Phỏng vấn giáo sư Huỳnh Minh Đức

Tiểu dẫn :

Năm 2013 trong chương trình hợp tác giữa các nhà nghiên cứu ở Đại học Đài Bắc (Đài Loan) và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM (Việt Nam) về các nhà Trung Quốc học thế giới đã chọn GS. Huỳnh Minh Đức là một trong 20 nhà Trung Quốc học tiêu biểu ở Việt Nam. Bài phỏng vấn dưới đây do TS. Nguyễn Ngọc Quận thực hiện từ chương trình đó.  

20230910

Lời dẫn về GS. Huỳnh Minh Đức: Thuở nhỏ, ông ở nhà bố mẹ bên bờ sông Đồng Nai, TP. Biên Hoà. Khi có gia đình riêng ông ở nhà số 26 lô H, cư xá Nguyễn Thiện Thuật, P.1, Q.3, TP.HCM. Những năm gần đây, ông về ở ngôi nhà cổ của cha mẹ để lại bên bờ sông Đồng Nai nói trên. Đầu tháng 9 năm 2023, GS. Huỳnh Minh Đức đã qua đời.

Các công trình chủ yếu:

  1. Thương hàn luận (Nxb. Đồng Nai, 1995),
  2. Dịch lý y lý (Nxb. Đồng Nai, 1998),
  3. Hoàng Đế nội kinh Linh khu, quyển I (dịch và chú giải, Hội Y học dân tộc cổ truyền Đồng Nai xuất bản, 1989),
  4. Hoàng Đế nội kinh Linh khu, quyển II (dịch và chú giải, Hội Y học dân tộc cổ truyền Đồng Nai xuất bản, 1989),
  5. Hoàng Đế nội kinh Linh khu, quyển III (dịch và chú giải, Hội Y học dân tộc cổ truyền Đồng Nai xuất bản, 1990),
  6. Hoàng Đế nội kinh Tố vấn (Hội Y học dân tộc cổ truyền Đồng Nai xuất bản),
  7. Hoàng Đế nội kinh Nan kinh (Hội Y học dân tộc cổ truyền Đồng Nai xuất bản),
  8. Vấn đề Ngũ vận Lục khí trong Y học Đông phương (Nxb. Đồng Nai)
  9. Hán văn dành cho Y học Đông phương (Thành hội Y học dân tộc cổ truyền TP. Biên Hoà, Câu lạc bộ Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, Lưu hành nội bộ, 1988),
  10. Châm cứu thực hành­ Linh quy bát pháp (Thành hội Y học dân tộc cổ truyền TP. Biên Hoà, Câu lạc bộ Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, Lưu hành nội bộ, 1986),
  11. Cẩm nang châm cứu thực hành Thái Ất thần châm cứu (Thành hội Y học dân tộc cổ truyền TP. Biên Hoà, Câu lạc bộ Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, Lưu hành nội bộ, 1987),
  12. Châm cứu thực hành Tý ngọ Lưu Chú (Thành hội Y học dân tộc cổ truyền TP. Biên Hoà, Câu lạc bộ Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, Lưu hành nội bộ, 1986).

Bài nghiên cứu về văn học cổ Việt Nam và văn học cổ Trung Quốc:

  1. “Tiểu thuyết Trung Quốc” (tạp chí Nghiên cứu Văn học, Sài Gòn),
  2. “Vấn đề Lão tử và Đạo đức kinh” (tạp chí Nghiên cứu Văn học, Sài Gòn),
  3. “Nhà Tây Chu và chế độ phong kiến” (tạp chí Văn khoa, Sài Gòn),
  4. “Chung quanh hai chữ ‘Tây minh’ trong Lục Vân Tiên” (tạp chí Văn khoa, Sài Gòn),
  5. “Hiếu trong đời Kiều” (tạp chí Nghiên cứu Văn học, Sài Gòn),

 

NỘI DUNG PHỎNG VẤN

Hỏi: Thưa ông, được biết trước đây ông học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Xin ông cho biết là ông tốt nghiệp ĐH năm nào?

Đáp: Không nhớ. Lâu quá mà.

Hỏi: Được biết ngày xưa ông học Đại học văn khoa ngành Việt Hán, đúng không ạ?

Đáp: Đúng. Việt Hán.

Hỏi: Nghe nói thời đại học, ông là một SV xuất sắc, đặc biệt là rất giỏi tiếng Hán hiện đại. Được biết là lúc này ông có dịch sách chữ Hán ra Việt cho SV làm tài liệu học tập, có chuyện đó không?

Đáp: Tôi vô năm thứ Nhứt, bắt đầu dịch cuốn Trung quốc triết học sử, của Hồ Thích, và là SV duy nhất dịch cuốn sách này.

Hỏi: Thưa ông, tài liệu dịch đó được dùng cho SV năm thứ mấy?

Đáp: SV năm thứ Ba và năm thứ Tư.

Hỏi: Môn học gì cần tài liệu đó, và Giáo sư nào dạy môn đó, thưa ông?

Đáp: Môn Triết học Trung Quốc, GS. Nguyễn Đăng Thục dạy.

