Vai trò của văn học dân gian Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp

20170724. Senvhdg

1.       Văn học dân gian – sử sách dân gian

Các thể loại văn học dân gian ra đời ở Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng có thể được coi như là một pho sử dân gian viết về cuộc chiến đấu chống ngoại xâm đầy vinh quang và cũng đầy đau thương của dân tộc. Một cách tổng quát, có thể thấy được trong hầu hết nội dung các tác phẩm văn học dân gian ra đời vào nửa cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX thì tính lịch sử cụ thể là một đặc điểm hết sức nổi bật. Cùng với văn học viết, văn học dân gian đã phát huy được nhiệm vụ tuyền truyền cách mạng, cổ động lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân trong thời chiến và xây dựng đất nước trong thời kỳ hậu chiến. Từ các bộ sưu tập văn học dân gian ở các tỉnh miền Nam, có thể thấy rằng bộ phận văn học dân gian Nam bộ viết về đề tài kháng Pháp chiếm số lượng rất dồi dào thể hiện ở nhiều đề tài phong phú dưới nhiều thể loại đa dạng ở cả loại hình tự sự lẫn trữ tình trong các bộ phận nghệ thuật ngôn từ lẫn nghệ thuật diễn xướng dân gian. Tuy nhiên trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những đóng góp của bộ phận nghệ thuật ngôn từ dân gian trong vai trò là những thể loại văn học truyền thống đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như truyền thuyết về các cuộc khởi nghĩa và những người anh hùng chống Pháp, Vè lịch sử, Nói thơ Bạc Liêu, Thơ rơi, hò, ca dao, và các bài thơ kháng chiến…

Có thể thấy rằng, ở Nam Bộ, giai đoạn kháng chiến chống Pháp đầy gian nan của dân tộc dường như đã huy động được triệt để nhất tất cả những thể loại văn học dân gian nói chung vào mục đích hỗ trợ kháng chiến, đặc điểm nội dung của các tác phẩm văn học dân gian này tập trung viết về những sự kiện lịch sử tiêu biểu đã xẩy ra trong cuộc chiến, về tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước trong chiến trường miền Nam, về công cuộc khai hóa văn minh tàn bạo của thực dân, về cuộc sống bị kìm kẹp đầy đau đớn và nhọc nhằn của quần chúng nhân dân trong thời kỳ thuộc địa… Văn học dân gian viết về đề tài kháng Pháp chính là những trang sử do nhân dân ghi lại, có thể phù hợp hoặc không phù hợp với chính sử, có thể cùng quan điểm hay trái quan điểm với chính sử nhưng tất cả sự kiện được ghi lại trong văn học dân gian là những sự kiện đã từng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của dân chúng, hoặc những con người được lưu danh trong những trang sử dân gian cũng chính là những người anh hùng mà người dân đời đời tôn quý, về sau còn trở thành những linh thần trong tín ngưỡng của người dân miền Nam. Quần chúng nhân dân luôn có những trang sử của riêng mình, ghi lại cách nhìn riêng, cách đánh giá riêng của người dân đối với những cuộc chiến đã diễn ra trong lịch sử. Họ bày tỏ lòng yêu nước, lòng căm thù giặc hay ngợi ca những tấm gương hy sinh anh dũng theo cách của riêng họ.

Trong thời kỳ diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp, văn học dân gian Nam Bộ đã cùng với văn học cách mạng đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền và cổ động chiến đấu, hỗ trợ nhiệm vụ tổ chức quần chúng nhân dân nâng cao ý thức về lòng yêu nước, xác định rõ kẻ thù và đồng lòng hỗ trợ chính quyền trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Nội dung cuả những bài thơ kháng chiến, ca dao hay vè lịch sử cung cấp thêm cho chúng ta nguồn tài liệu hết sức có giá trị mà có khi trong thời kỳ chiến đấu rối ren và phức tạp, chính sử đã không thể ghi chép kịp, không nắm bắt kịp. Một phần cũng là do giữa ngổn ngang những sự kiện trọng đại của vận mệnh quốc gia, chính sử chỉ có thể ghi lại những sự kiện, những trận đánh, những tấm gương anh hùng… có ảnh hưởng rộng lớn đến toàn thể đồng bào trong cả nước, những trận đánh nhỏ ở các địa phương, những sự kiện nhỏ lẻ, những người anh hùng nông dân vô danh… chính sử có khi bỏ qua vì không thể bao quát hết được tất cả. Mảnh đất đó dành cho các thể loại văn chương truyền miệng của dân gian, người dân ở mỗi địa phương chứng kiến, tham gia trực tiếp, nghe kể lại… và đã ghi chép lại, lưu truyền lịch sử theo cách của riêng mình, nóng hổi, kịp thời, nhanh nhạy và chân thật nhất, tuy nhiên những bài ca, vần thơ lịch sử ra đời trong những giây phút quyết liệt, sống còn ngắn ngủi ấy lại có sức sống vững bền trong lòng dân chúng. Bằng chứng là đã mấy mươi năm sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ đã trôi qua rất lâu thì những truyền thuyết, câu ca, bài thơ về kháng chiến ấy vẫn còn sống động và được kể lại bằng tất cả sự hào hùng, chân thực, qua giọng kể của người dân các tỉnh miền Nam trong những chuyến sưu tầm điền dã của chúng tôi.

