Nỗi sợ hãi trước chân trời

Những người tình nhiệt tâm và những nhà thông thái khắc khổ

Cả hai đều yêu trong mùa đã chín của họ.

Charles Bauderaile          

Năm 2011, Nhà xuất bản Thế giới cho in tập thơ Những kỷ niệm của tưởng tượng của Trương Đăng Dung. Liền sau đấy trong cùng một năm, Hội nhà văn Hà Nội trao giải thưởng cho tập thơ ấy; Lời nhận định đầy biểu dương. Thơ ở đấy giàu chất suy tưởng trong mạch cảm xúc được thể hiện bằng từ ngữ có khả năng gợi mở phát lộ ý niệm và tư tưởng. Đó là thứ thơ mang nỗi buồn sâu lắng của sự trầm tư triết học… gây ra hiệu ứng thơ với nhiều bài viết. 18 bài trong khoảng nửa năm. Vâng, quả đúng là như thế. Đến năm 2014. Khi tập thơ được tái bản lần thứ nhất. Đã có 36 bài viết về nó. Gấp đôi so với hồi 2011 cho một tập thơ 25 bài. Những tưởng Trương Đăng Dung quá thuận buồm mát mái cho sự nghiệp thi ca. Kỳ thực, tôi cho rằng không hẳn như vậy. Thi sỹ họ Trương xuất bản tập thơ đầu tiên khi ông đã 57 tuổi. Khi đã có bằng tiến sỹ văn chương trước đó gần ba chục năm. Đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận văn học và từng được hai tặng thưởng quốc tế danh giá ở Hungary về văn hóa. Người từng dịch Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du ra tiếng Hung, một thứ tiếng có lẽ vào loại khó nhất của sinh ngữ loài người; Năm chưa đầy 30 tuổi. Ông được hít thở và đùm bọc trong nuôi trường hàn lâm về văn học đã quá nửa đời người. Vậy điều gì bất lợi khi đến với nàng thơ của ông được nhỉ? Xem 25 bài trong tập được viết trải dài trong khoảng thời gian từ 1977 đến 2010, trong đó, xét trên phương diện văn bản học, trong khoảng 20 năm đầu chỉ có 9 bài. 14 năm tiếp theo viết thêm 14 bài nữa. Có 2 bài không ghi năm sáng tác. Như thế, có thể nói, Trương Đăng Dung đến nhiều với thi ca khi tuổi đời khá muộn. Ông không giống và như điều ngược lại với Rimbaud, đã phải từ giã thi ca khi ông ấy vừa tròn 18 tuổi. Với điều như thể sự xui khiến của định mệnh ấy, ta dễ dàng nhận thấy thi sỹ họ Trương đã không còn cái hổn hển đến nghẹt thở của con tim trai trẻ cũng như sự măng tơ của tuổi dậy thì trước vẻ đẹp mê hồn của nàng thơ. Hay có thể nói điều đó đã xảy đến với ông trong những bước đi nhẹ nhàng mà nghiệt ngã của thời gian mà chính ông không hay biết hoặc biết mà ghìm nén lại trong sự đi tới của một sứ mệnh làm người. Tôi đặc biệt chú ý đến hai bài trong tập – bài Tôi lại nhìn thấy họ viết ở Budapest tháng 6 – 1977 và sau đó một năm, bài Chúa đã ra đi viết tháng 5 – 1978 – Những năm trẻ nhất được tự tình với thơ đã là 23, 24 tuổi rồi. Ngay trong những lần đó, thật là thưa thớt phải không, đã thấy ông phải từ giã niềm đam mê tuổi thanh xuân của mình để giành cho những nghĩ suy cuộc đời bằng bộ óc hàn lâm viện. Ở đây tôi đã thấy ông Lớn lên giữa ngơ ngác cõi người, và những kẻ đồng loại với ông sao mà phiêu diêu đến thế - Tay vẫy người đi xa mắt buồn hun hút bóng. Xét ở phương diện nào đấy của sáng tạo thi ca, thật là điều thiệt thòi cho ông. Nếu không như thế, có thể chúng ta có một thi sỹ màu mỡ hơn và những mùa hái quả chắc sẽ khác. Một chàng thi sỹ tóc bồng tuổi xanh có nhiều tập thơ hay, mặc áo choàng rộng trở về xứ sở. Và cũng có thể một sự ngộ biến đã xảy ra khi ông có nhiều tập thơ lại không trở thành thi sỹ mà lý do không có gì khác là sự thiếu thốn và cạn kiệt chính cái kiến thức hàn lâm ấy. Ai mà biết được. Hầu như những năm tháng tràn trề sinh lực đã trôi qua trong những giảng đường thâm nghiêm, những học viện với khung cửa kính trầm mặc thường được đóng nhiều hơn mở ở Phương Tây xa xôi; Nơi người ta bị bao bọc bởi những pho sách dày thư viện. Và Trương Đăng Dung như một người thợ đốt lò cặm cụi, ngày đêm hun lửa và giải phóng năng lượng tuổi thanh xuân của mình cho những công trình lý luận và dịch thuật hơn là cho thơ. Bởi thế cho nên 9 bài thơ trong khoảng thời gian 20 năm từ 1977 đến 1997 như là một minh chứng cho điều Thơ ông không phải là sự trào ra của niềm hân hoan cảm xúc; Ta ít gặp những rung cảm tươi non, những nỗi buồn bâng khuâng vô cớ của tuổi học trò và nao nao nhịn ăn cả ngày chỉ vì một ánh nhìn dưới nước trên mây. Nói như vậy không có nghĩa một nền học vấn uyên bác không cùng con đường với thi ca. Cứ xem thơ của các vị tiến sỹ đời Đường thì biết rõ. Tôi muốn nói vấn đề ở đây chỉ là thời gian dành cho thơ mà thôi. Lịch sử thi ca đã cho thấy rằng học vấn sẽ đưa nhà thơ, tạo ra cho họ bay xa hơn, đi xa hơn trên con đường sáng tạo. Điều này cũng là một vấn đề thời sự cho các nhà thơ trẻ. Nhà lý luận và thi sỹ Trương Đăng Dung đã tỏ ra có lý khi nhìn nhận thấy cái vô hạn và cái hữu hạn của trí năng con người và của thi ca trước những vẫn đề của thế giới hiện đại tại bài phát biểu khi nhận giải ở Hội nhà văn Hà Nội. Và đó cũng là lý do ông viết thơ như là bổ sung cho lý luận trong việc nhận thức cái vô cực của thời gian và không gian trong giới hạn của một con người.