Hỏi: Ông được ĐH Văn khoa giữ lại trường làm giảng viên ĐH ngay sau khi tốt nghiệp ĐH, hay là sau một thời gian đã làm việc ở đâu?

Đáp: Sau một thời gian. Sau khi ra trường, tôi về dạy ở Trường Trung học Kiến Hoà, môn Việt văn ở Đệ nhị cấp. Trường này ở Bến Tre. Sau đó, Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục mời tôi về làm Chuyên viên về Hán văn.

Hỏi: Thời gian bao lâu sau đó thì ông được mời về giảng dạy ở ĐH văn khoa?

Đáp: Sau chừng hai năm.

Hỏi: Ông dịch quyển Trung Quốc triết học sử của tác giả Hồ Thích từ khi là SV năm thứ Nhất, và theo một số tài liệu trước đây thì ông hoàn thành bản thảo vào năm 1965, viết lời tựa ngày 15-8-1969, được cấp giấy phép xuất bản ngày 21-01-1970. Điều đó đúng không?

Đáp: Tôi dịch xong lúc còn trẻ lắm, còn nhỏ xíu hà.

Hỏi: Được biết, tác phẩm này đã được giải thưởng dịch thuật, xin ông cho biết rõ thêm điều này.

Đáp: Tác phẩm này được giải thưởng hạng Nhì toàn quốc về dịch thuật. Một người nữa cũng được giải dịch thuật hạng Nhì như tôi. Không có hạng Nhất.

Hỏi: Thưa ông, đơn vị, tổ chức nào cấp giải thưởng này?

Đáp: Đó là Phủ Quốc Vụ khanh đặc trách Văn hoá của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (ở Miền Nam) bấy giờ. Người ký tặng Giải thường này là ông Mai Thọ Truyền.

Chú thích: Trên Bằng GIẢI THƯỞNG DỊCH THUẬT (treo tại ngôi nhà cổ ở Biên Hoà nơi ông đang sống) có ghi thông tin: Giải nhì đồng hạng về loại tác phẩm: Hán văn của người ngoại quốc, dịch ra tiếng Việt về cuốn Trung Quốc Triết học sử của Hồ Thích, do Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hoá là ông Mai Thọ Truyền ký ngày 31/3/1971.

 Hỏi: Thưa ông, những SV của ông thường nhắc đến câu chuyện thú vị khi ông lên nhận giải thưởng trên lễ đài (GS. HMĐ bật cười: Khà khà). Cử toạ hôm ấy hầu hết là người cao tuổi đều tưởng là ông đi nhận thay cho bố ông, vì lúc này ông còn rất trẻ, ngoài dự đoán của mọi người! Đó là ấn tượng đẹp, khó quên trong đời ông. Ông còn nhớ chuyện ấy không?

Đáp: Những người đi nhận giải thưởng như tôi đều già hết, không ai tin là tôi nhận giải thưởng cho tôi. Họ tưởng tôi nhận thay cho bố tôi.

Hỏi: Ông còn nhớ hôm tổ chức trao giải thưởng là tại đâu không?

Đáp: Ở một trường học thuộc Quận 5.

Hỏi: Phần thưởng này có kèm theo tiền không ạ?

Đáp: Có. Về mua hai cái máy truyền hình.

Hỏi: Ngoài tấm Bằng dịch thuật đã nói, giải thưởng còn có bao nhiêu tiền?

Đáp: Hồi đó, vàng rẻ lắm (so với tiền thưởng).

Hỏi: Thế ông có mua vàng không?

Đáp: Không. Tiền tôi dùng in sách.

Hỏi: Được biết, ông làm Luận án Tiến sĩ, khi ở giai đoạn cuối, chưa bảo vệ thì phải dừng lại do sự kiện 30 tháng Tư (năm 1975), và kéo theo các cấp học Sau đại học bấy giờ tạm thời bị đứt đoạn. Xin hỏi, ông bắt đầu học Tiến sĩ từ năm nào, và do ai hướng dẫn?

Đáp: Tôi đậu bằng Cao học rồi, tôi thi vô Tiến sĩ, do GS. Bửu Cầm bảo trợ.

Hỏi: Cùng khoá với ông có ai nữa không?

Đáp: Đó là khoá học Tiến sĩ đầu tiên ở đây. Cùng khoá có hai người nữa.

Hỏi: Ông dự định năm nào làm xong và trình Luận án này?

Đáp: Tôi dự định giữa tháng 5 sẽ xin trình Luận án thì Giải phóng (chỉ sự kiện 30 tháng 4.1975). Luận án viết xong hết rồi.

Hỏi: Công trình Luận án này đến nay ông còn giữ không?

Đáp: Cái này (GS. HMĐ chỉ vào hai tập Luận án đóng bìa mềm, giấy A4, để trên bàn. Ở bìa có ghi: "Sự nghiệp chánh trị của Lương Khải Siêu qua văn chương của ông", Luận án Tiến sĩ văn chương Trung-Hoa, G.S. bảo trợ: G.S. Bửu Cầm, nguyên Giáo sư thực thụ ĐH Văn khoa Sài gòn, S.V. đệ trình: Huỳnh Minh-Đức, nguyên Giảng sư ĐH Văn khoa Sàigòn, Tập 1, và Tập 2 cũng trình bày như trên, tổng cộng 494 trang).

