Bước qua tuổi 80...

Platon là người mà kẻ xấu

cũng không được quyền ca ngợi

                                                                                                                        Aristotle         

Yên lặng trước mặt tôi quyển sách cũ càng mà bìa của nó đã úa vàng dĩ vãng. Bìa Thi nhân Việt Nam in lần đầu. Bức họa đôi tay như cánh chim bay vào gió bão mang theo một bông hoa lạ không rõ là hoa gì của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung. Thi nhân Việt Nam viết xong tháng 11/1941. Đầu năm 1942 xuất bản. Đến nay đã bước qua tuổi 80. Đó là sách của một thời đại thi ca – Gắn liền với cuộc cách tân lớn nhất của Thơ Việt Nam hiện đại. Phong trào Thơ Mới 1930-1945. Cùng với văn xuôi của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân ... của Tự lực văn đoàn với Thạch Lam...và Thơ Mới của Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính... Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh đưa văn chương Việt Nam bước vào thế giới hiện đại. Sáng tác và phê bình của họ như là đôi cánh kỳ lạ trên bìa cuốn Thi nhân Việt Nam ấy tưởng như chưa bao giờ được thấy dào dạt và mãnh liệt như vậy của văn chương nửa đầu thế kỷ 20. Thật không thể hình dung nổi sự thiếu vắng như thế nào, cho dù Phong trào Thơ Mới vẫn diễn ra y như thế mà Thi Nhân Việt Nam  lại không có mặt trên đời. Như là hai tấm gương soi vào trong nhau. Lịch sử phê bình văn học thế kỷ 20 chưa có tác phẩm nào lại được đông đảo giới nghiên cứu phê bình cũng như hàng triệu công chúng yêu chuộng và lan tỏa ảnh hưởng đến như vậy. Chính Hoài Thanh cũng không làm lại lần thứ 2 được nữa. Mặt khác Thi nhân Việt Nam còn nổi tiếng bởi số phận long đong kéo dài nửa thế kỷ khi người ta không thừa nhận nó, không tái bản lần nào. Năm 1961, khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội lần đầu tiên in lại dưới dạng Roneo lưu hành nội bộ một số lượng hạn chế. Chỉ được đọc tại thư viện. Năm 1989. Kỉ niệm 80 năm ngày sinh Hoài Thanh lần đầu xuất bản công khai; nhưng ở ngay phía sau trang bìa có 3 chữ lớn: Sách nghiên cứu. Sau khi Hoài Thanh thở hơi cuối cùng vào đầu 1982 đến tháng 5 – 1992 Hội thảo 10 năm ngày mất của ông và 50 năm Thi nhân Việt Nam, những tưởng số phận đã an bài và xong xuôi hẳn. Thế nhưng vẫn còn bao nhiêu sự dè dặt cầm chừng…

Một vị giáo sư có đầu bờm sư tử mà nhà văn Trương Tửu có lần biếm họa là ... là... lớn tiếng chỉ mặt quan điểm nghệ thuật của Hoài Thanh gây những ảnh hưởng tai hại đối với tầng lớp thanh niên. Thi nhân Việt Nam là một bước chìm sâu hơn nữa vào con đường nghệ thuật vị nghệ thuật. Về sau lại càng bế tắc. Một nhà lý luận khác cho rằng Thi nhân Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của những quan điểm nghệ thuật tư sản. Lối phê bình nghiêng về cảm thụ, nhẹ về lý luận là một thói quen hay một rơi rớt của lối phê bình ấn tượng, rằng lỗi lầm lớn nhất của Hoài Thanh là lên tiếng công kích Hải Triều. Ngay như học giả uyên thâm Đặng Thai Mai trong bài viết ngắn vào dịp tiễn đưa Hoài Thanh lần cuối đã 7 lần gọi tác giả Thi nhân Việt Nam là đồng chí. Như nhắc nhở cố nhân là một học giả cách mạng nhưng vẫn bấc chì nhấc lên đặt xuống rằng Thi nhân Việt Nam có phương pháp biên soạn chưa phải thật sự khoa học, bị giới hạn trong nhiều phương diện. Một lập luận khác theo kiểu nhị nguyên có vẻ bênh vực cho rằng Hoài Thanh kết hợp được nghệ thuật vị nghệ thuật với nghệ thuật vị nhân sinh ... một cách biện chứng?. Hoặc giả có người xuê xoa thì bảo thị hiếu cá nhân có những thiên lệch nhất định. Ai mà tránh khỏi. Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan hết sức tàn nhẫn, ai đó bằng 4 câu lục bát giết người khiến Hoài Thanh đau đớn chẳng thể nào nguôi trước khi nhắm mắt. 17 năm sau, một vị học giả đem 4 câu lục bát ấy hoan hỉ phân tích và còn khẳng định loại thơ xoàng xĩnh này là đúng. Nhẹ tay hơn thì cho Hoài Thanh thành thực mà yếu đuối v.v..

