Những địa danh Nam Bộ bị ảnh hưởng bởi tục kiêng húy

1.Kiêng húy là một phong tục đã có từ lâu đời trong văn hóa Việt  Nam cũng như Trung Quốc. Kiêng húy là tránh nhắc đến tên những người đã chết, theo mê tín của người xưa, không bị những điều không hay xảy đến. Những tên của thần linh, vua chúa, ông bà, các bậc trưởng thượng,…đều không nên nói đến.

Cầu Bông (ảnh của trang Zing.vn)

2.Tục kiêng húy ảnh hưởng tới những từ thường dùng trong ngôn ngữ hằng ngày, đến việc đặt tên con cái, đến các địa danh,…Ở Nam Bộ, tục này ảnh hưởng tới hàng trăm địa danh.

Cai Bường là rạch ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Phạm Thái Bường là tên cầu ở tp. Vĩnh Long. Cai Bường vốn là cai đồn điền Nguyễn Văn Bình, dưới thời Tây Sơn, có công khẩn hoang, lập ấp ở vùng này. Vì kiêng húy tên tước của Quang Trung (Nguyễn Quang Bình), Bình được gọi là Bường.

Cầu Bông bắc qua rạch Thị Nghè, nối quận 1 với quận Bình Thạch, tp HCM, dài 56,7m, rộng 14,82m. Ban đầu gọi là cầu Cao Miên vì cầu ở cạnh khu vực người Cao Miên là Nặc Tha cư ngụ (từ năm 1736). Sau gọi là cầu Hoa vì cạnh vườn hoa của Tả quân Lê Văn Duyệt. Từ năm 1842, vì kiêng húy bà Hồ Thị Hoa (1791-1807), mẹ vua Thiệu Trị, đổi bằng từ đồng nghĩa Bông.

Bửu Long là núi ở tỉnh Đồng Nai. Bửu Hòa là phường của tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Phước Bửu là thị trấn của huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Âm gốc là Bảo Long, Bảo Hòa, Phước Bảo. Nhưng vì kiêng húy bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo (vợ chúa Trịnh Kiểm) nên phải nói chệch.

Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) là một danh tướng của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, làm trấn thủ dinh Bình Khang (vùng Khánh Hòa và Bình Thuận), năm 1698 được cử làm Thống suất chưởng cơ binh lược vùng Gia Định (Nam Bộ), có công tổ chức được các đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền các dinh, huyện, xã và chiêu tập dân nghèo khai hoang, định cư lập làng xóm. Có lẽ ban đầu ông tên Nguyễn Hữu Kính, RồI vì kiêng húy vua Trần Duệ Tông, phải gọị Nguyễn Hữu Cảnh (tên môt đường phố ở tp.HCM).

Bình Châu là khu du lịch ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích 112,93km2, có suối nước nóng (70-80oC) và rừng bảo vệ  thiên nhiên. Suối được một người Pháp phát hiện năm 1905, gọi là “suối nước nóng Cù Mi”. Địa danh Bình Châu ra đời năm 1921. Thổ Châu là quần đảo thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, diện tích dộ 50km2, gồm 8 hòn đảo. Đảo Thổ Châu lớn nhất với diện tích 17,5km2. Trên đảo có nhiều núi, rừng, hang, động. Thổ Châu còn là xã của huyện Phú Quốc. Thổ Châu là “màu đỏ của đất”.

Châu Thành là tên của hơn 10 huyện ở Nam Bộ. Châu thành vốn có nghĩa là “thành phố”. Những huyện nào bao quanh một thị xã hay một thành phố đều có thể mang tên Châu Thành. Phan Châu Trinh vốn là Phan Chu Trinh, tên đường ở tp. Hồ Chí Minh. Chu bị nói trại thành Châu vì kiêng húy chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725).

Chơn Bà Đen là tên núi và tên xã ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh ở thời điêm thập niên 1950. Người Khmer thờ một nữ thần gọi là “Mẹ đen” và họ tin rằng hòn núi này là bàn chân của bà. Chơn Thành là huyện của tỉnh Bình Phước, được thành lập tháng 2-2003. Chơn Thành còn là thị trấn của huyện. Dạng gốc của hai địa danh này là Chân Thành, là “hết sức thành thật, xuất phát tự đáy lòng”.

Sở dĩ Chân bị nói chệch thành Chơn vì kiêng húy vua Dục Đức: Nguyễn Phúc Ưng Chân.

