So sánh vị trí, chức năng của các motif chính trong truyện cổ tích Nàng Ốc sên của Hàn Quốc và Người lấy cóc của Việt Nam

TÓM TẮT

Chúng tôi nhận thấy Nàng Ốc sên của Hàn Quốc và Người lấy cóc của Việt Nam thuộc cùng một kiểu truyện Người mang lốt hay kiểu truyện Người lấy thú, giữa chúng có sự tương đồng về những motif tạo ra cốt truyện tuy có sự khác nhau về vị trí và chức năng của các motif  được sắp xếp để tạo nên nội dung truyện. Các motif này được chúng tôi tiếp cận khảo sát với vị trí là một đơn vị cấu tạo nên truyện kể dân gian theo phương pháp phân tích cấu trúc – chức năng. Nghĩa là dựa theo lý thuyết cấu trúc - chức năng chúng tôi sẽ xem xét những motif này như là những chức năng hoạt động của nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ. Cách tiếp cận nghiên cứu motif truyện kể dân gian theo hướng này có thể chỉ ra được vai trò và giá trị của các motif có mặt trong cốt truyện với tư cách là một đơn vị, là một thành phần cấu tạo nên cái toàn thể. Đồng thời còn có thể chỉ ra được các motif ấy với tư cách là một yếu tố truyền thống đã vận hành và biến đổi như thế nào trong cơ chế tạo dựng nội dung của hai cốt truyện nêu trên

COMPARE POSITION AND FUNCTION
OF MAIN MOTIFS IN MISS SNAIL OF KOREA
AND MAN MARRIED TOAD OF VIETNAM

 

LA MAI THI GIA[ii]

 

ABSTRACT

We realized that Miss snail of Korea and Man married toad of Vietnam belonged to the  same type as Man in disguise or Men married animals. They are similar in terms of motifs which created a plot but they are different from each other in terms of position and function of motifs. These motifs are considered as units which created folktales by a structural and functional analysis. In other words, based on a theory of structure- function, we will consider these motifs as functions of activity of characters in magical folktales. Approaching and studying folktales this way can reveal the role and the value of motifs existing in the plot as a unit, that is, a component that makes up a whole. At the same time, through the method, we can  find out how those motifs as traditional factors operate and change within the framework of  producing the content of two stories above-mentioned.

-----***-----

Kiểu truyện Người mang lốt hay Người đội lốt vật là kiểu truyện phổ biến rộng khắp trong kho tàng truyện cổ tích thế giới. Nhân loại đã từng rung động biết bao trước mối tình lãng mạn và ngọt ngào của một cô gái xinh đẹp tuyệt trần và một con quái thú từ những nét vẽ điêu luyện của hãng phim hoạt hình Walt Disney. Mối tình ấy diễn ra trong một tòa lâu đài lộng lẫy của nước Pháp, từ xứ sở của tình yêu, từ câu chuyện cổ tích nổi tiếng làm nức lòng cả nhân gian Người đẹp và quái vật. Belle là con gái út của một thương gia, trong một chuyến đi buôn xa, tàu của ông đã bị cướp biển và mất hết hàng hóa. Ông lưu lạc đến một tòa lâu đài trong rừng sâu rồi được chủ nhân giấu mặt của nó đón tiếp rất nồng hậu và cho ngủ qua đêm tại đó. Mất tất cả tài sản nên ông không thể thực hiện được lời hứa với hai cô con gái đầu là mua trang sức quý giá cho họ. Nhưng còn lời hứa tìm một chiếc bông hồng cho cô con gái út dịu dàng và hiếu thảo của ông. Sáng hôm sau ông ra vườn và tìm thấy được một bông hồng rực rỡ trong tuyết lạnh nhưng khi ông vừa đưa tay lên ngắt bông hồng thì chủ nhân của khu vườn đó xuất hiện, đó là một con quái thú to lớn và hung bạo. Nó nổi cơn giận dữ và đòi xé xác ông. Cuối cùng khi biết được nguyên nhân vì sao ông phạm lỗi, quái thú đã yêu cầu ông đưa cô gái út đến với nó thì ông mới thoát được cái chết. Belle thương cha nên chấp nhận đi đến lâu đài dù biết rằng mình sẽ chết trong đôi tay hung bạo kia. Lần đầu tiên nhìn thấy quái thú, Belle đã ngất đi vì sợ hãi. Nhưng dần dần, nàng đã hiểu được trong hình hài to lớn đáng sợ ấy là một trái tim khao khát yêu thương và đầy ắp thương yêu. Rồi họ đã yêu nhau trước cả khi nàng phát hiện ra một sự thật rằng – cái hình hài xấu xí ấy chỉ là vỏ bọc bên ngoài của một vị hoàng tử khôi ngô phải chịu một lời nguyền rủa độc ác của mụ phù thủy. Và Belle cũng có ngờ đâu, chính tình yêu trong trẻo của nàng đã hóa giải được lời nguyền thâm độc ấy. Hoàng tử cởi bỏ lốt quái vật, hạnh phúc đời đời bên cô gái xinh đẹp tuyệt trần và nhân hậu mà mình yêu thương tha thiết.

