Kể chuyện Thế Lữ dẹp loạn thơ

            Trong Thi nhân Việt Nam (1942), Hoài Thanh – Hoài Chân nhận xét về Thế Lữ: “Tác giả Mấy vần thơ liền được tôn làm đương thời đệ nhất thi sĩ  và nhờ thế đã lập được công lớn, đã mở đường cho các nhà Thơ mới sau này. Chung quanh ngôi sao Thế Lữ châu tuần bao nhiêu hành tinh có tên và không tên, hầu hết các thi sĩ lớn nhỏ hồi bấy giờ”; “Thế Lữ, khôn hơn, chỉ lẳng lặng nói chuyện với người đồng hương - những người trong làng Thơ mới. Từ mục “Lá thắm” của Tinh hoa đến mục “Tin thơ” của Ngày nay…, Thế Lữ chăm chú dạy nghề thơ cho những ai nuôi giấc mộng một ngày kia trở nên thi sĩ”; thêm nữa: “Thế Lữ không bàn về Thơ mới, không bênh vực Thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết. Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ”… Trên thực tế, không hẳn Thế Lữ “chỉ lẳng lặng”, “chỉ điềm nhiên” và “không bàn về Thơ mới, không bênh vực Thơ mới, không bút chiến”. Nói cho đúng, với bút danh Lê Ta, ông đã tham gia nhập cuộc luận chiến thơ ca ngay từ buổi đầu hình thành Thơ mới.

            Chính Thế Lữ đã trở thành đối tượng đồng thời là người “trong cuộc” qua nhiều kỳ bút chiến – trong đó có cả những nhà Thơ mới – với Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Vỹ, Bích Ngọc, Nguyễn Triệu Luật; và lôi cuốn thêm cả các nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam vào cuộc. Điều quan trọng hơn, ngay thời kỳ Thơ mới vừa nảy mầm, Lê Ta đã đăng trên báo Phong hóa một loạt bài đọc điểm một số tập nằm trong dòng chảy Thơ mới (trong đó có người sau được Hoài Thanh – Hoài Chân khắc tên vào Thi nhân Việt Nam như Nguyễn Lan Sơn, Nguyễn Vỹ, Huy Thông)…

            Mở đầu cho dòng văn phê bình này là bài điểm sách tập thơ Anh với em (1934) của Nguyễn Lan Sơn. Nhà phê bình Lê Ta ghi nhận: “Thi sĩ là người đa tình, làm thơ cũng toàn về tình, cái tình Anh với Em, nghĩa là trai với gái. Có vậy thôi… Tuy vậy thứ thơ này lại là thứ thơ được lòng nhiều người nhất”; đồng thời ông ngỏ lời chê pha chút bỡn cợt những câu thơ dễ dãi, đơn điệu, tầm thường:

“Bởi vì đoạn thứ ba có hai bài thơ dài nhất mà vẩn vơ nhất. Toàn là những câu dễ làm, phần lớn là những chữ sẵn, ý cũ, tả những tính tình không có. Giọng văn sướt mướt mà tầm thường:

                                    … Tuy chăn gối phải đâu là bạn,

                                    Dẫu Bắc - Nam cũng vẫn là tình.

                                    Ngán cho duyên nợ ba sinh…

            Cứ giọng như thế mà kéo, tôi cũng thử nối vần:

                                    Ngàn mây bến nước thấu tình nhau chăng?

                                    Tựa hiên vắng trông vừng giăng lạnh,

                                    Nỗi xa xôi hiu quạnh tấc lòng.

                                    Muốn đem mượn cánh chim hồng,

                                    Gửi ai muôn tiếng tơ đồng thiết tha.

                                    Yêu nhau thế chả thà ghen ghét,

                                    Thương nhau chi? Thêm chết cõi lòng,

                                    Than ôi! Non nước muôn trùng…”.

