Với chiều dài lịch sử, vị trí địa lý và môi trường văn hoá đặc thù, Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong vùng văn hoá Đông Nam Á cũng như Đông Á. Trong vùng văn hoá Đông Á, Việt Nam là quốc gia sau cùng dịch Kim Bình Mai; tuy vậy, trong vùng văn hoá Đông Nam Á, Việt Nam lại là quốc gia duy nhất dịch bộ “đệ nhất kỳ thư” này, nhưng cũng chỉ có một bản dịch duy nhất từ năm 1969 được lưu truyền đến nay mà thôi. Tìm hiểu hiện tượng dịch Kim Bình Mai ở Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 20 từ góc độ phiên dịch học văn hoá có thể khơi gợi rất nhiều vấn đề thú vị, giả như: trước khi bộ tiểu thuyết ấy được dịch sang Việt ngữ, có chăng đã hiện diện một phiên bản nào khác được lưu truyền ở Việt Nam? vì sao phải đến thập niên 60, trong tình thế chia cắt Bắc - Nam mới có người dịch Kim Bình Mai? người dịch là ai và bối cảnh xã hội, chính trị, văn hoá của người ấy như thế nào? người dịch lựa chọn văn bản nào làm bản nguồn và vì sao lại chọn bản nguồn ấy? người dịch đã hiểu, thuyên thích, lựa lọc, dịch thuật văn bản ra sao? Và độc giả tiếp nhận bản dịch như thế nào? Khoảng 15 năm sau khi Việt Nam tái thống nhất, bản dịch Kim Bình Mai được in lại và trở lại với người đọc. Bản dịch tái bản vào cuối thập niên 80 có gì khác biệt so với bản đầu tiên cuối thập niên 60? Khi ấy, các nhà nghiên cứu và độc giả Việt Nam đã giải đọc Kim Bình Mai như thế nào? Trên cơ sở bản dịch ấy, họ có thể thảo luận được với độc giả các nước khác về nội dung, nghệ thuật của bộ sách này hay không? trở ngại ắt phải có, nhưng trở ngại ấy là do dâu? Để tìm câu trả lời cho những vấn đề trên, bài viết này tuần tự phân thành 6 phần như sau: 1. Truy tìm dấu vết Kim Bình Mai ở Việt Nam trước năm 1969; 2. Khái quát những sách lược phiên dịch Kim Bình Mai sang ngoại văn, tìm hiểu cách xử lý của dịch giả nước ngoài trước những chi tiết miêu tả về tính dục; 3. Khảo sát việc tiếp nhận Kim Bình Mai trong bối cảnh văn hoá Việt Nam hiện đại, qua đó hiểu thêm về bối cảnh văn hoá, xã hội của bản Việt dịch; 4. Thảo luận về bản nguồn được chọn để dịch Kim Bình Mai; 5. Tường giải phương cách dịch giả xử lý bản nguồn qua đặc khảo một hồi cụ thể trong tiểu thuyết; 6. Từ góc độ độc giả hồi đáp, tìm hiểu về quá trình tiếp nhận và đánh giá Kim Bình Mai ở Việt Nam đương đại. Đồng thời, cuối bài viết có thêm phần phụ lục để minh hoạ cho một số điểm trọng yếu đã được đề cập.
1. Truy tìm dấu vết Kim Bình Mai ở Việt Nam trước năm 1969
Trong quá trình giao lưu văn hoá lâu dài giữa Trung Quốc và Việt Nam, độc giả Việt Nam yêu thích tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc một cách nồng nhiệt. Những thành tựu về văn học so sánh Trung Việt cho thấy nhiều trường hợp điển hình về việc người Việt Nam thưởng thức và dựa vào tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc để cải biên, viết lại thành tiểu thuyết Hán văn của mình.(2) Trong “tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc đã có 3 bộ được dịch sang quốc ngữ từ rất sớm: bản Việt dịch Tam Quốc diễn nghĩa trên tuần san Nông cổ mín đàm từ ngày 1 tháng 8 năm 1901, bản Việt dịch Thuỷ hử truyện ra đời năm 1906, và bản dịch Tây du ký cũng được in ngay sau đó, năm 1914.(3) Tuy những bản dịch quốc ngữ ấy đều được in vào đầu thế kỷ 20, người Việt đã có cơ hội đọc trực tiếp nguyên tác Hán văn Tam Quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử truyện, Tây du ký từ rất lâu trước đó. Muộn lắm thì Tam Quốc diễn nghĩa cũng đã du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ 15-16 và được truyền đọc rộng rãi trong nước.(4) Đáng chú ý là nhà soạn kịch nổi tiếng nửa sau thế kỷ 19 Đào Tấn và quyển ký lục Hý trường tuỳ bút của ông. Tuy bộ sách này có nhiều hỗn tạp thật - giả cần được xem xét cẩn trọng và thấu đáo(5), những ghi chép sau đây của Đào Tấn (hay một người nào đó mượn danh Đào Tấn) có thể ít nhiều phản ánh nhận thức của người Việt về “tứ đại kỳ thư” Trung Hoa:
“Ôi! Đời Minh văn chương thịnh về tiểu thuyết. Đời này có bốn tác phẩm lớn ông đã thừa biết...Truyện Thủy hử có nhiều đoạn hay nhưng không hợp với ý triều đình tôi cũng không dám diễn. Tây du ký cũng có nhiều tình tiết có thể diễn thành tuồng, gần đây tôi thử chọn mấy hồi viết thành tuồng nhưng chưa rỗi để duyệt lại, vì vậy trong tuồng còn nhiều tỳ vết, không dám để cho kép hát diễn. Tam quốc chí là lam bản...của tôi có đủ trung, hiếu, tiết, nghiã rất hợp với quan niệm trung quân nên triều đình thích xem và được dùng nhiều.”(6)
Về Kim Bình Mai, sách này cũng cho nó “là dâm thư nghìn đời, [người viết] ngại vì sự dị nghị của danh giáo, do đó không dám dùng để diễn thành tuồng.”(7) Qua những lời trần thuật này, phải chăng Kim Bình Mai có thời được lưu truyền tại Việt Nam? Vào đầu thập niên 1940, nhà Hán học Trần Văn Giáp (1902-1973) đã từng cố gắng truy tìm bộ tiểu thuyết này, nhưng không hề thấy được một tung tích của nó:
“Tựu trung có quyển Kim Bình Mai là ta nên nói qua thêm vì chúng tôi đã chịu khó tìm bản chữ Hán mà không thấy có ở nước ta. Có lẽ vì nhiều cớ. Chính trong các sách Tầu cũng đã phê bình: ‘Đối với Kim Bình Mai cổ kim đệ nhất dâm thư’. Có lẽ vì thế mà các cụ ta cấm không cho nhập cảng. Chính thế thực là phải, nhưng các cụ cũng bất miễn quá thiên.”(8)
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu của việc nghiêm cấm Kim Bình Mai chính là vì quan điểm “truyền thống” của Trung Quốc xem nó là “cổ kim đệ nhất dâm thư” tác hại nghiêm trọng đến đạo đức và phong hoá. Tuy các sứ thần Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình truyền nhập tiểu thuyết Minh Thanh vào Việt Nam, nhưng có lẽ cũng do ở Trung Quốc Kim Bình Mai từng bị liệt vào hàng sách cấm, nên hầu như các sứ giả không dễ dàng mua loại sách “diễm tình” nọ mà mang về nước được.(9) Đương nhiên, Trần Văn Giáp cũng nhận thấy tính chất phê phán của bộ sách ấy nên ông đã viết: “Những chuyện gì mô tả đến triệt để không cần huý kỵ thì ta mới rõ cái [x]ấu mà tránh đi xa.”(10) Thêm vào đó, ông còn đưa ra một số chi tiết khá thú vị như sau:
“Truyện Kim Bình Mai, có dịch ra chữ Pháp và chữ [Anh]; không biết của ai làm. Trước kia chỉ có bản sao, mãi đến hồi Minh Vạn Lịch mới đem khắc. Sách có 100 hồi, từ hồi 53 đến hồi 57 nguyên khuyết, mãi đến lúc khắc mới bổ thêm vào. Có người bảo là Kim Bình Mai của một tay đại danh sĩ đời Gia Tĩnh làm ra. Có người bảo của Vương Thế Trinh làm ra…Nhưng trong sách Dã hoạch biên của Thẩm Đức Phù bàn về Kim Bình Mai có nói ‘Truyện ấy là mượn truyện mà chê thời sự, như việc cha con Thái Kinh thì chỉ [x]ích Phân Nghi; việc Lâm Linh Tố thì chỉ [x]ích Đào Trọng Văn vv…các việc khác cùng đều thế cả. Tác giả là người thâm hiểu thế tình: những việc hình dung ra…đều là có hàm ý mỉa mai gay gắt, nhưng gay gắt nhẹ nhàng, tùy từng nơi biến ảo vô cùng, xem đến là thấy rõ. Câu chuyện ở nơi nào: chỉ hiềm những việc xấu xa thô lỗ cũng không kiêng nể, cho nên người đời buộc cho tiếng dâm thư; như bản in bán có lẽ cũng đã san trước mất ít nhiều. Xem thế đủ biết Kim Bình Mai thật là một quyển xã hội tiểu thuyết rất có giá trị.”(11)
Trong đoạn trích dẫn trên, không kể phần lớn những chi tiết có nguồn gốc từ Dã hoạch biên, phần còn lại đã cho thấy những hiểu biết của tác giả về Kim Bình Mai. Trước hết, ông nhắc đến bản dịch Pháp ngữ và Anh ngữ. Kỳ thực, đây là những bản dịch nào? Về bản dịch Pháp ngữ, từ khi nhà Hán học người Pháp A. P. L. Bazin dịch trích đoạn lần đầu năm 1853(13) mãi đến khi Trần Văn Giáp viết đoạn văn trên năm 1942, còn có bản cải biên và tiết/trích dịch của George Soulié de Morant vào năm 1912(14). Trước năm 1942 cũng đã xuất hiện một số bản dịch tiếng Anh. Bản tiết dịch sớm nhất chính là Chin Ping Mei , The Adventures of His Men Ching (Kim Bình Mai - Những cuộc phiêu lưu của Tây Môn Khánh) của Chu Tsui-jen in năm 1927(15). Đến năm 1939 có bản tiết dịch Chin Ping Mei: The Adventurous History of His Men and His Six Wives (Kim Bình Mai – Tình sử Tây Môn cùng 6 người vợ) của Bernard Miall(16). Bản dịch này thực ra dựa trên cơ sở bản tiết dịch tiếng Đức của nhà Hán học nổi tiếng người Đức Franz Kuhn dịch từ bình bản (bản có lời bình) của Trương Trúc Pha(17). Cùng năm đó (1939), lại xuất hiện bản toàn dịch 100 hồi do Clement Egerton dịch dựa trên bản “Đệ nhất kỳ thư” của Trương Trúc Pha. Công trình phiên dịch này được học giới phương Tây cực lực tán thưởng, cho rằng nó “khá hoàn mỹ và là một bản dịch rất tiện đọc.”(18). Tóm lại, ngoại trừ bản toàn dịch của Egerton, từ năm 1853 đến năm 1942, các bản dịch Pháp ngữ và Anh ngữ chỉ là những bản đoạn dịch hoặc tiết dịch. Vì thế, nếu như Trần Văn Giáp có cơ hội đọc những bản dịch này, ông cũng mới chỉ được tiếp xúc với những bản dịch bộ phận mà thôi. Lời nhận định của Trần Văn Giáp “như bản in bán có lẽ cũng đã san trước mất ít nhiều” dường như đã phản ánh rõ tình trạng này. Tuy nhiên, ông không nói cụ thể đã đọc những tác phẩm nào, cho nhận định trên cũng có thể bao gồm cả các văn bản Hán văn Kim Bình Mai.
