Mới đây, Ngô Tự Lập có bài viết Đọc sách “Lột mặt nạ Bakhtin – câu chuyện về một kẻ lừa dối, một chuyện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể” của Jean – Paul Bronckart và Cristian Bota. Bài này được công bố trên số 1/2014 Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, sau đó được đăng tải trên các trang mạng khác nhau (như http://www.viet-studies.info, 16/4/2014). Khá nhanh chóng, trên http://www.vanhoanghean.com.vn ngày 20/6/2014, với bài Mấy suy nghĩ về việc nghiên cứu Bakhtin Trần Đình Sử và Lã Nguyên đã có nhận xét phản hồi về bài viết này. Hai giáo sư viết: “Ngô Tự Lập gọi cuốn sách ấy “là một quả bom đối với giới nghiên cứu”. Có lẽ đó là cảm nhận riêng của Ngô Tự Lập và những người thiếu thông tin do chưa có dịp tiếp xúc nhiều với di sản của M. Bakhtin (1895 – 1975) và lịch sử nghiên cứu di sản của ông trên phạm vi toàn thế giới”.
Bài viết của chúng tôi nhằm góp phần làm rõ cuốn sách được Ngô Tự Lập đánh giá cao, cũng như góp phần cung cấp thêm thông tin đúng như ý kiến của Trần Đình Sử và Lã Nguyên lưu ý. Các thông tin ở đây được rút từ các nghiên cứu, tranh luận của giới phê bình Nga quanh vấn đề mà cuốn sách trên đặt ra.
***
Vấn đề nêu lên trong sách nói trên không hoàn toàn mới. Từ năm 2003, nhà nghiên cứu N.L. Vaxiliev đã viết: “Trong vòng hai mươi năm trở lại đây, trong khoa Bakhtin học đã diễn ra biến chuyển trọng đại trong quan điểm về các “văn bản còn tranh cãi”[1]. Nếu trước đó, chúng được nhìn nhận hiển nhiên là của Bakhtin thì ngày nay ý kiến đó đã bị lung lay”[2]. Tuy nhiên, sau khi điểm lại rất chi tiết các ý kiến ủng hộ hay phản bác, hay dung hòa về tác quyền của Bakhtin đối với các văn bản còn tranh cãi, N.L. Vaxiliev lại tỏ ra phân vân về khả năng hợp tác giữa Bakhtin và các bạn ông : “Từ đây có thể rút ra một loạt kết luận quan trọng, không loại trừ, về phương pháp làm việc của Bakhtin với các tác giả được coi là đồng tác giả của ông-Voloshinov và Medvedev: nhà khoa học cố gắng nhận về mình việc khởi xướng trong phần nêu vấn đề và phương pháp luận, không coi nhẹ công việc phác thảo cho bản thảo chung, có thái độ khoan dung đối với “lời của người khác” nếu như nó không mâu thuẫn với sự kiểm duyệt bên trong của ông; đồng thời sẵn sàng có nhượng bộ rõ ràng trước điển phạm tư tưởng hệ của thời đại mình, trong khi bộc lộ một văn hóa phong cách học vững chắc”.
Theo nhà nghiên cứu Zenkin[3], từ đầu những năm 1970, sau những phát hiện về nhiều công trình lý luận của Bakhtin, trên sách báo có thông tin rằng ngoài những sách mà ông ký tên (như viết về Đostoievski và Rabơle), ông còn là tác giả của một số sách và bài viết công bố những năm 1920-1930 nhưng dưới tên của các bạn ông là Medvedev và Voloshinov. Ý kiến đó thống trị trong một thời gian, song hiện nay, tình hình đã thay đổi. Những người ủng hộ thuyết cho Bakhtin là tác giả của những văn bản còn tranh cãi đó ngày càng ít đi; bản thân các văn bản này khi tái bản cũng chỉ ghi tên của những người bạn đó và không được đưa vào toàn tập Bakhtin.
