Trích yếu luận án tiến sĩ ngữ văn "Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: Lý thuyết và ứng dụng - trường hợp motif tái sinh"

Ngày 23.4.2014, luận án tiến sĩ Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: Lý thuyết và ứng dụng - trường hợp motif tái sinh của nghiên cứu sinh La Mai Thi Gia do PSG. Chu Xuân Diên hướng dẫn đã được 100% thành viên Hội đồng chấm luận án tiến sĩ nhất trí đánh giá đạt loại xuất sắc. Điểm thành công của luận án theo hội đồng là đã tổng thuật được lý thuyết motif truyện kể dân gian của các trường phái nghiên cứu folklore và đã ứng dụng vào một trường hợp cụ thể, đó là nghiên cứu motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam. VH-NN xin giới thiệu phần Dẫn nhập, Mục lục và Kết luận của Luận án. 

DẪN NHẬP

1.       Lý do chọn đề tài.

Ngay từ thế kỷ 19 truyện kể dân gian đã là đối tượng nghiên cứu hấp dẫn lôi kéo được sự quan tâm của nhiều thế hệ các nhà khoa học ở mọi quốc gia trên thế giới. Từ những công trình sưu tầm biên soạn thể loại truyện kể dân gian vào đầu thế kỷ 19 của hai nhà khoa học người Đức – anh em Grim, cho đến nay truyện kể dân gian được các nhà folklore thế giới khảo sát nghiên cứu ở nhiều phương diện, từ nội dung đến hình thức, từ đề tài cốt truyện đến các thành phần cấu tạo nên đề tài cốt truyện đó. Nhiều vấn đề về nguồn gốc, bản chất, đặc điểm thi pháp của thể loại này cũng được giới nghiên cứu folklore đặt ra và cùng tìm câu trả lời. Mục đích chung của các nhà nghiên cứu là nhằm tìm ra được phương pháp tiếp cận đúng đắn và phù hợp nhất với thể loại truyện kể dân gian tiêu biểu và hấp dẫn trong văn học dân gian thế giới này. Bản chất, cấu trúc, cội nguồn lịch sử và tiến trình phát triển của các thể loại truyện kể cũng ngày càng được quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng và thấu đáo hơn. Bằng nhiều phương pháp khác nhau, những người có tâm huyết với việc nghiên cứu văn học dân gian đã cố gắng tìm kiếm kết cấu đích thực bên trong cũng như quá trình phát triển một cách logic nhất trong tư duy nghệ thuật của loài người từ thời cổ đại đến nay.

Việc tìm kiếm phương pháp cho công tác nghiên cứu folklore nói chung và truyện kể dân gian nói riêng đã làm nảy sinh ra nhiều trường phái folklore học khác nhau trên thế giới, như trường phái thần thoại học, trường phái Ấn Độ, trường phái nghi lễ huyền thoại, trường phái Phần Lan, trường phái nhân chủng học, trường phái thi pháp học, trường phái dân tộc học, trường phái phân tâm học… Tuy giữa các trường phái này có những quan niệm học thuật khác nhau, phương pháp nghiên cứu khác nhau và thậm chí đôi khi có những ý kiến cực đoan, những khẳng định thiếu tính thuyết phục và không mấy khoa học cùng với những niềm tin sai lầm về mặt quan điểm nhưng chính sự cố công truy tìm nguồn gốc, bản chất của các thể loại truyện kể dân gian trên thế giới của các trường phái đã khiến cho việc nghiên cứu truyện kể dân gian vượt khỏi phạm vi của quốc gia và trở thành một vấn đề mang tầm vóc quốc tế.

Quá trình tìm kiếm nguồn gốc truyện kể dân gian không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi của mỗi quốc gia mà đã xuất hiện rất nhiều những giả thuyết về cội nguồn chung, cội nguồn quốc tế của thể loại truyện kể dân gian. Điều này đã chứng minh được rằng, ngay từ thời cổ đại, việc giao lưu và truyền bá văn hóa qua lại lẫn nhau bằng cách này hay cách khác giữa các dân tộc với nhau và sự ảnh hưởng to lớn tích cực của những cái nôi văn hóa vĩ đại như Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ… trải rộng trên khắp các quốc gia là điều có thực. Từ đó, các tác phẩm truyện kể này bắt đầu được xem như là những di sản tinh thần chung, những luồng tư tưởng văn hóa và là trí tuệ chung của toàn bộ loài người. Tuy nhiên, khi đã tìm kiếm được những quy luật phát triển chung và cội nguồn chung của thể loại truyện kể dân gian, các chuyên gia cũng không dừng lại ở đó. Họ không dựa vào quan niệm đó để chi phối toàn bộ công việc nghiên cứu truyện kể dân gian của mình mà tiếp tục tìm tòi, phân tích để tìm kiếm bản sắc độc đáo, những đặc điểm “dân tộc tính” của các quốc gia thể hiện trong những câu chuyện mà họ tiếp nhận, lưu trữ và thay đổi để biến nó thành tài sản riêng của dân tộc mình, mang bản sắc của đất nước mình.

Trong khi tìm kiếm nguồn gốc, bản chất của các thể loại truyện kể dân gian, các trường phái nêu trên khi tiến hành những khảo sát cụ thể theo các phương pháp nghiên cứu phù hợp với các tiền đề lý thuyết của mình, họ thường gặp nhau ở yêu cầu xác định đơn vị nghiên cứu cho các thể loại truyện kể dân gian. Và hai đơn vị nghiên cứu được sử dụng phổ biến nhất là motif và type (kiểu truyện). Dù cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định được type và motif là 2 đơn vị nghiên cứu ưu việt nhất được sử dụng trong quá trình phân tích truyện kể dân gian, và đôi khi sự phân loại có tính chi li về mặt motif phần nhiều mang tính hình thức khiến cho truyện kể bị cắt rời thành nhiều mảnh vụn, nhưng dẫu sao đó cũng là một hướng nghiên cứu tích cực nhất hiện nay. Hướng nghiên cứu này có khả năng giúp cho những nhận định về nguồn gốc nảy sinh của truyện kể dân gian ở khắp các quốc gia không còn mang tính tùy tiện và võ đoán nữa. Đồng thời còn có thể đặt niềm tin vào phương pháp nghiên cứu này sẽ giúp tìm ra được kết cấu thống nhất bên trong của những câu truyện cổ, cái quy luật phát triển chung nhất trong tư duy hay tâm lý loài người và một quy trình phát triển có tính logic của nền văn hóa, nghệ thuật dân gian của nhân loại.

