Khoảng mươi năm trở lại đây, giới nghiên cứu văn học nước ta đã tích cực giới thiệu bằng những cách khác nhau nhiều lý thuyết văn học trong thế kỉ XX. Hướng đi đúng đắn này cần được tiếp tục một cách hệ thống hơn. Tuy nhiên, có một công việc nữa cũng rất cần thiết mà chưa được nhiều người coi trọng. Đó là tìm hiểu thế ứng xử của giới lý luận quốc tế đối với chính các trường phái lý luận khác nhau đã xuất hiện này. Chúng tôi dùng chữ ứng xử để chỉ tổng thế các hoạt động giải thích, tranh luận, phê phán hoặc tiếp nhận các lý thuyết văn học đã có. Nếu giới thiệu một trường phái lý thuyết mà không hay biết gì về cách hiểu, cách giải thích, cách đánh giá, cách đối xử đã có của giới nghiên cứu quốc tế về trường phái ấy thì chúng ta sẽ phải mò mẫm từ điểm khởi đầu, ngược lại, nếu nắm bắt được những kinh nghiệm tiếp cận phong phú của thế giới thì ta sẽ thực hiện được điều mà giới kinh tế thường nói là “đi tắt đón đầu”, giảm bớt được những khó khăn chật vật trong việc nhận diện thực chất một lý thuyết, biết được chỗ mạnh và chỗ yếu của nó, từ đó, có chủ trương tiếp thu đúng đắn. Tất nhiên, ý tưởng thì như vậy nhưng bài viết này chỉ mới tạm thời “xới” lên một vài chuyện qua những thông tin hết sức không đầy đủ, chưa hệ thống mà người viết có được. Công việc này đòi hỏi sự hợp sức của cả một đội ngũ lớn, nhiều thế hệ, trong một thời gian dài.
Trong thế kỷ XX, trên thế giới đã xuất hiện nhiều lý thuyết văn học nhưng nhận thức, đánh giá về chúng là một công việc cực kỳ phức tạp. Khoan chưa bàn đến lý luận văn học đã và đang tồn tại ở nước ta, chưa bàn đến lý luận văn học ở Liên Xô và Trung Quốc mà hãy nói về lý luận tại phương Tây (như chúng ta vẫn quen gọi). Trong số trên dưới hai chục lý thuyết văn học xuất hiện trong thế kỷ XX, đâu là cái mới được kết tinh, là chỗ đóng góp đặc sắc cho lý luận văn học thế kỷ XX? Có những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này, thể hiện sự hứng thú và quan tâm riêng của từng nhà nghiên cứu. Đây là một thực tế không thể bỏ qua.
Trong cuốn sách Postmodern Literary Theory: An Introduction (Dẫn nhập lý luận văn học hậu hiện đại) xuất bản tại Anh quốc năm 1997 (tái bản năm 1998), Nial Lucy cho rằng có hai yếu tố quan trọng nhất đối với lý luận văn học thế kỉ XX đó là ngôn ngữ và cái vô thức: “Trong số nhiều lực lượng ứng cử viên cho việc tạo ra tên tuổi hay viết nên những bộ môn khoa học, có hai nhân tố nổi bật lên như là các siêu ứng cử viên trong thế kỷ XX: ngôn ngữ và cái vô thức”(1). Ta hiểu rằng tác giả đang nói đến chủ nghĩa cấu trúc và phân tâm học như là hai lý thuyết có ảnh hưởng mạnh nhất, sâu sắc nhất đến lý luận văn học thế kỷ XX, bởi vì tiếp liền đó, tác giả đã phân tích việc cả hai nhân vật sáng lập nên khoa phân tâm học và chủ nghĩa cấu trúc (Sigmun Freud và Claude Levis- Strauss) đã giải mã huyền thoại Ơđip như thế nào. Sáu năm sau, tại Liên bang Nga, trong một báo cáo đọc tại phiên họp năm 2003 của Hội đồng khoa học của Viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki (IMLI), I.U. Borev nêu một vài đặc điểm của lý luận văn học trong thế kỷ XX như sau: “Trong mỹ học của thế kỷ XX xuất hiện sự phân biệt giữa những khái niệm tưởng như đồng nhất- văn bản (text) và tác phẩm (proizvedenie). Text tự nó là kết quả lao động của tác giả, nằm bên ngoài hoạt động thẩm mỹ – xã hội của nó, là đối tượng của sự phân tích cấu trúc khép kín. Tác phẩm là text được xem xét trong các mối liên hệ xã hội của nó (quan hệ với thực tại, với lịch sử sáng tạo ra nó, với tác giả, với nền văn hoá đã có từ trước khi tác phẩm ra đời). Đã xuất hiện những khái niệm như “liên văn bản”, “tiềm văn bản”, “trên văn bản”, văn cảnh (context), những khái niệm này đóng một vai trò lý luận- phương pháp luận quan trọng”(2). So với Nial Lucy, Borev chú ý đến những hiện tượng mới diễn ra không lâu trong lý luận văn học để đưa ra nhận định, tuy không quá mâu thuẫn, nhưng cũng không thống nhất với Nial Lucy. Ai cũng biết là khái niệm “liên văn bản” (intertextualité) mới chính thức ra đời năm 1967 bởi Kristeva, ở vào một thời điểm khá xa so với sự ra đời của phân tâm học. Cũng lại phải nói rằng cách nhìn của một nhà nghiên cứu Mĩ vào năm 1965 (xin xem phần tiếp liền dưới đây về ý kiến của J. Hillis Miller) lại khác với hai ý kiến tổng kết trên vì tác giả này nhấn mạnh vào vai trò nhất nguyên luận (monism) và việc xem văn học như một nghệ thuật thời gian như là những cái đóng góp mới của lý luận thế kỷ XX. Từ đây ta dễ thấy là lý luận văn học thế kỷ XX đã có một lịch sử của nó, không thể nói chung chung về lý luận văn học hiện đại bên ngoài lịch sử này. Và mặt khác, có thể có những cách tổng kết khác nhau đối với lý luận ở thế kỷ XX, tuỳ theo quan điểm và hứng thú của người tổng kết. Borev xuất phát từ góc nhìn của nhà lý luận tại đất nước có truyền thống lý luận văn học theo lập trường xã hội học nên việc ông có ấn tượng mạnh về khái niệm văn bản là điều dễ hiểu.