Nhưng theo Zenkin, hai nhà nghiên cứu từ Đại học Giơnevơ quyết định đi xa hơn: cho xuất bản một chuyên khảo với mục đích là thậm chí gạt khỏi tay Bakhtin cả phần di sản sáng tạo đã được thừa nhận rộng rãi của ông. Theo kết luận của họ, không những Bakhtin không có quan hệ gì với những tác phẩm ghi tên Voloshinov và Medvedev đã đành (vấn đề về những văn bản còn tranh cãi từ nay đã đóng lại –tr. 585) mà ngay cả lần xuất bản đầu tiên cuốn sách của ông về Đostoievski (1929) một phần lớn được viết bởi Voloshinov và rất có thể với sự giúp đỡ của Medvedev. Không phải là Bakhtin chia sẻ các trước tác của mình với hai người bạn mà trái lại, chính là họ đã chia xẻ với ông. Họ (Bronckart và Bota) bảo truyền thuyết về “quyền tác giả toàn bộ” của Bakhtin được bịa đặt ra vào những năm 1960 (tr. 590) nhiều năm sau cái chết của những tác giả thực thụ của “các văn bản còn tranh cãi”. Và truyền thuyết này là kết quả của sự dối trá của Bakhtin-kẻ đạo văn và của sự bịp bợm của những người Nga muốn “tung hô” ông như V.V. Ivanov, V.V. Kojinov, và S.G. Bocharov, “những người tiếp tục làm công việc có lợi cho mình là phổ biến ra toàn thế giới sự nghiệp sáng tác tái sáng tác của bậc thầy” (tr. 237). Ngoài ra, Kojinov và Bocharov là “các đồng tác giả hiển nhiên” (tr. 272) của bản biên tập thứ hai cuốn sách về Đostoievski (năm 1963) bởi vì bản thân Bakhtin không có khả năng hoàn thiện một công trình nào, thêm vào đó hiểu biết lơ mơ về “ý nghĩa” cuốn sách cũ của mình, cái cuốn sách mà trên thực tế nói chung không phải của ông. Về sau do nguyên nhân nào đó không rõ, trò bịp bợm này nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà giải thích Bakhtin ở nhiều nước, họ cố gắng hợp lý hóa truyền thuyết về “quyền tác giả toàn bộ” của Bakhtin, nên rơi vào trạng thái cuồng dại tập thể thực thụ.
V. Makhlin và N. Đongorukova cũng nhấn mạnh về sự táo tợn của hai nhà nghiên cứu này : “Cho đến nay, chưa một ai tuyên bố là cả sách viết về Đostoevski, cả lời bàn về tiểu thuyết, cả bút ký về Khronotop (хронотоп/không-thời gian), cả chuyên luận về Rabơle, tóm lại tất cả Bakhtin đều là đạo văn, là những trích dẫn ẩn kín dựa vào các tên tuổi khác, từ Karl Vossler đến Ferdinand de Saussure, từ Vinogradov đến Stalin (tr.580)-là hàng giả che giấu dưới những tác giả xoviet thực thụ »[4].
Lối phê phán mà sự gay gắt của nó biểu lộ bằng giọng điệu đả kích trong nhiều trang sách của Bronckart và Bota về nội dung không có gì độc đáo. Con trai của Medvedev là Ju.P. Medvedev đã từng buộc tội (không có chứng cứ) những người kế thừa bản quyền của Bakhtin là S.G. Bocharov và V.V. Kojinov –người đã mất năm 2001, trong việc chiếm đoạt bản quyền của Voloshinov và Medvedev (Zenkin cho hay bức thư của người con này đã dự báo cho ý tưởng cuốn sách của Bronckart và Bota nhưng không thấy nhắc đến trong thư mục tham khảo sách). Còn giả thuyết về quyền tác giả tập thể cuốn sách Các vấn đề thi pháp Đostoevski đã được V.M. Alpatov nói đến năm 2005 (và không phải để tô vẽ cho Bakhtin). Có điều là cho đến nay, chưa có ai phát triển giả thuyết này chi tiết đến mức làm cả một cuốn sách như hai nhà phê bình Thụy Sĩ Bronckart và Bota. Vì thế, cần đánh giá cuốn sách này theo các lập luận cụ thể, các chứng cứ cụ thể mà hai người dẫn ra. Zenkin nói, việc xác minh đầy đủ các lập luận, chứng cứ cuốn sách đòi hỏi một dung lượng lớn hơn một bài báo còn ở đây ông chỉ nêu vài nhận xét chung, với một số ví dụ cụ thể.
