Lịch sử nghiên cứu điển cố văn học Việt Nam và Trung Hoa

Điển cố đóng vai trò khá quan trọng trong văn học Việt Nam và Trung Hoa thời kỳ trung đại. Dùng điển cố, người sáng tác xưa không chỉ vận dụng nó như một phương tiện diễn đạt mà còn thể hiện vốn kiến thức dồi dào về lịch sử, văn học, xã hội, văn hóa, kinh nghiệm sống của người xưa. Tuy không còn đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tác như xưa, nhưng nhìn lại nền văn học quá khứ, điển cố thực sự chiếm lĩnh một vai trò và thể hiện một chức năng mạnh mẽ trong sáng tác. Có giai đoạn, điển cố là phương tiện hàng đầu và hữu hiệu cho người cầm viết, từ tác giả của những bài thơ, bài văn, đến nhà ngoại giao, chính khách, thậm chí kẻ đi học cũng tự trang bị cho mình vốn kiến thức trong mười năm đèn sách và thể hiện điển cố trong bài thi.

Điển cố là phương tiện biểu đạt trong văn thơ cũng chịu sự chi phối của qui luật tự nhiên. Là một hiện tượng nổi bật trong sáng tác xưa về mặt tu từ, điển cố cũng trải qua quá trình hình thành, phát triển, thịnh đạt và suy tàn. Việc nghiên cứu hiện tượng sử dụng điển cố trong văn học quá khứ cũng theo chiều hướng phát triển, hưng thịnh của điển cố mà hình thành. Nhìn chung, ở nước ta, không hoặc chưa thấy các học giả xưa chú ý nghiên cứu về biện pháp tu từ đặc biệt này một cách có hệ thống. Chỉ thấy một vài ý kiến có liên quan ít nhiều đến điển cố của một số tác giả hoặc học giả đề cập đến rải rác đây đó nhân dịp phát biểu về tính chất lý luận trong sáng tác. Nhìn chung, các ý kiến ấy đề cập đến các điểm chính về việc sử dụng điển cố như sau:

* Mục đích dùng điển: Vũ Khâm Lân (thế kỷ 18) trong Cổ kim khoa thí thông khảo khi phê bình cái tệ tầm chương trích cú một cách máy móc đã đề cập đến giá trị của điển cố trong sáng tác: “Họ chỉ bo bo đi tìm kiếm những lời cũ kỹ trên mặt giấy, chắp vá, thêm bớt, để đi tới cái thế đối ngẫu mà không có cái hay của việc tận ý tìm lời”. Trong Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn (thế kỷ 18) phát biểu rõ hơn, ông cho rằng: “Ta thường cho làm thơ có ba điều chính : một là tình, hai là cảnh, ba là sự. Trong lòng có cảm xúc thực sự, rung cảm nên lời. Thực tế bên ngoài gây thành ý, rồi dùng điển tích để nói việc ngày nay, chép việc xưa hay thuật chuyện hiện tại, đều tự nhiên có thần”.

* Về cách dùng điển cố, Nhữ Bá Sĩ (thế kỷ 19) trong Phi điểu nguyên âm cho thấy cái quí của việc gọt chữ luyện câu và bố cục tạo ý là ở chỗ có nền nếp. Nếu có điểm xuyết điển cố, mà dùng kiểu “thoát hóa, dù cho gương cũ lời xưa cũng không cóp nhặt, không dựa vào tường vách của người” và “cái ý của văn quí ở chất mà càng quí ở hàm súc”. Sở dĩ Nhữ Bá Sĩ nhấn mạnh việc dùng điển không nên rập khuôn theo người xưa vì ông thấy tình hình làm văn, làm thơ của kẻ cầm bút trong không khí chung thời kỳ này đang có chiều hướng sa sút, hay bắt chước cổ một cách máy móc. Cao Bá Quát (thế kỷ 19) khi viết lời bạt tập thơ Thương Sơn công cũng đứng trước thực trạng ấy, ông phát biểu thẳng thắn: “Nếu cầm bút cứ theo nếp sẵn, không biết biến hóa thì tuy giống được vẻ mặt ngoài của Lan Đình(1), nhưng người ta cần gì thứ đó”. Chính vì vậy, đa số ý kiến của người xưa đối với cái tệ nệ cổ này được nhiều người phát biểu nhất.