Trong kho tàng văn học dân gian của thế giới, hầu như ở quốc gia nào cũng đều tồn tại những câu truyện cổ tích về nhân vật người mang lốt này. Ở Việt Nam nổi tiếng với truyện Sọ Dừa của người Kinh và rất nhiều những câu chuyện có cùng motif này ở các dân tộc thiểu số khác như Chàng Lợn của người Giá rai; Chàng Cóc của người Ê Đê; Chàng Rắn Chàng Dê của người Mèo; chàng Bầu của người Mường; Con rùa vàng của người Tày hay Chàng Rùa của người Xơ Đăng… Trên thế giới có thể kể đến truyện Con sói trắng, Hoa hồng đẹp hay Người đẹp và quái vật của Pháp, Nàng công chúa Ếch của Nga, truyện Lấy chồng dê trong Nghìn lẻ một đêm của Ả rập, Hoàng tử  Rắn hay Sọ Dừa của Miama, Hoàng tử CuaVua Cá sấu của Ấn độ hay Chàng kỵ sĩ nháiNgười đẻ trứng của Trung Quốc…

Không hẹn mà cùng khi truyện cổ tích của các quốc gia trên thế giới thuộc kiểu truyện này đều luôn luôn kết thúc có hậu khi nhân vật xấu xí được cởi bỏ lốt vật để hiện ra với hình dáng của một cô gái xinh đẹp tuyệt trần hay một chàng trai tuấn tú khôi ngô. Phải chăng đó là ước mơ của nhân loại từ ngàn năm nay mong muốn những con người bất hạnh chẳng may được sinh ra với hình hài xấu xí, tật nguyền sẽ luôn luôn gặp được tình yêu và hạnh phúc đời đời. Hay lớn hơn, dân gian muốn chứng minh rằng có một chân lý vĩnh hằng trên thế giới này, rằng tình yêu chân thật xuất phát từ những trái tim chân thành sẽ vượt qua được mọi khó khăn, hóa giải được mọi rào cản, kể cả đó là những lời nguyền thâm độc nhất?

Tôi muốn kể về hai câu chuyện thuộc kiểu truyện người mang lốt, một của Hàn Quốc và một của Việt Nam. Giữa hai câu chuyện cổ tích ấy có sự trùng hợp gần như là khớp nhau hoàn toàn về sự xuất hiện của các motif đóng vai trò là những tình tiết tạo nên cốt truyện. Tuy nhiên sự mang lốt của hai nhân vật chính trong hai câu chuyện này không phải là do chịu lời nguyền như số phận vị hoàng tử của Châu Âu mà là do… họ muốn thế. Họ là những nàng tiên chọn cách mang lốt để có thể giao tiếp được với thế giới loài người và tiếp cận đối tượng mà họ yêu thương. Đó là truyện Nàng Ốc Sên của Hàn Quốc và truyện Người lấy cóc của Việt Nam.

Truyện của Hàn Quốc kể rằng, vì xúc động trước thân phận mồ côi lẻ loi nhưng tính tình hiền lành chăm chỉ của chàng đánh cá mà cô con gái yêu của Long Vương đã đội lốt ốc sên để chui vào lưới của chàng và tự nguyện theo chàng về sống trong một túp lều bé xíu. Ngày ngày khi chàng trai vác lưới ra sông cũng là lúc Ốc sên bước ra khỏi lu nước nhỏ và hóa thân thành một cô gái nhan sắc tuyệt trần. Cô gái ấy chăm sóc nhà cửa, chuẩn bị cho chàng những bữa ăn ngon. Vài lần như vậy, chàng trai quyết tìm ra ai là người đã giúp đỡ mình nên một hôm giả vờ ra khỏi nhà để rồi quay lại núp đằng sau cánh cửa. Cuối cùng chiếc vỏ ốc đã bị chàng phá vỡ và nàng Ốc sên chẳng còn nơi nào để ẩn náu nữa. Nàng ở lại bên người con trai mình đã thầm yêu thương và họ sống mặn nồng hạnh phúc bên nhau. Tuy nhiên một tên vua háo sắc đã rung động trước nhan sắc của nàng. Hắn bày trò thi thố với chồng nàng để mong cướp nàng về làm vợ. Rốt cuộc, với sự giúp sức của Long Vương, chàng trai đã 3 lần đánh thắng tình địch. Chàng và Ốc sên cùng nhau lên ngôi và hạnh phúc đời đời.

Nhân vật chính trong Người lấy cóc của Việt Nam cũng là một nàng tiên xinh đẹp, vì cảm động trước nỗi khao khát của đôi vợ chồng già hiếm muộn nên đã đầu thai làm con của họ trong lốt của một con cóc xấu xí. Con cóc ấy đã được một chàng học trò yêu thương và họ cùng nhau nên vợ thành chồng. Tuy nhiên thử thách cũng đã được đặt ra cho tình yêu của họ. Hai lần thử thách đầu tiên chồng của cóc đã dành được thắng lợi với mâm cỗ thịnh soạn và bộ trang phục tuyệt đẹp dành cho thầy giáo, tất cả đều do người vợ cóc xấu xí của anh làm ra. Lần thử thách cuối cùng và cũng khó khăn nhất là một cuộc thi nhan sắc. Bạn học của anh quyết làm cho anh bẽ mặt vì họ biết chắc rằng nàng cóc của anh dù có giỏi giang đến đâu, đáng yêu đến đâu và dù có là… hoa hậu cóc đi nữa cũng không thể so sánh được với con người. Kết thúc câu chuyện là hình ảnh một nàng cóc xinh đẹp tuyệt trần khi không còn là cóc nữa. Bộ lốt xấu xí ấy đã bị anh học trò xé nát và vứt đi. Và tình yêu chân thành của anh học trò đã được đền đáp xứng đáng với nhan sắc tuyệt vời của một người vợ mà tất thẩy bạn bè đều mơ ước.