Motif là một trong những thuật ngữ văn học dân gian được sử dụng nhiều nhất hiện nay trong các công trình nghiên cứu về thể loại tự sự dân gian. Những năm gần đây, nhu cầu nghiên cứu truyện kể dân gian theo hướng phân tích kết cấu và nội dung của motif cũng như mối quan hệ giữa motif và cốt truyện ngày càng gia tăng mạnh mẽ - đây thực ra là một công việc liên tục của truyền thống nghiên cứu văn học dân gian bao giờ cũng liên quan mật thiết đến đề tài. Người ta phân tích motif để tìm kiếm tầng nghĩa sâu xa được dấu kín trong đó, những biểu tượng văn hóa, dân tộc của mỗi quốc gia. Phân tích motif để tìm ra “con đường ngắn nhất” cho sự liên kết của các văn bản truyện kể dân gian trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có một trở ngại mà ai cũng thấy đó là khó có thể tìm ra một cách tiếp cận duy nhất đúng và thích hợp cho việc khẳng định thành tố nào của câu chuyện là motif và không phải là motif, cũng như dung lượng chính xác của mỗi motif vì có khi một motif của câu chuyện này có thể chứa đựng cả một nhóm những motif nhỏ hơn thuộc một câu truyện khác. Chính vì những trở ngại này mà vấn đề tổng hợp các quan niệm lý thuyết về motif và các phương pháp nghiên cứu truyện kể dân gian theo motif đã từng xuất hiện trong khoa nghiên cứu fokllore trên thế giới, là một vấn đề cho đến nay vẫn còn có tính thời sự.

Vì thế chúng tôi chọn đề tài Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: lý thuyết và ứng dụng – trường hợp motif tái sinh với mong muốn sẽ tiếp tục công việc của các nhà nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam từ trước đến nay, những người đã cố công chuyển dịch và giới thiệu đến giới nghiên cứu folklore Việt Nam những lý thuyết khác nhau của các trường phái khác nhau trên thế giới về đơn vị motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian. Tất cả những vấn đề lý thuyết mà chúng tôi đề cập đến trong khi thực hiện đề tài của mình đều là những vấn đề được nhắc đến ít nhiều trong lịch sử nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam. Tuy nhiên mỗi học giả chỉ giới thiệu về một lý thuyết hay phương pháp của một trường phái nào đó hoặc giới thiệu nhiều lý thuyết nhưng chỉ điểm qua chứ chưa thành một nghiên cứu có tính toàn diện về vấn đề này. Do vậy mục đích của chúng tôi là cố gắng tập hợp được những vấn đề lý thuyết và phương pháp nghiên cứu motif truyện kể dân gian chủ yếu đã từng được nhắc đến ở Việt Nam và đồng thời chúng tôi còn mong muốn rằng mình có thể làm sâu sắc hơn, toàn diện hơn những vấn đề đó bằng các tài liệu mà chúng tôi may mắn được tiếp cận từ các nghiên cứu nước ngoài.

2.       Lịch sử nghiên cứu vấn đề.

2.1. Trước tiên để tìm kiếm một định nghĩa phổ biến nhất, được thừa nhận rộng rãi nhất trên thế giới về đơn vị motif, chúng tôi tìm đến bộ Từ điển tiêu chuẩn về văn hóa dân gian, thần thoại và truyền thuyết được xuất bản vào năm 1950 do Maria Leach và Jerome Fried biên soạn. Theo chúng tôi đây là một công cụ tra cứu rất hữu ích khi cần tìm kiếm một định nghĩa cho một thuật ngữ có tính quốc tế nào đó trong nghiên cứu văn học dân gian. Chúng tôi đã sử dụng những trang viết về “Motif ở trang 753, “Finish folklore” ở trang 380 và “Historic – geographic method” ở trang 498 của bộ từ điển này để làm rõ thêm các thuật ngữ về motif truyện kể dân gian, trường phái Phần Lan và phương pháp địa lý lịch sử mà chúng tôi trình bày ở chương 1.

Để giới thiệu về sự kế thừa của nhà folklore người Phần Lan Antti Aarne và nhà folklore người Mỹ Stith Thompson đối với phương pháp địa lý – lịch sử của trường phái Phần Lan, chúng tôi khảo sát các luận điểm trong phần mở đầu của cuốn sách Bảng phân loại và danh mục kiểu truyện dân gian do Aarne và Thompson cùng chấp bút. Công trình này được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới và được gọi tắt là Từ điển A – T (The Aarne–Thompson Classification system). Cuốn từ điển về type truyện kể dân gian này ban đầu là kết quả nghiên cứu của Aarne sau một quá trình tập hợp các type truyện kể trong kho tàng văn học dân gian của Phần Lan và Châu Âu. Sau này Thompson dịch công trình này ra tiếng Anh và mở rộng với các type truyện và motif văn học dân gian của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, bộ sách 6 cuốn Motif-index of folk-literature, a Classification of narrative elements in folktales, ballads, myths, fables, medieval romances, exempla, fabliaux, jest-books, and local legends của Thompson cũng là nguồn tài liệu quý giá hỗ trợ chúng tôi trong công việc tra cứu, tìm kiếm vị trí của những motif truyện kể dân gian mà mình quan tâm khảo sát. Đồng thời đó cũng là cứ liệu để chúng tôi so sánh và rút ra những đánh giá, nhận định về các ứng dụng mà các học giả đi trước đã thực hiện dựa vào danh mục motif văn học dân gian trong bộ sách của ông.

Công trình nghiên cứu Truyện kể dân gian (1977) của Stith Thompson là tài liệu cung cấp những thí dụ ứng dụng cụ thể do tác giả thực hiện dựa theo phương pháp nghiên cứu địa lý – lịch sử của trường phái Phần Lan. Đặc biệt là những phân tích của Thompson về nghiên cứu của nhà folklore người Đức Walter Anderson trong chuyên khảo Kaiser und Abt, những luận điểm của Thompson trong bài viết này đã cung cấp cho chúng tôi những dẫn chứng về việc ứng dụng nghiên cứu motif theo bình diện mối quan hệ giữa motif và cốt truyện.

