Ý nghĩa của hình tượng khỉ trong văn học dân gian Việt Nam

TÓM TẮT. Trong văn học nghệ thuật hay hội họa, điện ảnh của các nước trên thế giới, loài khỉ thường xuyên xuất hiện trong vai trò là nhân vật chính, là nguồn cảm hứng cho sáng tác. Hình ảnh con khỉ đã từ đời sống đi vào văn học dân gian Việt Nam và xuất hiện ở rất nhiều thể loại khác nhau, từ thành ngữ tục ngữ đến ca dao dân ca và cả truyện cổ tích, sự tích. Do đặc tính giống người về cả hình thức lẫn cảm xúc nên con khỉ thường được dân gian mang ra ví von với cả tính cách lẫn hành vi, lối sống của loài người, mỗi ví von đều chứa đựng một triết lý nhân sinh, một thông điệp, một bài học, một lời nhắn nhủ của cha ông truyền lại cho những thế hệ sau.

 

***

Trong số 12 con giáp, khỉ được xem là biểu tượng của sự tinh anh, nhanh trí, thông minh và lém lỉnh, tượng trưng cho sự tốt lành và may mắn, hoạt náo và vui tươi. Trong số các loài động vật hoang dã thì khỉ là một loài động vật thú vị và luôn gây bất ngờ cho con người. Vì là con vật có đặc tính giống với loài người, có thể di chuyển bằng hai chân, cầm nắm bằng tay, sống theo gia đình đủ vợ chồng con cái, sinh con và cho con bú sữa mẹ nên khỉ cũng được cho là một loài động vật có tình thương và cảm xúc giống người. Cảm xúc yêu thương, giận dữ của khỉ có thể nhìn thấy được trong những biểu hiện trên gương mặt như con người. Trong giao tiếp với loài người, khỉ là con vật thường đem lại tiếng cười bởi những hành vi bắt chước ngộ nghĩnh và tinh nghịch y hệt con người của nó. Thậm chí khỉ còn là loài vật biết biểu lộ tình thương với đồng loại của mình không khác gì con người, chúng hôn hít nhau, rúc vào cơ thể nhau, bắt chấy cho nhau, ôm ấp và vuốt ve nhau.

Trong văn học nghệ thuật hay hội họa, điện ảnh của các nước trên thế giới, loài khỉ cũng thường xuyên xuất hiện trong vai trò là nhân vật chính, là nguồn cảm hứng cho sáng tác và cũng đã có những nhân vật khỉ lưu tên với thế giới muôn đời như Hanuman, Tôn Ngộ Không, Kinh Kong… Trong đời sống tinh thần và trong tâm linh của các dân tộc Châu Á, khỉ đứng vị trí thứ 9 trong thập nhị địa chi, biểu hiện qua giờ thân, ngày thân, tháng thân, năm thân. Trong văn học dân gian Việt Nam, hình tượng khỉ lại xuất hiện nhiều trong tục ngữ ca dao và trong truyện cổ tích, chuyển tải nhiều triết lý nhân sinh của cha ông xưa và cũng là hình ảnh biểu trưng cho tình cảm của con người trong những hoàn cảnh điển hình.

1.      Không gian thì liên quan chi đến khỉ?

Môi trường sống tự nhiên của khỉ là thế giới hoang dã, trong các khu rừng rậm, những cánh rừng ẩm ướt nhiều hang động hay các khu vực đồng cỏ rộng lớn và hầu hết các loài khỉ đều sống ở trên cây, leo trèo lên xuống liên tục, di chuyển từ cành cây này sang cành cây khác nhờ cái đuôi giúp giữ thăng bằng và có thể cầm nắm như hai bàn tay. Thế giới của khỉ là thế giới thiên nhiên hoang dã, đối với loài người, đó là một môi trường hoang vắng, mênh mông, không có bóng dáng con người. Chính vì lẽ đó, khi muốn ví von môi trường sống vắng vẻ, hoang vu, ít dấu hiệu của con người thì dân gian hay sử dụng đến các thành ngữ có liên quan đến loài khỉ như Khỉ ho cò gáy hay Vượn hú chim kêu. Nơi đâu có âm thanh của khỉ nghĩa rằng nơi đó hoang vắng và xa xôi, heo hút và hẻo lánh, ít người lui tới... Nơi khỉ ho cò gáy còn có nghĩa chỉ một vùng đất khô cằn không thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống và phát triển kinh tế, sự nghiệp. 

