Chế Lan Viên - độc đáo một tiếng thơ giàu sắc điệu

Nhân 25 năm ngày mất Chế Lan Viên

(19.6.1989 – 19.6.2014)

 

Quan niệm về giọng điệu văn chương đã được đề xuất và bàn luận từ lâu trong văn học dân tộc cũng như văn học thế giới. Đặc biệt là sự xác định qua các công trình lý luận văn học.

Khi đi sâu vào nghiên cứu Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nguyễn Đăng Điệp đã đề xuất hệ thống các khái niệm cụ thể, có ý nghĩa như  công cụ để tiếp cận, nhận diện và xác định những tiêu chí thẩm mỹ cho giọng điệu thơ ca.Công trình đã góp phần củng cố một cơ sở lý luận thống nhất và phần nào phát huy được những suy nghĩ cá nhân để tiếp tục mời gọi các nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên, có mấy vấn đề cần được đề xuất và nhấn mạnh thêm về quan điểm, định hướng phương pháp đặc thù để khám phá và nhận diện giọng điệu thơ ca.

 Cần đặc biệt chú ý cái tạng riêng và cảm hứng chủ đạo của từng tác giả. Thao tác khám phá cần phải được tiến hành một cách toàn diện, vì sự biểu hiện của giọng điệu trong thơ là ở tất cả - từ cấu trúc, ý tưởng, tứ thơ đến hình ảnh, ngôn ngữ, nhất là ý ngoài lời – phạm vi đòi hỏi sự cảm thụ tinh tế. Tâm trạng riêng nhưng tâm thế chung. Giọng điệu trong thơ bao giờ cũng mang tính lịch sử cụ thể.

TIẾNG THƠ BIẾN HOÁ MỘT ĐỜI THƠ

1) Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Chế Lan Viên

Trước hết, ta cần phân tích rõ chủ thể sáng tạo thơ.

Theo dõi quá trình sáng tác trong đời thơ Chế Lan Viên, có thể phân chia theo thời gian trên đại thể như sau:

-         Cái tôi trữ tình trong thơ trước Cách mạng Tháng 8.

-         Cái tôi trữ tình trong thơ giai đoạn 1945 – 1975.

-         Cái tôi trữ tình trong thơ những năm cuối đời.

Cũng xét trên đại thể, từ sau năm 1945 đã là khởi đầu cho sự hình thành cái tôi kiểu mới trong thơ ca cách mạng. Đối với Chế Lan Viên, đó là sự chuyển biến từ tôi sang ta, từ tháp ngà cá nhân ra cuộc đời chung. Điều đó cũng có nghĩa là “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”. Chế Lan Viên đã tự xây dựng được cái tôi công dân – tức cái tôi trữ tình yêu nước. Sự chuyển biến này cũng mang dấu ấn riêng của nhà thơ – “Đi xa về hoá chậm”, thực chất mang tính cách mạng rất quyết liệt:

“Ta là ai?” như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt

“Ta vì ai?” khẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh

                              Hai câu hỏi

Nói một cách thậm xưng, nhà thơ đã trải qua một cuộc lột xác. Cách mạng đã đổi đời, đổi thơ cho Chế Lan Viên. Quá trình tự cải biến mình phải trải qua biết bao nhiêu dằn vặt, tiếc nuối, xót xa và đau đớn: “Ta lấn từng nỗi đau như mùa chiêm lấn vành đai trắng/Lấn tật bệnh mà đi, máu đỏ lấn da xanh”. Thơ có giọng ngậm ngùi, day dứt là vì vậy.

Sự biến chuyển của nhà thơ có thể thâu tóm qua mấy cuộc hành trình lớn:

Cái tôi hoà nhập vào cái ta cộng đồng

Đây là thời đoạn từ cái tôi tự ca hát chuyển sang cái tôi tập nói. Gửi các anh là bằng chứng cho sự chuyển giọng điệu ấy – từ cái tôi cao đạo, kiêu sa trở thành cái tôi quần chúng. Chế Lan Viên bắt đầu nói về những người khác: “Các anh ơi! Các anh, những người đã khuất”. Chào mừng  có điệp khúc mở đầu: “Các anh ơi!”, và sau đó mới là “Chúng ta/ Anh em chúng ta”. Nhà thơ đã có đối tượng giao tiếp mới: Gửi các anh, Gửi mẹ trong vùng tạm chiếm…

