Một số địa danh ở Thừa Thiên - Huế

Ở vùng Thừa Thiên Huế, địa danh có nhiều biến dạng và nguồn gốc khá phức tạp. Trước hết là những địa danh có nhiều biến dạng.

Đông Ba là chợ lớn nhất ở thành phố Huế, toạ lạc tại phường Phú Hoà. Chợ cũ xây năm 1887, chợ mới xây năm 1899 bên ngoài cửa Chính Đông (Đông Hoa).

Đông Ba có dạng gốc là Đông Hoa, đến năm 1842 đổi thành Đông Ba để khỏi phạm huý vì mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa, người ở Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Bảng Lảng là tên làng ở thành phố Huế. Bảng Lảng gốc là Bằng Lãng, tức Bình Lãng, nghĩa là “sóng yên”. Có thể nói đây là hiện tượng đồng hóa thanh điệu: thanh hỏi (đối với người Huế, hỏi và ngã là một thanh) đồng hóa thanh huyền thành thanh hỏi.

Lăng Cô là khu du lịch nổi tiếng, có bờ biển dài 10km, cát trắng mịn, nước trong xanh, ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lăng Cô cũng là tên làng chài ở huyện Phú Lộc. Lăng Cô còn là thị trấn của huyện Phú Lộc, dân số 11.200 người.

Lăng Cô có dạng gốc là Làng Cò, nơi có nhiều cò về đậu, bị sai lạc về dấu thanh từ thời Pháp thuộc.

Vĩ Dạ là phường của thành phố Huế, được thành lập năm 1976, diện tích 2,22km2, dân số 14.928 người (1999). Đây vốn là tên làng, thuộc huyện Kim Trà dưới thời nhà Lê (1428-1788).

Vĩ Dạ có âm gốc là Vi Dã, nghĩa là “cánh đồng lau sậy”. Dã có một âm khác là Dạ; còn Vi bị Dã đồng hoá thanh điệu thành Vĩ. Thôn là cách gọi tắt thôn Vĩ Dạ.

Hương là sông ở tỉnh Thừa Thiên Huế, bắt nguồn từ huyện Nam Đông, chảy qua huyện Hương Thuỷ, thành phố Huế rồi đổ ra biển Đông. Dịch sang chữ Hán là Hương Giang. Tên cũ là Lô Dung.

Về nguồn gốc, có hai ý kiến: 1.Vì hai bên bờ sông có loại cây thạch xương bồ, làm cho nước có mùi thơm nên có tên sông Hương. 2. Theo Dương Văn An, tác giả Ô châu cận lục, vào thế kỷ 16, sông Hương có tên Linh Giang, do hai sông Đan Điền và Kim Trà hợp lưu ở ngã ba Sình rồi đổ ra biển. Sông Đan Điền ngày nay là sông Bồ. Còn sông Kim Trà và huyện Kim Trà, năm 1570, vì kiêng huý Nguyễn Kim - thân phụ của chúa Nguyễn Hoàng - đổi thành Hương Trà, rồi nói tắt là sông Hương (Trà). Ý kiến thứ hai thuyết phục hơn vì trước năm 1553, sông Hương được gọi là sông cái Kim Trà (Dương Văn An) nên sau khi đổi thành huyện Hương Trà thì người ta gọi là sông Hương.

Huế là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên Huế, diện tích 71,68km2, dân số 344.681 người (2012), gồm 27 phường. Năm 1804, Huế được vua Gia Long chọn làm kinh đô. Năm 1993, quần thể kiến trúc Huế được công nhận là Di sản văn hoá thế giới.    

Huế là biến âm của Hoá trong địa danh (châu) Hoá đời Trần. Trong Từ điển Việt-Bồ- La (1651) của A.de Rhodes, dạng Huế đã xuất hiện.

Số địa danh thuần Việt khá nhiều.

