Đó là những thi sỹ sinh ra từ 1950 đến 1959. Họ là một lực lượng đông đảo chừng 80 người. Họ bước lên thi đàn Việt Nam hiện đại ở những thời điểm khác nhau từ khoảng 30 năm sau cùng của thế kỷ 20. Có người đã sớm tham dự vào phong trào thơ chống Mỹ cứu nước, cùng thế hệ cha anh đi trước viết những bản tráng ca anh hùng của thời đại những năm đánh Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên cương từ ngút ngàn núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên... đến hải đảo ngoài khơi xa biển Đông sóng dữ. Thế hệ của họ hơn ai hết mang trên vai mình sự trăn trở, hồ hởi, lo âu và đầy mẫn cảm những biến thiên của thời cuộc những năm đổi mới, trước sâu thẳm của đời sống cá nhân con người với bao ước vọng, khát khao về hạnh phúc của số phận con người trong bể dâu vô cùng quyết liệt của đời sống. Và điều quan trọng hơn cả, thế hệ ấy đã mang đến tiếng hát của thi ca mới mẻ, những tâm trạng lắng sâu trăn trở cùng sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước trong tiến trình đổi mới để không ngần ngại bước vào một cuộc tìm tòi đổi mới thi ca. Tôi muốn nói tới thời điểm bước lên thi đàn Việt Nam của 5 người trong số họ. Vũ Đình Văn. Hoàng Nhuận Cầm. Trần Đăng Khoa. Nguyễn Lương Ngọc. Nguyễn Quang Thiều.
Vũ Đình Văn - Đợi ngày về anh chia lửa cho em.
Vũ Đình Văn tham dự phong trào thơ chống Mỹ mặc dù đã vào thời gian muộn và những sáng tác hay nhất trong số 19 bài cùng với khoảng thời gian làm thơ quá ngắn chỉ trong năm 1972, những bài thơ như nhật ký chiến trường ấy đã mang đến cho thời đại phong cách thơ độc đáo bằng trực giác tinh tế và mẫn cảm ẩn chứa trong nhiều câu thơ thật tự nhiên và tài hoa kết hợp với cái bản lĩnh trầm tĩnh của người lính trận hàm chứa sắc nét trong những bài thơ có dáng vẻ của một thi sỹ đã trưởng thành. Đất nước đã nâng họ đứng dậy trên các chiến hào đánh giặc. Đêm gác miền Trung 19-1-1972. Đêm hành quân qua phà Long Đại 5-1972. Nửa sau khoảng đời. Cây số bốn 10-1972. Dũng sỹ bạn tôi. Tiếng kẹt cửa 11-1972. Cái nhẫn 20-11-1972. Ở đây thơ với nhật ký của một cuộc hành quân là một.
Vũ Đình Văn viết thơ về những đêm chiến tranh bằng một trực giác lạ thường. Đó là Hà Nội Những đêm cuối bảy mươi, cành sấu gió không còn ngọt tiếng trong khi đậm đà từng ngách phố một màu nâu trăn trở với con người. Đêm chiến tranh dù ở đâu cũng vậy, khắp trên Tổ quốc ta trang nghiêm trầm tĩnh mà xúc động lạ thường cùng với tình quân dân ấm áp. Có những đêm miền Trung đầm đậm. Biển Nga Sơn vỗ vào rất ấm. Bọn mi lên đường, tau nhớ mần răng.
Những đêm trăng hành quân. Đêm ấy đêm trăng hành quân qua phà Long Đại, nghe tiếng nhắc của người con gái, nghe được cái ấm nóng của dòng sông mà những tưởng thời gian đứng lại. Mặc quân thù cứ xuống bến đi anh. Nước Nhật Lệ khuya rồi còn âm ấm. Tiếng côn trùng không kêu làm đêm đi rất chậm.