            (Phong hóa, số 119, tháng 10-1934)

            Trong phần viết về Lan Sơn trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài chân mở đầu: “Một buổi sáng kia, tình yêu đã đến với Lan Sơn và người học trò ấy bỗng thành thi sĩ”…

            Đến Tập thơ đầu (1934) của Nguyễn Vỹ, Lê Ta phê phán mạnh mẽ lối thơ mà ông cho là ngớ ngẩn mà lải nhải: “Nhà thi sĩ Nguyễn Vỹ, tác giả Tập thơ đầu là một nhà có nhiều tài, tình cảm nhiều, mà lòng tự ái lại nhiều hơn. Cho nên khi ông ra mắt quốc dân, mắt đầy lệ, cây bút cầm tay, ông không muốn cho ai khinh ông cả. Ấy thế mà Nhất Linh lại bảo tập thơ đầu của người tên là đuôi kia không có ruột! Muốn khỏi mất lòng “thi sĩ”, tôi phải nói chữa hộ Nhất Linh: thơ ông Vỹ có ruột đó chứ, chả tin cứ giở cuốn sách của ông ra mà coi: chỉ tiếc cái ruột ấy đặc quá, mà khốn một nỗi là người ta lại không biết nó đựng những cái gì!... Về phần thơ chữ Pháp thì tôi thấy Nàng Thơ của ông là một chị chàng sướt mướt, ẻo lả, khóc khóc, mếu mếu, như con mẹ điên, mà lại nói ngọng nữa… Đến phần thơ ta, nàng Thơ ông Vỹ khi nói tiếng ta thì ngô nghê, ngớ ngẩn mà lải nhải nhiều lời (…). Cả một phần thơ Việt Nam của ông Vỹ đều một giọng như thế hết” (số 127, tháng 12-1934). Ba kỳ báo sau, Lê Ta lại tiếp tục công kích Nguyễn Vỹ: “Ông lại khéo nói nữa. Khéo nói lắm, khéo nói quá! Ông bênh vực ông một cách rất có duyên, mà ông phản đối ông lại chu đáo gấp đôi. Tập thơ đầu của ông là một tập thơ có khuynh hướng về cải cách, nhưng người làm Tập thơ đầu lại sợ cải cách, hay cải cách bằng lối riêng của ông. Ông bỏ cái gông cùm biền ngẫu với phép hạn chế phá, thừa, luận, kết của luật thơ Tàu, để mang cái gông cùm mới của luật thơ Tây… Thơ của ông Vỹ thiếu cái chi chi kia chứ “chân” thơ (pieds) thì đủ lắm (…). Soi đến kính hiển vi cũng không thấy thiếu một chân nào qua. Thơ ông quả thực không phải thơ què. Nhưng quả thực là ngô nghê” (số 130, tháng 12-1934)…

            Bảy năm sau, Hoài Thanh - Hoài Chân mở đầu phần viết về Nguyễn Vỹ trong Thi nhân Việt Nam với những ý tưởng khá đồng điệu: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì”… Xin lưu ý thêm: Cả hai bài thơ được trích tuyển vào Thi nhân Việt Nam sau đó là Sương rơi (Văn học tạp chí, 1935) và kiệt tác Gửi Trương Tửu (Phụ nữ?) đều không ở trong tập Anh và em.

            Về tập Mơ màng của Đức Văn, Lê Ta tỏ rõ ý khinh miệt, coi thường: “Tác giả lại không quên chen vào đây thứ văn kêu mà rỗng là món sở thích của những nhà văn nói mà chẳng biết mình nói gì (…). Đó là thứ thơ không vần mà không cả ý tưởng. Mà thơ có vần cũng vậy. Không thể tìm đâu ra được thứ văn tầm thường và rỗng hơn (…). Bất kỳ chị vú nào cũng có thể ứng khẩu hát được những câu ru em như thế, hay hơn thế. Nhưng tác giả, ông Đức Văn tôi, làm được thế đã tốn công lắm rồi!... Ôi! Thơ với thẩn!” (số 128, tháng 12-1934)…

            Về tập Tình em của Nhuệ Thủy, Lê Ta châm biếm và hài hước: “Không cần phải nhiều tuổi mới là người có tài, cho nên ông Nhuệ Thủy cũng có tài. Có cái thứ biệt tài là thơ ông viết bằng những câu văn và ý tưởng người khác (…). Kỳ quặc và ngây ngô, tác giả lấy thứ giọng rất thiết tha, rất não nùng mà gọi tình là chúa:

                                    Chúa tình em hỡi! Chúa tình ơi!

                                    Em hãy cho ta một nụ cười…

            Chẳng biết chúa tình nghe ông Nhuệ Thủy gọi có trả lời không nhưng tôi chắc là chúa tình phải ngẩn mặt ra không hiểu gì cả. Vậy giá đổi hai câu ấy ra thế này, có lẽ thú vị hơn:

                                    Chúa tầu ơi hỡi! Chúa tầu ơi!