Trong thời kỳ phân cắt hai miền Nam Bắc (1954 – 1975), văn hoá mỗi miền đều có hướng phát triển riêng. Về phương diện giao lưu văn hoá – văn học giữa Trung Quốc và Việt Nam, miền Bắc Việt Nam dường như ít nhiều chịu ảnh hưởng thái độ khinh trọng của Trung Quốc đại lục đối với Kim Bình Mai. Theo quan sát của Ngô Cảm, từ năm 1950 đến năm 1963, việc nghiên cứu Kim Bình Mai rơi vào giai đoạn “im hơi lặng tiếng”; từ năm 1964 đến năm 1978, do ảnh hưởng của Cách mạng văn hóa, thời kỳ này còn tệ hơn, chỉ là “một mảng trống không”(19) Cũng thế, trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, việc phiên dịch, nghiên cứu Kim Bình Mai ở miền Bắc Việt Nam cũng hoàn toàn im ắng. Ngược lại, so với miền Bắc cùng thời gian ấy, Kim Bình Mai lại có một vị trí khá đặc biệt trong sinh họat văn hóa miền Nam. Năm 1958, Nguyễn Huy Khánh cho ra mắt tập Khảo luận tiểu thuyết Trung Hoa, trong đó có đoạn viết:
“Không những bình dân say sưa, mà người trí thức của ta cũng vẫn nặng nợ với tiểu thuyết Tàu. Có ai lại chẳng thích Liêu trai, Kim cổ kỳ quan, Tình sử vv…? Nhiều bộ tuy chưa được dịch ra Việt văn, như Hồng lâu mộng, Nho lâm ngoại sử vv…nhưng cũng đã được sự chú ý đặc biệt của văn giới. Một số bạn đã thưởng thức nó qua các bản Hán văn, hoặc các bản dịch Pháp văn, Anh văn.” (20)
Theo đó có thể thấy thư tịch nước ngoài truyền vào miền Nam trong thời kỳ chia cắt khá phong phú. Khi ấy, người đọc có thể tiếp nhận văn học Trung Quốc qua 3 ngã đường khác nhau: trực tiếp đọc nguyên tác Hán văn; thưởng thức thông qua bản Việt dịch; hoặc đọc bản dịch Pháp ngữ, Anh ngữ. Mỗi người khi đọc ắt có một cách lý giải và cách hiểu riêng, huống chi tác phẩm được đọc lại xuất phát từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Mặt khác, đoạn văn trên còn cho thấy độc giả miền Nam đã ý thức được diện mạo còn nhiều khiếm khuyết của văn học Trung Quốc được giới thiệu tại đây, đặc biệt là nhu cầu phiên dịch các danh trứ Trung Hoa sang tiếng Việt. Trong khảo luận của Nguyễn Huy Khánh có đoạn liên quan đến Kim Bình Mai như sau:
“Kim Bình Mai là một bộ tiểu thuyết vừa nổi tiếng vừa mang tiếng. Nổi tiếng nhờ kỹ thuật tả chân cao, nhờ nội dung chống thổ hào khá. Nhưng lại mang tiếng vì những nét khiêu dâm đậm đà…Tác giả là ai? Hiện nay vẫn chưa có đầy đủ tài liệu để xác nhận. Chỉ có thể ước đoán đại khái tác giả là người Sơn Đông, một là vì trong truyện tác giả thường dùng nhiều thổ ngữ Sơn Đông, hai là hiện nay vừa phát hiện được một bản Kim Bình Mai từ thoại trong đó có ghi ‘Lan Lăng Tiếu tiếu sinh viết’, mà Lan Lăng hiện là Dịch huyện của tỉnh Sơn Đông. Ngoài ra, không còn thấy tài liệu nào nữa.”(21)
Kim Bình Mai từ thoại tuy được phát hiện ở Sơn Đông vào năm 1931 (hoặc 1932), nhưng bản chụp và bản in lại của bộ từ thoại này phải trải qua một khoảng thời gian rất dài mới đến được tay người đọc(22). Ngoài ra, Nguyễn Huy Khánh còn chép một câu chuyện được truyền tụng rộng rãi về Vương Thế Trinh và Nghiêm Thế Phồn, và dựa vào “Khổ hiếu thuyết” để lý giải. Vì khảo luận không hề nhắc đến tình hình văn bản phức tạp của Kim Bình Mai, nên thông tin tác giả đưa ra về “Từ thoại bản” và “Khổ hiếu thuyết” chỉ cho thấy những thông tin cập nhật của tác giả về bộ sách này mà thôi; những thông tin này hoàn toàn không phản ánh được tình hình văn bản Kim Bình Mai được truyền đọc tại miền Nam.
2. Khái quát những sách lược phiên dịch Kim Bình Mai sang ngoại văn
Do những miêu tả cực độ về tính dục, Kim Bình Mai trở thành một thách thức lớn đối với người dịch muốn giới thiệu tác phẩm này trong nước mình. Nhằm giúp cho văn hoá mục tiêu (target culture) có thể tiếp nhận bộ “đệ nhất kỳ thư” từng bị cấm ngay tại chính quốc, lược bỏ những chi tiết miêu tả tính dục, sử dụng phương thức tiết/lược dịch nhằm xử lý vấn đề có tính xuyên văn hóa nà có thể là những sách lược khá phổ biến. Ngoài ra, người dịch cũng có thể mượn một loại ngôn ngữ thứ ba tuy ít dùng nhưng vẫn có người hiểu (tựa như một loại mật mã phổ thông, không có tính bảo mật tuyệt đố) để miêu tả tính dục. Đây là một cách đi vòng, tự kiểm duyệt trước để tránh né sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch phẩm truyền nhập vào bối cảnh văn hoá mới. Bản Anh dịch của Egerton năm 1939 là một trong những minh chứng tiêu biểu nhất cho sách lược này. Ngay trong phần “Lời nói đầu” của bản dịch, Egerton đã vội thuyết minh:
“Như đã nói, tôi không tìm được một lý lẽ nào để sửa đổi câu chữ của tác giả. Tác giả đã miêu tả và phơi bày một cách lạnh lùng, khách quan về sự thăng tiến và rồi suy tàn của một gia tộc điển hình giữa lúc quan trường Trung Quốc cực kỳ hủ bại. Ông không hề lược bỏ một tình tiết hủ bại nào, dù ở chốn công hay trong cõi riêng. Với tác giả, miêu tả chi tiết những điều ấy hiển nhiên là cốt lõi đối với câu chuyện mình kể… Bất kỳ chuyện gì, ông đều luôn sử dụng lời lẽ trần trụi nhất để thể hiện. Đương nhiên, điều này thường là rầy rà nhức nhối đối với người dịch. Lại nữa, tôi cảm thấy rằng nếu quyển sách này được in, nó phải được in toàn bộ. Nhưng nó không thể được dịch toàn bộ sang tiếng Anh, vì thế độc giả sẽ cảm thấy bực bội khi đôi lúc gặp phải những đoạn dài viết bằng tiếng Latin. Tôi xin lỗi về những điều này, nhưng thật sự không còn cách nào khác.”(23)
Bảo toàn nguyên văn, dùng tiếng Latin (vốn được sử dụng hạn hẹp trong học giới phương Tây và những người truyền giáo) trong khi dịch các chi tiết liên quan đến tính dục là sách lược Egerton vận dụng để dịch Kim Bình Mai. Thực ra, những thủ thuật này đều là đối sách văn hoá thường gặp của học giới phương Tây khi phải đối mặt với các cơ quan kiểm duyệt nhà nước. Trịnh Chấn Đạc từng chỉ ra rằng: “Trong bản dịch Anh ngữ Ái kinh của Ovid, hễ gặp chỗ bất nhã đều lược bỏ, hoặc viết lại nguyên văn Latin mà không dịch.”(24) Một điều đặc biệt thú vị là bộ Anh Hán đối chiếu Kim Bình Mai do Bắc Kinh Nhân dân xuất bản xã xuất bản năm 2008 lại sử dụng bản Anh dịch của Egerton. Trong sách có lời giới thiệu của Chu Huyến Long. Giống như Egerton, ở phần cuối của lời giới thiệu có đoạn viết: “Chúng tôi không thể không thừa nhận những chi tiết miêu tả [tính dục] này cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hình tượng và khắc hoạ tâm lý nhân vật. Dù là khi miêu tả tính dục, tác giả cũng nắm vững đặc trưng tính cách nhân vật, giúp hiển lộ sự khác biệt tính cách của các nhân vật một cách tài tình.” Về sách lược đối chiếu văn bản Trung – Anh, lời giới thiệu cũng cho biết: “Phần Trung văn trong sách đã lược bỏ những câu chữ liên quan đến miêu tả tính dục; đối với số chữ đã lược bỏ, chúng tôi đều có thuyết minh trong chú thích.”(25) Bản Anh dịch được đưa vào sách thực chất là bản của nhà xuất bản Routledge trong đó các đoạn Latin trong bản dịch năm 1939 đã được dịch toàn bộ sang tiếng Anh vào năm 1972. Do đó, những đoạn miêu tả tính dục trong phần Anh ngữ của Hán – Anh đối chiếu Kim Bình Mai đều được thể hiện đầy đủ. Điều này đẩy độc giả vào tình huống khó khăn tựa như bản dịch năm 1939 của Egerton: ai biết những hệ thống ngôn từ “mật mã” này thì đọc được những chi tiết miêu tả tính dục, người nào không biết chữ Latin (hoặc nay là Anh ngữ) thì vô phương “giải mã” chúng. Rõ ràng phương thức sử dụng ngôn ngữ để kiểm duyệt nội dung tính dục xem ra đến nay vẫn còn hữu dụng.
Ngoại trừ phương thức tiết dịch và mã hoá từng bộ phận nói trên, vẫn còn một cách phiên dịch Kim Bình Mai khác nữa. Đó là căn cứ vào bản Hán văn “tinh sạch” trong đó những chi tiết miêu tả tính dục đã được tỉnh lược hoàn toàn. Theo các chuyên gia Kim Bình Mai, về cơ bản, văn bản của bộ sách này có thể chia thành “3 hệ thống văn bản thuộc thời Minh – Thanh”: Tân khắc Kim Bình Mai từ thoại, bản Sùng Trinh Tân khắc tú tượng phê bình Kim Bình Mai và bình bản của Trương Trúc Pha (1670 – 1698) Cao Hạc đường phê bình đệ nhất kỳ thư Kim Bình Mai.(26) Vấn đề văn bản Kim Bình Mai đến nay rất ít được các học giả Việt Nam chú ý. Đến nay, chỉ có GS. Phan Văn Các trong phần “Lời nói đầu” viết năm 1999 nêu ra 3 hệ thống Kim Bình Mai: thứ nhất là hệ “từ thoại”, thứ hai là hệ “tú tượng phê cải” (bao gồm bản Sùng Trinh và bình bản của Trương Trúc Pha), sau cùng là hệ “san tiết” (bao gồm các loại Cổ bản, Chân bản).(27) Đáng tiếc là Phan Văn Các không nói rõ những phần san tiết vốn nói về chuyện gì. Dựa vào sự phân loại của mình, Phan tiên sinh suy đoán bản Việt dịch duy nhất ra đời từ hệ thống thứ 3 là “san tiết”. Hệ thống “san tiết” mà Phan Văn Các đưa ra nên gọi một cách chính xác hơn là hệ thống “san cải” (thêm bớt sửa chữa), cũng chính là hệ thống “khiết bản” (bản tinh sạch) theo cách gọi của các chuyên gia “Kim học”. Tuy vậy, trước tiên cần phải làm rõ bản Việt dịch Kim Bình Mai ra đời ở Việt Nam trong bối cảnh xã hội, văn hoá như thế nào?
3. Tiếp nhận Kim Bình Mai trong bối cảnh văn hoá Việt Nam hiện đại
Ngay từ những năm cuối thập niên 1950, phong trào giải phóng tính dục ở miền Nam dần tiến đến một cấp độ mới. Giới học thuật ở đây xem tiểu thuyết Trung Quốc (đặc biệt là Liêu trai chí dị) là một trong những cội nguồn có tính khởi phát cho tự do tính ái. Nguyễn Huy Khánh từng giải thích vì sao Liêu trai có sức hấp dẫn mê hồn đối với độc giả Việt Nam:
“Thực ra, Liêu trai chí dị chẳng có sức mạnh huyền bí gì cả. Nhưng Liêu trai đã nói lên được vấn đề mà mọi người – dù nam hay nữ - đều phải nghĩ tới: vấn đề sinh lý. Cách đây 6 năm [1952], ông Hồ Thiên đã nói lên được vấn đề ấy như sau: ‘Chưa có vấn đề nào làm người ta nghĩ ngợi bằng sự khủng hoảng tình dục. Ai đã nhìn vào sự thật ấy đầu thấy rằng tình dục thường làm cho người rối loạn, khổ cực và thất vọng. Triết lý khổ hạnh đã hoàn toàn thất bại rồi. Chống lại bản năng sinh lý có khác nào đem trứng chọi đá đâu…”(28)
Đến hậu kỳ thập niên 1960, tư trào giải phóng tính dục đã được cụ thể hoá qua trào lưu “Văn chương làm tình”.(29) Trào lưu văn chương này hẳn nhiên gắn liền với bối cảnh chính trị - xã hội đương thời, với sự du nhập của chủ nghĩa hiện sinh phương Tây và với sự truyền bá văn hoá bình dân đại chúng của Mỹ. Miêu tả chuyện sắc tình đôi khi được xem là sự phản ánh bi kịch của tầng lớp thị dân. Nguyễn Trọng Văn, một trí thức đương thời, đã nhận xét:
“Dân chủ tự do không thể là cơ chế tạo ra những con người không tim, dửng dung trước cái chết của đồng loại và trước cảnh tàn phá một phần quê hương yêu dấu của chính mình, nhân phẩm và hạnh phúc không thể là chế độ bóc lột của con người những quyền lợi cần thiết tối thiểu, biến con người thành những con vật bị giam hãm trong bản năng tình dục. Hiện tương buông trôi cởi bỏ để lao mình vào ăn chơi, trụy lạc trong văn chương cũng như ngoài xã hội là chứng tích bi thảm về sự tù đầy của người thành thị đang bị giam lỏng trong cơ cấu bạo động và lệ thuộc ngày nay.”(30)
Khác với thời kỳ trước, độc giả thời kỳ này không chỉ đọc tiểu thuyết Trung Quốc mà còn xem phim Trung Quốc, đặc biệt là những bộ phim được cải biên từ văn học. Do đó, văn học cổ điển Trung Quốc, như Tam Quốc diễn nghĩa, lúc này càng trở nên hấp dẫn, bởi lẽ độc giả nay cũng đã thành trở thành khán giả, nhân vật tiểu thuyết không chỉ sống lại trên trang giấy mà còn hiển hiện trên màn bạc, cùng độc giả/ khán giả sẻ chia hoan lạc. Những bộ phim quốc tế (đặc biệt là phim phương Tây) được trình chiếu ở miền Nam cũng đã mang đến những góc nhìn mới về vấn đề tự do tính dục. Năm 1968, nhân dịp tổng kết tình hình phát triển điện ảnh quốc tế trong năm, báo chí miền Nam đã ca ngợi đây là “năm toàn thịnh của phim ảnh đề cao tình dục”.(31) Đương nhiên trong đó đã có một bộ phận được đưa vào trình chiếu ở các rạp hát miền Nam, tham gia hình thành động thái tư trào tại đây.
