Con cò bay lả bay la; bay từ ngày cũ, bay qua…2000 Hay “Một đối sánh văn hóa dân gian xưa và nay”

 

Hai bức tranh

Trước khi đi vào một chủ đề mà tôi đoan chắc sẽ gây cho các bạn ít nhiều bất ngờ ngoài hình dung, xin mời các bạn thưởng lãm hai bức tranh qua sự mô tả có phần vụng về của tôi và cho nhận xét, theo những kinh nghiệm các bạn có thì đâu là văn hóa dân gian.

Bức tranh thứ nhất: Làng Diềm (tên chữ là Viêm Xá), xứ Kinh Bắc, thế kỷ 19. Nương là một liền chị tuổi đang mươi đang cùng với chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm sửa soạn nhà cửa, trầu cau, mâm cơm để tối nay đón khách là bọn quan họ nam ở làng Hoài Thị sang chơi và hát canh. Đây là một hoạt động thường xuyên của các bọn quan họ kết bạn với nhau, được chuẩn bị chu đáo, trang nhã, lịch thiệp. Canh hát sẽ kéo dài đến gần sáng hai bọn quan họ mới lưu luyến giã bạn (chia tay) ra về. Trong suốt canh hát, hai bọn nam nữ trao nhau những câu hát giao duyên đầy chất văn học: “Dù ai cho bạc cho vàng; Chẳng bằng trông thấy mặt chàng hôm nay”;“Ngày thì luống những âm thầm; Đêm nằm ít cũng tám, chín, mười lần chiêm bao”. Nương và những liền anh, liền chị khác ở làng Diềm say mê và yêu Quan họ hết mình, không quản khó nhọc, như đúng tên những bài quan họ cổ: “Chơi cho nước Hán sang Hồ”, “Chơi cho hòn đá nảy mầm”. Sau giờ làm đồng là Nương lại tất tả thu xếp việc nhà, sửa soạn để sang nhà cụ Thị, một bà “trùm”, đứng đầu bọn quan họ, để học hát, học giao tiếp, nói năng.

Bức tranh thứ hai: Sài Gòn, thế kỷ 21. Vân là một sinh viên đại học vừa trở về từ một chuyến phượt Đà Lạt với nhóm bạn. Tình hình đi chơi Đà Lạt của Vân mỗi ngày đều được cô chăm chỉ update (cập nhật) lên facebook cá nhân. Các bức ảnh được cô chụp khi thì rất nghệ thuật, khi thì là ảnh selfie (tự chụp) cùng nhiều caption (lời chú thích) mà cô cũng phải nghĩ “nát óc” mới ra, khi thì hài hước, khi thì “deep deep” lấy từ cách trích dẫn trong sách, lời những người nổi tiếng. Như thế đã xong đâu, rồi còn phải trả lời các bình luận của bạn bè thật đầy đủ, vui vẻ, hài hước (cũng lại phải suy nghĩ nhiều khi “nát óc”). Thỉnh thoảng nếu có suy tư gì thì cô sẽ viết note... Cô còn chăm chỉ lướt newsfeed để like, love, bình luận các post của bạn bè mình, cả thân thiết lẫn xã giao.

Các bạn thấy điểm chung gì giữa hai bức tranh, hai cuộc chơi này - “chơi Quan họ” và “chơi facebook”? Rằng “nghề chơi cũng lắm công phu” đúng không? Và còn một điểm chung nữa không kém phần bất ngờ: Nương và Vân, bằng những hoạt động của mình đang tham dự vào một nền văn hóa dân gian của thời đại mình đang sống, nếu chúng ta hiểu văn hóa dân gian (folk culture/ folklore) theo một định nghĩa rất rộng rãi và cởi mở ngày nay của giới nghiên cứu trên thế giới: văn hóa truyền thống và phi chính thống; văn hóa được con người học tập bằng đường truyền miệng hoặc cách quan sát, hơn là từ những tổ chức chính thống như trường học hay phương tiện truyền thông.

