làm việc đến khâu nghĩa sử dụng/ sự cụ thể hóa nghĩa, công việc của người biên soạn từ điển tục ngữ phải đạt được dừng lại ở việc ghi nhận nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa khái quát của các câu tục ngữ đó càng nhiều, càng đầy đủ càng tốt. Cũng cần làm rõ, khi xác định nghĩa bóng, chúng ta cũng nên xác định nghĩa bóng ở cấp độ chung chung, khái quát, sự cụ thể quá sẽ lệch sang nghĩa sử dụng. Chẳng hạn như với câu tục ngữ “Hoa thơm ai chẳng muốn vin”, chỉ cần xác định nghĩa bóng một cách khái quát là “Những người có phẩm chất đặc biệt, tốt, quý thì ai cũng muốn gần gũi, nhờ cậy”. Khi cần nghiên cứu nghĩa sử dụng của câu tục ngữ, chúng ta sẽ áp dụng mô hình của Barbara Kirshenblatt-Gimblett để chỉ ra trong tình huống sử dụng cụ thể, câu tục ngữ mang ý nghĩa gì. Ví dụ, lời nói của ông chủ quán trọ trong tiểu thuyết “Lều chõng” (Ngô Tất Tố) kể với khách về việc có một cậu học trò trêu ghẹo một cô hàng xén xinh đẹp bị hai cha con cô ấy sỉ vả giữa phố:

“Đến trưa hôm nay, có ông học trò vào hàng hỏi mua giấy bút. - Cứ nhiều người nói lại là ông đó hãy còn trẻ tuổi, chưa rõ quê quán ở đâu, cũng là số người hỏng kỳ đệ tam và còn ở đây chờ bảng tú tài - Trong khi mặc cả, ông này có nói bông đùa sao đó. Cái đó kể ra cũng là sự thường. Bởi vì “hoa thơm ai chẳng muốn vin”, có phải thế không, thưa các ngài” (Lều chõng, tr.232).

Trong tình huống trên, nghĩa sử dụng của câu tục ngữ theo mô hình của Kirshenblatt-Gimblett sẽ là: “Người con gái đẹp thì ai cũng muốn trêu ghẹo”.

Hay như với câu tục ngữ “Bụt chùa nhà không thiêng”, trong một cuốn từ điển tục ngữ, chúng ta chỉ cần ghi nhận nghĩa bóng một cách khái quát là: “Người tuy cao quý như gần gũi quá thì thường không có ảnh hưởng/ tác dụng đến người khác”. Trong tiểu thuyết “Sống nhờ” (Mạnh Phú Tư), đó là câu tục ngữ mà người cậu nói với mợ khi thấy mợ nấu cơm cho đứa cháu ăn khi đứa cháu đi chơi về muộn giờ cơm: “Gạo đâu mà lắm thế. Kệ đời nhà nó. Nó về với bà nội nó. Rõ chỉ bụt chùa nhà không thiêng” (Sống nhờ, tr.98). Khi nghiên cứu trong tình huống này, nghĩa sử dụng của câu tục ngữ là: “Bà nội không nuôi nổi cháu nội mà phải để cháu nội sang ở nhờ nhà ngoại”.

Một vấn đề nữa mà chúng tôi muốn làm rõ là trong một lần sử dụng, tục ngữ có thể có mấy nghĩa. Theo Nguyễn Xuân Đức như đã nói ở trên thì một lần sử dụng, tục ngữ chỉ có một nghĩa. Triều Nguyên trong Khảo luận về tục ngữ người Việt khi khảo sát những trường hợp tục ngữ có hai nghĩa - nghĩa đen và khái quát thì nhận xét:

Xét tương quan giữa nghĩa đen và nghĩa khái quát ở dạng tục ngữ đang bàn, thì chúng không cố định mà ít nhiều được phân chẻ ra theo tình huống phát ngôn. Như với trường hợp đối tượng được đề cập trong câu tục ngữ đồng thời là thực tiễn (hay bối cảnh) đang được hướng đến lúc nói, thì nghĩa của câu tục ngữ nghiêng về nghĩa đen (nghĩa khái quát chỉ hình thành thứ yếu, nhằm muốn hiểu sâu hơn, nếu cần); còn như đối tượng được đề cập trong câu tục ngữ không quan hệ gì với bối cảnh nói, thì nghĩa của câu tục ngữ nghiêng về nghĩa khái quát (người tiếp nhận buộc phải suy nghĩa khái quát để hiểu ý người nói, còn nghĩa đen nhằm củng cố điều đã được suy) [25, 261].

