1. MỞ ĐẦU
Cũng như nền văn học truyền thống của các dân tộc khác trên khắp thế giới, văn học dân gian Hàn Quốc cũng là một mảnh đất màu mỡ đa dạng về thể loại và phong phú về nội dung thể hiện. Truyện ngụ ngôn là một thể loại chiếm số lượng lớn và có giá trị nội dung nổi bật trong văn học truyền thống của người Korea, kể cả ngụ ngôn dân gian và ngụ ngôn trong văn học trung đại. Ở bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu khái quát những nét đặc trưng trong nội dung của những câu chuyện ngụ ngôn dân gian của người Hàn, từ những bài học kinh nghiệm hay triết lý dân gian rút ra đằng sau mỗi cốt truyện có thể giúp chúng ta hình dung được phần nào những quan điểm sống và triết lý nhân sinh của người xưa ở đất nước này.
Cùng với các loại hình tự sự dân gian khác, truyện ngụ ngôn là một loại truyện dân gian sản sinh trong quá trình phát triển tất nhiên của lịch sử và của trí tuệ nhân loại. Theo định nghĩa của nhà folklore học Đinh Gia Khánh thì truyện ngụ ngôn là “một loại truyện chứa đựng trong một sự tích hoàn toàn tưởng tượng một quan niệm triết lý hay đạo đức, một kinh nghiệm sống đã được tổng kết. Và như vậy, truyện ngụ ngôn có hai phần: phần cụ thể là truyện kể, phần trừu tượng là ý niệm rút ra từ truyện đó, có thể gọi là lời quy châm” [1; 353]. Cũng như thần thoại hay truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn cũng ra đời từ trí tưởng tượng của con người, là một trong những sản phẩm đẹp đẽ được sinh ra từ trí tưởng tượng của nhân loại, và chính sự xuất hiện của những yếu tố tưởng tượng trong truyện ngụ ngôn đã giúp cho các tác giả dân gian “có thể diễn đạt một cách linh hoạt tươi mát những khái niệm khô khan” và “Ở truyện ngụ ngôn, ta cảm thấy đằng sau mọi sự tô vẽ của óc tưởng tượng, đằng sau những tình tiết có vẻ ngây thơ là một lý trí sáng suốt, nghiêm khắc và già dặn” [1; 354].
Từ lâu truyện ngụ ngôn được biết đến như là một thể loại truyện kể có tính chất thế sự, dùng cách nói ẩn dụ để thuyết minh cho một chủ đề luân lý, triết lý, một quan niệm nhân sinh hay một nhận xét về thực tế xã hội. Truyện ngụ ngôn chứa đựng những triết lý, những quan niệm về nhân sinh xã hội và những bài học kinh nghiệm quý giá mà nhân dân đã rút ra được từ cuộc sống thức tiễn hàng ngày. Những lời phê phán, những lời khuyên răn, những bài học có tính giáo dục sâu sắc được truyền đến thế hệ sau qua hình thức những câu chuyện ngắn gọn, hấp dẫn và sinh động, do đó ý nghĩa của câu chuyện được người đọc tiếp thu một cách nhẹ nhàng chứ không nặng nề như những bài giáo huấn. Truyện ngụ ngôn tuy được thể hiện bằng thể loại truyện kể có nội dung và cốt truyện rõ ràng nhưng mục đích của thể loại này không phải nhằm để kể chuyện hay phản ánh thực tế mà mục đích chính là chuyển tải cho được những bài học kinh nghiệm, nhằm giáo dục đạo đức và lối sống cho các thế hệ sau.
II. ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG TRUYỆN NGỤ NGÔN DÂN GIAN HÀN QUỐC
Dù được sản sinh ra ở bất kỳ quốc gia nào thì truyện ngụ ngôn dân gian luôn luôn là tấm gương phản ánh trí tuệ của nhân dân và kho tàng truyện ngụ ngôn của mỗi nước chính là nơi chứa đựng triết học của nhân dân lao động, Những bài học kinh nghiệm, những lời triết lý sâu sắc được đúc kết trong truyện ngụ ngôn tuy chưa vươn lên thành một ý niệm triết học thực sự nhưng cũng đã được đúc kết lại thành những bài học có giá trị bền vững trong những giai đoạn phát triển tiếp theo của lịch sử xã hội. Những bài học đạo lý được nêu ra trong truyện ngụ ngôn “không nhất định có tính cao siêu, nhưng bao giờ cũng sát với thực tế. Đó là thứ đạo lý của thực tiễn. Trong xã hội cũ, những kinh nghiệm đúc kết trong trong truyện ngụ ngôn giúp người ta tránh khỏi thất bại trong hành động và ngày nay một số kinh nghiệm ấy vẫn còn có ích”. Trong nội dung của mỗi câu chuyện ngụ ngôn “không những chứa đựng những tư tưởng triết học của nhân dân mà còn phản ảnh cả những kinh nghiệm sống và đấu tranh của nhân dân. Nhưng xét cho cùng thì bản thân những kinh nghiệm này cũng đã được đúc kết thành một thứ triết lý của hành động” [1; 355].
Nội dung của truyện ngụ ngôn trong kho tàng văn học dân gian Hàn Quốc cũng không nằm ngoài những đặc điểm trên và cũng được thể hiện bằng hình thức của những câu chuyện ngắn gọn, ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu, đôi khi hài hước dí dỏm, kết hợp giữa lối cảm, lối nghĩ ngây thơ của trẻ con với lối nhìn nhận tinh vi sâu sắc của người lớn, còn ẩn sâu trong đó là những nét văn hóa truyền thống đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hàn Quốc. Đọc 40 câu chuyện nhỏ trong tuyển tập Ngụ ngôn Hàn Quốc (NXB Văn hóa văn nghệ, TPHCM, 2014), có thể phần nào hình dung ra được những quan niệm triết lý nhân sinh, những quan điểm về đạo làm người, về những bài học kinh nghiệm, lời phê phán, khuyên nhủ của người Hàn Quốc xưa muốn gởi gắm, truyền dạy lại cho con cháu mình ở các thế hệ sau. Từ 40 câu chuyện ngụ ngôn trong tuyển tập đó, chúng tôi rút ra được 3 nội dung chính trong kho tàng truyện ngụ ngôn Hàn Quốc là: Triết lý của người xưa về đạo làm người; Sự ca ngợi trí thông minh và đức tính lao động chăm chỉ; đồng thời cũng chứa đựng trong đó những lời phê phán các thói hư tật xấu còn tồn tại trong xã hội Korea thời trước.
1. Triết lý của người xưa về đạo làm người
Nổi bật trong số 40 truyện ngụ ngôn trong tập sách này là các câu chuyện kể về tình anh em, nghĩa vợ chồng, tình thương của cha mẹ với con cái hay lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Những câu chuyện này có nội dung đề cao tình nghĩa con người trong xã hội, đưa ra quan niệm của người xưa về cách ứng xử giữa những người thân trong gia đình và ngoài xã hội. Ẩn đằng sau mỗi câu chuyện ngụ ngôn là những triết lý của người xưa về đạo làm người, lời khuyên nhủ con người tùng thiện tích thiện, tránh làm những điều thất đức. Đó còn là những bài học về lòng biết ơn, sự cảm kích và luôn tâm niệm sẽ báo đáp những người đã giúp đỡ mình hay những người thi ân thì không bao giờ nghĩ đến việc đòi hỏi sự báo đáp…
Quanh chủ đề về đạo làm người, lòng hiếu thảo là đề tài rất được dân gian Hàn Quốc coi trọng và đã kể lại trong nhiều truyện ngụ ngôn. Trong câu chuyện về Con hổ hiếu thảo [2; 28], bài học thấm đẫm tính nhân văn về tình yêu của con cái dành cho cha mẹ được tác giả dân gian thể hiện thông qua hình ảnh một con vật hung dữ là con hổ. Khi nghe người tiều phu nói rằng nó chính là đứa em đã bị thất lạc và bị hóa thành hổ, con hổ tin rằng nó là con người thật, có anh và có mẹ đang sống vất vả cơ hàn. Con hổ ấy đã góp phần cùng anh nuôi mẹ già theo cái cách mà một con hổ có thể làm được là cứ nửa tháng một lần, nó mang một con lợn thật to đến để trước sân nhà và lặng lẽ rời đi khi trời chưa kịp sáng. Và khi biết tin người mẹ của mình đã mất đi, con hổ to lớn và hung dữ ấy đã cho những đứa con của mình để tang bà bằng cách gắn sợi vải gai dầu ở phía sau đuôi của những chú hổ non. Còn bản thân con hổ hiếu thuận ấy đã vì lòng thương tiếc mẹ mà nhịn ăn để chết theo mẹ cho trọn đạo làm con. Còn cái chết của người mẹ trong truyện Ếch xanh [2; 34] cũng chính là nguyên nhân khiến cho người con ý thức được sự mất mát của mình và từ đó mới trở nên hiếu thảo với mẹ. Nhưng khi ếch nhận thức được sai lầm của mình, sự bất hiếu của mình đối với mẹ thì lúc này cũng chẳng thể thay đổi được gì nữa. Ếch chỉ còn biết khóc than mỗi khi trời mưa vì nhớ đến cảnh đau lòng là mộ mẹ đã bị nước cuốn trôi do ếch chôn mẹ trong nước. Chú ếch xanh trong câu chuyện trên cũng vì không nghe lời khuyên bảo của mẹ mà đã phải cả đời hối tiếc trong sự mất mát lớn lao. Cũng như chú sư tử con trong truyện Sư tử con dại dột [2; 66] vì ham chơi không nghe lời cha mà suýt mất đi mạng sống của mình nếu cha của em không đến kịp.