Có một đời sống dân gian sôi nổi trên không gian Internet

Trong thói quen suy nghĩ của chúng ta, văn hóa dân gian thường gắn với những gì xưa cũ thuộc thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta: những câu chuyện cổ tích bà kể, lời hát ru, những ngày hội làng, những phong tục truyền thống như ca hát Quan họ, hát Trống quân, hát ví dặm... Nếu nghĩ thế thì chúng ta có một nền văn hóa dân gian lụi tàn chăng, khi ngày nay hiếm ai hát ru những bài à ơi ví dầu cho trẻ con ngủ, hay trẻ con đô thị cũng ít khi được nghe bà kể “Tấm Cám”, “Thạch Sanh”. Và các sinh hoạt ca hát như Quan họ cổ truyền, dù được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” đi nữa, thì khả năng chúng ta được dự một buổi Quan họ truyền thống như trong miêu tả trên là 0%. Những gì chúng ta thấy trên truyền hình thực chất là một dạng thức quan họ sân khấu có kịch bản, được sắp đặt, có nhạc đệm, khác xa với Quan họ truyền thống vốn đầy ngẫu hứng, không có kịch bản, không cần nhạc đệm vì tự thân nó đã là một dàn nhạc tổng hợp.

Tuy nhiên, nếu chúng ta quan niệm văn hóa dân gian như một không gian văn hóa truyền thống, phi chính thống, linh hoạt và tương thích với từng thời đại, thì sẽ không có gì là xộc xệch nếu chúng ta xếp mạng xã hội hay môi trường Internet đương đại vào khung văn hóa dân gian cả. Giới trẻ ngày nay không ý thức rằng họ đang dự phần vào một môi trường văn hóa dân gian đầy sức sống như vậy. Chúng ta đã quen thuộc với những câu ca dao truyền thống, trong đó tính truyền thống thể hiện qua sự rập khuôn theo một motip/ công thức có sẵn và sự sáng tạo cá nhân thể hiện qua những dị bản hết sức đa dạng: “Thân em như giếng giữa đàng/ Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân”; “Thân em như miếng cau khô/ Kẻ thanh tham mỏng người thô tham dày”. Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cách diễn đạt như vậy trong giao tiếp và biểu đạt trên mạng, được cộng vào đó tính hài hước của một nền văn hóa trẻ trung: “Chỉ có đàn ông mới mang lại hạnh phúc cho nhau”, “Chỉ có phụ nữ mới mang lại hạnh phúc cho nhau” hay “Người yêu không có nhưng chó phải có một con”, “Người yêu không có nhưng bạn thân phải có một đứa”. Chẳng ai biết tác giả những câu nói trên chính xác là ai (tính vô danh); chỉ thấy người ta nói thì mình nói theo mà thôi (học tập thông qua quan sát)!

Không có sự giao tiếp mặt đối mặt ư? Không sao, đã có một kho những biểu tượng cảm xúc (emoticons), những hình động, những từ viết tắt (lol, kaka, hehe, ahihi, ahuhu) để tăng tính biểu cảm chính xác cho giao tiếp trên mạng. Sự biểu đạt thời đại kỹ thuật số có sự hỗ trợ đắc lực của ngôn ngữ, hình ảnh và âm thanh, những phần mềm cắt, ghép, chỉnh sửa ảnh, những app để “sáng tạo” ra một câu chuyện cho riêng mình như “text-story” (các câu chuyện thông qua tin nhắn qua lại giữa các nhân vật với nhau) với những công thức quen thuộc. Gây hứng thú trên mạng còn có các Internet meme (thường gọi là “ảnh dìm”, hình troll), sử dụng các nhân vật quen thuộc như Doraemon, Bạch Tuyết, Tổng thống Trump, Obama, “Cô giáo bọ cạp” rồi lắp ghép vào có các câu châm ngôn hài hước theo một công thức nào đó được biến tấu lại.

Không phải ngẫu nghiên mà người ta gọi thế giới ngày nay là một “global village” (ngôi làng toàn cầu) với sự phát triển như vũ bão của truyền thông, Internet, mạng xã hội. Tất cả những hào nhoáng, “kĩ thuật cao” đó cũng không che giấu được tính chất “village” (làng xã) của nó. Có một đời sống trên mạng xã hội đang vận động theo những tin đồn, những kinh nghiệm cá nhân, thậm chí những trò mê tín. Gần đến mùa thi, tôi lại bắt gặp các bạn sinh viên share hình ảnh những thần thìa, thần muỗng, thần trứng, thần bát, thần ếch, thần bóng rổ (?!) để mong vượt qua kỳ thi. Ngày xưa nếu gặp chuyện thị phi gì đó thì “bỏ làng/ bỏ xứ mà đi” ư? Ngày nay nếu lỡ mắc scandal nào đó trên mạng thì cứ cắt hộ khẩu facebook hay không dùng facebook nữa!