Điều ám ảnh hơn nữa, chính Hoài Thanh trong một thời gian rất dài đến hơn nửa thế kỷ đau đớn tự phủ định và nhận lỗi nghiệt ngã về Thi nhân Việt Nam. Người ta thường nói Hoài Thanh xua đuổi Thi nhân Việt Nam suốt từ 1951 đến trước năm 1982. 10 năm sau Thi nhân Việt Nam, trong Nói chuyện Thơ kháng chiến (1951), Hoài Thanh gọi những vần thơ mà ông yêu tha thiết và ngợi ca nó là buồn nản vẩn vơ, xui người ta buông tay cúi đầu làm yếu sức chúng ta, làm lợi cho giặc. Tiếp tục tinh thần ấy, 10 năm tiếp theo vào 1960, 1964 ông gọi Thơ Mới là lạc điệu. Các nhà thơ Mới tìm mảnh đất dung thân là con đường đi trốn. Mặt chính của Thơ Mới là tiêu cực, trốn trách nhiệm, trốn cuộc đời, yếu đuối cam tâm trong cảnh tủi nhục, không có lợi cho cách mạng. Có lúc ông quy tội quá mức. Thi nhân Việt Nam hoàn thành 1941 là lúc đỉnh cao của phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh lại chỉ mặt đặt tên khó mà tin được: Cả cái việc hai triệu người chết đói năm 1945 mà Thơ Mới cũng không biết. Hoài Thanh thanh minh một cách tội nghiệp, khi sự việc đã qua 20 năm rồi, lý do vì sao không tuyển thơ Tố Hữu và Tú Mỡ vào Thi nhân Việt Nam. Và cho là sai lầm thảm hại nhất vì đã trích dẫn Phạm Quỳnh. Thi nhân Việt Nam thời 1941 đã làm vướng chân một số anh chị em chưa tìm ra con đường cứu nước. Đến 1977, sau giải phóng miền Nam, biết ở đấy trước đó Thi nhân Việt Nam được in lại nhiều lần, Hoài Thanh giật mình bảo rằng phải đề phòng với nó cho anh em trẻ! Ngày 9-12-1981, trước khi chết khoảng 3 tháng ông vẫn khảng khái nhận lỗi sai lầm trước 1945 là sai lầm rất to. Thật ngậm ngùi nếu ta có một Hoài Thanh tả xung hữu đột trên báo Tràng An hồi 1935-1936 ở Huế bao nhiêu thì những lời xám hối sau này thật đau đớn bấy nhiêu ?

Oan kia theo mãi với tình, một mình mình biết một mình mình hay. Tưởng là như vậy nhưng con người tội nghiệp ấy vào đêm giao thừa 1982, khi thập tử nhất sinh trên giường bệnh, ông nhắn gửi điều giản dị của lòng mình với con trai đầu lòng: Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn.

