Tiếng đập cửa của số phận


Chân dung văn học

Tôi bị ám ảnh từ thời sinh viên truyện ngắn Trên đỉnh non Tản của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời. Không hiểu vì sao những năm sáu mươi, có người gọi nó là tùy bút và xếp Trên đỉnh non Tản nằm trong số ít áng văn chương hay nhất của thể loại ấy ở thế kỷ 20. Mở đầu câu chuyện từ làng Chàng thôn huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây. Cái chàng, cái đục của dân Chàng thôn không những được người trần biết đến mà thỉnh thoảng cứ năm bảy năm một lại có người tiên trên núi hạ sơn cần đến, sau những vụ lụt to tháng tám đánh chìm hết những làng ở rải rác phía chân núi Tản Viên. Chàng thôn nằm trong vòng cung văn hóa Tản Viên kỳ lạ phía Tây thành Thăng Long. Khởi đầu từ 18 cây duối cổ buộc voi bên cạnh lăng Ngô Quyền và đền thờ Phùng Hưng gần chùa Mía xuống đền Và, ngoại vi thành cổ Sơn Tây là nơi thờ vọng đức thánh Tản. Rồi đến chùa Tây Phương, nơi lưu giữ nỗi buồn nhân thế trên khuôn mặt và nếp áo 18 vị la hán. Lại là 18. Có gì gần gũi giữa Phật với Cây? Vòng xuống chùa Thầy huyện Quốc Oai đến chùa Trăm gian, chùa Trầm ở đất Mỹ Lương xưa cũng có cây duối cổ ngàn năm tuổi như là một dấu ấn ghi lại vòng cung Phật ra khỏi cửa thiền đi cùng với chúng sinh? Lịch sử và văn hóa đất nước trầm luân trên gương mặt các vị la hán trong những ngôi chùa cổ bao năm rồi chưa khi nào dứt? Chùa Tây phương nằm trên núi Câu Lậu xưa ở gần như chính giữa vòng cung ấy. Cái vòng cung lô xô sông núi mờ ảo tiếng chuông chùa làm nên phong vị trầm lặng của người Sơn Tây. Khoảng 200 năm trước công nguyên đã hình thành nơi cư ngụ của một phủ thất dưới chân núi Câu Lậu. Chụm đầu xung quanh ngọn núi thiêng, thấm thoát nắng mưa hơn hai nghìn năm dựng nên chín làng nghề nổi tiếng. Giờ vẫn giữ gìn nề nếp của cuộc sống ngày xưa. Chàng thôn là một trong chín làng ấy. Dân làng Chàng thôn tay chàng tay đục tạc nên những vị la hán chùa Tây Phương theo khuôn mặt của người dân bản địa. Chàng thôn bây giờ vẫn còn đó với tên gọi Chàng Sơn, quê hương của một trong những gương mặt thi nhân tiêu biểu xuất hiện thời thi ca chống Mỹ cứu nước hồi nửa sau những năm 1960 - nhà thơ Bằng Việt. Tôi thường đọc thơ Bằng Việt để tìm mối liên hệ trực diện với xứ Đoài huyền thoại. Dường như nó chìm lắng sâu trong những tầng văn hóa khác của đất nước và của những phương trời xa xôi khác của địa cầu. Bếp lửa viết năm 1963 ở Kiev mãi bên Uycơren. Xứ Đoài hiện về trong mùi khói rạ rơm vẫn còn cay sống mũi và tiếng chim khắc khoải như là không có thật mà thảng thốt biết bao hoài niệm.

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa.

11 năm sau. 1974. Ở Đôi dòng tiễn đưa bà nội, Bằng Việt trở lại Chàng Sơn thấy con đường cũ gắt gao màu nắng đỏ, con đường đưa bà nội mà Bằng Việt đã nhớ khôn nguôi qua tiếng chim siêu thực về với nắm đất đồng làng. Rồi thời gian qua đi 12 năm nữa. 1986. Trong Một ý nghĩ về quê cũ, cong queo đường đất ổ gà thi nhân giật mình rêu phong bám vào kỷ niệm và tôi thấy chàng thi sỹ đã chậm rãi trên con đường yêu bằng ký ức thôi đủ khiến hóa thành già. Chỉ mới bước qua ba bài thơ thôi mà người ta đã đi gần hết trọn cuộc đời. Có phải ám ảnh về số phận con người đã đến từ rất sớm trên đất quê hương?