Huỳnh Hữu Nghĩa là thị trấn của huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Họ Huỳnh có âm gốc là Hoàng. Nhưng vì kiêng húy chúa Nguyễn Hoàng (1524-1613), người có công khai sáng nhà Nguyễn ở Đàng Trong, nên phải nói Huỳnh.

Lợi An là xã của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Lợi Bình Nhơn là xã của thị xã Tân An, tỉnh Long An. Bình Lợi là cầu ở TP.HCM. Phú Lợi là xã ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Dạng ban đầu của Lợi là Lỵ. Vì kiêng húy của vua Lê Lỵ nên phải gọi Lê Lợi, Lợi An,…

Phú Khương là quận của tỉnh Tây Ninh, tách ra từ quận Châu Thành ngày 17-4-1959. Trụ sở quận đóng tại Suối Đá. Ngày 13-3-1979, đổi tên quận Phú Khương thành huyện Hòa Thành. Phú Khương còn là phường của thành phố Bến Tre. Khang phải nói chệch thành Khương vì kiêng húy Lê Khang (đời thứ hai dòng Lê Trừ) và Hiếu Khang hoàng đế (cha vua Gia Long).

Yên Luông là xã của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Hàm Luông là sông nhánh của sông Tiền, chảy qua giữa tỉnh Bến Tre và là tên cầu trên quốc lộ 60, bắc qua sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre, khởi công tháng 4-2007, khánh thành ngày 24-4-2010. Tỉnh Vĩnh Long ở cuối thế kỷ 19 thường gọi là Vĩnh Luông. Âm gốc của Luông Long, nhưng vì tên của vua Lê Thái Tông là Nguyên Long nên phải nói thành Luông.

Phước Kiểng là xã của huyện Nhà Bè, tp.HCM, Phước Long là huyện của tỉnh Bình Phước. Kiểng Phước là xã của huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Long Phước là xã của huyện Bến Cầu (Tây Ninh), của huyện Long Hồ (Vĩnh Long), của huyện Long Thành (Đồng Nai),…Âm gốc của Kiểng là Cảnh. Nhưng để khỏi xúc phạm đến tên vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và Nguyễn Phúc Cảnh (con của vua Gia Long), phải nói tránh.

Ngãi Đăng là xã của huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ngãi Giao là thị trấn của huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngãi Hùng là xã của huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Ngãi Tứ là xã của huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. An Ngãi là xã của huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đại Ngãi là xã của huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Mỹ Ngãi là xã của thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Tên tước và miếu hiệu của chúa Nguyễn Phúc Thái (1648-1691) là Anh Tôn Hiếu Nghĩa nên Nghĩa phải là Ngãi.

An Nhơn là xã của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp và là xã của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Lý Nhơn là xã của huyện Cần Giờ, tp. HCM. Lợi Bình Nhơn là xã của thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vì tên tước của Nhân quận công Nguyễn Phúc Lan nên Nhân phải gọi là Nhơn.

Ở Thủ đô Hà Nội có phố Ngô Thì Nhậm. Ở tp. HCM cũng có đường mang tên nhân vật này nhưng gọi là Ngô Thời Nhiệm. Sở dĩ cùng một người mà có hai tên khác nhau vì ở miền Bắc không kiêng húy của các vua quan nhà Nguyễn còn ở trong Nam thì có. Tên vua Tự Đức là Hồng Nhậm Nguyễn Phúc Thì.

Tân Thiềng là xã của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Âm gốc của Thiềng là Thành. Nhưng vì vua Lê Thánh Tông tên Tư Thành nên phải tránh.

Thới Bình là phường của quận Ninh Kiều, tp. Cần Thơ. Thới Quân là xã của huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Thới Tam Thôn là xã của huyện Hóc Môn, tp. HCM. An Thới là xã của huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mua và là thị trấn của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. An Thới còn là phường của quận Bình Thủy, tp. Cần Thơ. Bình Thới là xã của huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Âm gốc của ThớiThái. Nhưng vì kiêng húy chúa Nguyễn Phúc Thái (1648-1691), phải nói tránh.

