Nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ Mới

Sinh năm 1920. Đến tết năm nay ông tròn 100 tuổi. Có nhẽ thi sỹ Nguyễn Xuân Sanh là người cuối cùng của phong trào Thơ Mới (1930-1945) còn tại vị trên thế gian này.

Trong số 44 người được Hoài Thanh chọn thơ vào Thi Nhân Việt Nam 1941 không có Nguyễn Xuân Sanh. Cũng không có tên Nguyễn Xuân Sanh khi xếp 3 dòng thơ. Dòng Pháp. Dòng Đường. Dòng Việt. Cũng không thấy tên ông trong các xóm thơ. Xóm sông Thương. Xóm Huế. Xóm Bình Định. Xóm Hà Tiên... Mặc dầu vậy, bài tổng luận ở đầu sách - Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh đã không quên vị trí của Xuân Sanh, nói về ông đến hai lần trong dòng chảy phát triển của Thơ Mới. Hoài Thanh viết. Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách của thơ Pháp lối tượng trưng nhưng còn dè dặt. Bích Khê và ít nhiều nữa như Xuân Sanh muốn đi đến chỗ người ta thường cho là cao nhất trong thơ tượng trưng: Mallarme, Valéry ... Thơ tượng trưng được người ta thích hơn nhất là Baudelaire. Có thể nói hầu hết các nhà thơ vừa kể trên, không ít thì nhiều, đều bị ám ảnh vì Baudelaire. Sau nhận định này về Xuân Sanh, Hoài Thanh có một chú thích nhỏ dành cho riêng Nguyễn Xuân Sanh rằng tác phẩm chưa xuất bản nhưng làng thơ thường nhắc đến. Như thể một lời thanh minh của Thi Nhân Việt Nam đã không chọn bài thơ nào của Nguyễn. Kỳ thực, theo Hồi ký Song đôi của Huy Cận thì vào hè năm 1935, chàng Huy và Xuân Sanh đã viết tay được một tập thơ chung khoảng 50 bài gửi cho nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hải Phòng. Khi ấy Xuân Sanh chừng độ 15 tuổi. NXB đã không in tập thơ và theo Huy Cận - Người sau này tự họa thơ mình là Thơ ơi, chiếc võng ta treo, Đầu theo vũ trụ đầu theo loài người, rằng họ đã không thèm trả lời. Nguyễn Xuân Sanh trước khi nổi tiếng với Buồn xưaBình Tàn Thu trong Xuân thu nhã tập 1942, Ông đã có một số bài thơ đăng báo như Xuân ngày - Bút Mới - Sài Gòn 1938. Giường bệnh mùa thu – Bút mới – 9/1938. Xây Mơ - Tiếng Địch - số 1 - 1938. Buồn Mơ, Đường Xuân - Thanh Nghị số tết 1942 v.v... Trong đó bài thơ Xây Mơ viết tặng Chế Lan Viên và được nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc vào năm 1940 là đáng kể hơn cả. Khuynh hướng siêu thực, tượng trưng đã đậm nét trong bài thơ ấy. Tay sương lam mờ đường buông tơ. Nghe sương lam mờ đường dăng mơ... Chưa thả bờ yêu ra đón má. Môi xa vây người nơi xa xôi.

Hoài Thanh viết Một thời đại trong thi ca tháng 11-1941. Tháng 6 -1942 Xuân thu nhã tập in thơ của Nguyễn Xuân Sanh mới được ấn hành. Nhưng lý do chính Hoài Thanh không chọn thơ Nguyễn Xuân Sanh vì ông không ủng hộ khuynh hướng đổi mới tìm tòi thi ca của tác giả này. Sau khi nói gần nói xa một chặp, Hoài Thanh bộc lộ Các ông Bích Khê và Xuân Sanh noi theo gương Mallarmé, Valéry không thèm giữ gìn gì hết. Đôi khi hình như họ đã diễn tả được những điều sâu kín. Nhưng lời thơ rắc rối quá… Rồi dư ba ấy cứ kéo dài mãi. Cho đến gần hết thế kỷ 20.

