Độ lệch giữa chữ quốc ngữ và tiếng Việt

20170911 Dong kinh nghia thuc

Ảnh: Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 chủ trương khai trí cho dân qua những lớp học chữ quốc ngữ

Gần đây nhiều người nói tới việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng tiếng Việt tự thân nó vốn rất trong sáng, chỉ vì sự sử dụng bừa bãi bậy bạ của xã hội và quan niệm lệch lạc méo mó của những người quản lý và qui hoạch chính sách mới làm nó trở nên không còn trong sáng, điều này thể hiện một phần nơi thực tiễn văn tự mà cụ thể là chữ quốc ngữ Latin. Cho nên phải xem lại cái phương tiện đóng vai trò trung tâm trong việc thể hiện sự trong sáng của tiếng Việt ấy nó đang thế nào. Chính từ chỗ này, độ lệch giữa chữ quốc ngữ và tiếng Việt là một vấn đề có thể và cần thiết được đặt ra.

Hiện nay muốn học tiếng Việt thì phải học chữ quốc ngữ, muốn tìm hiểu tiếng Việt dù là trong thời gian trước khi có chữ quốc ngữ cũng phải dựa vào hệ thống ngữ liệu tiếng Việt qua các từ điển, tự điển và văn bản chữ quốc ngữ, những biến động của tiếng Việt đều được thể hiện qua chữ quốc ngữ, những thay đổi của chữ quốc ngữ đều có tác động tới tiếng Việt…, tình hình ấy cho thấy đến nay hai hệ thống này đã gắn kết với nhau tới mức không thể tách rời. Hơn thế nữa, giống như việc nghiên cứu các đối tượng khác, việc nghiên cứu tiếng Việt đòi hỏi một cơ sở dữ liệu khả tín, và bộ phận chủ yếu của cơ sở ấy hiện nay chính là hệ thống các văn bản quốc ngữ. Nhưng tiếng Việt có lịch sử riêng của tiếng Việt và chữ quốc ngữ có lịch sử riêng của chữ quốc ngữ, quá trình song hành hàng trăm năm qua chưa đủ để xóa nhòa độ lệch đã hình thành trong quá khứ. Việc tìm hiểu độ lệch ấy là một cách thức để nhìn nhận rõ hơn về sự phát triển của cả tiếng Việt lẫn chữ quốc ngữ trước nay.

Đề cập tới những khiếm khuyết của chữ quốc ngữ, trước nay nhiều người thường nói về hệ thống ký tự của nó, tức cái được dùng để phản ảnh tiếng Việt về mặt ngữ âm. Tuy nhiên, trong những tác động bất lợi đối với tiếng Việt của chữ quốc ngữ thì những tồn tại về ký tự chỉ là một nhân tố rất không chủ yếu, vả lại nhìn từ một góc độ khác thì đó lại là một kết quả chứ không phải là một nguyên nhân. Chính những cách hiểu chưa chính xác, toàn diện và thấu đáo về tiếng Việt nói chung và lịch sử tiếng Việt nói riêng về mặt ngữ âm khiến chữ quốc ngữ cả trong thời kỳ tiên khởi (trước 1862) lẫn thời kỳ định hình (từ 1862 đến 1945) đều còn những hạn chế về ký tự nhưng quan trọng hơn là không ghi nhận được tiếng Việt một cách chính xác. Chẳng hạn những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ không biết về một âm vị đặc biệt trong tiếng Việt tức i Tam đẳng Khai khẩu trong mảng từ Việt Hán nên đã gây ra những cuộc tranh cãi kéo dài hàng trăm năm qua chung quanh việc ghi những từ có phần vần là i/y. Lý do đưa tới sự hiện diện song song của i và y trong chính tả tiếng Việt hiện đã được làm rõ, nhưng có thể còn phải khá lâu nữa mới có được câu trả lời thống nhất về việc phải ghi những từ Việt Hán có phần vần là i/y trong tiếng Việt như thế nào.

