Bàn luận về Nguyễn Du trên một số tạp chí miền Nam giai đoạn 1954-1975

(ThS. Lê Thụy Tường Vy, Bình luận văn học - niên san 2015, tr.26-41)

Tóm tắt

Trên các tạp chí ở Miền Nam giai đoạn 1954-1975, các bài nghiên cứu và phê bình linh hoạt nhìn ngắm Nguyễn Du từ đủ mọi góc độ, có góc độ truyền thống như phê bình luân lý, trực cảm; có góc độ hiện đại như tâm lý học, xã hội học, ngôn ngữ học… Trong các nghiên cứu về Nguyễn Du, tác phẩm là đối tượng được quan tâm nhất; công chúng đọc là đối tượng thời điểm đó còn chưa được để ý đúng mức.

Từ khóa: phê bình Nguyễn Du, tạp chí Miền Nam, 1954-1975…

***

Nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít đã hoàn thành một công trình 2.000 trang sách, tập hợp và tuyển chọn trong 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều những bài viết, công trình có liên quan; công phu sắp xếp các kết quả nghiên cứu ấy theo một bố cục hợp lý. Được sự gợi ý từ công trình đồ sộ này, bài viết sau đây chỉ đóng góp một mở rộng nho nhỏ là không dừng ở bàn luận về Truyện Kiều, mà bàn luận về Nguyễn Du và tập hợp các nghiên cứu ở Miền Nam: Giai đoạn 1954-1975, những nhà nghiên cứu Miền Nam đã lần giở đến những khía cạnh nào trong cuộc đời và sáng tác của thi hào?  

Các tạp chí được xem là đối tượng khảo sát chính của bài viết này:


Tên tạp chí Bài viết về Nguyễn Du

Chủ trương/

Chủ nhiệm

Đại Học Trong 2 năm 1958-1959, Đại Học có 3 bài viết về Nguyễn Du Viện Đại học Huế

Tư Tưởng

(bộ mới)

Số 8 của năm thứ ba bộ mới (1-12-1970) chủ đề Phật giáo và Nguyễn Du Viện Đại học Vạn Hạnh
Bách Khoa Thời Đại(2) Số 209 (15-9-1965) chủ đề 200 năm Nguyễn Du; một phần số 210 (1-10-1965) công bố thêm 4 bài chưa kịp đi số trước; số 211 (15-10-1965) công bố thêm 1 bài mới Lê Ngộ Châu
Văn Số 43 và 44 ra ngày 1 và 15-10-1965 cho 200 năm Nguyễn Du (1765-1965) Nguyễn Đình Vượng – Trần Phong Giao
Văn Học 1 bài trên giai phẩm xuân 1975 Phan Kim Thịnh
Nghiên Cứu Văn Học (bộ mới) Số 9, 11-1971, chủ đề Kiều Thanh Lãng
Sáng Tạo Trong 2 năm 1957 và 1958 có 3 bài viết về Nguyễn Du. Mai Thảo


Giai đoạn 1954-1975, mà bài viết này theo dõi còn có hai ngày kỷ niệm 200 năm sinh (1765-1965) và 150 năm mất (1820-1970) của Nguyễn Du. Hai mốc kỷ niệm quan trọng này hẳn sẽ khơi lại cho nhà phê bình cảm hứng “khấp Tố Như”. Từ suy luận đó, chúng tôi mở rộng tìm hiểu thêm một số tạp chí khác(3) theo thời gian hẹp, tập trung vào hai thời điểm 1965 và 1970. Các tạp chí giai đoạn 1954-1975 mà chúng tôi có điều kiện tiếp cận gồm có(4):

1. Văn Hữu nguyệt san (từ 1959 đến 1963) có 1 bài, công bố vào năm 1960;

2. Thế kỷ XX (1960): 1 bài hai kỳ của Thanh Lãng, công bố năm 1960;

3. Tân Văn (từ 1968 đến1972): có 2 bài đều công bố vào năm 1969;

4. Sử Địa (Viện Đại học Sài Gòn): không có bài viết trực tiếp về Nguyễn Du nhưng có một số bài nghiên cứu về trí thức cựu triều Lê dưới thời Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm được Thế Kỷ XX số 1 và 2, phát hành tháng 7-1960, có đăng Vụ án Kiều của Thanh Lãng.