Qua tóm lược hai cốt truyện nêu trên, chúng tôi nhận thấy Nàng Ốc sênNgười lấy cóc thuộc cùng một kiểu truyện Người mang lốt hay kiểu truyện Người lấy thú trong danh mục những kiểu truyện kể dân gian thế giới. Giữa chúng có sự tương đồng về những motif tạo ra cốt truyện tuy có sự khác nhau về vị trí và chức năng của các motif  được sắp xếp để tạo nên nội dung truyện. Các motif này được chúng tôi tiếp cận khảo sát với vị trí là một đơn vị cấu tạo nên truyện kể dân gian theo phương pháp phân tích cấu trúc – chức năng. Nghĩa là dựa theo lý thuyết cấu trúc - chức năng chúng tôi sẽ xem xét những motif này như là những chức năng hoạt  động của nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ.  Cách tiếp cận nghiên cứu motif truyện kể dân gian theo hướng này có thể chỉ ra được vai trò và giá trị của các motif có mặt trong cốt truyện với tư cách là một đơn vị, là một thành phần cấu tạo nên cái toàn thể. Đồng thời còn có thể chỉ ra được các motif ấy với tư cách là một yếu tố truyền thống đã vận hành và biến đổi như thế nào trong cơ chế tạo dựng nội dung của hai cốt truyện nêu trên

1.                       Motif người mang lốt và Motif xuất thân thần kỳ

Các câu chuyện thuộc kiểu truyện người đội lốt vật thường có chứa đựng hai motif quan trọng là motif người mang lốt và motif xuất thân thần kỳ (hay sinh đẻ thần kỳ). Các nhân vật mang lốt nếu là một con người trần thế thì tình tiết chỉ sự xuất thân của họ thường không được nhắc đến, và thường là do phải chịu một lời nguyền rủa nào đó mà họ biến thành vật. Còn nếu nhân vật có nguồn gốc xuất thân từ thần linh thì thường chủ động đội lốt vật để có thể đầu thai làm người hay giao tiếp với thế giới loài người. Với kiểu nhân vật mang lốt do bị nguyền rủa thì sự cởi bỏ lốt của họ thường là do sự tác động của một con người bình thường không hề có phép thuật nhưng có trái tim chân thành. Những con người đó đã yêu thương họ thật lòng và chính tình yêu chân thật đó đã hóa giải được lời nguyền. Còn với kiểu nhân vật đội lốt một cách chủ động thì kết quả của việc cởi bỏ lốt là do họ tự làm lấy hoặc do ai đó đã hủy đi lốt vật của họ khiến họ không còn nơi nào để ẩn náu nữa. Hai nhân vật người mang lốt trong truyện của Hàn Quốc và Việt Nam mà chúng tôi so sánh đều thuộc kiểu nhân vật mang lốt một cách chủ động. Nàng Ốc sên vì muốn được tiếp xúc với chàng chài lưới mà nàng thầm yêu nên đã hóa thành con ốc sên và chui vào lưới đánh cá của chàng. Còn nàng Cóc vì cảm động với nỗi khát khao của đôi vợ chồng già nên đã hóa thành một con cóc và đầu thai làm con của họ. Chính trong lốt vật đó hai nhân vật có gốc gác thần kỳ là nàng Cóc và nàng Ốc sên đã chủ động tìm kiếm và lựa chọn tình yêu hạnh phúc cho mình chứ không bị động chờ đợi tình yêu như các nhân vật người bình thường mang lốt do bị nguyền rủa kể trên.

Khi nghiên cứu về motif sinh đẻ thần kỳ, các nhà nghiên cứu folklore cho rằng đây là motif có nguồn gốc từ thần thoại, xuất phát từ quan niệm nguyên thủy rằng người mẹ đã giao tiếp với giới thần linh hoặc được thần linh cảm ứng vào cơ thể để sinh ra những đứa con có hình dạng, tính cách và tài năng khác thường… Và những đứa con đó sau này sẽ trở thành những vị thần linh cứu nhân độ thế hoặc những anh hùng có sức khỏe phi thường thực hiện những chiến công hiển hách để bảo vệ cộng đồng dân tộc… Tuy nhiên với nguồn gốc xuất thân của hai nhân vật nàng Cóc và nàng Ốc sên, ta có thể thấy rõ được bản chất thần linh của hai người vì thực ra họ là con cái của thần linh chứ không phải ra đời từ sự kết giao của thần linh và một người mẹ trần thế. Hai nhân vật này có dòng máu thần thánh hoàn toàn chứ không phải là các nhân vật bán thần như trong thần thoại. Ốc sên là con gái yêu của Long Vương, mượn vỏ ốc để chui vào lưới của chàng trai đánh cá. Nàng Cóc là ái nữ của Ngọc Hoàng, xúc động trước tấm chân tình của đôi vợ chồng già mà mượn vỏ cóc để đầu thai. Ngay từ đầu, trong hai câu truyện này, ta đã thấy tác giả dân gian muốn khẳng định tính thần linh của hai nhân vật đội lốt, và nếu có thể tìm một khái niệm chính xác hơn, theo tôi phải gọi nàng Ốc sên và nàng Cóc là kiểu nhân vật “thần tiên đội lốt” chứ không thuộc kiểu nhân vật “người mang lốt” như chúng ta vẫn quen gọi. Như vậy sự xuất thân thần kỳ trong hai câu truyện này nhằm để khẳng định và làm rõ thêm yếu tố mang lốt của nhân vật, giải thích cho nguyên nhân vì sao nhân vật xuất hiện trong lốt vật mà không phải trong hình dạng của người bình thường