Hỏi: Được biết cùng làm Tiến sĩ một khoá với ông có GS. Nguyễn Khuê và GS. Nguyễn Tri Tài. Đúng vậy không, thưa ông?

Đáp: Đúng vậy. Giáo sư Nguyễn Tri Tài làm về Triết học, Giáo sư Nguyễn Khuê làm về văn chương Việt Nam, về thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (GS. Khuê đã làm Cao học về thơ văn Tương An Quận Vương). Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn mở khóa tiến sĩ đầu tiên năm 1972. Riêng ban Hán văn, từ 1972 đến 1975, mở được 3 khóa tiến sĩ chuyên khoa Hán văn. Tôi học khóa 1, cùng khóa có các bạn đồng nghiệp Nguyễn Khuê, Nguyễn Hữu Lương, Nguyễn Văn Dương và Trần Như Uyên. Luận án tiến sĩ của tôi làm về văn chương Trung Hoa, do thầy Bửu Cầm là Giáo sư thực thụ hướng dẫn. Thực ra, vào thời điểm 30 tháng 4 không chỉ riêng tôi mà cả Giáo sư Nguyễn Khuê và Giáo sư Nguyễn Tri Tài đều đang làm luận án ở giai đoạn cuối đều phải dừng lại việc học tiến sĩ. Chúng tôi dự kiến sẽ bảo vệ học vị tiến sĩ trong năm 1975, hoặc trễ nữa là năm 1976. Riêng tôi thì như đã nói, đến thời điểm đó, Luận án của tôi đã viết xong.

Hỏi: Ông đã dịch, chú giải, và xuất bản cuốn Văn học sử Trung Quốc của Dịch Quân Tả, do nhà Minh Tâm xuất bản và phát hành ngày 12/4/1975, với số lượng 1000 bản. Như vậy, sách này bắt đầu phát được hơn 2 tuần thì Giải phóng, ông nhớ là đã tiêu thụ được nhiều không?

Đáp: Số lượng ấn bản được tiêu thụ rất ít, còn lại sau đó tôi phải bán như giấy vụn, cho người ta gói đậu phụng.

Hỏi: Thưa ông, bấy giờ, đó mới là quyển I trong bộ sách Trung Quốc văn học sử gồm 3 quyển (Q.I: từ Kinh Thi đến Văn học Lưỡng Tấn-Nam Bắc triều, Q.II: từ Đường đến Nguyên, Q.III: từ Minh đến Dân Quốc). Xin ông cho biết, khi công bố bản dịch này, ông đã có kế hoạch dịch tiếp hai quyển còn lại của bộ sách chưa?

Đáp: Tôi biết đánh máy chữ Hán. Thời đó ở Sài Gòn chưa ai biết. Sau Giải phóng tôi dịch tiếp các quyển còn lại, và cho xuất bản.

Hỏi: Theo ông cho biết, sau Giải phóng ông đã tiếp tục dịch các quyển tiếp theo. Sau đó, ông đã cho gộp lại với quyển I (in 1975), thành quyển Văn học sử Trung Quốc, (quyển I), và Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 1992, số lượng 800 cuốn, khổ 14x20. Quyển 1 lúc này có nội dung lớn hơn vì có thêm hai chương; đó là Chương VI- Đường thi, và Chương VII- Đường văn và Truyền kỳ tiểu thuyết. Vì vậy số lượng trang của quyển sách lúc này rất lớn, 567 trang). Theo dự định, quyển II có nội dung từ Vãn Đường cho đến Dân quốc là hết (gồm Chương VIII- Vãn Đường, Ngũ đại và Tống từ, Chương IX- Tống thi, văn và tiểu thuyết, hí kịch, Chương X- Nguyên khúc, Chương XI- Văn học đời Minh, Chương XII- Văn học đời Thanh, Chương XIII- Văn học thời Dân quốc). Vậy ông đã dịch hết bộ sách này chưa?

Đáp: Lúc đó tôi thức nhiều quá, nên sinh bệnh. Văn học, Triết học, tôi biết hết.

Hỏi: Xin ông cho biết, bản Hán văn của Dịch Quân Tả nói trên, ngoài ông ra còn có ai dịch bản này sang tiếng Việt không?

Đáp: Không có.

Hỏi: Ông có thể cho biết thêm thông tin về lam bản bộ sách này không?

Đáp: Lam bản có khổ khá lớn, chữ phồn thể, xuất bản ở Hongkong.

Hỏi: Thưa ông, nếu nay có người học trò của ông muốn xin phép ông, tiếp tục công việc của ông, tức dịch tiếp phần còn lại của bộ sách đó, đặt tên là quyển II, và người đó đứng tên phần dịch của mình, ý ông như thế nào?

Đáp: Được không? (cười, và gật gù)

Hỏi: Một vài học trò cũ của ông nay là giảng viên ĐH, mốn xin chụp lam bản quyển sách nói trên và cùng hợp tác nhau dịch tiếp phần còn lại đó, để có trọn một bộ sách dịch hoàn chỉnh, xem như một kỷ niệm tốt đẹp cùng sư phụ của mình. Ông thấy được không ạ?