Ba Tầng là núi ở xã Thuỷ An, thành phố Huế, cao 44m, trong dãy Tam Tầng. Ba Tầng vì núi có ba tầng hình tròn chồng lên nhau ứng với tam tài (thiên, địa, nhân).

Ba Tầng còn là tên thác, vì thác phải qua ba tầng mới đến lòng suối.

Cầu Kho là khu vực thuộc phường Thuận Lộc, thành phố Huế. Cầu Kho: Nơi này trước đây có các kho tiền, thuốc súng và diêm tiêu,… sau đó lần lượt dời đi, dân đến ở, nên có tên trên.

Một xóm ở phường Đúc, thành phố Huế có tên Cầu Lòn. Cầu Lòn vì tại khu vực này, từ năm 1908, có giao lộ xe lửa và đường bộ, xe lửa chạy ở trên, người đi dưới cầu nên có địa danh này.

Chín Hầm là khu vực trên quả đồi cao 35m, cách thành phố Huế  6km về hướng tây nam. Nơi đây, năm 1941, thực dân Pháp xây kho chứa vũ khí; thời 1954-1963, Ngô Đình Cẩn (em Ngô Đình Diệm) dùng làm nơi giam giữ những người cách mạng và yêu nước; nay là khu du lịch văn hoá-lịch sử. Chín Hầm thực ra chỉ có 8 hầm và 1 ngôi nhà gác.

Thời kháng chiến chống Mỹ, một ngọn đồi ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế mang tên Thịt Băm. Còn gọi là cứ điểm 937. Quân đội Mỹ gọi là Hamburgur hill. Thịt Băm vì tại đồi này, ngày 10-5-1969, sư đoàn 101 không vận nổi tiếng của Mỹ bị tấn công khiến số thương vong nhiều kinh khủng.

Một vài địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số.

A Lưới là huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế, thành lập tháng 3-1976, diện tích 1.229km2, dân số 39.983 người (2006), gồm thị trấn A Lưới và 20 xã. Thị trấn của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mang tên này.

            A Lưới gốc Pa Cô-Ta Ôi Alơaiq, là “tên vị anh hùng nổi tiếng trong sử thi của người Ta Ôi và “chịu phạt bằng việc đền con trâu để giữ mối giao hoà giữa các bộ tộc với nhau” (Trần Văn Sáng).

Truồi là núi (và sông) ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cao 670m.

Truồi gốc Pa Cô Ntruồi, nghĩa là “gà” (Võ Xuân Trang).

Số địa danh gốc Hán Việt chiếm đa số.

Bạch Mã là dãy núi nằm ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng, cao 1.450m, có đèo Hải Vân chạy ngang qua. Đây là một trong ba trung tâm nghỉ mát nổi tiếng ở Việt Nam (Đà Lạt, Sa Pa, Bạch Mã), được phát hiện năm 1932.

Vườn quốc gia Bạch Mã rộng 22.000ha, được thành lập năm 1991, ở đó có 1.400 loài cây và 931 loài động vật, trong đó có 86 loài cây và 68 loài động vật được xếp vào sách đỏ Việt Nam. Đầu năm 2006, vườn được mở rộng 3.000ha về phía nam. Bạch Mã là “ngựa trắng”.

Làng ở huyện Phú Vinh, phủ Thừa Thiên, trên sông Hương, cách thành phố Huế 5km, mang tên Mậu Tài. Mậu Tài có hai nghĩa: 1.“tài giỏi”; 2. “tú tài”.

Nam Giao là đàn được xây dựng ở làng Dương Xuân, phường Trường An, thành phố Huế, khởi công ngày 25-3-1806, gồm ba tầng. Toàn bộ khu vực đàn chính nằm trên một khoảnh đất trồng thông hình vuông, mỗi cạnh dài 611,60m. Di tích đã được xếp hạng quốc gia theo quyết định số 2890 – VH/QĐ ngày 27-9-1997.

Nam Giao là “đàn xây ở phía nam kinh thành để tế trời đất”.