Xét về vị trí chức năng của motif người mang lốt trong Nàng ốc sênNgười lấy Cóc trong kết cấu của cốt truyện nói chung, theo tôi motif này vừa đóng vai trò là một công thức sơ khởi, là một yếu tố bất biến xuất hiện và di chuyển trong nhiều cốt truyện khác nhau. Tại mỗi cốt truyện nó có thể cùng kết hợp với các motif khác để tạo nên toàn bộ nội dung, đóng vai trò là một bộ phận quan trọng có tính quyết định trong cái toàn thể mà nó góp phần tạo nên. Đồng thời motif người mang lốt cũng có thể là một motif có khả năng phát triển thành cốt truyện, ban đầu chỉ là một hình thức phôi thai, là hạt nhân của đề tài cốt truyện, motif này trải qua một quá trình nhào nặn, di chuyển qua lại trong các cốt truyện khác nhau và ở mỗi cốt truyện sau khi được gia tăng, nối dài, bổ sung thêm nhiều tình tiết quan trọng, nó sẽ phát triển thành cốt truyện.  Trường hợp này theo như nghiên cứu của nhà folklore học người Nga Vexelopxki – người khởi xướng ra lý thuyết của trường phái thi pháp lịch sử trong nghiên cứu truyện kể dân gian - cho rằng cốt truyện như là sự tiến hóa tất yếu của motif hay motif phát triển thành cốt truyện. Như vậy có nghĩa là rõ ràng không phải cốt truyện là sự cộng gộp đơn giản của những motif tạo ra nó mà lúc này bên trong motif sẽ xuất hiện những tính chất mới, có những đặc trưng, khả năng và quy luật riêng của mình. Theo ý nghĩa đó thì motif có thể được định nghĩa như là những khái quát hóa đơn giản nhất, theo thời gian có thể tạo nên những khái quát hóa phức tạp hơn[iii]. Trong trường hợp nghiên cứu của chúng tôi, có thể thấy motif người mang lốt từ vai trò là một công thức góp phần tạo nên cốt truyện, về sau này đã phát triển thành một kiểu truyện phổ biến trên toàn thế giới là kiểu truyện người mang lốt.

2.                       Motif thử thách và sự xuất hiện những biện pháp thần kỳ

Như đã nói ở trên, sự xuất thân thần kỳ của nhân vật nhằm để giải thích cho những tính cách thần kỳ của họ, và những tính cách ấy chỉ có thể được bộc lộ thông qua motif thử thách. Đồng thời chính vì sự xuất thân cùng với tính cách thần thánh và khả năng phi thường của mình mà nhân vật dễ dàng vượt qua được mọi thử thách dù là khó khăn đến đâu. Trong truyện của Việt Nam và Hàn Quốc đều xuất hiện motif thử thách này tuy nhiên tính chất của cuộc giao tranh và người trực tiếp thực hiện cuộc giao tranh này rất khác nhau. Trong Nàng Ốc sênNgười lấy Cóc, hai nhân vật đội lốt đều có vai trò như là những nguyên nhân dẫn đến các cuộc gia tranh giữa chồng họ và các nhân vật đối thủ. Tuy nhiên trong truyện Nàng Ốc sên, cuộc giao tranh có tính chất quyết liệt hơn vì kết quả của cuộc thi sẽ quyết định ai sẽ là người dành được nàng Ốc sên xinh đẹp (sau khi đã cởi bỏ lốt). Nàng Ốc sên trong truyện của Hàn Quốc vừa là nguyên nhân gây ra sự giao tranh vừa là phần thưởng cho người thắng cuộc nhưng vai trò của nàng trong cuộc thi này hết sức mờ nhạt, chính chồng nàng mới là nhân vật phải vượt qua những thử thách khó khăn. Không như trong truyện của Việt Nam, vai trò của nàng Cóc hết sức quan trọng, nàng chính là đối tượng mà motif thử thách hướng đến, là nguyên nhân và là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ để giúp chồng thắng cuộc.