Công trình nghiên cứu Ý nghĩa của văn hóa dân gian dày hơn 400 trang của nhà folklore người Mỹ Alan Dundes là một tập hợp gồm những bài viết của ông về các vấn đề có liên quan đến nhiều phương diện nghiên cứu folklore, được chia ra làm ba phần lớn như “Cấu trúc và phân tích”, “Thế giới quan và nhận diện” và “Biểu tượng và tư tưởng”. Trong công trình này, chúng tôi đã kế thừa được nhiều luận điểm có giá trị về cấu trúc etic – emic và sự kết hợp giữa hai đơn vị motifem - allomotif trong phân tích cốt truyện dân gian. Bài viết “Từ đơn vị chất liệu đến đơn vị chức năng trong nghiên cứu cấu trúc truyện kể dân gian” của ông đã cung cấp cho chúng tôi một phương pháp mới mẻ trong việc tiếp cận cốt truyện dân gian bằng cách phân tích những đơn vị tham gia cấu thành nên nội dung truyện kể…

2.2. Ngoài những tài liệu tiếng Anh kể trên, chúng tôi còn may mắn có được nguồn tài liệu từ tiếng Nga, tuy nhiên do hạn chế về vốn ngoại ngữ này nên chúng tôi phải nhờ dịch giả Phạm Nguyên Trường chuyển sang Tiếng Việt và PGS.Chu Xuân Diên là người giúp chúng tôi hiệu đính lại những bản dịch này.

Từ bài viếtMotif như là thành tố tạo ra cốt truyện” của nhà nghiên cứu B. N. Putilov in trongsách Những nghiên cứu văn hóa dân gian theo loại hình: Tuyển tập các bài viết tưởng niệm Vladimir Yakovlevich Propp (1895-1970), chúng tôi nắm bắt được các định nghĩa về motif truyện kể dân gian của nhà ngữ văn học người Nga A.N. Veselovski – người sáng lập và đại diện của trường phái thi pháp lịch sử trong nghiên cứu truyện kể dân gian. Bên cạnh đó chúng tôi còn kế thừa được những nhận định của B.N. Putilov về các mặt ưu và những thiếu sót từ các quan điểm mà Veselovski đưa ra trong định nghĩa của ông. Putilov cho rằng kể từ khi có những định nghĩa và sự phân biệt mang tính nguyên tắc giữa motif và cốt truyện của Veselovski thì vai trò mang tính cấu trúc và nội dung của motif truyện kể dân gian đã được thừa nhận. Đồng thời tuy còn có những thiếu sót về mặt quan điểm nhưng lý thuyết của Veselovski cho tới bây giờ vẫn tiếp tục giữ thế thượng phong trong việc tiếp cận với motif như là một đơn vị cấu thành cốt truyện.

Bài viết “Bàn về thi pháp mang tính lịch sử của Veselovski” của nhà nghiên cứu K.Gorky trong tác phẩm A.N.Veselovsk i- Thi pháp lịch sử là một sự tổng kết hết sức có giá trị các quan niệm về nguồn gốc văn học dân gian từ các học giả đi trước. Ông nhắc đến lý thuyết thần thoại của anh em Grim, lý thuyết vay mượn của Todo Benfey hay lý thuyết di chuyển cốt truyện của trường phái nhân loại Anh. Ông dẫn ra những phê phán và đồng tình của Veselovski đối với các lý thuyết này và chỉ ra rằng những lý thuyết đó đã được Veselovski kế thừa và phát triển, mở rộng thành lý thuyết của trường phái thi pháp lịch sử. Theo ông luận điểm quan trọng nhất của trường phái này là hướng đến việc xem xét nguồn gốc và lịch sử phát triển của truyện kể dân gian trong lịch sử văn hóa tâm lý dân tộc.

Một công trình nghiên cứu rất quan trọng khác mà chúng tôi may mắn được tiếp xúc đó là tác phẩm Nhân vật truyện cổ tích thần kỳ - nguồn gốc hình tượng của nhà folklore người Nga E.M. Meletinsky. Mở đầu công trình này, Meletinsky đưa ra những đánh giá nhận định của mình về quan niệm nguồn gốc truyện kể dân gian của các nhà nghiên cứu phương Tây, đặc biệt là các nhà khoa học thuộc trường phái Phần Lan. Ông cho rằng họ đã thiên vị và thiếu thuyết phục khi đưa ra các quan điểm thấm đẫm chủ nghĩa dĩ Âu vi trung (coi Châu Âu là trung tâm). Những sai lầm này càng bộc lộ rõ khi dùng lý thuyết Phần Lan nghiên cứu văn học dân gian của các dân tộc Viễn Đông như Trung Hoa, Đông Dương, Nhật Bản, Indonesia… Đồng thời Meletinsky cũng cho rằng “không thể áp dụng sơ đồ motif truyện kể dân gian Châu Âu cho việc nghiên cứu văn học dân gian ở các dân tộc được cho là còn lạc hậu về mặt văn hóa hay đã từng được coi là lạc hậu trong một quá khứ chưa xa, đấy là các dân tộc bản địa ở Úc và châu Đại Dương, người Mỹ bản địa, người Trung và Nam châu Phi”. Theo Meletinsky, đại diện của một số trường phái nghiên cứu folklore ở phương Tây đã không phát hiện được các quá trình lịch sử xã hội được phản ánh trong truyện khi tìm kiếm nguồn gốc của truyện cổ tích. Đồng thời họ đều quy hiện tượng nghệ thuật ngôn từ cho tư duy và cho đời sống của người nguyên thủy… Nhà nghiên cứu quan tâm đến hình tượng nhân vật bất hạnh trong truyện cổ tích và đã thực hiện một quá trình nghiên cứu công phu về hình tượng nhân vật này. Từ công trình Nhân vật truyện cổ tích thần kỳ - nguồn gốc hình tượng của Meletinsky, chúng tôi đã kế thừa được một khám phá quan trọng của ông về motif dân tộc học và motif sinh hoạt xã hội trong cấu tạo nội dung chủ đề truyện cổ tích thần kỳ.

Bài viết “Bàn về một số khía cạnh của việc nghiên cứu đề tài văn học dân gian” của nhà nghiên cứu S.Iu. Nekliudov trong tác phẩm Folklore và dân tộc học: Những cội nguồn của các cốt truyện và hình tượng văn hóa dân gian, đóng vai trò như là sự tổng kết những nhận định đánh giá của các nhà nghiên cứu khác về định nghĩa motif của Veselovski. Ông dẫn lại định nghĩa của Veselovski và V.Ia. Propp về motif sau đó đưa ra những đánh giá của mình về sự tương đồng và khác biệt trong quan điểm của hai nhà nghiên cứu này. Ông tập trung vào phân tích thuật ngữ “chức năng hành động” của nhân vật truyện cổ tích thần kỳ trong định nghĩa của Propp, giải thích khái niệm chức năng và vai trò của đơn vị chức năng trong quá trình tạo lập cốt truyện. Nekliudov còn dẫn ra những quan niệm của nhà nghiên cứu người Mỹ Alan Dundes đã phân định vai trò khác nhau giữa chức năng và motif rằng “nếu chức năng là phạm trù của phân tích khoa học thì motif là thành tố của tư duy trong văn học dân gian”. Ông nhắc lại những phân tích của Putilov về định nghĩa motif do Veselovski đưa ra, đồng thời ông còn dẫn ra và phân tích các quan điểm của Meletinsky về motif truyện cổ tích. Từ đó Nekliudov đưa ra cái nhìn tổng quát của mình về các quan điểm trên của các học giả và khẳng định rằng khuynh hướng nghiên cứu so sánh lịch sử trong nghiên cứu truyện kể dân gian được khởi xướng từ Veselovski đã gây ảnh hưởng lớn lao đến khoa nghiên cứu văn học dân gian ở nước Nga và trên toàn thế giới.