Lịch sử tinh thần của đời văn Hoài Thanh là lịch sử thu nhỏ của lịch sử tư tưởng và văn chương Việt Nam thế kỷ 20. Nghiệp chướng của đời ông gắn bó với cuộc tranh luận mà Tự lực Văn Đoàn đứng ngoài xem và bảo rằng các ông Hoài Thanh, Hải Triều dúi nhau xuống cái hố rất nguy hiểm là cái hố nghệ thuật vị. Cũng như thân phận ấy không thể rời xa Phong trào Thơ Mới 1930 – 1945 và quyển Thi nhân Việt Nam viết về phong trào ấy. Có hai vấn đề chính yếu của cuộc tranh luận thời 1935-1936 là trách nhiệm của nhà văn và quan niệm về con người trong văn học. Hải Triều phất cao cờ hồng vị nhân sinh nhấn mạnh trách nhiệm đấu tranh chính trị của nhà văn và con người giai cấp trong văn học. Một thời gian khá dài nhiều nơi đã có cách hiểu: Nói nhân loại là xa rời giai cấp. Thậm chí đối lập với giai cấp. Hoài Thanh vị nghệ thuật khẳng định văn chương trước hết phải là văn chương đã. Bổn phận của nhà văn phải đi tìm cái đẹp và con người muôn thủa của văn học- tức là nhân loại – bằng việc mượn lời tựa Lá Thu của V. Hugo: Thi ca chung cho hết thảy mọi người... Những sự thay đổi vẻ vang trong lịch sử loài người, những cuộc cách mạng thay đổi hết thảy, chỉ còn lại lòng người. Thực ra nghệ thuật vị nghệ thuật có nguồn gốc từ phương Tây khi người Pháp nói L’ART  POUR  L’ART với ý nghĩa thoát ly cuộc sống, thây kệ luân lý, một con rắn cắn đuôi của chính nó như F.Nietzsche đã đay nghiến trong Buổi hoàng hôn của những thần tượng viết năm 1888. Hoài Thanh không cực đoan đến như vậy. Ông chỉ nhấn mạnh bản thể của văn chương phải là văn chương đã. Còn nghệ thuật vị nhân sinh là đương nhiên rồi. Nửa sau thế kỷ 20, quan niệm nhà văn là người chiến sỹ  tiên phong trong đấu tranh giai cấp và con người trong văn chương phải là con người giai cấp đã như một cuộc diễu hành chiến thắng suốt 50 năm. Đó là một tất yếu không thể nào khác được khi lịch sử của dân tộc đi đến độc lập, tự do đã buộc lòng phải trải qua ba cuộc chiến tranh giải phóng và giữ nước với những kẻ thù có sức mạnh vượt trội hơn. Người Việt Nam không còn cách nào khác phải gom góp tất cả mọi nguồn lực để chiến thắng. Một trong những nguồn lực đó là văn chương. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn trở thành ngọn nguồn của văn mạch quốc gia. Đến những năm cuối thế kỷ 20, Đổi mới hay là chết trở thành khẩu hiệu rung chuyển dữ dội toàn xã hội ở khắp mọi châu lục. Như là cái hích của tất yếu. Lịch sử muốn trang trải mọi điều, không nỡ làm bận tâm hậu thế nên nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật. Đổi mới tư duy là bước đi đồng loạt của đời sống xã hội. Ở đây, dường như có bước nhảy từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do. Cái tôi trở về với cái tôi của chính mình, với ý nghĩa con người cá nhân là một đơn vị cơ bản của nhân loại. Sức sống của văn chương Việt Nam vốn được nuôi dưỡng bằng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn bước lên cất tiếng nói của toàn nhân loại từ cái tôi của chính mình. Cái tôi của mỗi người là mảnh đời của nhân loại. Aristotle có lần viết: con người từ bản chất là một sinh vật chính trị. Hoài Thanh tuân theo quy luật sinh tồn đó để tự nguyện đứng vào hàng ngũ cuộc chiến đấu sinh tử của dân tộc và trước sau luôn là học giả chân thành. Có người gọi là phản ảnh cái chung tâm thế của thời đại. Phải chăng Cao Bá Quát đã một lần nói đến tinh thần ấy khi ông viết: Quân tử thân an túc đạo tồn. Nhưng tuyệt nhiên Hoài Thanh không phải là một ví dụ cho chủ nghĩa hiện thực phải đạo. Bởi nói phải đạo tức là nghĩ khác làm khác, là bắt buộc, cơ hội… Tôi không tin nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam hiện đại lại như vậy. Và nếu có thì là một vài ai đó mà thôi. Không phải Hoài Thanh. Nửa sau thế kỷ 20, hàng triệu người Việt Nam ngã xuống không tiếc máu xương, mạng sống của mình cho độc lập, tự do. Trong đó có nhiều người là văn nghệ sỹ. Một giai đoạn lịch sử không thể nào khác được khi cái tôi phụng sự cái ta. Hoài Thanh là một trí thức yêu nước. Ông không thể đứng ngoài cuộc. Hoài Thanh tự nguyện làm những điều mà lịch sử đã quy định. Cả ở điều ông nói trước khi nhắm mắt.