Bằng Việt thuộc dòng dõi Khương Công Phụ, người quận Cửu Chân (Thanh Hóa) từ thế kỷ thứ 8 đã đỗ trạng nguyên đời Đường. Đến cuối thế kỷ 14 – năm 1394 có người họ Khương từ quận Cửu Chân ra làm tri huyện Thạch Thất và lập gia đình ở đó. Hai trăm năm sau – 1548 một hậu duệ họ Khương lấy vợ ở Chàng thôn đổi họ Khương thành họ Nguyễn theo đằng vợ! Kể từ đó đến Bằng Việt là đời thứ 13. Trên đất nước Việt Nam nhỏ bé này, lịch sử các dòng họ âm thầm chảy theo thời gian dưới lòng đất để ta hiểu thêm vì sao có hai tiếng đồng bào thân thiết đến thế. Và tiếng đập cửa của số phận vốn là đặc ân của thượng đế từng giây từng phút dành cho mỗi một con người nhằm thức tỉnh lương tâm và khát vọng. Nhưng tiếng đập ấy nào phải của riêng ai. Bởi thế khi nghe thấy nó mỗi thân phận bừng tỉnh dậy và không ngần ngại đứng lại gần nhau.

Thì ra quê gốc ở Chàng Sơn nhưng Bằng Việt lại sinh ra ở Huế. Thân phụ ông tòng sự trong văn phòng thượng thư bộ Hình triều đình Huế - cụ Bùi Bằng Đoàn. Cách mạng tháng tám nổ ra như trời long đất lở. Gia đình cậu bé Bằng Việt mới lên 4 tuổi phải khăn gói lặn lội ra Bắc. Nhờ sự cưu mang của người bà con xa là chủ hãng xe ngựa chở khách chạy từ Hà Nội về đến thị trấn Phùng, Sơn Tây. Viên lục sự trong dinh bộ Hình may mắn được làm chân phu xe ngựa lần hồi kiếm kế sinh nhai. Bếp lửa có câu: Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy là do vậy đấy. Cuối 1946 – 1947, khi Bùi Bằng Đoàn ra Việt Bắc theo lời gọi của kháng chiến, đã cho tìm  người phu xe ngựa lúc đó đang làm thẩm phán tòa án tỉnh Sơn Tây và một số đồng sự khác. Họ cùng lên chiến khu. Bằng Việt được gửi lại Chàng Sơn, Thạch Thất và sống ở đấy đến nhiều năm sau hòa bình.

Thời điểm Bằng Việt bước lên thi đàn Việt Nam thật đặc biệt. Một mùa thơ nở chói chang trong khói lửa chiến hào đánh Mỹ. Tuyển thơ 15 năm (1945 – 1960) là của các nhà thơ tham gia phong trào thơ Mới (1930 – 1945) và kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954). Bốn năm sau. 1964. Dường như vẫn chưa có những khuôn mặt mới trong làng thi nhân. Nhưng chỉ trong 3 năm 1965 – 1967, một lực lượng làm thơ trẻ đã mang thơ ra chiến hào đánh giặc. Trên tờ Văn Nghệ số 120 ngày 13-7-1965. Tế Hanh báo tin: Những lực lượng mới trong thơ. Cùng năm ấy, tuyển thơ Sức mới 1 được ấn hành, Bằng Việt có tên trong đó. Nhiều tập thơ của các nhà thơ trẻ lần lượt được xuất bản. Tiếng gà gáy. Gió từ cánh rừng. Hương cây bếp lửa. Hoa dọc chiến hào. Tre Xanh. Cỏ mùa xuân. Thơ một chặng đường. Vng trăng quầng lửa. Thơ người ra trận. Đất ngoại ô. Âm vang chiến hào. Những người đi tới biển v.v. Trong đội ngũ thi nhân đông đảo ấy, Bằng Việt tỏ ra ngay từ đầu một diện mạo riêng của dòng thơ chính luận và cho đến nay, con người lặng lẽ mà khiêm nhường đó vẫn không ngừng không nghỉ với nghiệp thơ. Sau Bếp lửa 1968 là. 1973.Những gương mặt, những khoảng trời.1977. Đất sau mưa. 1984. Khoảng cách giữa lời. 1985. Cát sáng. 1995. Phía nửa mặt trăng chìm. 2001. Ném câu thơ vào gió. 2002. Thơ trữ tình. 2008. Nheo mắt nhìn thế giới. 2010. Thơ Bằng Việt – chọn lọc. 2016. Oẳn tù tì. 2018. Hoa tường vi 45 bài tác giả tự chọn.