* Phê bình cái tệ bắt chước trong việc sử dụng điển cố: Cao Bá Quát cũng trong lời bạt tập thơ Thương Sơn công đã chế nhạo lối nệ cổ trong việc bắt chước người xưa, theo ông: “Kẻ yếu sức thì rập khuôn dễ dãi, người khí tiết hào hùng thì mắc vào bệnh ăn sống nuốt tươi. Học lực của họ nếu hơi khá đã dương dương tự đắc, chỉ muốn săn bắt trăm nhà, thâu tóm mọi thể, thành ra mô phỏng quá nhiều mà phong cốt chưa cao, tô điểm có tốn công mà tinh thần không đạt. Tự cho là thơ Thịnh Đường, song đó là chưa tiêu hóa món ăn của người xưa". Ông còn nói: “Làm thơ thì phải gốc ở tính tình. Chớ nên việc nào cũng bắt chước cũ, câu nào cũng học theo người, đầu thôn tạm biệt đã hát câu “chén rượu Dương Quan”(2), xóm cạnh qua chơi đã ngâm câu “tiếng gà điếm cỏ”(3). Nắn nót những lời biên tái, lòe người là tuyệt diệu Gia Châu(4); chải chuốt các thể trong cung, tự phụ là văn nòi Thiếu Bá”(5).

* Kêu gọi sử dụng vốn sống của dân tộc làm thi liệu: Đối với việc tiếp thu những tinh hoa trong sáng tác văn học của Trung Hoa, các tác giả ta từ xưa đã khẳng định giá trị của tính độc lập, tính sáng tạo và phủ định mọi tư tưởng và hành động bắt chước, rập khuôn Trung Quốc. Lê Hữu Trác (thế kỷ18) trong Thượng kinh ký sự lên tiếng kêu gọi sử dụng vốn sống lịch sử, văn hóa, trí tuệ con người của dân tộc làm nội dung, đề tài để biểu hiện trong lĩnh vực văn học, nhằm nâng cao giá trị dân tộc. Ông khuyên: “Không bắt chước người khác mà bắt chước ngay chính tạo hóa”. Để đả phá tư tưởng phục cổ cực đoan và tinh thần vọng ngoại trong sáng tác, Nguyễn Hành (thế kỷ 19) trong Quan đông hải tập cho rằng: “... mơ tưởng về người xưa sao bằng mắt thấy tai nghe về đời nay, cầu ở nước ngoài sao bằng tìm ở nhà”. Thật vậy, nước ta tuy nhỏ, nhưng có truyền thống văn hóa lâu đời, biết bao cái hay cái đẹp chưa được khai thác hết. Sự rập khuôn kẻ khác chỉ là sự ưa chuộng hình thức, làm lu mờ tính đặc thù của văn hóa dân tộc và chứng tỏ sự yếu kém của mình mà thôi. Khi nói về cái tệ hại trong thi cử, Phạm Đình Hổ (thế kỷ 19) trong Vũ trung tùy bút đã than rằng: “Người nào xem rộng nhớ nhiều thì mỗi đề trả lời được đến 16, 17 hay 18 đoạn; mỗi đoạn chỉ nhặt vài ba mươi chữ điển cố ở trong sách thì có thể đoạt giáp tranh khôi được. Làm văn như thế sao có thể xác thực được việc cổ kim, bất luận được sự hay dở, để cho tỏ sở học của mình”.

Có lẽ do ông cha ta không chú ý đến việc dùng điển trong sáng tác một cách cực đoan như Trung Quốc, không xem đó là lối biểu diễn và phô bày sở học về điển cố trong tác phẩm văn học, nên ở ta không hề có trường phái hay phong trào nào hô hào việc dùng điển hay lạm dụng điển như ở Trung Quốc, nên không có ý kiến lý luận chính thống về vấn đề này.

Điển cố với việc hình thành và phát triển thành phong trào, thậm chí lạm dụng điển trong sáng tác chỉ thấy trong lịch sử văn học Trung Quốc. ở Trung Quốc, ngay thời xưa, cụ thể là từ khi điển cố được vận dụng phổ biến và trở thành lời kêu gọi hoặc tôn chỉ của phong trào ưa dùng điển, các văn nhân, học giả bắt đầu chú ý bàn bạc, phê bình, lý luận vấn đề này nhiều hơn và cụ thể hơn. Có thể nói việc nghiên cứu điển cố trong lịch sử Trung Hoa, cũng hình thành và phát triển theo quá trình hình thành, phát triển của điển cố .