Theo thống kê về số lượng phim ảnh nước ngoài nhập cảng vào miền Nam, đầu niên đại 1960, phim Đài Loan đứng ở vị trí thứ 2 sau Mỹ.(32) Đương nhiên trong số phim được nhập khẩu từ Đài Loan, Hương Cảng, loại phim cổ trang và võ hiệp chiếm số lượng rất lớn. Điều này lại gắn liền với việc truyền bá trào lưu mới của tiểu thuyết võ hiệp ở miền Nam. Trong trào lưu mới này, Kim Dung chắc chắn là một trong những tác gia nổi tiếng nhất: tiểu thuyết của ông hiển nhiên được độc giả nhiệt liệt ái mộ ở miền Nam vào thập niên 1960. Báo chí đăng tiểu thuyết Kim Dung để câu độc giả; hàng ngày những kỳ tiểu thuyết mới nhất của ông đăng tải trên nhật báo nhanh chóng được chuyển qua đường hàng không từ Đài Bắc, Hương Cảng đến thẳng Sài Gòn, sau đó được gấp rút dịch sang Việt ngữ để đăng báo; báo nào đăng càng sớm, càng dài thì càng thu hút được nhiều độc giả. Vì thế, từ ngày 7 tháng 9 năm 1968, nhật báo Tin sáng bắt đầu sử dụng một phương thức mới – đánh điện tín để đẩy nhanh tốc độ truyền tải truyện Kim Dung trên báo, nhằm gửi đến độc giả/ dịch giả miền Nam những phần viết “nóng hổi,” “mới ra lò” của nhà văn này.
Từ những tư liệu nêu trên, có thể thấy lúc ấy, tuy không như chúng ta trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, độc giả Việt Nam một mặt vẫn yêu thích tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, dành cho nó một tấm thịnh tình đặc biệt; mặt khác, do được điều kiện hóa bởi những bối cảnh văn hóa mới, họ cũng đồng thời có những yêu cầu duyệt đọc mới. Tất nhiên, hành vi duyệt đọc, nhu cầu và tài liệu sách vở cứ thế mà nảy sinh tự do. Trái lại, chúng vẫn bị giới hạn bởi những điều kiện xã hội, chính trị, văn hoá, trong đó cơ chế kiểm duyệt là nhân tố có tính quyết định.
Kiểm duyệt văn hoá chủ yếu nhằm vào những lĩnh vực “nhạy cảm”. Trong bài “Kiểm duyệt trong phiên dịch và Phiên dịch học ở Trung Quốc ngày nay”, GS. Trương Nam Phong thuộc Đại học Lĩnh Nam (Hương Cảng) chỉ ra rằng, hai phương diện thu hút sự chú ý của người kiểm duyệt là: chính trị và tính dục (kể cả ngoại tình và tính dục trước hôn nhân cũng bị cấm kỵ về mặt đạo đức.(33) Do hoàn cảnh chính trị, xã hội đặc thù của nó, cơ chế kiểm duyệt ở miền Nam trong thập niên 1960 rất khắc nghiệt, và cơ chế này cũng bị xã hội phê bình gay gắt. Theo P. Vĩnh Lộc, nhìn chung, báo chí và công tác xuất bản khi ấy đều rơi vào cảnh xoay xở rất chật vật để qua được cửa ải kiểm duyệt. Tác phẩm hay dịch phẩm nào muốn được xuất bản phải in thành 3 bản, sau đó nộp một đơn xin kèm theo 3 bản in của bản thảo để xin kiểm duyệt. Thời gian chờ duyệt mất khoảng một hai tuần; nếu cơ quan kiểm duyệt thấy rằng tác phẩm không có hại thì được phép xuất bản. Tác phẩm nào bị cho là khiêu dâm, đồi truỵ, phản chiến, chủ bại, vô ích (căn cứ trên quan điểm của chính phủ) thì sẽ bị cắt bỏ khá nhiều đoạn hoặc bị cấm xuất bản.(34)
Trong bối cảnh xã hội, chính trị, văn hoá như thế, Kim Bình Mai được dịch thực sự đã góp phần lấp một chỗ trống trong việc phiên dịch tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc sang Việt ngữ, đáp ứng sự trông chờ của bạn đọc và thời đại giải phóng tính dục của họ. Vậy, “đệ nhất kỳ thư” đã được dịch như thế nào?
4. Bản nền Việt dịch Kim Bình Mai
Bản Việt dịch Kim Bình Mai ra đời ở Sài Gòn từ tháng 8 năm 1969, do Chiêu Dương xuất bản xã phát hành, được in thành 12 tập, mỗi tháng in từ 1 đến 2 tập. Đến đầu năm 1970, sách đã được in trọn bộ với tổng cộng hơn 2.700 trang, người dịch là Nguyễn Quốc Hùng.(35)
Nhà Hán học Nguyễn Quốc Hùng sinh năm 1938 trong một gia đình danh giáo, thân phụ ông từng giữ chức Đốc học tỉnh Hải Dương. Ông dạy học ở Sài Gòn vào thời kỳ Việt Nam bị chia cắt, và là một học giả có nhiều thành tựu. Năm 31 tuổi (1969) ông đã đồng thời công bố bản dịch 2 bộ tiểu thuyết kinh điển Trung Quốc Hồng lâu mộng và Kim Bình Mai. Sau đó không lâu, độc giả Việt Nam tiếp tục biết đến tác phẩm của nữ tác gia Đài Loan La Lan do ông dịch và giới thiệu với bút danh là Miêu Khả Khanh. Chỉ trong vòng 2 năm (1973, 1974), ông đã cho xuất bản dịch phẩm của 6 bộ tiểu thuyết: Như một khúc nhạc buồn (1973), Như tình trong mộng (1973), Chuyện tình màu hoa trắng (1973), Gửi hương cho gió (1973), Thảm kịch mùa lá rụng (1974) và Tình sử Vương Chiêu Quân (1974). Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, Nguyễn Quốc Hùng di cư sang Canada, tại đây ông đã liên tục dịch nhiều tác phẩm khác của La Lan, như Người nhớ, người thương (1979), Yêu thương ơi (1981), Tình yêu, tình yêu (1988?) và Những cuộc tình Hương Cảng (1995). Ngoài việc phiên dịch, Nguyễn Quốc Hùng còn biên soạn Hán Việt tân từ điển (1974), Thông dụng thành ngữ cố sự (1989), Từ điển chính tả Việt ngữ, Từ điển nhân vật Tam Quốc và dịch Liêu trai chí dị toàn tập (3 sách sau cùng chưa xuất bản). Năm 2003, Nguyễn Quốc Hùng qua đời tại Canada.
Trước kia, các dịch giả quốc ngữ ở Việt Nam thường không có thói quen công khai bản nền trong dịch phẩm của họ. Điều này đương nhiên gây ra không ít khó khăn cho người nghiên cứu sau này. Về vấn đề bản nền, phần “Lời nhà xuất bản” ở bản Việt dịch năm 1969 có lời thuyết minh liên quan đến kiểm duyệt văn hoá như sau:
“Trước hết, chúng tôi xin thưa với quí vị độc giả. Bộ Kim Bình Mai đến được tay quí vị là một việc…khá hi hữu. Vì, cũng như trường hợp của bộ Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai tuy là một Đại tác phẩm của danh sĩ Vương Nguyên Mỹ, một đại văn hào của Trung Hoa đời nhà Minh, một bộ truyện mà Kim Thánh Thán đã không ngần ngại sắp ngang hàng với Lục tài tử. Nhưng, từ mấy chục năm nay, không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà ngay ở quê hương của tác giả và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, Kim Bình Mai bị liệt vào loại sách ‘quốc cấm’, tuyệt đối cấm xuất bản, không cho phổ biến trong đại chúng. Tuy nhiên, nếu quí vị độc giả lưu ý đến lời bạt và lời tựa ở đầu bộ truyện này do hai vị danh sĩ đời nhà Minh và nhà Thanh viết, ta sẽ thấy rõ giá trị của bộ truyện này không phải là nhỏ. Chúng tôi, vì nghĩ như vậy nên đã yêu cầu dịch giả Nguyễn Quốc Hùng chuyển ngữ sang Việt văn làm sao cho vừa không bị mất ý chính và tinh thần nguyên bản dù là những đoạn khó khăn, tế nhị nhất mà cũng phải làm sao cho sách có thể được cấp giấy phép xuất bản để có thể ra mắt được quí vị độc giả.”(36)
Đoạn trích dẫn trên có vài điều đáng thảo luận. Rõ ràng bản Việt dịch đã dựa vào một bản nền nào đó để nhận Vương Nguyên Mỹ là tác giả Kim Bình Mai. Ngoài ra, Nhà xuất bản có nhắc đến hai vị danh sĩ triều Minh – Thanh, và đây cũng chính là dựa vào lời tự, bạt có sẵn trong bản nền, nhưng đáng tiếc là họ tên người viết bài tự, bạt ấy không được dẫn dụng chính xác (xin xem phần tiếp theo sau). Điểm quan trọng nhất của đoạn trích dẫn trên chính là việc nhấn mạnh người dịch làm thế nào để đối phó với cơ chế kiểm duyệt khắt khe, giúp cho bản dịch phù hợp với quy định xuất bản, đồng thời “không bị mất ý chính và tinh thần nguyên bản”. Vậy, “nguyên bản” mà nhà xuất bản đề cập đến ở đây là bản nào?