Cuối cùng một tài liệu cũng viết bằng tiếng Nga rất hữu ích đối với việc thực hiện đề tài nghiên cứu của chúng tôi là công trình nghiên cứu Lý thuyết motif trong nghiên cứu văn học và folklore học nước Nga của Silantev. Công trình này được xem như là một bảng tổng kết đầy đủ nhất về tất cả các quan niệm lý thuyết trong nghiên cứu truyện kể dân gian đã từng xuất hiện trong khoa folklore học nước Nga từ đầu thế kỷ 19 cho đến hiện tại. Trong nội dung cuốn sách này, tác giả đã dẫn ra và phân tích các định nghĩa về motif của những học giả đi trước hoặc cùng thời với ông như Veselovski, A.L.Bern, O.M.Freidenberg, V.Ia.Propp, V.B.Tomashevski, B.I.Iarkho, B.V.Shlovski, A.P.Skaftymov… Silantev chia hệ thống định nghĩa motif của các học giả nước Nga ra thành các phương diện: phương diện ngữ nghĩa (tính toàn vẹn, cơ cấu ngữ nghĩa, tiềm năng về mặt ngữ nghĩa, mối liên hệ giữa motif và nhân vật, giá trị thẩm mỹ); phương diện hình thái học (tiêu chí logic, motif và chức năng nhân vật, bản chất địa vị của motif); phương diện quan niệm nhị nguyên (định nghĩa motif theo chủ đề, theo tâm lý học, motif và nguyên cớ) và phương diện nguyên tắc tính hệ thống. Đóng góp mới mẻ nhất trong công trình này của Silantev là sự tổng hợp các quan niệm nhị nguyên về motif từ những ý tưởng đến các biến thể của lý thuyết nhị nguyên…

2.3. Ngoài nguồn tài liệu tiếng nước ngoài nêu trên, đề tài của chúng tôi còn được kế thừa từ rất nhiều các công trình nghiên cứu về văn học dân gian ở Việt Nam. Đã có nhiều nghiên cứu ít nhiều có chạm đến vấn đề lý thuyết motif truyện kể dân gian nhưng nêu lên gần như đầy đủ nhất là trong công trình Nghiên cứu văn hóa dân gian – Phương pháp, lịch sử, thể loại của nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên. Trong bài viết “Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học”, ông tổng hợp các lý thuyết nghiên cứu motif đã xuất hiện trong nghiên cứu văn học dân gian từ trước nay trên thế giới. Sau phần trình bày về các quan điểm của các trường phái folklore về đơn vị motif, ông đã ứng dụng thực tế các phương diện nghiên cứu của các trường phái đó trong bài viết “Về cái chết của mẹ con dì ghẻ trong truyện Tấm Cám”. Công trình này đóng vai trò như một tài liệu hướng dẫn mẫu mực cho cách thức thực hiện đề tài luận án của chúng tôi.

Về các khái niệm và các thuật ngữ về đơn vị motif, tên gọi và đặc điểm của các lý thuyết nghiên cứu, các trường phái nghiên cứu văn học dân gian…, chúng tôi tham khảo từ một số công trình nghiên cứu có tính tổng hợp, dịch thuật và giới thiệu như Folklore thế giới – những công trình nghiên cứu cơ bảnFolklore thế giới – một số thuật ngữ đương đại của Viện nghiên cứu văn hóa hay Văn hóa dân gian – Những lĩnh vực nghiên cứuVăn hóa dân gian – những phương pháp nghiên cứu của Viện văn hóa dân gian. Công trình nghiên cứu Các khái niệm thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa kỳ thế kỷ XX của I.P. Ilin và E.A. Tzurganova cùng với công trình Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỷ XX đã cung cấp cho chúng tôi một cái nhìn toàn cảnh về lí luận, phê bình văn học thế giới thế kỉ 20. Nội dung của những cuốn sách đó miêu tả lý thuyết của các trường phái và các lý thuyết phê bình văn học chính yếu nhất mà cụ thể là các lý thuyết phê bình văn học ở Tây Âu, Hoa Kỳ, Nga và những lý thuyết của trường phái phân tâm học trong nghiên cứu văn học. Ngoài ra cuốn sách Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học của M.B. Khrapchenco còn giúp chúng tôi làm rõ thêm một số vấn đề lý thuyết có liên quan đến đề tài của mình.

Một số nghiên cứu về trường phái phân tâm học đã cung cấp cho chúng tôi những tư liệu về mặt lý thuyết như Thăm dò tiềm thức của C.G. Jung hay bài viết “Về quan hệ của tâm lý học và sáng tạo văn học nghệ thuật” của ông trong cuốn Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỷ XX và công trình Bản đồ tâm hồn con người của Jung do Murray Stein biên soạn. Sự quan tâm nghiên cứu của các tác giả trong nước về cổ mẫu được thể hiện qua các công trình như Huyền thoại và văn học (nhiều tác giả), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật của Đỗ Lai Thúy, Phân tâm học và phê bình văn học của Liễu Trương cùng các bài viết Phê bình cổ mẫu và cổ mẫu nước trong văn chương Việt Namcủa Nguyễn Thị Thanh Xuân hay “Thử dẫn vào nghiên cứu văn học từ góc nhìn cổ mẫu của Nguyễn Quang Huy… đã khơi gợi lên trong chúng tôi hướng nghiên cứu motif văn học dân gian theo con đường tiếp cận với đơn vị cổ mẫu theo lý thuyết phân tâm học.