Theo khảo sát của chúng tôi, trong một lần sử dụng, tục ngữ có thể có tối đa hai nghĩa. Trường hợp tối đa là trường hợp câu tục ngữ được sử dụng với nghĩa đen kèm theo nghĩa khái quát hoặc nghĩa bóng. Không thấy có trường hợp hai nghĩa này là nghĩa bóng và nghĩa khái quát. Giữa hai nghĩa trừu tượng này, người nói chỉ có thể chọn một trong hai. Chẳng hạn như câu tục ngữ “Lớn thuyền thì lớn sóng” có nghĩa khái quát là “mỗi sự vật (khi phát huy tác dụng) đều tương xứng với những cái có quan hệ sở thuộc hay tất yếu với chúng”; nghĩa bóng là “chức quyền, địa vị càng cao thì những trở lực, gian nguy càng lớn (cần phải dàn xếp, vỗ yên mới dễ bề thăng tiến)” [25, 264-265]. Tuy nhiên, trong truyện ngắn “Nỗi buồn rất lạ” (Nguyễn Ngọc Tư), khi sử dụng câu tục ngữ này để giải thích cho cha về việc ông Tư Đờ - một người lính can trường trong chiến đấu - trở thành giám đốc một công ty lớn khi hòa bình lập lại và “sẩy chân” trong một phi vụ làm ăn thì nhân vật xưng “tôi” chỉ sử dụng một nghĩa bóng là “chức quyền, địa vị càng cao thì những trở lực, gian nguy càng lớn”.

Chúng tôi ghi nhận thấy nhiều trường hợp mà câu tục ngữ được sử dụng đồng thời với cả nghĩa đen và nghĩa khái quát/ nghĩa bóng trong một lần giao tiếp. Khi đó nghĩa đen có thể là sự tình cờ trùng hợp hoặc do người nói có chủ ý. Chẳng hạn như, trong truyện dài “Nữ sinh” (Nguyễn Nhật Ánh), khi nói “Ba người đánh một không chột cũng què” để trấn an bạn mình về việc không phải sợ hãi gì khi chấp nhận đi chơi với anh chàng Gia nếu anh ta có lời mời, Cúc Hương có hàm ý sử dụng nghĩa đen khi nhóm của cô cũng có ba người (Xuyến, Thục, Cúc Hương). Tuy nhiên, cô cũng bao hàm cả ý nghĩa khái quát của câu tục ngữ: đông người gây hấn với một người thì không có gì phải sợ hãi (Nữ sinh, tr.34).      

Về tương quan giữa nghĩa đen và nghĩa bóng/ nghĩa khái quát của một câu tục ngữ trong một lần phát ngôn thì đúng như Triều Nguyên nhận xét: nếu đối tượng được đề cập trong câu tục ngữ đồng thời là thực tiễn (hay bối cảnh) đang được hướng đến lúc nói, thì nghĩa đen là nghĩa nổi trội hơn mà cả người nói lẫn người nghe quan tâm đến trước tiên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nghĩa bóng/ nghĩa khái quát không có vai trò gì. Nghĩa bóng/ nghĩa khái quát được gợi lên cùng lúc với nghĩa đen, tạo ấn tượng cho người nói lẫn người nghe về độ tin cậy thể hiện qua tính khái quát cao của tục ngữ, và vì thế mà tăng tính thuyết phục cho phát ngôn. Ví dụ: Trong tiểu thuyết “Lá ngọc cành vàng” (Nguyễn Công Hoan), Nga vì yêu Chi nhưng không thành nên phẫn uất và phát điên. Ông Tham - chú của Nga - trò chuyện với vợ mình về việc phải nhờ Chi đến gần gũi, chuyện trò với Nga, giúp Nga chữa căn bệnh tâm lý này. Để củng cố cho quan điểm của mình, ông Tham đã sử dụng câu tục ngữ: “Bệnh nào thuốc ấy” (“Bệnh nào thì thuốc ấy, chứ cứ nề hà, sợ sệt thì có khi con Nga chết oan, không biết chừng” (Lá ngọc cành vàng, tr.133)). Câu tục ngữ - một mặt, về nghĩa đen, liên hệ trực tiếp đến vấn đề của Nga, đó là bệnh tâm lý thì phải chữa bằng tâm lý, Nga vì yêu Chi không thành nên phát điên thì chỉ có tình yêu của Chi mới chữa được căn bệnh của Nga. Nghĩa đen đó là điều mà ông Tham muốn hướng tới để thuyết phục vợ mình, và đó cũng sẽ là nghĩa gây ấn tượng với bà Tham trước tiên. Tuy nhiên, bên cạnh nghĩa đen, câu tục ngữ còn gợi lên một nghĩa khái quát, đó là sự phù hợp giữa nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Không riêng gì chuyện thuốc thang, bệnh tật, quy luật này còn chi phối nhiều hiện tượng khác trong đời sống. Đây là một quy luật có tính phổ quát được nhiều người thừa nhận. Câu tục ngữ còn gợi lên một loạt câu tục ngữ gần nghĩa nó, có kết cấu tương tự nó và cũng gợi lên quan niệm về sự phù hợp, chẳng hạn như “rau nào sâu nấy”, “thầy nào trò nấy”, “cha nào con nấy”…  Chính nghĩa khái quát mà câu tục ngữ gợi lên đã tạo nên “sức nặng” cho câu tục ngữ và lời nói của ông Tham.

