Những địa danh gắn bó với sự kiện

1.Địa danh thường ra đời trong hoàn cảnh cụ thể nào đó. Sự kiện đó có thể là lịch sử, nhân vật, phong tục, đặc điểm, ...

2.Trước hết là các địa danh gắn bó với lịch sử dân tộc.

Ba Đình là quảng trường ở cạnh Phủ Chủ tịch và chùa Một Cột, thuộc thành phố Hà Nội, dài 320m, rộng 100m, có sức chứa 200.000 người. Giữa thế kỷ 19, cạnh quảng trường có một gò cao gọi là núi Khán, có xây một Khán sơn đình để các văn nhân hội họp, sinh hoạt. Dưới thời Pháp, được đặt tên vườn hoa Pugininer (parc Pugininer) và vòng xoay Pugininer (Rond-point Pugininer) nên thường gọi quảng trường Tròn. Năm 1901, xây dựng Phủ Toàn quyền nơi đây, đến năm 1914 xây dựng Trường Lycée Paul Bert. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, bác sĩ Trần Văn Lai được cử làm Đốc lý Hà Nội (Thị trưởng) – một người yêu nước có tinh thần dân tộc - ông ra lệnh đổi tên thành Ba Đình. Ngày 2-9-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập nơi đây. Ngày 10-10-2010, mít-tinh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Tháng 6-1981 Ba Đình trở thành Quận của thủ đô Hà Nội, diện tích 9,3km2, dân số 228.352 người (2009), gồm 14 phường.

Ba Đình là ba cái đình của ba làng Mậu Thịnh, Mỹ Khê và Thượng Thọ, thuộc huyện Nga Sơn, t. Thanh Hóa, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp trong các năm 1866-1867 do Đinh Công Tráng lãnh đạo. Tên được đặt sau khi Nhật đảo chính Pháp (đặt ngày 20-7-1945). Chắc chằn dưới chế độ thực dân, Pháp sẽ không chấp nhận dùng tên một cuộc khởi nghĩa chống chúng để đặt tên cho quảng trường.

Bài Thơ là tên một hòn núi nằm trên bờ biển thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cao 106m. Cũng gọi là núi Con Gái, vì có hình dạng cô gái đang nằm. Trước đó có tên là Truyền Đăng (Truyền Đăng, vì trên núi có trạm truyền tin bằng ánh sáng: mỗi lần có giặc, lính gác đốt lửa (ban đêm) hoặc hun khói (ban ngày) để báo động cho tuyến sau truyền về kinh đô).

Bài Thơ còn là tên sông luồng từ núi Bài Thơ đến hòn Đầu Mối, tỉnh Quảng Ninh, dài 7km.

Bài Thơ vì trên núi còn dấu tích bài thơ của vua Lê Thánh Tông đề năm 1468 khi Ngài qua đây.

Núi bài thơ – địa điểm du lịch lý tưởng

Núi bài thơ 

Khâm Thiên Giám là thôn ở tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long, nay thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Khâm Thiên Giám vì tại khu này dưới thời nhà Nguyễn có cơ quan trông coi việc thiên văn và làm lịch của triều đình phong kiến.

Núi ở xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình mang tên Kiếm Lĩnh. Cũng gọi Cắm Gươm. Kiếm Lĩnh là “núi cắm gươm”. Tương truyền chú của Đinh Bộ Lĩnh giận cháu quá vì đã giết trâu của mình nên cầm gươm rượt đuổi; nhưng thấy rùa vàng đỡ cháu chở qua sông nên cắm gươm xuống đất sững sờ đứng nhìn.

Thái Sư là tên một con kênh ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây là kênh quan trọng trong hệ thống thủy lợi khu vực này. Cũng gọi sông Thái sư.

Sở dĩ gọi thế vì kênh do thái sư Trần Thủ Độ cho đào và lăng mộ của ông nằm bên cạnh kênh.

Tiếp theo, một số địa danh phải đọc chệch vì kiêng húy.

Kỳ Lừa vừa là chợ, vừa là cầu, vừa là thị trấn ở cách thành phố Lạng Sơn 1km, có phố xá buôn bán sầm uất. Chợ và phố do Thân Nhân Trung (1418-1499) đời Lê lập, có đền do nhân dân xây dựng để nhớ ơn ông.

            Kỳ Lừa vốn là Khâu Lừ, vì kiêng huý Khổng Tử (Khâu) nên sửa thành Kỳ Lừa. Khâu Lừ/Khau Lừ là đồi con lừa.

Cẩm Giàng là sông chảy qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và đổ vào sông Kẻ Sặt, dài 26km. Cẩm Giàng còn là tên huyện của tỉnh Hải Dương, diện tích 109,3km2, dân số 121.935 người (2006), gồm hai thị trấn Cẩm Giàng, Lai Cách và 17 xã.