Trước hết hai tác giả này không đưa ra được những tư liệu mới. Họ không hề phát hiện ra được một sự kiện hay văn bản nào không rõ ràng, không nghiên cứu một tư liệu nào chưa hề được nghiên cứu. Tư liệu của họ sử dụng vẫn chỉ là những gì đã được tập hợp bởi các nhà “Bakhtin học” bị chính hai người phê phán là đã tham gia vào cơn mê sảng tập thể. Trên thực tế, họ không hề sử dụng những chú thích rất phong phú cho Toàn tập tác phẩm Bakhtin (xuất bản từ 1997-2011) mà ngày nay đã thành nền tảng không thể thiếu để hiểu biết tác giả này.
Theo Zenkin, thiếu sót này là tình trạng chung, dù hai ông đã đưa vào Thư mục một số xuất bản phẩm Nga nhưng thực tế trong cuốn sách, họ không hề trích dẫn các văn bản. Tất cả các đoạn trích, bao gồm những trích dẫn từ Bakhtin và các đồng nghiệp của ông đều được lấy từ nguồn các ngôn ngữ khác chứ không phải từ tiếng Nga. Có thể cho rằng hai tác giả này không nắm vững tiếng Nga, điều này hiển nhiên rất nguy hại cho các phân tích của họ: tin vào những bản dịch từ tiếng Nga vốn không phải lúc nào cũng chính xác, họ đã đưa ra những phán đoán rất đáng ngờ[5]. Ví dụ, hai tác giả dẫn một trong những nhận xét của Bakhtin được Duvakin ghi lại năm 1973 (tr.268), nguyên bản tiếng Nga chỉ có mấy dòng nhưng phần dịch sang Pháp văn lại có đến 3 sai sót nghiêm trọng về ý. Thứ nhất, nguyên văn lời Bakhtin đánh giá V. Kojinov trong tiếng Nga “Anh ấy chắc chắn là người gan dạ” (Он человек абсолютно бесстрашный) đã được dịch là “Anh ấy chắc chắn là một người vô lương tâm” (une personne absolument sans scrupules). Thứ hai, Bakhtin tự nói về mình bằng từ “минусник”-đây là một từ lóng chính trị thời Stalin, chỉ người bị câu lưu, cấm được sống ở một số thành phố lớn nào đó (ví dụ, минус десять-danh sách mười thành phố cấm, минус двадцать-danh sách hai mươi thành phố cấm). Nhưng từ này đã bị chuyển ngữ không chính xác một cách có dụng ý, dường như là sự tự đánh giá hạ thấp mình của Bakhtin “moins que rien” (chẳng đáng gì). Thứ ba, trong bản dịch, xuất hiện một câu rất lạ, rất đáng ngờ làm ra vẻ của Bakhtin “Ce livre de lui avait eté oublie, le Dostoievski je veux dire…” (Tôi muốn nói người ta đã quên quyển sách của ông ấy, quyển sách về Đostoevski). Lời dịch sai đã được khai thác. “Ông ấy” là ai vậy ? chẳng phải là Voloshinov ư ? Rồi hai tác giả Thụy Sĩ bình luận ngay chỗ dịch lấp lửng cố ý này: “Chúng ta nhận thấy Bakhtin đã không tự tin nói đến cuốn sách viết về Đostoievski, cái cuốn sách mà rõ ràng ông ấy khó gọi là của mình”. Thực ra trong nguyên văn tiếng Nga chỉ đơn giản thế này “Книжку эту забыли — “Достоевского” (Người ta đã quên cuốn sách này-cuốn sách [về thi pháp] của Đostoevski). Cách giải thích đầy giọng bắt bẻ ấy dựa trên sự thuần túy hiểu sai nguyên văn, do không biết tiếng Nga mà chỉ dựa vào bản dịch thiếu chuẩn xác.