Bộ sách hai cuốn Tuyển tập V.Ia. Propp (2003) do một nhóm tác giả biên dịch một cách công phu là nguồn tài liệu tham khảo quý giá cung cấp cho chúng tôi rất nhiều những vấn đề khoa học về lý thuyết thuyết nghiên cứu truyện kể dân gian cùng với những thí dụ cụ thể từ những ứng dụng tỉ mỉ của tác giả cuốn sách nhằm làm sáng rõ các quan điểm lý thuyết đó. Với Tuyển tập V.Ia. Propp chúng tôi kế thừa từ định nghĩa motif về phương diện hình thái học của trường phái cấu trúc -chức năng đến quan điểm về cấu trúc hình thái của truyện cổ tích thần kỳ, từ phương pháp nghiên cứu motif theo phương diện cấu tạo đến phương pháp nghiên cứu motif theo phương diện tiếp cận nguồn gốc và sự biến đổi lịch sử. Mối liên hệ chặt chẽ giữa truyện kể dân gian và dân tộc học từ lâu đã được nhắc đến trong lý thuyết của các trường phái trước đó nhưng chỉ đến khi có sự xuất hiện của công trình nghiên cứu Những căn rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ của Propp thì vấn đề này mới được làm sáng tỏ về nhiều mặt và mang đến cho ngành nghiên cứu văn học dân gian trên thế giới những đóng góp to lớn. Cho đến nay những lý thuyết và ứng dụng trong hai cuốn sách nêu trên của Propp luôn là tài liệu hữu ích mà bất kỳ ai khi quan tâm đến vấn đề cấu trúc và nguồn gốc của truyện kể dân gian đều cần nên tham khảo.

Về những công trình có tính ứng dụng cụ thể các bình diện nghiên cứu motif truyện kể dân gian ở Việt Nam, chúng tôi được tiếp xúc với tác phẩm của các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu folklore ở nước ta như công trình Người anh hùng làng Dóng của Cao Huy Đỉnh, Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif của Nguyễn Tấn Đắc, Cổ tích thần kỳ người Việt - đặc điểm cấu tạo cốt truyện của Tăng Kim Ngân, Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á của Nguyễn Bích Hà, Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam của Nguyễn Thị Huế. Trong những công trình này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát công phu vị trí và vai trò của các motif tạo nên cốt truyện, tìm kiếm sự biến đổi của motif và nguồn gốc phong tục, tín ngưỡng của motif…

Công trình nghiên cứu văn hóa tiền sử với quy mô rộng của nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp J.G. Frazer, Cành vàng – bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy là nguồn tài liệu mà chúng tôi tham khảo và trích dẫn thường xuyên khi thực hiện bước ứng dụng phương pháp nghiên cứu phân tích nguồn gốc lịch sử xã hội của motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam. Hầu như tất cả các vấn đề thuộc về văn hóa nguyên thủy có thể tìm thấy trong truyện kể dân gian trên thế giới đều được Frazer đưa ra trong công trình của mình. Những luận giải và các ví dụ của ông trong công trình này là một minh chứng cụ thể nhất cho mối quan hệ giữa motif truyện kể dân gian với phong tục, nghi lễ, tôn giáo, tín ngưỡng và thực hành ma thuật thời nguyên thủy… Cùng với công trình của Frazer là các tác phẩm Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo vật tổ và cấm kị của Sigmund Freud; Dấu hiệu, biểu trưng và thần thoại của Luc Benoist; Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng của người nguyên thủy của Lévy Bruhl hay Không gian văn hóa nguyên thủy (nhìn theo lý thuyết chức năng) của Robert Lowie và Những huyền thoại của Roland Barthes và một công trình nghiên cứu của một học giả Việt Nam Vũ Minh Chi, Nhân học văn hoá - con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, cũng là nguồn tài liệu tham khảo cho chúng tôi trong khi luận giải vấn đề nguồn gốc của motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam ở chương 3 của luận án.

2.4. Ngoài những công trình nghiên cứu nêu trên, đề tài của chúng tôi còn được kế thừa từ các bài viết trong các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành. Đó có thể là những bản dịch, giới thiệu về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của một số trường phái folklore trên thế giới cùng với các thí dụ ứng dụng của các tác giả bài viết về những phương pháp đó như “Nghiên cứu truyện cổ dân gian Việt Nam theo bảng mục lục tra cứu típ và mô típ truyện cổ dân gian của Antti và Stith Thompson” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hiền hay Nghiên cứu văn học dân gian ở Hoa Kỳ - một số quan sát bước đầu” Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif – Những khả thủ và bất cập” của Trần Thị An. Bên cạnh đó, bài viết Một số vấn đề lý luận về nghiên cứu cấu trúc truyện cổ tích thần kỳ của Phạm Tuấn Anh cũng cung cấp thêm cho chúng tôi một cách tiếp cận nghiên cứu cấu trúc truyện cổ tích theo hình thái học truyện cổ tích thần kỳ của V.Ia. Propp. Đồng thời các bài báo Những cố gắng tìm tòi trong việc đổi mới phương pháp nghiên cứu truyện cổ tích50 năm ngành cổ tích học Việt Nam của Nguyễn Thị Huế cũng giúp chúng tôi có thêm một cái nhìn khái quát về thực trạng nghiên cứu thể loại truyện cổ tích trong khoa nghiên cứu văn học dân gian nước nhà...

Cuối cùng cần phải kể đến là các tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam đã được sưu tập và sưu tầm bởi các cá nhân và tập thể đã được xuất bản từ trước đến nay ở Việt Nam, đây là nguồn tài liệu cung cấp cho chúng tôi các văn bản truyện cổ tích Việt Nam để chúng tôi dùng làm tài liệu tham khảo và dẫn chứng cho nghiên cứu ứng dụng của chính mình theo các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu motif truyện kể dân gian trên thế giới.

3.       Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

3.1. Như tên đề tài đã nêu rõ: Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: lý thuyết và ứng dụng – trường hợp motif tái sinh nên đối tượng nghiên cứu của chúng tôi sẽ là motif – một đơn vị hình thành nên nội dung truyện kể truyền thống và tất cả những vấn đề đã được đặt ra cũng như được thực hiện xung quanh đối tượng motif này. Do vậy đối tượng nghiên cứu của chúng tôi còn là các trường phái nghiên cứu, các lý thuyết, các quan niệm, các phương pháp, các bình diện nghiên cứu đơn vị motif (chương 1 và chương 2). Bên cạnh đó chúng tôi còn quan tâm đến cá nhân các nhà khoa học đã từng đặt ra vấn đề về việc nghiên cứu motif truyện kể dân gian. Chúng tôi khảo sát lịch sử nghiên cứu motif trong hoạt động khoa học của các nhà nghiên cứu này từ những công trình khoa học có liên quan đến motif. Đồng thời chúng tôi còn khảo sát, phân tích cả những nghiên cứu có tính ứng dụng đối với các vấn đề lý thuyết và các bình diện nghiên cứu motif mà chúng tôi tập hợp được.

