Thêm bốn bài thơ "Lư Khê nhàn điếu" của Mạc Thiên Tích

Cao Tự Thanh: "Thêm bốn bài thơ "Lư Khê nhàn điếu" của Mạc Thiên Tích", Tạp chí Hán Nôm, số 3/ 1996

Là người sáng lập đồng thời là người đứng đầu Tao đàn Chiêu Anh Các ở trấn Hà Tiên, Mạc Thiên Tích cũng là một nhà thơ nổi tiếng ở Đàng Trong thế kỷ XVIII. Ngoài các tác phẩm như Hà Tiên thập vịnh, Hà Tiên quốc âm thập vịnh, Thụ đức hiên tứ cảnh..., ông còn có ba mươi bài thơ và một bài phú cùng mang nhan đề Lư Khê nhàn điếu (Rạch Vược câu nhàn) in chung trong một tập lấy tên là Minh bột di ngư. Bản in đầu tiên của tập thơ này trước 1771 đã mất; còn bản in thứ hai có tên Minh bột di ngư trùng bản do Trịnh Hoài Đức cho khắc in năm 1821, từng được tác giả Ngạc Xuyên giới thiệu năm 1943 hiện cũng khó tìm lại được (1). Đây là một điều đáng tiếc đã gây nhiều khó khăn cho việc tìm hiểu thơ văn Chiêu Anh Các nói chung và thơ văn Mạc Thiên Tích nói riêng trong nhiều năm qua. Bởi vì nếu những Hà Tiên tập vịnh, Thụ đức hiên tứ cảnh... là tiếng nói chung của cộng đồng Việt Nam ở trấn Hà Tiên thế kỷ XVIII, thì Minh bột di ngư lại là tiếng lòng riêng tư của bộ phận người Hoa phản Thanh phục Minh ở Hà Tiên và cả Đàng Trong buổi ấy, những người yêu nước phải đào vong tị nạn và trong quá trình đấu tranh để hoà nhập vào một không gian sống mới cũng chủ động và vĩnh viễn vùi chôn tâm sự di thần... Khía cạnh ấy sẽ ít nhiều được Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902) sau này khái quát qua bài Đề bột di ngư tập hậu (Đề sau tập Minh bột di ngư) với niềm hoài cổ của một ông quan thời vong quốc trong thân phận Kim Giang tướng công:

Cựu quốc hoang lương sự dĩ thù,

Ky nhân hải ngoại độc thừa phù.

Tự phi kinh cức quy chân chủ,

Cánh hướng yên ba học điếu đồ.

Thiên lý vãn triều quy túc lộ,

Bán khê xuân lục trưởng tân bồ.

Anh phong quan dữ tư nhiên tận,

Liêu quách giang thiên phiến nguyệt cô.

 

(Nước cũ tan tành việc đã lâu,

Bè côi vượt bể ngạo ba đào.

Mở đường gai góc theo vua thánh,

Hướng nẻo sông hồ học bạn câu.

Ngàn dặm sóng triều cò nghỉ cánh,

Nửa khe xuân biếc cỏ khoe màu.

Phong tư người trước nay đâu vắng,

Quạnh quẽ trời sông mảnh nguyệt đau.

(Kim Giang thi tập)

Vì nhiều lí do, trước 1975 việc tìm hiểu thơ văn Chiêu Anh Các nhìn chung chưa được tiến hành rộng rãi, ngay cả khâu điều tra, sưu tầm, xác minh tư liệu. Cho đến 1977, chúng tôi chỉ mới đọc được bài phú Lư Khâu nhàn điếu trong Nam hành ký đắc của Phạm Nguyễn Du (2) và ba bài thơ Lư Khê nhàn điếu: hai bài trên tường Trung nghĩa từ thờ họ Mạc ở Hà Tiên, đã được Đông Hồ giới thiệu trong Văn học Hà Tiên, Quỳnh Lâm, Sàì Gòn, 1970 và một bài do Ngạc Xuyên giới thiệu trong Đại Việt tập chí. Năm 1985 chúng tôi lại đọc được trong một hợp tập thơ văn chữ Hán chép tay tại Thư viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thêm bốn bài nữa. Bốn bài này có nhan đề "Lư Khê nhàn điếu (tứ thủ)" chép lẫn giữa một số thơ văn khác về Hà Tiên, cuối hợp tập có dòng chữ "Nam triều Bảo Đại Giáp Tuất niên tam nguyệt sơ nhất nhật, An Trường Hải Nhi thư vu Hà Tiên chi lữ thứ" (ngày 1 tháng 3 năm Giáp Tuất niên hiệu Bảo Đại Nam triều - 14.4.1934, An Trường Hải Nhi (?) chép ở đất khách Hà Tiên). Sau đây là nguyên văn và thứ tự bốn bài thơ nói trên:

I.