Nhìn chung hoạt động nghiên cứu và phê bình văn học ở các đô thị Miền Nam thời kỳ 1954-1975 thể hiện rõ khuynh hướng xã hội và tính hội nhập với văn học thế giới. Hội nhập thông qua việc dịch và giới thiệu các trào lưu hiện đại như hiện sinh chủ nghĩa, cấu trúc luận, hiện tượng học, phân tâm học… cùng với các tác giả tiêu biểu của trào lưu này; cập nhật thông tin về đời sống văn học thế giới trên các tạp chí chuyên về văn học. Hội nhập còn thể hiện qua những sáng tác và các nghiên cứu ứng dụng những khuynh hướng trên được thể nghiệm liên tục trên báo chí. Khuynh hướng xã hội của văn học Miền Nam thời kỳ này thể hiện qua việc tự vấn và phản tư không ngừng của người cầm bút về chính mình và văn chương trong bối cảnh chiến tranh.

Đối với các vấn đề cổ điển, báo chí Miền Nam có hai khuynh hướng rõ rệt. Những tờ báo thiên về các vấn đề thời sự xã hội thì không mặn mà với những vấn đề cổ điển. Ngược lại, trên những tờ báo có khuynh hướng nghiên cứu học thuật, những bài viết về Nguyễn Du vẫn đều đặn xuất hiện, đặc biệt trong các năm sinh, năm mất của thi hào, Ban Biên tập vẫn tổ chức những số báo tưởng niệm. Có thể nói, trong bầu không khí văn học dường như có xu thế hướng ngoại và ngổn ngang những vấn đề thời cuộc, Nguyễn Du vẫn có một vị trí trang trọng ở Miền Nam. Như vậy, một góc báo chí đô thị cho chúng ta biết rằng không còn rầm rộ như thời kỳ tiền chiến nhưng Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn hiện diện trong sinh hoạt văn nghệ ở Miền Nam.

VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN NGHIÊN CỨU

Trong số đầu tiên của Tạp chí Đại Học, năm 1958, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung công bố một bài viết có tính tổng kết về những nghiên cứu Truyện Kiều cho đến thời điểm ấy. Công bố một bài viết có tính thanh toán vấn đề trên số báo mở đầu một tạp chí học thuật, có lẽ Nguyễn Văn Trung ngụ ý kết thúc một giai đoạn phê bình của những đôi mắt xanh tìm nhau trong một phạm vi hạn hẹp, để mở ra một giai đoạn mới trong việc khám phá Nguyễn Du bằng các phương pháp luận, có cơ sở khoa học. Từ tình hình nghiên cứu Nguyễn Du nhìn rộng ra, chúng ta nhận thấy ý thức tự giác xây dựng một nền học thuật hiện đại và vững chắc của các nhà nghiên cứu Miền Nam bắt đầu từ thập niên 50 của thế kỷ XX. Tuy vậy, kỳ vọng là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác: Dấu ấn của phê bình ấn tượng chủ nghĩa vẫn hằn sâu lên trang viết của các nhà phê bình dù có hay không có ý thức về việc ứng dụng phương pháp phê bình.

Về phương pháp luận nghiên cứu văn học, các nhà nghiên cứu và phê bình Miền Nam đã sử dụng phổ biến các hướng tiếp cận Truyện Kiều dưới đây.

Mắt xanh của nhà phê bình trực cảm

Dùng đôi mắt xanh để nhìn người tri kỷ hay “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” là cách thẩm bình văn chương quen thuộc Phương Đông. Bằng cách làm này, phê bình văn chương là công việc hoàn toàn mang tính chủ quan. Người đọc cảm thụ, thẩm định văn chương dựa trên sự đồng cảm, đồng điệu giữa bản thân với tác giả, tác phẩm. Dấu ấn của phê bình trực cảm lên phê bình ở Miền Nam thời kỳ 1954-1975 khá sâu đậm. Mô tả dưới đây có thể giúp chúng ta hình dung được sự phổ biến của phê bình chủ quan, trực cảm trên báo chí Miền Nam:

- Hai số Văn kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du (1765-1965) có tổng cộng 9 bài nghiên cứu và phê bình, trong đó 3 bài phê bình theo hướng chủ quan.