Đêm gác miền Trung người lính trẻ thức với quê hương mới hiểu ra cái đêm miền Trung đêm nhớ thế, là đêm lần đầu tiên nghe sóng bể, những ngọn sóng dài nóng bỏng lòng trai. Anh đứng gác để miền Trung bình yên ngủ. Rồi đêm khuya ở lại lán trong rừng nhắc ai: Việc khuya, chi đó, riêng chung. Có đi đánh giặc hãy dừng lán ta. Bỗng dưng bát ngát một câu hò có màu sắc tím: Khuya rồi vọng một tiếng chim. Ai hò tím cả đồi sim ai hò. Người lính ấy hình dung Tiếng kẹt cửa của đêm chuẩn bị vào trận đánh tiếng kẹt cửa khép dần yên tĩnh lại, đêm mông lung lắng đọng những màu xa. Những đêm ra trận thời đánh Mỹ cả nước là một chiến trường với Vũ Đình Văn đồng đội là những người anh em và họ chung một niềm vui: Ngày Vĩnh Linh mà đêm thành Quảng Trị, Miền Nam ơi! xin gửi phút giây này. Nhưng cái đích cuối cùng của trận đánh sinh tử là hòa bình, là tình yêu lứa đôi sẽ đoàn viên dù bây giờ là những đêm hành quân rất rội mà hy vọng không bao giờ tắt của hai người. Mắt em, mắt anh ngần ấy vì sao để có được lời hẹn bất tử không bao giờ chết.
Ôi! cái khoảng đời đêm nay cháy đỏ
Đợi ngày về anh chia lửa cho em.
Vào độ mấy ngày cuối tháng 7-2020, tôi đến số 47 Lãn Ông thắp hương bái lễ Vũ Đình Văn. Từ phố vào nhà phải đi sâu vào một con ngõ nhỏ, giống như bao nhiêu ngõ nhỏ của phố cổ Hà Nội. Chật và kín tựa một đường hầm tôi tối dài khoảng 100m; không có đường thông đi ra ở phía bên kia. Ở Hà Nội có hàng vạn đường hầm ngõ nhỏ như thế. Người Hà Nội đã ra đi từ đó không biết bao nhiêu thế hệ để bảo vệ Tổ quốc và phẩm giá con người. Khi ra đến đầu ngõ, nắng cuối hạ đã nhạt màu chớm thu, tôi chợt thấy rặng núi hồn nhiên của Văn hiện về sương khói trên phố Lãn Ông.
Ai gọi dải núi trước nhà là Giăng hạc
Để ấm lưng mình một dải Cù Êu
Hoàng Nhuận Cầm - Chày mùa thu gõ mãi lời nước non.
Tôi hình dung khi Hoàng Nhuận Cầm bước lên thi đàn giống như một Ga vơ rốt trên trận tuyến. Cầm đã mang tiếng nói tươi trẻ cuả tuổi học trò vào trong thơ. Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu nên trong ba lô người lính của Cầm giống như bao người khác cùng thế hệ ra trận thời đánh Mỹ. Tuổi học trò vô tư, đầy mơ mộng và chẳng biết sợ hãi gì lưỡi hái độc ác của chiến tranh. Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu. Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ. Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có. Một hai ba giọng hát chú ve kim.
Tiếng ve thì đã rõ rồi. Nó khai mở những mùa thi. Những mùa hè. Những mùa phượng đỏ. Nhưng tiếng hát Hoàng Nhuận Cầm còn là tiếng chim của tuổi học trò đã lên tận một đồi chốt lắm chim. Giữa nơi trận mạc, người lính trẻ còn lọc biết được chuyện chim ri ngây thơ, sáo sậu thì khoác lác nhất nhì. Chú vẹt thì nhắc đi nhắc lại chuyện cũ. Tiếng chim Cuốc như máu chảy về tim khi đất nước còn chia cắt. Cuối cùng cũng lộ ra Hoàng Nhuận Cầm.
Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng
Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm
Đậm đà nhất cái chất học trò trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là 4 khổ thơ đầu trong bài Anh bộ đội và tiếng nhạc la. Ở đấy cái lắng nghe của Cầm như được nhả tơ từ sự tò mò mà tinh tế của thi nhân. Tôi không thấy cái chất lính trong bài thơ này mặc dù nó mô tả về lính. Chỉ thấy yêu quý thêm hơn những người ra trận xem cái chết nhẹ như lông hồng mới viết được những vần thơ như thế. Người Việt Nam chiến thắng bằng niềm tin và ý chí sắt đá, bằng sự bình tĩnh phi thường và bằng cả cái chất học trò thản nhiên của thơ giống như Hoàng Nhuận Cầm.
Những cây nấm màu nâu, màu nâu già
Tự dưng thức dậy bên vòm lá
Những bông hoa chửa có tên hoa
Bỗng nhiên mở cánh ra nghe ngóng.