Thơ Bằng Việt là thế giới tinh thần của cả một thế hệ mang trên vai nỗi đa đoan và sự hứng khởi, vận mệnh tràn ngập niềm vui và quặn đau thao thức của đời sống xã hội nửa sau thế kỷ 20. Thế giới tinh thần ấy là xúc cảm của thời đại từ buổi hào hoa trên chiến trường đánh Mỹ đến những nốt trầm buồn đầy ý thức công dân của thời kỳ hậu đổi mới, sự tan rã và phục hưng của những ý tưởng và giá trị chảy trong suối nguồn suy tưởng và triết lý cùng những cảm xúc trữ tình sâu lắng của thi nhân. Dòng thơ chính luận suy tưởng như là một mũi đột phá, một hướng đổi mới của thi ca chống Mỹ cứu nước mà nổi bật 4 gương mặt. Chế Lan Viên, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm và Việt Phương. Ở Bếp lửa Bằng Việt đã bộc lộ phong cách chính luận già dặn và mới mẻ mà tiêu biểu là Beethoven và âm vang hai thế kỷ, Trở lại trái tim mìnhTình yêu và báo động. Tỏ rõ một bản lĩnh và tầm vóc thơ.

Tôi đi dọc những lối vào lịch sử

Nghe suốt năm châu bè bạn nối gần

Tôi đi ngang những cuộc đời thường

Biết ở đó chia nỗi lo nhân loại.

Điều không ngờ được là bản giao hưởng số 5 của Beethoven thường được gọi là Giao hưởng định mệnh, hay Tiếng đập cửa của số phận được diễn tả như ánh sáng rực rỡ chiếu xuyên qua màn đêm thăm thẳm. Bóng tối khổng lồ đang lắc lư bao trùm lên ta, hủy diệt mọi thứ bên trong ta, chỉ trừ nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận đã ám ảnh Bằng Việt đến nỗi nó như tiếng trống thúc bàng hoàng hai thế kỷ, như chủ đề nổi bật, thâu tóm và ẩn sâu trong toàn bộ thơ ông. Đó là cảm hứng về số phận của con người trước thách thức khắc nghiệt của chiến tranh cũng như sự đổ vỡ của những giá trị trong một xã hội chuyển đổi. Sự hung hãn của cái ác với sự nhẫn nhịn của cái thiện. Thách thức của vinh quang và cay đắng trong phận làm người. Tột cùng gian truân, tột cùng hạnh phúc. Phút sinh ra những thn Phù Đổng. Trước cửa Tùng. Bên địa đạo Vĩnh Quang. Trước cửa ngõ chiến trường. Vùng sâu. Đêm gió Trường Sơn. Những gương mặt, những khoảng trời. Ghi từ một vùng đất lửa. Atôpơ. Đất này Thăng Long – Hà Nội. Gương mặt v.v. Bao nhiêu gương mặt trên các nẻo đường chiến tranh để làm phong phú và khắc sâu phẩm giá và tâm hồn Việt Nam biết yêu thương và căm giận, đức hy sinh và lòng dũng cảm trong ngập tràn hạnh phúc. Đó là em bé sinh ra trong chiến hào địa đạo. Đất bỗng sốt lên cơn sốt bừng bừng, những cơn chớp giật ùng oàng sáng chóiCất tiếng khóc đầu tiên, chào thế giới. Đó là những gia đình với tên gọi hộ tập thể trực chiến ở Vĩnh Linh. Là em bé lên ba dưới địa đạo Vĩnh Quang. Nơi từ hầm sâu ra nắng chỉ một khoảng cách ngắn khó tin giữa chiến tranh òa tới hòa bình. Trước cửa ngõ chiến trường gặp những chiến sỹ không tên gương mặt dịu hiền. Những đêm gió Trường Sơn hơ lửa để thương nhau vì hơi thở người sâu hơn, sâu lắm… Đó là gương mặt bình thường sau nghìn lần sống chết. Gương mặt bình thường như lẽ phải. Những số phận riêng biệt ấy được tựa vào một truyền thống lịch sử chung. Sông Hồng ơi! Dông bão chẳng thay màu. Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp. Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc Pháp, lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen.