Một ví dụ khác là trong truyện ngắn “Hai viên ngọc” (Sơn Nam), ông hội đồng để thuyết phục một người khác bán cho mình một viên ngọc quý đã sử dụng câu tục ngữ “Ngọc lành chờ đợi giá cao”:

“Trời! Sao không để dành cho tôi xem. Tôi biết mà “ngọc lành chờ đợi giá cao”, người xưa thường nói. Tôi đến đây xem thử và sẵn sàng chuộc nó với bất cứ giá nào. Ông chủ nhà cứ nói thiệt đem cho tôi xem thử liền bây giờ. Tôi là bạn thân của ông chủ Hai chớ nào phải kẻ xa lạ mà ngại ngùng” (Hai viên ngọc, trong Hương rừng Cà Mau - tập 2, tr.196).

Nghĩa đen của câu tục ngữ sát hợp với thực tiễn đang diễn ra: ông hội đồng muốn mua một viên ngọc quý, trong khi đó người bán có vẻ lãnh đạm, không muốn bán nên ông nghĩ là người chủ viên ngọc đang có thủ đoạn làm giá, vì vậy ông nói “viên ngọc quý nên phải có một giá cao mới xứng đáng”. Tuy nhiên, bên cạnh nghĩa đen, câu tục ngữ còn gợi lên nghĩa khái quát về sự phù hợp giữa giá trị của một đối tượng với sự sử dụng, đánh giá đối tượng ấy. Không chỉ chuyện viên ngọc quý bán giá cao, nó còn gợi nghĩ đến một loạt hiện tượng tương tự về sự phù hợp, chẳng hạn như người con gái đẹp phải tìm một tấm chồng xứng đáng, một người có địa vị xã hội phải có những cơ sở vật chất tương xứng,v.v.. Đây là một quy luật có tính phổ quát, nằm trong suy nghĩ của cộng đồng. Và nghĩa khái quát mà câu tục ngữ gợi lên “củng cố” sức mạnh cho nghĩa đen của nó, khiến người chủ viên ngọc tin tưởng vào tính hợp lý trong lời nói ông hội đồng. Vì vậy, có thể nói, trong những trường hợp câu tục ngữ có hai nghĩa trong một tình huống phát ngôn thì nghĩa đen có vai trò nổi trội, tạo ấn tượng đầu tiên, trong khi đó nghĩa bóng/ nghĩa khái quát có vai trò “âm thầm” hơn, củng cố cho tính đáng tin cậy của phát ngôn. 

*****

MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU.. 1

1.    Lý do chọn đề tài 1

2.    Lịch sử vấn đề. 1

3.    Mục đích khoa học và những đóng góp mới của luận văn. 6

4.    Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và tính chất của luận văn. 6

5.    Phương pháp nghiên cứu. 12

6.    Cấu trúc của luận văn. 13

CHƯƠNG 1: CÁC VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VỀ NGHIÊN CỨU TỤC NGỮ TRONG BỐI CẢNH   15

1.1. Hướng tiếp cận “bối cảnh” trong folklore học - một hướng tiếp cận liên ngành. 15

1.1.1. Nhóm “Những người Thổ trẻ tuổi” (Young Turks) và quan niệm mới về folklore  15

1.1.2. Sự thay đổi về quan niệm kéo theo sự thay đổi về phương pháp luận. 20

1.1.3. Hasan M. El-Shamy và sự hoàn thiện hướng tiếp cận tâm lý học. 23

1.2. Tục ngữ và hướng tiếp cận folklore trong bối cảnh. 26

1.2.1. Alan Dundes và E. Ojo Arewa với công trình Proverbs and the Ethnography of Speaking Folklore (Tục ngữ và khảo tả dân tộc học về folklore lời nói). 26

1.2.2. Công trình Proverbs in Literature: An International Bibliography (Tục ngữ trong văn học: Một thư mục quốc tế) của Wolfgang Mieder với vấn đề nghiên cứu tục ngữ trong văn học. 31

1.2.2.1. Thực trạng nghiên cứu tục ngữ trong văn học và những đề xuất 31

1.2.2.2. Khẳng định việc nghiên cứu tục ngữ trong văn học phải gắn với bối cảnh sử dụng và chức năng của tục ngữ. 34

CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI BỐI CẢNH SỬ DỤNG CỦA TỤC NGỮ TRONG GIAO TIẾP VÀ NHỮNG NHẬN XÉT BƯỚC ĐẦU.. 37