Sau những năm chiến tranh, Hoàng Nhuận Cầm còn tiếp tục đường thơ. Nhưng người ta vẫn chưa thoát được thơ Cầm với cái chất học trò vô tư đầy lạc quan thời chiến tranh. Cái chất học trò ấy có cội nguồn sâu xa từ tình yêu quê hương đất nước. Cầm viết hộ người xứ Đoài tình yêu quê hương mà chưa thấy ai trả được cái chất trầm tư lạ lùng của người xứ ấy.
Xa trung du nên tôi chửa thấy đồi
Nhà đá ong âm thầm mang lời đất.
Đất nước - mẹ Việt Nam hiện hình trong thơ Cầm như mùa thu tuyệt vời vùng châu thổ Sông Hồng, từ cái rung cảm mùa thu trong xa thẳm văn hóa dân gian đất Việt, nơi tháng 7 lác đác cành Ngô, nơi mùa thu của mẹ tảo tần nuôi ta khôn lớn.
Mẹ tôi giã gạo nuôi tôi
Chày mua thu gõ mãi lời non nước.
Trần Đăng Khoa - Những năm băng đạn vàng như lúa đồng.
Năm 2014, NXB Hội nhà văn in Thơ thế hệ các nhà thơ chống Mỹ cứu nước, với hơn 1600 trang, 328 thi sĩ. Gồm cả Vũ Đình Văn, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa. Nhưng trẻ nhất trong số hơn 300 người ấy, Trần Đăng Khoa ghi tên vào phong trào khi mới 9, 10 tuổi thôi. Khoa bước lên thi đàn Việt Nam như một cậu bé mặc hoàng bào phất trên tay lá cờ thêu 8 chữ vàng: Những năm băng đạn vàng như lúa đồng, xứng đáng là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử thi ca Việt Nam.
Ở lúc 9, 10 tuổi đã có những bài thơ với sức liên tưởng kỳ diệu. Hạt gạo làng ta. Ò...Ó...O. Sao không về vàng ơi. Mưa. Đám ma bác giun v.v... Những liên tưởng tươi mới mà ngộ nghĩnh về hạt gạo làng ta có vị phù sa của sông Kinh Thầy. Có lời mẹ hát ngọt bùi đắng cay. Trong hạt gạo nhỏ bé ấy, Khoa đã thấy có bão tháng 7, mưa tháng 3 và những giọt mồ hôi của trưa tháng 6... Tất cả cái đó theo hạt gạo ra tiền tuyến đánh giặc quý giá như những hạt vàng. Từ đó có cơ sở để gọi đây là tám chữ vàng: Những năm băng đạn, vàng như lúa đồng... Sao không về vàng ơi! kể chuyện một con chó không về nhà sau một trận bom... nghe nói người phương Tây rất thích tứ thơ này. Chiến tranh cũng không thể lấn át những cảnh và tình của con người và đất nước Việt Nam. Dù bên cạnh thấy đạn giăng dày nhưng Khoa lại thấy: Thấy trời xanh biếc mênh mông, cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy. Hoa Lựu trầm tích chất suy tưởng: Cuốc kêu chưa dứt mà cành đầy hoa. Từ đó Khoa liên tưởng một cảnh chiến tranh theo con mắt tuổi thơ khi đêm về đạn quân ta bắn máy bay đỏ như chùm hoa lựu. Có lần Trần Đăng Khoa bảo đã hết tuổi thơ từ năm lên 8 mà đến giờ tôi vẫn chưa tin bởi những bài thơ Ò..Ó...O. Mưa. Đám ma bác giun, Chớm Thu... bộc lộ một tài năng thiên bẩm của thi sĩ bởi óc liên tưởng và quan sát kỳ lạ. Chiến tranh cũng không thể bắt Khoa làm người lớn ngay được. Mặc dù đã phất lá cờ thêu 8 chữ vàng.