Gương mặt của đất nước cũng là gương mặt chung của triệu con người – điều Bằng Việt viết sau chiến tranh biên giới.

Đất nước từng trải nhiều, nên đất nước chẳng đăm chiêu

Nụ cười các lão nông vẫn nụ cười quảng đại

Đất nước chẳng đăm chiêu vì đất nước nhiều từng trải

Vai áo sờn không chịu gánh thần linh.

            Khuynh hướng chính luận trên chủ đề số phận con người trong chiến tranh được hình thành bởi một mô-típ phổ biến: đất nước – nhiều khi là Hà Nội, với tuổi trẻ, tình yêu, chiến tranh đã làm nên dáng vẻ trang trọng và triết lý trong thơ Bằng Việt ở thời lá đỏ với bao nhiêu địa danh máu lửa mà ông đã trải nghiệm. Không chỉ có thế. Bằng Việt không ngần ngại thể hiện những vần thơ thế sự nhiều trắc ẩn trước những vấn đề thời cuộc vào giai đoạn chuyển đổi với không ít mất mát và hy vọng. Từng đau đớn về lòng người phản trắc. Từng xót xa vì lắm nỗi tị hiềm. Ta lại vẫn còn nhau không mất mát. Lòng yêu đời có thật dễ đâu em.

Thơ chính luận những năm sau này theo một mô-típ phổ biến từ trong cái xưa cũ tìm về cái hiện tại, cái giá trị nhân bản của đời sống. Cổ tích về người thấu thị là một tam đoạn luận khủng khiếp về lẽ sống. Mười năm học võ ngắm đâu trúng đấy phải đi học tiếp thành triết nhân để ngắm tới vô cùng. Mười năm học triết tiếp theo đã phân định được chỗ sâu xa với chỗ vô cùng, thì bất ngờ Phật dạy.

Con chọc đui mắt đi, trả giá cho cái biết

Thành người hát xẩm mù, qua hết kiếp rong chơi.

Bằng Việt tìm ra cách trả lời đặc biệt về tất yếu phải đổi mới ở Đệ nhất tổ phái Trúc lâm giảng thiền. Rằng thế nào là phật, pháp, tăng và hạnh phúc trần gian đều có chung một câu trả lời chấp theo lối cũ là không đúng. Đọc lại thơ Trần  nhìn nhận người xưa bản thể hơn ta dẫu rằng họ sống ngắn hơn ta. Tam giáo đồng nguyên nho, lão, phật bởi chữ tâm của con người. Người của thế kỷ trước chỉ ra cái lỗi thời của quá khứ mang khuôn mặt hiện tại; Cái ảo ảnh, cái khát vọng không thành. Cả cái khinh bạc nữa. Dấu ấn cũ càng của thế kỷ vừa khép lại. Theo dòng chảy về hoài niệm xưa để phát sáng những lý lẽ nhân sinh hiện đại là lối suy tưởng thường thấy trong thơ Bằng Việt những năm cuối thế kỷ 20 và đầu 21. Cổ rồi. Ngô đồng. Người của thế kỷ trước. Phim về Lý Công Uẩn.v.v trong Nheo mắt nhìn thế giới in 2008. Hội An, một lần tôi đến. Lịch sử và uy tín. Almaata. Ấn tượng Hirôshima. Đọc lại Nguyễn Du. Tự sự v.v. trong Ném câu thơ vào gió in 2001. Dĩ vãng đội trên đầu, âu lo và sống động. Ở đâu cũng nhắc nhở tới sứ mệnh con người chiến thắng hoàn cảnh để hòa trong giao hưởng của niềm vui. Con người dẫu bị xiềng – vẫn nắm lửa trong tay. Bằng Việt ngợi ca con người qua những bức chân dung văn nghệ sỹ. Trần Huyền Trân tôi nghe xa lắm làn mây trắng, rời bóng kinh thành lững thững đi. Vũ Bằng chênh vênh số phận, trọn đời lang bạt, phiêu linh. Phạm Tuyên lịch sử không thêm được gì, cũng không bớt được gì. Trịnh Công Sơn đêm thấy ta là thác đổ thì ngày ơi ta là gì?