Vẫn lời của Zenkin, có những chỗ hiểu sai trầm trọng hơn. Vấn đề là Bronckart và Bota nói chung rất coi thường các ngữ cảnh lịch sử , tiểu sử và thiết chế văn học xã hội trong đó Bakhtin và các bạn ông từng nói và viết[6]. Giống như các điều tra viên, hai tác giả Thụy Sĩ so sánh các phát biểu thường có tính cách lảng tránh của Bakhtin về các “văn bản còn tranh cãi” mà không chú ý đến sự thay đổi không khí chính trị, đến người đối thoại, đến sự thay đổi của tình hình kinh tế, tuổi tác, tình trạng sức khỏe của Bakhtin, những nhân tố có thể kích thích ông khi thì rất cởi mở, khi thì thận trọng (điều này đã thấm vào máu thịt của một минусник -ông già bị cấm sống ở nhiều thành phố- và biểu lộ trong nhiều chuyện chứ không phải chỉ riêng chuyện các “văn bản còn tranh cãi”). Bronckart và Bota tuyên bố ba người “tung hô” Bakhtin là ba kẻ lừa đảo như thể nói về những người trong bóng tối, không có ai biết đến, trong khi không hề tìm hiểu danh tiếng chuyên môn và đạo đức của ba người đó (lẽ ra điều tra viên giỏi phải làm như vậy). Bronckart và Bota gộp ba người thành một nhóm tội phạm , “cỗ tam mã Maxcơva” (tr. 245) mà xem thường những khác biệt quan trọng giữa họ về tư tưởng và văn học. Còn về ngữ cảnh lịch sử xã hội thì hai tác giả tưởng tượng rằng các vụ trấn áp ở Liên Xô những năm 1930 chỉ đụng chạm đến “chủ yếu, nếu không phải là tuyệt đối, các đảng viên và các giảng viên macxit” (tr. 33). Họ ngây thơ cho rằng Đại học Tổng hợp Saran cấp tỉnh, vốn ban đầu là một trường Sư phạm, thì không thể có được một thư viện tốt-ý nói Bakhtin không có điều kiện mở mang học thức (trong các bản dịch, họ còn gọi thư viện là hiệu sách). Nhiều lần hai tác giả khẳng định rằng so với hai người bạn Medvedev và Volosinov thì Bakhtin không thể là thủ lĩnh tinh thần được vì khác với họ, ông không có bằng đại học và không phải là nhà nghiên cứu được xếp hạng (chercheur chevronné (tr.293) mà chẳng hề biết rằng điều đó thường diễn ra ở nước Nga cách mạng, nơi mà một đối thủ của Bakhtin về lý luận văn học như V. Shklovski đã có thể là người thành lập nhóm OPOJAS mà không học đại học, người kiếm sống như một nhà văn, người viết kịch bản, nhà quân sự, thậm chí là kẻ phản loạn bất hợp pháp.
Những tư liệu quan trọng nhất cho việc giải quyết vấn đề tiểu sử Bakhtin và “các văn bản còn tranh cãi” đều không được Bronckart và Bota sử dụng. Đơn giản là vì các tư liệu này chưa được dịch từ tiếng Nga ra các thứ tiếng khác. Hai ông ám chỉ là những người tung hô Bakhtin khi tuyên bố tác quyền về “các văn bản còn tranh cãi” đã chưa bao giờ chỉ ra được nguồn thông tin làm chỗ dựa. Điều đó không đúng. Từ năm 1995 người ta đã gọi tên các nguồn thông tin này. V.V. Ivanov viết ông đã biết tác giả thực sự của sách Chủ nghĩa Mác và các vấn đề ngôn ngữ từ năm 1956 mang tên Voloshinov, qua viện sĩ Vinogradov, còn V.V. Kojinov cũng khẳng định nghe được điều này từ Vinogradov, Berkovski và Shklovski. Có thể Bronckart và Bota không tin lời hai người, nhưng lẽ ra cần phê phán bằng chứng của hai người thì họ lại im lặng. Họ cũng im lặng trước hồi ký chưa xuất bản của O.M. Freidenberg, người phụ nữ này biết Voloshinov và khẳng định cuốn sách ngôn ngữ học của ông do một người khác viết. Freidenberg mất từ 1955, một câu nói của bà cũng đủ để bác bỏ nhận định “sau khi tuyên bố về quyền tác giả của Bakhtin được Ivanov phổ biến thì “không một bằng chứng nào thuộc niên đại này (1925-1970) được dẫn ra để khẳng định điều được nói ”(tr.82). Trái lại, tất cả cho biết rằng những tin đồn lan truyền trong giới học thuật về những văn bản còn tranh cãi ít nhất đã được ghi trong một tài liệu thuộc niên đại đó. Những tin đồn đoán đó có thể thật hay giả, một phần thật, một phần giả, nhưng chúng hiển nhiên đã tồn tại. Bakhtin và các đồng nghiệp không bịa ra chúng hồi những năm 1960. Vậy nên giả thuyết về sự lừa đảo của họ ở cuốn sách Thụy Sĩ này tự nhiên sụp đổ.