Về mối quan hệ anh em trong gia đình, ngụ ngôn dân gian Hàn Quốc tập trung khắc họa và ca ngợi tình huynh đệ thuận hòa gắn bó, luôn chia sẻ cùng nhau những khó khăn trong cuộc sống. Có lẽ dầu ở thời đại nào, dù trong quá khứ xa xưa hay thời hiện đại thì người Hàn Quốc cũng rất coi trọng tình nghĩa anh em ruột thịt, thứ tình cảm đó luôn được đặt cao hơn tất cả mọi thứ vật chất có giá trị khác dù cho con người ta đang phải sống trong hoàn cảnh khốn khó đến mức nào đi chăng nữa. Truyện Hai anh em ném vàng xuống suối [2; 36] kể về tình anh em bền chặt vượt qua được những cám dỗ vật chất, cả hai đều sẵn sàng vứt bỏ những thứ vật chất hết sức có giá trị nhưng lại là mầm mống gây rạn nứt tình cảm của họ vì đối với họ, chẳng có thứ gì trên đời này có thể sánh được với tình anh em. Những thỏi vàng vô tình nhặt được dưới suối sâu đã khiến cho họ bắt đầu nghi kị về nhau, bắt đầu mong muốn những điều xấu xa sẽ xẩy đến cho người anh em để riêng mình được hưởng trọn phần kho báu quý giá đó. Nhưng tất cả những suy nghĩ xấu xa kia chỉ là trong thoáng chốc và khi ý thức được nguyên nhân gây ra những điều tệ hại trong tâm tưởng mình, họ đã cùng nhau đồng lòng vứt bỏ thứ vật chất có giá trị vô cùng to lớn ấy đi và cái họ giữ lại được là tình nghĩa anh em ấm áp thuận hòa mãi mãi. Truyện Tình huynh đệ [2; 31] kể về những hy sinh, giúp đỡ thầm lặng mà cả người anh và người em đều muốn dành cho tình thân máu mủ của mình. Họ lặng lẽ giúp nhau mà không biết rằng người kia cũng đang âm thầm dành những thứ tốt nhất cho họ. Họ mày mò đi trong đem tối vì muốn mang cho người anh em của mình phần chia sẻ nhiều hơn mà không muốn người kia biết được. Đến khi phát hiện ra nhau cũng đang ôm bó lúa mang cho người còn lại, cả hai chỉ còn biết ôm chầm lấy nhau trong lòng tràn ngập xúc động yêu thương và hạnh phúc.