Thế là Thi nhân Việt Nam bước qua tuổi 80 và vững tin bước tiếp vào tương lai. Đã qua rồi cái thời nỗi buồn, sự cô đơn, hoài niệm, khát khao được yêu sống cuộc đời cá nhân ... không được coi là một giá trị sống. Cái đẹp, kể cả cái đẹp bản năng giờ đây được ca hát khích lệ con người phải sống có ý nghĩa hơn, trong sáng hơn. Phong trào Thơ Mới 30-45 là sản phẩm thời đại của sự giao thoa giữa văn minh phương Đông và phương Tây. Các thi sỹ đã sử dụng chữ quốc ngữ cũng là sản phẩm của cuộc gặp gỡ ấy. Đồng thời chịu ảnh hưởng thi pháp của nhiều nhà thơ phương Tây như Rimbaud,  Verlaine, Baudelaire, Mallarme, Valéry... kết hợp với thi pháp thơ ca phương Đông để diễn tả một cách trong sáng cái tôi cá nhân thuần khiết như Hoài Thanh đã viết: Cái tôi của cá nhân con người bị kiềm chế trong bao nhiêu lâu bỗng được giải phóng. Năm 1999, Huy Cận nói:  Bây giờ đây Thơ Mới đã nghiễm nhiên nằm trong văn mạch dân tộc và là một chương rất quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà.

Thi nhân Việt Nam là hợp tuyển thi ca được làm tương tự như thể văn Thi Thoại của văn học phương Đông cho giai đoạn thơ 1932-1941 mà công lao của Hoài Thanh lần đầu tiên đã đặt tên cho nó: Phong trào Thơ Mới. Sách có tiểu sử tác giả, thơ của người đó và lời bình của Hoài Thanh mà nhiều người cho là một bài thơ. Đáng chú ý nhất là bài viết ở đầu sách: Một thời đại trong thi ca. Phong cách phê bình thơ của Thi nhân Việt Nam được người đời ca tụng bằng những tên gọi  thật khác nhau.

Các nhà thơ Phong trào Thơ Mới kịp làm điều cần thiết trước khi họ ra đi. Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Lưu Trọng Lư, Huy Cận v.v.. chung một ý Thi nhân Việt Nam là phong cách cảm thụ thơ tinh tế, thận trọng. Có những tiên đoán và dự cảm thuyết phục về sự chuyển biến của Thi ca. Huy Cận là đầy đủ hơn cả. Tác giả Lửa Thiêng bày tỏ: về cảm thụ thơ, phân tích thơ tinh tế các hồn thơ như trong Thi nhân Việt Nam thì ít ai bằng, có lẽ chưa ai bằng Hoài Thanh. Và rất nhiều tước hiệu khác mà giới học giả đã giành cho Hoài Thanh và Thi nhân Việt NamThi nhân Việt Nam tiêu biểu cho lối phê bình theo chủ nghĩa ấn tượng. Đây là lối phê bình tình cảm. Hoài Thanh nhà phê bình ấn tượng mà Thi nhân Việt Nam long lanh như một viên ngọc quý. Phê bình thơ hay thơ phê bình. Phong cách phê bình tùy bút. Thi nhân Việt Nam là tập thơ từ đầu chí cuối v.v.. Chừng ấy chưa hẳn khỏa lấp được sự kỳ thị của những năm dài đau đớn và thử thách nhân cách của một người dám chọn nghề phê bình chân chính làm lẽ sống? Biết bao phiền toái cho Hoài Thanh khi Thi nhân Việt Nam ra đời tháng 2/1942. Chỉ riêng việc lựa chọn 44 tác giả và số lượng thơ của họ đã làm một số người không vừa ý. Nguyễn Vỹ và bạn bè ông ấy mãi sau này còn cho Hoài Thanh là ... ác. Đến năm 1960, Hoài Thanh còn phải thanh minh vì sao không đưa thơ Tú Mỡ và Tố Hữu vào tuyển thơ. Ba mươi năm sau. Câu chuyện này vẫn tiếp tục. Vào hồi 1989-1990, hậu thế làm Tổng tập Văn học Việt Nam tập 27, bổ sung thêm 16 tác giả nữa, trong đó Tú Mỡ 16 bài, Đỗ Phồn 10 bài... chẳng kém gì Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính... Đành rằng làm Tổng tập là làm cho giai đoạn, tuy nhiên nhiều người cho rằng, lựa chọn của Thi nhân Việt Nam hồi 1941 thanh khiết và tinh túy hơn. Hoài Thanh phát hiện được những tài năng thi ca ngay còn manh nha ở buổi ban đầu. Và ông chưa bao giờ để sót một ai.