Nói đến khía cạnh lịch sử cũng tức là nói đến cội nguồn lịch sử và sự tranh luận tất yếu giữa các trường phái lý thuyết khác nhau, đến sự vận động thay đổi quan điểm của chính một trường phái hay một nhà lý luận. Không hề có sự đứng im, trì trệ, không hề có “sự nhất trí cao độ” trong lý luận văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ trong thế kỷ XX. Xin dẫn một ví dụ. Trong một cuộc hội thảo về Phê bình văn học tổ chức tại tại đại học Yale, nơi được xem là cái nôi của chủ nghĩa hậu hiện đại Hoa Kỳ, năm 1965, nhiều ý kiến trái chiều nhau tạo nên một không khí tranh luận rất sôi nổi. Nhà nghiên cứu J. Hillis Miller (Đại học California tại Irvine) đã tóm tắt một số quan điểm trái chiều nhau trong cuộc hội thảo này. Trước hết tác giả nói đến tranh luận giữa các nhà phê bình Âu- Mĩ xung quanh khái niệm context (văn cảnh). Quan điểm chủ trương microscopism (tạm dịch- thuyết vi xử lý) cho rằng bài thơ cần được nghiên cứu bởi chính nó. Mỗi bài thơ có một nghĩa duy nhất (unique meaning) và nghĩa này được sản sinh ra chỉ bởi các từ của chính bài thơ chứ không phải các từ ở các bài thơ khác của nhà thơ đó hay ở các sách vở mà nhà thơ đã đọc. Phái đối lập lại cho rằng từ hay hình tượng trong một bài thơ ít có nghĩa tự thân mà có được nghĩa là nhờ context (văn cảnh). Các từ có một lịch sử văn hoá phức tạp. Quan điểm về nghĩa nội tại, tự thân không phù hợp với tư tưởng cho rằng mỗi hình tượng thâu nạp vào chính nó tất cả những quan hệ mà nó có được với nhiều context khác nhau. Nhà phê bình cần phải nhận diện được những mối liên hệ đó nhằm chỉ ra cái gì trên thực tế hàm chứa trong các từ ngữ của tác phẩm. “Nhà phê bình cần phải cho thấy một văn bản nào đó đã tạo nên sức sống cho mình bằng cách lấy từ các dòng chữ tương tự trong các tác phẩm khác của chính tác giả hay từ các cuốn sách mà tác giả đã đọc, hay từ môi trường xã hội và lịch sử trong đó văn bản tồn tại, hay từ truyền thống mà tác phẩm kế thừa”(3). Bản thân khái niệm context cũng được các nhà nghiên cứu có mặt trong hội thảo này hiểu khác nhau. Các nhà phê bình thuộc trường phái Genève (école de Genève) cho rằng một văn cảnh thực sự đối với cách giải thích văn bản gắn bó chặt chẽ với cuộc đời của một người. Nhưng đối với các nhà phê bình theo trường phái của Freud, Sartre, hay Lacan thì nghĩa của một dòng có tính tiềm ẩn. Một đoạn văn chỉ có thể được giải mã khi nó được hiểu là sự diễn đạt trá hình một mặc cảm (complex) hay một dự phóng (project) của tác giả hay một chuỗi các nghĩa huyền bí hướng dẫn cuộc đời nhà văn. Theo J. Hillis Miller thì có nhiều nhà phê bình trong cuộc hội thảo này bảo vệ quan điểm coi context là văn cảnh xã hội hay văn hoá (social or cultural context). Quan điểm chú trọng context nếu đúng như vậy thì có một chút nào đó gặp gỡ với phê bình xã hội học. Tất nhiên tác giả cũng lưu ý là khái niệm “cấu trúc” lúc đó (những năm 60) được dùng để diễn tả khái niệm context trong đó cái yếu tố được nghiên cứu có tham gia vào bối cảnh của nó chứ không phải bị bao bọc bởi bối cảnh hay bị bối cảnh bên ngoài qui định. Khái niệm cấu trúc (structure) được dùng đối lập với khái niệm hình thức (form) vì nó gợi lên ý niệm về một hệ thống trong đó bất kỳ một thành tố nào cũng vô nghĩa nếu đứng ngoài mối liên hệ với các thành tố khác. Nhưng các nhà nghiên cứu lựa chọn bối cảnh xã hội làm nghĩa chính của context cho rằng nếu các nhà phê bình chọn context nhỏ hơn thường hay dựa vào văn bản thơ ca thì nhà phê bình xã hội học lại chọn tiểu thuyết vì tiểu thuyết bộc lộ mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Hệ thống xã hội trong đó con người sống quyết định hình thức của đời sống cá nhân riêng tư và cả thơ là thứ mà tưởng như chỉ liên quan đến các vấn đề bản thể luận thực ra đều phản ánh cấu trúc giai cấp hay cấu trúc kinh tế của xã hội nơi tác giả sống. Như thế thì tại cuộc hội thảo này, khái niệm “cấu trúc” được hiểu rất rộng, một từ trong một câu văn, một hình ảnh trong một bài thơ, một phát ngôn của một người, “một người dân Pari trong thành phố Pari” đều là các thành tố mang tính cấu trúc, mỗi cái đều là trung tâm của sự trao đổi nghĩa và chúng vô nghĩa nếu đứng ngoài các quan hệ.