Theo Zenkin, trong các thủ pháp lập luận do Bronckart và Bota áp dụng, cần lưu ý lối giải thích thiếu thiện chí, lối suy luận đầy tính khuynh hướng và sự đánh tráo khái niệm. Bakhtin thú nhận, khi nói về cuốn “Các vấn đề sáng tác của Đostoevski” năm 1929 : “Này các anh, lẽ nào tôi không thể viết được cuốn sách đó” thì bản dịch tiếng Pháp được hai nhà nghiên cứu Thụy Sĩ chuyển dẫn lại là thế này: “Tôi đã có thể viết cuốn sách này hoàn toàn khác với cuốn sách đã được viết”. Từ đó không khó đi đến chỗ kết luận như hai vị đã làm: “Nếu đọc kỹ thì điều đó có nghĩa là Bakhtin không viết cuốn sách này”. Năm 1928, Boris Pasternak nhận xét về sách của P.N. Medvedev Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học đã gửi thư cho ông này “Tôi không biết là trong anh ẩn một nhà triết học như thế” nhưng hai nhà nghiên cứu Thụy Sĩ lại hiểu nhầm đấy là một lời khen “Tôi không biết là anh viết xuất sắc như thế” (tr. 67). Thực ra, nhà thơ Pasternak không nói về chuyện viết hay viết dở mà nói về sự khác nhau giữa hai kiểu diễn ngôn: của nhà phê bình văn học mà ông bắt gặp trong các sách đầu tay của Medvedev và diễn ngôn của nhà triết học như Bakhtin. Bakhtin nói với Bocharov rằng chính ông viết những “văn bản còn tranh cãi” “từ đầu đến cuối” , còn nói với Kojinov (về cuốn “Phương pháp hình thức…”) rồi lại nói rằng “Trước khi đưa bản thảo sách này đến nhà xuất bản, Medvedev đã bổ sung và phải nói rằng bổ sung rất không thành công”. Trích dẫn câu này (tr.244-246), Bronckart và Bota thấy giữa chúng có mâu thuẫn hoàn toàn (tr.247) chứng tỏ ông nói dối.
Bakhtin có nói dối? Theo Zenkin, Bakhtin thường thông báo về những thông tin giả về tiểu sử của mình (nguồn gốc xuất thân, học vấn), nhưng trong vấn đề về các “văn bản còn tranh cãi” ông không khi nào mâu thuẫn với bản thân hay những sự việc mà chúng ta đều rõ. Bronckart và Bota không thể phản bác được thực tế là trong các phát biểu của mình, Bakhtin không hề nói trực tiếp rằng ông không viết các văn bản còn tranh cãi, rằng đã một mình viết chúng, không có sự tham gia của bất cứ ai. Quan điểm của ông rất tinh tế, tránh sự xác định đơn nghĩa: đôi khi ông thừa nhận là tác giả chính của các văn bản đó, mặc dù bạn bè có những chỉnh lý nào đó; đôi khi lại chỉ nói về “quan niệm chung về ngôn ngữ và tác phẩm ngôn từ” của các văn bản còn tranh cãi có sự gần gũi chia xẻ với quan niệm trong các trước tác của chính ông vào thời gian ấy cũng như giữa các văn bản còn tranh cãi với nhau. Điều này chính Bronckart và Bota cũng phải gián tiếp thừa nhận “phương pháp của Medvedev hoàn toàn tương đồng với phương pháp của Voloshinov” (tr. 493). Nhưng ở đây vì nói đến quan hệ giữa Medvedev với Voloshinov chứ không phải với Bakhtin nên Bronckart và Bota đã không lật tẩy họ đạo văn hay đánh tráo tên.