Cái tôi ca hát về cuộc sống mới

Thời đoạn này bắt đầu từ tập Ánh sáng và phù sa. Cuộc đấu tranh nội tâm tiếp tục diễn ra một cách quyết liệt. Nhật ký một người chữa bệnh đã có những bứt phá mạnh mẽ để tạo được sự hồi phục – cũng có nghĩa là sự hồi sinh. Chế Lan Viên đã mượn lời đau để nói lên niềm vui: “Nhưng ngày mai tiếng hát kịp theo lòng/ Thì lấy câu vui mà dệt đời hồng”. Nhà thơ   tâm niệm: “Mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình”. Thơ Chế Lan Viên có rất nhiều lời ca trong cuộc đời chung: “Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”.

Cái tôi đã dần dần tìm lại được chính mình. Và, tiếng hát tâm hồn bắt đầu cất cao thành khúc hát cuộc đời mới.

Đất nước đi vào một thời kỳ lịch sử mới - vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Cao trào chống Mỹ cứu nước đã huy động tổng lực sức mạnh của nhân dân, đánh dấu sự hiện diện của nhà thơ trong tư thế mới.

Cái tôi thi sĩ – chiến sĩ

Đây là thời đoạn thơ đầy thử thách của nhân cách:

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ

Bên  những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi

Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

Cái tôi sử thi - cái tôi đạo đức thế sự.

Những năm cuối đời, nhà thơ mang tư thế mới, cũng như có tâm trạng mới.

Vẫn còn chừng mực nào đó của cái ta, nhưng giờ đây, nhà thơ trở lại cái tôi nhân danh chính mình. Có đối thoại, nhưng bao trùm là độc bạch trong thơ.

Cái tôi tự nói với mình về thế sự, nhân tình, về số phận riêng trong cuộc đời, qua đó thể hiện dấu ấn đời tư khá rõ. Trong thơ còn có cả những vướng mắc, trăn trở - Tháp Bayon; Ai? Tôi!... và cả sự thách thức, đối mặt với bệnh tật, với cái chết – Các mùa hoa, Từ thế chi ca,...

     2/ Sự vận động và biến hoá giọng điệu thơ

Sự vận động của cái tôi trữ tình chính là sự xuất hiện của những vị thế, những gương mặt tâm hồn khác nhau. Kèm theo đó là sự diễn biến đa dạng của các phương tiện biểu hiện trữ tình: thay đổi cảm hứng, sự tiến hoá của giọng điệu, ngôn ngữ, sự biến hoá của hình ảnh, hình tượng thơ.

Thật khó có thể khái quát và định danh một giọng điệu chung cho một thời kỳ sáng tác trải dài và đầy biến động phức tạp.

Tuy nhiên, một cách tóm lược, ta có thể nhận diện được giọng điệu cơ bản như âm hưởng thơ của một thời. Sau đây là một cái nhìn đại thể:

-         Thời kỳ đầu đời: Giọng điệu sầu hận, kinh hoàng, gay gắt.

-         Thời kỳ từ sau Cách mạng: Giọng điệu oai nghiêm, tha thiết, hào sảng.

-         Thời kỳ cuối đời: Giọng điệu thâm trầm, suy tưởng, day dứt.

Mỗi thời kỳ, giai đoạn những giọng điệu ấy lại mang những sắc thái, những cung bậc phong phú nội tại theo những càm hứng đa dạng, cụ thể khác nhau.

Có sự đan xen tiếp diễn những sắc điệu, thậm chí có khi ta bắt gặp sự trở lại của giọng thơ cũ nhưng đã mang sắc thái khác. Chẳng hạn như sự tiếp nối nhưng hạ dần sắc d0ộ sư thi vào cuối đời. Lúc này, ta dễ dàng nhận ra sự trở về của giọng buồn đau mông lung thời Điêu tàn nhưng nét mới là có sắc thái rắn rỏi hơn nhiều với niềm tin thiết tha: “Tro tàn đẻ ra lửa/ Em hãy tin ở đời” (Ngũ tuyệt về lòng tin – Hoa trên đá), “Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên” (Từ thế chi ca – Di cảo thơ I).