2.       Một số thể loại văn học dân gian tiêu biểu viết về đề tài kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ

2.1.  Vè lịch sử 

Vè lịch sử ra đời trong cuộc chiến chống Pháp ở Nam Bộ có thể được xem như một thể loại báo chí chiến trường, một loại “khẩu báo” – báo chí truyền miệng, là một phương tiện tuyên truyền hữu hiệu tinh thần của cuộc chiến, ghi lại nhanh nhạy những sự kiện nổi bật diễn ra trong thời chiến, động viên quần chúng nhân dân tích cực đoàn kết trong mặt trận đấu tranh gian khổ của nước nhà. Trong lời nói đầu của bộ sưu tập Vè Nam Bộ, nhà nghiên cứu văn học dân gian Huỳnh Ngọc Trảng đã khẳng định rằng: “Ngay từ khi thực dân Pháp đánh vào Gia định, cùng với cuộc chiến đấu chống xâm lược, vè lịch sử đã nở rộ khắp Gia Định, Lục Tỉnh, những vấn đề thế sự đã nhường vị trí trung tâm cho những vấn đề lịch sử”(1). Nghĩa là bên cạnh đề tài kể vật kể việc và những đề tài thuộc phạm vi đời sống sinh hoạt hằng ngày ở các địa phương thì bây giờ, nội dung của vè đã tập trung vào các đề tài có tính lịch sử, cho thấy sự thay đổi nhận thức trong cả quá trình sáng tác lẫn lưu truyền và thị hiếu tiếp nhận của dân gian cũng đã nhanh chóng thay đổi theo điều kiện hiện tại của lịch sử nước nhà. Huỳnh Ngọc Trảng cũng cho rằng, sự chuyển đổi đề tài của vè từ thế sự sang lịch sử “có đặc điểm tương đồng với việc chuyển đổi đề tài từ ngâm vịnh thù tạc cổ điển sang đề tài yêu nước chống Pháp trong văn học viết Nam Bộ ở nửa cuối thế kỷ XIX”(2). Tức là song song với thay đổi nhận thức của lực lượng sáng tác trong văn học viết thì các nghệ nhân dân gian cũng đã hướng vào việc sáng tác và tuyên truyền nội dung các tác phẩm văn học dân gian sang đề tài đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Nhìn chung nội dung của vè lịch sử Nam Bộ ra đời trong kháng chiến chống Pháp thường tập trung vào thể hiện ở các chủ đề chính như miêu tả lại, kể lại một cách chi tiết những sự kiện tiêu biểu trong kháng chiến hay trong thời kỳ đấu tranh tiền khởi nghĩa, kể tội thực dân Pháp và bè lũ tay sai, nhiều bài vè hướng dư luận vào vai trò lãnh đạo kháng chiến của Đảng, ca ngợi tấm gương sáng của lãnh tụ, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tiếc thương của nhân dân đối với các chiến sỹ anh hùng nhân dân. Ngoài ra còn có một nhóm những bài vè thể hiện tấm lòng của hậu phương đối với tiền tuyến, cuộc sống của nhân dân thời hậu chiến trong công cuộc thi đua yêu nước trên các mặt trận bình dân học vụ, xóa mù chữ, tăng gia sản xuất, ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất…

Đặc trưng của vè là tính sự kiện nóng hổi, kịp thời truyền đi được những tin tức mới nhất phục vụ sự quan tâm của dư luận, cho nên những sự kiện được kể lại trong vè thường là tức thì, ngày giờ và địa điểm xẩy ra sự kiện, tên họ hay chức vụ, hoàn cảnh của các nhân vật quan trọng có mặt trong sự kiện cũng thường được ghi lại một cách chi tiết. Những sự kiện được vè nhanh nhạy ghi lại và truyền đi trong thời kỳ này thường là những sự kiện có tác động nhiều đến cuộc sống của người dân ở một địa phương nào đó và ít nhiều có liên quan đến đời sống nhân dân ở các địa  phương lân cận. Đó có thể là một trận bố ráp của thực dân Pháp, trận đánh bom chìm tàu, trận phục kích của du kích ta vào đồn bốt giặc, hay sự kiện dân thường bị Pháp và tay sai đàn áp, bắt bớ, sự kiện lính Pháp phá đường, đốt trường học, giết sư, đốt chùa… Tất cả những sự kiện lớn nhỏ trong thời kỳ này có liên quan đến kháng chiến đều được ghi chép lại tỉ mỉ và truyền đi nhanh chóng từ người này sang người khác, từ địa phương này sang địa phương khác. Một số bài vè ghi lại các sự kiện lịch sử nổi bật gây ảnh hưởng không chỉ địa phương nơi xẩy ra sự kiện mà còn các địa phương lân cận hay toàn miền Nam và rộng ra là cả nước như  Vè Nam Bộ kháng chiến, Vè Cù lao Phong Nẫm, Vè anh hùng Trương Định, Vè thảm sát 1959, Vè chạy giặc năm Ất Tỵ, Vè trận Xẻo Me, Vè cách mạng Mậu thân

Chẳng hạn như bài vè Trước họa giặc Pháp dưới đây miêu tả viễn cảnh điêu tàn trong vận mệnh chung của dân tộc trước cảnh đàn áp của thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước cùng với những lầm than của quần chúng nhân dân:

Trời Nam đương hội mở mang/ Bỗng nhiên mắc lũ giặc loàn Tây Dương

Chó săn có lũ thằng Tường/ Thằng Lộc, thằng Tấn, thằng Phương một đoàn(3)

Xóm làng đình miễu tan hoang/ Thành xiêu vách đổ muôn vàn đắng cay

                                                       (Vè trước họa giặc Pháp)