Về sự khác biệt này ta có thể lý giải bằng motif về sự xuất thân thần kỳ của 2 nhân vật chính. Ở Nàng Ốc sên, nguồn gốc xuất thân của nàng không được nói rõ, chỉ kể rằng chàng đánh cá thấy được một con ốc sên trong lưới của mình và mang về nuôi. Lai lịch của nàng chỉ được hé lộ khi nàng gởi chiếc nhẫn và thư cho Long Vương cha nàng nhờ giúp đỡ chồng nàng vượt qua được những thử thách trong cuộc thi với tên vua háo sắc. Ta thấy rằng ngoài khả năng có thể cởi bỏ lốt vật, nàng Ốc sên không còn một phép thuật gì khác dù nàng là con gái của nhân vật có nhiều quyền năng như Long Vương, do vậy ngoài việc đóng vai trò là nguyên nhân thì nàng đứng bên ngoài cuộc giao tranh và số phận của nàng phụ thuộc vào sự thành bại của người chồng cũng như khả năng giúp đỡ của Long Vương cha nàng. Ngược lại, trong truyện Người lấy Cóc của Việt Nam, ngay từ đầu đã có sự xuất hiện của motif sinh đẻ thần kỳ. Cóc được kể chính là con gái của Ngọc Hoàng thượng đế, đầu thai xuống làm người trần thế vì cảm động trước lòng mong mỏi con cái của 2 vợ chồng già nhân hậu. Và khi mới sinh ra, dù trong thân thể một con cóc xấu xí, nàng đã có thể nói được tiếng người, có thể giúp cha mẹ đỡ đần trong công việc đồng áng và đặc biệt có được sự hiểu biết thiên bẩm về thơ phú cùng với khả năng giao tiếp dịu dàng thu hút người nghe. Chi tiết Cóc lên tiếng xin anh học trò đừng ngắt lúa của mình theo tôi là một chi tiết hết sức Việt Nam vì lời của nàng Cóc nghe như âm vang của thể thơ lục bát người Việt “Chàng ơi chàng, sao chàng lại ngắt lúa vàng nhà em?”. Từ câu hỏi như là câu chào làm quen ban đầu này mà Cóc và anh học trò quen biết nhau, cùng nhau tâm sự chuyện trò và cuối cùng là đem lòng cảm mến, yêu thương. Nghe giọng nói của Cóc trong trẻo, dịu dàng, thái độ lại chân thật, vui vẻ, anh học trò bụng bảo dạ: - "Xấu hình nhưng tốt nết, thật là ít có!". Mấy lần qua lại đám ruộng, anh đều thấy Cóc đón chờ mình để trò chuyện. Dần dần anh đâm ra phải lòng Cóc và xin cha mẹ đến nhà Cóc dạm nàng về làm vợ. Chi tiết Cóc là người mở lời đầu tiên và đón chờ anh học trò đi học về để trò chuyện hàng ngày tương tự như chi tiết nàng Ốc sên lọt vào lưới của anh chài nghèo. Ở đây ta thấy có sự chủ động của hai cô gái trẻ trong lựa chọn tình yêu và hạnh phúc của mình.

Trở lại với motif thử thách trong truyện, đi kèm với nó là sự xuất hiện của các biện pháp thần kỳ giúp cho nhân vật vượt qua được khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ của mình, đôi khi chính biện pháp thần kỳ ấy có thể tiêu diệt được kẻ đối thủ đã đưa nhân vật chính và cuộc giao tranh. Trong kho tàng truyện cổ tích trên thế giới, các biện pháp thần kỳ thường xuất hiện hết sức đa dạng và phong phú. Đó có thể là những con vật có phép thuật như con ngựa biết bay, con thỏ biết hát, con mèo biết múa hay con chuột biết nói tiếng người… Đó cũng có thể là những đồ vật có phép thuật như chiếc thảm bay, chiếc gậy sinh tử, chiếc nhẫn có quyền năng, chiếc hài ngàn dặm…  hay cũng có thể những phẩm chất thần kỳ mà nhân vật nhận được từ người trợ giúp của mình như khả năng đi trên mặt nước, đi xuống âm phủ hay có thể nhìn thấy trong bóng đêm… Các biện pháp ấy đôi khi là do nhân vật được ban thưởng hay được người khác chỉ cho biết, cũng có khi các biện pháp thần kỳ ấy đã được chuẩn bị sẵn để dành tặng cho nhân vật,  đôi lúc những biện pháp ấy xuất hiện một cách ngẫu nhiên vô tình như nhân vật uống được, ăn được các vật phẩm thần kỳ và có được sức mạnh phi thường… 

Trong motif thử thách này ở truyện của Hàn Quốc, nàng Ốc sên không phải là người trực tiếp tham gia vào cuộc giao tranh và cũng không phải là người trực tiếp tạo ra hay sử dụng các biện pháp thần kỳ. Những thử thách được đặt ra cho chồng của Ốc sên và chàng cần phải vượt qua được mọi khó khăn để giữ vững hạnh phúc của mình với người vợ xinh đẹp. Nhiệm vụ của chàng là phải giành quyền thắng trong ba cuộc thi do nhà vua tổ chức và đồng thời chính nhà vua cũng là đối thủ của chàng. Cuộc thi thứ nhất là thi chặt cây trong một cánh rừng rậm rạp, cuộc thi thứ hai là chạy đua qua cầu trên lưng ngựa và cuộc thi thứ ba là đua thuyền vượt biển sâu. Ở đây, biện pháp thần kỳ xuất hiện trong Nàng Ốc sên là do Long Vương - với vai trò như là một nhân vật trợ giúp trong truyện cổ tích thần kỳ -  ban cho chồng nàng, đầu tiên là chiếc bầu nậm chứa hàng trăm người tí hon giúp chàng chặt cây thi với quân lính của nhà vua. Lần thứ hai đồ vật thần kỳ là một chú thỏ bé xíu và ốm yếu tưởng có thể sẽ bị ngã vì một cơn gió nhẹ. Nhưng chính thú thỏ ấy đã giúp chàng trai giành chiến thắng trong cuộc đua với con tuấn mã mạnh mẽ của nhà vua. Và lần cuối cùng, vật báu Long Vương ban cho chàng là một chiếc thuyền nan nhỏ bé, chiếc thuyền ấy đã đưa chàng vượt biển, băng qua muôn trùng sóng gió, lướt ào qua mũi thuyền rồng to lớn vững chắc của nhà vua trong cuộc đua cuối cùng để dành lấy hạnh phúc vững chắc cho mình.