                                    Ông hãy cho ta mấy tiếng còi.

            Chúa tầu nghe còi hay nghe kèn thì cũng thế!” (số 128, tháng 12-1934)…

            Với tập Yêu đương (1933) của Huy Thông, Lê Ta đi đến lời kết khá đúng mức: “Tôi đọc Yêu đương trong một nơi tĩnh mịch, bên những người bạn làm việc ở gần mình… Họ thấy tôi là một người kỳ dị nhất trên đời, đang thích chí vui cười bỗng sinh ra bực tức, rồi một lúc thấy vui cười, nhưng rồi lại thấy bực tức nữa. Đó là lỗi của ông Huy Thông. Sao ông chẳng làm thơ dở từ đầu đến cuối để tôi vứt ngay sách ông đi có được không. Ông lại lỡm tôi, len vào đó những cái hay làm tôi không nỡ bỏ” (số 132, tháng 1-1935)…

            Khi điểm tập thơ Dưới trăng của tác giả Thao Thao, Lê Ta mát mẻ châm biếm, giễu nhại và đưa ra bằng chứng cụ thể:

            Dưới trăng là một cuốn thơ của Thao Thao.

            Thao Thao thì phải bất tuyệt chứ.

            Nhưng không. Đây chỉ thao thao được có mười sáu trang giấy nhỏ thôi. Thực đáng phàn nàn, vì đó không phải là một cuốn thơ dở (…).

            … Nhớ lại hồi đứng trên bờ biển ở Sầm Sơn, thấy người yêu buồn mà ví công vô ích của dã tràng xe cát với cuộc xây đắp đài ái tình, ông khuyên rằng:

                                    Thôi! Em nói làm chi cho thêm khổ

                                    Lòng anh đang muốn say đắm, yêu đương

                                    Em xe chi với duyên kiếp dã tràng.

            Cả đến những lời yên ủi cũng thấy chan chứa nỗi âu sầu. Chẳng biết người yêu nghe ông dỗ có nín đi không? Tôi, tôi thì tôi chắc cô ta khóc lại to hơn trước.

            Cái buồn đắm đuối, đó là đặc tính của thơ ông Thao Thao, nên câu thơ nào cũng lả lướt, cũng mơ màng, cũng âm u như bóng mây, cũng đằm thắm như ánh sương mờ dưới ánh trăng. Nàng thơ của ông quả là hay sụt sùi đáng thương, nhưng giá khóc in ít thôi, thì ta còn thấy cái thú nâng khăn hồng lau nước mắt cho ai, chứ lúc nào cũng mê, cũng sụt sịt thì có lẽ đến ông Thao Thao rồi cũng phải phát cáu.

            Khi Thao Thao muốn tả những tính tình cao siêu, ta cũng thấy ông cũng có nhiều ý tưởng hay, như trong bài ví người thi sĩ như thân cò bay trên không; hoặc trong bài Em là, tả cái tâm hồn nước mây rộng rãi:

                                    Em là người say sưa tình lãngmạn,

                                    Bờ biển khuya em gọi bóng trăng trong.

                                    Gió lả lơi như thức giấc mơ mòng,

                                    Em đứng lặng nhìn lênh đênh mặt sóng…

                                    Em bâng khuâng những lời ca tụng

                                    Tài sắc em, và mong mỏi em yêu.

            Song những ý hay đó thường ẩn khuất trong làn khói mù của những câu quá mơ hồ, tối tăm và hơi ngẩn nhơ một chút:

                                    … Mà giếc, rô lươn lờ ở chen chúc

                                    Mà thời gian hầu đã “xóa nhòa đi” (?)…

                                    … Nuốt tanh hôi số phận, ôi! Lâm li (?)

                                    Chủ nhà xưa, tôi buồn nghĩ lâm li (?)

            Đọc những câu ấy, người ta ngờ rằng thi sĩ tuy viết nó ra, mà trong lòng không có một chút tình cảm “lâm li” nào hết.