Thơ trước và sau 1975 là sự đổi giọng một cách có ý thức:

Giọng cao bao nhiêu năm, giờ anh hát giọng trầm

Giọng trầm – Di cảo thơ I

Sự đổi giọng ấy là sự thay đổi thế ứng xử của nhà thơ.

Sau đây là một vài khảo sát cụ thể về hành trình giọng điệu thơ:

Giọng buồn đau sầu não uất hận trong Điêu tàn (và Thơ không tên)

Lấy tư cách người dân Chăm than khóc cho đất nước Chiêm Thành quá vãng, nhà thơ có những câu hỏi cho những hồn ma, bóng quỷ trong những ảo tưởng, ảo giác, ảo vọng.

Những câu hỏi thảng thốt, hãi hùng mơ hồ đầy rẫy: “Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối/ Mi trông mong ao ước điều chi” (Cái sọ người), “Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư Vô?/ Ai réo gọi trong muôn sao, chới với?” (Ngủ trong sao). Thậm chí Ta như hoảng loạn: “Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?... Ai bảo giùm: Ta có Ta không?”. Hỏi ngoại cảnh, không có lời đáp, thi sĩ đành quay về hỏi lòng mình: “Mảnh hồn ta tiêu diệt tự bao giờ?” (Điêu tàn – thoát ra cõi ta để tìm về cái ta, Hoàng Diệp).

Với hồn thơ cô độc, Chế Lan Viên tìm tới cảnh ngộ buồn đau. Đó cũng là tình trạng bế tắc của cả một thế hệ thi sĩ lãng mạn. Giọng điệu thơ Chế Lan Viên mang sắc độ uất hận kinh hoàng, gay gắt, chối bỏ hiện tại thật quyết liệt.

Giọng ân hận chân thành, say sưa ca ngợi đất nước và cuộc đời mới

             Có  khúc dạo đầu khởi xướng thật vui tươi,đầy khí thế:

Ánh sáng và phù sa là một bản tự kiểm đầy nuối tiếc, ân hận như một cái tôi trăn trở khôn nguôi. Ngoảnh lại mùa đông, Ngoảnh lại mười lăm năm là cái nhìn xót xa với quá khứ. Nhưng từ đây đã dấy lên một sắc diện mới, một tư thế mới và từ đó là một giọng điệu mới: “Soi gương hồng cả gương soi/ Đứng, đã với cành cao ngất/ Đi, mơ những bước dài”. Tiếng chim hót đã là tiếng hát tâm hồn. Ta chứng kiến những giọng điệu say sưa, hào hứng, hoà hợp: Tiếng chim, Tiếng hát con tàu,...

Chất giọng mới này là của con người gắn bó với cuộc sống hiện tại trong niềm vui giữa muôn người. Cái tôi từ chỉ hướng nội trong thế giới tưởng tượng của riêng mình đã chuyển sang hướng ngoại với đất nước, với cuộc đời chung rộng lớn, tạo nên giọng đa thanh trong thơ Chế Lan Viên, kể cả màu sắc và triết lý nhân sinh mới: “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”.

Tuy nhiên, giọng điệu trong thơ Chế Lan Viên chỉ thực sự cất cao từ Hoa ngày thường  Chim báo bão. Ngay lập tức, nó đã trở thành giọng điệu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ sử thi một thời.

Nổi bật trong giọng điệu ấy là âm hưởng chủ đạo: giọng điệu trang nghiêm, tha thiết, hào sảng. Ta có thể thấy rất rõ điều này qua cụm ba bộ thơ: Hoa ngày thường  Chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới và phần nào coi như vĩ thanh qua Hái theo mùa (1973 – 1977).

Thích hợp với khuynh hướng sử thi là giọng điệu trữ tình sử thi tạo nên giai điệu nhất quán trong cả một giai đoạn sáng tác. Trên dải phổ giọng điệu, ta có thể nhận ra những gam màu chủ đạo ứng với nội dung cảm hứng. Trữ tình nhân bản nổi bật gam giọng  tha thiết, đằm thắm (Hoa ngày thường...), trữ tình chính luận – dạng trữ tình chính trị  đậm chất – sẽ có gam giọng hào sảng (Chim báo bão...).

Nền tảng của cảm hứng sử thi thơ Chế Lan Viên là bao quát, từ cảm hứng cách mạng; cảm hứng về Tổ quốc; cảm hứng về Đảng, về Lãnh tụ, về lịch sử, dân tộc. Đây cũng là cảm hứng của thể tài lịch sử dân tộc gần gũi với cảm hứng chủ đạo thơ Tố Hữu.