Đáp: Được, được!

Hỏi: Xin hỏi thêm ông, được biết vào thời điểm tháng 4/1975, khi ông sắp cho xuất bản công trình Hán văn quyển 2, Triết học chính trị cổ đại Trung Quốc: Lễ ký, Hán phú, và Sự nghiệp chính trị của Lương Khải Siêu, tức là quyển Luận án Tiến sĩ văn chương Trung Hoa của ông. Tuy nhiên, cho đến nay, độc giả vẫn chưa được hân hạnh đón nhận những ấn phẩm này. Vậy thưa ông, cho đến bây giờ đã có công trình nào trong số này của ông đã hoàn thành bản thảo chưa? Và có định công bố không ạ?

Đáp: (đưa tay khoát) Thôi!

Hỏi: Thưa ông, bây giờ, trước mặt ông đang có quyển Luận án của ông. Nếu không có sự kiện 30 tháng 4/1975 thì khoảng giữa 1975 có lẽ ông sẽ cho xuất bản quyển sách này. Tuy nhiên, cho đến nay thì công trình này của ông vẫn chưa được công bố. Nếu được, trong tương lai không xa, khi ông khoẻ thì ông có thể xem lại, và cho xuất bản công trình này. Và đó sẽ là một tài liệu có giá trị học thuật. Vì từ 1975 đến nay, chúng tôi được biết là chưa có công trình nào quy mô nghiên cứu về Lương Khải Siêu như Luận án của ông. Ngoài ra, thưa ông, ông từng biên soạn cuốn sách có tên Từ Ngọ môn đến Thái Hoà điện trong thời gian khá lâu, và đã được công chúng đánh giá như là một kỳ công, và xem ông như một nhà Huế học. Phải chăng thành phố Huế và các công trình kiến trúc của các vua triều Nguyễn có sức hấp dẫn với ông từ lâu, ít ra là từ cái thời Viện Đại học Huế mời ông ra giảng dạy trước năm 1975? Các công trình kiến trúc ở Huế phải chăng đã tạo cho ông một sự chú ý, đã lôi cuốn, hấp dẫn ông từ những năm trước 1975, và đó là nguyên nhân, là tâm tình đầu tiên khiến ông nghiên cứu về đề tài Từ Ngọ môn đến Thái Hoà điện, có phải vậy không ạ?

Đáp: Tui phải gan dạ lắm mới dám làm. Bút sa gà chết. Làm mà sai, Huế họ chửi chết! Trên thực tế, từ Ngọ môn tới Thái Hoà điện, nhất là trong lăng Tự Đức, có rất nhiều câu thơ đặt không đúng vị trí của nó. Và tôi là người khám phá ra trật tự những câu thơ này, và sắp xếp chúng lại, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải cẩn thận. Đây là việc làm rất công phu, rất quy mô, và công bố trong công trình Từ Ngọ môn đến Thái Hoà điện, có sức hấp dẫn, lôi cuốn và đầy sức thuyết phục đối với bạn đọc. Tôi cho là lối kiến trúc của các vua chúa triều Nguyễn ở Huế đã có ảnh hưởng rất lớn đối với học thuật, đối với văn hoá và đối với nền triết học nước nhà.

Hỏi: Trước 1975, Đại học Huế mời ông ra dạy. Xa xôi thế, làm sao ông đi được?

Đáp: Tôi đi máy bay. Đi hoài, đi mấy chục bận.

Hỏi: Thưa ông, bấy giờ ra Huế ông dạy môn gì ạ?

Đáp: Tôi dạy Hán văn và tiếng Quan thoại.

Hỏi: Thưa ông, Luận văn Cao học của ông viết về đề tài gì?

Đáp: Đề tài Luận văn cao học của tôi là "Hồ Thích và cuộc vận động Tân văn học". Còn đề tài Luận án tiến sĩ cuả tôi là làm về Lương Khải Siêu (Sự nghiệp chính trị của Lương Khải Siêu).

Hỏi: Ông có kỷ niệm gì về việc dạy sinh viên học chữ Hán ở Huế những năm trước 1975 không ạ?

Đáp: Sinh viên rất thích học. Tôi là người dẫn sinh viên đến lăng Tự Đức, ra nhà thuỷ tạ.

Hỏi: Thưa ông, Ông nhiều lần nhắc tới GS. Bửu Cầm, Nguyễn Đăng Thục, Lê Thành Trị. Các vị đó có tác động đến ông như thế nào trong đam mê học hỏi, nghiên cứu, và cả về cách làm việc, phong cách nghiên cứu và nhân cách sống? Họ có ảnh hưởng như thế nào đối với ông?

Đáp: Ông Bửu Cầm làm việc rất cẩn thận, luôn chú trọng Tứ thư, Ngũ kinh. Còn Lê Thành Trị dạy Triết Tây, dạy Logic. Nguyễn Đăng Thục dạy về Triết Đông. Giáo sư Bửu Cầm dạy Cổ văn.

