Nguyễn Du qua cảm nhận của Nguyễn Hành

Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng - Thư pháp: Lê Quang Trường

Từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu Nguyễn Du bắt đầu từ bộ phận sáng tác thơ chữ Hán của ông trong Thanh Hiên thi tập, Bắc hành tạp lục, hay sáng tác thơ Nôm Đoạn trường tân thanh (Kim Vân Kiều tân truyện/ Truyện Kiều) đạt được nhiều thành tựu đáng kể; hoặc cũng có người tìm hiểu Nguyễn Du ở một góc nhìn khác, không phải từ góc độ một nhà thơ, mà ở góc độ nhà phê bình thơ qua những lời bình thơ của Nguyễn Du trong tác phẩm Hoa nguyên thi thảo của Lê Quang Định,... Việc tìm hiểu Nguyễn Du qua những nhân vật đương thời, tin chắc phần nào cũng sẽ có những đóng góp nhất định trong việc khắc họa chân dung và tâm sự của Nguyễn Du.

Người đầu tiên nhắc đến Nguyễn Du qua thơ Nguyễn Hành có lẽ là ông Ngô Lập Chi khi ông phiên dịch thơ Nguyễn Hành vào năm 1962 nhưng tiếc là chưa được công bố. Trương Chính khi biên soạn công trình Thơ chữ Hán Nguyễn Du tiếp tục nhắc đến một tác phẩm của Nguyễn Hành là Liệp tụng để làm rõ chí của Nguyễn Du. Công trình Nguyễn Du, niên phổ và tác phẩm1 sau đó của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính, tiếp tục nhắc lại và bổ sung vài bài thơ của Nguyễn Hành viết về Nguyễn Du khi ông soạn phần Niên phổ để ở đầu công trình này. Sau đó, Nguyễn Ngọc Nhuận trong bài viết Mối quan hệ giữa Nguyễn Hành (1771-1824) với Nguyễn Du (1766-1820) qua một số bài thơ văn đã tiếp tục công việc này khi tiến hành giới thiệu toàn văn 3 bài thơ và 1 bài tụng của Nguyễn Hành. Tuy nhiên, 3 bài thơ mà Nguyễn Ngọc Nhuận dẫn ra trong bài viết của ông là dẫn lại từ bản dịch của ông Ngô Lập Chi, do vậy vẫn chưa đầy đủ.

Trong quá trình dịch thuật, giới thiệu thơ Nguyễn Hành2, chúng tôi thấy trong sáng tác của ông, số tác phẩm trực tiếp và gián tiếp nhắc đến Đại thi hào Nguyễn Du không chỉ có 3 bài thơ và 1 bài tụng như Nguyễn Ngọc Nhuận nói. Trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Hành, có 6 tác phẩm nói về người chú của mình là Nguyễn Du (6 bài thơ và 1 bài tụng). Bài viết này do đó, vừa giới thiệu đôi nét về thơ Nguyễn Hành, vừa tìm hiểu Nguyễn Du qua cảm nhận của người cháu hay thơ.

Nguyễn Hành (1771-1824), tự là Tử Kính, hiệu là Nam Thúc, biệt hiệu là Ngọ Nam, Nhật Nam, Nam Song chủ nhân3, quê gốc ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, là con Nguyễn Điều (anh cùng cha khác mẹ của thi hào Nguyễn Du). Thuở trẻ, Nguyễn Hành nổi tiếng là người học rộng, có tài văn thơ, được xếp vào hàng “An Nam ngũ tuyệt” (năm văn nhân nổi tiếng đương thời, trong đó có hai chú cháu Nguyễn Du, Nguyễn Hành)4. Sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc, xóa bỏ triều đình Lê Trịnh thối nát, lập ra vương triều mới Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Hành không chịu hợp tác với tân triều, cam chịu cuộc sống ăn nhờ ở đậu, đói khổ ốm đau triền miên. Năm 1802, Gia Long lên ngôi, ông cũng không hưởng ứng lời “cầu hiền”, tiếp tục sống cuộc đời thanh bần với tâm sự “hoài Lê” cho đến khi qua đời, để lại hai tập thơ Minh Quyên phả (Minh Quyên thi tập) Quan Đông hải.

Qua thơ, ta thấy cuộc đời của Nguyễn Hành là chuỗi ngày ly hương, tình cảnh đói khổ kéo dài. Nhiều bài thơ cho thấy cảnh ngộ của Nguyễn Hành phần nào na ná với Nguyễn Du trong khoảng mười năm gió bụi:

去年南策府

今夜大羅城

漂泊原無定

飢寒尚有生

 (北城除夕)

Khứ niên Nam Sách phủ,

Kim dạ Đại La thành.