Bằng Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh gây dựng một phương pháp phê bình thi ca mang tính khuôn mẫu. Thi nhân Việt Nam cũng là hệ quả sự gặp gỡ văn minh phương Đông và phương Tây. Hoài Thanh vận dụng thể văn thi thoại phương Đông với phê bình ấn tượng chủ nghĩa phương Tây tạo nên phong cách tùy bút trữ tình dựa trên cảm thụ nhạy bén như nhập vào hồn thơ, đồng điệu tâm hồn với người thi sĩ làm nên những trang văn phê bình tuyệt bích. Điều mà mỹ học F.Heghen gọi là dùng nội cảm để tri giác nội cảm. Đáng chú ý nhất Thi nhân Việt Nam gây dựng một không gian văn chương mang đặc điểm riêng có của Hoài Thanh bao bọc xung quanh một thi phẩm cũng như cuộc đời thi sỹ. Không gian văn chương đó làm cái phông văn hóa tôn vinh vẻ đẹp của Thơ. Làm được việc đó nhà phê bình phải có nền tảng tri thức uyên bác và kết hợp với sự cảm thụ thơ tinh tế, vốn là hai khoảng ánh sáng không dễ gì hòa quyện với nhau.

Với Hoài Thanh, nhà phê bình và nhà thơ là một. Hoài Thanh viết phê bình để đi tìm cái đẹp làm cho văn phê bình đầy sức quyến rũ và rung cảm của lòng nhân hậu khoan dung, trân trọng nâng niu những cái gì là vẻ đẹp của con người. Ông không muốn làm thương tổn một ai. Bao giờ cũng chỉ là sự nâng niu những giá trị tinh thần. Người ta gọi phê bình của ông là thơ phê bình không phải không có lý. Sự thuyết phục của nó không phải trước hết ở sự sâu sắc về lý luận mà lý luận chỉ là cái hích để đẩy trào cảm xúc trữ tình: Một thời đại vừa chẵn 10 năm... Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên ...và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu. Thực là một sự khái quát chải chuốt vô song cho hồn cốt từng thi sỹ khi họ vừa mới cất tiếng hát chưa được bao lâu trên thi đàn. Những trang viết của Thi nhân Việt Nam về Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính ... ở một đoạn kết cho luận văn Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh như lý giải cho chính bản thân mình. Và cho cả một nền Thơ. Đời chúng ta đang nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận. Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta.

Những lời phê bình thơ trên đây đáng để viết thành chữ triện trên bức trướng của thể loại phê bình mà treo lên những rộng dài thời đại thi ca và bình thơ. Quả thật văn chương trước hết phải là văn chương đã. Thơ phải là Thơ đã. Sau này vào tháng 3- 1979 ông viết chuyện thơ dưới dạng tùy bút mà chúng ta được xem trong Di bút có một điều đáng để cho hậu thế phải bận tâm. Hoài Thanh viết: Thơ tầm thường, thơ Vungaire thì không gọi là thơ, lại càng không thể xem là thơ tiến bộ. Tư tưởng tiến bộ không nhất thiết lúc nào cũng được thể hiện thành thơ.

Thơ tầm thường đâu phải vì thơ về chó, về gà… Nguyễn Trãi đã từng Góc thành Nam lều một gian nhà quen xuế xóa ngại nuôi vằn hay chẳng kém gì Mấy người ngày nọ thi đỗ, Lá ngô đồng thuở mạt Thu. Đường thi có bài người đi thi hỏng về nhà, vợ con mặt mũi kém vui. Chỉ có con Vàng nằm ở giữa cửa là vẫy đuôi mừng được Tùy Viên Thi Thoại khen hay. Có người bảo Thơ tầm thường bây giờ in báo in sách hơi nhiều. Nhà phê bình đừng nên xếp hạng nó là thơ hay. Socrate nói: Thượng đế trộn vàng trong một số người; bạc trong một số người khác từ khi họ được sinh ra. Theo cách đó, thượng đế đã trộn thi ca vào cuộc đời Hoài Thanh kể từ khi ông cất tiếng chào đời và khiến ông không mắc phải những nhầm lẫn khi cất tiếng bình Thơ.