Do hoàn cảnh lịch sử, chữ quốc ngữ đã được sử dụng một cách không đồng thời trên toàn Việt Nam, và do đó cũng bị chi phối bởi qui luật phát triển lịch sử không đồng đều. Được coi là chữ viết chính thức ở Nam Kỳ từ 1879, sau khi đưa ra miền Bắc khoảng 1888 trở đi, nó được sử dụng phổ biến ở khu vực đồng bằng và đặc biệt là các đô thị vốn có mật độ người Việt tập trung cao và số lượng trí thức đông đảo, nên nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều bởi ngữ âm của các phương ngữ Bình Trị Thiên và Trung Trung Bộ. Song bấy nhiêu cũng đủ khiến chữ quốc ngữ thời Pháp thuộc mang dấu vết rất rõ của phương ngữ Nam và phương ngữ Bắc. Trước 1945 sách báo chữ Việt ở miền Bắc ghi giả ơn, mặt giăng, giầu cau; sách báo chữ Việt ở miền Nam ghi trả ơn, mặt trăng, trầu cau. Người Nam nói là giào, ghi là giàu, người Bắc nói là giàu hay giầu, ghi là giàu và giầu, tức ba biến thể ngữ âm của từ này được ghi với hai cách thức không nhất quán, thiếu giào về hình vị mà thừa giàu hay giầu về chính tả. Theo thời gian, nguồn gốc ngữ âm của những trường hợp loại này dần dần nhạt nhòa khiến tiếng Việt phải đối diện với hậu quả về từ vựng: trong thực tiễn chính tả ở Việt Nam hiện vẫn tồn tại những cách viết song trùng như giày dép-giầy dép, trối trăn-trối trăng-dối giăng, thợ duộm-thợ nhuộm-thợ ruộm hay nhật-nhựt, phúc-phước, uy-oai gây ra sự gia tăng vô ích về từ vựng trong các từ điển – tự điển…. Cho nên ở một mức độ nhất định, có thể nói chữ quốc ngữ dưới thời Pháp thuộc chưa thực sự trở thành chữ viết toàn dân vì còn mang nhiều yếu tố “chữ quốc ngữ của các phương ngữ”, nhưng việc chưa được thống nhất theo hướng chuẩn hóa ấy lại không phải do nó gây ra mà chủ yếu do chính sách ngôn ngữ và nhất là thực trạng giáo dục thời Pháp thuộc đưa tới. Việc xóa nạn mù chữ được ráo riết xúc tiến trên toàn quốc sau Cách mạng Tháng Tám khiến cho đến thời gian 1954 – 1975 tiếng Việt trở nên thống nhất ở mức độ cao hơn hẳn, chính tả chữ quốc ngữ cũng trở nên chính xác hơn ở cả hai miền Nam Bắc, và ngược lại, những yếu kém trong việc dạy tiếng Việt của hệ thống giáo dục, sự hời hợt trong nhiều hoạt động của hệ thống thông tin là nguyên nhân chủ yếu đã gây ra sự suy thoái của tiếng Việt và chữ quốc ngữ khoảng hai mươi năm nay.

Trên cơ sở thực tế phổ biến chữ quốc ngữ từ Nam ra Bắc, đầu thế kỷ XX chính quyền thuộc địa cũng có lần đặt vấn đề chuẩn hóa và thống nhất chính tả đối với hệ thống công cụ này. Tuy nhiên sau thể nghiệm không thành công đầu tiên trong việc cải cách chữ quốc ngữ trên đường hướng “Pháp hóa, qui chế hóa và đơn giản hóa” thời gian 1902 – 1907, họ đã mặc nhiên thả nổi vấn đề chính tả. Cho nên từ đó trở đi chữ quốc ngữ cũng phát triển trong hoàn cảnh lỏng lẻo về mặt quản lý nhà nước mà bằng chứng điển hình là sự biến dạng của một số địa danh hành chính vốn thuộc khu vực được qui hoạch một cách nghiêm cẩn trong hệ thống từ vựng quan phương. Phủ Lý tức phủ Lý Nhân (Hà Nội) nói tắt, phủ Quỳ tức phủ Quì Châu (Nghệ An) nói tắt, phủ Lạng Thương (Bắc Ninh), phủ Điện Biên (Hưng Hóa) đều là địa danh hành chính cấp phủ thời Nguyễn. Nhưng bốn địa danh vốn được ghi chép rất thống nhất về cấu trúc trong các văn bản chữ Hán thế kỷ XIX ấy bị biến dạng tới mức hỗn loạn trong các văn bản chữ quốc ngữ dưới thời Pháp thuộc, đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945 có ba vẫn là địa danh hành chính nhưng đã mang tên Phủ Lý, Phủ Quỳ, Phủ Lạng Thương, qua thế kỷ XXI lại có thêm thành phố Điện Biên Phủ, thành phố Phủ Lạng Thương! Một số trường hợp tương tự như Quốc tử giám ở Hà Nội được nói tắt rồi ghi là Giám, Trấn Lao bảo tức bảo Trấn Lao ở Nghệ An được nói tắt rồi ghi là Lao Bảo trước 1945 cũng thế, đều là những bằng chứng về việc chữ quốc ngữ đã cố định mà vô hình trung cũng là “chuẩn hóa” những cách nói phi qui chuẩn trong khẩu ngữ của dân gian. Một số văn bản song ngữ Việt Pháp với cách đọc cách viết không chính xác của người Pháp còn khiến Cồn Ngao ở Trà Vinh thành Cung Hầu, Trấn Di ở Sóc Trăng thành Trần Đề, Đất Hộ ở Sài Gòn thành Đa Kao. Cũng trên đường hướng sai lạc “song ngữ” ấy, đạo Yên Phái, xã Hương Bì, vùng Lão Nhai ở miền Bắc dần dần được nói và ghi là Yên Bái, Uông Bí, Lào Kay (hay Lào Cai, Lào Kai), gần như không có ý nghĩa gì trong từ vựng tiếng Việt.