Phiêu bạc nguyên vô định,

Cơ hàn thượng hữu sinh…

(Bắc Thành trừ tịch)

Năm ngoái ở phủ Nam Sách,

Đêm nay ở thành Đại La[1]

Phiêu bạt không nơi chốn cố định,

Đói rét nhưng vẫn còn được sống…

(Đêm ba mươi Tết ở Bắc Thành[2])[3]

Cuộc sống rày đây mai đó, thiếu thốn trăm bề chẳng khác Nguyễn Du từng nói trong bài thơ Khất thực: “Văn tự hà tằng vi ngã dụng/ Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.” (Văn chương chữ nghĩa chưa từng có ích cho ta/ Đói rét chợt khiến người ta phải thương xót).

Biến cố chính trị đã đẩy Nguyễn Hành đến việc ly hương, lại mắc tiếng oan khiến ông bị nhà quan kêu lên kêu xuống. Bài thơ có tính tự trào ghi lại tình cảnh ấy:

他年海內知名士

今日城中乞食人

最是一般真可笑

公門安用汝頻頻

(有嘲之者)

Tha niên hải nội tri danh sĩ,

Kim nhật thành trung khất thực nhân.

Tối thị nhất ban chân khả tiếu,

Công môn an dụng nhữ tần tần.

(Hữu trào chi giả)

Năm nào vang tiếng là bậc danh sĩ của cả nước,

Ngày nay lại thành người xin ăn trong thành.

Điều đáng cười mỉa nhất chính là,

Cửa công chẳng cần ngươi mà ngươi lại thường đến.

(Có điều cười mỉa)

Thơ của Nguyễn Hành lời lẽ giản dị, ý tứ tha thiết, thường ghi lại những cảm xúc và cảnh ngộ bản thân ông đã nếm trải, đồng thời qua đó bày tỏ sự ngao ngán của thế thái nhân tình. Đặc biệt dưới triều Tây Sơn, Nguyễn Hành có nhiều bài thơ bày tỏ quan niệm trung quân, mang tâm sự “hoài Lê”. Ông có tập thơ Thất cảm, truy vịnh nhiều nhân vật là bầy tôi của vua Lê, qua đó bày tỏ thái độ bất hợp tác với tân triều.

Thái độ của Nguyễn Hành đối với triều Nguyễn sau này, không gay gắt như đối với triều Tây Sơn, nhưng ông vẫn quyết sống cuộc đời thường dân. Lời dẫn một bài thơ Quá tiền Hình bộ tham tri Huỳnh công thành trung cựu trạch kiến liễu thụ nhi tác (Qua nhà cũ ở trong thành của Tham tri bộ Hình trước đây là Huỳnh công, thấy cây liễu nên làm thơ) của ông cho thấy điều đó:

 “Lúc ông Tham tri bộ Hình trước đây là Uẩn Ngọc hầu Huỳnh công[4] trấn ở Nghệ An, nhiều lần mời Hành ra nhưng Hành chẳng chịu, ông vẫn dung tha cho. Được ít lâu, ông về triều. Gặp tang mẹ, ông xin nghỉ quan, Hành cảm kích làm bài lụy văn gửi viếng, ông cũng viết thư trả lời. Vào năm Canh Ngọ (1810), ông phụng mệnh vua đi tra xét chuyện ở Bắc Thành, có mời Hành cùng đi, dùng lễ đãi như khách, thường bồi tiếp chuyện thơ văn. Hành tôi tự nghĩ là một kẻ áo vải, được ngồi cùng bậc công khanh, hơn cả chức phận mình, lại được vào ra cửa quyền, cũng không phải là niềm vui của mình. Ở được vài tháng, tôi cố từ mà về. Ông đem hai chục lạng bạc trắng làm quà tiễn. Từ đó về sau, Hành không đến đó nữa. Ông mất khi đương việc quan, ân ý đều vẹn. Nhưng ở Nghệ An chẳng được yên, Hành dắt díu gia đình lên nương dựa ở đất Bắc, lại bị lời nói bóng gió làm lụy thân, phải ở tại thành, đường trần vất vả. Nhìn lại nơi ngày xưa dạo chơi, lòng thấy bồi hồi. Cảm thương người tri kỷ đã mất, xót xa mình chẳng thành đôi, bấy giờ nhà cũ đã đổ nát, chỉ còn cội liễu xanh tươi, thấy cảnh mà đau xót bèn làm thơ.”[5]

Từ chối làm quan với triều Nguyễn, Nguyễn Hành vẫn tiếp tục đời lưu lạc, thiếu thốn. Trong bài Trường ngôn hành, người đọc có thể cảm nhận tình cảnh quẫn bách đói nghèo của gia đình đông con, thân bị ràng buộc bởi công danh của Nguyễn Hành chẳng khác gì với Nguyễn Du:

倉皇共命未就成

直俟公門渾似贅

初來本欲潔其身

今日此身為有繫

十口栖栖羈旅中

夢中何以供珠桂

朝干暮貸不勝煩

物情好處余心愧

丈夫本志在濟人

窮途未免為人濟

百年長有債相隨

萬事果為名所纍

衣食支吾兩難全

捨衣取食危哉勢

饑寒蹙迫可奈何

妻子号啼了無計

可憐垂老路途中

曾是少年公子貴

開山遼遠更何如

身世飄零長若寄

平生本是耐窮人

未有如今窮也至

猶幸真心一點存

往來伸屈非無義

窮壯老壯勉旃哉

我思古人有名世

Thảng hoàng cộng mệnh vị tựu thành,

Trực sĩ công môn hồn tự chuế.

