Tóm tắt:
Khoa cử phương Đông truyền thống do mục tiêu đào tạo các quan chức phục vụ cho bộ máy nhà nước phong kiến chứ không phải các nhà khoa học kỹ thuật nên chú trọng giáo dục năng lực luận thuật kinh điển Nho giáo (kinh thuật) và năng lực văn chương để diễn đạt các nguyên lý của kinh điển (văn chương).
Tuy nhiên, trong lịch sử khoa cử Nho giáo ở Trung Quốc và Việt Nam, có những thời kỳ nổi lên những cuộc thảo luận giữa khuynh hướng thi thiên về kinh thuật (luận thuật kinh điển Nho gia) với khuynh hướng coi trọng văn chương, tạo ra cái nhìn nhị nguyên, hoặc kinh thuật, hoặc văn chương. Ở Trung Quốc, thời Đường và ở Việt Nam thế kỷ XVIII là thời kỳ như thế. Chúng tôi dùng khái niệm "văn chương" chứ không dùng "văn học" để tránh đồng nhất với kiểu sáng tác văn học hiện đại.
Lê Quý Đôn là một nhà khoa bảng nổi tiếng nhưng giữ quan điểm cân bằng giữa kinh thuật và văn chương, tức là ông đã tiến hành “giải cấu trúc” quan điểm nhị nguyên về khoa cử. Các ý kiến của ông được trình bày trong một số trước tác, đặc biệt trong Vân đài loại ngữ . Bài viết lần đầu tiên hệ thống hóa các ý kiến này, so sánh với ý kiến của một số nhà nho cùng thời phê phán lối học nặng về từ chương để chỉ ra đặc điểm thực tế khoa cử thời trung đại và đóng góp riêng của Lê Quý Đôn cho văn hóa Việt Nam.
Từ khóa: kinh thuật, văn chương, văn, đức, văn thể, văn thể Hồng Đức, văn và đạo.
Đặt vấn đề
Lê Quý Đôn trong quyển V của sách Vân đài loại ngữ , mục Văn nghệ bàn về tầm quan trọng của “văn chương”, viết : “Văn chương là gốc lớn của sự lập thân, là việc lớn của sự kinh thế. Người nhà Đường nói: lấy kẻ sĩ nên phải nhằm đức hạnh trước, còn văn nghệ sau. Đó là nói cách lấy thư phán mà xét người lúc bấy giờ, chứ không phải nói chung.
Chu Tử nói : Lời không văn vẻ thì không đi được xa; bốn điều dạy (tứ giáo) của Khổng Tử, tất lấy văn làm trước, muốn tóm tắt lấy lễ tất phải biết rộng văn trước. Vậy văn không khi nào bị coi là việc ngọn. Sách Luận ngữ nói : “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ”, nghĩa là: lấy đạo làm hướng cho sự lập chí, lấy đức làm chỗ căn cứ, lấy nhân làm nơi nương tựa, lấy nghệ làm thú vui chơi. Xem đó, người xưa cũng chỉ nói ngang nhau, chứ không chia điều nào là gốc, điều nào là ngọn.
Truyện Kinh Thi của họ Mao nói về chín điều hay: 1) Khi xây dựng một nước thì biết bói rùa; 2) Khi đi săn bắn thì biết ra mệnh lệnh; 3) Khi làm đồ đạc gì thì biết làm được bài Minh; 4) Khi đi sứ có thể tạo được từ mạng; 5) Khi lên cao thì biết làm thơ ca; 6) Trong việc sư lữ thì biết làm lời thệ quân; 6) Về núi sông thì có lý thuyết; 7) Trong việc tang ma thì biết làm bài văn tế; 8) Trong việc tế tự thì biết khấn. Người quân tử có được chín điều hay ấy thì gọi là người có đức, có thể làm được quan đại phu. Đó là cách tuyển sĩ của nhà Chu, đại khái như thế, sao gọi văn là việc ngọn được ? Đại để anh hoa phát tiết ra ngoài, là do ở trong có chứa nhiều hòa thuận; cho nên người có đức tất biết ăn nói; người có hạnh tất có học, như con phượng thì có cánh, sắc lông sặc sỡ; con báo thì có lông trơn mượt; trang sức ở ngoài với chứa đựng bên trong vẫn là một.
Chu Tử nói : “Uy nghi đúng mức, nói năng phải lẽ, đều là văn”. Ông lại nói : “Ngày xưa đem các môn lễ, nhạc, xạ (bắn), ngự (cầm cương ngựa), thư (viết chữ), số (tính toán) dạy người ta; lẽ nào một người đã học các môn văn ấy mà lại bảo là người thiếu sót về đức hạnh được ? Muốn biết người, nên lấy đó mà bàn, nghĩa là nên nhận xét ở các điều đó, chớ nên lầm lẫn (cho đức với văn là hai)”(Lê Quý Đôn a, tr. 235-237), tôi có chỉnh lý lời dịch một vài điểm cho đúng nguyên văn)[1] .
Đọc những dòng này, có cảm giác Lê Quý Đôn đang tranh luận với một ai đó, hay với một luận điểm nào đó liên quan đến mối quan hệ giữa đức hạnh và văn chương. Và ông tìm cơ sở lý luận từ các diễn ngôn của các nhà kinh điển của đạo Nho như Khổng Tử và Chu Tử (Chu Hy), tác giả Mao thi (Thi đại tự). Đây không phải là những lời bàn về văn học nghệ thuật thuần túy. Nếu chúng ta đặt chúng vào ngữ cảnh rộng hơn, dễ thấy nhà bác học đang thảo luận một trong những vấn đề trọng yếu nhất của thể thức khoa cử Nho học thời trung đại, vấn đề quan hệ giữa luận thuật kinh điển và văn chương. Ý nghĩa của vấn đề mà Lê Quý Đôn đặt ra vốn đến nay chưa được giới nghiên cứu cả về triết học, văn hóa, sử học, văn học chú ý sẽ là mục đích nghiên cứu của luận văn này.
Khoa cử dưới các triều đại lấy Nho giáo làm quốc giáo thì tất nhiên nội dung thi phải nằm trong việc diễn giải kinh điển Nho giáo, sĩ tử phải thể hiện được sự am tường và năng lực vận dụng kinh điển cho việc giải quyết các vấn đề thời sự của quốc gia. Tuy nhiên, các kiến thức và năng lực vận dụng đó đều phải được trình bày dưới hình thức văn chương vì văn chương là một công cụ chuyển tải rất hiệu quả tư tưởng, như chính Chu Hy đã nói “ngôn chi vô văn hành chi bất viễn”-lời nói không có văn không đi được xa. Khi nói về khoa cử, người xưa có khi dùng khái niệm “văn chương”. Văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám khoa thi 1481 viết: “Kẻ sĩ sinh ở đời này gặp gỡ thánh minh, có tiếng tăm văn chương, gội nhuần giáo hóa” (Ngô Đức Thọ, tr.2) Văn bia khoa thi năm 1481 cũng có đoạn: “Danh là bề ngoài của thực, tốt là đối tượng của xấu. Có danh có thực, há chẳng phải tốt sao ? Có danh không thực, há chẳng phải xấu sao ? Những người được ghi tên vào đá này, cố nhiên phải lấy đạo nghĩa đức hạnh để tu dưỡng bản thân, phải dùng văn học mà dùi mài tâm tính”. (Ngô Đức Thọ, tr. 216).
Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ khi dâng khải lên chúa Trịnh Sâm bàn về sửa đổi văn thể, viết: “Văn chương quan hệ đến thế đạo, mà muốn cầu người giỏi, phải lấy giáo hóa làm đầu. Bản triều ở đời Hồng Đức, phép dạy phép thi cũng chỉ có kinh nghĩa, lấy nghĩa tùy ý đặt lời, nếu không phải là người đọc rộng hiểu sâu thì không làm nổi; tứ lục dùng cả cổ sử và công việc bản triều; thơ phú thì hoặc theo lối lý tao hoặc theo văn tuyển, không cứ thể cách thất ngôn hay ngũ ngôn, lối bát vận của Lý Bạch hay lối liên châu, có khi dùng sử truyện hay sách ngoài, cùng tả cảnh…” (Phan, tr. 33-34). Rõ ràng văn chương trong quan niệm của các tác giả trên là văn chương khoa cử.
Khi sử viết: “Năm 1363, thi học trò, lấy người có văn nghệ vào làm việc trong quán các” (Phan Huy Chú, tập 2, tr. 11) thì khái niệm “văn nghệ” dùng chỉ người có năng lực từ chương, vừa nắm vững kinh điển lại có khả năng biểu đạt tư tưởng bằng văn chương.