Hỏi: Thời ông học thì ai dạy chữ Nôm?

Đáp: Không ai dạy chữ Nôm. Chữ Nôm là tự học.

Hỏi: Thưa ông, bấy giờ các Giáo sư như ông đều rất giỏi chữ Nôm mà sao không dạy cho sinh viên?

Đáp: Bấy giờ, trong chương trình học không có môn này. Chỉ học chữ Hán.

Hỏi: Thưa ông, về nhân cách sống của các giáo sư nổi tiếng ở ĐH Văn khoa bấy giờ như GS. Bửu Cầm, Nguyễn Đăng Thục, Lê Thành Trị, ông thấy thế nào?

Đáp: Ông Bửu Cầm rất trong sáng, thanh bạch, sống nghèo. Ông Thục với ông Cầm đều là người sĩ khí.

Hỏi: Xin lỗi ông, xin phép tò mò hỏi ông điều này. Ông và nhiều Giáo sư ĐH trước 1975 đều có xe hơi. Vậy tiền sắm xe hơi có phải là tiền lương không?

Đáp: Đó là nhờ có đi làm thêm. Đi dạy thêm.

Hỏi: Nghe nói, tiền lương của các giáo sư ĐH lúc đó rất cao, mỗi tháng ngoài chi tiêu ra có thể dành dụm mua được vài lượng vàng, đúng không?

Đáp: Vâng, lương cao lắm. Sống được. Nhưng tôi cũng còn nghèo vì cái vụ này (Ông chỉ vào đống sách mà ông là soạn giả). Nên tôi phải đi dạy thêm, kiếm thêm tiền. Tôi chỉ mê nghiên cứu và viết sách, có bao nhiêu tiền tôi chuẩn bị cho việc in sách. Việc làm của tôi chỉ có tôi biết, trong nhà không ai biết hết. Tôi luôn bị bà xã phàn nàn vì thức khuya nhiều quá.

Hỏi: Có phải vợ ông lo ông bị bệnh không?

Đáp: Đúng vậy. Từ khi có máy vi tính, tôi luôn thức khuya, và có lẽ làm quá sức nên tôi đã bị bệnh. (Ông lật vài trang giấy ở một cuốn sách và nói) Làm một cuốn như thế này cũng đã quá mệt. Nhưng tôi đã làm nhiều cuốn như thế, anh biết đó.

Hỏi: Xin hỏi thêm ông, trong các vị giáo sư ở ĐH Văn khoa bấy giờ, thì ai là người mà ông chịu ảnh hưởng nhiều nhất, để lại ấn tượng cho ông mạnh mẽ nhất?

Đáp: Giáo sư Bửu Cầm. Ông Cầm dạy tôi không nhiều, nhưng nhân cách và tác phong của ông thì tôi rất thích. Ông mỗi khi khảo cứu vấn đề gì vẫn luôn chú thích rất cặn kẽ. Bản thân tôi đã chịu ảnh hưởng của GS. Bửu Cầm về mặt này. Sau 1975, khi dạy sinh viên học, tôi vẫn thường hay nhắc đến GS. Bửu Cầm như một tấm gương sáng, rất đáng quý.

Hỏi: Trong thư tịch cổ Trung Quốc, ông quan tâm mảng nào nhiều nhất, vì sao?

Đáp: Tứ thư, Ngũ kinh.

Hỏi: Ông từng giảng dạy ở ĐH Văn khoa (từ trước 1975 đến sau 1975 một thời gian ngắn), và sau đổi tên thành ĐH Tổng hợp TP.HCM. Vậy ngoài đại học này, ông còn tham gia giảng dạy đại học nào ở Miền Nam nữa không?

Đáp: Có. Tôi trước Giải phóng có dạy các Đại học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Cần Thơ, Hoà Hảo.

Hỏi: Thưa ông, thời đó mà ông đi dạy các đại học Đà Lạt, Cần Thơ thì bằng phương tiện gì ạ?

Đáp: (cười) Đi máy bay không hà.

Hỏi: Ông có quyển sách nhan đề Hán văn dành cho Y học Đông phương, ngoài ra chúng tôi được biết từ trước 1975 ông từng biên soạn sách học Hán văn cho người Việt. Những sách này ông biên soạn dựa vào tài liệu nào, Trung Quốc hay Việt Nam?

Đáp: Bộ sách có tên Hán văn tôi soạn cho sinh viên ĐH Văn khoa (do nhà Minh Trí xuất bản năm 1973). Hai sách trên đều được biên soạn dựa theo tài liệu của Trung Quốc.

Hỏi: Thưa ông, chúng tôi được biết, những thập niên gần đây, ông có hàng chục đầu sách soạn hoặc dịch về Đông y và rất được công chúng hoan nghênh. Xin ông cho biết cơ duyên nào đã đưa ông đến với Đông y một cách say mê như thế?