Bây giờ nhìn lại, Xuân thu nhã tập dội lên như một hướng tìm tòi mới được giới văn chương đương thời coi là một hiện tượng văn học độc đáo, sự tiếp nối của phong trào Thơ Mới ở chặng đường cuối cùng của nó. Ở đây tình yêu, sự cô đơn, nỗi buồn với mọi cung bậc màu sắc đã được khai thác đến vỉa cuối cùng. Hai bài thơ Buồn XưaBình Tàn Thu, Buồn Xưa nổi bật nhất. Nó hiện ra vẻ đẹp toàn bích và kỳ ảo của chủ nghĩa tượng trưng.

Lẵng xuân

Bờ giũ trái xuân sa

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

            ... Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

             ... Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời.

Buồn Xưa như tiếng nhạc trầm buồn của hoa lá cỏ cây, của nhịp hải hà đầy quyến rũ đưa đẩy người ta vào thế giới của siêu thực trong sáng mà say đắm. Để cuối cùng chợt nhận ra rằng sau những quỳnh hoa và ngọc quế ảo não trong nỗi buồn không sao giũ được, không thể thiếu được bóng dáng của người xưa yêu dấu. Đó là chàng hoàng tử nghiêng mái tóc buồn đượm một làn mưa giữa ngàn mây tràng giang buồn muôn thuở. Tôi mường tượng chàng hoàng tử đó chính là Nguyễn Xuân Sanh. Khi viết bài thơ này ông mới 19 tuổi. Tôi đã xem thủ bút của Nguyễn Xuân Sanh viết cho ông Đỗ Lai Thúy hồi mùa hạ năm 2012. Cách đây 7 năm bài Bình Tàn Thu. Bình Tàn Thu hay không kém Buồn xưa. Ở đấy mùa thu thật đẹp không chỉ bởi sương mù héo lệ dặm đường hương mà còn là vẻ đẹp kỳ ảo của cung phi dăng bướm buồn nghê thường. Nhưng tôi cứ lấy làm tiếc sao Xuân Sanh không viết bài thơ thần của mình để người đời nhìn ngắm cái run rẩy đầy kiêu sa trong nét chữ của thi nhân một thời vang bóng và tiếng đời u huyền trực tiếp ẩn trong những ký tự mơ hồ của Buồn xưa. Xây mơ, Buồn xưa, Bình Tàn thu có lẽ là 3 bài thơ nổi trội nhất của thơ tượng trưng Nguyễn Xuân Sanh.

Trong Xuân thu nhã tập 1942 có một bài viết của 3 người. Đoàn Phú Tứ. Phạm Văn Hạnh. Nguyễn Xuân Sanh. Đến bây giờ vẫn còn để ta suy ngẫm về sự làm thơ. Thơ như giai nhân. Như đẹp. Như trời - Có rung động là có thơ - Thơ có thể có trong âm nhạc, hội họa, kiến trúc... và cả trong đạo lý -. Thơ = Trong = đẹp = thật.  Thơ là đạo: Đạo - âm + dương - Sáng tạo - rung động - thơ - đạo.  Thơ không cấm lúc nào cũng rõ nghĩa v.v...