Trong ca dao Việt Nam, hai thành ngữ trên thường được người bình dân đưa vào những câu ca dao có nội dung than thân, than thở, diễn tả nỗi nhớ cha mẹ, gia đình, làng xóm, quê hương của người con gái đi lấy chồng xa:

Má ơi đừng gả con xa

Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

Chữ “má ơi” là tiếng gọi mẹ mang tính địa phương của người Nam Bộ. Vùng đất miền Nam trước đây còn mênh mông và hoang vu, đi lại giữa làng này sang làng khác còn nhiều khó khăn, gả con xa là gả con sang làng khác hay tỉnh khác, phương tiện đi lại nào mấy lần xuồng ghe, nào xe đò xe khách, xa xôi diệu vợi như vậy, biết bao giờ người con gái đã theo chồng mới có thể được về thăm cha thăm mẹ? Mà chẳng may cô gái được gả vào nơi đèo heo hút gió, vùng sâu vùng xa, cách trở núi non thì ngay cả việc định hướng nhà cha mẹ ở đâu để ngóng về cho đỡ nhớ thương cũng còn là điều khó nhọc, khi quanh mình chỉ thấy sông hồ mênh mông, núi non sừng sững che chắn tầm nhìn, xung quanh thì vang lên những tiếng chim kêu vượn hú nghe não nùng và buồn bã biết bao nhiêu. Đời con khỉ, con vượn sống ở nơi hoang vu nên tiếng khỉ ho, vượn hú cũng chỉ có thể bắt gặp ở nơi thâm sơn cùng cốc. Trong bài dân ca Lý qua đèo của người Bình Trị Thiên có câu:

Chiều chiều dắt mẹ qua đèo

Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên tê

Hình ảnh chim kêu vượn trèo trong bài dân ca này cũng nhằm để miêu tả cảnh hoang vu rợn ngợp của thiên nhiên đang bủa vây con người nhỏ bé và lao khổ trong hành trình trèo đèo vượt suối tìm kế sinh nhai.

Cùng với những loài động vật hoang dã khác như muỗi, đĩa, vắt, cá sấu, cọp... con khỉ cũng xuất hiện trong những câu ca dao miêu tả cảnh hoang vu của vùng đất phương Nam thời mở cõi, cái thời mà khỉ và cọp hay cá sấu còn nhiều hơn con người:

Cà Mau khỉ khọt trên bưng

Dưới sông cá lội trên rừng cọp um

Chiều chiều én liệng trên trời

Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây

Con khỉ sống trên cây, gắn bó cuộc đời của mình với rừng rậm nên bắt khỉ xa rừng, xa cây nào có khác chi bắt nó đi vào đường chết?

Vượn xa cây có ngày vượn rũ

Anh xa nàng mặt ủ mày châu

Thế cho nên đôi lứa yêu nhau mà bị chia lìa cũng được người bình dân ví von với sự xa cách rừng cây của loài khỉ, anh thiếu nàng thì tương tư rầu rĩ, khỉ xa cây thì rũ rượi héo hon.

Và cũng do cái đặc tính có cuộc sống gắn liền với những rừng cây rậm rạp nên lại có thành ngữ Rung cây nhát khỉ, muốn làm cho khỉ sợ thì chỉ có cách rung cây nghĩa là làm xáo động nơi ở của nó, gây ra cảnh tượng hỗn loạn khiến nó phải sợ hãi mà bỏ chạy, phải thò đầu ra khỏi nơi ẩn nấp, lúc đó mới dễ dàng bắt được. Nhưng thật ra khi càng rung thì khỉ càng bám chặt vào thân cây hơn vì khỉ đủ khôn để biết đấy chính là nơi trú ẩn an toàn nhất của giống loài nó. Vậy nên nghĩa bóng của thành ngữ này ý nói việc rung cây dọa khỉ là việc làm công cốc, không có hiệu quả, không có tác dụng, kiểu lo bò trắng răng. Cũng tương tự với ý làm những việc không hiệu quả như thành ngữ trên là câu Dạy khỉ trèo cây, trèo cây là việc bản năng của loài khỉ, khi vừa mới sinh ra nó đã biết làm và làm rất giỏi rồi, cho nên có ai hơi đâu mà dạy cho khỉ làm việc đó. Dân gian Việt Nam cũng có một thành ngữ rất độc đáo tương tự ý trên là Dạy đĩ vén váy.