2.1. Phân loại bối cảnh sử dụng của tục ngữ trong giao tiếp. 37

2.1.1. Bối cảnh gắn với chức năng nhận thức của tục ngữ. 38

2.1.1.1. Bối cảnh trong đó tục ngữ được sử dụng để nhận xét về một sự việc, hiện tượng  38

2.1.1.2. Bối cảnh trong đó tục ngữ được sử dụng để giải thích một sự việc, hiện tượng  53

2.1.2. Bối cảnh gắn với chức năng hành động của tục ngữ. 56

2.1.2.1. Tục ngữ làm cơ sở cho hành động của bản thân. 57

2.1.2.2. Tục ngữ làm cơ sở cho hành động của người khác. 63

2.1.2.3. Dạng biến thể: Tục ngữ được sử dụng như một công thức nói năng, giao tiếp  64

2.1.3. Các bối cảnh trung gian và bối cảnh đặc biệt 72

2.1.3.1. Dự đoán - bối cảnh trung gian giữa bối cảnh gắn với chức năng hành động và bối cảnh gắn với chức năng nhận thức của tục ngữ. 72

2.1.3.2. Nói đùa - trường hợp đặc biệt của bối cảnh gắn với chức năng nhận thức và bối cảnh gắn với chức năng hành động của tục ngữ. 74

2.2. Những nhận xét bước đầu về tục ngữ được sử dụng trong giao tiếp. 81

2.2.1. Tục ngữ - mô hình của các loại cảnh huống khác nhau. 81

2.2.2. Tục ngữ - vừa đóng vai trò chi phối hành động vừa phụ thuộc vào ý định chủ quan của người nói 85

2.2.3. Tranh luận - tình huống tiềm tàng của hầu hết các câu tục ngữ. 89

2.2.4. Tục ngữ - thể loại văn học dân gian đa chức năng và đa bối cảnh. 92

CHƯƠNG 3: MỘT CÁCH XÁC ĐỊNH ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI TỤC NGỮ TỪ HƯỚNG TIẾP CẬN BỐI CẢNH.. 94

3.1. Tục ngữ và vấn đề khung thể loại 94

3.2. Diễn xướng tục ngữ và cách “khóa” một diễn xướng tục ngữ. 98

3.2.1. Sử dụng tục ngữ có phải là “diễn xướng” hay không?. 98

3.2.2. Cách khóa một diễn xướng tục ngữ (Hay định hướng về mặt hình thức của thể loại tục ngữ)  100

3.3. Nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh. 106

3.3.1. Các nghiên cứu về nghĩa của tục ngữ và nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh. 106

3.3.2. Vai trò của bối cảnh đối với việc xác định nghĩa của tục ngữ qua nghiên cứu một số tác phẩm văn học. 111

3.4. Đối tượng sử dụng tục ngữ. 123

3.4.1. Một số đặc trưng về giới, nhóm xã hội, độ tuổi của người sử dụng tục ngữ.. 123

3.4.2. Vị thế giữa người nói và người nghe trong giao tiếp bằng tục ngữ. 129

3.4.3. Một số trường hợp cá nhân sử dụng thành thạo tục ngữ. 133

3.5. Vấn đề kênh thông tin (channel). 137

3.6. Một đề xuất xác định những đặc trưng của thể loại tục ngữ từ hướng tiếp cận bối cảnh  141

PHẦN KẾT LUẬN.. 143

DANH MỤC TÁC PHẨM LÀM TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU................................. 147

TÀI LIỆU THAM KHẢO.. 150



[1] Dorson, Richard M. (1971), “Fakelore”, in trong cuốn American Folklore and the Historian (Folklore Mỹ và các nhà sử học), Chicago, tr.5; dẫn lại theo [3,114]

[2] Bauman, Richard (2000), “Thể loại” (Genre), Journal of Linguistics Anthropology 9, tr.84, dẫn theo [3,115].

[3] Bauman, Richard (1984), Verbal Art as Performance (Nghệ thuật ngôn từ với tư cách là sự diễn xướng), Texas, tr.11, dẫn theo [3, 118]

[4] Nhịp tách các vế câu được kí hiệu bằng hai vạch nghiêng (//), nhịp tách các thành phần của vế câu được kí hiệu bằng một vạch nghiêng (/).

[5] Theo: Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (biên soạn) (1993), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội; dẫn theo Nguyễn Xuân Kính (chủ biên) (2002), Kho tàng tục ngữ người Việt (tập 1), Nxb. Văn hóa - Thông tin, tr. 1559.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website