Nếu nàng Ốc sên có một khởi đầu thuận lợi là được chàng đánh cá mang về nhà nuôi khi nàng còn đang ở hình dạng của một con ốc thì nàng Cóc lại phải đối diện với sự lựa chọn sinh tử ngay từ khi mới được sinh ra. Cha mẹ Cóc đã hoảng sợ khi thấy hình dạng quái dị của đứa con mà họ ngày đêm mong mỏi, và họ đã định mang Cóc vứt vào rừng sâu. Tuy nhiên ngay trong lần thử thách đầu tiên này, Cóc đã bộc lộ cho cha mẹ thấy được những khả năng và tính cách giống như con người bình thường của mình để dành quyền được sống, được tồn tại. Những thử thách tiếp theo về sau này được đặt ra trong ba cuộc thi giữa các người vợ của những người học trò. Nếu như cuộc giao tranh ở Nàng Ốc sên có tính quyết liệt sống còn giữa hai đối thủ để tranh giành người đẹp thì các thử thách ở Người lấy Cóc có tính chất là một cuộc thử thách nhẹ nhàng hơn. Mục đích tạo ra sự thách đố này là vì các bạn học của chồng Cóc muốn làm bẽ mặt chàng và vì họ không thể chấp nhận được khi có một người bạn lại đi lấy cóc về làm vợ. Họ muốn chàng thất bại trong các cuộc thi để giúp chàng tỉnh ngộ, rằng rốt cuộc người vợ mà chàng hết mực yêu quý chẳng qua cũng chỉ là một con cóc xấu xí tầm thường, không thể sánh được với những người vợ xinh đẹp của họ được. Các thử thách được đặt ra ở đây nhằm vào đối tượng là những người vợ và họ phải hoàn thành các nhiệm vụ đó. Đầu tiên những người vợ phải tự tay nấu một mâm cỗ thật ngon dâng lên cho thầy giáo của chồng. Thứ hai là họ phải may cho thầy một bộ trang phục thật đẹp và vừa vẹn. Và thứ 3 là cuộc thi sắc đẹp giữa những người vợ để tìm ra ai là người đẹp nhất.

Các biện pháp thần kỳ trong truyện Người lấy cóc xuất hiện trong ba cuộc thách đố và do chính nhân vật đội lốt thực hiện. Vì như ta đã nói ở trên, ngay từ đầu Cóc đã ra đời từ motif sinh đẻ thần kỳ, Cóc là con của thần linh vì thế Cóc mang trong mình dòng máu của thần linh và có quyền năng phép thuật của thần. Lần thử thách đầu tiên, bằng phép thuật của mình, Cóc đã gọi lên đến thiên đình và cầu xin chị em của nàng là các tiên nữ hóa thành chim xuống giúp Cóc sửa soạn mâm cỗ dâng thầy đồ Lê. Lần thứ hai, chính Cóc hóa thành một con ruồi bay theo chồng đến trường học và đậu lên người thầy giáo để lấy số đo. Nhờ vậy mà Cóc đã may được cho thầy một bộ trang phục tuyệt đẹp vừa vẹn như in đến từng kích cỡ. Lần thứ ba cũng chính Cóc tự trút bỏ lốt vỏ xấu xí của mình để hiện ra là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần khiến cả chồng nàng lẫn bạn bè đồng môn đều ngơ ngẩn.

Như vậy, trong cả hai câu truyện kể trên của Hàn quốc và Việt Nam đều có chứa đựng motif thử thách và đi kèm theo nó là sự xuất hiện của các biện pháp thần kỳ. Motif thử thách đứng ở vị trí vào giữa cốt truyện, là chi tiết  đóng vai trò như những nút thắt, tạo ra những bước ngoặc quan trọng trong diễn biến truyện, dẫn dắt câu chuyện đến những tình tiết càng lúc càng gây cấn hơn. Bên cạnh đó sự xuất hiện kèm theo của các biện pháp thần kỳ đan xen với motif thử thách thì đóng vai trò như là một chi tiết mở nút, là vật trợ thủ quan trọng để giúp nhân vật vượt qua thử thách. Đồng thời motif  biện pháp thần kỳ còn có vị trí ở cuối truyện, đóng vai trò như một tình tiết kết thúc truyện, tạo nên một trong những đặc trưng quan trọng của thể loại truyện cổ tích thần kỳ là sự kết thúc có hậu.

