Tọa đàm khoa học “Cảm thức Siêu hiện đại và Phê bình chủ đề” đã diễn ra vào lúc 8h sáng ngày 25/03/2019 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM với sự tham gia của đông đảo các giáo sư, nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của khoa Văn học và nhiều bạn đọc quan tâm.
Mở đầu bài nói chuyện, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu – diễn giả của chương trình – nhấn mạnh ngay rằng nên hiểu Siêu hiện đại như một cảm thức chứ không phải như một lý thuyết. Nói cách khác, Siêu hiện đại chống lại tình thế khép kín trong vòng vây của một ý hệ, một lý thuyết mang tính kiên định và có xu hướng buộc người theo đuổi lý thuyết ấy phải mặc nhiên tuân thủ các định đề, các khái niệm mà nó kiến tạo nên.
Theo đó, Siêu hiện đại với những chủ soái của nó như Luke Turner, Timotheus Vermeulen, Robin van den Akker hình dung con người như một “con lắc/ quả lắc”, liên tục dao động, chuyển hồi qua lại giữa các ý hệ, các lý thuyết, trường phái, cảm thức. Họ cho rằng con người không hề, và không thể là một chất đông cứng, cô đặc, mà phải liên tục phóng mình ra mọi phía, vượt thoát từ không gian này đến không gian khác, từ thời đại này đến thời đại khác, từ nơi chốn này đến nơi chốn khác. Hay nói một cách triết học hơn, con người, theo những nhà Siêu hiện đại, là một sinh thể của “vô trú xứ” (Atopia).
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng, việc dùng “sự dao động của con lắc/quả lắc” làm hình tượng trung tâm cho cảm thức Siêu hiện đại có nhiều bất cập. Con lắc, dù dao động đến biên độ nào, thì cuối cùng cũng trở về với vị trí ban đầu. Trong khi đó, con người Siêu hiện đại được yêu cầu phải phóng vượt, phải trở thành một cá thể siêu việt, luôn động chuyển, đi và về, vào và ra, hay nói cách khác là không thể trở về vị trí cũ của nó nếu không muốn tiến về bờ vực của diệt vong. Chính vì lý do này, Nhật Chiêu đề xuất thay thế hình tượng “sự dao động của quả lắc” bằng “sự chuyển động của khúc luân vũ”, một điệu nhảy (valse) liên tục xoay tròn, chuyển hồi nhưng cũng luôn luôn di động, lưu chuyển.
Một dự phóng như thế về tình thế của con người thời Siêu hiện đại, theo Nhật Chiêu, là khá tương hợp với cách làm việc của một lối phê bình rất thông dụng trong nghiên cứu văn chương hôm nay: phê bình chủ đề - vấn đề thứ hai mà ông đặt ra trong buổi tọa đàm này.
Thường xuyên được sử dụng như một công cụ nghiên cứu, song phê bình chủ đề ít khi được trình bày một cách hệ thống. Chính vì vậy, trong buổi tọa đàm này, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã đưa ra những giới thuyết khúc chiết, cụ thể, thực tế về các phương pháp, thao tác, công cụ mà một người làm phê bình chủ đề cần thực hiện, đồng thời đưa ra những ví dụ minh họa vô cùng sinh động.
Theo đó, ông cho rằng, để đọc văn bản theo kiểu của phê bình chủ đề, người đọc cần đặc biệt quan tâm đến ý định của văn bản, tìm ra (những) chủ đề của văn bản và tiến hành so sánh đối chiếu văn bản ấy với nhiều văn bản khác nhau trên bình diện chủ đề.
Buổi tọa đàm đã mang lại những tri thức mới mẻ, bổ ích và tạo ra không gian trao đổi học thuật thú vị cho những người làm công tác văn học. Trong thời gian sắp tới, Khoa Văn học sẽ tiếp tục tổ chức những buổi tọa đàm khoa học với hy vọng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên sau đại học, sinh viên và những người quan tâm đến văn học.
NĐMK