Đồng thời cũng có những bài vè kể lại các sự kiện diễn ra ở các địa phương cụ thể, gây xáo trộn đến cuộc sống thường nhật của dân chúng như việc thực dân cưỡng ép nhân dân ở địa phương lao động khổ sai đào đường đặt bốt, phục vụ cho cuộc chiến chiếm đóng miền Nam Việt Nam của chúng:

Không ai độc ác cho bằng tụi thực dân Pháp

Tụi thực dân Pháp ở Sóc Trăng/ Chúng nó cả gan sửa con đường Đại Ngãi

                                                (Đại Ngãi, 1848)

Bên cạnh những bài vè có tính chất tự sự kể lại những sự kiện vừa diễn ra như những trận đánh, trận càn bố, bắt bớ và đàn áp dân chúng trong chính sách kinh tế chính trị tàn bạo của thực dân Pháp thì còn có những bài vè mà đọc lên nghe như là những lời tâm sự, lời oán than của người dân bị mắc ách gông xiềng, tiếng than về cuộc sống khốn khổ của quần chúng hiền lương trước chính sách khai thác thuộc địa triệt để của thực dân. Có thể thấy nội dung của những bài vè kể lại những trận càn bố, bắt bớ dân chúng miền Nam cùng các chính sách kinh tế chính trị tàn bạo của thực dân chính là những bản cáo trạng vạch trần tội ác của quân xâm lược một cách mạnh mẽ và rõ nét. Nội dung vừa chân thực vừa bi thương của những bài vè này đã gợi lên nỗi căm phẫn cực độ của đồng bào trước những tội ác lịch sử của giặc ngoại xâm, đồng thời cũng tiếp thêm cho nhân dân sức mạnh, truyền cho người đọc những cảm xúc quyết tâm cùng toàn thể đồng bào đoàn kết chiến đấu, động viên quần chúng vật lộn với kẻ thù trong những năm dài bị đô hộ.

Thực dân ác quá/ Bóc lột thẳng tay/ Rốt cuộc dân cày/ Đưa lưng ra chịu

Gia đình thống khổ/ Bữa đói bữa no/ Bông súng, củ co/ Ăn cho đầy ruột

                                 (Vè Tố cáo giặc Tây)

Pháp làm quá ngặt/ Khủng bố nước ta/ Cướp của đốt nhà/ Toàn dân hãm hiếp

Ruồng bố liên tiếp/ Lại thêm máy bay/ Nó ở bên Tây/ Qua đây cướp bóc

                                  (Vè kháng chiến)

Không chỉ phải đối diện với kẻ thù khác máu tanh lòng da trắng mắt xanh là Tây bang xa xôi mà người dân miền Nam còn phải chịu sự đàn áp dã man của chính đồng bào ruột thịt của mình, là những tên Việt gian bán nước đã cam tâm làm tay sai cho giặc, quay lưng lại bắn giết chính cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm của mình. Đối với loại thù này, quần chúng vừa căm phẫn vừa khinh bỉ đến tột cùng:

Trách ai quái đản vô tình/ Việt Nam là nước của mình xưa nay

Nỡ nào mà lại ra tay/ Nước mình mình đánh mà hay nỗi gì

………

Trời xui khiến gặp bọn Việt gian tàn ác/ Vừa ra tay tận sát đồng bào

Gan dạ nào mi chẳng xót đau/ Xét cho kỹ mi thua loài cầm thú

                                (Vè kể tội Việt Gian)

Ơ này lũ nịnh theo Tây/ Khác nào thú vật mạng vàng đổi cây

Cả kêu bớ lũ quân xâm/ Đem thân bán nước, đáng hàng Việt gian

                                (Vè quốc sự)

Vè lịch sử ra đời trong cuộc chiến chống Pháp ở miền Nam còn là những bài ca ghi lại những tấm gương anh dũng của những người anh hùng nông dân ở chính địa phương mà họ đang sống như anh Hoặc, liệt sỹ Phạm Văn Khiết, người chiến sỹ Tiểu La Thành… đã hy sinh trong những trận đánh nhỏ ở các địa phương, không vang danh cả nước nên không được nhắc đến trong chính sử, tuy nhiên lại được ghi chép lại đầy đủ trong các bài vè kháng chiến – những trang sử được viết nên bởi những người dân lao động, những con người trực tiếp tham gia cuộc chiến và trải qua thời kỳ lửa khói binh đao của tổ quốc. Nhóm vè lịch sử có nội dung ca ngợi những tấm gương hy sinh anh dũng của những người chiến sỹ nông dân – những người thật việc thật đã ghi dấu và sống mãi trong lòng quần chúng lao động cùng những thắng lợi của quân và dân ta trong nhiều trận đánh lớn nhỏ trong cuộc chiến không cân sức với kẻ thù có thể được xem như là “tiếng nói ca ngợi sức mạnh của giai cấp vô sản trẻ tuổi, sớm đặt cho mình sứ mạng lãnh đạo cách mạng”… Đồng thời trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp gian khổ của nhân dân miền Nam, vè lịch sử đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc cổ vũ và động viên tinh thần đoàn kết đấu tranh của nhân dân bởi vì “đối với vè lịch sử, tác giả của nó không chỉ là nhân chứng khách quan mà thậm chí có khi còn là người trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại giai cấp thống trị tàn bạo, chống lại ngoại xâm. Tác phẩm của họ là một bộ phận hữu cơ của công luận và là vũ khí tinh thần của phong trào đấu tranh dân chủ và dân tộc”(4).