 

 

3.                       Motif cởi bỏ lốt và sự nhận ra.

Trong kiểu truyện người mang lốt bao giờ cũng tồn tại motif này và trong đa số các cốt truyện trên thế giới thì motif cởi bỏ lốt thường xuất hiện vào cuối câu chuyện. Cùng với sự cởi bỏ lốt của nhân vật chính là sự được nhận ra hình dạng thật sự của họ đối với những người xung quanh. Đây là motif đặc biệt có vị trí và chức năng khác nhau trong truyện Nàng Ốc sên và truyện Người lấy Cóc. Sau khi cởi bỏ lốt vật xấu xí, cả hai nhân vật mang lốt đều được nhận ra trong hình dạng của những con người bình thường và đều là những cô gái có sắc đẹp tuyệt trần. Tuy nhiên nếu như trong truyện của Hàn Quốc, sự cởi bỏ lốt của nàng Ốc sên là để bắt đầu cho cuộc hôn nhân với con người và cũng là ngọn nguồn của mọi tai họa và thử thách về sau thì trong truyện của Việt Nam, khi Cóc ra khỏi lốt vật thì cũng là lúc nàng đã vượt qua được mọi thử thách khó khăn trong đời sống và được yên ổn hạnh phúc đời đời bên người đã yêu thương và lấy nàng khi nàng chỉ là một con cóc xấu xí. Như vậy ta có thể thấy được chính sự khác nhau về vị trí xuất hiện của cùng một motif trong hai cốt truyện khác nhau đã khiến dẫn đến những chức năng khác nhau mà motif này đảm nhận trong cấu tạo nội dung cốt truyện.

Sự cởi bỏ lốt của nàng Ốc sên diễn ra một cách bị động, giống như cô Tấm bước ra từ quả thị, nàng Út bước ra từ ống tre hay người đẹp bước ra từ tranh vẽ… Tất cả những nhân vật này bị người khác tình cờ (thực ra là cố ý) thấy được sự cởi bỏ lốt của họ nên đã nhanh chóng giấu đi hoặc phá hủy lớp vỏ đó khiến họ không thể nào quay lại trong hình dạng cũ được nữa và phải chấp nhận cuộc sống của người bình thường. Trong Nàng Ốc sên, vì muốn biết ai là người đã đến giúp mình chăm sóc nhà cửa và nấu những bữa cơm ngon nên chàng đánh cá đã cố tình tìm kiếm, cuối cùng khi “bắt” được Ốc sên, chàng đã đập vỡ ngay vỏ ốc để nàng không có đường lui và chịu ở lại cùng chàng trong vai trò người vợ. Lúc này motif cởi bỏ lốt trong truyện của Hàn Quốc lại chính là nguyên nhân dẫn đến tình tiết sự kết hôn giữa người và nhân vật mang lốt (đã cởi lốt) và cũng chính là nguyên nhân đưa đến motif thử thách là các cuộc giao tranh quyết liệt trong truyện. Chính sắc đẹp của Ốc sên đã mang đến tai họa cho vợ chồng nàng khi sắc đẹp ấy lọt vào mắt một nhân vật có quyền lực nhất trong xã hội thời bấy giờ là nhà vua. Ta thấy ở đây có sự tương đồng với truyện Sọ Dừa của Việt Nam. Khi Sọ Dừa xuất hiện với hình dạng thật sự là một chàng trai khôi ngô tuấn tú thì đó lại là mầm mống dẫn đến sự ganh ghét của hai cô chị đối với nàng Út. Họ khao khát muốn có được người chồng đẹp trai và tài năng như em gái của mình, trong khi cách đó ít lâu chính họ đã khinh bỉ, dè bĩu Sọ Dừa khi chàng vẫn còn là một cục thịt lăn lông lốc. Lúc này motif cởi bỏ lốt trong Nàng Ốc sênSọ Dừa có chức năng như là tình tiết tạo ra nút thắt trong diễn biến cốt truyện. Nàng Ốc sên, từ motif cởi bỏ lốt trở đi, sau hành động đưa cho chồng chiếc nhẫn và lá thư để cầu cứu Long Vương, ta thấy vai trò của nàng trong câu truyện này hầu như đã chấm dứt. Những hành động còn lại để tiếp tục dẫn dắt câu chuyện là của nhân vật người chồng cùng đối thủ là nhà vua và các nhân vật phụ trợ có tính chất thần kỳ khác như Long Vương, những người tí hon có sức khỏe phi thường, chú thỏ ốm yếu có thể chạy như bay và con thuyền nan lướt nhanh trên sóng biển…