Thoại Giang là xã của huyện Thọai Sơn, tỉnh An Giang. Thoại Sơn vốn là tên núi cao 80m. Tên cũ là núi Sập. Về sau trở thành tên huyện của tỉnh An Giang, gồm 3 thị trấn Núi Sập, Óc Eo, Phú Hòa và 13 xã. Thoại Sơn là núi có lăng mộ của Nguyễn Văn Thoại. Thoại Hà là sông chảy từ sông Hậu ở tỉnh An Giang đến sông Song Khê, trước cây cối um tùm, lòng sông bùn lầy, ghe thuyền không đi lại được. Năm 1818, được Nguyễn Văn Thoại (1761-1829) chỉ huy nạo vét sâu, ghe thuyền đi lại dễ dàng. Cũng gọi là Ba Lạch, Ba Rạch, Núi Sập hay kinh Rạch Giá-Long Xuyên.

Tên gốc của Nguyễn Văn ThoạiThụy. Vì kiêng húy Thụy Quốc Công, tên tước của Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) nên phải nói chệch.

Ở Hà Nội có các tên phố Tông Đản, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông. Ở tp. HCM cũng có các tên đường này nhưng viết Tôn Đản, Trân Nhân Tôn, Lê Thánh Tôn. Âm gốc của Tôn là Tông, nhưng vì kiêng húy tên vua Thiệu Trị (Miên Tông, 1807-1847) nên phải nói và viết chệch.

Chữ Hán Vinh có tự dạng giống chữ Hán Tông, tên kiêng húy của vua Thiệu Trị nên phải gọi và viết  Vang. Các xã Phú Vang, Vang Quới Đông, Vang Quới Tây của huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre ở trong trường hợp này.

Ở tp. HCM có các tên đường Võ Trường Toản, Võ Duy Ninh, Võ Văn Tần … Vì kiêng húy vua Lê Huyền Tông (Duy ) nên họ Vũ của các nhân vật trên phải gọi là .

            3.Để khỏi vi phạm, người xưa đã có ba cách xử lý:

3.1.Nói chệch, có 3 kiểu:

a.Giữ âm đầu và thanh:

Chu (chúa Nguyễn Phúc Chu) thành Châu (châu thành). Cảnh (Trần Cảnh, hoàng tử Cảnh) thành kiểng (chậu kiểng), Hoa (quý phi Hồ Thị Hoa) thành huê (Huê Kỳ), Hồng (Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức) thành hường (hoa hường), Phúc (Nguyễn Phúc Ánh) thành phước.

            Kiểu này phổ biến nhất.

b.Giữ vần và thanh:

Hoa (Hồ Thị Hoa) thành ba (tài ba, chợ Đông Ba, Huế).

c.Giữ âm đầu và vần:

            Thanh Hoa sửa thành Thanh Hóa. Võ Giang (kiêng húy chúa Trịnh Giang) thành Võ Giàng.

            Hai kiểu sau ít được dùng hơn.

3.2.Thay thế bằng từ đồng nghĩa:

            Cầu Hoa (Bình Thạnh, tp. HCM) thành cầu Bông. Chợ Hàng Hoa (tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) thành chợ Hàng Bông.

            Hằng (Từ dũ Phạm Thị Hằng) thành thường (thường ngày, Thường Nga). Thanh Đàm (“đầm trong”) kiêng húy vua Lê Thế Tông, sửa thành Thanh Trì (“ao trong”).

3.3.Thay bằng một từ khác cũng có ý nghĩa tốt đẹp:

            Huyện Mộ Hoa thành huyện Mộ Đức, thôn Hoa Sơn thành thôn Sơn (Quảng Ngãi).

            Hai cách 2 và 3 ít phổ biến hơn. Khi viết chữ húy, phải bớt nét.

            Lệ kiêng húy xuất hiện từ đời Tống (960-1279) ở Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, tục lệ này ra đời từ nhà Trần (1225-1400).

4.Sau Cách mạng Tháng Tám, tục lệ này bị bãi bỏ ở các vùng kháng chiến và ở miền Bắc sau năm 1955. Còn ở miền Nam vẫn tiếp tục duy trì. Hơn nữa, tục lệ này đã xâm nhập vào tiếng nói hằng ngày của mọi người nên một cách vô thức, chúng ta gián tiếp “bảo vệ” nó.

                                    TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

Ngô Đức Thọ, Chữ húy Việt Nam qua cac triều đại, Hà Nội, Nxb Văn hóa, 1997.

Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 946, ngày 20-11-2016, tr. 10-13.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63677399
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21117
17595
63677399

Thành viên trực tuyến

Đang có 181 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website