Tuy nhiên các trường hợp tên riêng nói trên không có nhiều, vả lại thường có bằng chứng hay dấu vết lịch sử nên còn dễ truy nguyên, chứ trong rất nhiều trường hợp khác thì không phải như thế. Chẳng hạn nhìn từ góc độ ngữ âm thì xoa trong xoa bóp hay xẻo trong cắt xẻo rất có vấn đề, vì theo lý phải là soa, sẻo, bằng chứng là nhiều người miền Nam vẫn nói và viết những từ này là thoa, thẻo. Th gần s về bộ vị phát âm nên dễ chuyển dịch qua lại, ví dụ mảng từ Việt Hán có hai cách đọc khác nhau cho cùng một chữ như Thái/ Sái (họ), thoán/ soán (cướp), thương/ sương (kho) hay tháp/ sáp (ghép), thất/ sất (cái, chiếc), thiển/ siển (cạn), thính/ sảnh (phòng khách), thuyền/ suyền (con ve), mảng từ thuần Việt có các cặp thoãi/ soãi, thớ/ sớ, thẹo/ sẹo, thuôn/ suôn; mảng từ Việt Hán được Việt hóa có các cặp the/ sa, thủ/ sỏ, thưa/ sơ, thửa/ sở; mảng từ tiếng Hoa gốc Quảng Đông du nhập theo con đường khẩu ngữ cũng có sảo tức thảo (cỏ), sầu tức thu (mùa thu), có nơi như Hải Hậu, Nam Định khoảng 1975 trẻ em học bảng cửu chương vẫn râm ran “tháu năm ba mươi, tháu tháu ba tháu” (sáu năm ba mươi, sáu sáu ba sáu). Tình hình này dường như cũng diễn ra ở một số trường hợp như thôi/ xui (đẩy), thực/ xực (ăn), bằng chứng là người Hoa gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn hiện nay vẫn phát âm từ sực trong sực phàn (thực phạn – ăn cơm) với s cong lưỡi. Trong các vận thư chữ Hán, ba chữ Thái, thoán, thương được phiên thiết là Thương đại thiết, Thất loạn thiết, Thất cương thiết, đều thuộc thanh mẫu Thanh, nhưng một số từ Việt Hán khác như thai (đoán), thiêm (thăm, cái thẻ), phiên thiết là Thương tài thiết, Thất liêm thiết cũng thuộc thanh mẫu Thanh qua chữ quốc ngữ lại không được viết với s như Sái, soán, sương mà ghi là xai, xăm, có lẽ ở đây s đã dịch chuyển lần thứ hai theo một số tiền lệ s => x trong môi trường ngữ âm tiếng Việt kiểu sao => xào, sát => xét, siết => xiết mới trở thành x, nhưng rõ ràng trên các văn bản chữ quốc ngữ thì dấu vết về chặng th => s ở hai trường hợp này đã bị xóa sạch. Có thể ví từ vựng tiếng Việt khi vừa tiếp xúc toàn diện với chữ quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX giống như vật dùng trong một gia đình dân tộc ít người ở Tây Nguyên hiện nay, cái ná, cái gùi, bật lửa gaz, điện thoại di động có nguồn gốc lịch sử rất khác nhau cùng xuất hiện tại một chỗ, nhưng hệ thống mang tính lịch đại ấy lại được chữ quốc ngữ chụp ảnh và trưng bày cùng một lúc nên rất dễ bị ngộ nhận là một hệ thống đồng đại.

