Một số địa danh Việt Nam đáng quan tâm

(Lê Trung Hoa, Kiến thức ngày nay, số 900, ngày 10-8-2015, tr. 16-19)

1.Theo phỏng đoán cá nhân, ở Việt Nam có ít nhất ba trăm nghìn địa danh. Trong số này, có vài trăm địa danh thú vị nhất. Trong bài này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến vài chục đơn vị được nhiều người quan tâm.

2.Trước hết là địa danh ở Nam Bộ.

Theo các nhà địa danh học Nga, dòng sông lớn nhất châu Á có độ 50 tên gọi khác nhau tùy địa phương và dân tộc. Tên phổ biến nhất ở Nam Bộ là Cửu Long. Tên gốc của sông Mê Công này là Krong, nghĩa là “sông lớn”. Người Trung Quốc phiên âm thành Cửu Long (K> Cửu; -rong > Long), nhưng để chỉ sông Lan Thương từ chỗ hợp lưu của sông Phổ Nhĩ trở xuống. Sau người Việt lại dùng để chỉ sông Mékong. Một số người hiểu theo nghĩa của từ tổ là “chín con rồng”rồi cho rằng vì sông có 9 nhánh và đổ ra biển Đông ở 9 cửa là: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Bát Xắc, Tranh Đề. Thật ra, ngoài 9 cửa trên, còn 6 cửa chưa được kể ra là Bãi Ngao, Bồ Đề, Gành Hào, Lớn, Ông Đốc, Rạch Giá [7]. Như vậy, sông có 15 nhánh nhưng người bình dân chỉ kể 9 nhánh rồi dừng lại cho khớp với nghĩa “chín rồng”.

             Tên sông còn chuyển thành tên tỉnh cũ của Nam Bộ, do sát nhập hai tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình vào tháng 2-1976, đến ngày 26-12-1991, lại tách thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.

Hai trong 9 tên nhánh sông  đã bị ghi sai lạc trên bản đồ từ thời Pháp thuộc. Đó là Cung Hầu Trần Đề hoặc Tranh Đề. Cung Hầu có âm gốc là Cồn Ngao, chỉ một cái cồn có nhiều ngao ở tỉnh Bến Tre. Còn Trần Đề/Tranh Đề có âm gốc là Trấn Di, nghĩa là “trấn áp giặc”, vốn là tên một đạo được lập từ 1739.

Trần Đề được dùng làm tên huyện của tỉnh Sóc Trăng, thành lập ngày 23-12-2009, diện tích 378,76km2, dân số 130.077 người (2009) gồm 2 thị trấn Trần Đề, Lịch Hội Thượng và 9 xã: Đại Ân 2, Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, Tài Văn, Thạnh Thới An, Thạnh Thới Thuận, Trung Bình, Viên An, Viên Bình. Rồi Trần Đề trở thành tên thị trấn của huyên Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng từ ngày 23-12-2009. Nghe tên Trần Đề, nhiều người lầm tưởng là tên họ của một nhân vật nào đó (!).

Số địa danh mang thành tố Ô ở đầu xuất hiện khá nhiều ở Nam Bộ và Trung Bộ. Ô trong tiếng Khmer chỉ các kiểu dòng chảy. Các địa danh sau đây chỉ «kênh»: Ô Ca Đa Lớn là kênh ở tỉnh Trà Vinh; Ô Đình là kênh ở tỉnh Sóc Trăng; Ô Tưng là kênh ở  tỉnh Trà Vinh,…; các địa danh sau đây chỉ «rạch»: Ô Bà Kép là rạch ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh; Ô Ếch là rạch ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Các địa danh sau đây chỉ “suối”: Ô Tà Sóc là suối ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; Ô Thum là suối ở thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Một số chỉ “sông”: Ô Chát là sông ở xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Ô Lắc là sông ở xã Hiệp Mỹ, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Một số chỉ “mương”: Ô La là mương ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; Ô Tức Xa là suối ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang [3].

Một số tên sông ở miền Nam mang từ ô cũng đã được các nhà nhà nghiên cứu, xác định theo nghĩa vừa nêu.

