Thử giải mã một số địa danh Việt Nam

                                                         (Lê Trung Hoa,  Kiến thức ngày nay, số 940, ngày 20-9-2016, tr. 12-14)

1.Trong tiếng Việt, còn nhiều địa danh chưa lý giải được một cách dứt khóat, thuyết phục được mọi người. Trong bài này, chúng tôi nêu một số địa danh tương đối phổ biến, có khả năng gây tranh luận và cố gắng lý giải với hy vọng góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc và ý nghĩa của chúng.

 

             2.                                             BÀ NÀ

Bà Nà là núi ở huyện Hoà Vang, tp. Đà Nẵng, cao 1.487m. Tại đây có khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – núi Chúa, diện tích 43.327ha, là nơi du lịch, nghỉ mát và an dưỡng.

            Nguyễn Sinh Duy cho rằng Bà Nà do Po Na(gar) mà ra [166]. Tác giả không trình bày luận cứ.Tại sao mất âm tiết –gar? Tác giả cũng không lý giải và không cho thấy có tiền lệ. Để chỉ Bà Thiên Y A Na, người Chăm viết Pô Inư Nưgar [129]. Pô: ngài; Inư: mẹ; Nưgar: xứ sở, tức Bà Mẹ xứ sở.

Chúng tôi nghĩ rằng Bà Nà có lẽ đã bắt nguồn từ tên của dân tộc Ba Na, vì các lý do sau: 1. GS Đặng Nghiêm Vạn viết: “(…) ngành Ba Na bao gồm các cư dân hiện đang cư trú ở trên cao nguyên Tây Nguyên và miền núi các tỉnh Quảng Nam (tức Quảng Nam và Đà Nẵng hiện nay – LTH), Quảng Ngãi (…). Ở Việt Nam, ngành Ba Na được chia làm hai ngành: Ba Na Bắc gồm các dân tộc Gié – Triêng, Xơ Đăng, Ba Na, (…). Phân ngành Ba Na Nam bao gồm các dân tộc Mnông, Xtiêng (…)” [37]. Rõ ràng các dân tộc Ba Na có cư trú ở vùng núi tỉnh Quảng Nam cũ. 2. GS Nguyễn Tài Cẩn thay vì gọi Ba Na, viết tiểu chi Bànà [168; tr. 10, 13]. Như vậy Ba Na cũng gọi Bà Nà 3. Cụ Đinh Xuân Vịnh [41] và Nguyễn Như Ý – Nguyễn Thanh Chương – Bùi Thiết, thay vì ghi Bà Nà đã ghi Ba Na (hay Bà Na) [162]. 4. Hai thanh ngang và huyền thường chuyển đổi với nhau: (bao) nhiêu – nhiều, (nhà) ngươi – người, (ngày) nao – nào,… 5. Tên nhiều dân tộc ở Việt Nam cũng như trên thế giới chuyển thành địa danh. Xin nêu cụ thể vài trường hợp: tên dân tộc Gia Rai (bắt nguồn từ tên Jrai, nghĩa là “thác nước”) sau trở thành tên tỉnh Gia Lai; tên dân tộc Lào trở thành tên nước Lào; tên thủ đô Paris của Pháp bắt nguồn từ tên dân tộc Paris cư trú tại đây ngày xưa,…

                                                            PHÚ QUỐC

Phú Quốc là huyện đảo của tỉnh Kiên Giang, diện tích 593,1km2, dân số 70.200 người (2006), gồm thị trấn Dương Đông và 8 xã. Phú Quốc gốc Hán Việt, có nghĩa là “nước giàu”.

Tại sao tên một hòn đảo mà lại gọi là Quốc? Chúng tôi thấy, ngoài nghĩa là “nước”, quốc còn có nghĩa là “xứ”. Trước đây, ông cha chúng ta đã sử dụng nghĩa này của từ quốc. Có thể đây là cách dùng và hiểu của người Việt. Vào thế kỷ 17, Hà Tiên được gọi là Hà Tiên quốc hoặc Cảng Khẩu quốc [297]. Đồng thời, ở xã Nghĩa Liệt, tổng Phù Long, huyện Hưng Nguyên, trấn Nghệ An cũng có thôn An Quốc . 2. Ngày nay, ở tỉnh Cao Bằng còn xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang và thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh [1] . Có lẽ trước đây từ quốc còn chỉ một vùng nhỏ, một xứ. Vậy Phú Quốc là “xứ giàu”. Từ quốc ở đây giống từ srôk của tiếng Khmer, vừa có nghĩa là “nước” vừa có nghĩa là “xứ”.

       Có tài liệu của một giáo sĩ ngoại quốc đạo Thiên Chúa ghi là Phục Quốc (tức Phú Quốc) [Hồng Nhuệ, Đảo Phú hay Phục Quốc? Xưa và Nay, số 58B, tháng 5 – 1998]; còn các tài liệu của các người Việt đồng thời hoàn toàn không nói đến nên có lẽ đây là cách ghi sai lạc của người nước ngoài.

TRẸM, TRÈM TRẸM

Trẹm, Trèm Trẹm xuất hiện trong nhiều địa danh ở Trung Bộ và Nam Bộ.