Không chỉ đưa ra những triết lý về đạo làm người trong gia đình mà trong ngụ ngôn Hàn còn chứa đựng những quan niệm về đạo làm người trong xã hội. Phàm là con người thì sống phải có trước có sau, biết nghĩa nhân, biết đạo lý… và một ai khi đã được người khác giúp đỡ dù chỉ là một việc nhỏ nhặt cũng phải biết ghi nhớ điều đó suốt đời, huống gì là ơn cứu mạng. Hình ảnh hai con chim đại bàng và ác là trong truyện ngụ ngôn là sự phản ánh chân thực chân dung của những con người biết coi trọng ơn nghĩa trong văn hóa ứng xử của nhân dân Hàn Quốc. Chim đại bàng được một người nông dân cứu ra khỏi bẫy đã tìm mọi cách đi theo trả ơn ân nhân. Khi ý thức được nguy hiểm đang sắp xẩy ra cho ân nhân của mình, nó đã hành động như một tên ăn trộm mặc kệ cho ân nhân hiểu lầm, quở mắng vì mục đích chính của chim là làm sao đưa được ân nhân ra khỏi nơi cận kề cái chết (Đại bàng trả ơn) [2; 71]. Còn cách trả ơn của chim ác là là hy sinh cả bản thân mình để cứu ân nhân ra khỏi nọc độc của con rắn khổng lồ. Khi chứng kiến cảnh anh học trò giết con rắn để cứu đàn con thơ dại của mình, chim đã luôn hiểu rằng mạng sống của con mình là do con người ấy ban cho. Cho nên đến khi cần hy sinh để cứu ân nhân, chim đã không ngần ngại dùng tấm thân bé nhỏ của mình lao đầu vào tháp chuông nhà thờ để mong tạo ra được âm thanh và cứu ân nhân thoát chết (Chim ác là trả ơn) [2; 43]. Hai câu chuyện về hai con chim biết sống trọng nghĩa tình khiến ta liên tưởng đến những mặt còn khuyết trong xã hội loài người, về những con người không biết trọng nghĩa nhân, hành động một cách vô ơn đối với những người đã giúp đỡ mình. Những con người ấy có khác chi con hổ trong Lời hứa của hổ [2; 101], để được cứu khỏi hang sâu, hổ đã tha thiết van xin con người và hứa hẹn đủ điều nhưng đến khi được cứu rồi nó lại trở mặt đòi ăn thịt chính ân nhân của mình. Những loại người như con hổ kia, dù xưa hay nay trong xã hội vẫn còn không ít.
2. Ca ngợi trí thông minh và đức tính chăm chỉ
Đề tài về các con vật nhỏ bé và thông minh gắn liền với moitf mẹo lừa gần như đều có mặt trong kho tàng truyện kể dân gian của các dân tộc trên thế giới, kể cả trong truyện cổ tích loài vật và truyện ngụ ngôn. Những con vật yếu ớt về thể lực nhưng mạnh mẽ về trí tuệ ấy thường là kiến, là chuột, là rùa, là thỏ… dù bé nhỏ nhưng chúng đã bằng trí thông minh của mình chiến đấu và khuất phục được những con vật to lớn mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần. Chú chuột nhắt bé xíu trong câu chuyện Chuột nhắt và sư tử [2; 63] đã dẫn dụ được con sư tử to xác tham gia vào một cuộc thi không hề cần xứng, để rồi với sự nhanh nhạy của mình, chuột đã lừa được sư tử lao mình vào mặt sông băng sắp tan và cuối cùng sư tử phải chịu nhận lấy cái chết trong dòng sông lạnh giá. Chú chuột nhắt với hình hài bé nhỏ nhưng có lá gan to đã dùng trí thông minh của mình để tiêu diệt được con ác thú, đòi lại được khu rừng cho muông thú cũng bé nhỏ như mình được sống bình yên, không còn phải ngày ngày thấp thỏm lo âu không biết khi nào mình sẽ trở thành miếng mồi ngon cho sư tử. Và một con thỏ yếu ớt, hiền lành, là con vật biểu trưng cho sự nhút nhát lại là một con vật thông minh nhanh trí, đã nghĩ ra được nhiều mưu kế khôn ngoan để không chỉ cứu được bản thân mình khỏi cái chết mà còn cứu được bao nhiêu người và vật khác thoát khỏi sự de dọa lấy mạng của những con vật to lớn và hung ác như sư tử, hổ báo, cá sấu… Con thỏ trong truyện ngụ ngôn Lá gan của thỏ [2; 39] đối diện với cái chết khó lòng thoát khỏi vì đã bị một con rùa tinh quái lừa cõng ra giữa biển nhằm giết chết thỏ và lấy lá gan về làm thuốc cho Long Vương chữa bệnh. Trong giây phút quẫn bách đó, thỏ đã nhanh trí nghĩ ra được một câu chuyện về việc cất giấu gan của mình trong đảo xa để lừa rùa đưa mình trở lại đất liền, nhờ đó mà nó không phải bị phanh thây cho Long Vương lấy gan làm thuốc. Và trong Lời hứa của hổ [2; 101], thỏ đã biết dùng mưu kế của mình để lừa hổ quay trở lại nhảy xuống hố như ban đầu, con người giữ được mạng của mình còn hổ thì phải trả giá cho lòng vô ơn của nó.