Vào thời Tiên Tần, những tác phẩm đầu tiên của văn học Trung Hoa như kinh Thi, kinh Thư... hầu như chưa có điển cố, nhưng sau đó, những tác phẩm ấy trở thành kho tàng điển cố của các tác phẩm văn học đời sau. Các tác giả thời này bắt đầu có nhu cầu dùng điển làm ví dụ cho cơ sở thuyết lý, và sáng tạo ra những câu chuyện mang tính chất ngụ ngôn. Sách Kinh điển thích văn giải thích rằng: “Ngụ là gởi. Vì con người không tin ở mình, nên phải mượn của người khác. Trong mười điều thì hết chín điều thấy được mới tin”. Những tác phẩm lý luận triết học, lịch sử, truyền thuyết của chư tử các giai đoạn này trở thành những mẫu mực và là nguồn điển cố hết sức phong phú cho các thời đại về sau. Vì đây là thời kỳ ban đầu, điển cố chưa trở thành phong cách tu từ trong sáng tác, nên thời kỳ này chưa thấy có những tác phẩm lý luận về hình thức điển cố trong văn học.

Hình thức dùng điển cố đầu tiên trong văn học thời Hán Tấn là nhà văn chỉ đưa vào tác phẩm của mình những lời dạy dỗ, lý luận, ngụ ngôn của người xưa, sau đó dẫn thành lời và dùng nhiều thành ngữ hoặc mang sắc thái của thành ngữ điển cố. Việc dẫn dụng điển cố nói chung chỉ để làm cho rõ ý, hay để chứng minh cho lập luận của mình, chứ không dùng điển cố để trau chuốt, làm bóng bẩy câu văn hay lời thơ. Hiện tượng sử dụng điển cố thời kỳ này chưa thật sự phát triển và phổ biến rộng rãi, rầm rộ trong sáng tác, chưa chín mùi để hình thành những ý kiến nghiên cứu về phương thức tu từ đặc biệt này. Đợi đến sự hình thành và phát triển thể văn biền ngẫu, điển cố thực sự có đất phát triển, người ta mới bắt đầu chú ý đến việc lý luận, phê bình điển cố.

Thời Nam Bắc triều, thể văn biền ngẫu hình thành và phát triển. Sự hoàn chỉnh dần về luật thanh, luật vần, luật đối ngẫu góp phần hoàn thiện thể văn này và đưa đến phong trào dẫn dụng điển cố làm đẹp lời. Việc dùng điển cố trong thời Nam Bắc triều là đỉnh cao phát triển của việc dùng điển so với các thời kỳ trước. Người ta lạm dụng điển cố, tranh nhau dùng những điển khó, những điển ít phổ biến và cho đó mới thực sự là hiểu biết và dùng điển giỏi. Có ý kiến cho rằng “một điển đọc lên mà không biết thì xấu hổ, (làm văn) chữ có xuất xứ mới là cao thâm” (Hoàng Khản, Văn tâm điêu long trác ký, Loại sự). Người ta đánh giá sự hiểu biết của nhau qua việc nắm vững và thể hiện nguồn điển cố từ kho tàng thư tịch của người xưa. Đời Lương Vũ Đế còn mở cuộc thi hiểu biết về điển cố để chiêu nạp người tài (Nam sử). chương

Do phong trào dùng điển ở thời Nam Bắc triều thịnh hành như vậy, các sách về điển cố cũng được biên soạn. Hai quyển sách về điển cố đầu tiên là Loại uyển của Lưu Tuấn, gồm 120 quyển và Hoa lâm biên lược do Lương Vũ Đế lệnh cho các học sĩ soạn. Trong số các tác giả nghiên cứu về điển cố thời bấy giờ, có thể nói Lưu Hiệp là người mở đầu cho việc nghiên cứu và lý luận về điển cố. Trong chương Sự loại sách Văn tâm điêu long, ông không chỉ dẫn chứng xác thực việc người xưa dùng điển mà còn phân lối dùng điển thành hai loại: dẫn câu chuyện và dẫn từ. Ông còn nêu ra mục đích của việc dùng điển: nếu làm sáng tỏ lý lẽ thì dẫn thành từ, để chứng minh ý nghĩa thì dẫn câu chuyện về nhân vật. Điều quan trọng là trong khi luận giải về tính chất của điển cố, ông còn đưa ra những phương pháp cần thiết cho việc dùng điển có hiệu quả để người làm văn chương lấy đó làm gương.

Đời Đường được xem là đỉnh điểm của văn thơ cổ điển, việc dùng điển cũng đạt đến giai đoạn thuần thục. Tuy nhiên, mục đích của việc sáng tác thơ văn thời kỳ này là việc diễn đạt tình cảm, chú trọng tính chất trữ tình, yêu cầu văn phong thâm thúy, sâu sắc. Hơn nữa, ảnh hưởng phong trào phục cổ do Hàn Dũ khởi xướng, phản đối lối văn ướt át, diễm lệ và phê phán phương thức dùng điển cố của thể biền văn thời Lục triều, nên không lấy việc dùng điển làm trọng, không xem đó là tiêu chuẩn đánh giá kiến thức. Vì vậy, người đời Đường dùng điển tự nhiên, không thích đưa quá nhiều điển vào thơ.