Cẩm Giàng là biến âm của Cẩm Giang, nghĩa là “sông gấm”, do kiêng huý chúa Trịnh Giang, nên phải nói chệch. (Hai chữ Hán Cẩm Giang viết kèm bên tên Cẩm Giàng).

Võ Giàng là huyện cũ của tỉnh Bắc Ninh. Thời Lê Thánh Tông có tên là huyện Vũ Ninh, là một trong năm huyện của phủ Từ Sơn, thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Đến đầu năm 1533, vì kiêng húy của vua Lê Trang Tông (Lê Duy Ninh) nên đổi  thành Vũ Giang, sau lại kiêng húy chúa Trịnh Giang nên đọc chệch âm là Vũ Giàng hay Võ Giàng. Năm 1962, đã nhập với huyện Quế Dương thành huyện Quế Võ.

Võ Giàng, âm gốc là Võ Giang vốn có nghĩa là “sông võ”, vì kiêng huý chúa Trịnh Giang nên phải nói chệch.

Mặt khác, một vài địa danh bắt nguồn từ một vài sự tích cũ.

Lạn Kha là núi ở xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Du cũ, nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nơi có chùa Phật Tích nổi tiếng, được xây dựng từ thế kỷ 11. Đây là địa danh ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc.

Lạn Kha có nghĩa là “cán rìu mục”, vì theo tương truyền đời Tấn có Vương Chất, một tiều phu lên núi, gặp tiên đánh cờ, chống rìu xem hết một ván, đến khi nhìn xuống thì cán rìu đã mục.

Nhượng Bạn vừa là xã thuộc tổng Nhượng Bạn, châu Thạch Lâm, phủ Hoà An, trấn Cao Bằng, phủ lỵ phủ Hoà An từ năm 1834, nay thuộc huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng.

Nhượng Bạn là “bờ đất nhường”, bắt nguồn từ truyền thuyết thời nhà Trần. Hồi ấy vì làng bị lấn chiếm, bà cung nhân Hoàng Căn, người làng, bày mẹo lập bia dựng mốc ở nơi địa giới cũ, ít lâu sau phát đơn kiện kêu quan và đã giành được phần đất bị lấn chiếm.

Ngoài ra, nhiều địa danh được đặt do một vài đặc điểm của đối tượng được đặt tên.

Hòm Sách là một hòn núi ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Hòm Sách vì núi có nhiều tảng đá hình chữ nhật chồng lên nhau như những cái rương đựng sách.

Bồng Lai vừa là tên động ở núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) vừa là tên xã ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Bồng Lai cũng gọi là Bồng Sơn, núi ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.

Bồng Lai hay Bồng Sơn là “non bồng”. Theo truyền thuyết Trung Quốc, có thành ngữ Hán Việt Bồng Sơn, Nhược Thuỷ vốn chỉ cõi tiên ở trên lãnh thổ Trung Quốc. Địa danh này thể hiện ước mơ quê hương mình đẹp như cõi tiên.

Về nguồn gốc, Bồng SơnBồng Lai cùng một nghĩa.

Bụt Mọc là hang ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Bụt Mọc vì trong hang có nhiều tảng đá lô nhô như tượng Phật.

Một hòn núi ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình mang tên Ông Trạng. Cũng gọi núi Trạng Nguyên. Ông Trạng vì dáng núi giống như hình người đội mũ cánh chuồn.

Cánh Diều là tên núi ở hai xã Bích Đào, Đại Đăng, huyện Hoa Lư, gần thị xã Ninh Bình, cao độ 50m. Cũng gọi là Phi Diên (“diều bay”), Ngọc Mỹ Nhân, vì dáng núi giống hình một cô gái nằm dài xoã tóc.

Cánh Diều vì dáng núi ở giữa có một ngọn cao, hai bên mở rộng như hình cánh con diều.

Mèo Cào là núi ở tỉnh Ninh Bình. Mèo Cào vì núi có các vách dựng đứng, nhiều vết lồi lõm kéo dài từ trên xuống như vết mèo cào.

Mặt Quỷ là núi ở huyện An Châu, tỉnh Bắc Giang, cao 600m.

Mặt Quỷ vì “đầu núi đột khởi to, tròn, sừng sững, khá dốc; đỉnh núi có những vách đá lớn, dựng đứng với nhiều hang hốc, cây mọc thành từng đám xen kẽ đá, rất thâm u, hiểm trở.

3.Tóm lại, địa danh chào đời thường gắn bó với các sự kiện lịch sử, xã hội, phong tục...Bởi vậy, “lý lịch” của các địa danh cần được xác minh với những chi tiết cụ thể và rõ ràng. Có như thế, chúng ta mới hiểu đúng và đủ “tiểu sử” của chúng.

 

Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 902, ngày 1-9-2015, tr. 6-8.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60537094
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18587
10018
60537094

Thành viên trực tuyến

Đang có 419 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website