Bên cạnh những địa danh mang từ Ô chỉ dòng chảy, một số địa danh mang từ Ô chỉ các địa hình chỉ vùng nước ngập như ao, bàu, vũng, đầm. Ô Môn là tên quận của tỉnh Phong Dinh từ ngày 5-6-1957 đến ngày 30-4-1975. Trong các năm gần đây, Ô Môn được tái sử dụng thành quận của thành phồ Cần Thơ, gồm 7 phường. Ô Môn gốc Khmer, nghĩa là: «bàu có nhiều cây môn nước».

Ô Ma là khu quân sự của thực dân Pháp, về sau nằm trong trụ sở của Tổng nha Cảnh sát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nay là cơ quan của Bộ Công an, thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Tên gốc của địa danh này là từ tổ Camp des Mares (trại lính nơi có nhiều ao). Ô Ma: nửa gốc Khmer nửa gốc Pháp: Ô là “vũng, bàu”; Ma do Mares (“ao”) [4].

Ô Cấp là mũi đất nhô ra biển Đông ở vũng Gành Rái, trên đó có thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

              Trước năm 1945, người Pháp đặt tên mũi này là Cap Saint Jacques (mũi Thánh Giắc). Ô ở đây chỉ vũng. Đậy là một địa danh hỗn hợp: Ô Cấp là một từ Khmer (Ô) ghép với một từ Pháp (Cap).

Ngoài ra, một số địa danh mang từ Ô nhưng không mang nghĩa trên. Ô Quắn gốc Pháp, có tên Việt là Nghinh Phong. Nghinh Phong là mũi nằm ở phía cực nam thành phố Vũng Tàu như một cánh tay vươn dài ra biển. Còn Ô Quắn phiên âm Au Vent của Pháp. Nghinh Phong và Au Vent (Pháp) là “đón gió”.

Tiếp theo là địa danh ở Trung Bộ.

Ô Loan là đầm ở ven biển huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, rộng 1.570 ha. Ô Loan, theo văn tự ghi chép, Ô là từ phiên âm để chỉ cái đầm; Loan là “chim loan”vì hình dáng của đầm giống hình chim loan.

Ô Khê là sông ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ô Lâu là tên sông, một trong ba sông đổ vào phá Tam Giang, ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ở tỉnh Bình Định có thị trấn Bồng Sơn của huyện Hoài Nhơn; ở tỉnh Kon Tum có núi  Bồng Sơn, cao 1.939m và tỉnh Cao Bằng cũng có núi Bồng Sơn. Còn có một phường của thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cũng mang tên này.

Bồng Sơn, cũng gọi Bồng Lai, nằm trong thành ngữ của tiếng Trung Bồng Sơn Nhựơc Thủy, chỉ nơi tiên ở. Ở địa phương này, người xưa thể hiện mong ước quê hương mình đẹp như cõi tiên.

            Cũng ở Bình Định có thị trấn Diêu Trì của huyện Tuy Phước, cách Qui Nhơn 11km. Cũng gọi là Dao Trì. Ban đầu gọi là Ao Cá Sấu. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi thành Dao Trì.

            Diêu Trì là nơi bà tiên Tây Vương Mẫu sống (theo truyền thuyết Trung Quốc), cảnh trí rất đẹp. Cách đặt địa danh này cũng thể hiện ước mơ quê hương mình đẹp như tiên giới.

Phù Cát là huyện của tỉnh Bình Định, diện tích 678,5km2, dân số 194.100 người (2009), gồm thị trấn Ngô Mây và 17 xã. Phù Cát là “dấu hiệu tốt”.

Phù Mỹ cũng là huyện của tỉnh Bình Định, gồm 2 thị trấn Phù Mỹ, Bình Dương và 17 xã. Phù Mỹ còn là thị trấn của huyện Phù Mỹ. Địa danh Phù Mỹ được mang lên đặt cho xã của huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng vì đa số dân gốc từ huyện Phù Mỹ lên định cư. Phù Mỹ là “dấu hiệu đẹp”.

Bãi Vọt là địa điểm thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, dưới chân núi Hồng Lĩnh. Bãi Vọt là “đám đất có nhiều cây vọt” [2]. Cây vọt là một loại dương xỉ, có thân nhỏ, dài, thường dùng làm roi để quất nên có từ tổ roi vọt.