Theo Zenkin, chính sự cộng đồng về tư tưởng đã là căn cứ để hai nhà nghiên cứu Thụy Sĩ phản bác quyền tác giả của Bakhtin đối với cuốn sách về Đostoevski. Bronckart và Bota cho là các bạn của ông đã tái tạo từ những phiến đoạn lộn xộn về tôn giáo thành một công trình đầy tính cách tân phát triển chính các nghiên cứu của Voloshinov. “Voloshinov quyết định công bố dưới tên Bakhtin một phần của công trình mà chính mình thực hiện” (tr.555). Có lẽ là năm 1929 Bakhtin đang phải hầu tòa ở Leningrad vì tham gia một nhóm tôn giáo nên việc cho xuất bản sách giúp làm tăng uy tín khoa học và do đó, dịu bớt số phận của ông. Bronckart và Bota muốn ngụ ý là Bakhtin không thể tự viết và xuất bản cuốn sách này được vì tháng 12 /1928 ông đã bị bắt vì lý do chính trị. Nhưng thực ra, hai vị không biết là Bakhtin chỉ bị giam giữ vài ngày rồi được thả, ông sống ở Lêningrad nhưng bị cấm ra khỏi thành phố. Về nguyên tắc, ông có điều kiện lo việc xuất bản. Vì thế, hai tác giả Thụy Sĩ đã không có căn cứ khi kết luận về những người khác đã lo việc xuất bản sách do Bakhtin bị bắt. Cần nhớ là chính Bakhtin đã hoàn thành sách từ trước khi bị bắt, năm 1928. Những tài liệu tìm thấy ở nhà xuất bản cũng ăn khớp, cho biết Bakhtin ký hợp đồng với thời hạn nộp bản thảo cho nhà xuất bản là 15 tháng Mười năm 1928. Bài điểm sách đầu tiên đối với Các vấn đề sáng tác của Đostoevski” xuất hiện trên Báo Văn học ngày 10/tháng Sáu/1929. Nếu sách ra vào đầu tháng Sáu/1929 thì bản thảo cần nộp cho nhà xuất bản chậm nhất là cuối năm 1928 vì cần mấy tháng đánh máy, sửa bông và in. Sau khi Bakhtin bị bắt vào tháng Mười hai/1928 thì Voloshinov hay bất cứ ai cũng không kịp tái tạo lại văn bản cuốn sách. Tiếc là hai nhà phê bình Thụy Sĩ đã coi thường tất cả các sự kiện tương tự đã được công bố trong Toàn tập tác phẩm Bakhtin.
Như vậy các luận cứ về tiểu sử và sự kiện của hai nhà phê bình không đứng vững. Thế còn các chứng cứ rút ra từ chính sự phân tích các văn bản lý luận thì sao ? Bronckart và Bota cố chứng minh rằng những tư tưởng cơ bản của lần xuất bản đầu tiên sách về Đostoevski gần gũi với các sách của Medvedev và Voloshinov hơn là với các trước tác triết học giai đoạn đầu của Bakhtin. Có thể là như vậy, song tại sao lại chỉ cắt nghĩa sự tương đồng đó bằng việc đánh tráo tác giả cuốn sách về Đostoevski ? Tại sao lại không nghĩ là giữa ba người đã có sự trao đổi học thuật tích cực để đi đến chỗ có sự cộng đồng trong quan điểm về văn hóa nghệ thuật ? Nếu như trong cuốn sách về Đostoevski, sự cộng đồng này đứng cạnh những yếu tố của học thuyết triết học giai đoạn đầu của Bakhtin thì điều đó cũng không đủ để kết luận cuốn sách đã được viết bởi hai, ba người khác nhau. Một cách hợp lý hơn, nên giả định rằng tác giả đã viết nó khá lâu, và thực tế thì cuốn sách gồm những phần khác nhau được xác định viết vào những thời kỳ khác nhau.
Cũng cần nói rằng, phải tính đến sự thay đổi quan điểm triết học –thẩm mỹ của Bakhtin cũng như nhiều người khác cùng thời ông. Bakhtin đã trải qua quá trình tiến hóa tư tưởng khá nhanh, từ triết học tôn giáo và triết học hiện tượng luận đến chủ nghĩa khách quan và học thuyết xã hội của các khoa học nhân văn. Điều này cũng có thể thấy ở các bạn bè gần gũi của ông như L. Pumpenski, đặc biệt là V. Voloshinov, người đã đi từ Giáo phái Hoa hồng và cây thập tự (Розенкре́йцерство-nguyên văn tiếng Đức Rosenkreuzer-Trung văn Mai côi thập tự hội) đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Những bước ngoặt tư tưởng như vậy khá phổ biến trong giới trí thức châu Âu hồi đầu thế kỷ XX ví dụ Walter Benjamin (Đức) từ nhà thần bí đến chỗ tiếp nhận chủ nghĩa Mác, hay nhà hiện tượng luận, đại diện chủ nghĩa hiện sinh Jean-Paul Sartre (Pháp) có nhiều quan điểm gần gũi chủ nghĩa Mác. Nguyên nhân tiến hóa tư tưởng có nhiều và khác nhau : sự phát triển tự nhiên của tư tưởng, ảnh hưởng trí thức từ bên ngoài, do áp lực của đời sống tư tưởng (đặc biệt ở nước Nga xôviet). Nhưng Bronckart và Bota không hề quan tâm đến sự vận động, biến chuyển tư tưởng như thế mà chỉ muốn nhấn mạnh chuyện khác: chẳng có sự vận động tư tưởng nào hết, chỉ có sự đánh tráo tên tác giả dẫn đến vụ ăn cắp bản quyền đình đám (tr. 271).