Lãng bình nhân ổn tự du tai,

Nhàn đãng khinh chu điếu kiển hồi.

Hôn trực thâm trầm câu nhĩ trọng,

Lân la loạn chiếm thủy văn khai.

Trú tầm vân ảnh tùy lưu bạc,

Dạ trục hàn quang đới nguyệt hồi.

Tiếu ngạo yên ba thời xuất một,

Tương kỳ khê tịch hải triều lai.

II.

Sấn tễ phù thanh triển điếu luân,

Trường lưu nhân tại bích khê xuân.

Kim sàm trục ảnh phao hương nhĩ,

Ngọc chức lâm ba duệ cẩm lân.

Vạn khoảnh bất kinh phong lãng khởi,

Tứ thời trường dữ thủy vân lân.

Nhàn thừa kha hạm ngâm phong nguyệt,

Độc điếu uông dương lão thử thân.

III.

Kỷ loan phong nguyệt nhất khê vân,

Triêu tịch tương ư duật lộ quần.

Hiểu trướng lạm lai ngư phún tuyết,

Minh yên hàn để thủy phiên văn.

Tung hoành tối ái phù chu ổn,

Thư quyện thiên năng đắc cối tần.

Nhược vấn điền viên hà xứ thị,

Bích thiên vô tế thủy vô ngân.

IV.

Nhạn hạc lô từ hiệp hữu bằng,

Lư hà liêu chử hảo y bằng.

Vi mang hiểu sắc tầm ngư ảnh,

Tễ bích tình không lý điếu thằng.

Khứ trú tự do dao đoản tiếp,

Đô tây tương chiến hữu hàn đăng.

Bàng lưu độc vấn tâm trung sự,

Dục phỏng Bàn Khê khước vị năng.

Tạm dịch:

I.

Sóng yên người ổn thật vui thay,

Thong thả thuyền câu ngược rạch bơi.

Mồi nặng dòng sâu dây nhợ thẳng,

Nước xao gió gợn vảy hoa bày.

Sáng tìm mây loáng theo khe chảy,

Đêm đuổi sương bay đội nguyệt về.

Cười cợt ra vào nơi khói sóng,

Vừa cơn ròng tối đã triều mai.

II.

Mưa tạnh trời trong khẽ nhắp cần,

Theo dòng câu cá tới khe xuân.

Lưỡi vàng đuổi bóng theo mồi nhẹ,

Tơ ngọc vào sông đẩy sóng dần.

Muôn khoảnh ba đào lòng há sợ,

Bốn mùa mây nước nghĩa càng thân.

Dong thyền rảnh rỗi ngâm trăng gió,

Trên biển già nua ngạo tấm thân.

III.

Khe tràn mây khói vịnh đầy trăng,

Sớm tối cò le thoả hợp quần.

Triều sáng cá phun dòng sủi tuyết,

Khói mờ nước động sóng khoe văn.

Dọc ngang mặc sức thuyền con vững,

Câu kéo nhiều phen gỏi cá ăn.

Vườn ruộng nơi nào đừng nhọc hỏi,

Trời xanh không chắn biển không ngăn.

IV.

Cồng cộc, le cò giỡn líu lăng,

Sông lau bến lách thảy xung xăng.

Sắc mai hơi ngút tìm tăm cá,

Trời tạnh mây quang chúc ngọn cần.

Đi ở thong dong chèo nhỏ khuấy,

Đông tây lố nhố lửa khuya giăng.

Bên dòng thầm hỏi lòng ngư phủ,

Học đợi công hầu nghĩ khó khăn.