Như một sự sắp đặt có sẵn của lịch sử, vào năm 1975, 1976 khi Trường Sơn vừa im tiếng súng đuổi giặc, Khoa được cử ra mặt trận mới - Mặt trận biển. Không phụ lòng tin của thời cuộc, anh lính thủy Trần Đăng Khoa đã cho ra đời một chùm thơ biển đảo đặc sắc. Chim Sơn Ca trên đảo Sơn Ca. Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài. Ghi ở đảo chìm. Thơ tình người lính biển. Đợi mưa trên đảo sinh tồn v.v... Vang lên ở đây tình yêu Tổ quốc. Sự hy sinh và lòng dũng cảm. Tiếng gọi thiêng liêng của sự bất khả xâm phạm bờ cõi giữa đảo chìm đảo nổi dữ dội sóng biển khơi. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên với sự dạt dào tình yêu lứa đôi trong xa cách thăm thẳm sóng và mây trời... Vào năm 1975 khi Khoa 17 tuổi đã có bài thơ Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài. Kết của bài thơ này là những dòng sớm nhất, hay nhất của thơ thời biển đảo cam go.
Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh
Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng
Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng tôi chìm khắp đảo Thuyền Chài.
Người ta bảo Trường Sơn là của Phạm Tiến Duật. Trường Sa là của Trần Đăng Khoa có phải là từ những câu thơ như thế đó chăng?
Xuân Diệu đã có lần không mặn mà lắm với Trường ca của Khoa. Ở Khoa, tôi thích đoản thi hơn trường ca. Mấy năm nay Khoa tham gia lãnh đạo Hội nhà văn. Tôi lo hơn là mừng. Bởi vì tôi cũng như nhiều thế hệ độc giả sẵn lòng yêu thơ Khoa từ trước, mong muốn và chờ đợi những sáng tác mới của nhà thơ tài danh này. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay nói với tôi rằng Khoa sẽ là người giữ gìn bát văn của quốc gia không phải theo ý nghĩa hành chính mà theo ý nghĩa lĩnh xướng một thời đại trong thơ?
Nguyễn Lương Ngọc - Lau trắng đang nghiêng về sắc xám, có lẽ nó ngả màu vì sợ những hình như.
Nguyễn Lương Ngọc sinh 1958. Đến với thơ vào những năm 1990 là hơi muộn. Khi tuổi làm thơ đã gọi là già. Đời thơ ngắn ngủi của Ngọc có lẽ chỉ được khoảng 6, 7 năm - tức là đến năm 1996, khi nhà thơ lâm nạn nặng không thể gượng dậy làm thơ được nữa. Gượng mãi đến 2001 thì phải rời thị xã Sơn Tây để về chốn cao xanh. Nhưng chỉ 3 tập thơ - Từ Nước 1990. Ngày sinh lại 1991. Lời trong lời 1994 đã đủ tạo lập một sự nghiệp thơ ca đầy sắc thái cách tân và bước lên thi đàn với tư cách một thi sỹ khao khát đổi mới theo tiếng gọi của thời đại. Trong 3 tập thơ đó, thành công hơn cả ở Ngày sinh lại và Lời trong lời, ngoại trừ một số bài thơ viết về miền Trung trong chuyến đi xuyên Việt tháng 8, 9-1993 tuy có câu thơ đặc sắc, nhưng ít bài hay và thường ở độ "rằng hay thì thật là hay"…
Thơ Nguyễn Lương Ngọc không tập trung quá nhiều vào việc dàn dựng câu tứ nhằm vào một ý tưởng nào đó. Chuyển biến mới mẻ của thi pháp Nguyễn Lương Ngọc ở chỗ cảm xúc và nhịp điệu của tư duy Thơ tự dâng lên, trào lên đôi khi bởi những ý thơ đột khởi khiến bài thơ tưởng như không có hồi kết mà sâu nặng ý nghĩa nhân bản của tình đời, tình người. Nó ẩn chứa một điều gì không đoán trước được của số phận con người. Nó mang lên tiếng nói lo âu chân thành như lau trắng kia ngả màu về sắc xám vì sợ những hình như, những suy đoán, những giả dụ của muôn nẻo đường trần trong cõi mưu sinh không ngơi nghỉ.
Bài Gió khô tặng Hoàng Trung Thông khởi đầu bằng ý thơ mời trăng uống rượu Người khuất vào trăng người không khuất vào người. Thi sỹ của Bài ca vỡ đất, Bộ đội về làng vui với trăng với bạn chẳng để tâm đến rượu trong rượu đục, Ngọc muốn gió khô đi đâu cho Ngọc được theo cùng, rồi đột nhiên trào ra một lý lẽ: Một thể chữ thế chấp bằng gần 70 năm mở mắt mà nó lại không phải là câu kết. Các bài thơ Trò chuyện với em gái đang quen, Lý do, Đàn giang .v.v... đều được viết trong cái thế Biển tan nát mà không tan nát được, như thể một sự hối hả tìm kiếm cách diễn đạt mới của Thơ.