Một loại vấn đề gây đối lập ý kiến khác trong cuộc hội thảo là vấn đề đối lập giữa chủ nghĩa nhất nguyên (monism) và chủ nghĩa nhị nguyên (dualism). Việc chia thế giới thành chủ quan và khách quan, vật chất và ý thức là một phần sâu xa của nền văn hoá chúng ta, nó được thể hiện dưới nhiều hình thái khác nhau: trong triết học truyền thống bắt đầu từ Decartes và Lock, trong thơ ca chủ nghĩa lãng mạn là việc thiên về các chủ đề tri thức luận, trong kỹ thuật tiểu thuyết là vấn đề diểm nhìn như là nguyên lý cấu trúc tạo sinh. Nhiều trường phái phê bình hiện đại kế thừa nhị nguyên luận. Bằng chứng rõ rệt nhất là tranh luận giữa các nhà nghiên cứu muốn làm phê bình như một bộ môn khoa học hay là những người phẩm bình văn học qua việc văn học phản ánh trung thành hiện thực với những người bị họ lên án là “chủ quan hoá văn học”. Chủ nghĩa nhất nguyên thể hiện trong hiện tượng học của Husserl, Heidegger, Merleau-Ponty, trong triết học ngôn ngữ của Wittgenstein hay trong các lời khẳng định của các tác giả theo chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng Mĩ rằng một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa tự thân chứ không tái hiện một cái gì khác. Cuộc hội thảo cũng đã làm nổi bật sự đối lập giữa hình thức không gian và hình thức thời gian. Thời gian tuyến tính, hữu cơ, tự nhiên, liên tục đối lập với thời gian chú giải học, đa nhịp điệu, biện chứng, đứt quãng. Thời gian tuyến tính (linear time) là thời gian không gian hoá trong khi đó, đối với Heidegger thì không gian là một biến thể của thời gian hiện sinh. Phê bình văn học hiện đại thấm đẫm cách nghĩ không gian. Điều này có thể thấy trong các sơ đồ của Giải phẫu phê bình (Anatomy of Criticism) của Northrop Frye, trong các luận bàn về tiểu thuyết với thuật ngữ đại loại như cuvre of the plot (đường cong cốt truyện) hay trong mô hình không gian của lịch sử văn học trong tham luận Truyền thống và tài năng cá nhân của T.S. Eliot. Nhiều nhà nghiên cứu lại chủ trương tồn tại con người về cơ bản là có tính thời gian và kinh nghiệm không gian của chúng ta bị xuyên tạc nếu như được miêu tả bằng trừu tượng hình học. Trong số các hình thức có thể bị xuyên tạc bởi việc không gian hoá có cả văn học. Văn học là một thứ nghệ thuật thời gian chứ không phải là nghệ thuật không gian. Bergson là người chống lại sự không gian hoá đó, còn Paul de Man chỉ rõ cuốn Sein und Zeit (Hữu thể và thời gian) của Heidegger là những bộ phận quan trọng của truyền thống này, Heidegger đã đưa ra một cách phân tích cổ điển về thời gian như là chiều kích căn bản của tồn tại nhân loại. J. Hillis Miller tiên đoán: “Khẳng định sự thống nhất của chủ thể và khách thể và thay không gian bằng thời gian như là chiều kích tồn tại căn bản là hai đặc điểm nổi bật của tư tưởng thế kỷ XX… Những phản đề của phê bình sẽ còn tồn tại nhưng có lẽ trong các năm tới đây, một số công trình phê bình quan trọng nhất sẽ được thực hiện dựa trên giá đỡ của đôi cánh nhất nguyên và tính quyết định của thời gian (temporality) trong tư tưởng thế kỷ XX”(4) .
Trở lên trên là nội dung bài viết của J. Hillis Miller thuật lại những vấn đề tranh luận chính của một cuộc hội thảo cách đây ngót bốn chục năm ở Mĩ để chúng ta cùng mường tượng những gì thực sự đã diễn ra với lý luận Hoa Kỳ và Tây Âu ở thế kỉ XX. Có thể nói rằng tinh thần tranh luận, luôn luôn tìm tòi các cách tiếp cận mới để như tác giả bài viết kết luận “những triển vọng mới có thể đến một lúc nào đó làm phát lộ những khía cạnh của các tác phẩm văn học vẫn hãy còn ẩn kín”. Cần khắc phục thành kiến về tính chất suy đồi hay bế tắc vẫn còn rải rác đây đó để tìm hiểu nghiêm túc thực tế này.