Trẹm là bãi cát nằm cuối sông Hàn, bên phía tả ngạn, do đất cát được sóng biển dồn lên. Nay thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Cũng gọi là Trèm Trẹm.

Trẹm là sông xuất phát từ tỉnh Kiên Giang, chảy tới ngã ba Cái Tàu, tỉnh Cà Mau, dài 30km. Cũng gọi là sông Trèm Trẹm.

Trẹm là mõm đá nhô ra biển ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Thường gọi là hòn Trẹm.

La Khê Trẹm là làng ở tỉnhThừa Thiên – Huế. La Khê là yếu tố Hán Việt.

Có người đoán Trẹm gốc Chăm, nhưng chưa biết nghĩa [234].

        Chúng tôi nghĩ khác. Tiếng Việt trong các thế kỷ vừa qua có một hiện tượng biến âm đáng chú ý. Một số từ ở thế kỷ 17 mang tổ hợp phụ âm đầu tl-, sau đó hoặc rụng phụ âm t, hoặc biến âm từ l sang r: tlánh => tránh / lánh; tle => tre / le; tleo => trèo / leo; tlên => trên / lên; tlêu => trêu / lêu (lêu lêu); tlọn => trọn / lọn; …Vì vậy, trẹm có lẽ là một dạng khác của lẹm, và cả hai dạng có cùng một tiền thân là tlẹm nghĩa là “có chỗ bị lõm, bị khuyết vào, không đầy đặn như thường” [62]. Áp dụng nghĩa này vào các địa danh trên, ta có thể hiểu:

Bãi Trẹm, hòn Trẹm, sông Trẹm, làng La Khê Trẹm là bãi cát, mõm đá, con sông, ngôi làng có chỗ bị lõm, khuyết vào, không đầy đặn như bình thường. Còn Trèm Trẹm chỉ là dạng láy và dị hóa thanh điệu của Trẹm mà thôi.

                                   Ô CẤP, Ô GIANG,…

            Ô Cấp là mũi đất nhô ra biển Đông ở vũng Gành Rái, trên đó có tp. Vũng Tàu.

Trước năm 1945, người Pháp đặt tên mũi này là Cap Saint Jacques (mũi Thánh Giắc). Thạch Phương và Nguyễn Trọng Minh, theo ý kiến của một số người, cho rằng, người Pháp nói “đến mũi này” là (aller) au Cap. Lâu ngày au Cap thành Ô Cấp, chỉ Vũng Tàu [235].

Về nguồn gốc địa danh này, chúng tôi nghĩ khác. Về từ Ô, có một số ý kiến và thực tế đáng quan tâm. 1. Trong một luận án của mình, Từ Thu Mai cho rằng ở tỉnh Quảng Trị có 3 con sông mang thành tố Ô ở trước (Ô Giang, Ô Khê, Ô Lâu) và Ô ở đây là “biến âm từ “lô” (từ cổ nghĩa là “sông”) thành “ô” bằng cách nhược hóa /l/ kiểu như lì / ì, lặng / ắng” [284; tr. 154]. Ngoài ba sông trên, chúng tôi muốn bổ sung: ở tỉnh Quang Nam, sông Vu Gia còn có tên là Ô Gia. 2. Ở tỉnh An Giang cũng có ba con suối mang thành tố chung Ô ở trước, là Ô Tà Sóc, Ô Thum, Ô Tức Xa. Ba suối này cùng có gốc Khmer, và hai suối đầu trong ba suối này có nghĩa là “suối ông Sóc” “suối lớn”. Vậy cả bảy sông và suối trên đều có từ Ô ở trước. Như thế, từ Ô ở trong các địa danh trên đều có quan hệ tới sông nước. 3. Mặt khác, ở thành phố Cần Thơ có quận Ô Môn, một địa danh nửa Khmer nửa Việt. Ô ở đây có nghĩa là “vũng, bàu, đầm”; và Môn là cây môn nước. Ở thành phố Hồ Chí Minh có địa danh Ô Ma, mà nhiều người cho rằng bắt nguồn từ tên Pháp Camp des Mares (“trại lính nơi có các ao”). Rõ ràng Campdes không thể nói chệch thành Ô được. Ở Phú Yên có đầm Ô Loan. Nguyên Đình Chúc cho rằng theo tự dạng chữ Hán ghi địa danh này, Ô là “con quạ”; Loan là “chim loan” [140]. Thế thì hiểu nghĩa của Ô Loan thế nào? Rõ ràng các địa danh Ô Môn, Ô Ma, Ô Loan đều có liên hệ đến sông nước. Và Ô Cấp cũng thế.

Tóm lại, trong tiếng Việt cổ và tiếng Khmer hiện đại, có một từ liên hệ đến sông nước là Ô trong các địa danh trên.

3. Nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh là vấn đề rất phức tạp. Giải quyết vấn đề này cần sự tham gia của nhiều người, nhiều ngành. Ý kiến của chúng tôi là của cá nhân nên chắc chắn chưa thể hoàn toàn đúng.

5.Hồng Nhuệ,

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63677468
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21186
17595
63677468

Thành viên trực tuyến

Đang có 196 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website