Sơ lai bổn dục khiết kỳ thân,

Kim nhật thử thân vi hữu hệ.

Thập khẩu thê thê ky lữ trung,

Mộng trung hà dĩ cung châu quế.

Triêu can mộ thải bất thăng phiền,

Vật tình hảo xứ dư tâm quý.

Trượng phu bổn chí tại tế nhân,

Cùng đồ vị miễn vi nhân tế.

Bách niên trường hữu trái tương tuỳ,

Vạn sự quả vi danh sở luỵ.

Y thực chi ngô lưỡng nan toàn,

Xả y thủ thực nguy tai thế.

Cơ hàn xúc bách khả nại hà,

Thê tử hào đề liễu vô kế.

Khả liên thùy lão lộ đồ trung,

Tằng thị thiếu niên công tử quý.

Khai sơn liêu viễn cánh hà như,

Thân thế phiêu linh trường nhược ký.

Bình sinh bổn thị nại cùng nhân,

Vị hữu như kim cùng dã chí.

Do hạnh chân tâm nhất điểm tồn,

Vãng lai thân khuất phi vô nghĩa.

Cùng tráng lão tráng miễn chiên tai,

Ngã tư cổ nhân hữu danh thế.

… Sống trong hoảng hốt chẳng có gì thành tựu,

Mãi chờ chực ở cửa công như làm rể.

Lúc đầu vốn muốn thân trong sạch,

Mà nay thân này lại bị buộc ràng.

Mười miệng ăn lo lắng đời lưu lạc,

Trong mơ biết lấy gì ăn trong thời buổi đắt đỏ này.

Sáng làm tối vay, chẳng dám than phiền,

Dẫu đời đối xử tốt, nhưng lòng ta thấy thẹn.

Bậc trượng phu vốn chí ở chỗ cứu giúp người,

Nhưng cùng đường chẳng tránh khỏi được người giúp lại.

Trăm năm nợ mãi còn theo đuổi,

Muôn chuyện quả là bị danh làm lụy.

Chuyện áo cơm khiến ta khó vẹn cả hai,

Bỏ áo, chọn cơm, thế cũng nguy.

Đói rét túng quẫn biết làm sao?

Vợ con gào khóc, hết phương kế.

Thương thay, nay ta già cả quá nửa đời,

Trước đây từng là chàng công tử trẻ lại giàu sang.

Mở núi khai hoang thì thế nào?

Thân thế nổi trôi, mãi ở trọ[6].

Đời ta hẳn là người chịu cực,

Nhưng chưa bao giờ khổ cực đến mức như ngày nay.

Cũng may còn lại chút chơn tâm,

Tiến lui co duỗi chẳng phải là vô nghĩa.

Nghèo mà khỏe, già mà khỏe, gắng sức vậy!

Ta nhớ người xưa, có bậc hiền nổi danh ở đời[7].

Có lẽ do hoàn cảnh của hai chú cháu gần giống nhau nên Nguyễn Hành cảm thông với nỗi niềm của Nguyễn Du. Trong bài Liệp tụng[8] có tính phúng dụ, Nguyễn Hành từng nói lên quan điểm của mình qua các nhân vật Thạch Sinh, Phỉ Tử và Chi Ly. Có người cho rằng Nguyễn Hành trong thế vai Thạch Sinh, còn Nguyễn Du trong vai Phỉ Tử[9].

Thạch Sinh đả kích việc đi săn của Phỉ Tử không phải là cách để nuôi thần dưỡng khí, là ham cái lợi nhỏ để mắc cái họa lớn:

… 石生曰:子知獵而不得獸爲樂,詎知獵而得獸與不得獸爲憂乎?居吾語子:夫獵者,晨而出,冒霜露,登高山,入林莾,喘不得息,饑不遑哺,兩目出火,汗流如雨,精搖力竭,心在於獸,非所以持志養氣尊名益壽,又况有意外之卢者乎,徼小利而蒙大害,窃爲吾子不取也。

Thạch Sinh hỏi: “Ông chỉ biết đi săn không được thú là vui, há biết rằng đi săn được thú và đi săn mà không được thú đều phải lo chăng? Hãy để tôi nói cho ông biết: Kẻ đi săn, sáng sớm đã ra khỏi nhà, đội sương móc, lên núi cao, vào rừng rậm, dẫu mệt cũng không được nghỉ, đói cũng chẳng kịp ăn, hai mắt như đổ lửa, mồ hôi như tuôn mưa, hao thần tổn sức, tâm để ở việc săn được thú, chẳng phải là cách để giữ chí nuôi khí, để vang danh thêm thọ, huống lại có thêm những rủi ro ngoài ý, cầu cái lợi nhỏ để mắc cái hại lớn, trộm nghĩ rằng ông không nên vậy.”