Lý luận phương Tây nếu nhìn về mặt lịch sử ta sẽ thấy không hề tĩnh tại mà biến đổi không ngừng. Một tác giả có thể thay đổi quan điểm và phương pháp trong cuộc đời nghiên cứu của mình. Trên cấp độ cá nhân, tư tưởng lý luận của nhà nghiên cứu vận động không ngừng đến nỗi khó mà nói chung chung về một nhà lý luận nào nếu thiếu sự xác định niên đại của tư tưởng được phát biểu. Lấy Roland Barthes làm ví dụ. Năm 2000, website tiếng Pháp w.w.w. fabula.org có tổ chức một cuộc thảo luận về nhà lý luận này. Theo nhận định của nhà nghiên cứu T. Paven (Đại học Chicago) thì Barthes đã từng chọn quan điểm macxit về mối liên hệ giữa đời sống vật chất của xã hội và cấu trúc văn hoá của nó (Độ không của lối viết - 1953), (hay nói như M.Bojur, giảng viên đại học NewYork, tham gia cuộc thảo luận này, Barthes là “nhà macxit không cộng sản”) sau đó hướng đến các trừu tượng của nhân chủng học cấu trúc và phân tích tâm lý (Bàn về Raxin), rồi đến với ký hiệu học (Hệ thống của mốt – 1967). Thêm vào đó, ông không che giấu cảm tình đối với văn chương tao nhã của Satobrian, Loty, Proust, Malarme. Cuốn S/Z (in năm 1970) là một sự tổng hợp các phương pháp phê bình khác nhau nhưng theo đánh giá của Paven là không thành công(5). Cũng theo Paven, R. Barthes lặp lại xung đột đã từng tồn tại trong văn học thế kỷ XIX giữa chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy mĩ. Ông hân hoan vì các phát kiến khoa học thuộc nhân chủng học, ngôn ngữ học và ngữ nghĩa học nhưng lại đề cao sự độc đáo cá nhân, sự tinh tế duy mĩ trong phê bình văn học đến nỗi trong cuộc giao lưu trực tuyến này, có người đặt câu hỏi là liệu có nên coi Barthes là nhà lý luận văn học không hay chỉ nên xếp ông vào số các nhà văn viết tiểu luận như Motenhơ, Peghi, Valery… Có trường hợp Barthes viết sách phê bình vì những lý do có tính chất chính trị xã hội. Về cuốn S/Z , nhà nghiên cứu E. Stenford đã khảo sát kỹ các bút ký của R. Barthes khi đọc tác phẩm của Banzac năm 1968-1969 để xác lập nguồn gốc tư tưởng của sách. Nhà nghiên cứu này cho biết, sự kiện nổi loạn của sinh viên Pháp năm 1968 đã thúc đẩy Barthes đấu tranh chống các quan điểm giáo điều. Barthes tỏ rõ thất vọng vì việc giảng dạy tại đại học vận dụng phương pháp liên ngành theo lối Mĩ, chính tính liên ngành này tìm thấy cái tương đương trong “phê bình mới”. Do đó Barthes từ chối lối phân tích cấu trúc chỉ vì những người cấu trúc hoà giải với việc cải tổ giáo dục đại học, phủ nhận chủ nghĩa khoa học, kỹ thuật luận trong phê bình văn học, ông chủ trương lối phê bình tiểu luận có tính nghệ thuật, phê bình như sáng tác, khiến cho người đọc có cảm tưởng khi ông viết về Banzac, người đọc biết về Banzac ít hơn là về chính bản thân ông, như ông thừa nhận rằng mình viết lại tác phẩm của Banzac. Với những thông tin sơ bộ đọc được qua một tạp chí lược thuật nước ngoài như trên, dễ thấy ở nước ta chưa có ai đi sâu tìm hiểu một tác giả lý luận phương Tây đến mức như vậy. Chúng ta chủ yếu mới tiếp xúc với các mảnh vụn tư tưởng của Barthes chứ chưa có điều kiện tiếp xúc với hệ thống. Nói gì đến việc tiếp nhận và phê phán!
Trong lý thuyết ở phương Tây, như đã nói, chúng ta cũng thấy sự vận động biến đổi không ngừng. Những năm 80 và 90 của thế kỉ XX diễn ra những biến động mạnh trong lý luận. Trong công trình tập thể Literary Theory Today, như nhan đề bài giới thiệu cuốn sách chỉ rõ (Introduction: Beyond Postmodernism- Dẫn nhập: Sau chủ nghĩa hậu hiện đại) người soạn chú ý lựa chọn các bài viết phản ánh sự chuyển đổi quan điểm lý luận trong bối cảnh xã hội hậu công nghiệp, một xã hội với liên lạc điện tử siêu tốc đã làm lung lay địa vị độc quyền của văn bản (text). Nhiều người không tuyên bố về cái chết của lịch sử nữa mà lại tính đến tầm quan trọng của lịch sử. Tổng quan về phần II của cuốn sách, người soạn viết: “Tầm quan trọng đặc biệt của lịch sử trong việc định hình, qui định và hợp pháp hoá sự tiếp nhận và giải thích của chúng ta đối với tác phẩm nghệ thuật và việc sáng tạo ra khoa khảo cổ học văn bản từ trong quá khứ là chủ đề của phần 2 cuốn sách. Cả Hans Jauss và Stephen Greenblatt đều đề cập đến quá trình biện chứng thiết lập quan hệ của sự liên tục và /hoặc sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại”(6). Trong phần 2, có bài viết của Robert Weimann từ chối hai thái cực về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thực tại: lập trường của chủ nghĩa cấu trúc coi ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu tự trị và lập trường xã hội học dung tục xem ngôn ngữ phản ánh trực tiếp hiện thực.
Các nhà ngữ nghĩa học cấu trúc từ chủ nghĩa hình thức Nga những năm 1920 đến các nhà phê bình Pháp những năm 1960 đều coi thường mối quan hệ của lịch sử và văn bản. Nhưng từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi lớn trong khoa học, với cả cuộc cách mạng trong bản thân ngôn ngữ học. Phản ánh những thay đổi trong lý luận, phần 3 của cuốn sách nói trên tập hợp các bài viết về sự cần thiết phải xác định lại mục đích của chủ nghĩa hình thức hậu cấu trúc. Bài viết của Michael Rifffaterre và Ann Jefferson mở đầu phần ba(7), theo nhận định của người biên soạn sách, đích nhắm tranh luận của họ là “undecidability” (Tạm dịch – tính không xác quyết) là cái, đối với Jacqués Derrida, xoá bỏ ý nghĩa logic đơn trị (monologic significance) ra khỏi các văn bản văn học, họ cũng nhắm vào “tính văn học” (literariness) là cái, đối với Roman Jacobson, cắt văn bản ra khỏi thế giới. Michael Riffaterre chỉ rõ cách luận bàn thi pháp mơ hồ có thể mang lại các nghĩa mà không cần nguyên tắc undecidability vốn làm tê liệt hoạt động chú giải văn bản. Còn Ann Jeffeson thì đánh giá lại Chủ nghĩa hình thức Nga và cho rằng sự tìm tòi của Roman Jacobson cho một tính phổ quát phong cách học là đã quá đơn giản hoá hoạt động của ngôn ngữ bằng việc xem thường phương diện chính trị- xã hội của ngôn ngữ. Trở lên trên là những gì tôi thuật lại theo nhận định của người biên soạn sách Lý luận văn học ngày nay chứ chưa phải là kết quả nghiên cứu của chính bản thân. Những gì có thể rút ra qua các dòng ngắn ngủi này? Hiển nhiên là nổi bật lên cảm giác về sự lạc hậu của chúng ta trước các biến động của lý luận thế giới. Chúng ta chưa nắm bắt một cách đầy đủ, có hệ thống về lịch sử của lý luận văn học thế kỉ XX. Không hiểu được những thành tựu, những tranh luận đã có thì cũng không thể hiểu những gì hiện đang diễn ra trong lý luận văn học thế kỉ XXI.