Vào năm 1940-1941, Nguyễn Xuân Sanh viết tập Đất Thơm - theo thể thơ văn xuôi đã trích đăng trên báo Thanh Nghị số 37 ngày 16-5-1943, thể hiện cách tổ chức đặc sắc một bài thơ văn xuôi với những tiêu đề nhỏ và những suy tưởng thơ rộng mở của tác giả. Đây là một buổi chiều giữa xuân: Chiều nay ta chỉ yêu đồng xanh. Ta mộng cánh đồng vàng ... Đồng mọi nơi sắp chín. Sắp gặt vụ mùa. Chùm bông nặng chưa chín nghiêng nhành lúa trong hạt đã gần căng. Hương đặc lùa ra bờ ruộng cỏ... Ta dành buổi chiều nhớ cánh đồng vĩnh viễn. Những vần thơ tươi sáng và mới lạ. Bằng Đất Thơm, Xuân Sanh là nhà thơ đi tiên phong về thơ văn xuôi trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Sau này, các nhà thơ tiếp tục con đường khai mở của Nguyễn Xuân Sanh. Năm 1964 ở miền Nam Thanh Tâm Tuyền đã cho ra đời tập thơ văn xuôi: Liên - Đêm - Mặt trời nhìn thấy. Thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu 21, một số nhà thơ trẻ cũng sáng tác thơ văn xuôi như Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh v.v... Thơ văn xuôi tiếp tục hành trình đi tìm cái mới.

Các nhà văn đương thời như Tế Hanh, Trinh Đường, Nguyễn Bao, Mã Giang Lân, Đỗ Lai Thúy v.v... không chỉ một lần cho rằng Nguyễn Xuân Sanh là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, một hướng đi mới của Thơ Mới ở chặng cuối con đường của nó. Có người tỏ ý nuối tiếc rằng chàng thi sỹ của Buồn Xưa lại không đi tiếp con đường đổi mới thi ca vừa mới bắt đầu mà nhường việc ấy cho những người trẻ hơn tiếp tục như Nguyễn Đình Thi. Hồng Nguyên. Chính Hữu... Tôi cho rằng điều ấy cũng phù hợp với logic của sáng tạo văn chương. Sau cách mạng Tháng 8/1945, Xuân Sanh làm chủ bút tuần báo Gió Mới của Tổng hội sinh viên cứu quốc. Sau tham gia lãnh đạo văn nghệ kháng chiến liên khu 4. Đến giữa năm 1949 về công tác ở Trung ương Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc. Từ 1954 đến 1989 liên tục tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Có khi được giao làm Tổng thư ký. Sự thay đổi nghiệp đời như thế lẽ dĩ nhiên thế giới quan phải thay đổi, có lẽ làm cho ông chuyển từ siêu thực vốn đã bị phê bình sang phản ánh hiện thực cho an toàn hơn. Chuyện hay dở trong văn chương là chuyện của cả một đời người, đôi khi còn chưa dứt. Các tập thơ Tiếng hát quê ta (1947-1954). Sáng Thơ (1956-1960). Nghe bước vào xuân (1956-1960). Đất nước và lời ca (1970-1977). Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh (1936-1990) v.v... cả một đường thơ được nhẫn nại đắp nên để đi tới. Rất đáng được người đời trân trọng.

Vậy mà, khi đọc lời giới thiệu Con đường nửa thế kỷ thơ của Nguyễn Xuân Sanh do Tế Hanh viết từ 1987 đến 1991, tôi không sao tránh khỏi bị ngậm ngùi. Nhớ lại hồi 1941, Hoài Thanh đã nhắc nhở Tế Hanh như sau: Tệ hơn nữa, người muốn hưởng cái thú tàn nhẫn được thấy người yêu "đau đớn quằn quại"... sự thành thực của thi nhân không thể ngờ được... Tế Hanh có khắt khe lắm không khi vào năm 1991 rồi còn hạ một câu: có một số cái gì dường như còn chưa nhập cuộc, hay có thể nói đúng hơn chưa nhập cuộc hoàn toàn... Có một đôi cái gì do hoàn cảnh nào đó chưa nở rộ hẳn ra đón chúng ta. Thời bao cấp bảo gì thì bảo mà bảo nhà văn chưa nhập cuộc thì ... thôi rồi! Chừng ấy của cả đời thơ Nguyễn Xuân Sanh mà bảo chưa nhập cuộc được chăng?