Nhưng qua cách giải thích của Phỉ Tử, cho thấy, lối đi săn của Phỉ Tử hoàn toàn không phải cách đi săn của người đời, ông gọi đó là cuộc đi săn của bậc đại phu:

蜚子笑而應之曰:子之所言,世俗之獵也。子亦知夫大人之獵乎?夫大人之獵,志不在獲,將翺將翔,覽乎林薄,凌高顚,望大壑,洗濯乎清泉,偃仰乎松栢,觀生物之變化,與熊麋而偕樂。於是神怡意得,澹若無爲,雲容容而入袖,風??而飄衣,望清都於咫尺,與汗漫而爲期,是則大人之獵也,豈世俗之所知?且夫利害者深,不在山林在朝廷。李斯西遊遂相秦嬴,位極讒深,卒被五刑。子獨不記其臨死之言乎?此辰雖欲牽黃狗臂蒼鷹,出上蔡東門,逐狡兔,不可得也。今子教我以擇術,我敢不服,若以利害動之,夫徼小利而蒙大害者,固不可爲也。設蒙小害而獲大利者,尚可爲乎。且天下之獵,於子爲憊,終日勞瘁,夜分未寐,心思目覽,口誦手記,採華葉之繁言,嚼糟粕之餘味,求以蹈美前修,立名後世,斯亦難矣。性與命合,學與辰違,踽踽凉凉,窮無所歸,饑不索食,寒不製衣,坐見蹇拙,動獲誹謗,子不知悔,又我是譏。           

Phỉ Tử cười mà đáp rằng: “Lời ông nói là việc đi săn của người đời. Ông có biết bậc trượng phu đại nhân đi săn thế nào chăng? Bậc trượng phu đại nhân đi săn, chí chẳng cốt ở việc săn được thú, mà cốt ở việc rong ruổi lượn bay, xem khắp rừng rú, trèo lên đỉnh cao, nhìn hang núi rộng, tắm táp ở suối trong, nằm ngửa dưới cội tùng bách, xem muôn vật biến hóa, vui cùng lũ gấu nai. Thế nên tinh thần vui vẻ, thanh đạm vô vi, mây thong dong lồng tay, gió hây hây thổi áo, ngắm bầu trời gần trong gang tấc, cùng thần tiên[10] gửi ý hẹn hò, đó mới là kiểu đi săn của bậc đại nhân vậy, người đời há có thể biết được? Huống hồ điều lợi điều hại thật thâm sâu, nó chẳng ở nơi núi rừng mà ở tại triều đình đó. Lý Tư sang phía tây làm tướng cho họ Doanh nước Tần, ngôi cực cao thì bị gièm càng lắm, cuối cùng bị án ngũ hình[11]. Ông há chẳng nhớ lời của Tư lúc sắp chết sao? Bấy giờ dẫu có muốn “tay dắt chó vàng, vai mang ó xanh, ra cửa đông đất Thượng Sái săn đuổi thỏ ranh, cũng không còn được nữa”.[12] Nay ông lại đem phương cách mà chỉ cho ta, ta dám đâu chẳng phục, lại lấy điều lợi điều hại để lay chuyển rằng chỉ chăm cái lợi nhỏ để mắc cái hại lớn, thì ta đây vốn không làm, nhưng giả như chịu thiệt hại nhỏ mà thu được lợi lớn, thì vẫn có thể làm chăng? Vả người trong thiên hạ đi săn thì giờ tý đã lo lắng, suốt ngày mệt nhọc, đến khuya chưa yên giấc; (còn ông) lòng cứ nghĩ, mắt cứ nhìn, miệng đọc, tay ghi, nhặt nhạnh những lời rườm rà, nhai lại những mùi thừa cặn bã, lại mong bước vào chỗ các bậc tiên hiền đức cao lập danh để đời sau, thế thì khó lắm vậy. Tính hợp với mệnh, sự học trái với thời cuộc, thui thủi lẻ loi, đến đường cùng chẳng có nơi về, đói không tìm được miếng ăn, lạnh không sắm nổi chiếc áo, chỉ biết ngồi nhìn cảnh khốn quẫn, động tí thì phỉ báng, ông đã không biết hối, sao lại còn mỉa tôi!”[13]