Dựa vào nội dung lời tự, bạt trong bản dịch, năm 1996 (2 năm trước khi Phan Văn Các viết “Lời nói đầu”), GS. Trần Ích Nguyên từng nêu rõ: bản Việt dịch “hẳn là thuộc về hệ thống Cổ bản Kim Bình Mai san tiết được in ở các phường in Trung Quốc thời cận hiện đại. Người dịch dường như đã không chút hồ nghi mà tin vào những bài tưạ, bạt của người đời sau ngụy thác.”(37) Do vậy, nguồn gốc của cái gọi là Cổ bản Kim Bình Mai trước hết phải được tường khảo. Lưu phái Cổ bản này khởi nguồn từ Tưởng Đôn Cấn (Phục) và Vương Đàm, san cải từ bình bản của Trương Trúc Pha, viết thêm “Tự ngôn” và “Khảo chứng”, được gọi là Hội đồ chân bản Kim Bình Mai (gọi tắt là Chân bản) do Tồn Bảo trai ở Thượng Hải phát hành.(38) Hà Hương Cửu nhận xét về nội dung Chân bản như sau:
“Trên cơ sở bảo lưu đầy đủ 100 hồi và đoạn mạch chủ yếu của nguyên tác, [Chân bản] đã cắt bỏ sạch những miêu tả ô uế. Hồi thứ nhất giống bình bản của Trương Trúc Pha, các hồi 2, 3, 4 lại là tự bịa viết mới, kể từ chuyện Tây Môn Khánh nếm trải mộng lạ, sau tỉnh dậy thỉnh giáo cao tăng, chiết tự, đi tìm Kim Liên, đến việc cô hai Trác du địa phủ, có người hiện thân thuyết pháp, hát cho Tây Môn Khánh và Hoa Tử Hư… Mãi đến hồi thứ 5, các tình tiết mới tiếp tục trở lại theo bình bản của Trương Trúc Pha.”(39)
Mười năm sau, tức 1926, Cổ bản Kim Bình Mai (gọi tắt là Cổ bản) ra đời. Trịnh Chấn Đạc viết về sách này như sau: “[Cổ bản Kim Bình Mai do] Khanh Vân thư cục ở Thượng Hải xuất bản, dùng danh nghĩa luật sư Mục An Tố để bảo hộ cái gọi là Cổ bản Kim Bình Mai, kì thực đây chỉ là phiên bản bản in tipô Chân bản Kim Bình Mai của Tồn Bảo trai. Bản của Tồn Bảo trai hiện nay ít thấy. Vì thế các nhà buôn bèn gọi đó là ‘độc bản’, ‘cổ bản’.”(40) Có nguồn gốc từ Chân bản, các trường phái san cải và mạo danh ngày càng trở nên phức tạp. Sau khi Cổ bản Kim Bình Mai được xuất bản gần 10 năm, lại xuất hiện một bản khác cùng tên. Học giả Mai Tiết có lời phân tích về bản “biến đổi gene [gien]” này như sau: “Cổ bản Kim Bình Mai lại có bản trùng biên của Khâm Hà Các Chủ do Thượng Hải Trung ương thư cục ấn hành. Do thấy bản Khanh Vân tiêu thụ rất đắt hàng, 4 năm in 4 bản, lại nhân phần “Khảo chứng” của Vương Đàm trong Chân bản từng nói Triệu Dực tìm thấy một bản nguyên tác ở chỗ Viên Mai, nên đã giả tạo viết thêm lời bạt đề tên Viên Mai và bài tựa ghi tên Quan hải đạo nhân đời Minh Gia Tĩnh để che giấu bản in lậu của nhà Khanh Vân. Đề mục các hồi đều sửa thành câu đối 8 chữ và chữ nghĩa cũng bị sửa đổi.”(41) Trịnh Chấn Đạc kịch liệt phê phán hệ văn bản san cải, mạo danh này. Ông bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình và chỉ ra bản chất của loại văn bản ấy như sau:
“Quả nhiên Chân bản Kim Bình Mai này đã gột sạch tất cả những chi tiết nhơ bẩn; nhưng không chỉ bỏ mà còn sửa; không chỉ sửa mà còn thêm, biến nó thành một thứ ‘hoa lài vấy cứt trâu’. Vì người san cải không chịu tự thừa nhận mình san cải, thiên hướng ở vào hàng “nguỵ tác giả”, cho nên không thể không chắp vá mọi chỗ, thêm thắt vô tội vạ. Điều chúng tôi mong mỏi hoàn toàn không phải là thứ hàng hoá giả hiệu mạt hạng kia, mà là bảo toàn diện mạo của một tác phẩm xưa, một tác phẩm nổi tiếng; những chỗ đã cắt bỏ thì không được thêm vào, mà để đó là một bản cắt xén trung thực, trong đó chữ nào, dòng nào đã bị cắt bỏ đều phải nói rõ.”(42)
Do những hành vi cắt bỏ, sửa đổi, thêm thắt của người soạn Chân bản, Cổ bản, nội dung văn bản đã bị thay đổi một cách nghiêm trọng, gần như trở thành một loại nguỵ tác. Nhưng loại văn bản này cũng có lúc được in ấn phát hành khá rộng rãi ở Trung Quốc. Mai Tiết đã thuật lại tình trạng đặc biệt này như sau: “Bản này sau khi in thì kháng chiến bùng nổ, kế đó là nội chiến. Sau khi thành lập nước Công hoà Nhân dân Trung Hoa, loại sách này đều chuyển sang xuất bản ở Hương Cảng, Đài Loan, trong nước không còn nhiều nữa.”(43)
Vì bản Việt dịch cũng có lời tựa của Quan hải đạo nhân (bản dịch nói lấp lửng là “một danh sĩ triều Minh”) và lời bạt của Viên Mai (dịch giả nhận nhầm thành tên “Viên Mai Thức”), nên có thể suy đoán bản nền của dịch phẩm này có lẽ là phiên bản của bản do Khâm Hà Các Chủ soạn lại sau thập niên 1930. Nhưng ngoài tưởng tượng của độc giả, phần “Lời Nhà xuất bản” nói về nguồn gốc của bản nền như sau:
“Và hôm nay, sau bao nỗi cam go, bộ Kim Bình Mai lần đầu tiên được ấn hành tại Việt Nam. Như đã nói trên, cũng như trường hợp của bộ Hồng Lâu Mộng, trường hợp của bộ Kim Bình Mai vì phải gặp quá nhiều khó khăn như vậy nên chưa có một vị dịch giả nào ở Việt Nam dịch trọn và chưa được ấn hành một lần nào nên Kim Bình Mai gần như là một bộ sách bị thất truyền. Chúng tôi may mắn mượn được một bộ nguyên bản đúng với nguyên văn của cổ bản ấn hành lần đầu tiên từ đời nhà Minh của một vị túc nho chuyên sưu tầm sách quí đã tìm được cách nay trên nửa thế kỷ. Do đó, có thể nói bộ Kim Bình Mai này là một bộ đầy đủ và phong phú nhất.”(44)
Qua đoạn trích trên có thể thấy quá trình Việt dịch Kim Bình Mai chịu áp lực khá lớn từ khâu kiểm duyệt. Do bản dịch ra đời năm 1969, nếu nó dựa vào “một bộ nguyên bản đúng với nguyên văn của cổ bản ấn hành lần đầu tiên từ đời nhà Minh của một vị túc nho chuyên sưu tầm sách quí đã tìm được cách nay trên nửa thế kỷ” thì “nguyên bản” ấy nhất định phải được xuất bản khoảng trước sau năm 1910. Thế nhưng như đã biết, điều này hoàn toàn không đúng, hay nói cách khác, đây chỉ là những lời bịa đặt mà thôi. Đẩy lùi năm in bản nền lên một thời điểm sớm hơn là một nỗ lực nhằm tạo ra mức độ đáng tin cậy của “văn bản cổ”. Nhà xuất bản và dịch giả có thể cũng đều biết bản nền họ dùng thực ra là khiết bản (bản sạch), nhưng vẫn phải dùng lời bịa đặt để đảm bảo cho tính chất “đầy đủ và phong phú nhất” của nó. Xét từ góc độ kiểm duyệt, dùng “khiết bản” làm bản nền cho dịch phẩm về cơ bản là một việc làm an toàn tuyệt đối. Mặt khác, nghề xuất bản cũng cần phải có cách thu hút độc giả, đảm bảo lợi nhuận, nên khi tuyên bố với độc giả là bản dịch căn cứ theo một bản nền “đầy đủ và phong phú nhất”, Nhà xuất bản nhận rõ được sự kỳ vọng của bạn đọc. Việc Nguyễn Quốc Hùng dịch Kim Bình Mai sang Việt ngữ vào năm 1969 thực sự đã bổ khuyết một khoảng trống lớn trong việc truyền bá văn học cổ điển Trung Quốc tại Việt Nam. Đáng tiếc là bản Việt dịch của ông chẳng những chỉ căn cứ vào một bản nền có gốc ở “khiết bản” mà bản nền này lại còn bị cắt lọc thêm một lần nữa, thậm chí còn bị sửa đổi nghiêm trọng. Sau đây là những khảo sát, phân tích cụ thể để nói rõ hơn cách thức dịch giả xử lý bản dịch của mình.
5. Chuyện say loạn dưới giàn nho
Có thể thấy ngay rằng bản Việt dịch Kim Bình Mai đã lược bỏ khá nhiều tình tiết của bản nền. Đầu tiên, đề mục các hồi trong Cổ bản Kim Bình Mai vốn là câu đối 8 chữ đều bị người dịch tuỳ tiện dịch thành những cụm từ so le vụn vặt (xem phụ lục 1 và 2). Do vậy, có thể thấy rằng những cụm từ dẫn ở đầu các hồi trong bản Việt dịch không đối ứng trực tiếp với câu đối 8 chữ của bản nền, người dịch chỉ tóm tắt nội dung chủ yếu của các hồi bằng những cụm từ giản lược. Ngoài ra, một số tên gọi bất nhã như “Tiểu nhục nhi”, “Tiểu dâm phụ”, “Tiểu du chuỷ nhi” (ả lẻo mép)… đều bị đổi thành những tên gọi dễ nghe hơn. Ở Cổ bản Kim Bình Mai, sau câu đối 8 chữ hồi thứ nhất còn có một đoạn tổng luận chủ đề tác phẩm được viết lại từ bản Sùng Trinh, đoạn này cũng bị người dịch xoá bỏ. Do dùng Chân bản/ Cổ bản làm bản nền, bản Việt dịch cũng trình hiện tất cả những hồi đã bị sửa đổi, “tinh sạch hóa” (xem phụ lục 3), nhưng bản dịch Việt ngữ thậm chí còn khiến những hồi đã bị “tinh sạch hoá” đó càng trở nên “tinh sạch” hơn. Để hiểu rõ hơn cách xử lý bản nền của người dịch, xin chọn đối chiếu, khảo sát cùng một hồi tiêu biểu từ bản nền và bản dịch. Hồi được chọn là hồi 27 (tương ứng hồi 28 trong Cổ bản và bản Việt dịch) “Lý Bình Nhi tư tình bên Hiên phỉ thuý; Phan Kim Liên say loạn dưới giàn nho”
Đọc hồi 27 này trong những thời đại khác nhau, với những bối cảnh văn hoá khác nhau của độc giả, có thể dẫn đến những cách cảm thụ, nhận thức và lý giải khác nhau. Trương Trúc Pha ví nó như khung cửa sổ hiển lộ thái độ yêu, ghét của tác giả đối với bốn nhân vật nữ chính:
“Hồi này kể chuyện sau khi Kim Liên, Ngọc Lâu, Bình Nhi, Xuân Mai bốn người tụ hội cùng nhau, đồng thời tả thêm một lượt nữa. Ngọc Lâu được tác giả đặc biệt ưu ái, nên tả vẻ lạnh lùng mà không tả tính dâm ô. Xuân Mai sẽ được trao vai trò then chốt từ nửa sau tác phẩm, nên tả yêu thương mà không ra tuồng phóng đãng. Còn Bình Nhi và Kim Liên vốn cùng một giuộc thì tả với những nét đậm nhạt khác nhau; thế nên hiên phỉ thuý còn tao nhã ôn nhu, nồng đậm diễm tình, mà giàn bồ đào thì lại ai oán, cực kỳ yêu dâm, ô nhục. Rất đỗi vậy thay là nỗi oán ghét của tác giả với Kim Liên!”(45)
Học giả cuối đời Thanh là Văn Long từng nhận xét về hồi này như sau: “Hồi ‘say loạn dưới giàn nho’ này từ lâu đã làm người đời khoái chá. Sách này bị gọi là dâm thư cũng chính từ đây, mà bị cấm đọc cũng chính là từ đây. Trên tỉnh có người cũng vì chú ý đến hồi này mà âm thầm giữ lại.”(46) Trong bài viết “Từ ngữ nước đôi và những trò chơi chữ trong Kim Bình Mai – Tinh đọc hồi 27”, học giả Mỹ Katherine Carlitz đã nhận ra hàm ý phê phán xã hội, chính trị đương thời qua những miêu tả tính dục của hồi này:
“Từ ngữ nước đôi và những trò đùa đầy hàm ý dày đặc trong văn bản cho thấy tác giả có ý thức rất cao trong quá trình chọn lựa ngôn ngữ, thường đả kích tiểu thuyết và hý kịch có tính công ước của thời ấy. Những trò bỡn cợt ngữ ngôn trong Kim Bình Mai làm tăng thêm hứng thú duyệt đọc tác phẩm và có sức hấp dẫn đối với chúng ta, bất kể chúng ta có tiếp nhận sự bổ cứu truyền thống của bộ sách ấy đối với những căn bệnh của xã hội hay không. Có thể dựa vào hồi 27 để triển thị cho những luận đoán này… Nếu dựa vào mức độ nhạy cảm của đạo đức và công ước đời Minh mà đọc thật kỹ, thì không thể cho rằng hồi 27 là sự khẳng định cho hành vi tính dục bừa bãi, không húy kỵ. Điều này cũng giúp minh giải bộ sách này, bởi nó vượt ngoài những trò phiêu lưu tính dục của một gia tộc đơn nhất.”(47)
Về phương diện văn bản, bộ Hán Anh đối chiếu Kim Bình Mai in năm 2008 đã cắt bỏ cả thảy 793 chữ liên quan đến miêu tả tính dục trong hồi 27.(48) Cổ bản (tức Chân bản) một mặt lược bỏ hết thảy những chi tiết “dâm uế”, mặt khác lại còn sửa đổi cả những tình tiết mấu chốt, khiến bản thân nó mất hẳn “bản lai diện mục”. Đặc biệt, tình tiết gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc là dưới giàn nho Tây Môn Khánh “ném nhục hồ, gọi đó là đạn vàng bắn ngỗng bạc” (thực chất là lấy quả mận ném ba lần trúng vào “hoa tâm” – âm hạch của Kim Liên) đã được viết lại thành một trò đùa trẻ con vô vị (như sẽ trình bày tiếp theo đây). Trò chơi đầu hồ (ném que vào bình ống) giữa Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên dưới giàn nho thực ra là khúc dạo đầu cho cảnh “ném nhục hồ”, biến bình ống thành vật biểu trưng cho sinh thực khí nữ. Điều khiến người đọc ngỡ ngàng là bản Việt dịch đã cắt bỏ hoàn toàn chi tiết quan trọng này. Dưới đây là vài ví dụ; những đoạn gạch dưới là chi tiết vốn có trong Cổ bản nhưng đã bị bản Việt dịch lược bỏ:
“Tây Môn Khánh bảo: ‘Chúng mình ra ngọn giả sơn Thái Hồ kia, bày rượu ra, chơi trò ném que vào bình ống uống vài chén rượu cho vui.” (Cổ bản, hồi thứ 28(49), tr.33; bản Việt dịch tr.662)
“Hai người đùa giỡn hồi lâu, Kim Liên bảo: ‘Mình ra giàn bồ đào ngồi chơi, thi ném que đi.” (tr.34; bản Việt dịch tr.664)
“Hai người sánh vai bước trên những lối nhỏ trong hoa viên, quanh co một hồi thì tới giàn bồ đào, nơi đây cảnh trí thật đẹp, hoa lá muôn màu, dưới giàn có bốn cái đôn nhỏ và một cái bình ống bên cạnh. Kim Liên dựng nguyệt cầm, chơi ném que cùng Tây Môn Khánh.” (tr.35; bản Việt dịch tr.664)
“Tây Môn Khánh và Kim Liên ngồi đối mặt nhau, chơi trò ném que… ném được mười mấy que. Tây Môn Khánh ép Kim Liên uống thật say.” (tr.35; bản Việt dịch tr.664)
Việc lược bỏ tình tiết nêu trên có thể do nhiều nguyên nhân. Vì chi tiết “ném nhục hồ” đã bị Cổ bản sửa đổi hoàn toàn, nên trò chơi ném que hầu như mất hẳn ý nghĩa đối với diễn tiến cốt truyện. Mặt khác, lại do trò chơi đầu hồ - ném que vào bình ống nọ không mấy quen thuộc với độc giả Việt Nam, nên người dịch có lẽ đã theo cách thông thường mà lược bỏ những sự việc không thực thân thuộc với người đọc. Dù sao chăng nữa, cách xử lý của dịch giả cũng đã phản ánh cách hiểu của ông đối với bản nền. Hơn nữa, câu chuyện dưới giàn nho cũng chưa chấm dứt ở đây.