Để tạo ra ấn tượng xác thực cho luận điểm này, hai nhà phê bình Thụy Sĩ đã phóng đại sự không tương thích của hai chương trình nghiên cứu vốn tạo nên hai cực của quá trình tiến hóa tư tưởng của Bakhtin trong những năm 1920. Họ cho là hai chương trình đó không có điểm chung và ở mức độ lớn, còn thù địch với nhau (tr.507). Họ nhấn mạnh khuynh hướng tôn giáo trong mỹ học sơ kỳ của Bakhtin, gắn cho ông cái nhãn phản động, kết hợp đầy mâu thuẫn giữa hiện tượng luận và ca tụng chúa, tô đậm yếu tố độc thoại (monologism) như là yếu tố đối lập lại nguyên lý đối thoại (dialogism) của sách về Đostoevski và sách của Voloshinov. Nhưng hai nhà phê bình không nhận thấy rằng, khái niệm độc thoại được định nghĩa trong sách về Đostoevski như là sự thống trị của lời nói của ai đó, lại không được áp dụng trong các nghiên cứu chưa đặt vấn đề ngôn ngữ, khi mà tình huống đối thoại được phân tích là đối thoại giữa người và người, giữa người và chúa, không dựa trên sự thống trị mà dựa trên tình yêu thương.
Ý đồ đào sâu hố ngăn cách giữa hai chương trình nghiên cứu đã đưa Bronckart và Bota đến chỗ phóng đại “chủ nghĩa Mác” trong các “văn bản còn tranh cãi” cuối thập niên 1920. Nhưng đây là vấn đề phức tạp mà hai vị không muốn hiểu. Trên thực tế, “chủ nghĩa Mác” trong các công trình đó chỉ mới ở dạng phôi thai, chưa có biện chứng, cũng chưa có đấu tranh giai cấp, chưa có các khái niệm thực tiễn, lao động, hệ tư tưởng.
Có thể bảo vệ giả thuyết về tác quyền tập thể của cuốn sách về Đostoevski, nhưng nếu không có những chứng cứ thuyết phục thì ý đồ sẽ không có căn cứ. Zenkin viết : “Nhìn chung, những lỗ hổng nghiêm trọng về mặt tài liệu, những đoạn văn dịch sai và đọc hiểu sai, những suy luận đầy tính áp đặt và những sai lầm logich đầy rẫy trong sách của Bronckart và Bota đã biến sự phân tích văn bản trong sách này- một sự phân tích rất tỉ mỉ song mất uy tín vì tính chất định kiến của các kết luận -trở nên vô giá trị”.
Sáng tạo của M. Bakhtin là rất khó giải thích. Trong đó có nhiều chỗ tăm tối, có những vay mượn bị ẩn dấu, có cả những mâu thuẫn thực tế; trong đó có những tác phẩm hoàn thiện ít hay nhiều, thành công ít hay nhiều, chúng ta không có đủ những tư liệu thực tế để phân biệt rạch ròi phần đóng góp của ông hay bè bạn ông vào một số công trình của những năm 1920, do những công trình đó là kết quả của trao đổi tri thức giữa họ và dựa trên nền tư tưởng chung của họ. Cần thừa nhận rằng, có một số nhà Bakhtin học đã từng tô đậm hơn cái khó khăn tồn tại khách quan này bằng sự sốt sắng quá mức của mình, bằng những mong muốn thiết lập sự sùng bái Bakhtin. Để khắc phục tình hình, đòi hỏi sự phê bình có chuyên môn, kiên trì, không chạy theo những giải pháp giật gân, không qui sự phức tạp của tư tưởng lý luận vào đạo văn và ăn cắp tác quyền và nhất là không nên tuyên bố những ai nghĩ khác mình là kẻ nói dối, lừa đảo, mất trí. Tính không thuần nhất của các văn bản tạo nên đặc trưng của “tòa nhà Bakhtin” vốn là một đối tượng nghiên cứu tốt, tiếc là đã rơi vào những bàn tay tồi.