Vì không đặt trọng tâm vào việc dùng điển, nên đời Đường không có mấy tài liệu lý luận về điển cố. Chỉ có một vài ý kiến ít nhiều có liên quan như quan niệm: “Thơ có ba cách, một là tình, hai là ý, ba là sự” (“Sự” tức là điển cố) (Giả Đảo, Nhị nam mật chỉ), hay “Thơ có ba cách, trên là dùng ý, kế là dùng khí, dưới mới dùng điển” (Văn Kỷ, Phong tao chỉ cách). Cả hai ý đều đặt việc dùng điển vào hàng cuối cùng trong tiêu chuẩn sáng tác.

Việc dùng điển cố không được chú trọng ở thời Đường, nhưng đến thời Tống lại sống dậy trong không khí mạnh mẽ và có phần đặc biệt hơn. Vào thời này, người ta không chỉ ưa chuộng đưa điển cố vào để trau chuốt câu thơ, câu văn mà còn khởi xướng thành nhiều phong trào, trường phái thơ ca chuyên vận dụng điển cố trong sáng tác. Chẳng hạn Tây Côn thể nổi bật có Dương úc, Lý Tông Ngạc; phái Giang Tây (người đại diện là Hoàng Đình Kiên) cũng chủ trương dùng điển trau chuốt. Các phong trào này gây tiếng vang lớn và ảnh hưởng sâu rộng trong văn giới, ngay cả những thi gia nổi tiếng như Tô Thức và Hoàng Đình Kiên. Đối với thể loại từ đời Tống, lúc đầu người ta không chú trọng lắm, chỉ chú trọng đến việc mô tả rõ ràng, nhưng vì ảnh hưởng chung nên cũng dần dần chú ý đến việc dùng điển.

Về mặt lý luận, từ thời Bắc Tống trở về sau, người ta chú ý đến việc khảo thích, nghiên cứu, bình luận. Đặc biệt là khảo thích nguồn gốc điển cố bài thơ, hoặc bình luận lối dùng điển, như: Trung Sơn thi thoại (Lưu Bân), Hậu Sơn thi thoại (Trần Sư Đạo), Lâm Hán ẩn cư thi thoại (Ngụy Thái), Trúc Ba thi thoại (Chu Tử Chi), Ngạn Chu thi thoại (Hứa Nghĩ), Thạch Lâm thi thoại (Hiệp Mộng Đắc)... Rõ ràng, người đời Tống rất thích dùng điển, nên hình thành phong trào sôi nổi như vậy. Phong trào này truyền đến đời Minh, Thanh vẫn còn khá mạnh mẽ.

Việc dùng điển cố thời Minh Thanh có nhiều biến chuyển, quan trong nhất là do sự phát triển của thể loại hý khúc và tiểu thuyết. Do đặc tính của hai thể loại này, nhất là tiểu thuyết bạch thoại dùng khẩu ngữ nhiều, nên điển cố dần dần không còn cần thiết nữa, chỉ lưu truyền những loại điển cố quen thuộc được dùng trong lời nói thường ngày. Đối với thể loại thơ văn, các văn gia đời Minh Thanh cũng duy trì phong trào dùng điển, đưa đến việc hình thành phái Giang hồ (nổi bật nhất là Triệu Dực, đời Thanh) chủ trương dùng điển trong thơ văn.

Về phương diện lý luận, có nhiều tiến bộ. Tiếp nối lối nghiên cứu, khảo thích điển cố thời Tống, các nhà nghiên cứu thời Minh Thanh cũng có một số tác phẩm bình luận lối dùng điển của các tác giả trước, khảo thích nguồn gốc điển cố bài thơ... Tuy nhiên, còn có những tác phẩm giải thích ý kiến, câu nói của người xưa, đặc biệt là của các danh gia, về việc dùng điển cố trong văn học (Viên Mai, Tùy Viên thi thoại, quyển 1), nghiên cứu mục đích dùng điển (Phương Đông Thụ, Chiêu ám đạm ngôn, quyển 1 Thông luận ngũ cổ), bình luận nghệ thuật dùng điển tiêu hóa (Lý Ngư, Lạp Ông ngẫu tập, chương Từ khúc bộ)...