 

2.      Xấu xí thì cứ ví với khỉ.

Cái gọi là xấu xí ở đây không chỉ là cái vẻ không được ưa nhìn bên ngoài mà còn nhằm để miêu tả cái xấu xa trong tính cách con người. Để chê ai đó xấu xí, hay cau có khó ưa, dân gian Việt Nam hay dùng các cụm từ Mặt nhăn như khỉ, Mặt nhăn như khỉ ăn ớt, Mặt nhăn như khỉ ăn ruốc hay Nhăn nhó như khỉ ăn gừng. Nghĩa đen của các câu thành ngữ này nhằm miêu tả cái bộ mặt nhăn nhó khó coi nhìn rất khổ sở của loài khỉ khi chúng ăn nhằm phải các thứ đồ cay như gừng, ớt hay món ăn có mùi khó chịu như ruốc. Mặt khỉ bình thường đã nhiều nếp nhăn thuộc loại bậc nhất trong các loài động vật rồi nên khi khỉ nhăn mặt thì còn thấy nhàu nhĩ gấp bội phần. Ông cha xưa dùng hình ảnh nhăn nhúm khổ sở của mặt khỉ nhằm ám chỉ con người đang có tâm trạng lo lắng hay đang có điều gì đó khó chịu, cau có, quạu quọ với tất cả những người xung quanh.

Có một bài ca dao hài hước, trong đó có một ý chê bai gương mặt nhăn nhó xấu xí của con người, và cái gương mặt đó được ví von với gương mặt của loài khỉ:

Ông Trăng mới bảo ông Trời

Những người hạ giới đẹp thời như tiên

Ông Trời mới bảo ông Trăng

Những người hạ giới mặt nhăn như tườu

Tườu ở đây là một từ dùng để chỉ loài khỉ, đây là một từ rất hiếm gặp trong văn chương lẫn trong đời sống thực tế. Bài ca dao là một câu chuyện xoay xung quanh ba nhân vật: mặt trời, mặt trăng và con người. Tại sao cũng chỉ là con người thôi mà cách đánh giá của mặt trời và mặt trăng lại khác nhau một trời một vực? Mặt trăng thì cho rằng người đẹp giống tiên, mặt trời lại cho rằng mặt người nhăn như mặt khỉ. Phải chăng dưới sáng dịu dàng của vầng trăng, gương mặt con người luôn có một cái vẻ nhẹ nhõm dễ chịu và có chút lung linh huyền ảo như người ở cõi tiên? Còn dưới ánh nắng chói chang của mặt trời thì đương nhiên là gương mặt của con người sẽ trở nên nhăn nhúm khó coi. Bài ca dao ngắn ngủi nhưng chứa đầy triết lý của cha ông về cách nhìn nhận và đánh giá con người, và vấn đề mà tôi muốn đề cập đến ở đây là cái chỗ “mặt nhăn như tườu”, hễ cứ nhăn nhó cau có là mặt người luôn được ví von với loài khỉ chứ không phải là một loài động vật nào khác.

Thêm một bài ca dao hài hước ví von sự xấu xí của con người với loài khỉ, ở đây là nhằm để chê bai nhan sắc của người vợ trong thế đối sánh với người chồng. Để chê bai người phụ nữ có hình thức xấu xí đến mức ma chê quỷ hờn, dân gian đã không ngại so sánh với khỉ:

Thân anh như trống như bưng

Vợ anh như khỉ trong rừng mới ra

Thân anh như ngọc như ngà

Vợ anh ở nhà như thể ma trời…

Ta có thể đoán, biết đâu đây là lời dè bỉu chê bai của một người phụ nữ khác, vì muốn có được chồng của người ta nên không ngớt lời chê bai đến mức mạt sát hình thức không được ưa nhìn mấy của người vợ?

