Bức thư muộn màng này gửi tới người đã dùng bưu cục T104.E.BC.13H. Những năm 1965 – 1969. Họ bây giờ trẻ nhất chắc đã thất thập cổ lai hy. T104.E.BC.13H. Địa chỉ khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chữ cái và con số đều không đổi. Ngoại trừ E có thêm 1, 2, 3 và 4. Ứng với phiên hiệu các lớp học khác nhau. Mấy nghìn sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã thắp đèn dầu nghiên bút ở thung lũng Đại Từ thời đầu chiến tranh phá hoại. Thấm thoát 50 năm đã qua rồi.
Lãnh đạo nhà trường kiểm tra bếp ăn tập thể nơi sơ tán
Hành trang sinh viên ngày tựu trường thường gói gọn trong ba lô con cóc. Một thứ túi vải gắn với thân phận biết bao người Việt vào Nam ra Bắc gần hết thế kỷ 20. Bằng cách nào đó phải vượt sông Hồng sang ga Yên Viên. Lên tàu đêm đi Phổ Yên. Chỉ khoảng 50 cây số. Mãi đến mờ sáng mới đến nơi. Sau một đêm ngồi thức trong bóng tối toa tàu thời chiến không cửa không đèn. Theo con đường rải đá từ ga Phổ Yên qua đò bến Đẫm. Gần trưa thì đến Quân Chu. Nơi hiệu bộ nhà trường tiếp nhận sinh viên mới. Mở ba lô con cóc ra lấy giấy tờ nhập học. Thấy có người mang theo cả Truyện Kiều. Rồi buổi chiều cứ theo đường rải đá chạy giữa thung lũng Đại Từ, quân ta cuốc bộ đến chạng vạng tối thì tới nơi. Phía bên phải, một dòng suối mơn man chảy. Gọi là suối Đôi. Lội qua bên kia suối đến một bãi phẳng ngay gần bờ lúp xúp vài tán cây đã là nhà ăn tập thể của sinh viên khoa ngữ văn rồi. Đi bộ tiếp theo con đường cỏ rộng xe trâu kéo qua lại được. Vào đến chân dãy núi đất Tràng Dương – xã Vạn Thọ. Hội trường lớp học, ký túc xá sinh viên tường đất mái tranh đã bạc màu chạy dọc theo chân núi. Lẫn trong thung lũng rộng thỉnh thoảng lại có vài nếp nhà. Người Kinh, người Tày. Gộp lại thành những cụm nhỏ. Làng chưa thành làng. Xóm chưa thành xóm. Thưa thớt giữa thung lũng lúa. Không hiểu sao mấy khóm tre cao xao xác lá bao quanh những cụm mái nhà lợp rạ ấy chẳng lúc nào đứng yên. Gió thung lũng quanh năm thổi từ sớm đến chiều tả tơi trong im lặng tưởng từ lâu lắm rồi. Đại Từ bốn bề núi nhuộm xanh lơ. Ở giữa hai ngọn núi Văn núi Võ hình mũ cánh chuồn xanh thẫm úp vào những buổi chiều sơn cước thanh bình. Độ tháng 5, tháng 10 lúa trong thung lũng rơm rớm vàng bất chợt sau một đêm thức dậy. Ngỡ đứng trước cổng làng xưa cũ ở dưới xuôi.