Với những đối tượng đã nêu ở trên thì phạm vi nghiên cứu của chúng tôi sẽ là những lý thuyết về motif trong nghiên cứu folklore của một số nước trên thế giới mà chúng tôi có thể tập hợp được, tuy nhiên đây phải là những lý thuyết đã được giới nghiên cứu trên thế giới thừa nhận, đã gây tiếng vang hoặc đã được kế thừa rộng rãi cả về phương diện lý thuyết lẫn phương diện ứng dụng nghiên cứu thực tế. Lý thuyết của các trường phái này phải gây ảnh hưởng và thậm chí còn có giá trị định hướng cho nhiều những nghiên cứu về văn học dân gian trên thế giới.

3.2. Chương 3 của luận án là chương ứng dụng nghiên cứu cụ thể theo một vài lý thuyết và phương pháp mà chúng tôi đã giới thiệu ở hai chương đầu. Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi trong chương này là motif tái sinh – một motif rất phổ biến trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và của cả thế giới. Phạm vi nghiên cứu của chương này sẽ là những văn bản truyện cổ tích Việt Nam đã được cố định thành văn bản, đã được xuất bản trong các công trình sưu tập truyện kể dân gian của cá nhân hoặc tập thể nhóm tác giả có uy tín.

4.       Phương pháp nghiên cứu.

4.1. Phương pháp tổng hợp: Trước tiên với vấn đề lý thuyết về các quan niệm và phương pháp nghiên cứu motif, chúng tôi sẽ tiến hành làm công việc tổng hợp tài liệu của các nhà nghiên cứu đã từng đề cập đến đơn vị motif truyện kể dân gian trong các công trình nghiên cứu, các bài viết, các bài báo cáo khoa học cả trong và ngoài nước bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nga. Chúng tôi cố gắng tập hợp và giới thiệu được càng nhiều càng tốt các quan niệm, định nghĩa về motif đã từng xuất hiện trong nghiên cứu folklore cũng như các phương pháp nghiên cứu truyện kể dân gian theo motif đã và đang được sử dụng trên thế giới từ trước đến nay.

4.2. Phương pháp khảo sát và miêu tả: Sau khi tập hợp được càng nhiều càng tốt những tài liệu có liên quan đến đề tài, chúng tôi tiến hành khảo sát nội dung của những nghiên cứu có liên quan đến vấn đề motif, miêu tả lại các quan điểm lý thuyết của từng trường phái, trình bày lại những luận điểm của các nhà khoa học và những đánh giá của các nhà nghiên cứu kế tục họ về các luận điểm đó. Miêu tả các phương pháp nghiên cứu, các bình diện nghiên cứu motif đã được triển khai từ các lý thuyết đó và miêu tả những ứng dụng đã được thực hiện trong nghiên cứu motif dựa trên các phương pháp mà mình đã nêu ra.

4.3. Phương pháp phân tích: Ở chương ứng dụng, sau khi miêu tả đối tượng nghiên cứu về mặt cấu tạo và nội dung chủ đề, chúng tôi tiến hành phương pháp phân tích đối tượng theo cách tiếp cận cấu trúc chức năng và nguồn gốc lịch sử nhằm xác định vị trí hình thái và ý nghĩa chủ đề của motif được thể hiện như thế nào trong mối quan hệ với các motif khác trong cốt truyện và với bản thân cốt truyện mà nó tham gia tạo thành.

4.4. Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Để làm sáng tỏ nguồn gốc lịch sử xã hội của motif truyện cổ tích, chúng tôi nghiên cứu đối tượng bằng phương pháp liên ngành bao gồm sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như ngữ văn học, văn hóa học, dân tộc học, nhân chủng học…

5.       Đóng góp của luận án:

Mong muốn đóng góp chủ yếu của chúng tôi là vấn đề lý thuyết và phương pháp nghiên cứu motif truyện kể dân gian được tổng hợp và giới thiệu một cách toàn diện ở Việt Nam (trong khả năng có thể thực hiện được của chúng tôi).

Những định nghĩa, quan niệm có tính lý thuyết về motif của các trường phái nghiên cứu folklore trên thế giới được sắp xếp và trình bày một cách có hệ thống nhằm góp phần mang đến cho người đọc một cái nhìn khái quát, đầy đủ về đơn vị motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian. Những so sánh đối chiếu của luận án về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của các trường phái với nhau sẽ cung cấp thêm cho người đọc những nhận định đánh giá về phương diện đúng đắn hay sai lầm của từng quan niệm, về mặt mạnh và mặt yếu của từng phương pháp trong quá trình liên hệ với thực tiễn ứng dụng. Từ đó có thể gợi ý về một bình diện nghiên cứu hiệu quả nhất có thể ứng dụng và phát triển trong khoa nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam.

Cách tiếp cận thực tế của chúng tôi khi phân tích một motif quen thuộc trong truyện cổ tích Việt Nam theo hai phương pháp nghiên cứu phổ biến đã từng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới về hai bình diện cấu trúc và lịch sử motif có thể đưa ra một định hướng về phương pháp nghiên cứu đã được ứng dụng và có thể tiếp tục ứng dụng một cách sâu sắc hơn trên phạm vi rộng trong nghiên cứu truyện kể dân gian Việt Nam, giúp tìm hiểu một cách thấu đáo về từng đơn vị motif trong kho tàng truyện kể dân gian Việt Nam cả về hình thức lẫn nội dung.

6.       Bố cục của luận án

Ngoài phần Dẫn luậnKết luận, nội dung luận án của chúng tôi được chia làm 3 chương chính như sau:

Chương 1: Motif trong lý thuyết của một số trường phái nghiên cứu văn học dân gian trên thế giới.

Trong chương này chúng tôi trình bày các quan điểm lý thuyết của bốn trường phái nghiên cứu văn học dân gian trên thế giới là Trường phái Phần Lan, Trường phái thi pháp lịch sử, Trường phái cấu trúc chức năng và Trường phái phân tâm học cùng một số tiền đề lý thuyết mà các trường phái này đã kế thừa có phê phán, bổ sung về mặt quan điểm học thuật.

Chương 2: Một số bình diện nghiên cứu motif truyện kể dân gian.