Nếu bộ mặt nhăn nhó của khỉ được ví với sự cau có khó chịu, thì gương mặt rầu rĩ của khỉ lại được dùng để miêu tả nỗi buồn, nỗi khổ tâm hay tuyệt vọng của con người. Câu thành ngữ Rầu rĩ như khỉ chết con khiến ta hình dung ra hình ảnh một con khỉ ngồi buồn rũ rượi, bần thần, ngơ ngác trông rất thảm thương tội nghiệp. Con khỉ là một loài động vật có tình thương và cảm xúc y hệt con người nên có lẽ cũng giống như con người, đối với loài khỉ có nỗi đau nào ví được bằng nỗi đau mất con hay mất đi người thân thương ruột thịt. Dân gian Việt Nam lấy hình ảnh khỉ chết con để ví von với tình cảnh thảm thương, hụt hẫng của một con người vừa đánh mất đi một thứ gì đó quý giá đối với mình.

Tuy nhiên cũng có câu thành ngữ ví von ngược lại với những câu trên, nếu gương mặt nhăn nhó, rầu rĩ của con người được ví với khỉ thì gương mặt cười thỏa mái, cười hết cỡ cũng được ví với gương mặt đang mừng vui của khỉ, đó là câu Cười như khỉ được mùa ngô.

Rồi cũng do tại bởi cái hình thức đa phần đều gầy gò, khô khan, quắt queo, nói chung là xấu xí của loài khỉ mà con người lại hay lôi khỉ ra để mắng mỏ, chê bai người khác. Khi chê ai quá nhỏ bé, gầy yếu, tong teo thì dân gian bảo “cái đồ khỉ khô”. Hoặc để mắng mỏ những người có tính nghịch dai, hay trêu ghẹo mọi người thì dân gian lại dùng cụm từ “đồ khỉ gió”. Có lẽ do khỉ gió là một giống khỉ có hình dạng nhỏ nhắn như loài sóc, lông dài mượt, lại hay nhảy nhót, nhanh nhẹn và tinh nghịch, thích đùa ghẹo và có thể đùa vui nghịch ngợm với nhau cả ngày không biết mệt.

Nói về hình thức xấu xí của khỉ còn có những câu tục ngữ như:

Con chó chê khỉ lắm lông

Khỉ thời chê chó ăn dông ăn dài

Hay   

        Chuột chù chê khỉ rằng hôi

         Khỉ mới bảo rằng cả họ mày thơm

Chưa bàn đến nghĩa bóng của những câu tục ngữ trên, xét về mặt nghĩa đen ta thấy trong quan niệm của dân gian thì khỉ là một loài động vật có “lắm lông” và có mùi cơ thể rất hôi hám. Trong trường hợp của hai câu tục ngữ trên, vì khỉ bị chó và chuột chê bai nên đã nói móc lại hai con vật trên về những thói xấu của chúng, chó thì ăn dông ăn dài, ăn lai rai, ăn tạp, ăn suốt ngày, bạ đâu ăn đó, còn chuột chù thì cũng chả phải thơm tho gì cho hơn loài khỉ. Nghĩa bóng của hai câu tục ngữ trên ý nói rằng trước khi mở miệng chê bai ai cái gì thì mình hãy tự nhìn lại mình, hãy tự phán xét mình trước, xem mình có khuyết điểm gì không, có gì xấu xí không, có gì hơn thiên hạ không mà dám mở miệng chê bai người này người nọ. Với những người không biết tự nhìn nhận bản thân mà cứ chê bai dè bỉu người khác thì coi chừng có ngày “há miệng mắc quai”, bị người ta chê bai ngược lại như con chó và con chuột ở trên.