Mỗi khi đến với một thi sỹ và thi phẩm của họ, tôi thường cảm thấy như được nhận một đặc ân. Được chìm đắm trong cái bí mật của thế giới tinh thần do họ tạo ra. Nghe họ thở và biết điều gì họ đang suy ngẫm, những niềm vui nỗi buồn mà sự thường gặp là nỗi cô đơn không hề dễ hiểu một tý nào của biển cả nội tâm con người. Những triết lý nhân sinh được bày tỏ qua cảm xúc, hình tượng và sự chọn lọc đến mức reo vang của ngôn từ. Và nhất là cái cách họ mở cửa để đi vào ngôi nhà thi ca như thế nào, cái cách mà từ hàng ngàn năm nay, các thi sỹ tài năng chẳng bao giờ chịu ai giống ai. Nhờ vậy ta biết được sự huy hoàng và cái có thể còn chưa đến nhưng rồi sẽ đến của họ. Cũng như sự vơi cạn và nghèo nàn không mong muốn kể từ khi họ mở cái cánh cửa ấy ra. Cái cửa xui khiến con người ta sống chết với thi ca.

            Những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, thi ca Việt Nam đang đứng trước những vận hội của đổi mới, những cách tiếp cận khác biệt trong việc làm mới thơ cùng với những biến động long trời lở đất của thời đại. Những giá trị tưởng như vĩnh hằng đã được nhận thức và sắp xếp lại trên một nền tảng chung là bởi con người và vì con người. Trương Đăng Dung đã cùng với nhiều người khác bước vào và mở cánh cửa thi ca bằng cả một bản lĩnh và cái phông văn hóa rộng lớn và sâu sắc của ông.