Tìm hiểu sâu hơn về các quá trình ngữ âm ở Việt Nam hơn bốn trăm năm qua, có thể nhận thấy trong một số trường hợp thậm chí chúng còn không được chữ quốc ngữ ghi nhận. Từ vợ lẽ là một ví dụ. Trong tiếng Việt trước nay từ lẽ chỉ có một nghĩa (lý lẽ), nhìn từ góc độ từ pháp thì bất kể thế nào vợ lẽ cũng hoàn toàn không ăn khớp với nghĩa ấy. Nhưng người Việt có vợ lẽ trước khi học chữ quốc ngữ, nên ở đây có thể nghĩ tới việc tìm kiếm nguồn gốc ngữ âm và nghĩa gốc từ vựng của lẽ nơi những tiếng có phụ âm đôi bl, kl, ml, tl trong tiếng Việt cổ. Theo đường hướng này, có thể tìm thấy nơi mục từ tlẻ trong Từ điển Alexandre De Rhodes một số từ ghép như còn tlẻ, tlẻ dại, tlẻ mọn, rõ ràng theo lẽ thì từ vợ lẽ phải ghi là vợ lẻ, và lẻ trong vợ tlẻ là tlẻ rụng t: vợ lẻ tức vợ trẻ, mà trước nay cũng không có ai cưới vợ hai vợ ba bằng hay lớn tuổi hơn vợ chính, những cách nói vợ bé, hầu non đã phản ảnh thực tế ấy (từ điển Alexandre De Rhodes có các từ vợ mọn, vợ lễ, chính là vợ lẽ bị ghi sai). Nhưng trong nhiều từ điển cũng như văn bản chữ quốc ngữ trước nay từ này đều được ghi là vợ lẽ, vừa sai lệch về mặt từ nguyên vừa xóa mất dấu vết của quá trình ngữ âm tlẻ => lẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc phản ảnh một cách gián đoạn và thiếu hệ thống một số quá trình ngữ âm nói trên, đến thời Pháp thuộc chữ quốc ngữ lại làm “đóng băng” nhiều quá trình ngữ âm khác của tiếng Việt. Khi một số từ Việt Hán có âm đọc là ky (gái đẹp), ky (máy), ky (nền) đã mang căn cước mới với âm cơ trong cơ thiếp, cơ khí, cơ bản thì cờ thoát thai từ kỳ (lá cờ) vẫn không rũ bỏ được thân phận âm đọc Việt hóa để trở thành âm đọc “Việt Hán mới”, chẳng hạn tuy đã có tổ hợp cờ xí (Từ điển Pigneaux, Từ điển Tabert) nhưng không tạo ra được các tổ hợp hồng cờ, quốc cờ. Âm đọc Việt hóa chúa của từ chủ Việt Hán đã bước đầu có được chỗ đứng trong các tổ hợp chúa nhật, công chúa cũng khựng lại không thể tiến tới thay thế chủ ở những chủ tịch, gia chủ. Người ta cũng đã thấy một số trường hợp đọc chệch thanh điệu trong mảng từ Việt Hán được ghi nhận và phổ biến bằng chữ quốc ngữ như để kháng, Sở Liêm phỏng, phỏng viên trở thành đề kháng, Sở Liêm phóng, phóng viên. Cho nên trong ý nghĩa là hệ thống dữ liệu để tìm hiểu cách đọc và âm đọc Việt Hán của khoảng 70% số từ đơn trong tiếng Việt được ghi nhận hơn một trăm năm qua, chữ quốc ngữ có rất nhiều điểm không thể hoàn toàn tin cậy.