Các bình diện nghiên cứu motif truyện kể dân gian mà chúng tôi trình bày trong chương này bao gồm bình diện cấu tạo motif, bình diện nguồn gốc lịch sử và biến đổi lịch sử của motif, bình diện mối quan hệ giữa motif và cốt truyện. Mỗi bình diện là một thao tác, phương pháp nghiên cứu mà các nhà khoa học thuộc các trường phái đã triển khai từ những quan niệm lý thuyết của họ, theo đó là sự ứng dụng của các nhà nghiên cứu folklore trên thế giới khi nghiên cứu motif truyện kể dân gian theo các bình diện này.

Chương 3: Nghiên cứu motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam theo phương pháp phân tích cấu trúc chức năng và nguồn gốc lịch sử.

Chương 3 là chương ứng dụng của luận án từ những vấn đề lý thuyết và các phương pháp nghiên cứu đã trình bày ở hai chương đầu. Trong chương này chúng tôi thử tiếp cận phân tích, tìm hiểu vị trí và ý nghĩa chủ đề tư tưởng của một motif truyện cổ tích Việt Nam theo hai phương pháp là phân tích cấu trúc chức năng và phân tích nguồn gốc lịch sử.

Ở mỗi chương chúng tôi đều có phần tiểu kết để tóm tắt lại những điểm chính đã trình bày. Ngoài ra luận án còn có phần phụ lục gồm các văn bản tóm tắt của những truyện cổ tích có chứa đựng motif tái sinh trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mà chúng tôi đã sử dụng làm cứ liệu để thực hiện chương 3 của luận án.

 

MỤC LỤC

 TOC \h \z \t "h1,1,h2,2,h3,3"

DẪN NHẬP

1. Lý do chọn đề tài............................................................................................................. 1

2. Lịch sử vấn đề................................................................................................................. 4

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................................... 13

4. Phương pháp nghiên cứu................................................................................................. 14

5. Những đóng góp của luận án........................................................................................... 15

6. Bố cục của luận án........................................................................................................... 16

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: MOTIF TRONG LÝ THUYẾT CỦA MỘT SỐ TRƯỜNG PHÁI NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN TRÊN THẾ GIỚI

1.1. Motif trong lý thuyết của trường phái Phần Lan.............................................................. 18

1.1.1. Từ những lý thuyết tiền đề đến lý thuyết của trường phái Phần Lan..................... 18

1.1.1.1. Những lý thuyết tiền đề................................................................................ 18

1.1.1.2. Trường phái Phần Lan và sự ra đời của phương pháp địa lý–lịch sử............ 22

1.1.2. Phương pháp địa lý–lịch sử từ trường phái Phần Lan đến Stith Thompson .......... 29

1.2. Motif trong lý thuyết của trường phái thi pháp lịch sử............................................... 36

1.2.1.Từ các lý thuyết tiền đề đến lý thuyết thi pháp lịch sử............................................ 36

1.2.2. Trường phái thi pháp lịch sử................................................................................... 40

1.3. Motif trong lý thuyết của trường phái thi pháp cấu trúc............................................ 50

1.3.1. Hình thái học truyện cổ tích thần kỳ và lý thuyết cấu trúc chức năng.................... 50

1.3.2. Sự khác nhau giữa hai đơn vị motif và chức năng theo lý thuyết cấu trúc–chức năng     57

1.3.3. Từ trường phái thi pháp cấu trúc đến lý thuyết nhị nguyên về motif..................... 61

1.4.  Motif trong lý thuyết của trường phái phân tâm học................................................. 68

1.4.1. Trường phái phân tâm học...................................................................................... 68

1.4.2. Cổ mẫu huyền thoại và motif trong văn học dân gian............................................ 71

1.5. Tiểu kết chương 1............................................................................................................ 73

CHƯƠNG 2: MỘT SỐ BÌNH DIỆN NGHIÊN CỨU MOTIF TRUYỆN KỂ DÂN GIAN

2.1. Nghiên cứu motif trên bình diện cấu tạo....................................................................... 77

2.2. Nghiên cứu motif trên bình diện nguồn gốc và biến đổi lịch sử.................................. 87

2.2.1. Nghiên cứu motif trên bình diện nguồn gốc lịch sử ............................................... 89

2.2.2. Nghiên cứu motif trên bình diện biến đổi lịch sử ................................................ 101

2.3. Nghiên cứu motif trên bình diện mối quan hệ giữa motif và cốt truyện.................. 110

2.3.1. Motif như là những thành phần kết hợp với nhau tạo nên cốt truyện.................. 110

2.3.2. Cốt truyện được hình thành bởi sự kết hợp giữa hai đơn vị motif và chức năng 119

2.3.3. Motif như là hạt nhân đầu tiên có thể tiến hóa thành cốt truyện.......................... 127

2.5. Tiểu kết chương 2......................................................................................................... 134

CHƯƠNG 3:NGHIÊN CỨU MOTIF TÁI SINH TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM THEO PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH CẤU TRÚC CHỨC NĂNG VÀ NGUỒN GỐC LỊCH SỬ

3.1. Về các khái niệm........................................................................................................... 136

3.1.1. Motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam....................................................... 136

3.1.2. Phương pháp phân tích cấu trúc chức năng và phương pháp phân tích nguồn gốc lịch sử           137

3.2. Nghiên cứu motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam theo phương pháp phân tích cấu trúc chức năng............................................................................................................................................... 139

3.2.1. Đối thủ gây tai họa hay thiệt hại cho một người trong gia đình........................... 139

3.2.2. Nhân vật chính bị truy nã .................................................................................... 142

3.2.3. Nhânvật chính thoát khỏi sự truy nã ................................................................... 144

3.2.4. Nhân vật chính được nhận ra ............................................................................... 147

3.2.5. Nhân vật chính mang diện mạo mới .................................................................... 149

3.3. Nghiên cứu motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam theo phương pháp phân tích nguồn gốc lịch sử ............................................................................................................................................... 153

3.3.1. Tái sinh trong tín ngưỡng thờ Nước của dân gian............................................... 154

3.3.2. Tái sinh trong tín ngưỡng thờ Cây của dân gian.................................................. 162

3.3.3. Tái sinh trong thuyết luân hồi của Phật giáo......................................................... 169

3.3.4. Tái sinh trong nghi lễ trưởng thành ..................................................................... 179

3.3. Tiểu kết chương 3......................................................................................................... 193

KẾT LUẬN.......................................................................................................................... 195

TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................................................. 198

PHỤ LỤC............................................................................................................................. 211

 

 

 

 

KẾT LUẬN

 