            Những bài thơ đặc sắc nhất của Trương Đăng Dung – Những kỷ niệm tưởng tượng. Giấc mơ của Kafka. Những bức tường. Những con kiến ... đã đưa ra một thông điệp khẩn thiết và lời cảnh báo dữ dội về một thế giới phi nhân tính mang hình hài siêu thực đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của con người. Đó là những bức tường vô hình đang chia rẽ con người ở khắp mọi nơi trên mặt đất này, chia rẽ những cái bắt tay thân thiện, chia rẽ hạnh phúc con người hằng ngăn đôi những chiếc gối, chia rẽ người đứng trong gương và người ở ngoài gương, trong khi họ chỉ là một mà thôi. Và tôi nghe thấy đêm đêm lũ quạ của Edgar Poe cười nói huyên thuyên trên những bức tường ấy trong thơ Trương Đăng Dung. Đó là Những kỷ niệm của tưởng tượng mượn bộ mặt của siêu thực nói về bóng ma của quá khứ mà chính là hiện tại và tương lai của con người, bởi vì ở đấy chúng ta vẫn nhìn thấy ánh mặt trời, ngày đó khi ta sinh ra thì họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu, họ lấy tà áo choàng trắng của lương y để lau máu còn tươi rói như tên đồ tể, ở đấy một thế giới phi nhân tính đang dóng lên dủng doảng tiếng động của bọn chuột ăn cắp tã lót của ta làm áo choàng mượn danh để sờ lên những mặt trẻ sơ sinh; Một thế giới rình dập những hiểm họa của bom đạn chiến tranh và hàng ngày diễn ra tưởng như chẳng một ai chẳng một ai để ý đến khi những chuyến tàu chở đầy ắp vũ khí mà trên nóc toa là trẻ nhỏ và người già – Một hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ mà chứa đựng một sự thật đơn giản đến nhói lòng của cõi hiện sinh. Con tàu đó mang theo một logic ghê rợn cảnh chết chóc của chiến tranh và sự phi lý, phi nhân tính của đời sống khi những đám tang không có hòm chân người chết thò ra khỏi chiếu, những người mẹ bị thương ruột lồi ra mà vẫn ôm con nhảy xuống hầm tranh nhau chỗ với rắn mong tìm sự an lành; và những cánh tay trẻ thơ bom hắt lên cành cây vắt vẻo mà loa phóng thanh không nhìn thấy vẫn vang lên điệu à ơi... Con quạ của Edgar Poe lại xuất hiện, chúng cất cánh bay đi tưởng sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng chúng đã trở lại như là hiện thân độc ác của di chứng chiến tranh mang theo những xương ống làm búp bê và làm dùi đánh trống. Đó là sự siêu thực nhưng lại là bản khắc họa sắc nét của hiện thực đau đớn ở những mảnh đất đầy bom đạn sau những năm dài chiến tranh và chết chóc vẫn vòn chưa dứt. Đó là Giấc mơ của Kafka, bài thơ điển hình nhất của phong cách thơ Trương Đăng Dung. Giấc mơ của Kafka miêu tả sự phi lý để đi đến cái có lý, những sự biến mang ý nghĩa siêu thực diễn ra ở khắp mọi nơi trên trái đất khi những con voi nhảy từ tầng 11 xuống sông để cứu những con chim sẻ vào lúc chiều tà ở NewYork; ở Paris trước cửa viện bảo tàng người ta thấy trâu xếp hàng mua cỏ, người hay là trâu hay ngược lại ?. Ở Mascova những thiếu phụ da vàng chơi với hổ ... Một thế giới kỳ dị như kêu gọi con người hãy chú ý tới bản thân mình khi những đôi mắt dính trên cổ những người không có mặt, những tiếng kêu phát ra từ miệng những người không có cổ ... Giấc mơ của Kafka là bài thơ tiêu biểu sử dụng tinh tế thủ pháp nghệ thuật mà Franz Kafka gọi là biến dạng. Phương pháp ấy đã đưa cái siêu thực lại gần cái hiện thực, từ cái phi lý để làm sáng tỏ cái có lý, tạo ra một hiệu ứng thẩm mỹ trong sự cảnh báo môi trường phi nhân tính đang đe dọa cuộc sống con người. Những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ mới, thảm họa do thiên nhiên và do chính con người gây ra, thiên tai địch họa khủng khiếp còn như những bóng ma ghê rợn rình dập cuộc sống an lành. Người ta còn chứng kiến ở khắp nơi những dấu chân kỳ quái của cái ác đi lùng sục hòa bình để hỏa thiêu, sự tráo trở và bất lương của con người, thói đạo đức giả và sự ngu dốt vẫn còn nhiều đất sống... Trong văn học trung đại thế kỷ 17 – 18, thủ pháp tương tự như biến dạng ấy đã từng là đặc trưng của thể văn truyền kỳ. Và trong văn học truyền thống, những truyện thần thoại và cổ tích Việt Nam, biến dạng đã được sử dụng như là huyền thoại, một biện pháp chủ yếu nhất. Chúng ta đã từng có một Kafka trong Tấm cám khi cô Tấm trở thành con chim vàng anh... Có người nói với tôi rằng: nền văn học hiện đại của chúng ta thiếu vắng những yếu tố huyền thoại đã làm nên vẻ đẹp huyền bí và sâu nặng chủ nghĩa nhân văn trong lý tưởng thẩm mĩ thấm đậm những trang cổ tích của dân tộc Việt Nam. Điều tai hại là có lúc chúng ta phủ nhận tính biểu trưng, tính đa nghĩa của sáng tạo văn học đã dẫn đến sự xuất hiện tác phẩm văn học sơ lược và nghèo nàn, đi ngược lại những quy luật sáng tạo văn chương. Bởi thế cách tân thơ của Trương Đăng Dung dựa trên nền tảng sâu xa của văn học truyền thống và tiếp thu những tinh hoa của văn học nước ngoài, không nhằm mục đích tự thân mà chính là tạo ra được cái hiệu ứng đầy thuyết phục trong sứ mệnh cảnh báo của thi ca về thân phận con người trong thế giới hiện đại.