Nơi sơ tán có thư viện đàng hoàng. Nhưng sách làm sao cho đủ. May cho các học trò được một dàn nhà giáo là những tri thức uyên bác của đất nước thời đó chỉ bảo. Thế hệ của những người thầy thường biết rành rọt 3 thứ tiếng Pháp, Hán, Nga. Nhiều người biết thêm tiếng Anh, tiếng Đức. Tất cả còn đang sung mãn. Những vị đại sư truyền cảm hứng và dạy học trò chẳng phải chỉ văn chương mà cốt ở nhân cách làm người – Cái tinh túy nhất của mọi thời đại văn chương. Vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam giàu lòng yêu thương, thích hài hước, mơ mộng và đượm ưu phiền trong sáng tác bình dân cũng như bác học. Học trò được chìm đắm trong thế giới tinh thần kỳ vĩ mà lung linh ảo giác của nhân loại ở nhiều thời đại. Đó là sự bất tử của tình yêu giữa con người với con người. Là cái giá nghiệt ngã phải trả cho sự chiến thắng của cái thiện với cái ác. Là khát vọng không mệt mỏi đi tìm chân lý. Là sự không thể hòa hoãn giữa cái cao thượng và cái thấp hèn trong khi ranh giới của chúng không phải mặt nọ mặt kia mà chỉ trên một dòng kẻ cuả tờ giấy. Là nỗi cô đơn vô cớ của con người trước sự vô tận của không gian và thời gian. Là tiếng chuông cầu nguyện chưa bao giờ dứt trên mái nhà của các nền văn minh… Thần thoại Hy Lạp. Tiểu thuyết Pháp thế kỷ 19. Văn học Nga nửa sau thế kỷ 19 và nửa đầu 20. Thơ Đường… Nhớ vị giáo sư già tóc đã bạc trắng đọc kịch Le Cid của Pierre Corneill và Andromaque của Jean Racin trong nguyên bản tiếng Pháp. Giọng sang sảng và phong cách mực thước đã mang cái quy tắc tam nhất của chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỷ 17 vào thế giới tinh thần hứng khởi của sinh viên. Nhớ thầy thử thách học trò kỳ thi vấn đáp bằng cách yêu cầu đọc thuộc lòng một đoạn văn xuôi trong Vang bóng một thời. Còn hiện ra trước mắt người thầy thức trọn đêm hè bên ngọn đèn chai nghe sinh viên đọc hết luận văn tốt nghiệp trước ngày bảo vệ. Những bản luận văn viết bằng bút mực. Dài hàng trăm trang; Vừa bảo vệ xong, một hai thầy muốn có nó ngay làm kỷ niệm. Phải nhờ mấy bạn thân cùng lớp chép hộ thâu đêm. Thời đó chưa được dùng máy đánh chữ, máy photocopy.
Những năm 65 – 69, thung lũng Đại Từ còn được chào đón nhiều nhà văn nổi tiếng đến thăm và trực tiếp đọc tác phẩm của mình. Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng. Đỗ Phồn… Họ như những ngọn đuốc mang đến hoàng hôn xóm núi sự náo nhiệt với tình yêu không vụ lợi đối với văn chương. Thi ca là thung lũng thu nhỏ các nền văn minh. Đường viền xung quanh của thung lũng ấy là những lễ hội hóa trang nhiều màu sắc. Học trò được đọc nhiều bản dịch thơ tốt nhất. S. Petophi. Louis Aragon. Heinrich Heine. Aleksandre Puskin. Adam MickieWicz… Các dịch giả không chỉ thông thạo tiếng ngoại quốc mà họ còn là nhà thơ, nhà văn hóa. Họ đã sớm mở cánh cửa ra thế giới bên ngoài bằng thơ. Sinh viên thời ấy yêu thơ Blaga Dimitrova đến mức ảnh của bà thời còn trẻ với khuôn mặt dịu hiền, đôi mắt buồn tư lự thường được cắt từ báo ra treo ở những góc nhỏ. Làm của riêng mình.
Sản phẩm của Khoa Ngữ văn khi ra ngoài xã hội làm được nhiều việc mà trực tiếp nhất là văn chương. Người ta bảo cuộc đời này ai cũng làm thơ thì lấy gì ngô lúa mà ăn. Nhưng lịch sử nhân loại lại bảo rằng cuộc đời không bao giờ thiếu và dù thế nào con người cũng lắng nghe tiếng đập khẽ khàng của trái tim. Đó là thơ ca. Làm thi sỹ là vô tâm diệu hữu. Dường như trong số họ, chưa ai một lần tê buốt bởi công danh. Xem thế họ là người ít sống cho bản thân mình nhất. Không có giáo trình nào dạy làm thi sỹ và không phải ai cũng trở thành nhà thơ được. Mặc dù ở Việt Nam cứ 10 người thì có 1 người biết hoặc thích làm thơ. Năm 2010, chỉ riêng lĩnh vực thi ca đã có 60 người làm thơ có duyên có phận xuất thân từ sinh viên khoa văn. Họ chưa hẳn là những người vô tâm diệu hữu. Phần lớn họ nhập hộ tịch vào làng thơ khi đang ở chiến trường và giành cả một đời chạm khắc thơ ca. Ngô Văn Phú, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Trọng Định. Lữ Huy Nguyên. Diệp Minh Tuyền. Võ Văn Trực. Định Hải. Trần Vũ Mai. Trúc Thông. Vũ Duy Thông. Nguyễn Trung Thu. Từ Quốc Hoài. Vũ Ân Thi. Phan Cung Việt. Thanh Thảo. Ý Nhi. Ngô Thế Oanh. Bế Kiến Quốc. Trần Nhật Lam. Anh Ngọc. Lâm Huy Nhuận. Lê Thành Nghị. Mã Giang Lân. Lê Quang Trang. Nguyễn Duy. Hoàng Nhuận Cầm. Trần Nhuận Minh. Đặng Huy Giang. Nguyễn Sỹ Đại. Hồ Thế Hà. Đỗ Minh Tuấn. Tuyết Nga. Phan Huyền Thư v.v… Mỗi người một vẻ. Trong đó, 5 người được độc giả biết đến nhiều hơn cả. Thanh Thảo. Bế Kiến Quốc. Ý Nhi. Nguyễn Duy và Hoàng Nhuận Cầm.