Trong đoạn văn trích dẫn ở phần mở đầu, ta thấy Lê Quý Đôn dùng các khái niệm 文章 “văn chương”, 文 “văn” 文藝 “văn nghệ” với nội dung tương đồng nhau. Để tránh nhầm lẫn với khái niệm “văn học” của người hiện đại, một lĩnh vực rất rộng, với những đặc trưng riêng khác với nội dung mà Lê Quý Đôn trình bày, chúng tôi xin dùng khái niệm “từ chương” có một nghĩa tương đối, chỉ loại văn chương trong khoa cử như là một khái niệm công cụ cho riêng bài viết này.
- 1. Điểm lại lịch sử khoa cử từ góc nhìn quan hệ giữa kinh thuật (luận thuật kinh điển) và từ chương trong lịch sử khoa cử:
Do lịch sử khoa cử ở Việt Nam thời trung đại tiếp nhận nhiều quan niệm về nội dung và quan niệm của khoa cử Trung Quốc nên chúng ta cần thiết nhìn lại dẫu là một cách sơ lược lịch sử khoa cử Trung Quốc với những đường nét chính của nó để hiểu chính khoa cử Việt Nam.
- 1.1. Tại Trung Quốc :
Nghiên cứu lịch sử khoa cử, về phương pháp luận, không thể tách rời với bối cảnh lịch sử của mỗi thời đại. Nhà nghiên cứu Benjamin A. Elman viết: “Khoa cử từng là một vũ đài văn hóa ở đó những quan tâm khác nhau về chính trị và xã hội tranh đấu nhau và cân bằng” (Benjamin A. Elman (2000), tr. xxiv). Nghiên cứu lịch sử khoa cử Trung Quốc hậu kỳ (từ đời Minh đến đời Thanh), ông cũng nhận thấy: “các bậc hoàng đế, các quan lại cung đình, hoạn quan đều nỗ lực kiểm soát giới sĩ phu thông qua các kỳ thi. Các sĩ phu trong và ngoài cung đình thường gắng thoát khỏi sự kiểm soát đó và lật ngược tình thế thành công bằng cách dùng các kỳ thi gây ảnh hưởng đến chính sách nhà nước hay làm sống lại các giá trị của kẻ sĩ”. Đó là một kinh nghiệm quí cho những người nghiên cứu khoa cử hiện nay.
Dưới các triều đại phong kiến cả ở Việt Nam và Trung Quốc, thi cử tất nhiên phải luận thuật kinh điển Nho giáo. Kinh điển Nho giáo dạy người học đạo tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ nên là nội dung học, thi chủ đạo. Khoa cử là một công cụ thống trị tư tưởng của các triều đại theo Nho giáo, dẫu là thi Minh kinh hay thi Tiến sĩ thì sĩ tử đều phải học thuộc lòng Tứ thư, Ngũ Kinh. Đế chế Hán dùng chế độ 察举“sát cử” , cũng gọi là 荐举 “tiến cử” để tìm kiếm nhân tài. Từ các hương, lý bình nghị, qua khảo sát ở các quận, giới thiệu đến triều đình, triều đình dùng hình thức “sách vấn” hỏi các vấn đề kinh truyện Nho giáo. Khi đó chưa có hình thức thi văn chương. “Sách” nguyên là tấm thẻ trúc trên đó viết vấn đề cần hỏi, người ứng thí hồi đáp lại (đối sách). Tuy nhiên, hình thức sát cử không có vị trí quyết định, quyết định vẫn là chế độ “thôi cử”, nằm trong tay các quan viên cao cấp thao túng. Mặt khác, để được “thôi cử”, không ít người “ngụy quân tử”, tỏ ra có đạo đức tư cách để mê hoặc nhân thế.
Lịch sử khoa cử Trung Quốc chính thức bắt đầu năm 605, khi Tùy Dạng Đế đặt ra khoa Tiến sĩ, Minh Kinh, thi sách vấn để chọn kẻ sĩ, mở ra trang mới trong lịch sử tuyển bạt nhân tài ở Trung Quốc. Cần phân biệt rõ, ở đời Đường, khoa thi Tiến Sĩ có nội dung chủ yếu thi văn chương,[2] còn khoa thi Minh Kinh, sách vấn dùng để kiểm tra hiểu biết về kinh điển, từ đây, hai phương diện kinh thuật và từ chương dần trở thành nội dung khoa cử. Đến đời Đường, khi Võ Tắc Thiên trị vì, thiết lập các hình thức khảo thí như thiếp kinh, tạp văn, sách văn. Tạp văn chỉ loại văn chương các loại văn thư chốn cung phủ, về sau phát triển thành thi phú. Thời Đường và Tống là thời kỳ từ chương (văn chương khoa cử) thịnh hành nhất. “Sau 680-81 diễn ra việc chuyển dịch tầm quan trọng từ thi minh kinh -kiểm tra hiểu biết về kinh điển bao gồm ba câu hỏi về chính trị sang văn chương của kỳ thi tiến sĩ trong đó vẫn có một câu hỏi về chính trị thì tiêu chí văn học còn thống trị trong thi tuyển kẻ sĩ đời Đường cho đến tân cuối triều đại này” (Benjamin A. Elman , 2000, tr.10). Theo Từ điển lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc (tr. 150) : “Nội dung khoa thi tiến sĩ, đời Đường xem trọng thơ phú, đời Tống thì có lúc trọng thơ phú, có lúc trọng kinh nghĩa hoặc cả hai, nhưng nghiêng về trọng kinh nghĩa hơn”.
Đời Đường và Bắc Tống là hai triều đại duy nhất trong lịch sử khoa cử Trung Quốc dùng thơ phú để tuyển chọn kẻ sĩ, tức trọng thơ phú hơn kinh thuật, lấy việc khảo thí thơ phú làm nội dung chủ đạo dẫn đến những cuộc tranh đấu giữa hai nội dung kinh thuật và từ chương. Triều Đường có đặt khoa thi Minh Kinh (hiểu biết kinh điển nho gia) song trong cái nhìn xã hội, sự trọng thị vẫn dành cho tiến sĩ là những người có tài văn chương (熊庆年, tr.8).
Về nguyên nhân của việc đời Đường đề cao thơ phú trong kỳ thi tiến sĩ, có nhà nghiên cứu lý giải : “Các vấn đề chính sách thi hành trong các triều đại Đường và Tống là những phương tiện để gửi gắm các vấn đề về thiết chế, chính trị, văn hóa, đôi khi bao gồm cả những ý kiến phi chính thống và người ta khen ngợi xu hướng thiên trọng văn chương hướng về thơ, phú trong các kỳ thi ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thiên trọng ở thời Đường cho các vấn đề thơ ca và hình thức văn học trong chương trình thi tiến sĩ sau năm 681 phản ánh sự thay đổi quan trọng : sự nhấn mạnh vào thơ phú và văn hóa trong giới quý tộc tinh hoa đời Đường, những người bất mãn với chuẩn mực của kinh học được qui định trong kỳ thi minh kinh. Các bài văn sách vẫn rất quan trọng ở thời Đường và còn có cả những kỳ thi chuyên biệt (chư khoa) về luật, toán, cổ ngữ, lễ, Đạo giáo, lịch sử, song năng lực của sĩ tử viết được các thể văn khác nhau nhanh chóng trở thành báu vật văn hóa mà giới trí thức thời Đường tìm kiếm”. (Benjamin A. Elman , 2000, tr. 9-10). Nhưng theo Hùng Khánh Niên, sở dĩ sĩ đời Đường đa phần coi trọng khoa thi Tiến sĩ hơn khoa Minh kinh vì những người đỗ Minh kinh chỉ được tuyển bạt làm quan lại cấp châu quận; thêm nữa, vào những thời điểm gặp khó khăn về kinh tế, như hồi loạn An Sử, năm 757, quốc khố trống rỗng, triều đình bất đắc dĩ phải cho phép nộp tiền để được công nhận minh kinh xuất thân, nhưng đối với khoa Tiến sĩ, không có việc đó (熊庆年, tr. 8).