- Trong số tưởng niệm Nguyễn Du trên tạp chí Tư Tưởng, năm 1970, trong 3 bài phê bình Nguyễn Du thì có 1 bài viết theo hướng phê bình chủ quan.

- Ở số chuyên đề Nguyễn Du của Nghiên Cứu Văn học số 9 (11-1971), trong 6 bài phê bình cũng có 2 bài theo hướng phê bình chủ quan.

Về Nguyễn Du, tác giả Tuệ Không dùng hai câu thơ chữ Hán của chính Tố Như để phác hoạ lại một cách đầy cảm tính hình dung của ông về “kẻ lãng tử non Hồng” – “đạo sĩ” – “bồ tát” Nguyễn Du:

Vạn lý hoàng quang tương mộ cảnh

Nhất đầu bạch phát tán tây phong

Ông cho rằng trong Đoạn trường tân thanh, ta có thể tìm thấy văn tài của Nguyễn Du chứ không thể thấy được “hình ảnh bình an của một kẻ đã siêu việt khổ đau” như từng thấy trong thơ chữ Hán (Tuệ Không, “Vang bóng Nguyễn Du”, Tư Tưởng, số 8, tr.19-21). Ở điểm này, bài viết này chia sẻ ý kiến với một nghiên cứu trước đó 5 năm của Thanh Lãng. Thanh Lãng đã phục dựng bức chân dung tinh thần Nguyễn Du qua trong thơ chữ Hán – trong phần sau chúng tôi sẽ tổng thuật kỹ hơn. Hai kết luận tương đương nhau nhưng cách tiếp cận vấn đề của Thanh Lãng có phương pháp, bài bản chứ không cảm tính như Tuệ Không.

Về tình yêu trong Truyện Kiều, Đông Hồ đếm thấy trong 15 năm lưu lạc, Kiều đã có 15 lần – liệu có phải là trùng hợp vô tình con số 15? – nghĩ về lời thề ước với chàng Kim (“Nghĩ về về thệ ước của Truyện Kiều”, Văn, số 44, 10-1965, tr.61-66). Đồng quan điểm với Đông Hồ, Thiên Thụ cũng cho rằng trong 3 mối tình của đời Kiều, chỉ có Kim Trọng là mối tình lý tưởng, còn những mối tình nàng dành cho Thúc Sinh, Từ Hải đều là tình yêu chiếm đoạt (“Một Thuý Kiều, ba tình yêu”, Nghiên Cứu Văn Học, số 9, 11-1971, tr.19-33). Ngược lại với hai tác giả trên, Phạm Văn Song lại nhận ra lòng Kiều với Kim Trọng đã lạt phai qua hai câu:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

“Tiếc” chứ không thương, “nghĩa” chứ không phải tình, “cũ càng” chứ cũ thôi chưa đủ, nỗi ray rứt của “lìa” thay vì đứt…, theo tác giả, là những lời nhắn gửi đầy ngụ ý của Kiều.

Phê bình chủ quan dựa vào trực cảm của người phê bình nên thường có những phát hiện tinh tế, bất ngờ, truyền cảm. Thế nhưng khi được sử dụng như phương pháp chính yếu, phê bình chủ quan để lộ ra nhiều góc phiến diện, như không phát hiện ra những vấn đề mới, lập luận thiên về cảm tính, thiếu sức thuyết phục. Hãy xem kết luận của Phạm Văn Song về giá trị của Truyện Kiều:

Và một lần nữa xin mạn phép xác định lại giá trị của truyện Kiều: Truyện Kiều không phải là một tác phẩm mang sắc thái triết học, có ý chứng minh thuyết Tài mệnh tương đối (đố? – LTTV), cũng không phải là một tác phẩm có tính chất luân lý như một số đông nhà đạo đức đã gán ghép, truyện Kiều chỉ là một quyển tiểu thuyết tâm lý ái tình không hơn không kém (Phạm Văn Song, tr.68, Nghiên Cứu Văn Học, 9, 1971)

Kết luận rằng giá trị của Truyện Kiều được xác lập bởi tính chất của “một quyển tiểu thuyết tâm lý ái tình không hơn không kém” thì biết lý giải làm sao về sức sống và sức lay động lâu bền của tác phẩm?