Con dê trong Con chó sói đói và con dê khôn ngoan [2; 51] đã không vì thảm cỏ xanh mướt ở bên kia đồi mà bị chui vào bẫy của chó sói, dê chấp nhận ăn những cọng cỏ khô cằn xơ xác mà giữ được mạng sống của mình còn hơn vì miếng ăn ngon mà biến mình thành bữa tối cho con vật đang đói khát thèm thuồng kia. Trước lời dụ dỗ “này anh dê ơi hãy nghe tôi, chỗ đó nguy hiểm lắm đấy, anh hãy vào gần đây mà ăn cỏ. Xem nào chao ôi toàn là cỏ non non lành biết bao” của chó sói, dê đã trả lời : “cám ơn anh, nhưng tôi thà ở đây ăn cỏ héo, còn hơn vào trong đó để làm miếng mồi ngon cho anh”.
Đề tài về trí thông minh còn được thể hiện trong những câu chuyện kể về những cậu bé học trò nhanh trí, nhờ biết cách “tương kế tựu kế” mà cậu học trò vừa được ăn mật ngon vừa không bị thầy giáo phạt đòn (Học trò ăn mật) [2; 11]. Cũng nhờ trí thông minh mà hai cậu bé trong truyện Con hổ ăn đá nóng [2; 78] đã không bị trở thành miếng mồi ngon cho hổ mà thậm chí còn lừa được hổ tự làm thương chính bản thân mình. Trong truyện Yêu tinh và bác nông dân [2; 86], người nông dân nhanh trí đã chẳng những lừa được con yêu tinh không hãm hại mình mà còn khiến cho nó khâm phục và bỏ đi xa, không còn ở lại trong nhà để quấy nhiễu ông nữa.
Ngoài trí thông minh, đức tính chăm chỉ và lòng yêu lao động cũng được người Hàn Quốc xưa ngợi ca trong rất nhiều truyện ngụ ngôn, thể hiện tinh thần cần cù chịu khó và truyền thống cầu tiến, vượt khó, ham học hỏi của người dân Hàn Quốc. Từ xưa, con người đã ý thức được tầm quan trọng của việc chăm chỉ lao động, không chỉ tạo ra của cải vật chất nuôi sống con người mà còn là nơi mà con người thể hiện được giá trị của bản thân mình, sống có ích cho bản thân mình và cho người khác. Người nông dân cả đời chăm chỉ lao động trước khi mất đi đã để lại cho ba người con trai lười biếng của mình một bài học về giá trị của sự lao động, đã thức tỉnh được ba người con của mình qua kho báu vàng không có thật. Người cha đã giúp con mình nhận thấy được cái kho báu đang có thật trong tay họ chính là sức lao động của họ và vườn nho của cha để lại (Người nông dân và ba con trai) [2; 58]. Còn cậu bé trong truyện Cậu bé hóa thành con bò [2; 49] đã phải trả giá cho sự lười nhác lao động của mình là bị hóa thành một con bò vất vả cày ruộng sớm tối, ăn không được no và luôn luôn bị người đánh đập. Đến khi tuyệt vọng tìm đến cái chết và được quay trở lại làm người, cậu mới hiểu được giá trị “con người” của mình và từ đó trở đi hăng say làm việc.
3. Phê phán những thói hư tật xấu của con người
Một trong những chức năng chính của ngụ ngôn là nhằm mục đích phê phán, phê phán cái xấu, chê bai cái không tốt, giúp con người nhận ra những khiếm khuyết còn tồn đọng trong chính bản thân mình để sửa chữa và hoàn thiện bản thân ngày một tốt hơn. Những thói xấu mà truyện ngụ ngôn hay đề cập đến đó là tính tham lam, lòng ganh tị, kiêu hãnh, hợm mình, khoe khoang hay học đòi, không biết đứng đúng vị trí của mình. Việc đưa ra những thói hư tật xấu điển hình để phê phán trong truyện ngụ ngôn nhằm mục đích giáo dục, khuyên răn con người nhận ra cái xấu mà tránh xa, hiểu được cái tốt mà học hỏi.