Nhận xét của Tế Hanh chỉ nên dành cho một số bài thơ đã thuộc về dĩ vãng như Trong sương đêm (1947). Ghi câu chuyện nhỏ (1948). Rừng vui (1949). Từ siêu thực trầm mặc thơ và đạo kết liền nhau đến con đường thơ phản ánh hiện thực là một sự quặn đau dữ dội để phục sinh không dễ dàng chút nào. Dường như đó là con đường chung của nhiều nhà thơ có thành tựu trong phong trào Thơ Mới đi theo Cách mạng, kể cả những thi tài như Huy Cận, Chế Lan Viên. Họ phải mất hàng chục năm để phục sinh. Cả hai người ấy, nhất là với Chế Lan Viên, đến lúc phục sinh thì lập tức nở rộ. Như cuộc diễu hành chiến thắng của nhiều tập thơ hay. Nguyễn Xuân Sanh không có được cái may mắn ấy. Chặng đường phục sinh của thơ ông dài đằng đẵng đến hết thế kỷ 20. Thơ ông không chín lại theo mùa như các bạn thơ cùng thời mà chín từng bài. Đôi khi từng câu một. Đôi khi khoảng cách giữa sự chín ấy lại thật là dài…

Bao nhiêu tình ý của một cuộc đời. Nhưng tôi nhận thấy hễ khi nào Nguyễn Xuân Sanh viết về hoài niệm, về kỷ niệm đã qua, thường có được những câu thơ hay nhất. Và số đó cũng không phải là nhiều, nếu không muốn nói là ít ỏi của lao động vất vả một đời người. Dòng thơ về hoài niệm, kỷ niệm đựng nhiều thơm thảo nhất trong thế giới thơ Nguyễn Xuân Sanh.

Đó là hoài niệm về biển miền Trung sóng vỗ bạc đầu, rạt rào nỗi nhớ quê hương, nghe như bức tranh thiên nhiên đã để lại lâu lắm rồi bên trời Thu.

Mũi Én như bàn tay hứng trăng

Trút ánh đêm Thu bãi cát bằng

Sóng vỗ bạc đầu quanh mỏm đá

Rạt rào nghe rõ tiếng đêm chăng?

Nhớ biển 2-1961.

Đó là cảnh mùa xuân bâng khuâng ở chùa Hương Tích.

Xuân chưa về, núi chưa mưa

Nhưng bên ta khắp rừng mơ nở rồi.

Trước xuân thăm chùa Hương Tích 12-1962.

Đó là kỷ niệm trên Nậm Tà Lê ở Trường Sơn. Rừng, sông, núi như nói hộ lòng người ra trận mà vằng vặc nỗi niềm với đất nước quê hương.

Tôi cầm dăm cánh lá bay

Thả xuôi con nước rừng ngây ngất chiều

Con sông vằng vặc nhìn ai

Nhìn khuya ngọn núi, nhìn mai con đường.

Trên một ngả đường đất nước 9/1973.

Đó là ngọn đồi Mái Nhà ở miền Trung nơi con trai nhà thơ đã ngã xuống thời chiến tranh. Khi hòa bình ông đến đây chỉ gặp được gió không gặp được người.

Đá hiện lên gương đồi xanh

Nghe như ngan ngát hương lành cỏ tơ

Ta đi cho đến bao giờ

Mà trời cứ mở gió trưa, gió chiều

Thăm ngọn đồi nơi con từng chiến đấu 6/1/1976.

Đó là trở lại đường cũ tuổi thơ ở thành phố biển Quy Nhơn khi ông đã  về già, những kỷ niệm của đời người tưởng đã rất xa mà lại sẫm màu hiện tại.

Về đây cả một cuộc đời

Tim ta tìm lại bồi hồi ngõ đêm

Trên kí ức một hiên thềm

Biển vui thở sóng dãy đèn ngã tư

Thăm đường cũ ngày tuổi nhỏ, quãng sau 1980.