Đáp: Tôi đến với Đông y say mê bởi vì nó hấp dẫn quá, mà ở Việt Nam hầu như chưa ai biết đến nhiều. Tây y nhiều người giỏi, nhưng Tây y hầu như không biết gì về Đông y. Một số "ông lớn" chuyên Tây y mà viết về Đông y, tôi thấy đều làm ẩu, không đúng. Bộ Linh khu này (ông chỉ bộ sách trên bàn, có tên Hoàng Đế Nội kinh Linh khu) do tôi dịch và chú giải, gồm 3 quyển, vừa rồi được tái bản.

Hỏi: Thưa ông, bộ sách Linh khu này tôi thử giở đọc một số trang, nhưng chẳng hiểu gì. Vậy làm thế nào để có thể hiểu được?

Đáp: (cười) Sách này dùng cho giới chuyên môn, dành cho những ai chuyên nghiên cứu về Đông y.

Hỏi: Được biết là về cuối đời ông mới nghiên cứu về Đông y, chứ trước đây ông chỉ nghiên cứu về văn học và triết học Trung Quốc thôi, có đúng vậy không?

Đáp: Đông y quá hấp dẫn đối với tôi, nhất là khi tôi đã có tuổi, có nhiều chiêm nghiệm từ Triết học Trung Quốc.

Hỏi: Thưa ông, các sách về Đông y của ông được soạn theo tài liệu của Trung Quốc hay Việt Nam?

Đáp: Theo tài liệu của Trung Quốc hết.

Hỏi: Các sách về Đông y của Trung Quốc do ông sưu tầm hay tìm ở đâu ạ?

Đáp: Phần lớn là của ông ông nội tôi để lại.

Hỏi: Chữ viết tay hay in?

Đáp: Đều là sách in (NNQ: nhưng ông không cho biết là in bản gỗ hay in đồng).

Hỏi: Như vậy có phải nhờ nghiên cứu Triết học Trung Quốc mà ông có nhiều lợi thế trong việc nghiên cứu Đông y hay không?

Đáp: Đúng vậy. Nó là một (ông đưa ngón tay trỏ lên và vẽ một vòng tròn trong không trung theo chiều kim đồng hồ). Triết học Trung Quốc được vận dụng vào Y học từ lâu đời rồi.

Hỏi: Và có phải ai muốn nghiên cứu về Đông y thì buộc phải biết chữ Hán không?

Đáp: Đúng, phải biết chữ Hán, phải biết Kinh Dịch, biết Triết học Trung Quốc thì mới có thể nghiên cứu sâu về Đông y được (ông cầm một bản dịch Chu Dịch đưa lên).

Hỏi: Thưa ông, sau 1975, việc dạy Bạch thoại của ông có trở ngại gì không ạ?

Đáp: Sau Giải phóng (30.4.1975), Công an không cho dạy Bạch thoại. Tuy nhiên, cho đến khi đất nước mở cửa (từ 1986, 1987) thì việc dạy Bạch thoại được khôi phục, và tôi được mời dạy rất nhiều nơi ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Việc tôi chủ trương dạy chữ Hán phồn thể và phản đối chữ Hán giản thể làm cho nhiều người không thích, cho rằng tôi theo Đài Loan, theo Thế giới tự do chứ không theo Trung Quốc lục địa.

Hỏi: Ông đã bỏ công nghiên cứu về triết học Trung Quốc từ thời còn rất trẻ. Ngoài việc dịch bộ Trung Quốc triết học sử của Hồ Thích, ông còn dự định dịch cả Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan. Phải chăng chính Triết học Trung Quốc đã giúp ông thâm nhập Y học phương Đông một cách thuận lợi?

Đáp: Phải rồi.

Hỏi: Thưa ông, từ sau 30 tháng 4 năm 1975, Đại học Văn khoa, mà nay là trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, vẫn duy trì và không ngừng củng cố Bộ môn Hán Nôm. Theo ông, tên gọi "Bộ môn Hán Nôm" tại nhiều ĐH trong nước nói chung và trong trường ĐHKHXH&NV, nơi ông được đào tạo và từng làm việc nói riêng, có phản ánh đúng nhiệm vụ và chức năng của nó không?

Đáp: (lắc đầu, đưa tay qua lại tỏ ý phản đối) Không đúng, không đúng.

Hỏi: Theo ông nên gọi là gì?

Đáp: Phải gọi là Việt Hán.

Hỏi: Thưa ông, ĐH Văn khoa trước 1975 có một đội ngũ rất mạnh nghiên cứu về Cổ văn Trung Quốc, về văn Bạch thoại, cũng như thơ văn chữ Hán chữ Nôm của Việt Nam. Xin ông cho biết tên gọi của nhóm nghiên cứu này là gì?

Đáp: Trước 1975, đơn vị mà các giáo sư làm việc, nghiên cứu về Hán Nôm gọi là Ban Việt Hán, chứ không gọi Bộ môn Hán Nôm hay Tổ Hán Nôm như hiện nay. Gọi là Việt Hán mới là cách gọi đúng.

Hỏi: Xin hỏi thêm ông, ngoài những sách mà chúng tôi vừa nhắc ở trên thì ông còn có công trình nào khác nghiên cứu về Hán Nôm nữa không ạ?