Tuy nhiên, ngay từ đời Đường, đã diễn ra những cuộc tranh luận không ngớt về khuynh hướng kinh thuật hay từ chương trong khoa cử. Thời Thịnh Đường, Đường Huyền Tông là thời kỳ coi trọng việc dùng văn chương tuyển kẻ sĩ, khoa thi tiến sĩ còn gọi là 词科“từ khoa”. Năm 674, Lưu Hiểu dâng sớ nói : Bộ Lễ lấy kẻ sĩ, chuyên dùng văn chương phân biệt thứ hạng, nên kẻ sĩ trong thiên hạ đều bỏ đức hạnh mà chạy theo văn nghệ, có kẻ sáng đăng giáp khoa mà chiều rơi vào chỗ hình tội, tuy hàng ngày tụng vạn ngôn mà có quan hệ gì với lý thể, bảy bước thành văn mà chưa đủ giáo hóa mọi người. Huống tận tâm ở chốn cây cỏ, cực bút ở chốn mấy ráng, đến mức thành tục, há có phải là nói bậy ư. Ôi con người mà chuộng danh, như nước chảy xuôi, lên trên thì tốt, xuống thấp là hỏng. Bệ hạ thủ sĩ lấy đức hạnh làm đầu, văn nghệ là ngọn, tất nhiều kẻ sĩ nô nức, bốn phương phong động” (chuyển dẫn theo 刘海峰, tr. 7). Đã có một sự hòa giải bằng cách áp dụng cả nội dung thi Minh kinh cùng với thi Tiến sĩ ngay năm 752.
Đầu đời Tống, tiếp tục tranh luận giữa hai phái kinh thuật và văn học. Đại biểu cho phái kinh thuật có Phạm Trọng Yêm, Tư Mã Quang, Vương An Thạch, đại biểu phái văn học có Âu Dương Tu, Tô Thức. Phạm Trọng Yêm “Khoa thi lấy tiến sĩ, dựa theo các đời thịnh trị, xin tấu: tiến sĩ trước thi sách luận sau thi thơ phú, ngoài các khoa mặc nghĩa đã thông kinh điển, khiến cho người không chuyên từ tháo, tất phải sáng rõ đạo lý, tất việc giảng học trong thiên hạ hưng thịnh, kẻ phù bạc biết là phải cố gắng, đó là điều hết sức trọng yếu” (chuyển dẫn theo刘海峰, tr. 8). Vương An Thạch đề nghị cải cách văn thể, bãi bỏ các hạng mục khảo thí như thơ, phú, thiếp kinh, mặc nghĩa, yêu cầu các sĩ tử mỗi người chuyên trị một kinh trong số các kinh Dịch, Thi, Thư, Chu Lễ, Lễ Ký, kiêm luyện tập Luận ngữ, Mạnh Tử. Cuộc cải cách về nội dung và phương pháp khảo thí này đề cao tác dụng của kinh nghĩa, sách, luận trong việc tuyển chọn kẻ sĩ. Khảo thí được phân làm tứ trường: trường 1) hỏi 10 điều về đại kinh, đại nghĩa; trường 2) kiêm cả kinh và đại nghĩa mười điều; trường 3) một bài luận; trường 4) văn sách hỏi ba điều. Vào điện thí chuyên dùng văn sách. Cuốn Tam kinh tân nghĩa do Vương An Thạch biên soạn được triều đình dùng làm tài liệu học tập và đáp án tiêu chuẩn (刘海峰, tr. 9). Tư Mã Quang tiếp tục duy trì quan điểm tương đồng với Vương An Thạch về tiêu chuẩn thi chọn kẻ sĩ. Ông viết : “Đường lối thủ sĩ tất trước tiên phải dựa vào đức hạnh, sau đó mới đến văn học. Nói đến văn học thì kinh thuật tất đi trước từ chương”[3]. Lối văn kinh nghĩa của Vương An Thạch đặt nền tảng cho lối văn bát cổ là lối văn nặng về thử thách, gò bó, hạn chế năng lực sáng tạo của thí sinh.
Năm đầu niên hiệu Nguyên Hữu (1086), khi vừa lên ngôi, Tống Triết Tông lại chủ trương cân bằng giữa kinh thuật và văn chương, lập hai khoa Kinh nghĩa và Từ phú. Năm Nguyên Hữu thứ 2 (1087) thay đổi phép thi, khôi phục vị trí của thơ phú theo đó, khoa Tiến sĩ có bốn trường: trường 1) hỏi hai đề về kinh nghĩa chuyên về một kinh, Luận ngữ và Mạnh Tử mỗi sách hỏi một đề; trường 2) thi thơ phú kiêm luật thơ mỗi môn một đề ; trường 3) một đề viết luận; trường 4) thi hai đề về chư tử, sử, thời vụ sách. Theo một bản tấu của Trung Thư tỉnh năm Nguyên Hữu thứ 8 (1093), sĩ tử phần đông luyện tập thi phú, trong số hơn hai ngàn một trăm Thái học sinh, chỉ có 82 người không kiêm thơ phú. Vua hạ chiếu năm sau vào Ngự thí, những người luyện tập thơ phú thi ba đề, những người chuyên trị kinh điển thi bài sách luận (刘海峰, tr.9). Như vậy, không phải chỉ ở các kỳ thi cấp tỉnh mà cả điện thí, thơ phú, văn học là một nội dung thi quan trọng. Tuy nhiên, chủ trương của nhà Tống về khoa cử diễn biến khá phức tạp: đến 1094, lại hạ chiếu thi tiến sĩ bãi bỏ thơ phú, chuyên tập kinh nghĩa, vào Đình đối, thi sách.
Sang đời Nguyên, những ảnh hưởng của Lý học Tống Nho bắt đầu thấy rõ trong chính sách khoa cử. Năm 1313, lấy nghị luận kinh nghĩa làm nội dung khảo thí chính. Nguyên Nhân Tông tiếp thu kiến nghị của các đại thần về việc “dĩ kinh thủ sĩ”, đã xác định mục đích khảo thí là để tuyển bạt kẻ sĩ “minh kinh tu thân” nên thiết lập khoa thi “đức hạnh minh kinh”, nội dung khảo thí chủ yếu là tri thức về kinh nghĩa, có bao gồm cổ phú, các thể văn ứng dụng như chiếu, cáo, biểu. Từ đây đến cuối đời Thanh, khoa cử đều lấy kinh nghĩa làm nội dung khảo thí chủ yếu.
Qua các đời Tống, Nguyên, thể chế khoa cử đã định hình thành quy phạm nhưng đến đời Minh, triều đình đã có cái nhìn phê phán khoa cử từ Hán đến Đường, Tống vì tình trạng thiên về văn chương. Chu Nguyên Chương, năm thứ 3 niên hiệu Hồng Vũ (1370) nói trong chiếu thư “Từ các đời Hán, Đường đến Tống, việc chọn kẻ sĩ đều có định chế nhưng quý trọng văn học mà không truy cầu sự toàn diện của đức nghệ…Bắt đầu từ tháng 8 năm nay, thiết lập nền khoa cử cốt nhằm lấy những người hiểu biết kinh điển, tu dưỡng đức hạnh, uyên bác việc cổ kim, danh và thực tương xứng” (chuyển dẫn theo 柴志明, tr. 149). Năm thứ 12 niên hiệu Vĩnh Lạc (1413), Minh Thành Tổ sai tu soạn Tứ thư đại toàn, Ngũ Kinh đại toàn phố, Tính lý đại toàn ban hành rộng rãi tiếp tục khẳng định chủ trương đó. Tuy nhiên, Minh Thái Tổ và những người nối nghiệp chỉ lấy thể văn bát cổ bó buộc tài năng sáng tạo của sĩ tử vào một thể tài cứng nhắc. Thể văn bát cổ là một thể tài văn chương trong khảo thí khoa cử thời Minh-Thanh. Để trang trọng, người ta gọi đây là loại “chế văn” hay “chế nghệ” ý nói văn chương phụng mệnh sáng tác; còn nói sự thực, người ta dùng tên gọi “thời văn”, “thời nghệ”, với ý nói thứ văn ứng tác, đối phó với khảo thí, không dùng bên ngoài trường thi, khó mà lưu truyền hậu thế. Vương An Thạch đã từng đề nghị phế bỏ thi thơ phú, chỉ dùng kinh nghĩa khảo sát người ứng thí. Nội dung thể văn bát cổ xác định, về hình thức phải tuân thủ khuôn phép. Thí sinh phải đứng trên quan điểm nho gia để giải thích ý nghĩa của Tứ thư, phải dựa trên Tứ thư tập chú của Chu Hy, Lý học gia thời Tống. Đồng thời phải mô phỏng khẩu khí của thánh hiền cổ đại để hành văn (熊庆年, tr. 76). Thể văn bát cổ gò bó, công thức, không có tính sáng tạo. Cố Viêm Võ (1613-1682) phê phán thể văn bát cổ : “Cái hại của văn bát cổ ngang với việc đốt sách chôn nho; làm bại hoại nhân tài như chôn người ở Hàm Dương” (chuyển dẫn theo柴志明, tr. 150).