Nguyễn Xuân Sanh còn nổi tiếng là một dịch giả thơ có uy tín. Cùng với Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Đào Xuân Quý... Một thế hệ vàng trong việc chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt thơ của các nhà thơ nổi tiếng cả ở 5 châu lục, nhất là các nhà thơ phương Tây. Heinrich Heiner, G.Apollinaire, Paul Éluard, Adam Mikiewicz, Petofi Sándor... Hai trăm bài thơ dịch của Nguyễn Xuân Sanh góp phần vào việc xây dựng nền tảng cho văn học dịch ở lĩnh vực thơ ca. Ông dịch thơ tây mà bình di dễ hiểu. Nhớ mãi cảnh mùa thu thân thuộc chẳng khác gì làng quê Việt Nam trong thơ Apollinaire, khi người nông dân dắt bò đi trong sương mù buổi sớm, nó che nỗi thẹn thùng của thôn xóm nhỏ. Người nông dân vừa bước đi vừa ngâm nga bài ca về tình yêu và lòng bội bạc để kết thúc bằng một câu cảm thán. Ôi! mùa thu đã giết chết mùa hè. Giữa sương mù hai bóng xám ra đi.

Nghề làm văn, làm thơ là nghề của ân tình. Nếu không thế thì làm để làm gì nữa. Tôi biết Nguyễn Xuân Sanh là nhờ học thuộc lòng bài thơ Vườn dừa của ông trong sách tập đọc lớp 4 hồi năm 1960. Khi vào đại học năm 1968 biết thêm Buồn xưa. Một trong số ít bài thơ được nhớ vì quá đặc biệt, không giống một ai. Thơ đã đành rằng quý một đằng vì hồn người ở đấy. Nhưng khi tuổi càng già đi với bao trải nghiệm nhiều khi đắng cay ở cuộc đời này thì càng quý trọng tình người, tình đời, tình bạn bè... Càng yêu quý và trân trọng, đồng cảm với Nguyễn Xuân Sanh. Ông quê gốc ở Quảng Bình nhưng sinh ra ở Đà Lạt. Thời đầu những năm 1930, Cụ thân sinh làm thừa phái ở Quy Nhơn. Vì vậy Nguyễn Xuân Sanh học ở trường Quốc học Quy Nhơn. Trường có thầy Tú Thọ, thân phụ nhà thơ Xuân Diệu. Thầy Tú dạy chữ nho vào thứ 5 hàng tuần. Xuân Diệu cũng học ở trường đó trước Nguyễn Xuân Sanh mấy năm. Tình bạn giữa Chế Lan Viên và Nguyễn Xuân Sanh thật cảm động. Trong thư Chế Lan Viên gửi ông ngày 20-4-1988 có viết: "Sanh à, mình có về Bình Định, tìm ra cái nền nhà mình, tức là nhà Sanh bên cạnh". Nguyễn Xuân Sanh và Chế Lan Viên khi ở Quy Nhơn cũng như khi về nhà bố mẹ ở sát bên nhau, ngoài cửa đông thành cổ Bình Định, thị trấn An Nhơn, thường nói chuyện với nhau về Hàn Mạc Tử. Nhớ lại việc in Điêu Tàn, hồi 1957, Chế Lan Viên viết. Hồi đó Sanh đứng ra xem in Điêu Tàn, và lo cho cả việc đòi nợ của Thái... Thất Lang Nam kỳ bây giờ. Sanh có nhớ bữa hai đứa đi đòi được 20 đồng, Sanh dẫn Hoan đi may brique?.