Thơ Chế Lan Viên là tiếng nói, là lời kêu gọi, tuyên bố đầy sức mạnh, khí thế, quyền uy - một thời đưa nhà thơ lên hàng ca sĩ hào hùng bậc nhất:

Ôi! Tổ quốc, ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta, như vợ như chồng!

Ôi, Tổ quốc! Nếu cần ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...

                              Sao chiến thắng

 

Tên Tổ quốc vang ngoài bờ cõi

Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng

                  Thời sự hè 72, bình luận

Tổ quốc được định nghĩa với nhiều tầm vóc lịch sử - Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?; Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa... Nhân dân, Dân tộc cũng được đặt  trong thời đại: “Nhân dân không có thanh gươm vung một cái đến trời mây/ Nhưng lại gánh lịch sử đến nghìn lần lớm hơn đời họ”:

Nhân dân – cơn bão lớn chuyển rung thời đại

Nhân dân – nguyên tử năng và sức mạnh dây chuyền

                              Thơ bổ sung

Nhà thơ quan niệm: “Thần chiến thắng là những người áo vải/ Những binh nhất, binh nhì mười tám tuổi” (Sao chiến thắng). Thật bình dị và hào hùng!

Ở một đối cực khác, thơ Chế Lan Viên mang giọng điệu tha thiết và chân thành. Người chiến sĩ kiêu hùng cũng là một người tình đằm thắm. Tình ca ban mai là bài thơ tình yêu cho muôn đời. Chùm thơ về tình yêu của người thi sĩ, cũng là thơ về tình người và tình đời. Chất anh hùng ca và tình ca hoà quyện trong một tiếng nói của thời đại: DIỆT MỸ LÀ CAO CẢ CỦA TÌNH YÊU (Suy nghĩ  1966).

Chủ đề: Đảng và Lãnh tụ được thể hiện với một giọng điệu đặc sắc: vừa trang trọng, linh thiêng lại vừa ân tình, tha thiết: “Đâu chẳng đất lành Tổ quốc/ Chẳng tình Đảng dạy dân nuôi” (Ngoảnh lại mùa đông). Tập thơ Hoa trước lăng Người thấm đượm một giọng thành kính, thiêng liêng. Tiêu biểu nhất là Người đi tìm hình của Nước, Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi, Ta nhận vào ta phẩm chất của Người, Trong Lăng và ngoài lăng.

Thơ từ sau 1975 của Chế Lan Viên có thể coi là thuộc mảng thơ trữ tình – thế sự.

Một sự hạ giọng cố ý kèm theo một chủ định tạo giọng điệu thơ mới với cảm hứng thế sự - cảm hứng đời thường.

Nổi lên giọng điệu thâm trầm, suy tưởng day dứt trong thơ vào cuối đời

Thực ra, có sự tiếp nối của giọng cao mang tính sử thi. Giọng cao ấy có hai khía cạnh chủ yếu: yêu căm. Một mặt là giọng hát say mê, tự hào cao độ khi ca ngợi Tổ quốc, nhân dân trong sự nghiệp chiến đấu anh hùng. Mặt khác, đó là giọng phẫn nộ giận dữ, căm hờn như trút lửa để lên án, tố cáo, luận tội kẻ thù. Ở đây, ta cũng thấy một mạch rẽ: giọng đanh thép phê phán về ý thức hệ như chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa bành trướng khi nêu cao lý tưởng chiến đấu: “Hỡi những tấm lòng lạnh tanh máu cá/Những nhiệt tình xuống quá độ âm!/Có nghe tiếng ngư lôi và cao xạ?”(Sao chiến thắng)“Bịp thế giới bằng số tỉ dân, bằng khối thịt biển người đồ sộ/ Lũ “thái thú” tân trang bằng một ngọn cờ hồng” (Thần chiến thắng).

Giọng thơ Chế Lan Viên hạ dần. Giọng chính luận trước đây mang khí vị hào hùng đã chuyển sang triết luận thầm trầm, kết lắng, chất hùng biện được thay bằng sự suy tưởng.

