Những thước phim mờ nhạt về đình làng
Điện ảnh Việt Nam có hai dòng phim chủ lưu là phim đương đại phản ánh cuộc sống xã hội hiện đại và các bộ phim có tính chất lịch sử, cổ trang. Cả hai dòng phim này đều chưa tạo chỗ đứng cho di sản, từ đó góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Đơn cử như sự xuất hiện mờ nhạt của hình ảnh mái đình Việt trong các bộ phim. Là người thiết kế bối cảnh cho nhiều phim cổ trang, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức nhận xét: “Hình ảnh đình làng xuất hiện ở trong cả hai loại phim này nói chung chưa nhiều và ở một số tác phẩm có sự xuất hiện di sản thì lại chưa truyền tải được tinh thần của văn hóa đình làng, hay nói cách khác, việc xuất hiện hình ảnh mái đình cũng không mang đúng giá trị truyền thống vốn có của nó”. Ví dụ, các phim Chim vành khuyên, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đến hẹn lại lên…ngôi đình chỉ xuất hiện chớp nhoáng, không để lại ấn tượng cho người xem. Những phim như Lều chõng, Chị Dậu, Hạt mưa rơi bao lâu, Thời xa vắng… thì sân đình được chọn làm nơi dân làng tiễn bộ đội hay cảnh ngôi đình đổ được lấy để nói lên tội ác của đế quốc Mỹ đối với văn hóa Việt…
Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức: “Tất cả các bộ phim đều chưa truyền tải được văn hóa đình làng mà mới chỉ mô tả được sự kiện. Hơn nữa, hình ảnh đình làng trong các bộ phim đó lại thành nơi tra tấn dân nghèo, nơi hách dịch của quan lại… chứ không phải nơi sinh hoạt văn hóa của nông dân Việt Nam trước đây. Do đó, dù ngôi đình xuất hiện nhưng lại tạo cho chúng ta cách hiểu khác về đình làng, biến đình làng giống như một thế lực đè nặng lên người lao động, gieo vào lòng người dân toàn nỗi sợ hãi”.
Tại hội thảo Đình làng Việt, những điều còn - mất, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nêu thực trạng điện ảnh Việt Nam đang “tiếp tay” làm cho di sản, trong đó có những ngôi đình làng, tách biệt khỏi ký ức của cộng đồng: “Trong các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, bộ phim Chị Dậu sử dụng đình làng Đồng Kỵ làm bối cảnh, nhưng các khuôn hình về đình đơn điệu, không thấy được nét đặc sắc của nó. Rõ ràng, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân gian tập trung và đại diện nhất của văn hóa Việt lại không được thấy trong các tác phẩm điện ảnh từ xưa tới nay”.
Lưu giữ và khơi gợi ký ức về di sản
Không có văn bản pháp lý nào quy định phải đưa di sản vào phim cũng như điện ảnh không thể thay thế Cục Di sản văn hóa để làm công tác bảo tồn di sản. Nhưng rõ ràng, với quyền lực mềm của mình, điện ảnh có sức tác động mạnh vào nhận thức, tâm lý của công chúng trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, điện ảnh có vai trò lưu giữ, khơi dậy trong mỗi con người những ký ức gắn với di sản, mà khi con người có ký ức, họ sẽ hiểu và trân trọng cũng như bảo vệ di sản tốt nhất. “Điện ảnh tuy không thể tham gia trực tiếp vào quá trình trùng tu, bảo tồn di sản nhưng có lợi thế là lưu giữ được ký ức của con người. Muốn bảo tồn di sản thì những người có trách nhiệm phải có ký ức về di sản đó và ký ức đó cũng như một di sản cần được bảo vệ. Ví dụ như phim Hà Nội mùa Đông năm 46, trong một cảnh quay ở đền Ngọc Sơn, tôi đã yêu cầu phục dựng tàu điện bởi thời đó có tàu điện màu đỏ chạy qua đây. Và khi quay phim vào lúc 5 giờ sáng, chúng tôi kéo tàu điện đó ra thì tất cả người Hà Nội, từ trẻ tuổi đến lớn tuổi đều vây quanh ngắm nhìn một cách ngẩn ngơ. Nhiều người xem bộ phim này gặp tôi đều bảo cảnh phim đã khơi dậy ký ức của họ đúng quá, sống động quá. Điện ảnh chỉ góp sức như thế thôi nhưng cũng đáng quý rồi”.
Thống kê của Cục Điện ảnh những năm qua cho thấy xu hướng làm phim hiện nay thiên về dòng phim hiện đại có tính hài hước hay hành động, kinh dị... Di sản truyền thống hầu như không được đưa vào phim và nếu có cũng chỉ chiếm số lượng khiêm tốn. Phục dựng bối cảnh khó, tốn kém, lợi nhuận không tương xứng là nguyên nhân khiến nhiều nhà làm phim không mặn mà đưa di sản vào tác phẩm. Nhưng rõ ràng, giá trị của việc đưa di sản vào trong các tác phẩm điện ảnh không thể đo đếm bằng tiền. Những thước phim về di sản một khi được truyền tải đầy đủ, mang đúng bản chất, ý nghĩa sẽ có sức lan tỏa văn hóa mạnh mẽ, khơi dậy ở người xem ký ức về lịch sử, về di sản và từ đó, giúp họ yêu, hiểu, có ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản hơn.
“Tôi khâm phục cách làm phim của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… bởi họ đã tận dụng rất tốt di sản văn hóa của mình. Họ đã khai thác triệt để những tích đọng trong cổ vật, tư liệu và mạnh dạn đẩy những hình ảnh đó ra sản phẩm khác để giúp người dân hiểu sâu văn hóa của thời kỳ cũng như giúp quảng bá di sản”. Họa sĩ NGUYỄN MẠNH ĐỨC |
Nguồn: Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân, ngày 10.11.2015.