Năm 1937, Chế Lan Viên gửi Điêu Tàn từ Quy Nhơn ra Hà Nội cho Nguyễn Xuân Sanh. Một buổi chiều, Xuân Sanh liều mạng xông bừa vào nhà in Thụy Ký ở phố Hàng Gai. Vì cái liều ấy mà được nhận in Điêu Tàn với giá 50đ. Nguyễn Xuân Sanh đã lo sốt vó vì số tiền thật là quá to. Xuân Diệu nhận sắp xếp lại trật tự các bài thơ trong Điêu Tàn. In xong, Xuân Sanh gói ghém Điêu tàn gửi vào Quy Nhơn cho Chế Lan Viên để phát hành ở trong Nam, còn ông tự đi phát hành ngoài Hà Nội để có tiền trả cho Thụy Ký. Điêu Tàn, một trong những tập thơ nổi tiếng nhất thế kỷ 20 đã bước ra cuộc đời một phần nhờ tình bạn như vậy đấy.

Huy Cận trong Hồi ký song đôi có kể một kỷ niệm đáng nhớ của ông và Xuân Sanh, khi họ mới chập chững bước vào nghề văn. Hồi mùa hè 1936, Huy Cận có mấy bài bình văn được đăng báo Sông Hương do Phan Khôi làm chủ bút, Hoài Thanh làm biên tập. Xuân Sanh khuyên Huy Cận đến thăm tòa báo. Vào một buổi chiều, hai người tìm đến trụ sở báo ở phố Gia Hội. Hoài Thanh tiếp họ. Nói chuyện văn học hợp gu lắm. Cả hai người rào trước đón sau quanh co mãi rồi cũng hé ra cái chủ ý muốn tiền nhuận bút. Nhưng cả hai ông phải về tay không, vì những bài của Cận chỉ là những bài lai cảo không được trả tiền.