Sự chuyển biến giọng thơ là dấu hiệu rõ rệt của điệu tâm hồn nghệ sĩ. Nhà thơ về với đời thường là con người trầm tư, nhìn đời với con mắt trải nghiệm và một thế ứng xử mới.

Có những niềm vui vẫn nuôi dưỡng tâm hồn và khí phách  nhưng nhà thơ cũng có không ít trăn trở, bức xúc và buồn đau.

Giọng trầm giờ đây mang nhiều cung bậc khác nhau. Có khi  đều là trầm – trầm ấm, lắng đọng nhân tình, lại có lúc là trầm buồn đau, xót xa. Khi nhà thơ đi sâu vào cõi tâm linh thì đó lại là thâm trầm, hư tưởng, hoài  nghi hoặc trầm tĩnh, an nhiên, siêu thoát.

Thơ thiên về tâm sự, tâm tình nên có cả sắc thái trần tình, thuật hứng, cảm hoài, nhất là ở những bài tứ tuyệt. Từ không gian quảng trường về với không gian đời tư, không gian tâm tưởng là một sự thay đổi lớn. Đã nhiều lúc, nhà thơ đối diện với chính mình, đối thoại với bản thân – tức độc thoại.

Từ “hát” chuyển sang “nói”, rồi từ “nói to” chuyển thành “nói nhỏ” – thầm thì, tỉ tê là những trạng thái, những tâm thế khác biệt. Tuy nhiên, ở Chế Lan Viên thường có sự đan lồng, xen kẽ giọng điệu với những sắc thái linh hoạt: trầm buồn man mác, bâng khuâng, u hoài – Côn Sơn, Lau biên giới, Mồ mẹ nhưng vẫn trầm ấm, yêu thương. Giọng thơ có lúc mang khí vị mỉa mai, chua xót, đắng đót – Bị lừa, Cuội, Thời thượng, Lộn trái,... như tiếng cười gần gũi với tiếng khóc.

Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả phức tạp, thế sự, nhân tình thế thái vẫn là một giọng trầm ngâm triết luận thanh thản. Người đọc như cùng nhà thơ đi đến một thế giới mông lung, kỳ ảo, đầy suy tưởng – Hỏi. Đáp, Siêu thực, Các mùa hoa, Lãng quên, Sóng,...

II/ VỀ ĐẶC TRƯNG GIỌNG ĐIỆU VÀ HIỆU ỨNG NGHỆ THUẬT

1)    Tiếng thơ Chế Lan Viên là một quá trình biểu hiện của một giọng điệu biến hoá đa thanh sắc

Là nhà thơ mang tâm hồn cực kỳ nhạy cảm, Chế Lan Viên thích ứng rất nhanh nhạy với các tiến bộ trong nghệ thuật.

Thơ là tiếng nói cá nhân trước cuộc đời như một sư vang ứng. Đó chính là tiếng nói của cuộc sống dội vào nội cảm thi nhân. Giọng điệu thơ, tuy là điệu hồn của cá nhân nhà thơ, nhưng bao giờ cũng có sự tác động của nhịp điệu đời sống. Hơn nữa, đó cũng là sự vang ứng với chất giọng thời đại.

Nhìn chung một đời thơ của Chế Lan Viên là giọng thơ trữ tình chính – triết luận. Đó cũng là phát ngôn của một chủ thể thiên về duy lý hơn duy cảm, với mạch chính là dòng suy tưởng trên nền cảm xúc.

Nổi lên trong từng giai đoạn là giọng trữ tình cá nhân, trữ tình công dân, theo khuynh hướng là trữ tình sử thi và trữ tình thế sự. Trong mỗi giai đoạn thường có sự đan lồng, kết hoà hoặc tương tác như trữ tình nhân bản và trữ tình sử thi – Hoa ngày thường Chim báo bão.

Hiện tượng thơ Chế Lan Viên không phải là duy nhất, nhưng là một trong những biểu hiện rõ nhất của tiến trình hiện đại hoá thơ theo tiến bộ của nghệ thuật. Mảng thơ về thơ có rất nhiều quan niệm của một ý thức cách tân thơ ca.

2)    Sự thể hiện một cá tính sáng tạo mạnh mẽ

Giọng điệu thuộc về hình thức, về phương tiện biểu hiện của thơ. Đây ;à hình thức mang tính quan niệm, tức là nét thi pháp nghệ thuật thơ Chế Lan Viên.