            Có ít nhất 7 bài nghiên cứu đề cập đến cảm thức thường trực về thời gian trong thơ Trương Đăng Dung. Gọi thơ Trương Đăng Dung là Thơ-thời-gian và cho rằng thơ về thời gian của phong trào thơ mới (1930-1945) là ở bên ngoài con người, chi phối con người. Thơ-thời–gian Trương Đăng Dung là ở bên trong con người và vì thế thơ có không khí hậu hiện đại v.v.. Tôi cho rằng phân biệt thời gian bên trong và thời gian bên ngoài có lẽ không hẳn như thế. Bởi vì so sánh này dường như chỉ đúng với Xuân Diệu, trong trường hợp Giục giã thôi. Khi mà thi nhân thấy thời gian không đứng đợi, trong gặp gỡ đã có màu ly biệt để những vườn xưa hoang vắng nay đoạn tuyệt dấu hài; Cũng như thật khủng khiếp khi vàng son đương lộng lẫy buổi chiều xanh ta chỉ cần ngoảnh mặt lại thôi đã thấy cả lầu chiều đổ vỡ ... Nhưng so sánh ấy không phù hợp với Đoàn Phú Tứ trong Màu thời gian khi chuyện trăm năm đứt đoạn mà tình một thuở còn hương. Hương thời gian, Màu thời gian như muôn năm giữ lại cho tình yêu con người. Cũng không đúng với Lệ ta nay muôn năm còn an ủi trong Thời oanh liệt của Chế Lan Viên. Thậm chí có thể còn với cả Ngậm ngùi của Huy Cận ... Thời gian với họ như là yếu tố nội sinh của con người.

            Thời gian đã từ lâu là nỗi ám ảnh vô biên của văn chương nhân loại. Bởi vì thời gian vốn là siêu hình, vô thủy vô chung. Các thiên tài văn chương cũng không thoát khỏi niềm trắc ẩn khôn nguôi đối với thời gian; Nó là tiếng chuông reo báo hiệu mùa xuân tràn trề sinh lực. Nó là tiếng mõ, tiếng thanh la địa võng khắc nghiệt báo hiệu sự tàn lụi. Nó nhân danh chúa âm thầm mang đi những giá trị lớn lao của con người tạo ra – đôi khi bằng đổ sụp. Đôi khi bằng lặng lẽ nước chảy đá mòn. Và thời gian là trí nhớ của tất cả các nền văn minh. Đọc Truyện Kiều, lắm lúc tôi ngỡ ngàng những cảm thức về thời gian, không thoát ra được cảnh Trông ra ác đã ngậm gương non đoài hay an phận một mình khi Song thu đã khép cánh ngoài... Vì thời gian siêu hình nên thi ca cố gắng hình dung nó, trao cho nó, đi tìm cho nó những hình tượng, biểu tượng suốt mấy ngàn năm nay của lịch sử con người. Văn học Phương Tây có một con đường độc đáo để phô diễn sự vô hình của thời gian bằng một phương thức mà có lúc người ta gọi là thời gian phi thời gian ... Theo đó, các nhà văn đã cắt đứt tính song đôi giữa thời gian và tiến trình vận động của con người và sự kiện. Sự gián đoạn của việc cắt đứt ấy thỏa mãn trí tượng của con người trong nhận thức thế giới. Người ta cho rằng Franz Kafka là một trong những chuẩn mực của thủ pháp ấy trong văn xuôi của ông. Trương Đăng Dung bên cạnh việc cố gắng đi theo truyền thống của thi ca phương Đông, đi tìm những hình tượng, biểu trưng để trao cho thời gian tựa như là Vuốt lên tóc anh trước cả mặt trời, thời gian soi qua từng kẽ ngón tay em vất vả ... Hay là Sợi tóc rụng bàn tay nào giữ được, mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành. Hoặc là Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc ... Còn tạo ra sự đứt đoạn của tính song đôi thời gian và sự kiện theo cách của mình.