- 2. Khoa cử tại Việt Nam
Khoa cử tại Việt Nam phản ánh sự vận động của tư tưởng chính trị và văn hóa Việt Nam thời trung đại. Ở đây chúng tôi chỉ bàn đến quan hệ giữa kinh thuật và từ chương.
Trong các khoa thi đầu tiên diễn ra vào đời Lý, nhà nước phong kiến chủ yếu dùng khoa cử để truyền bá, phổ biến Nho giáo. Theo Lịch triều hiến chương loại chi –Khoa mục chí, năm 1075 thi Minh kinh bác sĩ tức là tìm những người học rộng về kinh điển Nho giáo và thi Nho học tam trường. Các tài liệu lịch sử còn lại ghi chép chung chung, không cho biết rõ tam trường thi những nội dung cụ thể nào. Năm 1086 thi người có văn học, nhưng khái niệm văn học như đã nói, hoàn toàn không đồng nghĩa với văn học hay từ chương. Năm 1185, thi chọn người thông Kinh Thi, Kinh Thư thì liên quan đến kinh thuật. Điều này có thể hiểu được: giới văn học ở Đại Việt hồi đó chưa lớn mạnh và đông đảo. Thi tam giáo ở các năm 1195, 1227 phản ánh tư tưởng của triều đại Lý-Trần tranh thủ các giới trí thức cả ba giáo trong khi vẫn tiếp tục truyền bá Nho giáo ngày một sâu rộng bằng các khoa thi. Đến đời Trần, vào năm 1305, đã xuất hiện kỳ thi bốn trường mô phỏng thể thức thi thời Tống-Nguyên trong đó kết hợp cả luận thuật kinh điển và từ chương: trường 1 thi Kinh nghĩa (và Kinh nghi), trường 2 thi thơ cổ thể ngũ ngôn trường thiên lấy bốn chữ tài, nan, xạ, trĩ làm vần; phú dùng thể 8 vần; trường 3: thi chiếu, chế, biểu; trường 4 : thi văn sách (Phan Huy Chú, tr. 10-11). Có thể nói, bắt đầu từ khoa thi này, dù có những biến động nhất định, song thể thức thi tứ trường kết hợp kinh thuật và từ chương là xu thế chính. Khoa thi 1396 theo thể thức nhà Nguyên, phép thi bắt đầu chặt chẽ, hạn định số chữ của mỗi thể văn, ví dụ như bài kinh nghĩa từ 500 chữ trở lên, trường nhì thi một bài thơ Đường luật, bài phú dùng cổ thể, hoặc thể ly tao, văn tuyển, hạn định dung lượng từ 500 chữ trở lên; trường ba thi Chiếu, chế, biểu dùng thể tứ lục đời Đường; trường tư thi văn sách, đề hỏi về kinh sử, thời vụ, độ dài từ 1000 chữ trở lên (Phan, tr. 13). Định lệ này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến khoa cử Việt Nam trung đại.
Theo khảo cứu của Nguyễn Thế Long, chọn 7 khoa thi từ đời Trần đến đời Nguyễn, hầu như bốn kỳ thi (trường thi) mỗi khoa đều có sự phối hợp hai nội dung lớn là luận thuật kinh điển và từ chương, trừ khoa 1858.
Năm |
Kỳ 1 | Kỳ 2 | Kỳ 3 | Kỳ 4 | Kỳ 5 |
1396 Trần Thuận Tông |
Kinh nghĩa | Thơ, phú |
Chiếu, chế, Biểu |
Văn sách | |
1406 Hồ Hán Thương | Kinh nghĩa | Thơ, phú | Chiếu, chế biểu | Văn sách | Viết và toán |
1434 Lê Thái Tông | Kinh nghĩa | Chiếu, chế, biểu | Thơ, phú | Văn sách | |
1832 Minh Mệnh | Kinh nghĩa | Thơ, phú | Văn sách | Phúc hạch: 1 bài biểu | |
1850 | Kinh nghĩa | Văn sách | Chiếu, biểu, luật | Thơ, phú | |
1858 Tự Đức | Kinh nghĩa | Chiếu, biểu, luật | Văn sách | ||
1876 Tự Đức | Kinh nghĩa | Thơ, phú | Văn sách | Phúc hạch : một bài chiếu hay biểu |
(Nguyễn Thế Long 1995, tr. 132)
Ở Đàng trong, năm 1674, Khoa thi chúa Nguyễn tổ chức cũng có ba kỳ gồm cả Kinh thuật và văn chương, kỳ 1 làm một bài tứ lục; kỳ 2 thi thơ phú; kỳ 3 thi văn sách. Hồng Đức 1470-1497
Đó là nhìn chung, nói khái quát. Đi vào nghiên cứu chi tiết, thực tế phong phú, phức tạp hơn. Như quan sát của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc chỉ ra, trong các bia tiến sĩ ở Văn Miếu Thăng Long, ít nhất có 6 văn bia các khoa thi năm 1481, 1496, 1502, 1511, 1565, 1646 phê phán Công Tôn Hoằng và Vương An Thạch (Nguyễn Vinh Phúc, tr. 324). Phải chăng trong khoảng thời gian này, khoa cử Việt Nam chưa bị ảnh hưởng bởi chủ trương thiên trọng kinh thuật, đè nén từ chương với lối văn bát cổ phản tiến bộ của Vương An Thạch ? Nhưng chính văn bia do Nguyễn Đôn Phục soạn vào đời Hồng Đức năm thứ 15 (1484) cho khoa thi 1478 ghi nhận việc dùng kinh nghĩa, sách luận để thi tuyển sĩ tử đã được chú ý từ thời Lê Thái Tổ: “Thái tổ Cao Hoàng Đế ngay từ khi sáng lập ra triều ta đã dùng kinh nghĩa, sách luận để thi học trò, khoa mục khởi thủy từ đấy. Thái Tông Văn Hoàng Đế kế nghiệp, mở mang kỷ cương…Nhân Tông Hoàng Đế nối theo phép cũ không dám sơ xuất” (Ngô Đức Thọ, tr. 202). Có lẽ điểm này cần được xác minh thêm bằng nhiều tư liệu khác.
Những biến động trong văn thể ở thế kỷ XVII, tức là sau khi nhà Lê đánh bại nhà Mạc, khôi phục được quyền lực mà nhà nho xưa định danh là Lê Trung hưng, được phản ánh trong các chủ trương nhiều lần được nhắc lại: cần trở lại với văn thể đời Hồng Đức. Năm Chính Hòa thứ 14, 1693, có lệnh trở lại văn thể đời Hồng Đức. “Từ Trung Hưng đến nay những người học hành, chuyên chuộng tầm chương trích cú, văn chương ngày càng thấp kém và dở. Bài trường thiên đến chỗ trực đoạn tất dùng một câu khai giảng. Để chiếu ứng toàn đoạn thì đặt chữ “nhiên”, nhưng ở đầu thì gọi là ‘quá tiếp thể” (thể chuyển tiếp),cứ nhắm mắt mà viết thẳng ra, cho nên thực ra không có cấu tứ gì. Thi, phú, tứ lục đều rập theo thể văn cũ, không ngại trùng lặp. Đến đây mới ra lệnh chấn chỉnh lại: từ nay phép thi nhất thể dùng thể văn đời Hồng Đức. Lúc làm bài thì tùy câu hỏi, cốt dùng ý mình nghĩ mà viết ra,hơi văn hồn nhiên, không được viết trầm theo lời văn cũ [đã thuộc] (Đại Việt sử ký tục biên, tr. 38).