Dưới đây là phần đối chiếu, khảo chứng cùng một đoạn trong Cổ bản và bản Việt dịch liên quan đến trò bỡn cợt giữa Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên đã bị viết mới lại:
Cổ bản |
Bản Việt dịch |
Tây Môn Khánh ngủ một giờ liền, đến khi thức dậy, do thấy [Kim Liên] vẫn còn ngủ say, nên khẽ khàng bước đến bên thềm ngắt một cánh hoa nhài, quay lại ngoáy nhẹ vào tai [Kim Liên]. [Kim Liên] say rượu mơ màng, nghĩ là có con bướm bay qua tóc mai, nên phẩy tay xua rồi tiếp tục ngủ. Tây Môn Khánh cười lém lỉnh, lại hái hạt nụ kim anh tử to bằng lỗ tai đút vào tai [Kim Liên], không ngờ [Kim Liên] giật mình tỉnh dậy, nghiêng đầu một bên, làm cuống hoa kim anh tử gãy, mắc vào trong tai. [Kim Liên] hoảng sợ hoảng hốt kêu lên; Tây Môn Khánh cố nén cười, lẻn trốn ra sau. Xuân Mai nghe tiếng la thảng thốt vội vàng chạy đến, không thấy Tây Môn Khánh trên ghế đu thì biết tỏng là do Tây Môn Khánh bầy trò. Xuân Mai đến bên [Kim Liên] hỏi vừa xảy ra chuyện gì. [Kim Liên] vừa bưng tai vừa nói: “Không biết vật gì lọt vào lỗ tai.” Xuân Mai nhìn qua thì thấy một nụ kim anh tử chưa nở, liền nói, “Chắc là lão gia đùa thôi, nương nương đừng sợ.” Xuân Mai cố khều ra một hồi lâu, nhưng không được, bèn chạy khắp nơi mới tìm được Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh nói: “Ai bảo nàng ngủ ở đây làm chi, ta tưởng là nụ hoa ấy mới đánh thức nàng dậy được.” [Kim Liên] nói: “Chẳng phải là lão gia muốn giết người, cướp của đấy hay sao? Tôi chẳng có tiền của gì, sao lại đến rầy rà tôi?” Tây Môn Khánh nói: “Ta chỉ giúp nàng đỡ ngứa, ai biết đâu bị nàng bắt được” [Tây Môn Khánh] không móc ra được, bèn bảo Xuân Mai vào phòng lấy một cái nhíp thì sẽ gắp ra được thôi. Xuân Mai nói: “Sợ là dùng vào trường hợp này không hợp.” Xuân Mai vào phòng lấy một chiếc nhíp Hàng Châu, mang ra đưa cho Tây Môn Khánh. [Kim Liên] nhìn chiếc nhíp thì phát hoảng nên không cho Tây Môn Khánh gắp ra. Xuân Mai bảo: “Không việc gì đâu, để tôi gắp ra giúp Nương nương nào.” Rồi đưa tay đoạt lấy chiếc nhíp từ tay Tây Môn Khánh, cẩn thận gắp kim anh tử từ trong tai [Kim Liên] ra. [Kim Liên] trông thấy hạt kim anh tử kết lại với nhau như thế, liền ném mạnh vào mặt Tây Môn Khánh. Do không đề phòng, Tây Môn Khánh bị kim anh tử va “bốp” vào trán. Tây Môn Khánh nổi cáu mắng rằng: “Con giặc dâm phụ này to gan thật.” [Kim Liên] không kịp phân bua nên rấm rứt khóc. Thấy thế, Tây Môn Khánh tươi cười trở lại, rút khăn chậm nước mắt, rồi ôm nàng vào phòng, gọi Xuân Mai bày tiệc rượu giảng hoà với nàng. (Hồi thứ 28, tr. 38-39) |
Tây Môn Khánh đã chợp mắt được một lúc, nghe tiếng gọi thì thức dậy, thấy Kim Liên vẫn ngủ thì bứt một ngọn cỏ ngoáy vào tai. Kim Liên đang ngủ thấy ngứa tai, tưởng là con gì bay vào, đưa tay đuổi rồi lại ngủ tiếp. Tây Môn Khánh cười một mình thú vị, rồi bẻ một cọng cỏ khác, cắm vào tai Kim Liên. Kim Liên choàng tỉnh, hoảng hốt móc cọng cỏ vứt đi rồi kêu ầm lên. Tây Môn Khánh đã kịp chạy, núp vào một bụi cây. Xuân Mai nghe Kim Liên kêu thảng thốt vội chạy lại xem, không thấy Tây Môn Khánh đâu thì biết ngay là chính Tây Môn Khánh đã trên Kim Liên, bèn hỏi Kim Liên: “Chuyện gì vậy?” Kim Liên đáp: “Đang ngủ không biết có vật gì hay con gì chạy ngay vào tai, ghê quá đi mất.” Xuân Mai bảo: “Gia gia đùa đấy, nương nương đừng hoảng.” Nói xong đi tìm Tây Môn Khánh dẫn lại. Tây Môn Khánh cười bảo Kim Liên: “Ai bảo nàng ngủ say như chết vậy? Ta nghĩ rằng chỉ có cọng cỏ đó là gọi nàng thức dậy được mà thôi.” Kim Liên cười: “Chỉ được cái tinh nghịch là không ai bằng. Làm người ta hết cả hồn. Bây giờ vẫn còn một cọng cỏ lọt trong tai, ngứa gần chết mà không lấy ra được đây này.” Tây Môn Khánh bảo: “Để ta lấy ra cho nàng khỏi ngứa.” Nói xong tới lấy ngón tay khều ra, nhưng không được. Tây Môn Khánh bảo: “Có lẽ phải lấy cái kim trong cây trâm mà khều mới được.” Kim Liên sợ đau, không chịu. Xuân Mai bảo: “Không sao đâu, phải dùng kim đó mới khều cọng cỏ ra được.” Nói xong đưa cây trâm cho Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh khều được cọng cỏ ra ngay, đưa cho Kim Liên coi. Kim Liên cầm ngay cọng cỏ ném Tây Môn Khánh, nhưng không ngờ trúng mắt. Tây Môn Khánh dụi mắt nổi sùng mắng: “À, con khốn này cả gan nhỉ.” Kim Liên chỉ muốn đùa, không ngờ Tây Môn Khánh mắng thật, thì tức quá bật khóc. Tây Môn Khánh thấy vậy bèn tươi cười rút khăn lau nước mắt cho Kim Liên, rồi bế xốc vào phòng, bảo Xuân Mai dọn tiệc rượu. Hai người vui say tới khuya mới đi ngủ. (tr. 669-671) |
Chân bản/ Cổ bản đã sửa câu chuyện Tây Môn Khánh “cầm trái mận ngọc vàng” ba lần ném trúng vào “nhuỵ hoa” – âm hạch của Kim Liên thành một câu chuyện hoàn toàn khác. Nhưng câu chuyện mới viết lại đó vẫn không hoàn toàn thoát ly khỏi những chi tiết miêu tả tính dục rõ mồn một và dữ dội khiến người đọc phải kinh ngạc của nguyên tác. Trò chơi ném que vào bình ống nay đã tìm được một ảnh xạ mới: Tây Môn Khánh ngắt hoa nhài và kim anh tử to bằng lỗ tai đút vào tai [Kim Liên]. Hoa nhài là loại hoa tượng trưng cho tính nữ. Thế nhưng, hạt kim anh tử có dược tính giúp “ngăn tinh hoạt tự chảy, trong mộng xuất tinh” (Bản thảo mông thuyên), vỏ ngoài chi chít những gai nhỏ quả thật dễ khiến liên tưởng đến một thứ tựa như dương vật. Đương nhiên, sự liên tưởng này có gốc từ kinh nghiệm sau khi đọc chuyện “ném nhục hồ”. Nếu thiếu mất kinh nghiệm này thì câu chuyện ngắt hoa nhài và kim anh tử đút vào lỗ tai chỉ còn là những trò đùa giỡn tinh nghịch của trẻ con mà thôi. Do không nhận ra mối liên hệ giữa nguyên hình và biến hình trong nguyên tác và văn bản viết lại, bản Việt dịch đã đổi cả hoa nhài và kim anh tử vốn mang nội hàm tính dục đặc biệt thành một ngọn cỏ tầm thường, vô nghĩa. Cũng giống như câu chuyện đầu hồ, sách lược phiên dịch ở đây không phải bị giới hạn ở trình độ ngôn ngữ của người dịch mà có căn nguyên từ nhận thức hạn chế về diễn biến lịch sử của hệ thống văn bản Kim Bình Mai.