Có những mùa hè không nắng

Và mùa thu không trăng

Thời gian đi trên những lỗi mòn không thể thấy

Em đừng ngoảnh lại

Cứ để những chuyến tàu chạy ngược chiều ký ức

Không bao giờ vào ga.

            Đó là lúc ta không hiểu ba mươi năm hay ba triệu năm rồi, những gương mặt con người nhàu nát mưu sinh và hy vọng trong khi trời vẫn cao thăm thẳm và mặt đất rộng đến vô cùng. Thời gian đã đánh mất cái khả năng đo lường của nó trước thân phận con người.

Ba mươi năm hay ba triệu năm rồi

Xao xuyến những mùa thu gió thổi.

            Đó là thi sỹ không biết dòng sông thời gian trôi về đâu sau bốn mươi sáu ngàn năm nữa, trong khi người em gái nhỏ vẫn nhớ một ô cửa con tàu nơi anh đứng, những vầng trăng thức trắng để xem lá rơi thảng thốt trước thềm, để câu chuyện yêu thương còn mãi dù sương khói đã phôi pha kiếp người.

Có thể em vẫn nhớ một bóng hình, giọng nói

Đã tan trong sương khói

Những kiếp người.

            Có lẽ, Thành phố phía chân trời là bài thơ hay nhất trong cảm thức về thời gian của Trương Đăng Dung.

            Tôi gặp Trương Đăng Dung khá muộn, khi ông đã thành danh và trở thành nổi tiếng không chỉ trong lý luận phê bình văn học vốn là lãnh địa thần thánh của ông mà ngay cả trong tập thơ đầu tay nữa. Sách Huấn ca trong kinh Cựu ước ở thiên thứ 11-5 có truyền đạt lời của đức chúa trời rằng: Nhiều bậc đế vương phải ngồi xuống đất, còn kẻ không ai ngờ lại được mang vương miện. Tôi không hiểu những gì thôi thúc ông tự nguyện rời bỏ chức vụ ông đương có, một chức vụ sang trọng nhiều người thèm muốn để tập trung cho nghiên cứu văn học và thi ca. Ông siêu thực quá chăng? Thỉnh thoảng, ba mùa trong năm, thu qua đông lại đến và mùa xuân trở về, ông thường vận chiếc áo cổ đứng ngắn, màu sẫm, giống như áo của người Trung Quốc, gương mặt lúc nào cũng bình thản và đôi mắt trầm buồn sau cặp kính trắng gọng nhỏ. Không hiểu sao tôi thấy ông giống một giáo sỹ đạo Ki tô mà tôi đã gặp ở kinh thành Copenhagen vùng Bắc Âu xa xôi hoặc trong những nhà thờ nhỏ tháp chuông lẻ loi bên bờ biển vắng lặng phía Nam nước Úc. Điều so sánh này càng được củng cố khi tiếp nhận những cảm hứng thơ về đường chân trời trong Những kỷ niệm của tưởng tượng. Trương Đăng Dung đã đưa người đọc đồng cảm với những chiêm nghiệm triết học trước đường chân trời bằng con tim thi sỹ của ông. Nó không hề đơn giản chút nào. Nó cảnh báo những nguy cơ không thể biết trước. Những hy vọng đam mê và sự thật ê chề của lỡ làng bằng những dấu hỏi lặng lẽ chạy trên đường.

  1. . Chân trời dấu những điều không đến

Ba mươi năm hay ba triệu năm rồi ...