            Hội nghị văn hóa cứu quốc lần thứ nhất diễn tại Việt Bắc trong các ngày 23, 24, 25 tháng 7  năm 1948. Hai vị chiến tướng Hoài Thanh, Hải Triều ngồi cùng một chiếu. Chẳng ai ngờ được rằng chàng Hoài Thanh 39 tuổi nổi tiếng chuyên đi tìm cái đẹp lại đen đủi, lực lưỡng... Còn Hải Triều lúc nào cũng đanh thép cho đấu tranh giai cấp trong văn nghệ lại nhỏ nhắn, trắng trẻo và có biệt tài hò Huế ngọt như mía lùi ở tuổi 40 xuân. Xuân Diệu ghi biên bản. Hoài Thanh đọc diễn văn khai mạc và ngồi ở ghế chủ tịch đoàn ngay ở phiên họp đầu tiên 23/7. Hải Triều nói giọng núi Ngự bày tỏ tại phiên họp thứ hai 24/7 về bút chiến, lập trường, chiến lược, chiến thuật... Xuân Diệu ghi cho Hải Triều: kinh nghiệm bản thân chăng? Nguyên Hồng thì làm giấy treo giải thưởng hai gánh thóc và hai con gà do ông tự tăng gia được cho bài thơ và truyện ngắn nào hay. Văn nghệ xum vầy dưới rừng già mái lá chiến khu giữa vòng vây giặc. Bây giờ những con người ấy đều ở dưới suối vàng thảnh thơi rủ nhau giãn cách đêm khuya giữa cầu Tràng Tiền ở Huế để không nói chuyện nghệ thuật vị cái gì nữa vì suy cho đến cùng cái gì mà chẳng vị nhân sinh. Họ tranh luận Aristotle nói về Platon và cùng cho rằng: Để làm được như Platon đến kẻ xấu cũng không được quyền ca ngợi thật đáng quý và thật khó lắm thay. Có thể họ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa. Vì có cái gì để nói khi lịch sử nói tất cả rồi. Và suy cho đến cùng, cả hai con người ấy đều là sản phẩm của một thời lịch sử theo cách khác nhau mà thôi. Arisotle bảo họ: Chuyện về Platon xảy ra từ hơn 300 năm trước Công Nguyên. Bây giờ các ngài tin hay không thì tùy!

            Bóng dáng những thời đại thi ca như bao nhiêu nóc nhà thờ cũ kĩ lùi vào bầu trời dĩ vãng vẫn còn đó đắng cay hy vọng bấy nhiêu chớp bể mưa nguồn. Chỉ có lòng người còn lại với ta chăng? Trời đã ngả sang Thu. Ở đâu có mùa Thu ta như thấy thi ca ở đó. Những buổi sáng thảng thốt chợt mưa chợt nắng. Dăm khóm hoa Thạch Thảo trắng lặng lẽ nở mờ sương trên những nẻo đường ngoại ô vắng vẻ giữa mùa dịch dã. Thưa thớt người lại qua.

Sự tàn phá của Covid 19 nặng nề hơn cả một cuộc đại chiến. Trái đất đã gần 225 triệu người mắc và gần 5 triệu người tử vong. Vang lên khắp địa cầu tiếng nhân loại gọi nhau liên hợp lại qua tiếng kêu cứu đau đớn của từng thân phận con người. Mới hay mỗi người là một mảnh đời nhân loại xót xa mà thấm thía xiết bao.

Cao Bá Quát viết: Minh thời vô xích sỹ. Đốn thủ vọng thanh tiêu – Thời buổi trong sáng không ruồng bỏ kẻ sỹ. Cúi đầu ngồi dưới trời xanh. Tôi muốn gọi tên bông hoa lạ trên bìa Thi nhân Việt Nam 1941 là hoa Thạch Thảo để tưởng nhớ Hoài Thanh – người trí thức khiêm nhường một đời tận hiến cho vẻ đẹp của thi ca.

Mùa Thu 2021

Nguồn: Báo Văn nghệ ngày 2/10/2021.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63733883
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
31977
22198
63733883

Thành viên trực tuyến

Đang có 439 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website