Chỉ một khóa học thôi cũng có tới 7, 8 người… tự nguyện làm thi sỹ. Khóa 13 (1968 – 1972) Lâm Quý, Lê Thái Sơn đã về nơi thiên cổ. Lê Thái Sơn trước khi nhắm mắt một vài ngày còn gắng gượng gọi điện thoại hỏi xem Tạp chí Thơ đã in bài của anh hay chưa. Sau tang lễ 10 ngày, thơ anh mong nhìn thấy mới xuất hiện. Chao ôi! Cả đời người ta chỉ lo Lục bát sái vần. Anh treo lại câu thơ trước cửa thiền. Những mùa hoa đại trắng. Tiếng mõ chừng cũng thơm. Nhà thơ dân tộc Cao Lan Lâm Quý có khi nào tủm tỉm cười chốn cửu đài đọc lại hai câu. Chồng về em chạy sau vườn. Luồn qua bờ suối tắm truồng cho thơm. Lê Thái Sơn cũng có thơ về tắm. Em còn tắm nữa hay thôi, Dòng sông khờ dại. Của người ngày xưa. Cùng lớp ấy có ba chàng thi sỹ mặc áo lính khi đang tuổi học trò. Phạm Khoa Văn. Lê Hoài Nguyên. Dương Kỳ Anh. Dấu chân biên phòng. Hát với biên thùy. Gió Trắng. Ngày ấy. 4 tập thơ của Phạm Khoa Văn là kết quả 14 năm làm lính ở chốt biên phòng cuối cùng sông Nhật Lệ tuyến lửa Quảng Bình và địa đầu núi đá Hà Giang, nơi những năm đạn lửa anh nhận ra ý nghĩa của Bài học về binh khí súng trường và vẻ đẹp của ruộng bậc thang mềm mại như nếp váy Mèo. Phạm Ngọc Cảnh gọi Văn là người bộ hành lặng lẽ. Lê Hoài Nguyên xếp bút nghiên ra trận từ năm thứ 2 sinh viên. Thế giới đang tồn tại của anh cưu mang cuộc đời từ mọi phía; kể cả khi Nói hộ thị Mầu. Thị Kính chỉn chu như thế còn nói thêm gì được nữa. Thị Mầu là một giá trị văn hóa. Không hiểu ngoài cuộc đời đã lần nào anh may mắn gặp được thị Mầu chưa? Dương Kỳ Anh đồng cảm với bức tượng người đàn bà ngoại tình và nụ cười viên mãn trong vườn Lucxembourg. Người từng là trắc thủ bộ đội tên lửa sau chiến tranh lại được xem là hoàng tử của các hoa hậu đã một lần trót đa tình mà viết. Ngõ buông một sợi tơ hồng, Anh buông chiều biếc vẫn không gặp mình.
Thơ của các thi sỹ khoa văn thường ẩn chứa lòng trắc ẩn sâu sắc với cuộc đời. Tài hoa và nhân hậu. Khuynh hướng suy tưởng và triết lý trở thành giọng điệu chủ đạo trong thơ của họ. Họ đã hóa giải cái khoảng cách siêu hình của Heghen về sự khác biệt giữa anh hùng ca và mục ca. Bài ca ống coóng, Một người lính nói về thế hệ mình của Thanh Thảo là ví dụ. Một nền tảng văn hóa đa sắc và sung mãn dàn cảnh và lan tỏa cho mấy thế hệ nhà thơ khoa văn. Năm nhà thơ có tiếng nhất, chắc chắn đã có ba người ở thung lũng Đại Từ. Thanh Thảo. Ý Nhi và Bế Kiến Quốc.
Bế Kiến Quốc hồi đang là sinh viên đã sớm nổi tiếng khi giành giải nhì cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1969. Những dòng sông của anh mang hơi hướng tuổi học trò mà đạt được sức khái quát và trường cảm xúc mở rộng đến kỳ lạ.