1. Trong chương 1 của luận án, Motif trong lý thuyết của một số trường phái nghiên cứu văn học dân gian trên thế giới, chúng tôi đã tập trung làm rõ những định nghĩa về motif, những quan niệm về đặc điểm và vai trò của motif với tư cách là một đơn vị cấu thành truyện kể dân gian truyền thống. Chúng tôi nhận thấy ít nhất có 4 trường phái nghiên cứu khoa học trên thế giới đã từng đặt ra vấn đề về đơn vị motif trong lĩnh vực nghiên cứu truyện kể dân gian đó là: Trường phái Phần Lan và phương pháp địa lý – lịch sử cùng lý thuyết về sự di chuyển cốt truyện giữa các nền văn hóa khác nhau của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Trường phái thi pháp lịch sử và lý thuyết về khả năng tự sản sinh của motif, cùng với quan niệm về motif như là một đơn vị nhỏ nhất cấu thành nên truyện kể dân gian không thể phân chia được về mặt ngữ nghĩa, đồng thời cũng lại là một đơn vị có thể phân chia thành các thành phần nhỏ hơn về mặt hình thái. Các thành phần đã được phân chia này còn có thể biến đổi và thay thế khi motif chuyển từ cốt truyện này sang cốt truyện khác. Trường phái cấu trúc với lý thuyết về mối quan hệ giữa motif và chức năng của nhân vật hành động trong vai trò cùng là những thành phần tạo nên cấu trúc của truyện cổ tích thần kỳ. Có một sơ đồ chung gồm 31 chức năng trong cấu trúc của tất cả truyện cổ tích thần kỳ trong kho tàng văn học dân gian của nhân loại toàn thế giới. Và cuối cùng là trường phái phân tâm học với những quan niệm về đơn vị motif truyện kể dân gian như là nơi chứa đựng ẩn sâu của vô thức tập thể của con người, là những cổ mẫu trong các tác phẩm huyền thoại, truyện kể, là sự lặp đi lặp lại những hình tượng ám ảnh tâm lý trong nền văn học của các dân tộc cách xa nhau về không gian và thời gian. Nhìn chung, những định nghĩa về motif truyện kể dân gian của các trường phái folklore trên thế giới cùng những quan niệm của các nhà nghiên cứu xoay xung quanh các định nghĩa đó đã góp phần đưa motif trở thành một đối tượng nghiên cứu quan trọng vào bậc nhất trong khoa nghiên cứu folklore học nói chung và lĩnh vực nghiên cứu truyện kể dân gian nói riêng.

2. Ở chương 2, Một số bình diện nghiên cứu motif truyện kể dân gian, chúng tôi trình bày về những bình diện nghiên cứu motif đã được ứng dụng rộng rãi từ rất lâu trong khoa nghiên cứu folklore học của các quốc gia trên thế giới bao gồm: Bình diện cấu tạo nghiên cứu cấu trúc hình thức của motif truyện kể dân gian, chia motif ra thành những thành phần cấu tạo nên nó và khảo sát từng thành phần một, làm thí dụ về sự có thể thay thế được của các thành phần này bằng những hình thức đa dạng khác nhau. Bình diện nguồn gốc và biến đổi lịch sử đặt đời sống của motif vào trong lịch sử phát triển của xã hội loài người nhằm tìm kiếm nguồn gốc của motif trong dân tộc học, đồng thời nghiên cứu sự biến đổi đa dạng của motif qua từng cốt truyện khác nhau và qua các thời đại văn hóa khác nhau của nhân loại. Bình diện mối quan hệ giữa motif và cốt truyện đặt motif vào trong mối quan hệ giữa các thành phần tạo nên cái toàn thể và quan hệ giữa thành phần với cái toàn thể do chính nó góp phần tạo nên. Trên bình diện này, motif được nghiên cứu với tư cách như là một đơn vị góp phần tạo nên cốt truyện và cũng là một đơn vị có thể phát triển thành cốt truyện. Có thể sẽ còn các bình diện nghiên cứu motif khác mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận thông tin và tài liệu, do đó chúng tôi mong muốn rằng có thể tiếp tục công việc này trong thời gian tới, để nhằm giới thiệu đến cho bạn đọc một tập hợp những bình diện nghiên cứu motif đầy đủ hơn và đa dạng hơn.

3. Chương 3, Nghiên cứu motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam theo phương pháp phân tích cấu trúc chức năng và nguồn gốc lịch sử là sự cố gắng của chúng tôi trong quá trình ứng dụng một số vấn đề lý thuyết và các bình diện nghiên cứu motif vào việc nghiên cứu một motif phổ biến trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam là motif tái sinh. Chúng tôi tiếp cận nghiên cứu cấu trúc và vị trí chức năng của motif tái sinh bằng cách đối chiếu motif này với sơ đồ 31 chức năng của nhân vật hành động trong cấu trúc truyện cổ tích thần kỳ của Propp. Phương pháp này giúp chúng tôi nhận ra được vị trí và vai trò của motif tái sinh với tư cách là một đơn vị tạo nên cốt truyện, đồng thời nhận thấy được ý nghĩa thể hiện của motif này trong tư tưởng chủ đề của nội dung câu chuyện mà nó tạo nên. Phương pháp phân tích nguồn gốc lịch sử giúp chúng tôi tìm được căn rễ lịch sử của motif tái sinh trong những nghi lễ và tín ngưỡng dân gian Việt Nam như tục thờ nước và các hành vi ma thuật có liên quan đến tín ngưỡng thờ nước như lễ hội cầu mưa, lễ hội té nước, lễ hội rước nước thờ… Đồng thời motif tái sinh còn có căn rễ từ tín ngưỡng thờ cây của dân tộc Việt Nam như là một trong trong những tạo vật của thiên nhiên có khả năng sinh sản và quyền năng tái sinh. Căn rễ lịch sử của motif tái sinh còn được tìm thấy trong những triết lý của đạo Phật và trong các hành vi ma thuật được thể hiện trong nghi lễ trưởng thành của rất nhiều dân tộc trên thế giới.

Cuối cùng, phần Phụ lục gồm những văn bản tóm tắt của các truyện cổ tích Việt Nam có chứa đựng motif tái sinh sẽ cung cấp cho người đọc một cái nhìn cụ thể trong việc nhận diện của chúng tôi về motif này trong văn học dân gian của nước nhà. Đồng thời cũng là một minh chứng cho phần tác phẩm dẫn chứng mà chúng tôi dùng để triển khai thực hiện toàn bộ chương 3 của luận án./.

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60423146
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4121
6820
60423146

Thành viên trực tuyến

Đang có 1609 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website