6. Tìm hiểu quá trình truyền bá Kim Bình Mai ở Việt Nam từ góc độ độc giả hồi đáp
Sau khi bản Việt dịch Kim Bình Mai ra đời gần một năm ở miền Nam, học giả Vương Hồng Sển (1902 – 1996) đã bình về “đệ nhất kỳ thư” khi bàn về tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc như sau:
“Kim Bình Mai đã được dịch ra Pháp văn và ra Việt văn. Vừa nổi tiếng vì kỹ thuật tả chân cao, và nội dung chống thổ hào mạnh. Cũng vừa mang tiếng nhiều nhứt, vì đối với người chưa quen đọc văn ngoại quốc thì đây là sách dâm ô nặng mùi dâm uế tà mị. Đối với người quen đọc loại Kama-Sutra ou les règles de l’Amour và xiết bao các loại sách khiêu gợi Âu Mỹ khác, thì Kim Bình Mai nào có thấm tháp phần nào; trái lại đã nói được đúng sự thật xảy ra trong đời sống hàng ngàycủa giới thổ hào buổi Mạt Tống, và đã là nghệ thuật thì đâu có vách cản. Những người sợ cay thì đừng ăn ớt, thế thôi.”(50)
Nhân đấy, ông còn chú thêm rằng:
“Nhà xuất bản Chiêu Dương, Sài Gòn, có cho ra bản dịch của ông Nguyễn Quốc Hùng trọn bộ 12 cuốn. Công phu nhiều, nhưng gò bó vì không vậy thì kiểm duyệt không cho phép in. Người nào tốt phúc hãy đọc nguyên văn chữ Hán. Muốn thấy còn đủ mặn mòi, hãy đọc bản Pháp văn. Bộ chữ quốc ngữ chỉ dành cho bọn ăn chay mà còn thèm mặn.”(51)
Bản Pháp dịch được đề cập ở đây chính là Kim Bình Mai – hay Sáu đoá hồng của Quan viên của Jean-Pierre Porret.(52) Bản này tổng hợp hai bản dịch năm 1949 và 1953 mà thành.(53) Đáng chú ý là bản dịch của Porret thực ra lại được dịch từ bản tiết dịch của nhà Hán học Franz Kuhn người Đức. Tuy chỉ là bản tiết dịch, bản này đã không ngại phơi bày các chi tiết miêu tả tính dục vốn có trong nguyên tác. Từ đó có thể thấy rằng khi bản Việt dịch vừa ra đời, giới học thuật đã biết nó có khác biệt rất lớn với nguyên tác. Tuy nhiên, với cơ chế kiểm duyệt khắt khe lúc bấy giờ, dịch giả và cả độc giả không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn nên đành phải công nhận đây là bản dịch còn nhiều khiếm khuyết do hoàn cảnh quy định.
Trong vòng 14 năm kể từ khi thống nhất đất nước năm 1975 mãi đến năm 1989, độc giả Việt Nam không có cơ hội đọc Kim Bình Mai. Nửa sau thập kỷ 1980, cùng với chính sách Đổi mới, bộ sách này mới được tái bản, tái ngộ bạn đọc. Tháng giêng năm 1989, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội ấn hành Kim Bình Mai 4 tập theo bản dịch năm 1969 của Nguyễn Quốc Hùng. Trong sách có thuyết minh: “In theo bản của NXB Chiêu Dương (1969), có đối chiếu bản gốc và tham khảo các bản khác.”(54) Thực ra bản in mới có vài điểm khác biệt so với bản năm 1969. Đáng chú ý là tên tác giả đổi thành “Tiếu Tiếu Sinh”, họ tên người dịch cũng hoàn toàn bị xoá bỏ. Bài tựa của Quan hải đạo nhân vẫn còn nhưng không thấy bài bạt mạo danh Viên Mai. Ngoài ra, nội dung sách này vẫn theo đúng bản dịch của Nguyễn Quốc Hùng. Lời nói đầu của GS. Lê Đức Niệm nhấn mạnh bút pháp hiện thực của bộ tiểu thuyết này. Ông cho rằng hiện thực trong Kim Bình Mai là bộ mặt thật của xã hội phong kiến từ sau niên hiệu Chính Đức đến trung kỳ niên hiệu Vạn Lịch đời Minh; Kim Bình Mai tuy có khuynh hướng phơi bày tội ác của xã hội phong kiến, nhưng do tác giả ham chuộng những lạc thú tầm thường, đôi khi bệnh hoạn, nên trong tác phẩm có vô số cảnh tượng loã thể, khiêu dâm và ngôn ngữ thô lỗ, tục tằn khiến người đọc có cảm giác tác giả không hề suy nghĩ, chọn lọc, chỉ biết vơ lấy những thứ nguyên mẫu vặt vãnh, tầm thường trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là cuộc sống truỵ lạc, thoái hoá của giai cấp thống trị. Chính vì điều này mà độc giả phải đặc biệt cảnh giác trong khi đọc.(55) Cũng trong “Lời nói đầu”, Lê Đức Niệm còn dẫn dụng nhiều đoạn rút ra từ bản dịch để chứng minh cho luận điểm của mình. Nếu như bản Việt dịch đã sử dụng một bản nền không đáng tin cậy, thì việc trích dẫn bản Việt dịch ấy để luận bàn, đánh giá nội dung, nghệ thuật của Kim Bình Mai hẳn nhiên sẽ không tránh khỏi những sai sót đáng tiếc về mặt khoa học.
Kim Bình Mai sau khi tái bản năm 1989 lập tức nổ ra tranh luận. Tháng 3 cùng năm, trên Tạp chí văn học Việt Nam đăng bài “Kim Bình Mai – Một tác phẩm hiện thực phê phán có giá trị” của GS. Lương Duy Thứ, kèm theo lời giới thiệu của Tòa soạn, viết rằng: “Kim Bình Mai vừa được ấn hành đầu năm nay đang gây tranh luận. Chúng tôi đưa in trong số này bài của giáo sư Lương Duy Thứ, chuyên gia văn học Trung Quốc. Mong nhận được các ý kiến trao đổi.”(56) Ngay từ tiêu đề bài viết có thể thấy Lương Duy Thứ đề cao giá trị hiện thực phê phán của Kim Bình Mai nhằm bảo vệ sự truyền bá hợp pháp của nó. Qua bài viết, có thể thấy ngay là ông chủ yếu dựa vào sách Lược sử tiểu thuyết Trung Quốc của Lỗ Tấn, cho rằng không thể xem Kim Bình Mai là “dâm thư”; trái lại, bộ tiểu thuyết này “không ngoài việc miêu tả thế cố nhân tình, nói cho hết cái thật cái giả; lại nhân đời suy, mất hết kỷ cương mà phát ra lời buồn khổ, nghe rất nặng nề bức thiết, song cũng pha tạp không ít những lời lẽ nhảm nhí, thô bỉ thói thường.”(57) Lương Duy Thứ cũng còn dựa theo tư liệu do Lý Tây Thành đưa ra trong bài viết “Ý nghĩa xã hội và thành tựu nghệ thuật của Kim Bình Mai”(58) để miêu thuật văn nhân Trung Quốc lịch đại tiếp nhận bộ tiểu thuyết này như thế nào. Ngoài ra, ông còn căn cứ trên bài viết “Sự hình thành chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc” của Lý Trường Chi để khẳng định Kim Bình Mai chính là “tác phẩm đã xây dựng được những nhân vật mang đặc trưng thời đại…đề cập đến một môi trường xã hội rộng lớn, mặt đối mặt với đời sống, thấm đượm mùi vị cuộc đời chứ không phải siêu phàm xa lạ như trước kia.”(59) Một năm sau, năm 1990, trong khi bàn thêm về việc có nên xem Kim Bình Mai là “dâm thư” hay không, Lương Duy Thứ lại dẫn dụng kết luận của nhà Hán học Xô viết L. Z. Eidlin, một mặt nhấn mạnh ý nghĩa châm biếm và răn đời của Kim Bình Mai, một mặt chỉ ra rằng những chi tiết miêu tả tính dục chỉ chiếm một tỉ lệ khá nhỏ trong sách mà thôi.(60)
Vấn đề tác giả Kim Bình Mai không được giới học thuật Việt Nam chú ý nhiều. Mãi đến năm 1999, khi Phan Văn Các viết lời nói đầu cho Kim Bình Mai mới có đôi lời giới thiệu. Qua lời giới thiệu, độc giả Việt Nam mới biết đến thành tựu nghiên cứu của các học giả Trung Quốc đại lục và Đài Loan, biết đến những tên tuổi và thành tựu nghiên cứu của các chuyên gia Kim học như Chu Tinh, Nguỵ Tử Vân, Từ Sóc Phương, Trương Viễn Phương, Hoàng Lâm…(61) Tuy nhiên, do lời nói đầu chỉ viết sơ lược, nên mặc dù độc giả Việt Nam cũng có được hiểu biết khái quát về cách phân loại văn bản Kim Bình Mai, nhưng vẫn chưa thể nắm bắt toàn cục quá trình diễn biến văn bản của nó, và những hệ văn bản ấy có liên hệ gì với bản dịch mà họ đang đọc; bạn đọc cũng chưa nhận ra được vai trò của người dịch quan trọng như thế nào đối với nhận thức về kết cấu Kim Bình Mai của họ. Đến nay tuy thị trường sách Việt Nam có nhiều ấn bản Kim Bình Mai nhưng tựu trung đều là phiên bản của bản dịch Nguyễn Quốc Hùng in năm 1969 (xem phục lục 4).
Từ những điều đã nói trên, có thể đưa ra cái nhìn sơ bộ về việc đọc, nghiên cứu Kim Bình Mai trong học giới Việt Nam. Đến nay độc giả Việt Nam vẫn chưa thực sự thưởng thức được một Kim Bình Mai từng được xem là “đệ nhất kỳ thư”. Bản dịch mà họ đọc thực tế là bản đã được người dịch “tinh khiết hoá” từ một bản đã vốn đã được “tinh sạch” và sửa đổi. Cơ chế kiểm duyệt khắt khe ở miền Nam hậu kỳ thập niên 1960 ảnh hưởng rất lớn đến việc phiên dịch Kim Bình Mai tại Việt Nam. Dù cố ý hay vô ý, sự lựa chọn văn bản của dịch giả khiến các học giả trong nước gặp rất nhiều trở ngại khi nhiên cứu Kim Bình Mai. Vì căn cứ vào một bản nền gần như là “nguỵ tác”, hơn nữa lại còn bị tỉnh lược trong quá trình phiên dịch nên bản Việt dịch có nhiều hạn chế nhất định cả về phương diện nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật. Do đó, không thể lấy bản dịch này làm cơ sở nghiên cứu. Ở Việt Nam hiện có rất ít người nghiên cứu Kim Bình Mai, hơn nữa, hướng nghiên cứu hiện nay chủ yếu vẫn là vận dụng chủ nghĩa hiện thực phê phán của Liên Xô và Trung Quốc đại lục từ thập niên 1950 để phân tích về phương diện tả thực. Những trích dẫn chủ yếu được lấy từ bản Việt dịch, rất ít người đọc trực tiếp nguyên tác Kim Bình Mai bằng bản Hán văn nguyên tác được giới học thuật quốc tế công nhận. Nghiên cứu Kim Bình Mai ở Việt Nam đương nhiên vẫn giậm chân tại chỗ với những khai phát khiêm tốn. Công việc cấp thiết trước mắt chính là dịch lại bộ tiểu thuyết này trên cơ sở một bản nền đích đáng. Song, xã hội đương đại Việt Nam đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận một bản toàn dịch Kim Bình Mai vốn còn nhiều tranh luận hay chưa vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Nguyễn Đông Triều dịch
Nguyễn Nam hiệu đính
PHỤ LỤC
Phụ lục 1: Bảng đối chiếu sự khác biệt về tên gọi và thứ tự các hồi giữa Kim Bình Mai bản Sùng Trinh, Chân bản, Cổ bản và bản Việt dịch (từ hồi thứ 1 đến hồi thứ 10)
Hồi |
Bản Sùng Trinh(*) |
Chân bản (1916) |
Cổ bản (1926) |
Bản Việt dịch (1969) |
1. |
Tây Môn Khánh nhiệt kết mười huynh đệ Võ Nhị Lang lãnh ngộ chị dâu |
Nhiệt kết, lãnh ngộ Tây Môn Khánh nhiệt kết mười huynh đệ Võ Nhị Lang lãnh ngộ chị dâu |
Tây Môn Khánh nhiệt kết mười huynh đệ Võ Nhị Lang lãnh ngộ chị dâu |
Bạn bè kết nghĩa, vui thú ăn chơi (15-57) |
2. |
Phan nương sau rèm đưa mắt Vương lão bà trà quán khen tài |
Đoán mộng, Tặng lời Chùa Vĩnh Phúc cao tăng đoán mộng Lầu Đại Hoà nghĩa đệ tặng lời |
Chùa Vĩnh Phúc cao tăng đoán mộng lạ Lầu Đại Hoà nghĩa đệ tặng lời hay |
Cao tăng đoán mộng, nghĩa đệ tặng lời (58-89) |
3. |
Lay dắt mối, bà Vương nhận bạc Giăng bẫy tình, lãng tử đa mưu |
Gây chuyện, Dò hỏi Hoa Tử Hư gây gổ nhà họ Lý Ưng Bá tước dò hỏi quán bà Vương |
Hoa Tử Hư gây gổ nhà họ Lý Ưng Bá Tước dò hỏi quán bà Vương |
Kẻ tới gây chuyện, người đi dò hỏi (90-118 |
4. |
Tới Vu Sơn, Phan thị say tình Quậy phường trà, Vận Ca trút giận |
Quy tiên, Bị mắng Dạo Âm Phủ, cô hai Trác quy tiên Nghe đạo tình, Ưng Bá tước bị chửi |
Dạo Âm Phủ, cô hai Trác quy tiên Nghe đạo tình, Ưng Bá tước bị chửi |
Người quy tiên, kẻ bị mắng (119-144) |
5. |
Bất gian tình, Vận Ca tìm kế Nhầm cưu dược, Võ Đại lâm nguy |
Mắc bẫy, Gặp nạn May áo liệm, Kim Liên mắc bẫy Bán tuyết lê, Vận Ca gặp nạn |
May áo liệm, Kim Liên rơi vào bẫy Bán tuyết lê, Vân Ca gặp tai nàn |
Mưu sâu kế hiểm (145-178) |
6. |
Hà Cửu âm thầm nhận bạc Vương bà giúp vặt, mắc mưa |
Bắt gian, Uống rượu Bắt gian tình, Vận Ca tìm kế Nhầm rượu độc, Võ Đại lâm nguy |
Bắt gian tình, Vận Ca bày xảo kế Nhầm rượu độc, Võ Đại bỗng tiêu ma |
Cái chết đau thương (179-196) |
7. |
Tiết băng nhân khuyên cưới Mạnh Tam Nhi Dương thiếu nữ giận mắng Trương Tứ Cữu |
Gạt người, Mắc mưa Hà Cửu âm thầm nhận bạc Vương bà giúp vặt, mắc mưa |
Hà Cửu xấu, nhận bạc, dối lừa người Bà Vương tham, giúp vặt, phải dầm mưa |
Những ngày vui thú (197-210) |
8. |
Đợi tình lang, giai nhân xem quẻ bói Cúng hương linhh, Hoà thượng nghe dâm thanh |
Làm mai, Giận mắng Tiết băng nhân khuyên cưới Mạnh Tam Nhi Dương thiếu nữ giận mắng Trương Tứ Cữu |
Tiết băng nhân khuyên cưới Mạnh Tam Nhi Dương thiếu nữ giận mắng Trương Tứ Cữu |
Vui duyên mới (211-236) |
9. |
Tây Môn Khánh vụng trộm Phan Kim Liên Võ Đô đầu đánh nhầm Lý sai dịch |
Xem quẻ, Cúng linh Gieo quẻ bói, lén bói hài thêu đỏ Cúng linh chồng, khéo nấp rèm the xanh |
Gieo quẻ bói, lén bói hài thêu đỏ Cúng linh chồng, khéo nấp rèm the xanh |
Tai vách mạch rừng (237-254) |
10. |
Nghĩa sĩ xung phối Mạnh Châu đạo Thê thiếp thưởng ngoạn Phù Dung đình |
Vụng trộm, Đánh nhầm Tây Môn Khánh vụng trộm Phan Kim Liên Võ Đô đầu đánh nhầm Lý sai dịch |
Tây Môn Khánh vụng trộm Phan Kim Liên Võ Đô đầu đánh nhầm Lý sai dịch |
Người tẩu thoát, kẻ chết oan (255-272) |
(*) Bắc Kinh Đại học Đồ thư quán tàng thiện bản tùng thư, Tân khắc tú tượng phê bình Kim Bình Mai, Bắc Kinh Đại học xuất bản xã, năm 1988.