Thế còn ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, áo dài, những làng nghề truyền thống, Hội Gióng và Giỗ tổ Hùng Vương?

            Tất nhiên, đó vẫn là những di sản tinh thần quan trọng của người Việt Nam, đã kiến tạo nên tất cả chúng ta ngày hôm nay. Đoạn tuyệt với lịch sử, với truyền thống sẽ tạo nên những công dân bơ vơ, mất ý thức về bản sắc - điều tạo nên căn cước của một chúng ta trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa. Tuy nhiên khăng khăng hiểu truyền thống như những giá trị cố định, tĩnh tại, bảo tồn truyền thống cực đoan bất chấp những đổi thay về thời đại, không gian văn hóa, thị hiếu thẫm mĩ chắc chắn sẽ dẫn đến những thất bại nhãn tiền: cồng chiêng Tây Nguyên chơ vơ ngơ ngác khi không gian rừng thiêng của lễ hội làng - nơi tiếng cồng, tiếng chiêng là sự giao tiếp giữa con người với thần linh- không còn nữa mà chỉ còn “diễn” để phục vụ khách du lịch; những liền anh liền chị Quan họ đứng cầm micro hát trên thuyền ngả nón xin tiền du khách tạo thành một khung cảnh phản cảm và đau đớn.

Thomas Morus (tác giả cuốn Utopie, 1478-1535) từng viết:“Truyền thống không có nghĩa gìn giữ đống tro, Mà là chuyển tiếp ngọn lửa”. Rất nhiều người trẻ Việt Nam đã đón lấy ngọn lửa truyền thống đó và nhen nó lên giữa thế kỷ 20.

Hãy nhìn cánh cò của ngày xưa “Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” đã bay vào âm nhạc đương đại qua sáng tác của nhạc sĩ trẻ Lưu Hà An - quán quân “Bài hát Việt 2007” gây rưng rưng lòng người:

“Kìa có cơn giông ập đến rồi

Sấm đầu mùa rụng vang trời

Đón cơn mưa đầu tiên về

Để ngày mai

Tìm đàn cò trắng ở đầu vượt gió sải rộng cánh bay bay về phía chân trời

Bầu trời rộng lớn, lòng người rộng lắm

Đàn cò vút lên, bay về phía mặt trời

Cò ơi, thương những đêm lắm bùn lem

Để sáng nay khi mặt trời thức giấc lại khát khao bay lên lại bay lên”

(“Con cò”, nhạc sĩ Lưu Hà An)

Tôi còn biết một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đang thực hiện một dự án trên mạng xã hội tên là “Thủ phất thanh đài” (Under the Green Moss). Tên gọi thi vị của dự án này xuất phát từ một câu thơ của Nguyễn Trãi - “Tay phủi rêu xanh xem bia cổ”, nói lên mục đích của các bạn là mang lịch sử và văn hóa Việt Nam - vốn đang bị che phủ bởi một lớp rêu của thời gian, trở nên gần gũi với mọi người thông qua các phim ngắn và sản phẩm sáng tạo. Những MV của nhóm như “Bèo dạt mây trôi”, “Mười nhớ” với những nét vẽ lãng mạn, hiện đại và cổ điển khiến những ca khúc dân ca trở nên rất “duyên” và dễ tiếp cận với người trẻ qua cách phối nhạc đương đại, nền nã. Tình yêu nào với truyền thống thoát thai và mềm dẻo như thế.