Theo quan niệm của Phương Đông, văn chương là sự truyền lan rung động từ tâm hồn này sang tâm hồn khác, vì vậy, cần phải “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” (Hoài Thanh), tức là lấy phê bình chủ quan, trực cảm làm hướng tiếp cận tác phẩm. Điểm yếu lớn nhất của phê bình trực cảm là nhà phê bình không thể lĩnh hội được đa diện vẻ đẹp của tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm nằm ngoài trường thẩm mỹ của mình. Mắt xanh không dung nạp mọi cái đẹp, vì vậy, cần có phương pháp phê bình.

Các hướng tiếp cận khác: Biết có duyên gì hay không?

Lý thú nhất khi đọc Nguyễn Du trên báo chí Miền Nam thời kỳ 1954-1975 là đọc thấy những phương pháp nghiên cứu mới mẻ, hiện đại: cấu trúc luận, phân tâm học, tâm lý học v.v. được ứng dụng để giải mã một tác phẩm đã 200 năm tuổi. Từ nhiều giác độ và mức độ nghiên cứu nông sâu khác nhau, mỗi phương pháp mở ra một góc nhìn mới về Nguyễn Du.

Nghiên cứu Nguyễn Du theo hướng lịch sử - phát sinh

Những phương pháp nghiên cứu theo hướng lịch sử - phát sinh bao gồm những bài viết bàn luận về “tác phẩm trong mối quan hệ với cuộc đời, tiểu sử, kinh nghiệm sống, hoạt động, khuynh hướng triết học, chính kiến, quan điểm thẩm mỹ… của người sáng tác và xem nó để lại dấu vết trong tác phẩm như thế nào” (Huỳnh Như Phương, Lý luận văn học, TPHCM: Nxb Đại Học Quốc Gia, 2010, tr.244).

Giai đoạn 1954-1975, phương pháp trội nhất trong hướng tiếp cận này là xã hội học hiện sinh. Người đặt vấn đề về tính hiện sinh ở Kiều sớm nhất là Nguyên Sa, trong “Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do” (Sáng Tạo số 15, 12-1957, tr.46-53). Câu hỏi cốt lõi trong bài viết của Nguyên Sa: Nếu Kiều chỉ là nạn nhân thụ động của định mệnh, nếu Kiều và các nhân vật can dự vào đời nàng đều là quân tốt của một ván cờ mà “tương lai đã bị ‘dĩ vãng hoá’” (Sáng Tạo, 15, tr.48) – nghĩa là nếu Kiều không có quyền tự do quyết định cuộc đời mình và nàng đã được Đạm Tiên báo trước điều đó – thì sao nàng còn báo ân báo oán những kẻ chỉ thực hiện sự giật dây của định mệnh, sao nàng còn lại kháng cự cuộc tái hồi chàng Kim? Từ đó, Nguyên Sa lẩy ra một lý lẽ đầy tính hiện sinh: “Nếu ta gọi hoàn cảnh đó là định mệnh thì chính Kiều đã chọn định mệnh. Nàng đã đem lại cho định mệnh giá trị của định mệnh bởi vì nếu nàng không tự ý bán mình chuộc cha thì làm gì có định mệnh cho đời nàng” (Sáng Tạo, 15, tr.52). Kiều không bị buộc phải bán mình, nàng đã âu lo trước các dự phóng và bán mình là lựa chọn của nàng, như vậy, Kiều hoàn toàn tự do. Chính vì tự quyết đời mình một cách tự do và tự chủ, nên dù biết mình sẵn tên trong sổ đoạn trường, Kiều vẫn báo ân báo oán; nên dù đã được báo mộng xoá tên khỏi sổ đoạn trường, Kiều vẫn “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”. Nguyên Sa gọi tự do ấy chính là giọng nói riêng, là sự lên tiếng của Nguyễn Du giữa những hệ thống tư tưởng cổ truyền mà nhiều thế hệ phê bình mặc định cho ông.