Câu chuyện Nguyễn Du thích đi săn được Nguyễn Hành ghi lại trên đây hoàn toàn phù hợp với những ghi chép về tính thích đi săn của Nguyễn Du trong Đại Nam liệt truyện. Qua câu chuyện giữa Thạch Sinh và Phỉ Tử trong bài Liệp tụng, người đọc có thể thấy chí hướng ở nhàn và con đường ra làm quan với triều Nguyễn của Nguyễn Du là sự bất đắc dĩ. Nguyễn Nễ (anh Nguyễn Du) từng làm quan dưới triều Lê - Trịnh, rồi Tây Sơn, đến khi Gia Long ra Bắc, ông cũng làm thơ dâng vua Gia Long để được làm quan với triều Nguyễn; còn Nguyễn Du không giống như anh của mình, mặc dù đã có lần ông trốn về Nam để theo nhà Nguyễn, nhưng việc không thành. (Nhà Nguyễn trong tâm thức của Nguyễn Du, dẫu sao vẫn là chính thống, bởi các đời chúa Nguyễn vẫn dùng theo niên hiệu của nhà Lê).

Theo Đại Nam liệt truyện, năm Gia Long thứ nhất (1802), Nguyễn Du ra làm quan dưới triều Nguyễn, được bổ chức Tri phủ phủ Thường Tín. (Trong bài Liệp tụng của Nguyễn Hành cũng chép ông ra làm quan với triều Nguyễn vào thời gian này). Nhưng không được bao lâu, ông lấy cớ bệnh tật từ quan về quê nhà (1804). Do ra làm quan trong vạn bất đắc dĩ, nên khi Nguyễn Du từ chức Tri phủ phủ Thường Tín, Nguyễn Hành làm bài thơ mừng, và ngợi ca phẩm đức của chú:

清平何事故辭官

勇退知公意所安

烈爵已從天下得

令名應爲我家完

白雲本是無心出

飛鳥宜於未倦還

只日故園陪勝會

歲寒松菊靜相看

(喜叔父常信俯府知府解官歸)

Thanh bình hà sự cố từ quan,

Dũng thoái tri công ý sở an.

Liệt tước dĩ tòng thiên hạ đắc,

Lệnh danh ưng vị ngã gia hoàn.

Bạch vân bản thị vô tâm xuất,

Phi điểu nghi ư vị quyện hoàn.

Chỉ nhật cố viên bồi thắng hội,

Tuế hàn tùng cúc tĩnh tương khan.

(Hỉ thúc phụ Thường Tín phủ tri phủ giải quan quy)

Gặp đời thái bình sao lại cố ý từ quan,

Biết rằng ông có ý quả quyết theo sở thích riêng của mình.

Quan tước dẫu là điều quý trong thiên hạ,

Tiếng hay nên vì nhà ta mà giữ gìn trọn vẹn.

Đám mây trắng vốn là vô tâm ra khỏi hang núi,

Con chim bay nên trở về lúc chưa mỏi.

Nay mai được hầu trong buổi hội ngộ nơi vườn cũ,

Cùng vui với tùng cúc trong cảnh trời đông lặng lẽ.

(Mừng chú từ quan Tri phủ phủ Thường Tín về nhà)

Nhưng chưa được bao lâu thì được triệu làm Đông các học sĩ vào năm Bính Dần 1806. Nguyễn Hành làm thơ tiễn chú:

鴻魚多秀氣

夫子獨馳名

袍馬當朝貴

蒪鱸故園情

州廬方屬望

旌旗遽登程

浩浩三江水

風濤自坦平

(送叔父東閣大學士赴南京)

Hồng, Ngư đa tú khí,

Phu tử độc trì danh.

Bào mã đương triều quí,

Thuần lô cố viên tình.

Châu lư phương chúc vọng,

Tinh kỳ cự đăng trình.

Hiệu hiệu Tam Giang thủy,

Phong đào tự thản bình.

(Tống Thúc phụ Đông các đại học sĩ phó Nam kinh)[14]

Núi Hồng, núi Ngư[15] nhiều tú khí,

Chỉ riêng chú được hun đúc nên nổi danh tiếng.

Dẫu được vinh hiển ở triều đình, mặc áo bào, cưỡi ngựa,

Mà tình cảm vẫn nhớ rau thuần cá lô nơi quê nhà xưa.

Chốn châu quận còn đang ngóng trông,

Bóng tinh kỳ đã vội lên đường.

Nước Tam Giang[16] rộng mênh mông,

Sóng to gió lớn chợt phẳng lặng.

(Tiễn chân thúc phụ Đông các đại học sĩ vào Nam kinh)

Nguyễn Hành sau đó lại còn viết bài thơ dâng chú, ngợi ca sự tài hoa và phẩm đức nhà nho với tấm lòng giản dị và tình cảm đối với quê nhà:

吾門秀出如夫子

九十九峰中一峰

品在玉堂金馬貴

心將木食草衣同

江湖廊廟饒雙適

詩畫琹書擅四工

却爲蒪鱸忘不得

幾何歸去在秋風

(上叔父東閣學士)

Ngô môn tú xuất như phu tử,

Cửu thập cửu phong trung nhất phong.