Lối sao chép thơ văn chữ Hán ít khoa học trước đây và thực trạng tư liệu quá thiếu thốn hiện nay chưa cho phép tìm hiểu nhiều hơn về lai lịch văn bản, xuất xứ tư liệu, hoàn cảnh sao chép..., nhưng cũng có thể nói thêm đôi điểm về bốn bài thơ này. Theo Ngạc Xuyên trong bài giới thiệu trên Đại Việt tập chí thì tập Minh bột ngư trùng bản 1821 có một bài phú và 30 bài thơ, ngoài ra bài phú Lư Khê nhàn điếu trong Nam hành ký đắc của Phạm Nguyễn Du cũng kết thúc với câu: "...Sướng dư hoài nhi thi ca tam thập vận"(Thỏa lòng ta nên ngâm nga ba chục vận). Con số 30 này ăn khớp với 30 bộ vần bình thanh trong Bội văn vận phủ gồm 15 bộ Thượng bình thanh: Nhất đông, Nhị đông, Tam giang, Tứ chi, Ngũ vi, Lục ngư, Thất ngu, Bát tề, Cửu giai, Thập khôi, Thập nhất chân, Thập nhị văn, Thập tam nguyên, Thập tứ hàn, Thập ngũ san và 15 bộ Hạ bình thanh: Nhất tiên, Nhị tiêu, Tam hào, Tứ hào, Ngũ ca, Lục ma, Thất dương, Bát canh, Cửu thanh, Thập chưng, Thập nhất vưu, Thập nhị xâm, Thập tam đàm, Thập tứ diêm, Thập ngũ hàm. Hơn thế nữa, có thể thấy hai bài mà Đông Hồ giới thiệu trong Văn học Hà Tiên là thuộc hai vần Nhất đông (Lư Khê phiếm phiếm tịch dương đông), Nhị đông (Khê thượng lưu hoàng dạ sắc dung), tức bài 1và bài 2, còn bài mà Ngạc Xuyên giới thiệu trong Đại Việt tập chí là thuộc vần Thập ngũ hàm (Thủy quốc vân hương cảnh bất phàm), tức bài 30 (3). Như vậy bốn bài thơ trên đây theo thứ tự là thuộc các vần Thập khôi, Thập nhất chân, Thập nhị văn, Thập chưng, tức các bài thứ 10, 11, 12, 25 trong 30 bài thơ Lư Khê nhàn điếu.

Từ Hội thảo khoa học kỷ niệm 250 năm thành lập tao đàn Chiêu Anh Các ở Kiên Giang năm 1986 đến nay, Thư mục Các bài viết, công trình nghiên cứu về thơ văn Chiêu Anh Các đã được kéo dài một cách đáng kể. Nhưng thư mục, tư liệu và văn bản tác phẩm Chiêu Anh Các vẫn chưa có chuyển biến nào quan trọng so với những gì người ta đã biết qua Văn học Hà Tiên của Đông Hồ năm 1970. Bốn bài Lư Khê nhàn điếu này cũng chưa đủ để tạo ra sự chuyển biến cần thiết ấy, vì chỉ trong phạm vi của việc tìm hiểu thơ văn Mạc Thiên Tích, hiện vẫn còn 23 bài Lư Khê nhàn điếu khác chưa tìm lại được để tái lập trọn vẹn tập Minh bột di ngư ...

Người biên tập: nguyễn ngọc nhuận

CHÚ THÍCH

(1) Xem Ngạc Xuyên, Minh bột di ngư, một quyển sách, hai thi xã, Đại Việt tập chí, số 12, Sài Gòn, 1.4.1943. Bản Minh bột di ngư trùng bản mà ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh dùng để viết bài này vốn thuộc thư viện riêng của nhà sử học Lê Thọ Xuân, nhưng không may là thư viện này đã bị thiêu hủy sau ngày Nam Bộ kháng chiến năm 1945.

(2) Ký hiệu A. 2939 hiện được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Tài liệu này chỉ có ở miền Bắc nên trong Văn học Hà Tiên năm 1970 Đông Hồ chỉ giới thiệu được có một đoạn của bài phú Lư Khê nhàn điếu còn sót trên tường Trung nghĩa từ ở Hà Tiên. Năm 1980 chúng tôi có thông báo tài liệu này với nữ sĩ Mộng Tuyết để bà liên hệ với Hà Nội nhờ sao lại. Năm 1986 bà đã trao bản ấy cho nhà Hán học Giản Chi phiên dịch và công bố trong tập Kỷ yếu 250 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-1986), Sở Văn hoá và Thông tin Kiên Giang xuất bản, 1987, nhưng có vài chỗ chưa thật đúng về văn bản.

(3) Năm 1984, nhân dịp được gặp cố Giáo sư Ca Văn thỉnh, chúng tôi có hỏi bài thơ mà ông giới thiệu có phải là bài cuối cùng trong 30 bài Lư Khê nhàn điếu không và vì sao ông chọn giới thiệu bài ấy mà không phải là bài khác... thì ông cho biết "Lúc đó tôi lựa bài đó cho tiện vì nó là bài sau hết". Vì vậy chúng tôi cho rằng 30 bài Lư Khê nhàn điếu trong tập Minh bột di ngư trùng bản đã được xếp đúng thứ tự 30 vần từ Nhất đông tới Thập ngũ hàm - hết Thượng bình thanh tới Hạ bình thanh.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63693348
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13640
23426
63693348

Thành viên trực tuyến

Đang có 185 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website