Vượt qua tính chất đặt vấn đề trong bài viết của Nguyên Sa, Nguyễn Văn Trung là người đầu tiên nghiêm túc đề xuất việc đọc Truyện Kiều một cách bài bản bằng thuyết hiện sinh. Năm 1958, ông “Đặt lại vấn đề Truyện Kiều hay phê bình phê bình văn học” (Đại Học, 1, tr.7-27). Bài viết tổng kết những công trình lớn phê bình Truyện Kiều trong phần thứ nhất, đồng thời, gợi ra cách đọc dưới ánh sáng của hiện sinh chủ nghĩa, xem Kiều như một hiện hữu tự do và cuộc đời Kiều là cuộc phiêu lưu của con người tự do trong phần thứ hai của bài viết. Mỗi chúng ta đều thấy chính mình trong cuộc phiêu lưu mà Kiều đang dấn thân với đầy đủ những tự do, những băn khoăn, những lựa chọn, những may rủi, những mờ mịt… Giá trị vượt thời gian của Truyện Kiều, trước hết, nằm ở đó – bởi có thời đại nào con người lại không suy tư về sự hiện hữu của mình đâu. Trong bài viết này, Nguyễn Văn Trung cũng không quên một thành tựu lớn của Truyện Kiều là phương diện nghệ thuật. Khi ông đề xuất xem xét Truyện Kiều cả khía cạnh nội dung lẫn nghệ thuật, chúng ta nhận ra Nguyễn Văn Trung ý thức rõ sự hạn chế của xã hội học hiện sinh trong việc tiếp cận nghệ thuật của tác phẩm. Bài học về sự cứng nhắc, máy móc của Nguyễn Bách Khoa mà tác giả phê bình trong phần đầu của bài viết rõ ràng đã được áp dụng ngay trong cách tác giả đặt lại vấn đề Truyện Kiều.

Trong cùng số báo trên, Nguyễn Đình Giang công bố kết quả “Thử tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều theo một phương pháp mới” - phương pháp tâm lý học. Thông qua thực nghiệm, ngành tâm lý tính cách khái quát được bốn kiểu tính tình căn bản của con người, mang tính bẩm sinh; trên nền tảng tính tình bẩm sinh đó, quá trình giáo dục và tự giáo dục sẽ tạo ra vô số cá tính khác nhau. Nguyễn Đình Giang sử dụng kết quả nghiên cứu này để tìm trong bốn mô hình tính cách, mô hình nào phù hợp với Nguyễn Du. Khi khám phá được Nguyễn Du thuộc mẫu tính tình nào, chúng ta sẽ lý giải được “con người Nguyễn Du, tâm sự Nguyễn Du, hiểu được cái gì cụ ôm ấp tôn trọng, cái gì là hoài bão khát vọng” (Đại Học, 8, tr.115), lý giải hợp lý cách ông xây dựng nhân vật và sắp đặt tình tiết trong Truyện Kiều.

Thành công lớn nhất của bài viết này nằm ở chỗ khẳng định rằng ngành tâm lý học tính cách không thể giải mã Nguyễn Du nói riêng và văn chương nói chung. Phương pháp này đặt tác giả và tác phẩm trong mối quan hệ nhân quả trực tiếp, cắt rời tâm lý sáng tạo của nhà văn – huống hồ lại là một nhà văn thiên tài như Nguyễn Du – ra khỏi quá trình tạo sinh tác phẩm. Vì vậy, ngành tâm lý học tính cách, khi ứng dụng trong nghiên cứu văn học, chỉ có thể dừng ở mức độ “thử tìm hiểu” như tên bài viết, chứ ít triển vọng để khai triển thêm.