*
Bây giờ là những thông tin cũng rất không đầy đủ về lý luận văn học tại hai nước vốn rất gần gũi với chúng ta, có ảnh hưởng đến lý luận văn học của chúng ta- Nga (Liên Xô cũ) và Trung Quốc. Tại Liên Xô trước đây, chúng ta đều biết là có nhiều người tập trung phê phán các trường phái lý thuyết Tây Âu và Mĩ. Nhưng trong khoảng từ 1990 trở đi, các nhà lý luận phê bình Nga đã tiến hành song song hai việc, một mặt nhìn lại thực trạng lý luận Xô viết, mặt khác, nghiên cứu nghiêm túc lý luận phương Tây. Theo cuốn sách Lịch sử phê bình văn học Nga do Nhà xuất bản “Đại học” ấn hành năm 2002 thì phê bình văn học Xô viết từ những năm 30 đến giữa những năm 50 đã mất đi ảnh hưởng đến tình hình văn học mà nó có những năm 20, trở thành phê bình có tính đảng. Những giáo điều cứng nhắc của Stalin đã áp đặt cho các nhà phê bình lối bình luận đơn nghĩa. “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” được xác lập năm 1934 như là khuynh hướng mĩ học- nghệ thuật- thẩm mỹ duy nhất tại Liên Xô. Phê bình văn học những năm 1970-1980 chìm ngập trong không khí tán tụng. Trong điều kiện kiểm duyệt hà khắc, nhiều nhà nghiên cứu đã phải mượn việc bàn luận về các nhà kinh điển để qua đó đặt những vấn đề cấp bách của thời cuộc vốn không dễ nói trực tiếp(8). Tất nhiên, vượt lên trên hoàn cảnh đặc biệt của nước Nga trước đây, các nhà lý luận Nga vẫn có những thành tựu lớn. Nói về Chủ nghĩa hình thức có V. Sklovsky, Iu. Tưnhianov, chủ nghĩa cấu trúc có M. Poliakov, Iu. Lotman. Phương pháp phân tích chức năng (phân tích ý nghĩa và giá trị của tác phẩm thông qua tính chất của tác động đến người đọc hay công chúng) có M. Khrapchenco. Theo Iu. Borev, lý luận văn học Nga thể hiện qua trường phái của Viện Văn học thế giới trong bối cảnh thế giới thế kỉ XX vẫn giữ được phong cách riêng. Sau khi điểm qua những nét đặc trưng của lý luận văn học trường phái IMLI, Borev viết: “Thông thường các trường phái nghiên cứu văn học tìm thấy một cách tiếp cận văn học và tuyên bố đây là phương pháp duy nhất đúng. Vậy các nhà lý luận của IMLI tìm ra thứ phương pháp luận nào? Chẳng có ích lợi gì nếu như chúng ta thêm vào hai chục phương pháp một phương pháp nữa. Chúng ta gần với chiến lược của các nhà sản xuất điện tử SONY, nhờ khái quát kinh nghiệm của những người khác mà tiến lên hàng đầu. Chúng ta cũng gần với chiến lược của Mendeleev, người có công không phải ở chỗ tìm ra một vật chất mới mà ở sự thống hợp thành một hệ thống tất cả những gì hoá học đã biết. Để thực hiện các chiến lược này, cần thiết dựa trên cơ sở của chủ nghĩa lịch sử mà “bỏ đi” hay “giữ lại những gì tích cực” các tư tưởng phương pháp luận của các trường phái khác”(9). Từ đây, Borev chỉ rõ, “Trường phái IMLI cố gắng thống hợp không theo kiểu chiết trung những tư tưởng phương pháp luận căn bản vào trong một phương pháp tổng hợp, phương pháp này hấp thụ kinh nghiệm, thủ pháp, công cụ phân tích cả những mối liên hệ bên ngoài và bên trong và những mối liên hệ chức năng của tác phẩm nghệ thuật, có khả năng làm bộc lộ ý nghĩa và giá trị của tác phẩm”(10). Sẽ là thú vị và hữu ích nếu chúng ta so sánh những lời trên đây với chính những gì mà Iu. Borev đã viết về lý luận phương Tây thế kỷ XX từ năm 1977. Trong một cuốn sách được một tập thể tác giả Liên Xô hồi đó viết với tinh thần luận chiến, phê phán các lý thuyết mà lúc ấy các nhà nghiên cứu Xô viết gọi là “khoa học tư sản”, Borev là người trong Ban biên tập và đích thân viết dẫn luận. Ông đã đánh giá như sau: “Trong phương pháp luận của khoa nghiên cứu hiện đại, tư sản về văn học, vắng bóng một loạt những cách tiếp cận quan trọng đối với tác phẩm văn học. Điều đặc biệt là không một khuynh hướng khoa học tư sản nào lại nêu lên phương pháp tiếp cận có tính cách nhận thức luận, với họ cũng không tồn tại phạm trù chân lý nghệ thuật và họ không đặt vấn đề phân tích từ quan điểm về sự tương ứng của nghệ thuật với hiện thực, phân tích tính chân thực đời sống của văn bản nghệ thuật. Tất nhiên, tác phẩm nghệ thuật sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật xác định, nhưng các lý luận gia tư sản, ví dụ như V. Staigơ và các đại biểu khác của trường phái nghiên cứu văn học Thuỵ Sĩ đã biến thế giới văn học này thành một thế giới khép kín và không có tương quan nào với thực tại”(11). Nhìn qua, thấy ngay là bây giờ, vào năm 2003, Iu. Borev không dùng khái niệm “khoa học tư sản” nữa và chủ trương tiếp nhận những gì mà ông đã từng phê phán cách đây ngót ba chục năm. Nhận thức đúng là một quá trình.