Cuối tháng 5-2019, tôi đi tìm gặp Nguyễn Xuân Sanh, với cái vinh hạnh một kẻ hậu thế được trực tiếp kiến diện người cuối cùng của phong trào Thơ Mới. Nguyễn Xuân Sanh mấy năm nay về nương tựa tại nhà con gái ông ở phường Khương Trung, đường Tô Vĩnh Diện. Tôi đã xem nhiều sách của các cụ nhà ta ngày xưa cũng như các học giả thời hiện đại về kinh thành Thăng Long thấy rất ít nói về làng Khương lắm! Khương Hạ, Khương Trung, Khương Thượng xưa là đất trồng rau, đặc biệt là trồng gừng để phục vụ cho việc làm thuốc trong Hoàng Thành. Ở đây có cả một xóm người Chăm theo quan quân triều đình ra đây lập nghiệp từ hồi thế kỷ 13, 14. Sau này thời thực dân, phát sinh một số gia đình làng Khương làm nghề thợ nguội ở trên phố hàng Thiếc... Cư dân cả 3 làng đều là tầng lớp bình dân cả. Khác với bên kia sông Tô Lịch - bên làng Mọc, làng Quan Nhân... toàn là đất học và đất làm quan. Có nhiều danh sỹ người gốc vùng đấy... Trong cuốn Hà Nội Chỉ Nam có phụ đề bằng tiếng Pháp Guide de Hanoi được Nghiêm Hàm ấn quán in 1923 thì nếu đi xe điện từ Bờ Hồ qua Hàng Gai, Hàng Bông rồi Thái Hà ấp (sào quật của các cô đào) đến Ngã Tư Sở vào Hà Đông cả hai đường giá vé hạng ngồi đệm da người lớn 7 xu, trẻ con 3 xu. Đến Ngã Tư Sở xuống tàu đi bộ vào Khương Trung. Còn nếu đi xe ngựa cao xu thì phải thuê nửa ngày tại tiệm Maison Tricolore ở 46 Hàng Lọng hết 6 đồng bạc Đông Dương. Xa xôi quá. Tôi làm một tour taxi đến đường Tô Vĩnh Diện thì dừng lại xuống xe đi bộ. Đoạn đường không phải thật là dài. Nhưng cũng đủ để tôi ôn lại đường đời đường thơ qua một thế kỷ mà gió mưa đã đưa chàng hoàng tử trong Buồn xưa đến cư ngụ tại nơi xa xôi và hẻo lánh nhất của kinh thành xưa. Tôi đã đi theo chàng qua nhiều địa chỉ ở cuối bài thơ. Đà Lạt. Quy Nhơn. Huế. Hà Nội. Vùng than Quảng Ninh. Việt Bắc. Bungari. Rumani. Paris. Mascơva. Bắc Kinh... và sáng hôm nay tôi đi tiếp đoạn đường có lẽ là đoạn đường cuối cùng của chàng. Đời người ta sao phiêu diêu thế nhỉ? Đến nhà rồi. Đó là một tòa nhà hai tầng. Vẻ bề ngoài nhỏ mà yên tĩnh và thanh lịch. Ở tầng trệt hình thành 5 không gian sống không có vách ngăn đầy đủ. Bước vào nơi để xe đạp, xe máy và giày dép. Tiếp theo bên trái là nơi đặt 4 chiếc ghế giả da đã cũ dùng để tiếp khách. Một bên là tường. Một bên dựa vào chiếc tủ đứng bằng ván công nghiệp. Trong khung kính phía trên tủ có đặt ảnh chân dung của Vũ Tú Nam và Nguyễn Xuân Sanh. Đằng sau cái tủ ấy rộng chừng hơn 1m bề ngang đủ kê một chiếc giường và bàn làm việc cho nhà văn Nguyễn Cẩm Thạnh. Sinh 1927. Phu nhân của nhà thơ. May mắn diện tích nhỏ này có 1 khung cửa sổ đón ánh sáng từ bên ngoài vào. Tôi xin phép chị Nguyễn Thị Việt Triều, người con gái hiếu thảo thay mặt cả gia đình chăm sóc nhà thơ và vợ ông lúc cuối đời, cho tôi được vào kiến diện ông. Đi qua một khu bếp nhỏ chừng vài m2 nhiều đồ đạc bước vào ngăn thứ 5 với một khoảng sân trời nhỏ để đón ánh sáng tự nhiên. Kế đến là diện tích vừa đủ đặt chiếc giường. Màn buông kín và có nhiều cặp nhựa nhỏ kẹp theo mép đỉnh màn. Trong màn là một cụ già đầu tròn, tóc cắt sát da đầu, mắt nhắm, phía trên một góc màn là dây tiếp thuốc. Có 1 dây đưa thẳng vào bụng để truyền thức ăn. Tự dưng tôi ứa nước mắt. Đó là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - chàng hoàng tử của Buồn xưa, người tôi đã thấy đẹp trai, hào hoa phong nhã trong những bức ảnh hồi kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc và những năm sau hòa bình của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Im lặng choán chỗ không gian sống. Tôi không nhớ khi ngồi ở chỗ ghế khách bên ngoài hay ở đây, hay ở ngoài ngõ vắng 102, tôi đã đọc thật to: Em nhớ trái dừa tròn, Của quê em Bình Định, Lấy ngón tay em tính, Ngày trở lại vườn dừa. Mắt nhà thơ đương nhắm nghiền chợt mở ra ở phía bên trái. Tôi đọc tiếp thật to: Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà bật ra từ vô thức. Tôi như thấy khóe miệng của người trăm tuổi ấy nở ra một nụ cười khô héo mà thật phong nhã, kiêu sa. Vâng! Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà. Và trong góc chật hẹp của gian phòng nhỏ bé này như vang lên khúc Dạo chơi của Paul Éluard qua lời của người đang im lặng nằm bất động trong cái màn mà đỉnh của nó đính đầy kẹp nhựa định mệnh kia.

Bé hơn một quốc gia

Nhưng đất rộng vô song

Đất thuộc về tôi nơi đây và nơi đó

Ở bất cứ nơi đâu khác nữa...

 

Hà Nội, tháng 5 đến tháng 8 -2019

Nguồn: Báo Văn nghệ số 35+36 ngày 31/8/2019

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60516873
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8384
12997
60516873

Thành viên trực tuyến

Đang có 291 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website