Phẩm tại ngọc đường kim mã quý,

Tâm tương mộc thực thảo y đồng.

Giang hồ lang miếu nhiêu song thích,

Thi họa cầm thư thiện tứ công.

Khước vị thuần lô vong bất đắc,

Kỷ hà quy khứ tại thu phong.

(Thưng thúc phụ Đông các học sĩ)[17]

Chú là người kiệt xuất trong họ nhà ta,

Là một trong chín mươi chín ngọn núi Hồng.

Thân ở nơi ngọc đường kim mã (tại triều đình),

Lòng vẫn vui áo vải cơm rau.

Dẫu ở lang miếu, hay nơi giang hồ, đều được thỏa chí,

Cầm, thư, thi, họa, cả bốn nghề đều giỏi.

Lại vì không thể quên rau nhútvược[18],

Nên khi mùa gió thu nổi, mấy lần đi về quê.

(Thơ dâng chú là Đông các học sĩ)

Qua thơ của Nguyễn Hành, ta thấy Nguyễn Du là một người tài hoa, ông không những giỏi về thơ ca, mà ngay cả vẽ, viết chữ, đánh đàn cũng giỏi. Vì vậy có thể lý giải vì sao Nguyễn Du viết về những người sống bằng nghề ca hát rất cảm xúc, bởi chính ông cũng là người thông hiểu âm nhạc.

Ngoài những bài thơ Nguyễn Hành trực tiếp nhắc đến Nguyễn Du, trong bài thơ Phụng tiễn cữu thị Như Hành công Bắc sứ (Kính tiễn cậu Như Hành công đi sứ phương Bắc), hai câu cuối ông gián tiếp nhắc đến Nguyễn Du đã đi sứ về:

盛餞即今臨珥水

雄心早已赴燕臺

微生預有觀光分

叔氏來還舅氏來

Thịnh tiễn tức kim lâm Nhị thủy,

Hùng tâm tảo dĩ phó Yên đài.

Vi sinh dự hữu quan quang phận,

Thúc thị lai hoàn cữu thị lai.

Mở tiệc lớn hôm nay trước khi qua sông Nhị[19],

Tấm lòng hùng tráng sớm đã đến đài Yên[20].

Đời hèn ta cũng được dự phần đi sứ[21],

Chú ta trở về thì cậu ta lại đến đây[22].

Trong chặng đường hoạn lộ của Nguyễn Du với triều Nguyễn, các cua triều Nguyễn đã rất trọng dụng ông. Nên nhớ Nguyễn Du chỉ mới đỗ tam trường, nhưng được Gia Long bổ dụng chức Tri phủ phủ Thường Tín vào năm 1802, đến năm 1806 thăng chức Đông các học sĩ, năm 1809 đổi chức làm Cai bạ Quảng Bình, năm 1813 đổi làm Cần chánh điện học sĩ, làm Chánh sứ sang Trung Quốc, năm 1815 thăng chức Hữu tham tri bộ Lễ, năm 1820 triều đình lại cử ông đi sứ lần hai, nhưng chưa kịp đi thì ông mất. Nguyễn Hành nghe tin chú mất, đã cảm xúc làm hai bài thơ. Bài thứ nhất, Nguyễn Hành nhắc lại hành trạng của Nguyễn Du đồng thời bày tỏ sự thương tiếc chú mình ra đi đột ngột:

十九年前素如子

一世才花今已矣

吾門厚福公巧完

疫厲何能速公死

(聞叔父禮部右參知訃音感作, 1)

Thập cửu niên tiền Tố Như tử,

Nhất thế tài hoa kim dĩ hĩ!

Ngô môn hậu phúc công xảo hoàn,

Dịch lệ hà năng tốc công tử.

(Văn thúc phụ Lễ bộ Hữu tham tri phó âm cảm tác, 1)[23]

Mười chín năm về trước, Tố Như tử[24],

Một đời tài hoa, nay đã qua đời.

Phúc dày họ nhà ta, chú khéo giữ trọn vẹn[25],

Bệnh dịch kia sao làm chú mau chết như thế!

            (Nghe tin chú là quan Hữu tham tri bộ Lễ qua đời, xúc cảm thành thơ, 1)

Bài thứ hai, Nguyễn Hành bày tỏ tình cảm sâu đậm khi nhắc đến kỷ niệm đi săn ngày trước của mình đối với Nguyễn Du:

三秋淪落此城中

南望浮雲每憶公

歸去家山聞夜獵

精靈恍與舊時同

(聞叔父禮部右參知訃音感作, 2)

Tam thu luân lạc thử thành trung,

Nam vọng phù vân mỗi ức công.

Quy khứ gia sơn gian dạ liệp,

Tinh linh hoảng dữ cựu thời đồng.

(Văn thúc phụ Lễ bộ Hữu tham tri phó âm cảm tác, 2)[26]

Ba năm lưu lạc trong thành này[27],

Mỗi lần nhìn về Nam thấy đám mây nổi, lại nhớ đến chú.