Tại Trung Quốc, việc dịch và giới thiệu lý luận văn học Tây Âu và Mĩ đã được tiến hành một cách có hệ thống từ những năm 80 của thế kỷ trước. “Sự thâm nhập của các tư tưởng chủ nghĩa hậu hiện đại vào Trung Quốc gắn liền với quá trình tự do hoá xã hội bắt đầu từ những năm 80. Trước khi tiến hành chính sách đổi mới và mở cửa, chỉ tồn tại một định đề lý luận khoa học – chủ nghĩa Marx-Lenin. Địa vị của định đề chính thống này hiện vẫn rất vững chắc ở Trung Quốc. Nhưng trong thập kỉ 80, đất nước này đã ráo riết bù lại những gì đã bị bỏ trống trong tất cả các lĩnh vực tri thức, tiếp nhận càng nhiều càng tốt kinh nghiệm từ phương Tây”(12). Năm 1980 ở Thượng Hải đã công bố nhiều bài báo về chủ nghĩa hậu cấu trúc (Derrida, Foucault). Năm 1985, nhà lý luận nổi tiếng người Mĩ là Fredric Jameson đến Bắc Kinh hai tháng, giảng về chủ nghĩa hậu hiện đại và nghiên cứu văn hoá học. “Nhiều nhà khoa học từ các trường đại học Mĩ đã đến Trung Quốc giảng bài, họ là những người đầu tiên mang tư tưởng hậu hiện đại vào Trung Quốc. Từ đây mà có ảnh hưởng đậm nét lý thuyết của trường phái lý luận Mĩ”(13) .
Nhìn lại lý luận văn học trước khi mở cửa cũng là một hướng quan trọng của các nhà lý luận Trung Quốc. Lý Trạch Hậu viết: “Mĩ học của chủ nghĩa Marx chủ yếu là lý luận về mối quan hệ chức năng, lợi ích của nghệ thuật đối với xã hội, lý luận về lợi ích xã hội của nghệ thuật”. Trong khi đó, “mĩ học cận hiện đại phương Tây chủ yếu bàn về nghệ thuật trên cơ sở tâm lý. Họ thường nhấn mạnh tới dặc trưng thẩm mĩ phi công lợi xã hội của nghệ thuật”(14). Ông đặt vấn đề: “Ngay ở Trung Quốc, một trong những nét đặc trưng lớn nhất của thời đại mới là bắt đầu kết thúc trạng thái đóng cửa mấy mươi năm và mấy ngàn năm, nền văn minh Trung Hoa lần đầu tiên sẽ bước vào thế giới; đối thoại và giao lưu thực sự với các nền văn minh khác. Nền văn minh vật chất bước vào con đường hiện đại hoá, thế thì triết học, mĩ học macxit của Trung Quốc nên làm sao đây? Mĩ học triết học liệu có thể không lý giải không tiếp thu những nhân tố thời đại này chăng? Liệu có thể bỏ qua tất cả thời gian không gian cụ thể và tính chất lịch sử mà đùa giỡn với các từ ngữ thuần tuý hoặc tinh thần phiêu diêu được chăng?”(15). Lý Trạch Hậu phân tích: Quả thực, chủ nghĩa Marx là lý luận cách mạng, lý luận phê phán, nhưng nó chỉ là thứ lý luận như thế thôi sao? Trong thời đại ngày nay dù ở phương Đông hay phương Tây, nếu chỉ kiên trì hoặc chỉ bàn về lý luận cách mạng thôi là không đủ rồi! Đó chỉ là một phương diện của chủ nghĩa Marx, cho dù đó từng là phương diện cơ bản, phương diện chủ yếu. Song dù thế nào đi nữa thì giai cấp, đấu tranh giai cấp, cách mạng đều chỉ có mối liên hệ với một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong lịch sử lâu dài của loài người, nó chỉ là một hiện tượng tương đối ngắn. Không thể ngày ngày cách mạng, năm năm cách mạng… Cái gọi là “đại cách mạng văn hoá vô sản” chẳng phải đã là bài học nặng nề nhất đó sao? Vì thế tôi cho rằng nên minh xác chủ nghĩa Marx không chỉ là triết học cách mạng mà còn là triết học xây dựng”(16). Từ đó tác giả đặt vấn đề tiếp thu tinh hoa lý luận phương Tây. Chẳng hạn theo Lý Trạch Hậu, những vấn đề mà Marx và Freud nêu ra đều cực kỳ quan trọng – hai ông đã nêu hai vấn đề cực lớn của nhân loại là cái ăn và tình dục. Để sống một cách hiện thực, thế là có các vấn đề như tồn tại xã hội, đấu tranh giai cấp – lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Tình dục gồm khoái lạc và vấn đề bản năng sống chết, Heidegger nêu vấn đề cái chết để con người có ý thức tự giác về tồn tại trước mắt(17).