Lâm Đồng là tỉnh Tây Nguyên, gồm thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc và 9 huyện. Lâm Đồng nửa Hán Việt nửa thuần Việt. Tên núi Lang Bian (tiếng Cơ Ho) đã được Hán Việt hoá thành Lâm Viên, trở thành tên tỉnh ngày 6-1-1916. Trước đó, ngày 1-11-1899, thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng. Đến ngày 22-2-1951, hợp nhất chữ đầu tên hai tỉnh cũ thành Lâm Đồng.

Lâm Hà là huyện của tỉnh Lâm Đồng, diện tích 978,52km2, dân số 133.679 người (2009), gồm 2 thị trấn Đinh Văn, Nam Ban và 18 xã. Lâm Hà là do hai chữ đầu của tỉnh Lâm Đồng và thủ đô Hà Nội ghép lại, vì đây là huyện mới thành lập ngày 24-10-1987 mà nhiều cư dân đến từ thành phố Hà Nội.

Chu Lai là vùng đất ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây là khu kinh tế mở của tỉnh.

Chu Lai. Có hai cách lý giải: 1. Có người cho rằng địa danh này đã có từ thời nhà Nguyễn. 2. Do từ tiếng Anh July, nghĩa là “tháng bảy” vì đây là tháng (của năm 1965) quân Mỹ đổ vào vùng này rồi xây dựng căn cứ quân sự. Thuyết thứ hai có sức thuyết phục hơn, vì: a. Nguyên văn câu vè Châu Lai, Châu Ổ bao xa (Nguyễn Q. Thắng trích dẫn) thật ra là Sa Cần, Châu Ổ bao xa [6]; b.Nếu địa danh này ra đời dưới thời nhà Nguyễn, thì sẽ gọi là Châu Lai (vì trong cuốn Từ điển địa danh Quảng Ngãi [1] – một tỉnh ở sát Chu Lai - có 21 địa danh tất cả đều mang từ Châu (Châu Ổ, Châu Me, Châu Thành,… ) vì kiêng huý chúa Nguyễn Phúc Chu nên không có một địa danh nào mang từ Chu ở trước. c. Người địa phương không bao giờ gọi Châu Lai; d. Địa danh này mới phổ biến khi Mỹ đổ quân vào nơi đây.

            Mỹ Lai là thôn của xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây, ngày 16-3-1968, quân đội Mỹ đã sát hại 504 người dân Việt Nam vô tội.

Mỹ Lai có dạng gốc là Mỹ Lại, vốn có nghĩa là “lợi ích và đẹp đẽ”. Năm 1969, bị báo Mỹ bỏ dấu, in là My Lai, nên giới báo chí Sài Gòn đoán là Mỹ Lai. Ca dao địa phương có câu:

Bao giờ bạch mã qua sông

Thì làng Mỹ Lại mới không công hầu

Mỹ Lại là quê hương của Trương Đăng Quế, người làm quan đến chức Cần chánh điện đại học sĩ, tước quận công. Ở Huế cũng có làng Mỹ Lại.

3.Địa danh là những sự vật gắn bó thiết thân với đời sống con người. Nhưng đối tượng này mới được quan tâm nghiên cứu trong vài chục năm gần đây và mới hình thành môn địa danh học ở nước ta. Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh công việc sưu tập và tim hiểu để duy trì cái vốn văn hóa quý báu do ông cha ta đã dày công sáng tạo và tích lũy.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Chư (chủ biên), Từ điển địa danh Quảng Ngãi, Hà Nội, Nxb Từ điển Bách khoa, 2013.

2. Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.

3. Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, HN, Nxb Văn hóa Thông tin, 2013.

4. Lê Trung Hoa (chủ biên), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tp. HCM, Nxb Trẻ, 2003; Nxb Thời đại tái bản 2011.

5. Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.

6. Thạch Phương-Ngô Quang Hiển, Ca dao Nam Trung Bộ, Nxb KHXH,1994.

7. Tôn Thất Thọ, "Cửu Long có phải là “chín rồng”?" ", Kiến thức ngày nay, số 695, 1-12-2009, tr. 41-45.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63284155
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14442
19183
63284155

Thành viên trực tuyến

Đang có 288 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website