2.2.         Nói thơ Bạc Liêu

“Nói thơ Bạc Liêu là hình thức diễn xướng các bài lục bát có nội dung cổ động và thông tin do nghệ sĩ ca nhạc tài tử Thái Đắc Hàng sáng tạo vào năm 1946. Từ Bạc Liêu, điệu nói thơ này phát triển và lan rộng khắp miền Tây, đến miền Trung, rồi miền Đông Nam Bộ. Do yêu cầu tuyên truyền và cổ động kháng chiến, trong thời kỳ chín năm (1945 – 1954) hình thức nói thơ Bạc Liêu được sử dụng phổ biến và mang cả tính chính luận tự sự lẫn trữ tình”(5). Nguồn gốc ban đầu của bài nói thơ Bạc Liêu có thể chỉ là những bài thơ có nội dung nói về kháng chiến được các nhà thơ sáng tác và được diễn xướng dưới một làn điệu dân ca mới như các bài Mười thương chiến sĩ, Tẩy chay giấy bạc xanh xăng, Thương anh Vệ quốc quân, Khuyên chồng ra mặt trận, Nam kỳ khởi nghĩa, Cổ động thanh niên tòng quân… tuy nhiên sau khi được truyền miệng qua nhiều người, nhiều địa phương khác nhau, các tác phẩm này đã không còn giữ được hình thức diễn xướng theo thể nói thơ như nguồn gốc ban đầu của nó nữa, đồng thời tên của các tác giả cũng rơi rụng dần đi, các bài nói thơ trở thành tài sản chung của tập thể, biến thể thành nhiều dị bản khác nhau và được lưu giữ trong trí nhớ và lưu hành một cách sống động trong các sinh hoạt của quần chúng nhân dân. Đồng thời cũng có trường hợp, những bài thơ dân gian viết về kháng chiến, sau khi ra đời và được lưu truyền trong dân gian, lại được các nghệ nhân dân gian diễn xướng theo thể nói thơ Bạc Liêu và thế là thành một bài nói thơ nổi tiếng khắp vùng đất Nam Bộ trong thời kỳ mà nó ra đời và còn tồn tại cho đến ngày nay. Nói thơ Bạc Liêu còn có thể là những bài thơ khuyết danh viết theo thể lục bát, nội dung phản đối cuộc chiến tranh đô hộ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của người dân vùng đất phương Nam thành đồng tổ quốc, hay ngợi ca cuộc sống của những người mẹ người vợ chiến sĩ ngày đêm hăng say tăng gia sản xuất để phục vụ tiền tuyến và giữ vững hậu phương vững chắc.

Thái Đắc Hàng là một nghệ sĩ vọng cổ, ông sinh năm 1920 tại Bạc Liêu, những năm đầu 1950, có lệnh cấm ca vọng cổ vì cho rằng đây là thể loại âm nhạc buồn bã thê lương không phù hợp với không khí thời chiến. Để tưởng nhớ âm điệu của thể loại vọng cổ, ông Thái Đắc Hàng đã sáng tạo ra một làn điệu dân ca mới, gọi là “nói thơ Bạc Liêu”, đồng thời ông sáng tác luôn lời bài nói thơ đầu tiên có nhan đề  Mười thương:

Má ơi chiến sĩ của mình/ Đánh Tây giỏi quá khiến tình con thương

Một thương chiến sĩ sa trường/ Hai thương chiến sĩ can trường giết Tây

Ba thương lặn lội bùn lầy/ Bốn thương súng nốp vác hoài trên vai

Về sau, bài nói thơ này được truyền đi khắp nơi với một giọng điệu da diết khơi gợi lòng yêu thương quê hương đất nước và lòng tự hào về những người chiến sỹ anh hùng đang hằng ngày hy sinh xương máu cho hòa bình ấm no của dân tộc. Từ quá trình truyền miệng trên khắp chiến trường và khắp thôn cùng ngõ hẹp, bài nói thơ cũng dần xuất hiện nhiều dị bản, thay đổi vài câu thơ trong bài nhưng tinh thần chung vẫn là đủ mười lý do cho cô gái quê một lòng yêu thương và chờ đợi người chiến sỹ đánh Tây thành công trở về.

Bài nói thơ Mẹ chiến sỹ khuyên con tòng chinh cũng là một bài nói thơ nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến, lời ca trong bài là đại diện cho tiếng lòng của bao người mẹ Việt Nam anh hùng vượt qua được những tình cảm cá nhân, một lòng khuyên con tòng chinh ra chiến trường giúp dân giúp nước, với những lời lẽ chân thật nhưng cũng không kém phần bi tráng và hào hùng:

Thà là chết ở chiến trường/ Còn hơn sống ở trên giường thê nhi

Phản công súng nổ đì đùng/ Kìa bao chiến sĩ anh hùng xông pha

Giang san nghĩa nặng hơn nhà

                                                               (Mẹ khuyên con tòng chinh)

Bên cạnh lời của người mẹ Việt Nam anh hùng trong Mẹ khuyên con tòng chinh,  là lời của những người vợ chiến sỹ trung hậu đảm đang trong bài nói thơ Tiễn chồng ra trận. Những người đàn bà tưởng là yếu đuối và nhỏ bé đó lại là những con người bền gan với nước non, sẵn sàng coi nhẹ tình phu thê, đặt tình nhà sau nợ nước. Không chỉ động viên chồng ra tiền tuyến đánh Tây, họ còn ở hậu phương hăng say chiến đấu và sản xuất để phục vụ cho cuộc chiến sống còn của dân tộc. Họ là những người đàn bà nước Việt anh dũng kiên trung, luôn là hậu phương vững chắc cho đấng trượng phu ra trận vững vàng tay súng giết thù, hy sinh xương máu cho độc lập tự do cho dân tộc, cũng là để bảo vệ quê hương, làng xóm thân yêu nơi có mẹ cha và người vợ cùng những đứa con đang ngày đêm mòn mỏi chờ mong họ:

Mồ hôi đổ xuống ruộng bờ/ Mới thành hạt lúa đổ kho lần này

Chiến trường bộ đội diệt Tây/ Hậu phương xin giữ kho đầy lúa thơm

……..