Có một cách lý giải khá đặc biệt về chủ nghĩa hậu hiện đại gần đây được phát biểu trên tạp chí Khoa học xã hội Quảng Đông (Trung Quốc). Trong khi xem xét chủ nghĩa hậu hiện đại có cảm hứng phê phán xã hội tư bản hiện đại, tác giả bài viết cho rằng: “Chủ nghĩa Marx ra đời ở thế kỷ XIX tuy chưa có khái niệm “hậu hiện đại” nhưng chủ nghĩa Marx trong sự phân tích phê phán xã hội tư bản chủ nghĩa đã dự kiến một cách chính xác đến đặc trưng của xã hội hậu công nghiệp, do đó bao hàm những tư tưởng hậu hiện đại rất phong phú, rất dồi dào ẩn ý hậu hiện đại. Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hậu hiện đại có cùng chí hướng trong việc phê phán mang tính hiện đại”(18). Tất nhiên, bài viết không bàn trực tiếp về chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học nhưng các lập luận nhằm nêu lên chủ trương phát triển chủ nghĩa Marx trong “ngữ cảnh hậu hiện đại” cũng là một hướng hoá giải những chủ trương bảo thủ, giáo điều, có thể gợi mở suy nghĩ về phát triển lý luận văn học trong bối cảnh chủ nghĩa hậu hiện đại.
Một hướng khá quan trọng của tư tưởng lý luận Trung Quốc trong hai thập kỉ gần đây là sự trở về với di sản tư tưởng văn học cổ trung đại. Là một nước có truyền thống văn hiến lâu đời, người Trung Quốc từ rất sớm đã có ý thức về đặc sắc của tư tưởng văn học của dân tộc mình. Điều này thể hiện rõ nhất khi Trung Quốc tiếp xúc với văn minh phương Tây, khẩu hiệu “Trung học vi thể, Tây học vi dụng” đã chi phối cách nghĩ của nhiều nhà lý luận văn học Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Trương Hải Minh(19), sách lược Tây thể Trung dụng, lấy lý luận Tây phương làm khuôn mẫu và nạp nhập các phạm trù, mệnh đề lý luận truyền thống là sản vật của lý luận Trung Quốc những năm 50 đến những năm 80; đầu những năm 80, ở Trung Quốc đã có người nêu lên chủ trương dùng khuôn mẫu của văn luận cổ đại Trung Quốc để viết sách khái luận văn học. Đó chính là sách lược Trung thể Tây dụng. Gần đây, không ít nhà lý luận hô hào trọng thị việc nghiên cứu văn luận cổ đại Trung Quốc. Niềm tự hào về truyền thống văn luận của dân tộc có lúc bị mất đi nay đang trở lại trong tư tưởng lý luận của nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc: “Một thời gian khá dài trong chúng ta vô tình hay hữu ý đã hình thành một quan niệm cho rằng so với lý luận văn học phương Tây thì lý luận văn học cổ đại Trung Quốc về các phương diện quan niệm văn học và hình thái lý luận đều ở tình trạng lạc hậu. Chúng ta không phải là không có căn cứ cho rằng so với lý luận văn học phương Tây thì văn luận cổ đại Trung Quốc không thành thục, không phát đạt. Do đó giống như chúng ta dựa vào phương pháp, lý luận Tây y để chỉnh lý, nghiên cứu Trung y, đối với lý luận văn học cổ đại Trung Quốc, chúng ta cũng phải dựa vào phương pháp và quan niệm của lý luận văn học phương Tây để chỉnh lý và nghiên cứu”. Nhưng tác giả cho biết ngày nay tình hình có khác: “Đối với cách nhìn cho rằng lý luận văn học Tây phương tuyệt đối ưu tú hơn hay cao hơn văn luận cổ đại Trung Quốc thì chúng ta ngày nay đã đủ sức để phủ định, nhờ việc khai triển và thâm nhập vào nghiên cứu so sánh văn học, so sánh mỹ học và so sánh văn hoá học mà cái nhìn thiên kiến và phiến diện trên đã trở nên rõ ràng, dễ thấy”(20). Tuy vậy, tác giả cũng cảnh báo mộthiện tượng cực đoan khi trở về với truyền thống văn luận: “Tuy nhiên, đối với loại quan điểm cho rằng lý luận văn nghệ ngày nay hoàn toàn xuất phát từ cổ nhân chúng ta chưa ý thức được rằng nó có thể sản sinh một phương diện có tác dụng xấu”(21). Điều Trương Hải Minh nói đã từng diễn ra trên thực tế. Giới nghiên cứu Trung Quốc đã nghiên cứu so sánh văn luận Trung Quốc và Tây phương. Đối với một số người, dường như những gì đang diễn ra trong lý luận văn học hiện đại đều đã có trong truyền thống văn luận cổ đại Trung Quốc. Chẳng hạn về phạm trù “điển hình hoá”, có người bảo đã có trong thuyết “quan vật thủ tượng” của Chu Dịch. Hoặc phạm trù “nội dung” và “hình thức” có thể bắt gặp từ thuyết “văn chất” của Khổng tử… Về quan điểm văn học Nho gia và Đạo gia, đã có người viết: “Tư tưởng văn nghệ Nho gia nhấn mạnh việc làm sáng tỏ qui luật ngoại bộ của văn nghệ, tức quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, quan hệ giữa văn nghệ và hiện thực, các phương diện công dụng xã hội của văn nghệ. Còn tư tưởng văn nghệ Đạo gia thiên về tìm tòi các qui luật nội bộ của văn nghệ, tức lý tưởng thẩm mĩ, cấu tứ sáng tác, các phương diện phong cách nghệ thuật”(22). Có dáng dấp của sự tranh luận giữa lý luận xã hội học, phản ánh luận coi trọng công năng xã hội của tác phẩm và lý luận đề cao tính tự trị của văn bản trong thời hiện đại.
