Buổi nói chuyện chuyên đề của GS.TS. Nguyễn Xuân Kính về Những vấn đề của khoa nghiên cứu Văn học dân gian

Vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 19/6/2019, tại văn phòng Khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã có buổi nói chuyện chuyên đề với cán bộ Khoa Văn học cùng các sinh viên, học viên sau đại học của Khoa.

20190621 Ng Xuan Kinh

GS.TS Nguyễn Xuân Kính và công trình Những vấn đề của khoa nghiên cứu Văn học dân gian

Bắt đầu buổi nói chuyện, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Kính tâm sự về những khó khăn trong vấn đề xuất bản các công trình văn học dân gian thời gian gần đây như những rào cản của tư tưởng thời đại, sự chưa thống nhất trong quan niệm cũng như cách trình bày văn bản. Khi bàn vào những vấn đề của khoa Văn học dân gian hiện nay, giáo sư đặc biệt nhắc đến sự tri ân của thế hệ mình và những thế hệ sau đối với đội ngũ các nhà nghiên cứu đầu tiên, có vai trò “khai sơn phá thạch”, xây dựng bộ môn nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam như Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên…, vốn là những người tự học, tự nghiên cứu. Chính vì lòng say mê văn hóa dân tộc và sự kiên trì, nghiêm cẩn trong nghiên cứu thuở còn sơ khai và nhiều thiếu thốn của các nhà nghiên cứu đầu ngành này mà khoa Văn học dân gian Việt Nam đã dần dần được hình thành. Các nhà nghiên cứu đầu tiên này cùng với thế hệ theo sau mình là những giáo sư có tên tuổi như Cao Huy Đỉnh, Võ Quang Nhơn, Chu Xuân Diên, Kiều Thu Hoạch… đã tiếp tục đào tạo ra đội ngũ kế thừa đông đảo, thúc đẩy khoa Văn học dân gian của nước nhà phát triển đến độ chín mùi và ngày càng lớn mạnh. Thế hệ các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam đang ở lứa tuổi sung sức trong khoa học hiện nay hầu hết đều được đào tạo đến trình độ tiến sỹ, nhiều người trong số họ được tu nghiệp ở các nước như Nga, Mỹ, Nhật…. Những thế hệ nối tiếp nhau đã cùng góp sức làm nên một Khoa nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam có diện mạo đầy đủ, toàn diện và vẫn đang phát triển ngày càng sâu rộng.

Xoay quanh cuốn sách giáo trình sau đại học vừa xuất bản - Những vấn đề của khoa nghiên cứu Văn học dân gian (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, GS.TS Nguyễn Xuân Kính chủ biên, 2019), giáo sư đã có những trao đổi về vấn đề nhận diện văn học dân gian, lịch sử khoa nghiên cứu văn học dân gian, phân loại văn học dân gian và sự tiếp thu, vận dụng các học thuyết, lý thuyết trong nghiên cứu. Giáo sư đã mang đến cuộc trò chuyện những thông tin không chỉ có tính hệ thống mà còn mới mẻ, gây hứng thú, như việc “lật lại” những quan niệm truyền thống về văn học dân gian: vấn đề tác giả của văn học dân gian, tính không chuyên, tính dị bản, tính ích dụng, sự lưu truyền bằng miệng và văn bản của văn học dân gian,… trong sự đối sánh với văn học viết.

Ngoài ra,  GS. Nguyễn Xuân Kính còn điểm qua lịch sử nghiên cứu văn học dân gian ở các nước có nền VHDG lớn mạnh mà các chuyên gia folklore Việt Nam đã quan tâm tìm hiểu rất kỹ lưỡng như Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Ông cũng cung cấp cái nhìn khái quát về tình hình vận dụng các học thuyết, lý thuyết nghiên cứu VHDG trên thế giới ở Việt Nam hiện nay.

Ở phần trao đổi với diễn giả, người tham dự đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: có văn học dân gian đương đại hay không?; hiện tượng đặt lời thơ cho các câu chuyện tôn giáo có được xem là văn học dân gian?; giới và văn học dân gian; hiện tượng ngụy dân gian, v.v… Giáo sư đã có những câu trả lời gợi mở như: ngày nay, chủ thể của văn học dân gian là “dân chúng” được hiểu là tất cả mọi người, thuộc mọi thành phần, giai cấp, tầng lớp xã hội; văn hóa phi chính thống, được mọi người thừa nhận chính là văn hóa dân gian, và thế thì thời đại nào cũng tồn tại văn học dân gian; các câu chuyện thơ tôn giáo vẫn được xem là văn học dân gian nếu chúng được cộng đồng tôn giáo đó sử dụng, lưu truyền; có hiện tượng “bịa” tác phẩm dân gian (như một số bài ca dao do người sưu tầm tự “sáng tác”, một số tác giả “viết tiếp” các câu chuyện về Bác Ba Phi), đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc khách quan và đạo đức trong nghiên cứu. Buổi nói chuyện kết thúc lúc 11 giờ với nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ do giới hạn về thời gian, hứa hẹn việc gặp lại GS.TS. Nguyễn Xuân Kính trong những buổi sinh hoạt học thuật thú vị khác.  

La Mai Thi Gia - Lê Thị Thanh Vy

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63561785
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8102
12114
63561785

Thành viên trực tuyến

Đang có 166 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website