Một đồng là một trăm xu/ Tiễn chồng lên chốn chiến khu nghìn trùng

Chàng đi giết giặc tranh hùng/ Thiếp về ngày tháng gánh gồng nuôi con

Mong chàng trả nợ nước non/ Giờ đây phận thiếp sớm hôm chu toàn

                                                                          (Tiễn chồng ra trận)

2.3.          Ca dao kháng chiến chống Pháp

Ca dao viết về đề tài kháng chiến chống Pháp được xếp vào mảng ca dao lịch sử bên cạnh mảng ca dao viết về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nam nữ hay tình yêu gia đình… Lịch sử nước ta từ thời Văn Lang - Âu Lạc đến 1000 năm Bắc thuộc hay giai đoạn bị giày xéo dưới sự cai trị của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp đều được ghi lại đầy đủ trong ca dao lịch sử. Khái niệm ca dao lịch sử ở đây dùng để chỉ “những câu và những bài ca ngắn, lấy đề tài ở những sự kiện lịch sử, những biến cố lịch sử được ghi lại trong ca dao lịch sử là những biến cố ít nhiều có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đương thời”(6). Tuy nhiên khác với các thể loại văn học dân gian khác như vè lịch sử và truyền thuyết hay thơ ca kháng chiến, ca dao lịch sử không làm công việc miêu tả lịch sử, kể lại chi tiếp các sự kiện, biến cố đã diễn ra trong một thời điểm lịch sử tại một địa phương nào đó. Mà với tính chất là một thể loại trữ tình dân gian, ca dao lịch sử chỉ nhắc tới những sự kiện, những vị anh hùng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của dân tộc với mục đích là để bày tỏ thái độ, quan điểm hay tình cảm cảm xúc của mình đối với sự kiện hay con người trong lịch sử đấu tranh của dân tộc mà thôi.

Chẳng hạn như cùng để lưu lại lịch sử về một người anh hùng có công trạng trong cuộc chiến kháng Pháp ở miền Nam là Thiên Hộ Dương thì thể loại vè ghi lại bằng những lời tự sự một cách khách quan, không bày tỏ thái độ tình cảm của người viết đối với nhân vật được kể lại trong sự kiện:

Nam kỳ có tướng Quan Thiên/ Cùng quan lớn Định cầm quyền đánh Tây

                                                                                                             (Vè Quản Thành)

Ngược lại, khi kể về hoàn cảnh xuất thân và tước vị của Thiên Hộ Dương trong lực lượng nghĩa quân của Trương Định, hai câu ca dao dưới đây đã bao hàm cảm xúc tình cảm của người sáng tác đối với vị tướng mà họ hàm ơn và tôn kính như một vị anh hùng đã góp phần mang lại ấm no cho dân tộc:

Chiều chiều mây giục gió vần/ Cảm thương Thiên Hộ xả thân cứu đời

Từ việc bày tỏ tình cảm của nhân dân đối với vị tướng Thiên Hộ Dương được thể hiện trong ca dao cũng đã cho thấy thái độ riêng, tình cảm riêng của quần chúng nhân dân miền Nam trong khi đánh giá về công trạng của những vị anh hùng trong kháng chiến. Khi nghiên cứu nhóm truyền thuyết về các nghĩa quân trung thành dưới trướng của Trương Định trong thời kháng chiến chống Pháp, nhà nghiên cứu Võ Phúc Châu cho rằng: “trong chính sử Thiên Hộ Dương bị triều đình gọi là giặc, thực dân Pháp gọi là kẻ phiến loạn, chỉ có văn học dân gian là ca ngợi người anh hùng”(7).

Trương Định cũng là một trong những người anh hùng chống Pháp được nhân dân miền Nam tôn kính và hàm ơn hết mực, không chỉ được kể đến nhiều trong truyền thuyết mà tên ông còn được nhân dân miền Nam nhắc lại trong ca dao với nhiều từ ngữ ngợi ca, kính trọng:

Gò Công anh dũng tuyệt vời/ Ông Trương đám lá tối trời đánh Tây

Hay

Phất  cờ chống nạn ngoại xâm/ Trương công nghĩa khí lẫy lừng trời Nam

Không chỉ ghi lại và bày tỏ thái độ cảm xúc về các sự kiện hay những người anh hùng trong kháng chiến mà ca dao lịch sử ở miền Nam thời kỳ này còn bày tỏ thái độ căm ghét của người dân đối với thành phần Việt gian bán nước cầu vinh, nhẹ thì trách móc như trong chuyện hờn dỗi của gái trai,

Anh mà đi với thằng Tây/ Em đành phải dứt hết dây nghĩa tình

……

Uổng công tháng đợi năm chờ/ Tưởng chàng có nghĩa ai ngờ theo Tây

Vùi thân trong đám bùn lầy/ Nước nào rửa sạch nhục này chàng ơi

Nặng thì chửi mắng và nguyền rủa bọn đầu Tây làm kẻ chỉ điểm cho giặc, đan tâm tàn sát đồng bào máu thịt của mình:

Cha đời mấy đứa theo Tây/ Mồ ông, mả bố, voi dày biết chưa

Hay lồng trong những câu ca dao trao gởi tình cảm gái trai là chuyện vận nước lâm nguy, sự chia xa thấy trước do họa giặc Pháp, qua đó cũng đồng thời ghi lại sự kiện thực dân Pháp đã chiếm đóng dần từng phần lãnh thổ của miền Nam Việt Nam:

Giặc Tây đánh đến Cần Giờ/ Biểu em đừng nhớ đừng chờ uổng công

 Hoặc bóng gió tình cảnh bi thương của người nông dân Nam Bộ cả đời chỉ biết chân chất làm ăn lại phải hứng chịu làn tên mũi đạn của quân Pháp xâm lăng thông qua hình ảnh con cò lặn lội kiếm ăn mà vẫn không thoát được súng đạn của quân thù:

Con cò mày đậu cành tre/ Thằng Tây nó bắn cò què một chân

Cuộc chiến kháng Pháp không chỉ hiện diện trong nội dung của các câu ca dao hay những bài dân ca của dân tộc Kinh ở vùng đồng bằng Nam Bộ mà cũng có không ít những câu hát ra đời từ trong lòng dân tộc thiểu số ở miền Đông, cũng thấm đẫm một tình yêu nước mãnh liệt, quyết chiến đấu chống lại thực dân trong một tinh thần đoàn kết một lòng với nhân dân cả nước dưới ngọn cờ lãnh đạo của giai cấp vô sản

“…Con gái đánh giặc bằng chày giã gạo/ Con trai đánh giặc bằng dao, bằng mác

Tất cả đứng lên như bông lau bông lách/ Giết cho bằng được thằng Tây…”(8)

2.4.  Truyền thuyết về người anh hùng kháng chiến chống Pháp

Chỉ trong một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi nhưng đầy gian khổ và hào hùng trong kháng chiến chống Pháp từ 1958 đến 1918, vùng đất phương Nam sinh sau đẻ muộn lại sản sinh ra biết bao nhiêu những người con ưu tú và dũng mãnh với trái tim và nghị lực phi thường trong cuộc chiến đấu một mất một còn với giặc Pháp để đòi độc lập tự do cho dân tộc. Công trạng, hành trạng và lý do kết thúc sự nghiệp cách mạng của những người anh hùng miền Nam giai đoạn kháng Pháp đã được truyền thuyết ghi lại rất tỉ mỉ dưới nhiều bản kể khác nhau. Những người anh hùng luôn được người dân Nam Bộ nhắc đến trong truyền thuyết với lòng biết ơn không nguôi mà ta có thể kể đến là các vị thống lĩnh nghĩa quân đứng lên giành độc lập chủ quyền như Trương Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân…

Xung quanh truyền thuyết về những người anh hùng này còn có biết bao câu chuyện về những nghĩa quân hoạt động dưới trướng của họ, có cả đàn ông lẫn đàn bà, là những cánh tay đắc lực đã phò tá và cùng họ sống chết một lòng trong sự nghiệp chung. Những vị anh hùng này còn nhiều người chưa được tổ quốc ghi công, chưa được nhắc đến trong sử sách vì chính sử có thể còn nhiều khắc khe trong việc đánh giá công trạng và ghi tên họ trong những trang sử vàng của lịch sử quốc gia nhưng trong lòng nhân dân họ mãi mãi là những con người bất khuất đáng tôn kính. Nhân dân có thể nhìn rõ, thấy rõ và đánh giá đúng chiến công của họ vì chính người sáng tác và lưu truyền truyền thuyết cũng là những người trực tiếp tham gia vào trận chiến và còn có thể trực tiếp chứng kiến hành trạng của những người anh hùng này, hình ảnh của các vị tướng, phó tướng hay phu nhân của những vị tướng đó có khi mãi mãi khắc sâu trong trí nhớ của người miền Nam qua nhiều thế hệ mai sau

Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ, không chỉ kể về nguồn gốc xuất thân, hành trạng, chiến công và sự ra đi hay kết thúc sự nghiệp của những người anh hùng để lưu danh sử sách mà còn để củng cố niềm tin về những huyền tích, về cái kỳ ảo được kể lại trong truyền thuyết, về sự huyền diệu trong công đức hành trạng của người anh hùng… Người dân ở các địa phương nơi xuất thân hay mất đi của người anh hùng thường còn gắn liền những truyền thuyết đó với các chứng tích văn hóa nào đó như địa danh ra đời, địa danh xẩy ra trận đánh, lăng mộ của người anh hùng, lễ hội tưởng niệm công đức và ghi nhớ công lao to lớn của người anh hùng được tổ chức hàng năm ở các địa phương. Chẳng hạn hàng năm vào ngày 19 và 20 tháng 8, lễ giỗ người hùng Trương Định được tổ chức tại Gò Công (Tiền Giang). Truyền thuyết về ông kể lại rằng sau khi đã bắt được Trương Định sau nhiều tháng ngày ráo riết truy lùng, vào ngày 27 tháng 10 năm 1868 giặc lập pháp trường để xử tử ông. Tuy nhiên vì không tên lính nào dám ra tay nên chúng đã sai một thằng say rượu chém đầu viên tướng soái. Tương truyền rằng tuy bị chém nhưng đầu ông chưa đứt, máu từ cổ phun ra như cầu vồng. Mắt ông mở to, nhìn thẳng vào kẻ chém mình khiến nó ngã lăn ra tắt thở. Mắt ông nghiêng về bên phải, một loạt tên Pháp và tay sai ngã xuống. Mắt ông nghiêng bên trái, một loạt khác lìa đời. Bọn Pháp hốt hoảng vội cắt rời đầu ông, đem chôn kín một nơi. Đồng thời trong một truyền thuyết khác về Trương Định cũng ghi lại rằng, nơi ông ngã xuống là một khoảng đất trống, nay thuộc ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông. Từ ngày Trương Định hy sinh, dân địa phương gọi đó là “khuôn đất Vinh”, về sau đào ao lấy nước gọi là “Ao Vinh”. Cũng tại nơi đây còn có 2 ngôi mộ, nhân dân vùng ấy cho rằng đó là hai ngôi mộ của nghĩa quân Trương Định(9).