Giọng điệu thơ Chế Lan Viên mang đặc sắc cá tính sáng tạo của chủ thể, cũng bộc lộ rõ nét phong cách nghệ thuật thơ. Gam giọng đặc hiệu mang bản sắc Chế Lan Viên là trữ tình chính – triết luận như một chất lượng mang giá trị nghệ thuật. Tiếng thơ góp phần hiệu quả cho việc nhận diện gương mặt thơ độc đáo - Chế Lan Viên.

3)    Hiệu ứng nghệ thuật của một tiếng thơ đa sắc điệu

Chế Lan Viên có nhiều đóng góp về đổi mới thơ hiện đại. Hiện tượng chung nhất là sự chuyển biến từ thơ điệu hát thành thơ điệu nói như chuyển động có tính lịch sử. Không hẳn chỉ về hình thức mới – tương tác thơ và văn xuôi mà đây còn là một chất giọng mới của nhà thơ. Ảnh hưởng này lan toả trên thi đàn, có tác động đến nhiều thế hệ  thi sĩ – từ thời chiến đến các lớp trẻ sau này. Đặc biệt, những năm 60, 70 có những hiệu ứng khá rộng rãi và mạnh mẽ của Chế Lan Viên với lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ. Chất chính luận và triết luận gia tăng trong trữ tình sử thi, cũng như trữ tình thế sự.

Hiện tượng thơ Chế Lan Viên như về giọng điệu cũng mang đặc trưng rất linh hoạt trong định nghĩa, nhận diện, vận dụng và phân tích. Đó là những khái niệm “nhoè, mờ” chẳng khác nào Toán – là một môn khoa học chính xác mà cũng có Tập mờ.

Chẳng hạn, giọng điệu thể hiện thuộc hình thức nghệ thuật nhưng thể hiện được rất rõ tư tưởng, tình cảm, kể cả tư thế nhà thơ (Anh, Tôi, Ta, Ai,...). Giọng điệu như vậy có tính chất giao thoa giữa thi pháp và phong cách.

Mặt khác, Chế Lan Viên rất có ý thức lập nên một điển pháp thơ về rất nhiều lĩnh vực nội dung và hình thức thơ – Quan niệm thơ, Thơ thế kỷ, Thi pháp (Thi pháp ồn, Thi pháp trẻ,...), Vần, Vần... và chữ... Di cảo thơ (3 tập) như muốn tổng kết đời thơ. Riêng về giọng điệu thơ, như đã trình bày, có rất nhiều khái niệm vừa có tính chất lý luận, vừa là thể nghiệm thực tiễn của bản thân.

Ta có thể thấy được giọng điệu của nhà thơ ở các cấp độ: giọng điệu tác phẩm, giọng điệu nhà thơ, giọng điệu cá nhân, giọng điệu thế hệ, giọng điệu thời đại... Tóm lại, điển pháp thơ Chế Lan Viên được trình bày rất sâu, rất rộng về các nhận thức và các quan niệm nghệ thuật một cách sáng tạo.

Có thể thống nhất nhận định: Chế Lan Viên như đang đồng hành với chúng ta.   Là  bậc thi hào  mà những sáng tạo nghệ thuật chưa có hồi kết.

 

Tài liệu tham khảo:

(1)  Nguyễn Đăng Điệp (2002) – Giọng điệu trong thơ trữ tình – Văn học.

(2)  Đoàn Trọng Huy (1993) – "Đôi điều về quan niệm nghệ thuật của Chế Lan Viên" – Tạp chí Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật số 111.

(3)  Đoàn Trọng Huy (1993) – Khuynh hướng vận động thơ Chế Lan Viên từ sau 1975, in trong Chế Lan Viên - Về tác gia và tác phẩm – Giáo dục, 2002.

(4)  Đoàn Trọng Huy (2006) – Nghệ thuật thơ Chế Lan Viên – Đại học Sư phạm..

(5)  Đoàn Trọng Huy (2009) – "Tiếng cười trong thơ Chế Lan Viên" – Tạp chí Văn hoá nghệ thuật số 304.

(6)  Phùng Quý Nhâm (2003) – Văn hoá và văn học từ một góc nhìn – Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.

(7)  Lê Ngọc Trà (1988) – Lý luận và văn học – Trẻ.

Danh mục website