Một số thử nghiệm của Ngọc chưa đưa đến kết quả mong muốn. Có những bài thơ Ngọc ngắt câu thơ theo dòng mà không theo nghĩa hạn chế sự bùng nổ của ngôn ngữ thơ. Hình như có lúc Ngọc quan niệm điều trước tiên của thơ không phải làm cho thật rõ ràng về nghĩa trong lời thơ, thậm chí cả bài thơ. Đồng hồ vĩnh cửu lời thơ chưa thật tương xứng với ý tưởng của toàn bài, mặc dù cái kết của bài thơ đó thật hay. Tưởng như Ngọc còn sống để được thỉnh tiếng chuông như vậy. Để bên kia sư nữ lại thở dài, tỉnh dậy tụng kinh lần tràng hạt nhưng nghĩ thế nào lại thôi.
Nguyễn Quang Thiều - Những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống, góc vườn khuya cỏ thức giấc một mình.
Nguyễn Quang Thiều xuất hiện ở cuối thế kỷ 20 như một sự kinh dị lạ lùng theo quan điểm của cả những người ủng hộ và không ủng hộ. Năm 1983 Thiều đã dắt nàng Tô Thị chạy bộ giữa miền biên viễn phía Bắc đang chiến tranh Biên giới giờ này đạn giặc xoáy vào đêm; Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt. Thiều đã đưa người hóa đá đó chạy tản cư đến được giải ba của cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội. 10 năm sau - 1993. Sự mất ngủ của lửa gây tranh cãi nảy lửa ở ban chấm giải Hội nhà văn và lửa của Thiều được giải. Hai năm sau 1995 Nguyễn Quang Thiều khăn áo đi thi một cuộc thi thơ của báo Phụ nữ Việt Nam bằng việc ứng thí dưới cái tên một người đàn bà. Kết quả người đàn bà mạo danh ấy lại là người đứng số nhất cuộc thi. Đời thế mà vui. Người ta xô nhau đi tìm đọc Thiều. Nhiều bạn trẻ làm thơ theo cách của Thiều. Thân phận ấy, tôi nhớ đến cuộc tranh luận thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi ở chiến khu Việt Bắc. Hồi năm 1948.
Không nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Quang Thiều là một phong cách thơ độc đáo vào những năm cuối thế kỷ 20 đầu 21. Có hai cảm hứng chủ đạo của hiện tượng mang tên gọi Nguyễn Quang Thiều. Đó là cảm hứng làm nên cái chất quê mùa kỳ dị mà đẹp lạ thường, cái vẻ đẹp trầm mặc theo lẽ vô thường, đôi khi cay đắng của làng quê vùng châu thổ Sông Hồng và cảm hứng về sự mất ngủ và thức dậy của thân phận con người với ý nghĩa là cá nhân con người và nhất là của thi ca như là tiếng gọi khao khát với bao xót xa đau đớn và hy vọng trong một thế giới đầy biến động với những gãy khúc của không gian, thời gian và chân lý đời sống.
So với làng quê của Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân... ở thế kỷ trước, làng quê xứ Bắc trong thơ Thiều kỳ dị trong cái bình dị, cái tưởng như không đáng giá nhất lại trở thành thiết tha gắn bó và nhân bản nhất của đời một người nhà quê. Con giun đất bò âm thầm dưới vại nước bờ ao, bò qua những bãi tha ma người làng chết đói để đất đùn lên máu chảy ròng ròng. Con giun đất không phải gì xa lạ mà đôi khi lại còn bẩn thỉu dưới con mắt người đời lại là khúc nhau của mỗi chúng ta gửi lại cố hương khi cất tiếng chào đời. Quê hương đó bầy chó đã bao đêm sủa vào ánh chớp cuối chân trời, sủa vào những ngọn đèn dầu heo hắt trên bao khám thờ bằng đất ở xứ sở người ta đôi khi cả năm không dùng đến đồng tiền. Vì thế mới có ước mơ kiếp sau được làm một con chó nhỏ để canh giữ nỗi buồn như là báu vật của quê hương. Ở đó Những người đàn bà gánh nước sông để sông chảy vào đời ta, để sông gục mặt vào bờ đất lần đi trong day dứt. Những buổi hoàng hôn ở nơi nhà quê đó chẳng biết ai lén đổ vào chiều chút rượu để ngày cạn đến đâu, rượu cạn theo cùng. Quê hương mà cả đời ta thương nhớ mẹ già khuất bóng trên cánh đồng xa. Bỗng một hôm, ban mai thức dậy.