Đáp: Những quyển này (chỉ những quyển sách ông đã soạn sẵn ra bàn trước khi trả lời phỏng vấn). Về sách đã xuất bản trước 30 tháng 4 năm 1975 ở Sài Gòn, ngoài Trung Quốc triết học sử (nhà Khai trí xuất bản, 1970, 746 trang, dịch từ nguyên bản Hán văn của Hồ Thích) và Văn học sử Trung Quốc (nhà Minh Tâm xuất bản, 1975, 396 trang, dịch từ nguyên bản Hán văn Trung Quốc văn học sử của Dịch Quân Tả) như nói ở trên, tôi còn có: Hồ Thích và cuộc vận động Tân văn học (biên khảo, Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục xuất bản, 1972, 390 trang), Hán văn (dành cho sinh viên Đại học Văn khoa, nhà Minh Trí xuất bản). Sau 1975, ngoài công trình Từ Ngọ môn đến Thái Hoà điện (khổ 20x28cm, 198 trang, Nxb. Trẻ, 1994) như đã nhắc tới ở trên, tôi còn biên soạn Giáo trình Triết học Trung Quốc (Bộ môn Châu Á học, Đại học Tổng hợp TP.HCM) và công bố một số công trình biên soạn, dịch Hán-Việt khác về y học sau:

1/ Thương hàn luận (Nxb. Đồng Nai, 1995),

2/ Dịch lý y lý (Nxb. Đồng Nai, 1998),

3/ Hoàng Đế nội kinh Linh khu, quyển I (dịch và chú giải, Hội Y học dân tộc cổ truyền Đồng Nai xuất bản, 1989),

4/ Hoàng Đế nội kinh Linh khu, quyển II (dịch và chú giải, Hội Y học dân tộc cổ truyền Đồng Nai xuất bản, 1989),

5/ Hoàng Đế nội kinh Linh khu, quyển III (dịch và chú giải, Hội Y học dân tộc cổ truyền Đồng Nai xuất bản, 1990),

6/ Hoàng Đế nội kinh Tố vấn (Hội Y học dân tộc cổ truyền Đồng Nai xuất bản),

7/ Hoàng Đế nội kinh Nan kinh (Hội Y học dân tộc cổ truyền Đồng Nai xuất bản),

8/ Vấn đề Ngũ vận Lục khí trong Y học Đông phương (Nxb. Đồng Nai)

9/ Hán văn dành cho Y học Đông phương (Thành hội Y học dân tộc cổ truyền TP. Biên Hoà, Câu lạc bộ Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, Lưu hành nội bộ, 1988),

10/ Châm cứu thực hành­ Linh quy bát pháp (Thành hội Y học dân tộc cổ truyền TP. Biên Hoà, Câu lạc bộ Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, Lưu hành nội bộ, 1986),

11/ Cẩm nang châm cứu thực hành Thái Ất thần châm cứu (Thành hội Y học dân tộc cổ truyền TP. Biên Hoà, Câu lạc bộ Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, Lưu hành nội bộ, 1987),

12/ Châm cứu thực hành Tý ngọ Lưu Chú (Thành hội Y học dân tộc cổ truyền TP. Biên Hoà, Câu lạc bộ Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, Lưu hành nội bộ, 1986).

Về khảo luận, tôi đã công bố 5 bài nghiên cứu về văn học cổ Việt Nam, văn học cổ Trung Quốc:

1/ “Tiểu thuyết Trung Quốc” (tạp chí Nghiên cứu Văn học, Sài Gòn),

2/ “Vấn đề Lão tử và Đạo đức kinh” (tạp chí Nghiên cứu Văn học, Sài Gòn),

3/ “Nhà Tây Chu và chế độ phong kiến” (tạp chí Văn khoa, Sài Gòn),

4/ “Chung quanh hai chữ ‘Tây minh’ trong Lục Vân Tiên” (tạp chí Văn khoa, Sài Gòn),

5/ “Hiếu trong đời Kiều” (tạp chí Nghiên cứu Văn học, Sài Gòn),

Cùng một số bài khảo luận về Y học đông phương, đăng ở tạp chí Y học cổ truyền Đông phương sau 1975.

Và như đã nói ở trên, bản dịch và chú giải Văn học sử Trung Quốc, Q.1, do nhà Minh Tâm xuất bản năm 1975 đã được Nhà xuất bản Trẻ in lại năm 1992, với nội dung có thêm hai chương, nên số trang lên đến 567 trang.

Hỏi: Xin trở lại vấn đề nghiên cứu Trung Quốc của ông trước 1975. Triết học Trung Quốc mà ông quan tâm rất sớm qua tài liệu văn bản Hán văn, theo ông, những vấn đề nào là cốt lõi nhất, những vấn đề nào để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất?

Đáp: Ấn tượng nhất là Tứ thư, Ngũ kinh.

Hỏi: Nhưng theo ông thì vấn đề nào là cốt lõi nhất trong Triết học Trung Quốc?

Đáp: Cốt lõi nhất là: Nhân, Nghĩa. Đạo, Nhơn đạo, Chính đạo, Thiên đạo, Vô vi.

Hỏi: Trong văn học Trung Quốc từ Kinh Thi đến Dân Quốc, giai đoạn nào theo ông là rực rỡ nhất?