Nhìn chung, về mặt lịch sử, nghiên cứu, lý luận, phê bình điển cố ở nước ta chưa thành một hệ thống. Chỉ có thể tập trung vài ý kiến thiết thực nhất về mục đích, cách dùng điển cố nói chung. Điều quan trọng nhất, ý kiến về việc dùng điển cố trong sáng tác nói chung được đặt trong phạm vi bao quát, cụ thể nhất, phủ nhận sự rập khuôn người xưa, kêu gọi người cầm bút phải sáng tạo, chú trọng phát huy vốn văn hóa, lịch sử, văn học dân tộc, làm nguồn thi liệu thêm phong phú cho văn học nước nhà, khẳng định sức mạnh độc lập, tự cường của dân tộc. Việc dùng điển cố trong văn học ta xưa không quá cực đoan như Trung Quốc. Điều này cũng chứng tỏ, sự tiếp nhận có chọn lọc của cha ông ta đối với những luồng văn hóa ảnh hưởng từ bên ngoài vào. Dù sao, nội dung, tính chất và lĩnh vực nghiên cứu điển cố ở Trung Quốc có nhiều bước phát triển, và đa dạng: từ các ý kiến về khảo thích nguồn gốc điển cố, bình luận lối dùng điển đến giải thích câu nói, ý kiến phát biểu về nghệ thuật dùng điển, nghiên cứu mục đích sử dụng điển cố v.v... Những ý kiến quí báu của các nhà văn nước ta cũng như Trung Quốc rõ ràng là nền tảng cơ bản, có thể nâng lên thành lý luận có tính chất khái quát cho lĩnh vực nghiên cứu này, giúp cho việc nghiên cứu phương tiện tu từ đặc biệt này trong thời đại quá khứ ở nước ta cũng như ở Trung Quốc. Tìm hiểu lịch sử nghiên cứu điển cố văn học nước ta và Trung Hoa cần thiết cho lĩnh vực nghiên cứu này về phương diện tu từ, nhất là sự ảnh hưởng sâu rộng của phương thức này đối với việc sáng tác văn học ở nước ta thời kỳ trung đại.

CHÚ THÍCH

(1) Vương Hy Chi đời Tấn, nổi tiếng viết chữ đẹp. Ông có bài Lan Đình thi tự, được đời sau lấy làm mẫu chữ viết thiếp, gọi là thiếp Lan Đình.

(2) Bài thơ tiễn bạn Vị thành khúc của Vương Duy đời Đường có câu “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu. Tây xuất Dương Quan vô cố nhân” (Khuyên bạn hãy cạn một chén rượu. Về phía Tây, ra khỏi Dương Quan không còn cố nhân nữa).

(3) Bài Thương Sơn tảo hành của Ôn Đình Quân đời Đường có câu: “Kê thanh mao điếm nguyệt. Nhân tích bản kiều sương” (Tiếng gà gáy ở điếm cỏ tranh dưới trăng. Vết chân người in trên dấu sương mặt ván cầu).

(4) Là biệt hiệu của Sầm Tham, một nhà thơ đời Đường nổi tiếng về thơ biên tái.

(5) Tức Vương Xương Linh, nhà thơ đời Đường nổi tiếng về thơ cung đình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Từ trong di sản..., Nxb. Tác phẩm Mới, Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, 1981.

2. Chu Bồi Cao, Trung Quốc cổ đại văn học lưu phái, Hồ Nam xuất bản xã, 1991.

3. Chu Hồng Hưng, Giản minh Trung Quốc cổ đại văn học, Tác gia xuất bản xã, 1990.

4. Chúc Đỉnh Dân, Điển cố, tri thức, tra kiểm, Tri thức xuất bản xã, 1992.

5. Hoàng Khản, Văn tâm điêu long, Bắc Kinh Văn hóa học xã ấn hành, năm Dân quốc 16 (1926).

6. Hoàng Khản, Văn tâm điêu long trác ký, Hoa Đông Sư phạm Đại học xuất bản xã, 1996.

7. Mạnh Giao, Trung Quốc văn học sử, Đại Trung Quốc Viên thư cục ấn hành, 1963.

8. Lục Kiên, Trung Quốc cổ đại văn học tinh giải, Thượng Hải Văn nghệ xuất bản xã, 1989.

9. Lý Tần Phi, Văn tâm điêu long thích dịch, Giang Tây Nhân dân xuất bản xã, 1993.

10. Vương Lực, Cổ đại Hán ngữ, Trung Hoa Thư cục ấn hành, 1985.

(Nguồn:  http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/9902v.htm#loan39)

Thông tin truy cập

63738483
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1354
35223
63738483

Thành viên trực tuyến

Đang có 326 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website