Nhìn rộng ra hoạt động giao lưu và thông tin với quốc tế, tình hình còn phức tạp hơn. Các tên riêng Lê nhin, Mátscơva tiếng Nga qua văn bản chữ Pháp trở thành Lénine, Moscou rồi Việt hóa trên văn bản chữ quốc ngữ là Lê nin, Mốt cu, hay cùng một tên thủ đô nước Pháp mà văn bản chữ quốc ngữ trước 1945 có tới mấy cách viết Paris, Pa ri, Ba lê. Tình trạng phi qui chuẩn tới mức giống như tùy tiện ấy còn dẫn tới những trường hợp độc đặc như tên nhà sưu tập Vương Hồng Thạnh, tên nữ diễn viên điện ảnh Hương Cảng Trịnh Bội Bội được nói và ghi là Vương Hồng Sển, Trịnh Phối Phối, tên nhiều công dân Việt Nam thuộc tộc người Hoa được viết bằng chữ quốc ngữ trong giấy khai sinh, chứng minh thư, hộ khẩu, giấy tờ cá nhân hiện nay cũng thế, pha trộn cả hai ngôn ngữ Việt Hán và Hoa Hán. Chữ quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX như vậy đã tạo ra một hệ thống dữ liệu tiếng Việt “mới” có những điểm sai lạc về ngữ âm và mơ hồ về từ vựng, xóa nhòa một số đường ranh lịch đại và đồng đại, vô hình trung tạo ra nhiều “cái bẫy” chết người đối với việc tìm hiểu tiếng Việt nói chung và chuẩn hóa tiếng Việt nói riêng.

Trên phương diện ngữ pháp, chữ quốc ngữ có những đóng góp rất to lớn đối với sự phát triển của tiếng Việt trong thế kỷ XX. Với ưu thế dễ học dễ nhớ, nó đã làm gia tăng số người tham gia hoạt động văn tự ở nhiều lãnh vực hoạt động và khu vực địa lý khác nhau, thông qua đó cũng làm gia tăng lực lượng phát triển ngữ pháp tiếng Việt. Câu trong tiếng Việt hiện nay hoàn toàn có thể dùng để chuyển ngữ chính xác không những nội dung mà cả cấu trúc câu trong nhiều ngôn ngữ Ấn Âu, đủ thấy cái đơn vị ngữ pháp quan trọng này của tiếng Việt đã trưởng thành thế nào sau khi tiếng Việt sử dụng chữ quốc ngữ làm phương tiện biểu đạt. Đáng chú ý là cả các ký tự của chữ quốc ngữ cũng ít nhiều được huy động để thực hiện chức năng ngữ pháp, cụ thể là các chữ viết hoa dùng trong các trường hợp mở đầu văn bản, đầu mỗi đoạn văn bản (sau khi xuống dòng), đầu câu (sau dấu chấm) và tên riêng, ở đây nói về trường hợp thứ tư.

Thông thường, viết hoa là cách chỉ định chữ (từ) được viết hoa có ý nghĩa hay chức năng riêng biệt trong ngữ đoạn. Công giáo Cứu quốc hội hay Công giáo cứu quốc hội tuy không thống nhất nhưng đã có chữ Công viết hoa thì không bao giờ gây ra lầm lẫn về ý nghĩa, có điều nếu viết Công giáo cứu Quốc hội thì vấn đề sẽ khác. Hay cách ghi tên riêng kiểu Hà Nội, Lý Công Uẩn hiện nay rõ ràng tiến bộ hơn Hà-nội, Lý-công-Uẩn trước kia nhưng vẫn còn những điểm cần suy nghĩ, ví dụ nên viết Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Hưng Đạo Vương hay Lý Thái tổ, Lê Thánh tông, Hưng Đạo vương? Thật ra tổ hay vương trong các tổ hợp nói trên là danh từ chung, bên cạnh chức năng từ vựng còn có chức năng từ pháp, nhấn mạnh chức năng nào thì viết cách nào cũng là điều dễ hiểu, chỉ là nếu không lưu ý tới chức năng từ pháp thì sẽ ít nhiều xóa nhòa ý nghĩa của những từ Hưng Đạo hay Thái tổ, Thái tông...

Từ một số hiện tượng trực quan nêu trên, có thể thấy trong hơn bốn trăm năm hình thành và phát triển mà chủ yếu là từ thời Pháp thuộc đến nay, chữ quốc ngữ thường xuyên có những hiện tượng, lãnh vực và quá trình không phải lúc nào cũng song hành với tiếng Việt. Để hiểu tiếng Việt một cách chính xác, toàn diện và thấu đáo qua hệ thống dữ liệu chữ quốc ngữ thì cần tiếp tục tìm hiểu độ lệch ấy, vì như người ta đã thấy, đây chính là một vườn ươm cho những mầm mống phi qui chuẩn trong sự phát triển của tiếng Việt và chưa khoa học của chữ quốc ngữ từ 1945 đến nay.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng ngày 19.9.2016

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63694999
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15291
23426
63694999

Thành viên trực tuyến

Đang có 844 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website