Đến năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751), “Chỉ dụ cho các học quan khôi phục văn thể đời Hồng Đức. Buổi quốc sơ về văn chương hùng hồn chứ không cần cân đối. Cốt nói được điều cốt yếu, đại thể, chứ không phân biệt từng mục nhỏ. Khoảng niên hiệu Thiệu Bình (1434-1439), Hồng Đức (1470-1498), môn kinh nghĩa không câu nệ ở chương nào, như câu “Nhặng xanh kêu vo ve, đậu ở tấm phên”[4] . Sĩ tử nếu không phải là người thông kinh truyện, thì không thể làm được kinh nghĩa. Về môn tứ lục, thơ, phú, khi thì dùng cổ sử, khi thì dùng sách ngoại thư [ngoài kinh điển qui đinh] hoặc dùng chính sự đương thời, ví như những đề ra sau đây : bài chế “Cho Lê Niệm giữ chức Bình Chương”, bài biểu “Về việc Chiêm Thành cống voi” và các đề thơ phú như “Độ nghĩ kiều”, “Nghiễn trì ngưu”, “Ngư phủ nhập đào nguyên”, “Hải đường thụy vị túc” v.v…nếu không phải người giỏi về từ phú thì không thể làm được thơ phú và tứ lục. Văn sách cũng thế. Đầu đời Trung Hưng, một lần biến thành lối văn tầm chương trích cú. Khoảng năm Chính Hòa, Giáp Tuất (1694) bàn khôi phục lại văn thể Hồng Đức. Vũ Thành, Ngô Vi Thực nối nhau chấn chỉnh và chỉ thi ở hai kỳ xuân thu. Những kỳ văn sách thi hội lại khôi phục thể chế cũ. Năm ngoái, kỳ phúc khảo ở bãi Trung sa, Ngô Đình Oánh và Trần Huy Bật ra đề, lại chia ra nhiều mục. Nhữ Đình Toản ghét, xin với Chúa ban dụ chỉ xuống rằng: văn sách cổ hỏi về sự đúng sai của chính thể đại lược, văn sách kim hỏi việc thời sự cơ nghi, các kỳ thi hương, hội, đình đều theo văn thể Hồng Đức” (Đại Việt sử ký tục biên, tr. 220-221). Về hiện tượng này, Phan Huy Chú bình luận như sau “Văn chương thi cử đời Lê, sau khi Trung hưng so với khi mới khai quốc khác nhau rất xa. Trước văn gọn mà ý sâu, đến sau Trung hưng thì văn rườm rà mà ý cạn. Khi trước văn lưu loát mà rộng, đến sau Trung hưng thì văn hẹp hòi mà quê mùa…Ngay như lúc này bàn theo văn thể đời Hồng Đức, mà cũng chỉ thi hành được hai khoa, rồi sau lại chia mục từng chương, ra đề lại y như thói cũ. Đến cuối đời Cảnh Hưng, càng tủn mủn tìm tòi, chương cú vụn vặt, không còn chút khí cách hùng hồn nữa. Ôi đổi suy ra thịnh, đổi kiêu bạc ra thuần hậu, thật có quan hệ đến vận đời, muốn một phen chấn tác, có lẽ cần phải đợi chăng” (Phan Huy Chú, tr. 33). Ông còn dẫn lời khải lên chúa Trịnh của Ngô Thì Sĩ : “Văn chương quan hệ thế đạo, mà muốn cầu người tài giỏi phải lấy giáo hóa làm đầu. Bản triều ở đời Hồng Đức, phép dạy phép thi cũng chỉ có kinh nghĩa, lấy nghĩa tùy ý đặt lời, nếu không phải là người học rộng hiểu sâu thì không làm nổi; tứ lục dùng cả cổ thể và công việc bản triều; thơ phú thì hoặc theo lối Ly tao, hoặc theo lối văn tuyển, không cứ thể cách ngũ ngôn hay thất ngôn, lối bát vận của Lý Bạch, hay lối liên châu, có khi dùng sử truyện và sách ngoài, cùng tả cảnh, nếu không xem rộng chư tử và các sử, và không có văn nghệ dồi dào, cũng không làm được” (Phan Huy Chú, tr. 33-34).
Để đánh giá đúng các ý kiến nói trên của người xưa thực ra chúng ta cần có nhiều tư liệu để so sánh văn thể Hồng Đức với văn thể sau Trung hưng, một nhiệm vụ lớn, phức tạp không thể giải quyết ngay trong bài này. Điều khó khăn mà thú vị của người đọc hiện đại là tìm ra mạch ngầm ẩn dưới những diễn ngôn phê phán văn chương từ sau Trung hưng và yêu cầu phục hồi lại văn thể đời Hồng Đức. Có hiểu được diễn ngôn này thì mới hiểu được ý kiến của Lê Quý Đôn và hiểu được không gian văn hóa nửa cuối thế kỷ XVIII.
Việc lấy mốc Lê Trung hưng để đánh giá phê phán văn thể khoa cử, việc lấy văn thể thời Hồng Đức làm chuẩn mực là thực tế suy nghĩ phổ biến không chỉ trong văn bản chính thức mang tính quan phương như lời khải của Ngô Thì Sĩ, lời bình luận của sử gia như Phan Huy Chú mà cả của các văn nhân thi sĩ viết với tư cách cá nhân. Phạm Đình Hổ viết trong Vũ trung tùy bút “Từ đời Lê Trung hưng trở về sau, văn thể càng ngày càng kém…Khoảng đời Minh Đức, Đại Chính khí thế càng ngày càng kém. Những kẻ tao nhân văn sĩ đều đua nhau theo lối văn phù phiếm, so với đời Tiền Lê, lại càng kém lắm. Song thói học còn chưa đến nỗi hủ lậu, nên học vấn, văn chương, chính sự , công nghiệp, cũng không đến kém cổ nhân mấy. Đến đời Lê Trung hưng thì cái danh nghĩa khôi phục, tuy chính đáng thật, nhưng quyền về Trịnh súy phủ. Những người thân sĩ Thanh Nghệ phần nhiều được giữ vị trí trọng yếu; phong thanh, khí tập có khác với thói khoan hòa, giản dị đất Tứ Tuyên. Vả lại cái đức chính của đời Minh Đức, Đại Chính nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên vận trời đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết. Những nhà nho đời bấy giờ còn nhiều người còn nhiều người còn náu hình giấu bóng không chịu ra. Còn những kẻ ra ứng dụng cho đời thì phần nhiều là những phường hủ lậu, ít người tài giỏi. Học trò Thanh Nghệ trải qua buổi loạn lạc, không được học mấy; khi ra làm quan, chiếm được địa vị trọng yếu coi giữ việc công, chỉ làm theo ý riêng của mình, muốn thắng cả tiền nhân. Những khi giảng học và mở khoa thi, phàm những đại nghĩa kinh truyện và nguồn gốc trị loạn từ xưa tới nay, điều hay điều dở không mấy người để ý khảo sát cho tinh, chỉ chuyên học những bài chú thích, những bài nghị luận của các bậc hậu nho và nhặt lấy những câu đầu đề hiểm hóc để ra văn cho hay. Những kẻ chuộng công danh lúc bấy giờ chỉ theo đòi hóng gió, tập làm lối văn chương hoa hòe, chứ không có căn bản gì cả…Học tập như thế mà mong làm những việc kinh bang tế thế thì sao được” (Phạm Đình Hổ , tr. 176-178).
Về nội dung thi, Phạm Đình Hổ viết trong bài Phép thi : “Từ đời Lê Trung Hưng trở về sau, thi Đình thi bài chế sách, thi Hội, thi Hương cũng toàn thi văn chương cả” (Phạm Đình Hổ , tr. 179). Về thể văn bát cổ, Phạm Đình Hổ phản đối ý kiến Lê Quý Đôn (Lê Quý Đôn nói trong Kiến văn tiểu lục rằng lối văn bát cổ không có quan thiết gì đến trị thế). “Lối văn bát cổ tuy không có quan hệ gì đến phép trị nước, nhưng tập làm được lối văn ấy, nếu không phải là người học quán xuyến cả kinh truyện, thì không thể hạ bút mà viết được” (Phạm Đình Hổ, tr. 181).
Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục tranh luận với quan điểm chủ trương dùng văn bát cổ đương thời: “Gần đây, có người nói văn bát cổ ở Trung Quốc mới mẻ, sắc sảo, trang nhã, dồi dào, quan Tham tụng Nguyễn Công Hãng muốn dùng thể văn ấy để thi lấy sĩ tử. Tôi thiết nghĩ như thế là không đúng. Bởi vì đặt ra khoa cử, tuy có thi, từ, phú, sách, luận, thể thì văn hoa, thể thì chất thực, thể chế khác nhau, nhưng tóm lại, chỉ là dùng lời nói suông để chọn người, mà người ta cũng dùng lời nói suông ứng đối lại, thực ra thì đến khi thi thố ra việc làm, vẫn không phải ở những điều ấy, vả lại căn cứ vào mấy bài thi nơi trường ốc, chỉ biết sơ lược đại khái, làm gì mà có thể xem xét hết được nhân tài ? …Vậy khoa điều cử nghiệp cần phải bớt đi, trình thức cần phải giản dị, thì sĩ tử không phân tán chí ý, mà việc học được chuyên mà văn từ mới có thể khả quan, nhân tài không đến nỗi bỏ sót. Nếu không thế thì không tránh được mối lo như người đi nhiều đường tìm dê mà dê vẫn bị mất. Nhà Tống chia kinh nghĩa và thơ phú làm hai khoa, cho sĩ tử được tùy ý làm bài thi, quan trường đều phân biệt phê duyệt lấy đỗ; phép thi triều nhà Minh, nhà Thanh, chỉ có kinh nghĩa, phú, văn sách và bài luận, chia làm ba kỳ, sĩ tử đều được làm cả các bài, quan trường duyệt cả các bài mới định được thủ xả. Nay phép thi của bản triều, kỳ đầu thi kinh nghĩa, kỳ hai thi chiếu, chế và biểu, kỳ ba thi thơ phú, kỳ bốn thi văn sách. Bốn kỳ được hợp cách mới là trúng tuyển, mỗi kỳ một lần duyệt, đã sàng sảy đi rồi, nếu lại thay bằng văn bát cổ thi vào kỳ đầu, để hạn chế bó buộc sĩ tử, thì còn được mấy người dự tuyển nữa. Sáo văn kinh nghĩa thật là vụng về quê kệch không có văn chương, cốt yếu đều theo ý nghĩa ông Trình, ông Chu, bắt người ta phải học thuộc lòng những bài truyện chú, rồi xén bớt biến hóa đi cho hợp với thể cách, đã là khó rồi, nhưng cứ như thế cũng có thể biết được người thông suốt tinh tường nghĩa sách, việc gì phải dùng thể thức mới nữa” (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, 104-105).
Tổng hợp lại, có thể xác định hai tư tưởng có liên hệ chặt chẽ với nhau ngầm ẩn sau các diễn ngôn phê phán văn thể hậu Lê Trung hưng và yêu cầu khôi phục lại văn thể thời Hồng Đức. Tư tưởng thứ nhất là mượn thực trạng khoa cử với rất nhiều tệ lậu, không phải chỉ ở phạm vi văn thể với sự lợi hay hại của văn bát cổ mà trong nhiều lĩnh vực khác như vấn đề đề thi, vấn đề mua bán danh vị, việc thu tiền “thông kinh”… để phê phán chính trị từ sau Lê Trung hưng, thời kỳ kéo dài từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thập niên tám mươi của thế kỷ XVIII-thời kỳ các chúa Trịnh tiếm quyền vua Lê, biến vua Lê thành bù nhìn, ngai vàng vua Lê thành hư vị. Khoa cử có quan hệ mật thiết với chính trị. Giáo dục của đạo Nho coi trọng nhất ở lòng trung quân, nhưng chính người lãnh đạo tối cao, nắm thực quyền là các chúa Trịnh từ sau đời Lê Trung hưng cậy công lao đánh bại “ngụy Mạc”, dấy nền trung hưng, đã nắm thực quyền, chà đạp lên danh giáo. Chúa Trịnh công nhiên ra đề thi trong kỳ thi Đình, một công việc mà các hoàng đế trước đây thường làm. Danh phận, lễ nghĩa bị vùi dập. Vậy thì luận kinh nghĩa để làm gì, và ai dám bàn trực diện về đạo trung hiếu nữa đây. Văn chương khoa cử cuối cùng né tránh những vấn đề bức thiết của thời vụ, sa vào hoa hòe, tầm chương trích cú, sa vào nội dung trống rỗng, không cơ bản[5]-thực trạng đáng phê phán đó của khoa cử mà rất nhiều diễn ngôn về khoa cử của người đương thời thực ra chỉ là bề nổi của một thực trạng khác đáng phê phán hơn mà các nhà nho bàn về khoa cử không tiện, không dám nói ra nhưng muốn gửi gắm. Tư tưởng thứ hai là cần khôi phục lại trật tự đạo đức Nho giáo đã bị phá vỡ sau Lê Trung hưng, mà việc khôi phục văn thể đời Hồng Đức chỉ là hình thức diễn ngôn, là phương tiện gửi gắm. Ở trên chúng tôi đã lưu ý đến một số văn bia tiến sĩ đời Hồng Đức và sau đó ở thế kỷ XVI khẳng định nguyên tắc chọn kẻ sĩ tiên đức hạnh, hậu văn chương, nguyên tắc đã được chính Vương An Thạch nhà Tống đề cao. Có thể nói, luận điểm trở lại văn thể đời Hồng Đức được phát biểu là cách gián tiếp phê phán tình trạng “lưỡng đầu chế” của xã hội Việt Nam kể từ sau Lê Trung Hưng. Cải cách văn thể có liên quan mật thiết đến thay đổi chính trị chứ không chỉ thuần túy dừng lại ở văn thể.
- Quan điểm văn của Lê Quý Đôn
Đến đây thì chúng ta có thể nhận ra Lê Quý Đôn muốn đối thoại với ai, với quan điểm nào khi ông viết thiên Văn nghệ trong Vân Đài loại ngữ. Những người trước và đương thời với Lê Quý Đôn chủ trương trở lại văn thể Hồng Đức như đã phân tích trên đây đã tách rời “văn” và “đức” (như ngày nay gọi là văn và người), điều mà theo Lê Quý Đôn, không thể làm được. Văn và đức là hai mặt của một bản chất không tách rời. Ông muốn trình bày có lý luận, bài bản nhất mối quan hệ này, điều mà hầu như chưa có một nhà nho nào làm được trong lịch sử Việt Nam trung đại.
- 2.1. Lý luận về quan hệ giữa văn và đức
Mục đích của khoa cử thời cổ, trung đại là tuyển chọn nhân tài cho hệ thống chính quyền nhà nước. Nhưng tài năng là một cái gì trừu tượng, mơ hồ, không nhìn thấy được. Một câu hỏi tất yếu đã được đặt ra từ thời cổ đại : căn cứ vào cái gì để đo đếm được tài năng của một con người ? Các nhà tư tưởng cổ đại đã đề cập đến mối quan hệ giữa năng lực biểu đạt ngôn từ với tài năng. Khổng Tử đã nói đến các cặp quan hệ “đức” và “ngôn”, “chất” và “văn”. Hình thức cao nhất của năng lực ngôn từ chính là thi ca. Ông nhắc nhở học trò “Bất học thi vô dĩ ngôn (Không học Kinh Thi lấy gì để nói). Thiên Nghiêu điển (Thượng Thư) khẳng định ngắn gọn “Thi ngôn chí”, Trịnh Huyền chú “Thi sở dĩ ngôn nhân chi chí ý dã” (Thơ nói ý chí của con người). Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu Chu Tự Thanh, “chí” là “hoài bão”, điều ôm ấp trong lòng. Người có tài năng, khát vọng chính trị phải dùng thi ca để biểu lộ hoài bão- điều ấp ủ trong lòng. Thời cổ đại, theo khảo cứu của Chu Tự Thanh, có nhiều cách thực hành chức năng, công dụng của thi như “hiến thi trần chí”, “phú thi ngôn chí”, “giáo thi minh chí”, “tác thi ngôn chí”…
Khái quát lý thuyết về mối quan hệ giữa văn và đức, thiên Nguyên đạo của Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp viết: “Con rồng, con phượng có vẩy, có lông để phô bày sự rực rỡ, con hổ con báo có vằn có đốm để ngưng tụ vẻ ly kỳ. Mây ráng có sắc màu như họa công vẽ tranh. Cây cỏ tươi hoa lá như Chức nữ dệt gấm. Mọi thứ đều có vẻ ngoài trang sức, đó cũng là tự nhiên. Đến như gió thổi trong rừng như đàn cầm đán sắt, suối reo trên đá như tiếng khánh tiếng chuông. Cho nên có hình thì thành chương, thanh phát thì thành văn vậy. Các vật vô tri vô giác mà cũng tự nhiên có văn. Huống hồ con người có tâm lại không có văn hay sao ?” (Lưu Hiệp, tr. 49). Vũ trụ luận cổ đại mà Lưu Hiệp cũng như Lê Quý Đôn trình bày đều chú ý đến tính phổ quát của “văn” như là một phương thức biểu đạt một phẩm chất nội tại. Lưu Hiệp kết thúc thiên Nguyên đạo “Kể từ Phục Hy truyền đến Khổng Tử, các huyền thánh sáng tạo khuôn mẫu, bậc Tố Vương thuật giảng giáo huấn, tất thảy đều do đạo tâm mà phô bày, từ thần lý mà thiết giáo, tìm tượng hình ở Hà Đồ, Lạc Thư, hỏi vận số ở cỏ thi mai rùa. Xem văn của trời mà suy thấu lẽ biến chuyển, xét văn của người mà giáo hóa thành công; nhờ đó mà kinh luân được quốc gia, chỉnh lý được pháp độ, làm vẻ vang cho sự nghiệp, làm giàu đẹp cho văn từ. Mới hay: Đạo nhờ thánh nhân mà truyền văn, thánh nhân nhờ văn mà minh đạo, nơi nơi thông suốt mà không trì trệ, ngày ngày sử dụng mà không thiếu hao. Kinh Dịch nói rằng, “Lời nói sở dĩ có thể cổ vũ được thiên hạ, đó là văn của đạo vậy” (Lưu Hiệp, tr. 49-50). Văn tâm điêu long chỉ rõ, văn trước hết là thứ văn học chức năng có khả năng làm rõ tư tưởng thánh hiền (trưng thánh) và làm sáng tỏ lục kinh (tông kinh). Ông viết “Theo cách chọn người bằng cửu năng thì việc chính trị và từ hàn (từ chương) là một thể” “những người nào cho văn chương là cành, là lá thì thật chưa biết điều đó” (Lê Quý Đôn b, tr. 96).