Bên cạnh đó trong truyện cổ tích Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, đều có câu chuyện về sự tích của loài khỉ, trong đó có nhắc đến cái mông đỏ au của một số loài khỉ hiện nay là do vô tình ngồi trên những lưỡi cày sắt đã được nung đỏ. Con khỉ theo sự tích dân gian là do những người giàu có nhưng gian ác bị hóa thành. Những con người này tuy dư thừa của cải nhưng ăn ở thất đức, hành hạ người làm, cướp bóc của người nghèo và cư xử tệ hại với người tàn tật già nua, cho nên bị tiên ông hóa thành khỉ. Tuy nhiên dù bị đuổi vào rừng sâu nhưng khỉ vẫn còn tiếc nuối gia sản của mình nên tối tối cứ kéo nhau về vây quanh nhà cũ mà la ó. Con người bèn nghĩ ra cách nung nóng các lưỡi cày sắt bỏ khắp sân, khỉ về đặt mông lên đó ngồi thì bị cháy phỏng mông và từ đó đít của loài khỉ đỏ au cho đến bây giờ. Để nói đến đặc tính hình thức này của loài khỉ, người Nghệ Tĩnh cũng có câu tục ngữ: Ở với khỉ mới biết khỉ đỏ khu, ở với tru mới biết tru nhọn sừng.

3.      Làm càn làm quấy cứ lấy khỉ mà so

Như ở trên là nói đến cái xấu xí về mặt hình thức của khỉ nên cũng bị so với hình thức xấu xí của con người, còn xét về mặt tính cách, trí tuệ, tâm tính mà xấu xa, phản phúc, ngu đần…thì  dân gian Việt Nam cũng có không ít câu mang khỉ ra mà ví. Muốn chửi ai ngu si, đần độn, khó dạy bảo thì kêu là Cái đồ chà vá đục đạc. Chà vá là một loài vượn khoang, còn đục đạc là chỉ con khỉ đột, hai giống khỉ bị dân gian cho rằng có đầu óc ngu si, khó dạy. Để mắng chửi người dốt nát mà ưa bày trò hay thích múa may làm trò để qua mặt thiên hạ thì dân gian lại có cụm từ  làm trò khỉ  hay cái đồ làm khỉ làm khọn, tức là làm những chuyện chướng tai gai mắt người ta.

Câu làm trò khỉ hay làm khỉ làm khọn cũng tương đương như nghĩa của câu thành ngữ Khỉ mặc áo tế, áo tế là một loại trang phục nghiêm trang dùng để cho những người giữ vai trò quan trọng (như chủ tế) trong các buổi lễ mặc để hành lễ. Con khỉ vốn lốc cha lốc chốc, hành vi không được nghiêm trang lại khoác cái trang phục ấy lên người thì thật là không phù hợp, không ra thế thống gì mà chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Cũng tương tự với ý như vậy, khi muốn nói về sự kệch cỡm, buồn cười, không phù hợp giữa nội dung và hình thức, dân gian cũng hay dùng câu Cóc đi guốc, khỉ đeo hoa. Trong quan điểm của người bình dân, những người có hình thức bề ngoài xấu xí như cóc như khỉ thì cho dù có khoác lên người những thứ xinh đẹp đi nữa thì cũng Khỉ lại hoàn khỉ, mèo lại hoàn mèo. Bản chất như thế nào thì không thể thay đổi được, cho dù có giỏi biến hóa và giỏi làm trò khỉ bao nhiêu đi nữa thì rốt cuộc cũng quay về là chính nó, chẳng thay đổi được gì thêm ngoài việc mang lại cho thiên hạ một trận cười hả hê. Vì thế khi để diễn tả việc khó có thể xẩy ra, khó ngờ tới, khó tin, ca dao còn có câu liên quan đến khỉ:

“Bao giờ cho khỉ đeo hoa

Cho voi đánh sáp, cho gà nhuộm răng”

Bên cạnh đó, để chê trách, phê bình những con người không biết giữ chữ tín, không thực hiện lời hứa của mình, ông cha ta lại có câu thành ngữ ví von Hứa hươu hứa vượn. Có lẽ do xuất phát từ đặc tính hay chạy nhảy và rất nhanh nhẹn của loài hươu và loài khỉ, thoắt ẩn thoắt hiện rất khó bắt giữ nên dân gian cho rằng những người hứa đó rồi quên đó cũng thuộc kiểu mau chóng thay đổi trạng thái như loài hươu và loài vượn mà thôi.