  1. . Thành phố phía chân trời

Mặt trời lên

Những con người ngồi trên xe

Những dấu hỏi chạy trên đường

Lặng lẽ.

            Rồi những hình ảnh kì quái xuất hiện như điểm hẹn của thế giới phi nhân; Ở đây người giáo sỹ Trương Đăng Dung đã không còn kí ức những giọt máu cuối trời tuổi thơ. Chỉ thấy:

Thấy không em đường chân trời trước mặt

... Anh đã thấy những người dị dạng

Dang tay đòi hái mặt trời

Những bóng ma thọt chân, lang thang

Đòi trở về quê cũ

Những đội quân không mũ

Tay súng, tay đao chân bước thụt lùi ...

            Tất cả những bí ẩn đó ở phía chân trời xa vời vợi trong không gian và thời gian thách thức lộ trình của con người đi tìm hạnh phúc, chân lý và lẽ phải. Và điều thi sỹ sợ hãi trước chân trời kia mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc vì tất cả chúng ta đâu phải là người ngoài cuộc. Đó là nỗi đau nhân loại nào phải của riêng ai?

            Có những nẻo đường khác nhau đến với tình yêu cuộc sống cũng giống hệt với những nẻo đường đến với thi ca. Đúng như Charles Bauderaile đã mở đầu bài sonnet Những con mèo nổi tiếng của ông. Những người tình bốc lửa hay những nhà thông thái khắc khổ trong tình yêu đối với con người họ ngang bằng nhau và lắm khi họ đổi chỗ cho nhau được đấy! Trương Đăng Dung đến với thi ca đương nhiên bằng cảm xúc của tình yêu cuộc sống. Nhưng nếu chỉ như thế thì cũng là lẽ thường tình thôi. Ông còn đến với nó bằng bộ não trí tuệ của nhà lý luận. Ông đã thổn thức với con tim của mình trên nền tảng một cái phông văn hóa giàu bản sắc, đặc biệt là văn hóa phương Tây. Tôi có cảm tưởng khi xem tranh Van Gogh – thế giới hội họa của ông ấy tạo ra không gắn với một không gian địa lý cụ thể. Nó là khoảnh khắc của tự nhiên mà người họa sỹ đã dùng ảo ảnh chớp lấy được, kể cả khuôn mặt của chính mình. Trương Đăng Dung đã làm thơ theo khuynh hướng ấy. Thơ ông cùng với một số thi sỹ xuất hiện cuối thế kỷ 20 và đầu 21, đã đưa thế giới siêu thực lại gần với thế giới hiện thực – Một khuynh hướng mong muốn đổi mới thi ca. Với cách mở cửa mới mẻ để đi vào ngôi nhà thi ca của Trương Đăng Dung đưa ta đến cơ hội trong nhiều cơ hội tiếp cận một thời đại mới cho thi ca Việt Nam thế kỷ 21. Phải chăng cái yếu tố huyền thoại một lần nữa xuất hiện trở lại trong tư duy thơ của người Việt Nam đang muốn làm một cuộc cách tân ở thế kỷ này? Hướng đi ấy thực sự cũng không phải là điều dễ dàng và chưa hẳn thuyết phục được số đông công chúng bạn đọc. Điều cần lưu ý là trên con đường đó nếu một khi cảm xúc vơi cạn, khi lấy sự suy luận thay cho sự lung linh màu sắc của hình tượng thơ, khi ngôn ngữ thơ thô ráp đến mức sáo mòn thì thơ tuyệt nhiên sẽ không còn say nữa vì vẻ đẹp của thơ đâu phải là những suy luận lô gic quá rõ ràng. Khi đó ta chỉ thấy lạnh giá nụ cười không thành tiếng trước những nỗi đa đoan của con người. Nhà thơ Trương Đăng Dung quá thấu hiểu điều này và tôi trân trọng ông bởi nỗi sợ hãi trước chân trời là vậy. Bước đi của ông vẫn nhất quán từ khi mới bước vào thơ cách đây nửa thế kỷ. Dù những bài thơ viết rất cách xa nhau về thời gian mà vẫn thống nhất một phong cách. Vẫn tấm lòng ấy. Vẫn chân trời ấy. Ông đang viết tiếp những vần thơ.

Lập hạ năm 2017.

Nguồn: Tạp chí Thơ, số 5&6, 2017.

           

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63667090
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10808
17595
63667090

Thành viên trực tuyến

Đang có 995 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website