Ngũ Điền là vùng đất ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngũ Điền (HV) là vùng có năm xã mang từ Điền: Điền Hải, Điền Hòa, Điền Hương, Điền Lộc, Điền Môn.

Vùng đất ở Trung Bộ, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi trước năm 1822 mang tên Ngũ Quảng. Năm 1822, đổi phủ Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên, nhập vào kinh thành Huế.

Ngũ Quảng là năm phủ bắt đầu bằng từ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Ngự Bình là núi bên bờ sông Hương, cách cố đô Huế 4km về phía nam, cao 105m, hình thang cân. Trước có tên Hòn Mô, Bình Sơn / Bằng Sơn hay núi Bằng, được vua Gia Long đổi thành Ngự Bình. Cũng gọi là núi Ngự.

Ngự Bình có nghĩa là “(núi) bằng phẳng, nơi vua đến vui chơi”.

Cửa ở kinh thành Huế, thông ra bếnThương Bạc, tỉnh Thừa Thiên Huế mang tên Nhà Đồ. Nhà Đồ là nhà chứa vật liệu để đúc tượng, thuộc Nha Tượng cục của triều đình.

Tam Giang là tên phá nằm trong địa bàn các huyện Hương Trà, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, dài 30km, rộng từ 1 đến 6km. Trước năm 1821, gọi là Hạc Hải “biển cạn”. Xưa phá này rất sâu, thường có những cơn sóng lớn làm đắm ghe tàu nên người đi biển rất sợ hãi. Ca dao xưa có câu:

Thương em, anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Nay phá đã cạn vì đất phù sa của 3 con sông bồi tụ.

Tam Giang có nghĩa là “ba con sông”, vì có ba sông Bồ (Tả Giang), Hương (Trung Giang) và Ô Lâu (Hữu Giang) chảy vào phá.

Núi ở gần núi Ngự Bình, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế mang tên Tam Thai. Tam Thai là ba chức quan to trong triều, là thái sư, thái phó, thái bảo. Núi Ngự tượng trưng cho vua; núi Tam Thai tượng trưng cho các quan hầu vua.

Tam Tòa là vùng đất trong thành nội, thuộc thành phố Huế. Tam Tòa là Tam pháp ty, tòa án tối cao do ba cơ quan hợp lại là Bộ Hình, Đô sát viện và Đại lý tự, trực thuộc nhà vua dưới triều Minh Mạng.

Thanh Toàn là làng ở tổng Sư Lỗ, sau vua Thiệu Trị đổi thành Thanh Thuỷ vì kỵ huý, thuộc huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng có cầu ngói xây năm 1776, cũng gọi là cầu Dạ Lê, dài 17m, được Bộ Văn hoá-Thông tin xếp hạng. Thanh Toàn, tức Thanh Tuyền, là “suối xanh”.

Tràng Tiền là cầu bắc qua sông Hương, thành phố Huế, trên quốc lộ1A, xây dựng vào năm 1900, bằng sắt, lót ván gỗ, dài 401,10m. Năm 1904, do bão, cầu bị sập, sửa lại bằng xi-măng cốt thép. Ban đầu, cầu mang tên Thành Thái; sau khi vua bị bắt, cầu đổi tên thành Clémenceau (tên toàn quyền Đông Dương lúc đó); năm 1954, đổi thành cầu Nguyễn Hoàng; nhưng người dân thường gọi Tràng Tiền. Trong các năm 1947, 1968, cầu bị sập do chiến tranh và được sửa lại. Cũng gọi Trường Tiền.

Tràng Tiền vốn là khu vực đúc tiền nằm tại đầu cầu ở bờ bắc sông Hương của quân Trịnh trong thời gian cai quản Thuận Hoá (1774-1786).

 

(Nguồn: tạp chí Kiến thức ngày nay, số 912, ngày 10-12-2015, tr. 14-17)

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63677557
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21275
17595
63677557

Thành viên trực tuyến

Đang có 200 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website