Không biết từ tính cách gì của con khỉ mà ông cha xưa để lại những câu tục ngữ nhằm miêu tả sự phản phúc, không trung thành của loài khỉ mà cũng là nhằm để ví von với những con người vô tình bạc nghĩa, đâm lén, hãm hại người khác sau lưng như như Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà hay Nuôi khỉ khỉ đốt nhà, nuôi gà gà mổ mắt. Có một giai thoại truyền lại trong dân gian rằng, ngày xưa có một đôi vợ chồng nọ nuôi một con khỉ trong nhà, khỉ rất hay dòm ngó hành vi của con người mà bắt chước làm theo. Một hôm người vợ bắt nước sôi luộc gà, khỉ thấy vậy thì ghi nhớ trong đầu. Khi hai vợ chồng đi vắng, khỉ ở nhà cũng bắt nước sôi và bắt chước cho đứa trẻ con của đôi vợ chồng đó vào nồi luộc chín. Hay giai thoại kể về một con khỉ được con người nuôi nấng từ nhỏ, một lần thấy ông bà chủ gom rơm rạ hun khói đốt đồng, nó về nhà thấy mái tranh lòa xòa tưởng rơm nên cũng lấy lửa đốt nhà, hại chết cả những đứa bé trong nhà. Từ những giai thoại này dân gian cho rằng không nên nuôi khỉ dòm nhà nghĩa là không nên nuôi những kẻ ngu đần và thiếu trí tuệ ở trong nhà, những người đó chỉ biết làm theo một cách máy móc, không biết phân biệt đúng sai nên sẽ có lúc gây hại cho gia chủ. Còn câu tục ngữ nuôi khỉ đốt nhà nghĩa là cũng như nuôi một kẻ phản phúc trong nhà, có lúc sẽ gây hoạ cho người nuôi.

Còn câu tục ngữ dưới đây Khinh khỉ thì mắc độc già có ý nói về tính cách dữ tợn có phần hung ác của loài khỉ độc, tức là một loài khỉ có vóc dáng rất to lớn và thường sống một mình, có thể tấn công và giết chết người đi rừng. Câu tục ngữ này có ý cho rằng khi con người tỏ vẻ khinh thường những con khỉ nhỏ bé láu lỉnh hay bày trò phá phách lăng nhăng thì lại gặp những con khỉ độc to lớn và hung dữ hơn gấp nhiều lần. Nghĩa bóng của câu này có ý khuyên con người không nên chủ quan trước những trở ngại trong cuộc sống, vì có khi đằng sau những khó khăn tưởng nhỏ nhặt lại là những thứ còn nhiều thử thách chúng ta hơn. Đồng thời còn có thể hiểu theo nghĩa khuyên con người đừng nên kén cá chọn canh vì biết đâu tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.

4.      Tuổi thân – số phận và duyên tình

Trong quan niệm của người Việt Nam, phụ nữ nếu không may được sinh vào năm Thân sẽ lận đận về đường duyên nợ, một là muộn đường chồng con, hai là nếu lấy chồng sớm sẽ phải qua 2, 3 lần đò (2,3 chồng), sau đó mới được yên ổn hạnh phúc. Cho nên khi tính tuổi sinh con, dân gian cũng hay tránh năm Thân, đặc biệt là năm Canh Thân đối với dự định sinh con gái hay năm Giáp Thân đối với kế hoạch sinh con trai. Ca dao có câu:

 Người ta tuổi tí tuổi mùi

 Còn em luống chịu bùi ngùi tuổi Thân

để nói đến cái lo lắng, bùi ngùi cho thân phận mình sẽ gặp tình duyên lận đận dở dang của một cô gái trót được cha mẹ sinh nhằm vào năm Thân. Phụ nữ cầm tinh con khỉ trong tư tưởng của người xưa phần nhiều có cuộc đời lận đận, do đa sầu, đa cảm và đa tình nên hay gặp rắc rối trong chuyện tình cảm, có khi còn không may phải góa chồng sớm. Hình ảnh người vợ góa chồng một mình nuôi con nhỏ cũng khiến cho dân gian chạnh lòng ví von với hình ảnh con khỉ bồng con hái trái:

Khỉ bồng con lên non hái trái

Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi

Theo cách nghĩ của người xưa, những người cầm tinh con khỉ thường có hành vi… giống khỉ, giống theo kiểu hay nhanh hay nhảu mà thành hậu đậu, thường thích hoạt động luôn tay luôn chân, hay đi xa chứ không thể ngồi yên một chỗ. Người tuổi thân thường thích đi lại nên cũng dễ thay đổi môi trường làm việc, muốn được bay nhảy và đối đầu với thử thách ở những nơi mới mẽ. Cho nên đối với con khỉ, thật khổ khi phải sống trong lùm cây hay bụi rậm vì môi trường sống lý tưởng của nó là phải ở những rừng cây rậm rạp để nó có thể tha hồ nhảy nhót, và nhiều khi để thỏa mãn được cái tính khí hay leo trèo mà khỉ gây ra những chuyện nực cười như trong câu ca dao dưới đây.

Tuổi thân con khỉ ở lùm

 Nhảy qua nhảy lại té ùm xuống sông

Trong bài dân ca Lý Đất Giồng của người Nam Bộ có những câu hát đối đáp qua lại của một chàng trai tuổi Giáp Thân và một cô gái tuổi Canh dần. Theo tử vi thì đây là 2 tuổi xung khắc mạng với nhau trong tứ hành xung Giần- Thân- Tỵ- Hợi. Khi nhìn thấy người con gái mình yêu đang vất vả gánh nước tưới rau trên giồng đất, chàng trai đã buông lời hỏi han thật lòng thật dạ:

Hỡi cô gánh nước đàng xa

Còn bao gánh nữa để qua gánh dùm?

Ngay lập tức, cô gái cũng buông lời trêu ghẹo lại chàng:

Tuổi thân con khỉ ở lùm

Cuốc không lo cuốc, lo dòm người ta

Chàng trai dù bị cô gái trêu đùa, ví von mình với con giáp mà mình cầm tinh và cho rằng mình không lo làm ăn, cứ lo núp bờ núp bụi dòm lén cô gánh nước nhưng anh không thấy buồn mà còn cảm thấy vui mừng. Vì nếu không để ý đến anh, không để lòng để dạ thương anh thì cô gái làm sao biết được anh cầm tinh con khỉ. Biết được người ta đã có chút tình cảm dành cho mình nên anh được dịp tiếp tục than thở, gợi lòng thương:

Tuổi thân con khỉ là qua

Tình duyên dang dỡ xót xa mấy lần

Trước những thở than mà cũng là lời giới thiệu hoàn cảnh hôn nhân “tinh duyên dang dỡ”, tức là chưa có gia đình của chàng trai, cô gái đã trả lời nửa đùa nửa thật mà cũng như là lời nhắn nhủ:

Nếu anh chẳng thấy ngại ngần

Kết duyên thì hãy nhớ Canh Dần tuổi em

Nghĩa rằng lòng cô đã chịu dạ anh nhưng hỏi anh có ngại ngần chi không khi giữa hai người lỡ rơi vào mệnh xung khắc, hai cái tuổi Thân và Dần liệu có ăn đời ở kiếp được với nhau hay không. Bên cạnh đó với quan niệm của ông bà xưa con gái tuổi Dần dữ như cọp, liệu có khiến anh chùn lòng không dám bước tới với cô hay không? Cô gái nhà quê gánh nước tưới rau lo là lo vậy, chẳng xa xôi to tát gì, chẳng quan tâm anh có nhà cao cửa rộng hay không mà chỉ lo cái quan niệm tâm linh xem tuổi chồng tuổi vợ của cha ông từ xa xưa đến nay khiến hai người rồi sẽ thành dang dỡ mà thôi.

***

Tóm lại, hình ảnh con khỉ đã từ đời sống đi vào văn học dân gian Việt Nam và xuất hiện ở rất nhiều thể loại khác nhau, từ thành ngữ tục ngữ đến ca dao dân ca và cả truyện cổ tích, sự tích. Do đặc tính giống người về cả hình thức lẫn cảm xúc nên con khỉ thường được dân gian mang ra ví von với cả tính cách lẫn hành vi, lối sống của loài người, mỗi ví von đều chứa đựng một thông điệp, một bài học, một lời nhắn nhủ của cha ông truyền lại cho những thế hệ sau.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63666761
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10479
17595
63666761

Thành viên trực tuyến

Đang có 972 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website