Chi tiết kết thúc vai trò của nhân vật chính sau khi cởi bỏ lốt trong truyện Nàng Ốc sênNgười lấy Cóc là hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên ở truyện Việt Nam, vai trò của nhân vật kết thúc cũng đồng thời là kết thúc truyện, khi để lộ thân phận thật sự của mình, nhân vật cũng đồng thời đã khẳng định được tài năng của mình khiến cho các đối thủ đều phải tâm phục khẩu phục. Ở đây đã có sự khác nhau về vị trí xuất hiện của motif, ở truyện của Hàn Quốc là vào giữa câu truyện, còn ở truyện Việt Nam là khi câu truyện kết thúc. Đồng thời sự diễn ra hành động cởi bỏ lốt của nàng Cóc cũng hết sức chủ động chứ không như truyện Nàng Ốc sên. Vì để một lần nữa vượt qua được thử thách dành cho mình, Cóc đã cởi bỏ lốt và hiện ra là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, giành thắng lợi trước tất cả các đối thủ của mình trong cuộc thi nhan sắc. Kéo theo sau thắng lợi của Cóc là niềm sung sướng hạnh phúc của anh học trò nghèo đã chân thành yêu thương Cóc khi nàng vẫn còn là một con vật xấu xí. Ngược lại với Nàng Ốc sên, sự cởi bỏ lốt là nguyên nhân dẫn đến hôn nhân và tai họa, thì trong Người lấy cóc chính sự “chưa cởi bỏ lốt” lại là ngọn nguồn dẫn đến các thử thách về sau và cuộc hôn nhân đã diễn ra trước đó. Vì thế, trong người lấy Cóc, motif cởi bỏ lốt đóng vai trò là một tình tiết mở các nút thắt, giải quyết mâu thuẫn và tạo nên kết thúc truyện. Một lần nữa, so sánh motif cởi bỏ lốt vật trong hai cốt truyện khác nhau của Việt Nam và Hàn Quốc để khẳng định rằng sự thay đổi về vị trí sẽ dẫn đến sự thay đổi về vai trò và chức năng của motif trong quá trình hình thành nên đề tài cốt truyện.

KẾT LUẬN

Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia đều nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa chữ Hán, sự ảnh hưởng đó phần nào thể hiện trong nếp sống và cả trong văn học của hai nước, kể cả là trong văn học dân gian. Gần gũi nhau về mặt địa lý nên có sự giao lưu, di chuyển, truyền bá các thể loại văn học dân gian giữa hai nước là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên mục đích của chúng tôi trong bài viết này không nhằm để chứng minh nền văn học nào là chịu ảnh hưởng của nền văn học nào khi cùng tồn tại một kiểu truyện người mang lốt. Vì suy cho cùng đây là kiểu truyện phổ biến rộng khắp trên toàn thế giới với nhiều nội dung hết sức đa dạng tùy theo nét đặc trưng trong văn hóa của mỗi quốc gia. Có thể Người lấy Cóc của Việt Nam hay Nàng Ốc sên của Hàn Quốc là một biến thể được di chuyển từ các vùng văn hóa khác đến nhưng cũng có thể là sản phẩm tự sinh của nền văn hóa, văn học dân tộc. Mục đích của chúng tôi cũng không nhằm để chứng minh sự ra đời của kiểu truyện này ở Hàn Quốc và Việt Nam là từ đâu mà có vì đó là nhiệm vụ của việc nghiên cứu truyện kể dân gian theo phương pháp nguồn gốc lịch sử. Chỉ là sự tình cờ bắt gặp hai câu chuyện cổ tích thần kỳ xinh đẹp của hai quốc gia có những nét tương đồng trong nội dung cốt truyện và trong sự xuất hiện các motif chính của truyện nên chúng tôi thử so sánh các motif giống nhau ấy theo phương pháp phân tích cấu trúc chức năng nhằm để tìm ra được vị trí và vai trò của các motif này trong những tương đồng và dị biệt của văn học dân gian Việt Nam và Hàn Quốc. Chúng tôi cũng mong muốn rằng về sau này sẽ có điều kiện triển khai đề tài này theo hướng nghiên cứu sâu hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                       Trần Hữu Kham, Ahn Kyong Hwan (2006) Truyện cổ Hàn Quốc, NXB Trẻ.

2.                       Jeon Hye Kyung (Toàn Tuệ Khanh)(2005) Nghiên cứu so sánh truyện cổ Hàn Quốc và Việt Nam – thông qua tìm hiểu sự tích động vật; NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

3.                       Nguyễn Đổng Chi (2002) Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam; tập 1; NXB GD.

4.                       I. K. Gorki (1989); Thi pháp lịch sử của Veselovski (bản tiếng Nga), NXB Đại học.

5.                       Nhiều tác giả dịch (2003 và 2004); Tuyển tập V.Ia.Propp; Tập 1; NXB Văn hóa Dân tộc; HN.

6.                       Nguyễn Thị Huế (1999) Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích Việt Nam; NXB KHXH, HN.

7.                       Ngô Quang Vinh (2006); Người đẹp và quái vật – truyện cổ tích thế giới; NXB Văn hóa thông tin

8.                       Xuân Mỹ, Hai Nguyễn; 100 truyện cổ tích thế giới; NXB Văn hóa thông tin.

 

 


[i] NCS, Ths, GV Khoa Văn học & Ngôn ngữ, ĐHKHXH & NV. TPHCM

[ii] MA., PhD Candidate, Lecturer of Literature & Language Faculty, USSH – VNU-HCMC

[iii] I. K. Gorki (1989); Thi pháp lịch sử của Veselovski (bản tiếng Nga), NXB Đại học.

-------------------------------------------------

Nguồn: Tham luận đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai” (International Conference on Vietnam - Korea Relationship in the past, the present and the future) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu văn hóa trung ương Hàn Quốc (The Academy of Korean Studies) vào ngày 1.12.2012.

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63005164
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11638
17565
63005164

Thành viên trực tuyến

Đang có 307 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website