Phụ lục 2: Bảng đối chiếu sự khác biệt về tên gọi và thứ tự giữa Kim Bình Mai bản Sùng Trinh, Chân bản, Cổ bản và bản Việt dịch (từ hồi 80 đến hồi 84)
Hồi |
Bản Sùng Trinh |
Chân bản |
Cổ bản |
Bản Việt dịch |
80. |
Phan Kim Liên bán thân tới đông sàn Lý Kiều Nhi trộm tiền về kỹ viện |
Bỏ mạng, Sinh con Tây Môn Khánh bị thương bỏ mạng Ngô Nguyệt Nương lo lắng sinh con |
Tây Môn Khánh bị thương lo mất mạng Ngô Nguyệt Nương sốt ruột mừng sinh con |
Đứa con trai không biết mặt cha (2188-2240) |
81. |
Hàn Đạo Quốc cuỗm tài biệt dạng Thang Lai Bảo phản chủ quên ơn |
Tế bạn, Chia buồn Ưng Bá tước viết văn tế bạn Sái Ngự sử ôm hận chia buồn |
Ưng Bá tước viết văn tế bạn cũ Sái Ngự sử ôm hận viếng tri giao |
Tên bạn phản phúc (2241-2257) |
82. |
Trần Kính Trai nhất cử lưỡng tiện Phan Kim Liên mặt lạnh lòng sôi |
Hao tài, Dối chủ Hàn Đạo Quốc cuỗm tài biệt dạng Thang Lai Bảo phản chủ quên ơn |
Hàn Đạo Quốc cuỗm tài, Thang Lai Bảo phản chủ, quá ngông cuồng |
Loài gia nhân phản chủ (2258-2278) |
83. |
Buồn đau, Thu Cúc giải tâm tình Dò hỏi, Xuân Mai hài giai ngẫu |
Ôm sầu, Hỏi tin Ôm sầu, Thu Cúc giải tâm tình Dò hỏi, Xuân Mai hài giai ngẫu |
Thu Cúc đau buồn, tâm tình bày giải Xuân Mai dò hỏi, giai ngẫu trùng phùng |
Cậu rể quý (2279-2312) |
84. |
Ngô Nguyệt Nương náo loạn cung Bích Hà Tăng Tĩnh Sư hoá duyên động Tuyết Giản |
Náo loạn, Hoá duyên Ngô Nguyệt Nương náo loạn cung Bích Hà Tăng Tĩnh Sư hoá duyên động Tuyết Giản |
Ngô Nguyệt Nương náo loạn cung Bích Hà Tăng Tĩnh Sư hoá duyên động Tuyết Giản |
Cuộc dâng hương nhớ đời (2313-2326) |
Phụ lục 3: Vài ví dụ về những chi tiết sửa đổi trong Sùng Trinh bản, Chân bản và Cổ bản
Hồi |
Sùng Trinh bản |
Chân bản |
Cổ bản |
Bản Việt dịch |
Sùng: 59; Chân, Cổ: 60 |
Tây Môn Khánh “khoe của”, Ái Nguyện sợ Lý Bình Nhi thấy vật, khóc quan ca |
Tặng khăn, Thấy vật Tây Môn Khánh tặng khăn thăm Ái Nguyệt Lý Bình Nhi thấy vật khóc quan ca |
Tây Môn Khánh tặng khăn thăm Ái Nguyệt Lý Bình Nhi thấy vật khóc quan ca |
Con mèo oan nghiệt (1457-1488) |
Sùng: 61; Chân, Cổ: 62 |
Tây Môn Khánh cớ say thiêu âm hộ Lý Bình Nhi gắng dự tiệc trùng dương |
Cớ say, Gắng gượng Tây Môn Khánh cớ say khoe giàu có Lý Bình Nhi gắng dự tiệc trùng dương |
Tây Môn Khánh cớ say khoe giàu có Lý Bình Nhi gắng dự tiệc trùng dương |
Bệnh tật tai ương (1503-1551) |
Sùng: 78; Chân, Cổ: 79 |
Bà Lâm tái chiến chốn rèm châu Như Ý hưởng riêng chàng dương cụ |
Dụng kế, buồn lòng Biếu hạt dưa, Bí tứ tẩu dụng kế Đòi tiền kiệu, Phan lão lão buồn lòng |
Biếu hạt dưa, Bí tứ tẩu dụng kế Đòi tiền kiệu, Phan lão lão buồn lòng |
Những ngày tết tưng bừng (2138-2188) |
Sùng: 79; Chân, Cổ: 80 |
Tây Môn Khánh hoang dâm mất mạng Ngô Nguyệt Nương đơn độc sinh con |
Mất mạng, Sinh con Tây Môn Khánh bị thương mất mạng Ngô Nguyệt Nương lo lắng sinh con |
Tây Môn Khánh bị thương lo mất mạng Ngô Nguyệt Nương sốt ruột mừng sinh con |
Đứa con trai không biết mặt cha (2188-2240) |
Chú thích:
* Tiểu luận nguyên được viết bằng Trung văn, trình bày tại Hội nghị quốc tế Kim Bình Mai, Đài Bắc, 24-27/08/2012. Nhờ có sự giúp đỡ quý báu của Ts. Trần Hải Yến và cô Nguyễn Thị Dương (Viện Văn học), Gs. Trần Ích Nguyên (Đại học Thành Công, Đài Loan) mà bài viết mới hoàn tất được. Nhân đây, xin chân thành cảm ơn.
1. Terese Seruya và Maria Lin Moniz chủ biên, Translation and Censorship in Different Times and Landscapes (Dịch và kiểm duyệt ở những thời - không khác nhau), Newcastle pon Tyne: Cambridge Scholars Publishing, 2008, tr.xi.
2. Lĩnh vực nghiên cứu văn học so sánh Trung Việt đã đạt được rất nhiều thành tựu, ở đây chỉ đưa ra vài công trình tiêu biểu: (Việt) Trần Quang Huy, Việt Nam Nôm truyện dữ Trung Quốc tiểu thuyết quan hệ chi nghiên cứu (Nghiên cứu mối liên hệ giữa truyện Nôm Việt Nam và tiểu thuyết Trung Quốc), Luận án Tiến sĩ, Ban nghiên cứu văn học Trung Quốc – Đại học Quốc lập Đài Loan, năm thứ 62 Dân Quốc (1973); Phạm Tú Châu, “Nghiên cứu tiểu thuyết Minh Thanh tại Việt Nam”, trong Bại hải tân hàng - Tập tham luận Hội nghị quốc tế về tiểu thuyết Minh Thanh lần 3 tại Đại Liên, Thẩm Dương: Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, 1996, tr. 362-370; Trần Ích Nguyên, Trung Việt Hán văn tiểu thuyết nghiên cứu (Nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Trung Quốc và Việt Nam), Hương Cảng, Cửu Long: Đông Á văn hoá xuất bản xã, 2000; Lục Lăng Tiêu, Việt Nam Hán văn lịch sử tiểu thuyết nghiên cứu (Nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử Hán văn Việt Nam), Bắc Kinh: Dân Tộc xuất bản xã, 2008; Nhậm Minh Hoa, Việt Nam Hán văn tiểu thuyết nghiên cứu (Nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Việt Nam), Thượng Hải: Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2010.
3. Về bản Việt dịch sớm nhất của Thuỷ hử truyện và Tây du ký, xin đọc thêm: Claudine Salmon biên soạn, nhóm Nhan Bảo dịch, Trung Quốc truyền thống tiểu thuyết tại Á Châu (Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc tại Châu Á), Bắc Kinh: Công ty xuất bản văn hoá Quốc Tế, 1989, tr. 227, 231.
4. Xem thêm: Nguyễn Nam, “Dùng văn sử liệu Trung Quốc lý giải tiểu thuyết Hán văn Việt Nam – Trường hợp Hoàng Việt xuân thu” (nguyên văn chữ Hán), bài tham luận tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam – Trung Quốc những quan hệ văn học và văn hoá trong lịch sử”, tổ chức tại Đại học Quốc gia TP. HCM – Việt Nam, ngày 21 tháng 9 năm 2011.
5. Xem thêm: Nguyễn Huệ Chi, “Thật và giả của Hý trường tuỳ bút”, trong Tạp chí văn học, tháng 3 năm 2004, tr. 23-52; tháng 4 năm 2004, tr. 9~28.
6. Đào Tấn, Hý trường tuỳ bút (nguyên tác chữ Hán), Nguyễn Thế Triết và Đinh Văn Tuấn sưu tầm và dịch sang Việt ngữ, Sở Văn hoá - Thông tin Nghĩa Bình, 1980, tr.86.
7. Như trên.
8. Trần Văn Giáp, “Lược khảo về tiểu thuyết Tàu – Phụ thêm tiểu thuyết Việt Nam xưa”, Nguyệt san Thanh Nghị, tập 9 (tháng 9 năm 1942), tr. 49.
9. Về vấn đề sứ thần Việt Nam và sự lưu truyền tiểu thuyết Minh Thanh, xem Trần Ích Nguyên, Trung Việt Hán văn tiểu thuyết nghiên cứu, sđd., tr. 4~5; tham khảo thêm bản dịch của Phạm Tú Châu và Phạm Ngọc Lan, Nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Trung Việt, Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, tr. 16-22.
10. Như chú thích 8.
11. Như trên.
12. Xem thêm: Thẩm Đức Phù, Vạn Lịch dã hoạch biên, quyển 25, “Từ khúc”, “Kim Bình Mai”, Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, tr. 652.
13. “Histoire de Wou-song et de Kin-lien” (Câu chuyện Võ Tòng và Kim Liên, trích từ hồi đầu tiên của Kim Bình Mai), A. P. Bazin trích dịch sang Pháp ngữ, Chine Moderne (Trung Quốc ngày nay), kỳ 2, 1853, tr.545-551.