Khi về quê nhà, đêm nghe tiếng người đi săn,

Bàng hoàng tưởng hồn chú vẫn giống như ngày xưa.

            (Nghe tin chú là quan Hữu tham tri bộ Lễ qua đời, xúc cảm thành thơ, 2)

Phải nói rằng, Nguyễn Hành dành nhiều tình cảm viết về Nguyễn Du hơn những người chú khác của mình. Có thể lý giải điều đó ở các góc độ: 1) Nguyễn Du và Nguyễn Hành cùng độ tuổi như nhau; 2) Hoàn cảnh của hai người gần giống nhau; 3) Nguyễn Du kiên quyết không ra làm quan với Tây Sơn như một kiểu thể hiện lòng trung với nhà Lê, điều này giống với Nguyễn Hành; cũng chính vì lý do này, Nguyễn Hành rất phục Nguyễn Du. Một điều đáng tiếc là từ những ghi chép của Nguyễn Hành, chúng tôi không thấy nhắc đến việc Nguyễn Du viết Truyện Kiều, vì vậy không thể làm rõ thời gian Nguyễn Du viết Kiều. Tuy nhiên, từ những gì chúng tôi trình bày trên, qua cảm nhận của một người đương thời, một người cháu thân thiết – Nguyễn Hành – có thể khẳng định Nguyễn Du là một nhà thơ tài hoa, đa tài nghệ, phẩm đức cao thượng. Mặc dù làm quan với triều Nguyễn, được triều Nguyễn hết sức trọng dụng, Nguyễn Du vẫn mang trong lòng tâm sự hoài Lê, trung với triều Lê, điều đó còn thể hiện ở tính thích nhàn cư nơi thôn dã của ông. Nguyễn Du là đỉnh núi cao trong chín mươi chín ngọn núi Hồng như Nguyễn Hành ca tụng, bởi ông không những là một nhà thơ tài hoa mà quan trọng ông đã giữ gìn trọn vẹn phẩm cách của một nhà nho trong thời buổi rối ren.

11-2015

Lê Quang Trường

Đã in trong sách: Khoa Văn học và Ngôn ngữ (2015), Đại thi hào dân tộc Danh nhân văn hóa Nguyễn Du - Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, trang 146-159


[1] Thành Đại La: tên cũ của đất Thăng Long (trước khi nhà Lý định đô ở đây).

[2] Bắc Thành: tức Cố đô Thăng Long dưới thời đầu Nguyễn và 11 trấn xung quanh.

[3] Phần dịch nghĩa trong bài viết này đều là của chúng tôi.

[4] Uẩn Ngọc hầu Huỳnh công: tức Huỳnh Ngọc Uẩn, người Bình Dương, trấn Gia Định, mất năm Đinh Sửu (1817). Năm 1806, làm chức Hiệp trấn Nghệ An, năm 1810 làm chức Hình tào ở Bắc Thành. Ông từng làm phó sứ sang Thanh cùng phái đoàn do Trịnh Hoài Đức làm chánh sứ. Trong Cấn Trai thi tập, có chép tước hầu của Huỳnh Ngọc Uẩn là Uẩn Tài hầu, ở đây chép là Uẩn Ngọc hầu. Tuy nhiên, xét các cứ liệu mà Nguyễn Hành ghi ở đây trùng khớp với Đại Nam liệt truyện chép về Huỳnh Ngọc Uẩn, nên chúng tôi cho rằng Uẩn Ngọc hầu Huỳnh công chính là Huỳnh Ngọc Uẩn.

[5] Xin xem thêm Thơ Nguyễn Hành, sđd., tr. 230-233.

[6] Thân thế nổi trôi, mãi ở trọ: lấy ý từ câu “phù sinh nhược ký” (kiếp sống trôi nổi như gửi thân ở trọ).

[7] Bậc hiền nổi danh ở đời: nguyên văn “danh thế”, còn gọi là “mệnh thế”. Chữ lấy từ sách Mạnh Tử, chương Công Tôn Sửu, hạ có chép: “Trước đây là trước đây, nay là nay. Cứ năm trăm năm ắt lại có bậc minh vương xuất hiện, trong đó sẽ có bậc hiền nổi danh ở đời” (Bỉ nhất thời, thử nhất thời. Ngũ bách niên tất hữu vượng giả hưng, kỳ gian hữu danh thế giả彼一時,此一時也。五百年必有王者興,其間有名世者。)

[8] Trích từ Quan Đông hải, tlđd.

[9] Ngô Lập Chi và Nguyễn Ngọc Nhuận đều cho như vậy.