Thói khoe khoang kiêu hãnh được nhắc đến nhiều nhất trong nhóm chủ đề về thói hư tật xấu, và các đối tượng luôn khoe mình tài giỏi, mạnh mẽ, xinh đẹp hơn người cuối cùng đều nhận lãnh một kết cục đáng buồn. Trong rất nhiều trường hợp nhân vật còn phải trả giá bằng chính bản thân mình, như con gà trống trong Kết cục của kẻ thắng [2; 60] đã trở thành miếng mồi ngon cho đại bàng khi đứng trên mái nhà huênh hoang về sức mạnh của mình. Câu chuyện Cá to hối hận [2; 99] kể về một con cá to lớn trong biển cả, nó luôn tự hào về kích thước của mình, luôn đe dọa và gây nguy hiểm cho các loài cá nhỏ hơn và thường buông lời tội nghiệp: “bọn chúng thật đáng thương vì chưa bao giờ có được niềm vui trong cuộc sống mà cứ phải lo lắng và ẩn nấp, trong khi mình thì hạnh phúc biết bao vì được bơi lượn khắp nơi mà không phải sợ một ai cả”. Cuối cùng chính cái thói kiêu ngạo cho rằng mình to lớn đến nỗi những tấm lưới mỏng manh của loài người chẳng thể gây nguy hại được cho mình nên con cá to đã trở thành những bữa ăn ngon cho người khác. Trong câu chuyện về cây sồi và cây sậy [2; 75], cây sồi cao lớn luôn tự tin, tự kiêu về sức mạnh vững chãi của mình, đã không thông cảm mà còn chê bai dè bỉu người hàng xóm yếu ớt: “ha ha, anh thật đáng thương, nếu phải yếu ớt như anh tôi thà không được sinh ra còn hơn, chẳng có một cơn gió nào có thể làm thân tôi lắc lư nỗi”. Cuối cùng chính nó phải hứng chịu kết cục bi thương là gãy đổ trong gió bão trong khi cây sậy yếu ớt vì biết thân phận mình nên đã tìm mọi cách tránh được thương tổn. Con chim ác là may mắn được cha mẹ sinh ra với hình thức đẹp đẽ nhưng thay vì cảm ơn cuộc đời đã ưu ái điều đó cho mình thì nó lại tỏ ra khó chịu và xấu hổ khi phải sống chung với đồng loại của mình là những con chim ác là nhỏ bé, đen đúa và xấu xí. Nó cứ luôn miệng than thở “thật là bất công khi một con chim to lớn đẹp đẽ như tôi lại phải sống chung với những con chim xấu xí khác”. Nó cho rằng chỉ có nòi giống đại bàng mới phù hợp với vóc dáng của mình nên tìm đến và xin được làm anh em với chúng. Nào ngờ con chim tội nghiệp đã phải chịu nghe lời mỉa mai của đại bàng: “anh thật là trơ tráo khi coi thường nòi giống của mình, anh không xứng đáng sống chung với nòi giống vĩ đại của chúng tôi đâu”. Cuối cùng do thói kêu căng của mình mà con chim ác là to lớn đẹp đẽ kia lại phải chịu sống cô đơn suốt đời vì ngay cả nòi giống của nó cũng không chấp nhận chứa chấp thứ thành viên vô ơn bạc nghĩa đó [2; 53].