14. Lotus d’or: Roman adapté du Chinois (Kim Liên: Tiểu thuyết cải biên từ Trung văn), George Soulié de Morant dịch sang Pháp ngữ, Paris: Nxb. Charpentier et Fasquelle, 1912.
15. Wang Feng-Chow (Vương Phụng Châu), Chin Ping Mei, The Adventures of Hsi Men Ching (Kim Bình Mai – Những chuyện phiêu lưu của Tây Môn Khánh), Chu Tsui-jen (Chu Tuý Nhân?) dịch sang Anh ngữ, New York: Thư viện Facetious Lore, 1927.
16. Chin P’ing Mei – The Adventurous History of Hsi Men and His Six Wives (Kim Bình Mai – Tình sử Tây Môn cùng 6 ngườ vợ), Bernard Miall dịch từ Đức ngữ sang Anh ngữ, Arthur Waley viết lời nói đầu, London: Jonh Lane the Bodley Head, 1939.
17. Kin Ping Meh, oder Die abenteuerliche geschichte von Hsi Men und seinen sechs frauen, Franz Kuhn dịch sang Đức ngữ, Leipzig: Insel-Verlag, 1930.
18. Golden Lotus – A Translation from the Chinese Original of the Novel Chin P’ing Mei (Kim Liên, Một bản dịch từ nguyên tác Trung văn bộ tiểu thuyết Kim Bình Mai), 4 tập, Clement Egerton dịch sang Anh ngữ, London: George Routledge & Sons Ltd., Broadway House, Carter Lane, 1939; Về bản dịch Kim Bình Mai Pháp ngữ, xem: Vương Lệ Na, Trung Quốc cổ điển tiểu thuyết hý khúc danh trứ tại quốc ngoại (Các tác phẩm tiểu thuyết cổ điển và hý khúc nổi tiếng của Trung Quốc tại nước ngoài), Thượng Hải: Học Lâm xuất bản xã, 1988, tr.133~141.
19. Ngô Cảm, “20 thế kỷ Kim Bình Mai nghiên cứu sử lược” (Lược sử nghiên cứu Kim Bình Mai thế kỷ 20), Cổ điển văn học tri thức, kỳ 5 năm 2002, tr. 62, 64.
20. Nguyễn Huy Khánh, Khảo luận tiểu thuyết Trung Hoa, Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí, 1958, “Gọi là vào đề”.
21. Như trên, tr.194.
22. Xem: Patrick Hanan, “Kim Bình Mai đích bản bản cập kỳ tha” (Văn bản Kim Bình Mai và những vấn đề khác), trong: Hồ Văn Ban soạn, Kim Bình Mai đích thế giới (Thế giới Kim Bình Mai), Hắc Long Giang: Bắc Phương Văn học xuất bản xã, 1987, tr.99~102; Hoàng Lâm, Kim Bình Mai giảng diễn lục, Quảng Tây: Quảng Tây Sư phạm Đại học xuất bản xã, 2008, tr.29~34.
23. Như chú thích 18, tr.vii-viii.
24. “Đàm Kim Bình Mai từ thoại” (Bàn về Kim Bình Mai từ thoại), trong Trịnh Chấn Đạc toàn tập, quyển 4 Nghiên cứu văn học Trung Quốc (quyển thượng), Hà Bắc: Hoa Sơn Văn nghệ xuất bản xã, 1998, tr.236.
25. Hán Anh đối chiếu Kim Bình Mai, Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh viết, Egerton dịch, Bắc Kinh: Nhân Dân xuất bản xã, 2008, tr.22.
26. Vương Nhữ Mai, “Kim Bình Mai tam chủng bản bản hệ thống” (Ba hệ thống văn bản Kim Bình Mai), Cổ điển văn học tri thức, 2002, tập 5, tr.83~89
27. Tiếu Tiếu Sinh, Kim Bình Mai, Phan Văn Các viết lời nói đầu, 2 tập, Hà Nội: Nxb. Lao Động và Trung tâm văn hoá – ngôn ngữ Đông – Tây, 1999, tr.8~11.
28. Như chú thích 20, tr.265.
29. Nguyễn Trọng Văn, “Văn chương làm tình”, Tạp chí Văn học, tháng 10 năm 1967 (số 78), tr.49~61; tháng 2 năm 1968 (số 79), tr.17~39.
30. Như trên, tr.39.
31. Thanh Quang, “Tổng kết tình hình điện ảnh quốc tế trong năm qua: 1968 – Năm toàn thịnh của phim ảnh đề cao tính dục”, Nhật báo Tin sáng - số Tất niên, ngày 13 tháng 2 năm 1969.
32. Viễn Kính, “Năm 1961, Việt Nam nhập cảng gần 500 phim chiếu bóng”, Tạp chí Kịch ảnh, số xuân năm 1962.
33. Chang Nam Fung (Trương Nam Phong), “Censorship in Translation and Translation Studies in Present-Day China” (Kiểm duyệt trong phiên dịch và Phiên dịch học ở Trung Quốc đương đại), như chú thích 1, tr.229~240.
34. P. Vĩnh Lộc, “Chân trời văn học”, Tạp chí Văn học, tháng 12 năm 1968, tr.120.
35. Vương Nguyên Mỹ, Kim Bình Mai, 12 tập, Nguyễn Quốc Hùng dịch sang Việt ngữ, Sài Gòn: Chiêu Dương xuất bản xã, 1969.
36. Như trên.
37. Trần Ích Nguyên, “Kim Bình Mai tại Việt Nam”, trong Tùng Kiều hồng ký đáo Hồng lâu mộng, Thẩm Dương: Liêu Ninh cổ tịch xuất bản xã, 1996, tr.247.
38. Về văn bản này, Trịnh Chấn Đạc đưa ra một thời điểm xuất bản khác: “Thời điểm Tồn Bảo trai ấn hành Hội đồ chân bản Kim Bình Mai là năm thứ 2 Dân Quốc (1913)”. Điều này đương nhiên là in nhầm. Ông cũng chỉ ra điểm đặc thù của bản này: “Phần ‘Mục lục’ tên hồi được ghi bằng 2 chữ, như: Hồi thứ nhất: Nhiệt kết (rộn ràng kết bạn) Lãnh ngộ (hội ngộ lạnh lùng); Hồi thứ 2: Tường mộng (đoán mộng), Tặng ngôn (tặng lời); Xem Trịnh Chấn Đạc toàn tập, quyển 4 Trung Quốc văn học nghiên cứu (quyển thượng), “Đàm Kim Bình Mai”, Hà Bắc: Hoa Sơn Văn Nghệ xuất bản xã, 1998, tr.235.
39. Xem Hà Hương Cửu, Kim Bình Mai truyền bá sử thoại, Bắc Kinh: Trung Quốc Văn liên xuất bản công ty, 1998, tr.187~190. Về sự khác biệt tên gọi, thứ tự các hồi giữa bản Sùng Trinh, Chân bản và Cổ bản, xem phụ lục 1 và 2 cuối bài viết này.
40. Như chú thích 38.
41. Mai Tiết, “Kim Bình Mai từ thoại đích bản bản dữ văn bản” (Phiên bản và văn bản của Kim Bình Mai từ thoại), Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu, 2004, kỳ 1, tr.45; Xem thêm: Hồ Văn Bân, Kim Bình Mai thư lục, Liêu Ninh Nhân Dân xuất bản xã, 1986, tr.85~88. Trong Kim Bình Mai tư liệu vựng biên (Bắc Kinh Trung Hoa thư cục, 1987) do Hoàng Lâm biên soạn, tác giả cũng chép bài tựa của Quan hải đạo nhân và bài bạt mạo danh Viên Mai, phía sau có ghi “Người soạn chú”, cho rằng “bài tựa này đưa vào phần đầu Cổ bản Kim Bình Mai thời cận hiện đại, rõ ràng do người đời sau mạo danh.” (tr.12~13). Dương Hồng Nho có viết về bản 1926 của Khanh Vân đồ thư công ty như sau: “Có khi Chân bản Kim Bình Mai sửa bài tựa ở quyển thủ thành bài tựa của Quan hải đạo nhân năm 37 niên hiệu Gia Tĩnh và bài bạt của Viên Mai năm 46 niên hiệu Càn Long, thực ra cả 2 đều là giả mạo.” (Tế thuật Kim Bình Mai, Bắc Kinh: Đông Phương xuất bản xã, 2007, tr.293). Trên thục tế, bản này vẫn có phần “Đề yếu” của Tưởng Đôn Cấn và phần “Khảo chứng”của Vương Đàm, nhưng không có bài tựa và bài bạt mạo danh ấy.
42. Như chú thích 38, tr.236.
43. Như chú thích 41.
44. Như chú thích 35.
45. Hội bình hội hiệu bản Kim Binh Mai, 3 sách, Tần Tu Dung chỉnh lý, Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1998.
46. Lưu Huy, Kim Bình Mai thành thư dữ bản bản nghiên cứu (Nghiên cứu quá trình soạn thành Kim Bình Mai và văn bản của nó), Liêu Ninh Nhân dân xuất bản xã, 1986, tr.208.
47. Katherine Carlitz, “Puns and Puzzles in the Chin P’ing Mei – A Look at Chapter 27” (Ngữ ngôn nước đôi và những trò đố trong Kim Bình Mai – Tinh đọc hồi thứ 27”, T’oung Pao, Loạt thứ 2, tập 67, sách 3/5 (1981), tr. 216-217, 239. GS. Ding Naifei (Đinh Nãi Phi) với chuyên luận Obscene Things (Những vật dâm uế) đã xem hồi này là một loại “Phục bút”: “Ở vào thế gần như không thể nhưng lại được sắp đặt sẵn, tình huống diễn ra dưới giàn nho đã dự báo và là thao tác chuẩn bị cho tình tiết đảo ngược có tính cao trào: nhân vật chính Võ Tòng làm lễ tế giết Phan Kim Liên.” (Ding Naifei, Obscene Things, Durham & London: Duke University Press, 2002, tr.190~194).
48. Như chú thích 25.
49. Vương Nguyên Mỹ, Cổ bản Kim Bình Mai, Thượng Hải: Vân Khanh đồ thư công ty, năm thứ 15 Dân Quốc (1926).
50. Vương Hồng Sển, Thú xem truyện Tàu, Sài Gòn: Hiểu cổ đặc san, 1970, kỳ 2, tr.75.
51. Như chú thích 1.
52. Jean-Pierre Porret, Kin P’ing Mei, ou Les six fleurs de mandarin (Kim Bình Mai – hay Sáu đoá hoa của quan viên), Paris: Les Productions de Paris, năm 1962.
53. Jean-Pierre Porret, Kin P’ing Mei ou La Merveille histoire de Hsi Men avec ses six femmes (Kim Bình Mai – hay lịch sử kỳ tình của Tây Môn và sáu người vợ, từ hồi 1 đến hồi 22), Paris: Guy Le Prat, 1949 ; Kin P’ing Mei ou La fin de la merveille histoire de Hsi Men avec ses six femmes (Kim Bình Mai – Kết cục lịch sử kỳ tình của Tây Môn và sáu người vợ, từ hồi 23 đến hồi 33), Paris: Guy Le Prat, 1953.
54. Tiếu Tiếu Sinh, Kim Bình Mai, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1989.
55. Như trên, tr.9, 14.
56. Lương Duy Thứ, “Kim Bình Mai – Một tác phẩm hiện thực phê phán có giá trị”, Tạp chí Văn học, 1989, số 3, tr.55~59.
57. Như trên, tr.57; Xem: Lỗ Tấn, Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, Thượng Hải: Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2006, tr.117.
58. Như chú thích 56, tr.56; Xem: Lý Tây Thành, “Kim Bình Mai đích xã hội ý nghĩa cập nghệ thuật thành tựu” (Ý nghĩa xã hội và thành tựu nghệ thuật của Kim Bình Mai), trong Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu luận văn tập, Bắc Kinh: Nhân Dân Văn học xuất bản xã, năm 1959.
59. Như chú thích 56, tr.59; Xem: Lý Trường Chi, “Hiện thực chủ nghĩa dữ Trung Quốc hiện thực chủ nghĩa đích hình thành” (Chủ nghĩa hiện thực và sự hình thành chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc), Văn nghệ báo, 1957, kỳ 3.
60. Lương Duy Thứ, Để hiểu 8 bộ tiểu thuyết cổ Trung Quốc, Nxb. Khoa học Xã hội và Nxb. Mũi Cà Mau, 1990, tr.117; Xem: V. F. Sorokin, L. Z. Eidlin, Kitaiskaia Literatura, Moskva: Izd-vo Vostochnoi Literatury, 1962, tr.77~79.
61. Như chú thích 27, tr.11~13.