            Sau những bài thơ bằng văn vần, là những bài văn xuôi mà tác giả muốn gọi là “thơ tản văn” cho sang trọng. Thực ra, trừ bài Hận bên giếng, tả nỗi tình thương yêu vơ vẩn và vô hy vọng của tác giả với người thiếu nữ kéo nước dưới trăng, tôi không thể ưa được những bài khác. Vì đó chỉ là những cảm giác, những tình cảnh ghi chép vội vàng, văn rời rạc, ý rời rạc, không để cho người đọc thấy qua một hứng vị nào.

            Tác giả muốn mở đường cho một thể tản văn mới lạ, có điệu như thơ và có lời gọn gàng kín đáo, hoa mỹ như thơ. Ý kiến hay, nhưng chưa đạt được” (Phong hóa, số 136, ra ngày 15-2-1935).

            Với tập Tiếng thông reo của B. Blan (Bàng Bá Lân) - mới hay cái lối nghịch thơ, “thả lá thơ chơi”, ghép vần, vờn âm điệu, vặt râu dấu chữ quả đã xưa xửa xừa xưa, - Lê Ta bỡn:

            “B. Blan? Tên chi lạ dữ vậy?

              B. Blan là tên một người làm thơ Việt Nam bằng giọng Tây. Cho nên Tây ở cái tên và Tây ở cả những chữ đề đầu các bài thơ quốc ngữ.

            Trên đường rấn bước, ông đề là: Tren duong ran buoc (…). Nhưng khó đoán nhất là hai câu đề: vuon cu nao dau, co hai dauRau mat. Vuon cu nao dau, co hai dau có lẽ là Vươn củ nào đâu, cô hai đầu, không thì ít ra cũng là Vườn củ nào đâu, cô hai đâu? Còn Rua mat thì đích thị là Rủa mát.

            Nói vậy mà chơi đó thôi! Tôi muốn tìm một cớ để bỡn cợt riêng ông Bê Bờ - Lăng chút ít, chứ lối đầu đề khôi hài trên này đáng trách thì tôi đã trách cả những chữ Bo Biên, Em la, Tho o, Gio giang vui, Tinh chan that, Noi dau long… của những cuốn Tình emDưới trăng kia rồi. “Bo Biên” tôi sẽ chế là Bò Biển, “Tho o” là Thò o, “Gio giang vui” là Giở giang vui, mà “Noi dau long” thì tôi gọi là Nồi đậu lỏng…

            Nhưng nếu lại không nói lôi thôi thế, thì tôi còn biết nói chi về cuốn Tiếng thông reo được nữa. Chả nhẽ chỉ phê có độc một chữ “soàng”? Mà cái soàng, thì không phải là cái hay để mà ca tụng, cũng không phải là cái dở để mà bực mình” (số 137, tháng 2-1935)…

            Cho đến tập Thú văn thơ của Xuân Thiện, Lê Ta bình phẩm: “Mà quả thế. Càng ngâm càng thấy quặn đau thực. Ông quặn đau vì thất tình, mà chúng tôi quặn đau vì buồn cười quá! Ông thực có cái thiên tài làm thơ ngớ ngẩn, có dư sức để địch được với tác giả cuốn Mơ màng mà tôi đã nói đến hôm xưa (…). Những thứ “văn thơ” như ở trong sách của ông, ai ai kia thì mắt trước mắt sau giấu diếm nó vào một nơi, nhưng ông thì lại đem in cho đời xem, cho đời biết đến tên ông và biết rằng cái dở mà ai ai cũng chê cũng khinh, thì ông lại yêu lại quý” (số 139, tháng 3-1935)…

            Những dẫn chứng trên cho thấy ngay buổi thịnh thời Thơ mới cũng mọc xen vào biết bao những thứ cây hoang cỏ lạ, hoa ké găng gai. Trong sự “loạn thơ” ấy, Lê Ta - Thế Lữ trên vị thế một chủ tướng phong trào Thơ mới đã trung thực, thẳng thắn lên tiếng trước những lối thơ a dua, theo đuôi, nông cạn, dễ dãi, sáo ngôn, sính chữ và thử nghiệm tầm phào. Trải qua sự sàng lọc của dư luận và thời gian, biết bao những trang thơ giữa thời Thơ mới đã khuất chìm vào dĩ vãng, chỉ còn lại những gì thơ thật là thơ…

                                                           

Nguồn: Tạp chí Thế giới mới, số 419, ra ngày 01- 01-2001.

Thông tin truy cập

63674209
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17927
17595
63674209

Thành viên trực tuyến

Đang có 530 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website