Nghiên cứu Nguyễn Du và tác phẩm của ông theo hướng cấu trúc - hệ thống

Các phương pháp nghiên cứu theo hướng này chú trọng đến việc khai thác những yếu tố nội tại trong tác phẩm, đặt những yếu tố này trong mối tương quan với một hệ thống lớn hơn là tác phẩm; và đến phiên tác phẩm cũng là một thành phần nhỏ trong cấu trúc lớn của thể loại, trào lưu, phong cách, rộng hơn nữa là văn hoá, xã hội, lịch sử…

Bài nghiên cứu dài hơi được thực hiện theo hướng cấu trúc – hệ thống của Thanh Lãng, với cái tên cũng dài - “Nguyễn Du như là một huyền thoại hay thơ văn chữ Hán của Nguyễn Du như là chứng nhân sự phản ảnh cuộc đời hiện thực kỳ quái của ông trong Đoạn trường tân thanh” - công bố lần thứ nhất trên Văn Hoá Nguyệt san năm 1965, sau đó, đăng lại lần thứ hai trên Nghiên Cứu Văn Học năm 1971, từ số 4 đến số 9. Sau lần công bố năm 1965, Tam Ích phản hồi trên Tân Văn năm 1969, ủng hộ cách tiếp cận vấn đề có tính khoa học và những kết luận mới mẻ của bài viết này.

Công trình của Thanh Lãng được chia ra ba phần: Phần thứ nhất mang tên “Nguyễn Du, một hiện hữu quái gở”, phần thứ hai “Đoạn trường tân thanh hay là cuộc đời kỳ quái của Nguyễn Du như được chiếu hắt lên trong tác phẩm của ông” và phần thứ ba “Kiều qua 150 năm suy nghĩ văn học”. Trong bài viết này, Thanh Lãng sử dụng cấu trúc luận để đọc Truyện Kiều. Đây là một trong những công trình sớm nhất, đọc Truyện Kiều bằng thuyết cấu trúc, mà Tam Ích gọi là “cơ cấu luận”. Theo thuyết cấu trúc, mọi suy nghĩ, hành động, quyết định của con người đều bị quy định bởi cấu trúc mà họ thuộc về. Ta sẽ tìm kiếm được chân dung tinh thần của Nguyễn Du trong kho tư liệu thơ văn chữ Hán của chính ông và những tác phẩm khác miêu tả thời đại của Nguyễn Du: Khâm định Việt sử, Vũ trung tuỳ bút, Hoàng Lê nhất thống chí, Tang thương ngẫu lục… Tác giả công trình sẽ lần tìm trong kho tư liệu rời rạc ấy một cấu trúc chung ẩn tàng mà ông gọi là “Nguyễn Du – một hiện hữu quái gở” và ông sẽ chứng minh rằng đó thật sự là cấu trúc đúng khi “lắp” vừa vào Truyện Kiều. Nói cách khác, Truyện Kiều trở thành bộ thử để nhận diện Nguyễn Du.