Thanh Thảo xuất hiện muộn hơn nhưng lại là thi sỹ nổi bật hơn cả. Là chủ nhân của Đàn ghi ta của Lorca nổi tiếng, anh còn được mệnh danh là ông hoàng của trường ca. Những người đi tới biển. 1977. Trẻ con ở Sơn Mỹ. 1978. Những chiến sỹ Cần Giuộc. 1980. Bùng nổ mùa xuân. 1981. Đêm trên cát. 1982. Trò chuyện với nhân vật của mình. 1983. Cỏ vẫn mọc. 1983. Khối vuông Rubich. 1984. Metro. 2009… Tôi không đếm được bao nhiêu nhân vật trong trường ca Thanh Thảo. Họ có tên chung là những người cùng thời đại với chúng ta. Cả những nhân vật lịch sử cũng sống dậy cùng thời cuộc. Thơ Thanh Thảo là bài ca về cái đẹp và cái cao cả trong thế giới tinh thần của người Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Những người đi tới biển xuất hiện 1977 đã ghi nhận tầm vóc và bản lĩnh của tác giả. Nó ám ảnh đễn nỗi, một vài năm sau này, đọc một số trường ca khác, tôi cứ như phảng phất gặp ở đâu rồi. Dù là rất xa xôi. Những người đi tới biển nói hộ tâm sự của các nhà thơ khoa Văn cùng mặc áo lính ra chiến trường. Những năm chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách. Những năm một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời. Rồi đến lúc chúng con thay áo khác. Nhưng khi cởi áo rồi con không còn gì thay được. Trường ca hay nhất của anh là Những người đi tới biển, Đêm trên cát và Khối vuông Ru bích. Thanh Thảo lấy diễn tả tâm trạng làm chủ đạo với lối kết cấu mở không có cốt truyện đã tạo được sự đồng vọng giữa suy tư ước nguyện của thi sỹ với người cùng thời đại trong Những người đi tới biển. Giữa suy tưởng của nhà thơ với chí khí và hoài bão của Cao Chu Thần trong Đêm trên cát. Tầm bao quát và sự sâu sắc những vấn đề thời đại cùng với cấu trúc mới lạ và những câu thơ tài hoa, giàu biểu tượng ghi dấu ấn thi pháp Thanh Thảo trong làng thơ hiện đại. Những câu thơ sau đây tưởng như Cao Bá Quát nhập hồn vào tác giả viết ra suy tưởng của ông. Đêm cứng khô như một bức tường. Ai thả rơi từng bước chân. Hoang vắng… Ta đã giải trọn kiếp người. Với dòng sông dựng ngang trời thanh gươm.
Trường ca Chân đất công bố năm 2012. Có người hỏi tôi: Không biết câu tục ngữ của người Anh có ứng với trường hợp này hay không? The best is often the enemy of the good. Và không hiểu sau này Thanh Thảo có tìm được chiếc xe đạp Sterling bị thất lạc ở làng La Khê hồi 1970, trước khi anh đi chiến trường hay không?
Ý Nhi là người yêu thơ Nguyễn Du và Nguyễn Gia Thiều. Được giải khuyến khích cùng năm thi thơ 1969 với Bế Kiến Quốc. Năm 2000 có Tuyển thơ Ý Nhi từ các tập Nỗi nhớ con đường và Đến với dòng sông. Người đàn bà ngồi đan. Ngày thường. Mưa tuyết. Gương mặt. Vườn. Người đàn bà ngồi đan nhận giải thưởng Hội Nhà văn năm 1986.