Đứng núi này trông núi nọ, ganh tị, học đòi cũng là những tính xấu được các tác giả dân gian Hàn Quốc đưa ra phê phán trong truyện ngụ ngôn. Con dê vì tức tối và ganh tị với lừa do không được ăn ngon như lừa nên đã bày mưu hại bạn. Dê xúi lừa nhảy xuống vách núi cho gãy chân để không thể lao động được nữa vì dê nghĩ rằng, khi lừa không thể giúp đỡ chủ cõng hàng trên lưng ra chợ mỗi ngày nữa thì sẽ bị chủ hắt hủi, không cho ăn ngon nằm ấm nữa. Nhưng dê có ngờ đâu, khi lừa thật thà làm theo kế hoạch của dê thì cuối cùng chính cái mưu kế ấy đã quay lại hại dê. Gậy ông đập lưng ông, dê phải oằn lưng vất vả thay lừa cõng hàng cho chủ trong khi lừa được chủ cho nghỉ ngơi bồi bổ và có cả bác sĩ thú y đến chăm sóc vết thương. Chính lòng ganh tị của dê đã khiến nó thành vật thế thân phải mang vác nặng thay cho lừa (Lừa và dê) [2; 46]. Còn con lừa trong Con lừa và bộ lông sư tử [2; 73] vì đã không biết thân phận mình, không biết chỗ đứng của mình ở đâu nên cuối cùng trở thành miếng mồi ngon cho chó sói. Giá như lừa đừng chụp bộ lông hổ lên người rồi đi dọa nạt người khác, giá như lừa biết mình là lừa chứ không phải là hổ thì kết cục có lẽ đã không đến nỗi bi thương như vậy.
TẠM KẾT
Nhìn chung, truyện ngụ ngôn Hàn Quốc cũng như thể loại ngụ ngôn trong kho tàng văn học dân gian của các quốc gia khắp các châu lục cũng đều là sản phẩm của trí tuệ con người, được sáng tạo nên bởi trí tưởng bay bỗng của con người từ những thời đại xa xưa. Đằng sau những hình ảnh sinh động, đơn giản tưởng như rất dễ hiểu của nội dung cốt truyện là những quan niệm triết lý và những bài học kinh nghiệm quý giá của người xưa truyền cho các thế hệ sau này. “Truyện ngụ ngôn là cách nói của tất cả các dân tộc, không đi sâu vào việc phản ánh đời sống dân tộc, cho nên có nhiều truyện không biết là của dân tộc nào nữa và được coi như là thành tựu chung của loài người. Truyện ngụ ngôn là kho tàng tri thức của nhân dân, phản ánh cuộc đấu tranh cho một cuộc đời tốt đẹp hơn, phản ánh sự vươn lên không ngừng của tư duy trong việc nhận thức thế giới và xã hội loài người” [1; 361].
Truyện ngụ ngôn Hàn Quốc cũng là nơi chứa đựng tư tưởng tình cảm và trí tuệ của người dân xứ kim chi, thấm đẫm tinh thần nhân văn trong những bài học sâu sa về đạo làm con, về tình anh em ruột rà máu mủ, về đạo làm người phải biết trước biết sau, sống và cư xử với nhau làm sao thấu tình đạt lý. Cũng như người Việt Nam, dân tộc Hà Quốc cũng là là những con người cần cù lao động, coi trọng đức tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó, không ngại khó khăn trong đời sống mưu sinh và sản xuất ra của cải vật chất. Họ quý trọng từng tất đất của ông cha để lại và khuyên răn con cháu biết chăm chỉ cần cù lao động và học tập. Chính những đức tính quý báu đó đã làm nên một dân tộc Hàn Quốc giàu có và lớn mạnh như hôm nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (1997); Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo Dục, HN.
- Phan Thu Hiền, Nguyễn Thị Bích Hải, La Mai Thi Gia, Đỗ Ngọc Luyến (2014); Ngụ ngôn Hàn Quốc; NXB Văn hóa văn nghệ, TPHCM.
- Đặng Văn Lung (chủ biên) (1997); Truyện cổ Hàn Quốc, NXB. Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.
- Toàn Huệ Khanh (2005); Nghiên cứu so sánh truyện cổ Hàn Quốc và Việt Nam thông qua tìm hiểu sự tích động vật, NXB ĐHQG Hà Nội
- Seo Jeong Oh (Đỗ Ngọc Luyến dịch) (2011); 100 chuyện ngày xưa đặc sắc Hàn Quốc, NXB Hội Nhà Văn.
- Cho Myeong Sook – Vương Thị Hoa Hồng (biên soạn và dịch) (2007); Những truyện cổ hay Hàn Quốc; Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và văn hóa Hàn - Việt.
- Muffinsong.com/ Korea stories.
- http://park.org/Korea/Pavilions/PublicPavilions/KoreaImage/hangul/litera
Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận Văn học, Niên san 2015