*
Nhìn chung, lý luận văn học thế kỉ XX là một thực thể rất phức tạp và không thuần nhất. Nắm bắt và nhận dạng bản chất, những cái mới và đóng góp của kho tàng lý luận này là một công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp. Nhưng để xây dựng một nền lý luận hiện đại của Việt Nam, chúng ta không thể không nghiên cứu tiếp thu lý luận thế giới. Có điều không thể vội vàng, duy ý chí. Cần thiết triển khai các công việc sau cho việc xây dựng một hệ thống lý luận văn học mới, hiện đại:
1. Nghiên cứu lịch sử lý luận văn học tại các nước Tây Âu và Mĩ ở các cấp độ tác giả, trường phái, khu vực, quốc gia. Nếu không nắm được lịch sử biến đổi của lý luận trên các cấp độ trên thì không thể tiếp nhận một cách khoa học các thành tựu lý luận đó. Việc dịch thuật giới thiệu lý luận phương Tây cần được thực hiện có hệ thống và có tính cách nghiên cứu, thẩm định.
2. Nghiên cứu lịch sử lý luận văn học tại Nga và Trung Quốc cũng như hiện trạng của lý luận văn học tại các nước vốn có nét tương đồng với lý luận văn học Việt Nam trong quá khứ không xa để tham khảo.
3. Nghiên cứu truyền thống văn luận của Việt Nam để nhận thức đúng yếu tố nền tảng của sự hiện đại hoá lý luận hiện đại
___________
(1) Nial Lucy: Postmodern Literary Theory: an Introduction. Blackwell Publisher, Oxford, UK, 1998, tr.1.
(2) Xem Teoretiko-literaturnai skola IMLI (doklad k zasedaniu Uchionogo soveta IMLI) “Trường phái lý luận văn học IMLI” (Báo cáo đọc tại phiên họp của Hội đồng khoa học Viện Văn học thế giới). http://www.imli.ru/joarnal/borev1-2003).
(3) J. Hillis Miller: Theory now and then. Hertforshire, 1991, tr.4.
(4) J. Hillis Miller: Theory now and then. Hertforshire, 1991, tr.11-12.
(5) Actualité de Roland Barthes. Paris- Mai 2000- http:/www.fabula.org/ appealbarthes.php. Xem bài lược thuật các ý kiến tham gia cuộc thảo luận này trên tạp chí chuyên lược thuật của INION- Viện Thông tin khoa học xã hội Nga RJ. Seria 7, Literaturovedenie (Nghiên cứu văn học) số 3-2003.
(6) Literary Theory Today. (Peter Collier và Helga Geyer-Ryan biên tập). Corneil University Press, 1990, Introduction: Beyond Postmodernism.
(7) Xem Michael Riffaterre: Undecidability as Hermeneutic Constranint (Tính không xác quyết như là một giới hạn cho chú giải học) và Ann Jefferson: Literariness, Dominance and Violance in Formalist Aesthetics (Tính chất văn học, Chủ âm và sự bạo liệt trong mĩ học hình thức chủ nghĩa), Literary Theory Today. Sđd.
(8) V.V. Prozorov, O.O. Milovanova, E.G. Elina và một số tác giả Lịch sử phê bình văn học Nga. Nxb. Đại học, M., 2002. Xem lược thuật cuốn sách này trên tạp chí RJ, số 1/2004.
(9) Iu. Borev. Trường phái lý luận văn học IMLI. Bài đã dẫn.
(10) Iu. Borev. Bài đã dẫn.
(11) Iu. Borev. Bài dẫn luận cho sách Teorii, skolư, koncepcii (kriticheskie analizư). Khudozestvennưi text i kontext real’nosti. Các lý thuyết, trường phái, quan điểm ( phân tích phê phán). Văn bản nghệ thuật và văn cảnh thực tại. Nxb. Khoa học, M. 1977, tr.7.
(12), (13). E. Zavidovskaia: Postmodernism i sovremennaia kitaiskaia literatura (Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Trung Quốc đương đại). “Problemư Dal’nhego Vostoka”. Tạp chí Các vấn đề Viễn Đông, số 2-2003.
(14) Lý Trạch Hậu: Bốn bài giảng về mĩ học (Trần Đình Sử, Lê Tẩm dịch). Nxb. ĐHQG HN, 2002, tr.30.
(15) Lý Trạch Hậu. Sđd, tr.37-38.
(16) Lý Trạch Hậu. Sđd, tr.38-39.
(17) Lý Trạch Hậu. Sđd, tr.51.
(18) Hoắc Tú Mỵ: Mã Khắc Tư chủ nghĩa dữ hậu hiện đại chủ nghĩa đích đương đại giải độc. (Cách hiểu đương đại về chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hậu hiện đại). Tạp chí Quảng Đông xã hội khoa học. số 6-2004.
(19), (20), (21) Trương Hải Minh: Cổ đại văn luận dữ hiện đại văn luận. Quan vu kiến thiết hữu Trung Quốc đặc sắc đích Mã Khắc Tư chủ nghĩa văn nghệ học đích tư khảo. (Lý luận văn học cổ đại và lý luận văn học hiện đại. Về việc xây dựng một nền lý luận văn nghệ theo chủ nghĩa Marx mang đặc sắc Trung Quốc). Tạp chí Văn học bình luận, số1-1998.
(22) Lão Trang văn nghệ tư tưởng hữu hà đặc điểm? (Tư tưởng văn nghệ Lão Trang có đặc điểm gì?), trong sách Cổ điển văn học tam bách đề. (Ba trăm câu hỏi và đáp về văn học cổ điển). Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã xuất bản, 1986, tr.720.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1- 2005.