Beethoven trong Moonlight sonata, For Elise thật mềm mại. Thơ tình Bằng Việt nghe tiếng đập cửa của số phận với hòa âm ấy. Hòa âm tình yêu của Beethoven đam mê, day dứt và đầy khát vọng. Tiêu biểu là Nghĩ lại về Pautopxki viết năm 1969. Một thứ thơ tình vừa sang trọng vừa cao ngạo. Nhưng không hàm chứa sự dạy bảo mà cũng không chiều lòng tất cả. Nó không nuông chiều. Nó kêu gọi. Nó bảo đi lên. Nó có lòng tin bởi hiểu rõ cuộc đời.

Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể

Bể mặn mòi sôi sục biết bao nhiêu

Khi em đến bên anh, trước biển cả dâng triều.

Thơ tình những năm đánh Mỹ thường trong liên tưởng: tổ quốc – người con gái đang yêu – thi sỹ. Kiểu như là. Tình yêu và báo động. Tột cùng gian truân tột cùng hạnh phúc. Những đoạn thơ tình giữa hai cuộc chiến tranh phá hoại. Một chút thì thầm trong tình yêu Hà Nội. Phố biển v.v. Thời kinh tế thị trường thường gặp sự thanh khiết, nỗi buồn xen lẫn cái vô thường với lẽ thường tình của đời sống mà thẳm sâu ảo vọng.

Em có nét buồn sâu như ngọn gió

Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy

Tôi có chút buồn như vạt cỏ

Khuất chìm sau cát bỏng đến chân mây.

Rồi ai nấy cũng đến tuổi thơ tình viết muộn. Cái vô thường lại trở về ẩn khuất trong ta.

Em là chân lý của cuộc đời thường mạnh mẽ

Nét môi chẳng còn cong vì trái đắng cay rồi

 Em là vẻ đẹp của đời thường vĩnh cửu

 Là những gì quên mất ở trong tôi.

Bàng hoàng những năm tháng đi qua. Nuối tiếc tuổi thơ còn ẩn náu trong rừng. Nơi có sim mua để được ở tuổi 60 ăn chưa biết chán, buồn chưa biết buồn. Nhưng đấy chỉ là ước mơ thôi. Người ta phải đối mặt với Vợ thời @ cơm ai người nấy ăn, thích ngồi lê mách lẻo…

Lớp nhà thơ chống Mỹ cứu nước, Bằng Việt là người giành nhiều bút lực cho tâm sự về sứ mệnh của thi ca và người thi sỹ. Hoa tường vi. Ngôi nhà (có lúc có tên là Túp lều). Ném câu thơ vào gió. Thơ còn gì hôm nay. Thơ hay có cần chi phải chết. Đệ nhất tổ phái Trúc Lâm giảng thiền. Đọc lại thơ Trần. Chọn. Cổ tích về người thấu thị v.v. Mơ hồ như thấy thơ cũng như người. Quá khôn ngoan giữa cuộc đời quá tỉnh thì còn chi là đích thực nữa. Thơ có giống như em, giữa cuộc đời quá tỉnh, Thơ có gì đích thực với tôi không? Đã có lúc tưởng như ân hận với cuộc đời trót làm thi sỹ. Rạc dài chút phận văn chương, Cao sang nhòa lẫn tầm thường… ngẩn ngơ. Đã có lúc kêu lên thảng thốt: Trời ơi! Những câu thơ từng say mê thế, chả lẽ cũng là đồ vật cũ mà thôi? Lại có lúc ngậm ngùi ngẫm lại cuộc đời thời thanh xuân mắc võng giữa rừng già vui vì được thực là người. Giờ tháng năm trôi như cát qua kẽ tay mà thói đời những kẻ ngô nghê vung vinh hợm hĩnh. Thơ có còn chăng? hay thơ hẳn còn gì… cho ta lại đến túp lều tranh giữa ngã ba đường? Bằng Việt bi quan chăng? – Không. Chỉ là một chút tự vấn lương tâm trong sạch trước sự đổi thay của thế thái nhân tình. Những ý nghĩ phù du như bóng sáng. Thoắt bay qua, thoắt chạy đến vô cùng. Thơ chưa chín, quên đi, đầu đã bạc. Em một thời, ngó lại, đã hư không?

Cũng như con người chiến thắng định mệnh để đi đến giao hưởng niềm vui, Bằng Việt tin ở sự bất tử của thi ca vì ý nghĩa của nó với đời sống. Conxtantin Ximônốp mong hàng triệu người lính ra trận phải trở về để hàng triệu người mẹ, người vợ không phải đợi chờ. Khi đó Đợi anh về sẽ phải chết. Bằng Việt viết.

Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử

Miễn đừng để loài người hèn hạ tối tăm đi

Bằng Việt tỏ rõ một thi sỹ có cái phông văn hóa giàu bản sắc, đa diện, đa chiều. Ông thông thạo ngoại ngữ với nhiều bản dịch được Việt hóa nhuần nhụy hàng trăm bài thơ trữ tình thế giới thế kỷ 20. Thành công hơn cả với các nhà thơ Nga mà đặc sắc ở cụm ba bài Gửi Bôrix Coónilốp. Mùa hè rớt. Mùa lá rụng của Olga Bergholtz. Hiếm có nhà thơ nào mà dấu ấn của nền văn hóa Nga lại đậm đà tha thiết tinh thần công dân như thơ Bằng Việt. Khác với những gì đắm đuối của Nghĩ lại về Pautopxki, sự đổ vỡ của đất nước khổng lồ ấy đưa đến nỗi xót xa vô hạn. Ngôn ngữ và chính trị. Nước Nga, sau 20 năm gặp lại. Matơriosika. Chợ vòm Mascơva. Thơ còn gì hôm nay. Thật là hiếm. Dù thế giới đã bao điều thay đổi trong 30 năm nay, ít ai lại tin yêu nước Nga như Bằng Việt. Văn hóa Nga chảy thầm trong huyết quản thi ca.

Và thức dậy ở đây dù ở múi giờ nào cũng không sợ muộn

Khi vẫn còn đây một phần sáu địa cầu – đồng hành với nước Nga.

Một nhà thơ trẻ ở Tổ quý tộc văn chương bảo tôi. Bằng Việt làm thơ chú ý đến đơn vị bài thơ hơn là đơn vị câu thơ. Tôi không có ý đòi hỏi gì hơn ở Bằng Việt khi dường như dấu ấn xứ Đoài không đậm đà lắm như thơ Quang Dũng. Có lẽ Bằng Việt đã ngấm vào nền tảng văn hóa rộng lớn của đất nước mà văn hóa Hà Nội – Thăng Long như một sức mạnh tiềm ẩn đã làm nên một phong cách thơ chính luận khác biệt của thi ca hiện đại.

Nhằm dịp rằm tháng 6 âm lịch, mấy anh em văn nghệ cùng Bằng Việt về lại Chàng Sơn. Đó là một ngày mưa. Năm nay có lũ. Nhiều làng ở Quốc Oai, Chương Mỹ ngập sâu trong nước. Để an ủi người xứ Đoài, nhãn được mùa kĩu kịt chín. Đã qua mùa vải đỏ ngỡ ngàng các phiên chợ quê. Chim tu hú lặng im không hót nữa. Đợi nước lũ cạn dần. Không hiểu người tiên trên đỉnh non Tản có về tìm thợ ở cái làng quê đang bừa bộn những chàng những đục buổi sấp ngửa kinh tế thị trường. Leo hết 238 bậc đá ong lên chùa Tây Phương. Bằng Việt 78 tuổi vẫn chưa già. Chuông chùa khắc bài ký của Thụy nham hầu Phan Huy Ích (1751-1822) có câu Đạo gửi ở không, cội gốc khôn cùng, lòng người bản thiện. Đời là thủy chung. Dưới mái Tây Phương, một người bạn vong niên trong ngành tư pháp tặng tôi chiếc quạt lụa Chàng Sơn. Xòe quạt ra thấy cành sen một bông nở hai bông nụ và chữ Nhẫn trên màu lụa củ nâu. Tôi tưởng chữ Nhẫn chỉ cần trong chốn quan trường? Hóa ra Phật đã giao cho chúng ta từ rất lâu rồi. Nhẫn nhịn là một giá trị sống và cũng là một trong muôn ngàn cách trả lời tiếng đập cửa của số phận. Hãy nhìn kỹ khuôn mặt 18 vị la hán trong chùa mà xem. Nhẫn nhịn thường xuyên gột rửa thân phận con người. Bởi vì bình tâm trước thử thách người ta sẽ sống thiện hơn.

Tây Phương 7 – 2018.

Nguồn: Văn nghệ, số 35+36 ngày 1-9-2018

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63667124
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10842
17595
63667124

Thành viên trực tuyến

Đang có 982 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website