Trong dân gian cho đến nay vẫn còn lưu lại bài Vè Trương Định với giọng điệu hào hùng khi kể về hành trạng, sự nghiệp và những chiến công của người anh hùng được toàn thể nhân dân miền Nam tôn kính này:

Kể từ Tây tới đến nay/ Giang sơn gần thuộc về tay người ngoài

Trương Công hùng lực thao tài/ Quyết đem binh mã thử vài trận chơi

Nghĩa thanh sấm động nhức trời /Biết bao hào kiệt đồng lời thệ minh

 Ở di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, vào ngày rằm tháng 11 âm lịch hàng năm là lễ giỗ của hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều được tổ chức hết sức trọng thể. Trong lễ giỗ hai ông người ta cũng không quên nhắc lại các giai thoại và những câu ca về người tướng lĩnh đại tài này:

Ai về Đồng Tháp mà coi/ Mả ông Thiên Hộ trăng soi lạnh lùng

Bà con đùm đậu quanh vùng/ Tháng giêng ngày giỗ xin đừng ai quên

Hay vào các ngày từ 26 đến 28 tháng 8 âm lịch, lễ giỗ của anh hùng nguyễn Trung Trực được tổ chức long trọng tại thành phố Rạch Giá của tỉnh Kiên Giang, Ngày 18 tháng 5 lễ giỗ Thủ Khoa Huân được tổ chức ở Mỹ Tho và Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang. Những ngày giỗ của các vị anh hùng này luôn luôn thu hút hàng ngàn người người dân ở các tỉnh thành Nam Bộ kéo đến dự lễ giỗ, bày tỏ lòng biết ơn và làm công đức.

Trong nhóm truyền thuyết kháng Pháp ở Nam Bộ còn có những câu chuyện về những người anh hùng cũng đã đóng góp không ít công lao và hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nhưng cho đến nay vẫn còn vô danh trong sách sử. Như những câu chuyện kể về mười tám nghĩa binh trung thành luôn theo sát phò tá Trương Định như  phó tướng Bình Tây Nguyễn Nhựt Chi, Trịnh Viết Bàng, Trương Điền, Trần Văn Thiện, Võ Đăng Được…Hay nổi bật lên là truyền thuyết về liệt nữ Trần Thị Sanh – người vợ thứ của Trương Định là người đã cung ứng tiền bạc cho Trương Định khai khẩn đất hoang vùng Gia Định, tạo nguồn hậu cần cho khởi nghĩa. Bên cạnh đó còn có những người đàn bà khác như bà Lưu, cô Hai Bến Nghé… cũng là những người phụ nữ mưu trí và gan dạ giữ vai trò hậu cần hỗ trợ lớn lao cho Trương Định trong thời kỳ kháng chiến. Theo phò tướng Thiên Hộ Dương có ông lực điền Phòng Biểu một vị tướng tài được nhân dân nhắc đến một cách tôn quý trong truyền thuyết. Hay các truyền thuyết không kém phần huyền bí vào hào hùng về những nhân vật anh hùng như Bà Điều, Bà Đỏ - nghĩa quân thân tín của Nguyễn Trung Trực, hay chuyện tướng cướp hoàn lương Sáu Hải – người đánh mõ trung thành của Thủ Khoa Huân cũng được lưu truyền rộng khắp trong các tỉnh thành Nam Bộ.

Nhận xét chung về đặc trưng của thể loại truyền thuyết về người anh hùng chống Pháp được sản sinh ra tại vùng đất Nam Bộ, nhà nghiên cứu Võ Phúc Châu cho rằng: “Song hành với chính sử, bổ sung cho chính sử và khác chính sử, truyền thuyết dân gian Nam Bộ đã kịp thời lưu giữ, theo cách của mình, tất cả các nhân vật và sự kiện làm nên lịch sử vùng đất mới, nó dự phần khắc sâu thêm những phẩm chất truyền thống của con người Việt Nam, đồng thời trực tiếp vẽ nên những tính cách riêng, phẩm chất mới của con người Nam Bộ”(10).