Trên đây là bản lược thuật nội dung bài viết của Zenkin đánh giá về cuốn sách mà Ngô Tự Lập khen là một trái bom làm sụp đổ những huyền thoại. Sai lầm, hạn chế nổi bật về phương pháp luận, về tri thức, về sự hiểu biết tiếng Nga của hai tác giả cuốn sách đã bị nhiều nhà nghiên cứu Nga phê phán.
Như vậy, để đánh giá đúng một cuốn sách đề cập đến một vấn đề hệ trọng như thế, đòi hỏi sự kết hợp nhiều tri thức văn hóa, văn học, lịch sử, trang bị phương pháp nghiên cứu và nhất là tiếp nhận thành tựu nghiên cứu hết sức phong phú của giới nghiên cứu quốc tế, trước hết là giới nghiên cứu Nga. Đây là việc làm không thể thực hiện trong một sớm một chiều.
…………………………………
[1] Đó là 2 cuốn Chủ nghĩa Freud một phác thảo phê phán và Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ đứng tên V.N. Voloshinov và cuốn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học ghi tên P.N. Medvedev và một số bài báo khác. Đây là “các văn bản còn tranh cãi” (спорные тексты) thường được nhắc đến trong các nghiên cứu, thảo luận về tác quyền các văn bản này.
[2] Xem Н.Л. Васильев, История вопроса об авторстве «спорных текстов», приписываемых М. М. Бахтину (Lịch sử vấn đề về tác quyền của “các văn bản còn tranh cãi”) Интеграция образования, Выпуск № 3 / 2003 -tạp chí điện tử Hội nhập giáo dục, số 3/2003. Đây là bản đầy đủ của tham luận mà tác giả đọc tại Hội nghị quốc tế về Bakhtin tháng 7/2003. Trong bài viết phân tích các nguồn tài liệu mới công bố thời gian gần đây, các công bố còn ít được nghiên cứu của Bakhtin, các nguồn tài liệu lưu trữ, với 111 chú thích tư liệu Nga văn và các thứ tiếng khác.
[3] Xem bài viết của Sergei Zenkin nhận xét cuốn sách này: Сергей Зенкин, Некомпетентные разоблачители /Những người tố cáo không thạo chuyên môn. Tạp chí điện tử Bình luận văn học mới (Новое литературное обозрение), N. 119/2013.
[4] Xem В. Махлин, Н. Долгорукова, Ресентимент одураченных (Sự thù hận của những kẻ bị lú lẫn), «Вопросы литературы» -tạp chí Các vấn đề văn học , 2013, №6
[5] Xem chú thích 4. Hai tác giả Nga khẳng định rằng hai nhà nghiên cứu Thụy Sĩ không biết tiếng Nga mà chỉ dựa vào các bản dịch, vốn nhiều khi không chính xác.
[6] Nhận xét này tương tự với nhận xét của Ю. П. Медведев, Д. А. Медведева. Trong bài Круг М. М. Бахтина как “мыслительный коллектив” (Nhóm Bakhtin như một tập thể tư tưởng”), tạp chí Звезда» (Ngôi sao) 2012, №3, ở chú thích số 90, hai ông viết “Lập tức muốn trả lời các tác giả cuốn sách rằng có thể coi là giả dối những bịa đặt kiểu Bakhtin về tiểu sử, v.v…nhưng gọi chính ông là kẻ nói dối mà thiếu tính đến bối cảnh đất nước-thời đại-tiểu sử là không thể được”.
V. Makhlin và N. Đôngorukova cũng viết “Các tác giả Thụy Sĩ này thậm chí không có ý định chứng minh các giả thuyết của mình bằng cách phân tích văn bản (thậm chí chỉ phân tích các văn bản còn gây tranh cãi về tác quyền) : họ bằng lòng với việc rút tỉa từ các đoạn trích những dấu hiệu cần thiết cho họ, các đoạn trích không phải lúc nào cũng được dịch chính xác và điều chủ yếu là đã bị tách ra khỏi thực tế lịch sử cụ thể, tách ra khỏi điều mà thuật ngữ của Bakhtin gọi là “ngữ cảnh ngoài ngôn từ” của tình huống lời nói, gọi là “ý thức không chính thống” của thời đại” (xem chú thích 4).
Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=12664