Đáp: Mỗi thời kỳ có một giai đoạn rực rỡ của nó.

Hỏi: Theo ông, về ảnh hưởng của văn học cổ điển Trung Quốc đối với văn hoá và văn học Việt Nam, ảnh hưởng lớn nhất là ở những điểm nào?

Đáp: Ảnh hưởng lớn nhất là ở Triết học.

Hỏi: Còn sau Triết học là gì?

Đáp: Sau Triết học là Văn học, Y học. Như cái cây kia (chỉ ra cây ngoài vườn), hoa lá là Văn học, thân cây là Triết học, rễ cây là Y học. Nếu không có rễ cây, sẽ không có hoa lá.

Hỏi: Thưa ông, trong luận án tiến sĩ Sự nghiệp chính trị của Lương Khải Siêu, ông tâm đắc Lương Khải Siêu ở điểm nào nhiều nhất?

Đáp: Ông Lương Khải Siêu có sáng kiến, không phản đối phong kiến, phản đối Cộng hoà, muốn một đất nước danh nghĩa là một nước có vua, giống như Anh, Nhật. Ông nhiều lần nói như vậy. Nhưng bà Từ Hy không nghe, ỷ mình đàn bà nắm quyền.

Hỏi: Xin cám ơn ông rất nhiều. Được biết, ngoài chuyên môn là nghiên cứu Hán Văn, Trung văn, ông còn quan tâm không ít về lãnh vực âm nhạc. Xin ông cho biết ngành âm nhạc nào ông quan tâm nhiều nhất, vì sao? Và hình như ông cũng có quan tâm lãnh vực võ thuật, có đúng không ạ?

Đáp: (cười) Võ thuật thì tôi không biết. Âm nhạc thì tôi biết đờn, biết hát cổ nhạc. Tôi biết chơi Hạ-uy cầm, mà nay gọi là đờn Hạ Uy Di đó. Loại đàn này có kiểu dáng tương tự guitar điện, nhưng khi chơi thì đặt đàn nằm ngang trên hai đùi, tay trái vuốt phím, tay phải đeo móng gãy lên dây đàn. Khi biểu diễn thì đeo một lẳng hoa dài ở cổ, theo phong cách của người Hạ Uy Di (Hawaii). Tôi rất thích chơi đàn này từ hồi trẻ, và đã từng trình diễn trước công chúng. Tôi phát hiện ra rằng, Hạ-uy cầm có thể chơi cả tân nhạc lẫn cổ nhạc, nhất là Vọng cổ.

Hỏi: Xin trở lại lãnh vực chuyên môn của ông. Thưa ông, ngoài việc nghiên cứu Triết học Trung Quốc, Văn học Trung Quốc cổ đại, ông còn nghiên cứu văn Bạch thoại. Ông có nhiều năm tham gia giảng dạy Trung văn, vậy theo kinh nghiệm của ông thì nên dạy và nên học tiếng Quan thoại như thế nào cho có hiệu quả cao nhất?

Đáp: Muốn giảng dạy cho có hiệu quả cao thì trước hết, người thầy phải cho giỏi cái đã, thầy phải say mê với nghề, với đối tượng nghiên cứu của mình, thì học trò mới giỏi được.

Hỏi: Đó là phần người thầy, còn người học thì thế nào?

Đáp: Bây giờ, không được bắt chước nhiều nơi mà học chữ giản thể. Học chữ giản thể thì người học không thể giỏi. Phải học chữ phồn thể thì mới giỏi được. Người học cũng phải say mê. Thầy giỏi, học trò cũng phải giỏi.

Hỏi: Thưa ông, xin hỏi ông một câu cuối cùng. Những năm gần đây, do sức khoẻ yếu ở tuổi già, ông đành gác bút để dưỡng sức. Xin ông cho một lời khuyên đối với thế hệ trẻ nói chung, và sinh viên ngành Hán Nôm hiện nay nói riêng.

Đáp: Học Hán Nôm thì không giàu được, không có tiền, khác với học vi tính, Anh văn hay học toán. Dạy vi tính, dạy Anh văn, dạy toán, lý, hoá, sinh học… là giáo.

Hỏi: Xin lỗi, ông vừa nói dạy các môn trên là "giáo" là thế nào ạ?

Đáp: "Giáo" là dạy cái mới, dạy kiến thức. Còn "dục" là dạy con người, dạy làm người.

Hỏi: Vậy, thưa ông, dạy con người là dạy cái gì ạ?

Đáp: Là dạy làm người, dạy cho học trò trở thành người tốt trong xã hội, người con tốt đối với cha mẹ, bạn tốt đối với bạn hữu, công dân tốt, thành viên ưu tú của xã hội. Đó là ”dục".

Người thực hiện phỏng vấn: Thưa ông, chúng tôi hết sức cám ơn ông đã nhiệt tình hợp tác với chúng tôi, thực hiện thành công buổi phỏng vấn này. Kính chúc ông sức khoẻ!

- HẾT -

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63668842
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12560
17595
63668842

Thành viên trực tuyến

Đang có 1119 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website