- 2.2. Chủ trương rèn tập từ chương văn học :
Sau khi lập luận về mối quan hệ gắn bó, không thể tách rời giữa văn và đức, Lê Quý Đôn mượn quyền uy phát ngôn của cổ nhân, trình bày các mẫu mực văn chương ở các thời theo quan điểm của ông, như muốn chống lại lối văn mẫu, lối văn trường ốc bán tràn lan đương thời, khiến sĩ tử ai nấy đều mua, học thuộc lòng, một xu hướng rất có hại tư duy và thực học của sĩ tử. Đây là một quan điểm khai phóng, mở rộng phạm vi đọc, học hỏi của sĩ tử, văn nhân, không chỉ gói gọn trong phạm vi Tứ thư, Ngũ kinh. Các sách được ông liệt kê có : Trang Tử, Hoài Nam Tử, Sử ký, Tả truyện, Sở từ, Quốc ngữ, Tam quốc chí…Ông dẫn các lời bàn của cổ nhân về nghệ thuật đọc sách, nghệ thuật viết. Ông dường như muốn giới thiệu cho giới sĩ tử các thể văn mẫu mực cần đọc “Văn nghị luận thì phải lấy sách của Đổng Trọng Thư và Lưu Hướng làm chủ. Ông dẫn Văn tâm điêu long bàn về các loại tác phẩm mẫu mực thực sự : “Sách Văn tâm điêu long chép : Luận thuyết, từ, tự thì Kinh Dịch làm đầu. Chiếu sách chương tấu thì Kinh Thư khởi nguồn. Phú tụng ca tán thì Kinh Thi dựng thể cách. Minh, châm, lụy, chúc thì Kinh Lễ mở mối. Ký, truyện, di, hịch thì Kinh Xuân Thu làm gốc. Tăng Nam Phong nói “Văn chương nguồn gốc ở Lục Kinh, thật đã thấy rõ điều đó ở đây” (Lê Quý Đôn b, tr. 103). “Chu tử nói : “Người nào muốn biết làm văn phải đọc văn của bộ Tây Hán, văn của Âu Dương Tu, văn của Nam Phong và văn của Hàn Dũ”. Ông dẫn nhiều lời bàn của Âu Dương Tu, ví dụ, “Văn chương thánh nhân mượn đó để diễn đạt tới chỗ lòng mình muốn nói, đã đạt tới thì thôi, đã cùng lý thì thôi, không phải cố ý đề cao nó, hay hạ thấp nó, hay làm tỏ tường nó, hay làm giản lược nó. Cho nên chỗ đồng nhau hay khác nhau về văn chương là do ở khí cách cao hay thấp, ở ý tứ cạn hay sâu, chứ không phải ở việc cắt phân chương cú, phế bỏ thanh vận” (Lê Quý Đôn b, tr. 106). Ông dẫn các lời bàn của cổ nhân, bàn rất sâu về các thể loại, đặc biệt là thơ hay.
Về bản chất cái hay, cái đẹp của văn chương, ông đặc biệt đề cao sự chân thực, điều thường rất thiếu trong thức văn chương nói chí, kể cả văn khoa cử, khi kẻ sĩ có điều chất chứa trong lòng thì không nói ra, điều nói ra lại giả tạo. Ông viết “Tư Mã Thiên và Ban Cố chỉ căn cứ vào sự thật mà chép, vốn không có ý làm văn chương, cho nên văn hay. Đầu đời nhà Tống thì có ý lấy việc tu chỉnh bộ sử làm văn chương, cho nên văn không hay”. Không chỉ sự thật khách quan mà cả sự chân thật từ trong tâm của kẻ làm văn chính là những yếu tố quyết định cái hay của văn chương. “Thơ khởi phát tự lòng người. Ba trăm thiên trong Kinh Thi phần nhiều xuất phát từ điền phu, khuê phụ mà các văn sĩ đời sau không thể theo kịp được, là vì nó chân thành. Những bài ca, bài hành trong Nhạc phủ đời nhà Hán, nhà Ngụy còn có ý vị đời xưa. Từ đấy trở về sau, thơ bị thanh luật bó buộc, bị âm vận giới hạn, người có tài thường lo về phóng túng, kẻ bất tài thường khổ về câu nệ mà những gì phát tự cõi lòng đều không chân thật” (Lê Quý Đôn b, tr. 124). Bản chất vấn đề không phải ở cải cách văn thể mà ở sự chân thực trong tâm của người viết.
Lê Quý Đôn cân bằng giữa từ chương và kinh thuật nhưng về kinh thuật, ông lưu ý đến cách học “Cuối đời Nam Tống, người học Lục kinh không đọc bổn văn và phần truyện, phần chú của các nhà nho đời trước, chỉ lấy những bài văn trúng tuyển trong khoa cử đời gần đây đọc lên bắt chước theo. Chọn lấy những câu có thể làm đề mục trong kinh rồi đem ý nắn nót làm càn lấy chủ trương. Đó là điều mà ông Khảo Đình (Chu Hy) phải than thở và là cái tệ hại thông thường của hậu lai. Chọn kẻ sĩ lại không chuyên thực hành, giảng học lại không chuyên kinh thuật thì không thể ngăn cấm việc phù phiếm khô khan rối loạn được” (Lê Quý Đôn b, tr 113-114).
Cách tiếp cận của ông đối với các kinh điển Nho giáo rất khác, rất ít thấy ở các nhà nho khác thời trung đại : ông nhấn mạnh đến khía cạnh điển phạm về từ chương, văn thể của Ngũ Kinh như để lưu ý cho kẻ học, người đi thi cần học tập những gì ở các kinh điển đó. Ông nhất quán với bản thân mình, không khi nào tách rời văn và đạo. Luận thuật kinh điển và nắm vững chính nghệ thuật từ chương của kinh điển là một điểm mới rất đáng ghi nhận ở tư tưởng Lê Quý Đôn.
Không phải ngẫu nhiên, Hoàng Việt văn hải (Lê Quý Đôn biên tập) và Hoàng Việt văn tuyển (Bùi Huy Bích biên tập) chỉ chọn các thể loại chức năng như phú, hịch, cáo, chiếu, chế, biểu mà không quan tâm đến các tác phẩm văn xuôi có cốt truyện. Phải chăng các vị muốn giới thiệu cho kẻ sĩ đương thời những mẫu mực thơ văn nên học theo ?
Kết luận
Lịch sử khoa cử và các diễn ngôn về khoa cử không thể xem xét tách rời lịch sử chính trị và văn hóa xã hội của đất nước.