Xem thơ, biết chị đi nhiều khắp Bắc, Trung, Nam và ở nước ngoài nữa. Một kẻ lang thang tìm đất mới, Với giọt lệ lớn nằm dưới đáy đôi mắt đang nheo cười và không sao tránh được lo âu mỗi độ mùa thu đến. Có lẽ vì vậy hồn thơ của chị thật nhạy cảm với tiếng gõ cửa vốn dĩ quá quen thuộc và đời thường. Một buổi chiều ở Praha chị viết: Tôi tưởng như mình đưa tay gõ lên cánh cửa, cánh cửa sẽ mở để Nhiemxova hát cho nghe bài ca xưa cũ. Đến Ngày thường lòng chợt ước ao một tiếng gõ bất thường sau cánh cửa. Và Cánh cửa bỗng một ngày bật mở. Ta gặp cả nhiều mùa thu chờ đợi ở bên ngoài đã lâu rồi. Nỗi xa cách của con người như không còn nữa… Thơ Ý Nhi giàu suy tưởng mà đằm thắm. Giản dị mà khắc khoải kiêu sa. Chị có 3 bài thơ nói về thung lũng Đại Từ. Mưa dạo tháng mười. 1972. Với Lệ. 1978. Về Thái Nguyên. 1984. Khi mùa thu vừa mới đi qua. Mùa đông còn chưa đến. Đã thấy mưa trổ lưng chừng đồi. Nguyễn Du-1813 ở đoạn kết chị viết: ta như người gảy đàn sau tháng ngày tan hợp, mặt đã võ vàng, áo quần rách nát, không lìa khúc đàn xưa… Dường như để nói tâm niệm của người thi sỹ với thơ ca. Những cây sồi bên hồ Thuyền Quang làm tôi nhớ lại luận điểm của Heghen con người nhân tính hóa hoàn cảnh và hoàn cảnh không thể nào giữ được tính độc lập của nó đối với con người.
Năm 2010, trở lại cái bến cũ cuối đoạn đường Tràng Dương. Tháng 10 suối hẹp chớ không rộng. Tôi vẫn tin câu thơ Ý Nhi đã viết: lòng suối Đôi rộng quá trong Mưa dạo tháng 10. Vì sau 40 năm trở về mới lội qua được nó. Tôi một mình lội bộ sang bờ bên kia. Nước suối chảy thẫm ướt phía trên đầu gối. Tôi không quen biết Ý Nhi. Mùa đông năm 1970, một hôm giáo sư Nguyễn Lộc đang lên lớp trong giảng đường cũng tường đất lợp tranh. Ở cuối làng La Khê. Trên bờ sông Nhuệ. Bỗng dưng cuối lớp có tiếng lao xao. Giờ nghỉ mới biết một người đã đến. Mọi người vây quanh. Ý Nhi nói: Sớm nay giữa buổi, trời trở lạnh, vội lấy áo ấm từ Hà Nội đạp xe mang vào cho anh Lộc mặc. Bao nhiêu là tiếng xuýt xoa... Từ bữa ấy đến nay, tôi không bao giờ gặp chị nữa. Mỗi khi đọc Về Thái Nguyên 1984 lại nhớ những con đường ven đồi lau xám và không nguôi quên nguồn sáng mặt trời chảy như xối qua cánh rừng 20 năm cũ. Bây giờ thì đã 50 năm cũ mất rồi.
Tôi không hiểu các thi sỹ ra đi từ khoa Văn có lúc nào họ ngồi lại được với nhau chưa? Điều gì đã làm cho họ dấn thân vào cuộc đời thi sỹ? Một cái hích của thượng đế chăng?. Không hiểu bưu cục T104.E còn dùng đến bao giờ nữa? Chỉ biết thung lũng Đại Từ những năm chiến tranh đã là thung lũng của hòa bình. Của tri thức. Của những gì tốt đẹp bắt đầu cho nhiều thân phận con người đã một lần ghi dấu ấn ở đây. Mấy chục năm trời trở lại vẫn như xưa. Vẫn núi ấy. Suối ấy. Con đường ấy. Thậm chí cả những mái nhà ấy nữa. Rất ít đổi thay. Dù ánh điện đã được mang đến thung lũng đèn dầu lúp xúp ngày xưa. Sự không đổi cả trong cảm giác khi chân trần lội qua con suối vẫn mơn man chảy từ độ ấy đến giờ. Những mùa lúa vẫn rơm rớm vàng trong thung lũng như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đất nước gần một thế kỷ đi qua máu lửa của chiến tranh vẫn giành cho ta một thung lũng yên bình để khi bước vào thử thách ta hiểu được. Tuổi hai mươi làm sao không tiếc. Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc. Cỏ sắc mà ấm quá phải không em? Tôi thử dùng Khối vuông Ru bích của Thanh Thảo. Anh bảo ru-bích không phải là trò chơi lãng quên. Tôi xoay những ô vuông thêm một lần nữa. Lần thứ 58. Ngoài bản trường ca. Đột nhiên dòng suối Đôi hiện ra trong ngăn ngắt. Viên cuội trắng pha xanh vẫn hiền lành nằm dưới đáy. Viên cuội tôi đã dẫm phải năm 18 tuổi. Thời còn tuổi học trò mà tôi đã lãng quên.
5.2015
Nguồn: Văn nghệ số 23.5.2015