3.     Kết luận

Nhìn chung, thông qua nội dung thể hiện của văn học dân gian yêu nước chống Pháp những năm cuối TK XIX – đầu thế kỷ XX ra đời ở miền Nam, đặc biệt là nội dung của các tác phẩm ở các thể loại chủ yếu như ca dao lịch sử, nói thơ bạc Liêu, truyền thuyết, vè lịch sử… ta có thể khẳng định rằng, văn học dân gian miền Nam cùng với văn học viết đã đóng vai trò mà một thứ vũ khí tinh thần to lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước và kêu gọi sự đoàn kết của toàn dân. Thứ vũ khí này đã được sử dụng hết sức hiệu quả vì đây chính là thứ vũ khí do nhân dân sáng tạo ra, được nhân dân sở hữu và trực tiếp sử dụng trong công cuộc đấu tranh giải phóng nước nhà. Đồng thời, cũng có thể khẳng định rằng sự phát triển mạnh mẽ của dòng văn học dân gian yêu nước chống Pháp đã tạo tiền đề cho sự phát triển của dòng văn học thành văn yêu nước và cách mạng ở miền Nam trong thời kỳ này.

Về phía ta, chính vì thấy rõ sự lợi hại của dòng văn học dân gian kháng Pháp nên lực lượng sáng tác thời kỳ này không chỉ là những người lao động bình dân mà còn có cả sự tham gia của tầng lớp sĩ phu yêu nước giấu mặt, họ sử dụng văn học dân gian như là một thứ vũ khí, một kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả ý thức đấu tranh của dân tộc, giúp nhân dân nhận diện kẻ thù và đồng lòng hợp tác với chính quyền trong quá trình đấu tranh chống lại kẻ thù chung của dân tộc, Tất cả những nỗ lực ấy không chỉ riêng của các tác giả dân gian mà còn có phần đóng góp lớn lao của đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp bao gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, cán bộ thông tin tuyên truyền, nhạc sĩ… Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đinh Gia Khánh cho rằng: “Đứng về mặt lịch sử văn học thành văn của dân tộc mà nói thì từ những năm đầu thế kỷ trở đi, sự phát triển của thơ văn yêu nước và cách mạng (như thơ ca của phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, thơ ca của các chiến sĩ cách mạng…) được sáng tác trong khuôn khổ của những hình thức văn học dân gian – chủ yếu là những hình thức thơ ca dân gian – không những chỉ có thể được giải thích bằng tính quần chúng, bằng yêu cầu vận động quần chúng của những phong trào cách mạng, mà một phần lớn còn có thể giải thích bằng sự phát triển rực rỡ trước đó của bản thân bộ phận văn học dân gian yêu nước chống Pháp”(11)

Về phía thực dân Pháp do cũng nhận thức rõ được tác dụng mạnh mẽ của văn học dân gian đối với thời cuộc, đặc biệt là vè lịch sử kháng chiến cả về mặt chính trị tư tưởng lẫn mặt thẩm mỹ văn học cho nên thực dân Pháp đã tìm cách cấm đoán không cho in ấn và truyền bá những tác phẩm văn học dân gian có tác dụng nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và cổ vũ chiến đấu trong khắp miền Nam. Đồng thời chính quyền thực dân cũng thấy rõ được sự lợi hại của dòng văn học này nên đã cho in ấn và tái bản nhiều lần những tác phẩm thơ ca kháng chiến có nội dung bồi bút rõ rệt, đứng trên lập trường tư tưởng của chính quyền cai trị bênh vực cho hành động “khai hóa văn minh” của Pháp, đổ lỗi cho tay sai bản xứ đã làm càn làm quấy, chê bai nền văn minh ấu trĩ lạc hậu của xứ An Nam. Bên cạnh đó còn bôi đen, xuyên tạc phong trào khởi nghĩa nông dân và phong trào đấu tranh yêu nước của các tầng lớp nhân dân trong cả nước.  

 

Chú thích

  1. Huỳng Ngọc Trảng (1988); Vè Nam Bộ; NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.20.
  2. Huỳng Ngọc Trảng (1988); Vè Nam Bộ; NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.20.
  3. Tôn Thọ Tường, Trần Bá Lộc, Huỳnh Công Tấn, Đỗ Hữu Phương (chú thích của Huỳnh Ngọc Trảng trong Vè Nam Bộ trang 262).
  4. Huỳng Ngọc Trảng (1988); Vè Nam Bộ; NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.19.
  5. Huỳng Ngọc Trảng (1988); Vè Nam Bộ; NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.12.
  6. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (1997); Văn học dân gian Việt Nam, NXBGD, trang 440.
  7. Võ Phúc Châu; Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1958 – 1918); NXB Thời Đại, trang 66.
  8. Dẫn lại theo Mạc Đường trong Sơ khảo lịch sử chống xâm lăng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Bộ; NXB Khoa học xã hội, HN, trang 70.
  9. Kể lại theo Võ Phúc Châu; Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1958 – 1918); NXB Thời Đại, trang 333, 337.
  10. Võ Phúc Châu; Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1958 – 1918); NXB Thời Đại, trang 230.
  11. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (1997); Văn học dân gian Việt Nam, NXBGD, HN, trang 212.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Võ Phúc Châu; Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1958 – 1918); NXB Thời Đại.
  2. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (1997); Văn học dân gian Việt Nam, NXBGD.
  3. Mạc Đường (2015); Sơ khảo lịch sử chống xâm lăng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Bộ; NXB Khoa học xã hội, HN.
  4. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (2001); Kho tàng ca dao người Việt (2 tập); NXB Văn hóa Đông – Tây.
  5. Huỳng Ngọc Trảng (1988); Vè Nam Bộ; NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.20
  6. Huỳnh Ngọc Trảng (1998); Ca dao dân ca Nam Kỳ lục tỉnh; NXB Đồng Nai.
  7. Hà Thắng (1997); Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long; NXB GD

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên giám 2016

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60427899
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8874
6820
60427899

Thành viên trực tuyến

Đang có 246 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website