Lê Quý Đôn đối thoại lại với chủ trương khôi phục văn thể Hồng Đức, một chủ trương tách rời “văn” và “đạo”, đạo trước mà văn sau. Ông chủ trương một quan điểm “biện chứng” cả về lý thuyết và thực tiễn, theo đó văn và đạo không thể tách bạch được; ông phê phán, tranh luận với quan điểm nhị nguyên luận, hoặc A hoặc B. Lê Quý Đôn có lẽ là nhà “giải cấu trúc” sớm nhất trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Viết phần Văn nghệ trong Vân Đài loại ngữ, nhà bác học không chỉ khẳng định tầm quan trọng của văn đối với việc đánh giá lựa chọn con người và đối với việc thực hành sống, thực hành chính trị của kẻ sĩ đã đỗ đạt, ông còn lần đầu tiên cố gắng giảng thuật những nhân tố làm cho văn chương hay, tức là thực hành từ chương học, không bàn suông về đạo lý, về thời chính như khá nhiều nhà nho quan tâm đến xã hội Việt Nam sau Trung hưng. Lê Quý Đôn thuộc số hiếm mẫu nhà nho quan tâm đến không chỉ nội dung giáo huấn mà cả giá trị văn học của kinh điển Nho giáo. Những người được đào tạo để tham gia vào bộ máy chính quyền cần nắm vững đồng thời cả kiến thức kinh điển Nho giáo và có năng lực biểu đạt kinh điển một cách văn chương, tức là phải nói và viết hay, đẹp. Quan điểm này đến ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị. Thực hành từ chương học như Lê Quí Đôn chủ trương có thể là độc đáo không chỉ trong lịch sử khoa cử Việt Nam mà cả ở Trung Quốc, một nhận xét cần tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn.
Tài liệu tham khảo
Trần Thị Kim Anh (2009), Sách văn và kinh nghĩa trong khoa trường Nho học ở nước ta, Tạp chí Hán Nôm, số 2 (93).
Phan Huy Chú (2002) Lịch triều hiến chương loại chí (Bản dịch), tập 2, NXB
Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) (2012), NXB Hồng Đức-Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông-Tây, Bản dịch của Ngô Thế Long-Nguyễn Kim Hưng.
Nguyễn Tuấn Cường (2010), Nghiên cứu Tứ thư ước giải (Lược tả văn bản và giải đọc bài tựa của Lê Quý Đôn) Tạp chí Hán Nôm, số 6 (103).
Vũ Phương Đề (2001) Công dư tiệp ký, NXB Văn học
Lê Quý Đôn a (2006), Vân đài loại ngữ, bản dịch Trần Văn Giáp 1961, NXB Văn hóa –Thông tin tái bản
Lê Quý Đôn b (1995), Vân đài loại ngữ, bản dịch Tạ Quang Phát, tập 2, NXB Văn hóa –Thông tin tái bản.
Phạm Đình Hổ (2001) Vũ trung tùy bút, Nguyễn Hữu Tiến dịch và chú thích, NXB Văn học.
Ngô Thế Long 1995, Nho học ở Việt Nam –giáo dục và thi cử, NXB Giáo dục.
Nguyễn Công Lý (2011), Giáo dục khoa cử và quan chế ở Việt Nam thời phong kiến thời Pháp thuộc, NXB Đại học Quốc gia Thành phố HCM.
Nguyễn Vinh Phúc (2000), Các bia tiến sĩ Văn Miếu Hà Nội đã nói những gì ( in trong Việt Nam học : Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội, NXB Thế giới, 2000)
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch Viện sử học, tập I, NXB Giáo dục.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch Viện sử học, tập II, NXB Giáo dục.
Chu Phát Tăng, Trần Long Đào, Tề Cát Tường (2001), Từ điển lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc, Nguyễn Văn Dương dịch, NXB Trẻ.
Nguyễn Q. Thắng (2005), Khoa cử và giáo dục Việt Nam, in lần 4, NXB Tổng hợp Thành phố HCM.
Benjamin A. Elman (2000), A Cultural History of Civil Examinations in Late Imperial China, University of California Press.
Benjamin A. Elman (2013), Civil Examinations and Meritocracy in Late Imperial China, Harvard University Press.
朱自青, (1998), 朱自青说诗, 上海古籍出版社
熊庆年(1997), 中国古代科举百态, 东方出版中心
林白, 朱梅苏 (2002), 中国科举史话, 江西人民出版社
李元华 (1994), 中国古代科举与 考试, 北京出版社
刘海峰 (2009), 科举制与儒学的传承繁衍, 中国地质大学学報(社会科学版), 第9 卷第一期 2009 年1月.
柴志明 (2004) 试论科举文化熏陶下的明代文人, 浙江大学学报人文社会科学版, 第34 卷第3其2004年5月.
张希清 (1993), 中国科举考试制度, 新华出版社
Bài đã in trên Tạp chí Lý luận phê bình văn học nghệ thuật, số tháng 4/2020
[1] ) Chữ Hán : 文章者立身之大本經世之大務. 唐人言取士必以德行為先文藝為末, 盖為當日書判言耳, 非迪論也. 朱子曰: 言之無文行之不遠, 四教必先之, 以文約禮必先博文, 未嘗指為末事. 論語: 志於道據於德依於仁游於藝, 亦只平面說云不曾分本末. 毛詩傳說九能云 : 建 邦能命龜, 田能施命, 作器能銘, 使能造命, 升高能賦, 師旅能誓, 山川能說, 喪紀能誄, 祭祀能祝. 君子能九者,可謂有德音, 可以為大夫. 周家取士大概 如此, 是可謂為末乎. 大柢發外之英华由於銜中 之和順. 故有德者必有言, 有行者必學. 鳳爛其羽, 豹澤其毛, 修飾蕴依表裏一致. 朱子謂: 威儀之中度,言語之當理, 皆文也. 又云: 教以禮樂射御書數之文, 安有人既從事於此而謂有歉於德行者乎 ? 觀人者正當於此論, 不宜岐視 (Lê Quý Đôn b, tờ 1b, 2a)
[2] ) Khảo thí đời Đường có nhiều khoa mục như thi Tú tài, Minh kinh, Tú sĩ, Minh pháp, Minh tự, Minh toán v.v…Khoa Tiến sĩ đời Đường lấy thơ, phú làm chủ đạo. Khoa thi Minh kinh yêu cầu ứng thí thuộc kinh điển Nho gia và các bản chú sớ có quyền uy. Theo Hùng Khánh Niên, so với khoa Tiến sĩ thì khảo thí Minh kinh có phần dễ dàng hơn vì chủ yếu yêu cầu nhớ tốt, công phu học thuộc. Tuổi trẻ trí nhớ còn mạnh mẽ nên khá nhiều người đỗ Minh kinh khi còn trẻ tuổi, còn người đỗ Tiến sĩ thường ở độ tuồi đã cao. “Ngũ thập thiếu Tiến sĩ/Tam thập lão Minh kinh” (Năm mươi tuổi đỗ tiến sĩ còn là trẻ/Ba mươi tuổi đỗ Minh kinh đã là già” (五十少进士, 三十老明經 ) 熊庆年, tr.7).
[3] Nguyên văn “Thủ sĩ chi đạo, đương tiên đức hạnh, hậu văn học . Tựu văn học ngôn chi, kinh thuật hựu tiên ư từ thái”. Luận điểm này thường bắt gặp trong diễn ngôn về khoa cử tại một số thời kỳ ở Việt Nam trung đại. Ví dụ Văn bia Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 6 (1475) do Lê Ngạn Tuấn soạn có câu “Lựa chọn kẻ sĩ ắt trước hết phải xét đức hạnh sau mới xét văn chương, tức là phép tốt của lệ hương cử vậy” (Ngô Đức Thọ, tr. 190) (kỳ thủ sĩ tất tiên đức hạnh nhi hậu văn chương, tức hương lý cử tuyển chi lương pháp dã). Trong bài văn bia Tiến sĩ khoa Giáp Tuất năm Hồng Thuận thứ 6 (1514) của Vũ Duệ có nói: “Trước phải trau dồi khí tiết, sau mới tới tài nghệ; trước phải nên đức hạnh, sau mới tới văn chương” (Ngô Đức Thọ, tr. 282) (tiên khí thức nhi hậu tài nghệ, tiên đức hạnh nhi hậu văn chương).
[4] ) Một câu trong thơ Thanh dăng, thiên Tiểu nhã, Kinh Thi, ý nói giống nhặng xanh làm cho thứ sạch thành bẩn, chỉ bọn tiểu nhân hay gièm pha.
[5] ) Phạm Đình Hổ nói về thơ khoa cử đời Lê Trung hưng “những bài thơ cử tử, cẩu thả xu thời; toàn là thô kệch cả”. Ông dẫn chứng hai câu trong một bài thơ ứng chế Thời hân phùng chí trị/ Thần nguyện thú tam thê (Mừng gặp thời thịnh đạt/ Muốn lấy đủ ba bà) (Phạm Đình Hổ, tr. 187). Ca ngợi thời thịnh trị thì phải nói cảnh vua sáng tôi hiền, nhưng sĩ tử biết nói gì khi chúa Trịnh lấn át quyền vua Lê, chà đạp danh giáo. Họ đành quay ra nói những điều viển vông cho qua chuyện.