Chiếc bánh xe trâu một nửa đã qua đêm
Một nửa thùng cỏ tươi còn trong bóng tối.
Cái ranh giới mơ hồ đó trên chuyến xe trâu mở ra vẻ đẹp vô thường của thơ Nguyễn Quang Thiều.
Không phải ngẫu nhiên có cảm giác cả đời Thiều mất ngủ luôn mơ thấy sự thức dậy bởi những gì đã qua và sắp tới báo có tin mừng sinh nở một điều kỳ lạ trên thùng cỏ tươi kia.
Những ngọn gió thế kỷ sau ùa về làm tôi trở dạ
Tôi tìm mảnh gốm vàng cắt rốn trẻ sơ sinh.
Lúc ấy thi nhân thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình, thức đậy để chào đón một giọng nói. Trong khi những đêm mùa hạ thầm thĩ tạ từ, thức dậy cánh cửa gỗ mười năm mệt mỏi. Những thế hệ của thế kỷ này đã khác trước rất xa. Họ đi ngủ không giống. Nói mê không giống. Thức dậy không giống, như Sông Hồng rộng mê man chảy bên kia giấc mơ, chảy bên này giấc mơ đi tìm cái mới.
Sau những thử nghiệm thơ văn xuôi trong Cây ánh sáng, Bài ca chim đêm, Nhân chứng một cái chết... với sự xuất hiện của những câu thơ luận đề và thường được lặp lại, những câu thơ mở rộng v.v... Thiều đã đi đến cái mà có nhà thơ gọi là nhiệt đới hóa ngôn ngữ thơ… Đã là rừng nhiệt đới thì thường là rậm rạp nên hệ quả có thể là thơ thiếu những khoảng trống của ngữ nghĩa, những khoảng vang xa trong cái hàm xúc đến kỳ diệu. Thơ mới của Thiều đã ít xuất hiện hơn vài năm nay. Có thể nhà thơ đang nghiền ngẫm những sáng tạo không mệt mỏi của một tài năng thơ như cỏ vẫn thức một mình ở góc vườn khuya.
Thi ca thế kỷ 20 là chỉnh thể thống nhất của khí phách và tâm hồn Việt Nam. Tầm vóc của nó thật là kỳ lạ khi chia tay thân ái với kiểu thơ chữ Hán và chữ Nôm của 9 thế kỷ trước. Thi ca thế kỷ 20 không phải là kết quả chỉ trong vòng 100 năm mà của cả hơn 3 thế kỷ phát triển chữ quốc ngữ kể từ 1620 khi các ký tự abc bắt đầu được dùng để ghi âm tiếng Việt. Cho phép tôi không gọi là giai đoạn mà là thời đại thì 100 năm đã qua chúng ta đã có 4 thời đại trong sự tiến hóa không ngừng của thơ. Thơ Mới. Thơ thời chống Pháp. Thơ thời chống Mỹ. Thơ những năm đổi mới và đầu thế kỷ 21. Gọi là thời đại có nhiều lý do; nhưng có một lý do không thể thiếu được là sự hình thành và xác lập thi pháp mới bằng một số thi sĩ có vai trò lĩnh xướng. Ba thời đại trước thì đã rõ rồi. Vậy thời đại thi ca hiện nay những ai là người lĩnh xướng và họ đã đưa đến được những gì của thi pháp mới? Đã gần 10 năm nay, hàng năm tôi đều vào đền thờ văn học ở phố Quốc Tử Giám Hà Nội cầu nguyện. Cầu cho thi ca thế kỷ 21 phát huy bản sắc của những thời đại thi ca thế kỷ 20 và có những người lĩnh xướng tài ba ở tầm vóc mới.
Mùa thu 8/8/2020
Khuất Bình Nguyên
Nguồn: Bài do tác giả gửi cho Web Khoa Văn học