[10] Thần tiên: nguyên văn “hãn mạn”, chữ lấy từ sách Hoài Nam Tử: “Ngô dữ Hãn mạn kỳ ư cửu cai chi ngoại” (Ta cùng Hãn mạn hẹn hò ngoài khoảng trời). Cao Dụ chú: Hãn mạn: “là nơi (bao la mênh mông) không thể biết được.” Sau phụ ghi là tên của thần tiên. Ở đây chúng tôi tạm dịch là thần tiên.

[11] Ngũ hình: chặt tay, chặt chân, cắt mũi, cung hình, chặt đầu, năm hình phạt tàn khốc thời xưa.

[12] Tay dắt chó vàng… không được nữa: lời của Lý Tư trước lúc bị hành hình nói với con trai của mình. Sử ký của Tư Mã Thiên chép: “Tháng 7 năm thứ 2 đời Tần Nhị Thế, Lý Tư bị luận tội ngũ hình, phải chém ngang lưng tại Hàm Dương. Lúc Tư bị đưa ra khỏi ngục cùng với con trai của mình, Tư ngoái đầu bảo con mình rằng: “Ta muốn cùng con dắt chó vàng ra cửa đông Thượng Sái săn đuổi thỏ ranh, nay há còn được chăng!” Rồi hai cha con cùng khóc lóc. Cả nhà Tư bị tru di tam tộc.”

[13] Xin xem toàn văn ở Thơ Nguyễn Hành, sđd., tr. 347-352.

[14] Trích từ Quan Đông hải, tlđd.

[15] Núi Hồng, núi Ngư: thuộc địa phận tỉnh Nghệ An.

[16] Tam Giang: sông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

[17] Trích từ Quan Đông hải, tlđd.

[18] Rau nhút cá vược: món ăn ngon ở Tùng Giang, Trung Quốc, chữ lấy từ chuyện Trương Hàn người thời Tấn, khi ông làm quan, hễ mùa thu gió thu thổi ông lại nhớ đến món ăn quê nhà, ông liền cáo quan về nhà.

[19] Sông Nhị: tức Nhị Hà, đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội gọi là sông Nhị Hà.

[20] Đài Yên: nguyên văn “Yên đài”, chỉ Yên Kinh, Bắc Kinh, Trung Quốc.

[21] Đi sứ: nguyên văn “quan quang”, chữ lấy ở quẻ Quan trong Kinh Dịch “Quan quốc chi quang, lợi dụng tân vu vương” (Xem cảnh tượng đất nước, lợi dụng việc triều cận nơi nhà vua), chỉ sự du lãm quan sát chính giáo, phong tục của một nước. Sau dùng để chỉ việc đi sứ.

[22] Chú ta … lại đến: Chú của Nguyễn Hành là Nguyễn Du, đi sứ vào năm Gia Long thứ 12 (1813); cậu của Nguyễn Hành họ Bùi tự Như Hành, nhưng tên thật là gì, chúng tôi chưa khảo được.

[23] Trích từ Minh quyên thi tập, ký hiệu VHv.109, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ. Dưới đề bài viết có đoạn nguyên chú: 公字素如,性好獵,自號鴻山獵戶。壬戌歲噬仕今朝,累官至右參知。庚辰八月卒。(Ông tên tự là Tố Như, tính thích đi săn, tự đặt tên hiệu là “Hồng sơn liệp hộ” (Phường săn núi Hồng); năm Nhâm Tuất (1802), ra làm quan với đương triều, thăng tới chức Hữu tham tri, qua đời vào tháng tám năm Canh Thìn (1820).)

[24] Tố Như tử: tức Nguyễn Du, tên tự là Tố Như; chữ “tử” ở đây có nghĩa tôn xưng. Tính từ khi Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn cho đến khi ông qua đời (tháng tám năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mệnh thứ nhất – 1820) là vừa mười chín năm.

[25] Năm Canh thìn, niên hiệu Minh Mệnh thứ nhất (1820), Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc cầu phong, chưa kịp lên đường thì ông đã qua đời. Có người cho rằng hai câu cuối muốn nói Nguyễn Du qua đời là để bảo toàn thân danh, phúc nhà (vì ông cho rằng Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn chỉ là một việc vạn bất đắc dĩ), chứ không phải bệnh dịch đang hoành hành đã hại ông. Chúng tôi không nghĩ như vậy, như đã nói trên, dù ra làm quan bất đắc dĩ, nhưng Nguyễn Du trước đây đã có lần muốn trốn vào Nam theo chúa Nguyễn bởi ông cho rằng chúa Nguyễn dầu sao vẫn là bề tôi của nhà Lê. Sở dĩ Nguyễn Hành có nhiều bài thơ viết về Nguyễn Du như vậy là bởi Nguyễn Du không giống với anh của mình là Nguyễn Nễ. Dù làm quan với triều Nguyễn nhưng không làm ô nhục danh tiếng dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.

[26] Trích từ Minh quyên thi tập, tlđd.

[27] Thành này: chỉ Bắc Thành (tên gọi cố đô Thăng Long thời đầu Nguyễn).

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website