Ở một góc khác lặng thầm hơn mà sức công phá có thể khiến chúng ta sững sờ là những nhà nghiên cứu trẻ đang làm công việc khám phá, phục dựng chiều sâu của tâm thức dân gian. Thế kỷ 20, chúng ta đã có một thế hệ những nhà nghiên cứu văn hóa gạo cội, tài hoa, uyên bác như Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Đổng Chi… đã bất chấp những điều kiện khó khăn của chiến tranh để đặt những nền móng đầu tiên của nghiên cứu văn hóa dân gian. Đến đầu thế kỷ 21, tuy vấp phải những khó khăn của việc đối tượng truyền thống đã cách khá xa thời đại của mình đang sống, nhưng lại được trang bị những lý thuyết đương đại của thời đại mới, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trẻ đã có những đóng góp thực tiễn trong công cuộc “hiểu về truyền thống”. Tôi muốn kể đến một trường hợp của nhà nghiên cứu trẻ sinh năm 1983 Nguyễn Mạnh Tiến và tác phẩm “Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’Mông” đoạt giải Sách hay 2015 của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) và Quỹ Phan Châu Trinh. Những bước chân thực địa đi về miền núi đá Đồng Văn và những thao tác dân tộc học thận trọng, khoa học đã giúp tác giả tái khám phá kho tàng văn học truyền thống của người H’Mông - tiếng hát mồ côi, tiếng hát làm dâu, tiếng hát cưới xin và tình yêu với những chiều kích và vỉa tầng ý nghĩa rất khác; qua đó dựng nên cấu trúc tâm lý tộc người H’ Mông, trong một nỗ lực “thấu hiểu tộc người” tuyệt vời. Tôi đã thực sự ngỡ ngàng với những trang viết tài hoa, triết lý, khoa học của Tiến - những trang viết đã dắt tôi qua những những lễ hội mùa xuân, những chợ tình, những phong tục kéo/ bắt/ cướp dâu, “phong tục”… tự vẫn bằng lá ngón, khiến tôi dậy lên niềm yêu lạ lùng với một tộc người trên dải đất Viết Nam mà trước nay tôi chưa hình dung đến sự quyết liệt, nổi loạn, tự do và mơ mộng của họ, đã nuôi dưỡng một nền văn hóa cá tính, độc đáo như thế nào trên những đỉnh núi cao mù sương kia. Với những trường hợp như Tiến, ai có thể nói người trẻ không yêu mến văn hóa dân gian? Tình yêu đó được cụ thể hóa bằng những chuyến thực địa dài ngày dù đồng lương nghiên cứu viên còm cõi, bằng công cuộc truy tầm sách vở, bằng những nghĩ ngợi miên man và công cuộc viết-học-viết như Tiến và các nhà nghiên cứu trẻ khác đang làm, có khiến chúng ta bớt bi quan về chủ đề “Người trẻ và văn hóa dân gian” chăng?

“Còn trời, còn nước, còn non/ Còn tôi, còn bạn thì còn…online”

Câu ca dao “chế” trên, vô tình thế nào, trùng hợp với lời tuyên bố “xanh rờn” của Alan Dundes - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hàng đầu của Mĩ: “Nơi nào có con người, có sự giao tiếp thì có folklore (văn hóa dân gian)!”. Nói như thế thì cũng có nghĩa folklore là… “trường sinh bất lão”. “Bất lão” bởi vì làm sao văn hóa dân gian có thể “già” được khi đặc trưng thì của nó là sự tếu táo, là hài hước, tự do, thậm chí… nổi loạn. Các đặc trưng đó lại trùng hợp với những đặc trưng của “giới trẻ” - cái trẻ không nằm ở tuổi tác mà còn nằm ở … tâm hồn và tinh thần không chịu được sự ngưng đọng, đứng yên. Nên như một quy luật, giới trẻ sẽ tìm đến văn hóa dân gian, sẽ sáng tạo ra văn hóa dân gian của thời đại mình, sẽ tự giác “đào xới” những di sản mà họ cảm thấy thiết thân, “dan díu” đến vận mệnh và thân phận của mình. Nên lo thì cứ lo, mà mong đợi thì cũng thật là mong đợi vậy! 

Chú thích ảnh: Một Internet Meme theo công thức "X all the Y" - một hình thức folklore thời đại kỹ thuật số của giới trẻ. 

Nguồn: Nhiều tác giả, Người trẻ thời 4.0 - Uy quyền lộng lẫy, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019, tr.18-25.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63561795
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8112
12114
63561795

Thành viên trực tuyến

Đang có 173 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website