Cái bóng đó – cái “hiện hữu quái gở” đó – được Thanh Lãng mô tả là “sự nhào nặn thuần nhất những chất liệu dị thường: già, tóc bạc, bệnh hoạn, điêu tàn, dang dở, hốt hoảng, xao xuyến, băn khoăn” (6, tr.55). Cái bóng đó phóng chiếu lên phông màn của sân khấu câu chuyện, lập tức làm biến mất ánh sáng trong veo của “ngày xuân con én đưa thoi” khi câu chuyện bắt đầu. Kể từ sau buổi sáng duy nhất đó trong tác phẩm, Kiều vĩnh viễn bước vào những buổi “bóng ngả về tây” của đời nàng: gặp Đạm Tiên, tạ từ Kim Trọng, sa chân vào lầu xanh, giáp mặt Thúc Sinh, lọt vào mắt xanh của Từ Hải, gieo mình xuống sông Tiền Đường… tất thảy đều trong ánh sáng úa tàn, vàng vọt, nhạt nhoà của chiều và đêm. Cái bóng đó phóng chiếu vào tất cả các nhân vật trong truyện, từ vai chính đến vai phụ, “ông mượn vai truyện để lời độc thoại của ông thành ra có đối thoại. Hiểu như vậy, ta thấy chẳng có vai truyện nào là tất cả Nguyễn Du và cũng chẳng có vai truyện nào không phải là ông” (số 6, tr.65). Trong toàn bộ phần thứ hai, Thanh Lãng lắp cái bóng ấy vào từng nhóm nhân vật: nhóm Tú Bà, Mã Giám Sinh, Ưng Khuyển...; nhóm quan nha; nhóm những người tôn giáo; Thuý Vân – Vương Quan; Kim Trọng; Từ Hải; Thuý Kiều để xem phần nào trong cấu trúc của cái bóng ấy sẽ hiện ra, cộm lên. Cái sẽ hiện ra đấy chính là một mẩu hiện hữu Nguyễn Du đã được phản ánh trực tiếp hoặc nguỵ trang để hoá thành nhân vật. Lắp vào Kim Trọng, Thanh Lãng thấy một Nguyễn Du “câm lặng để phơi ra trong mười lăm năm một chàng Kim hầu như lơ láo, vô tình, thất ước, quên dĩ vãng…” (8, tr.60). Lắp vào Từ Hải, Thanh Lãng thấy “bóng dáng kiêu hùng nhưng thua trận, ngã lòng của Nguyễn Du” (8, tr.62). Lắp vào Thuý Kiều, Thanh Lãng thấy “có sự sửa chữa, trá hình thân phận con người Nguyễn Du như đang hốt hoảng, đang xao xuyến, đang run rẩy, đang điêu tàn, đang tan rữa, đang huỷ diệt” (8, tr.67).

Thế rồi cái bóng đó sẽ thay Nguyễn Du, sau khi ông đã lìa thế, tiếp tục sống trong một hệ thống lớn hơn là cấu trúc văn hoá xã hội tư tưởng. Đó cũng là nội dung phần thứ ba của bài viết. Cụ thể các hình thái tư tưởng xã hội được Thanh Lãng phân chia và đặt tên như sau: Thế hệ cùng thời với Nguyễn Du 1788-1820: Thanh Lãng nhận ra những nhà văn đồng thời với Nguyễn Du đồng cảm với Kiều, xót thương Kiều bởi ở đó, họ đọc thấy cuộc đời của Nguyễn Du. Thế rồi, Kiều lớn lên “ranh mãnh hỗn xược đáng ghét” (số 9, tr.3) trong mắt thế hệ Nguyễn Công Trứ – thế hệ tự cho mình tư thế bề trên phán xét Kiều từ góc độ luân lý trong những năm từ 1820 đến 1862. Thế hệ 1862-1913 với Chu Mạnh Trinh, Trương Vĩnh Ký, Đào Nguyên Phổ và những tài tử, nghệ sĩ... đồng cảm trước nỗi bi đát, thất bại của đời mình qua đời Kiều, đời Nguyễn Du. Đầu thế kỷ XX, 1913-1932, “tôn giáo Kiều” vừa thu nạp được những “tín đồ” Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Vũ Đình Long và nhất là Phạm Quỳnh; vừa bị Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng chà đạp, phỉ báng như một “dâm thơ” làm “thương phong bại tục” (số 9, tr.11-12). Thanh Lãng nhận ra thế hệ trẻ đầu thế kỷ XX tôn sùng Truyện Kiều không chỉ bởi giá trị tự thân của tác phẩm, mà còn bởi Truyện Kiều trao cho họ niềm tin vào tương lai của chữ quốc ngữ. Bởi vậy, khi nền văn học nước nhà khởi sắc, ngập tràn những cô “gái mới” của thế hệ Tự Lực văn đoàn (1932-1945), Kiều tựa hồ “bà già hết duyên” trong mắt thế hệ 1932-1945. Bà già ấy “bị đấu tố, bị hoả táng” trong những năm 1945-1954 và rồi sẽ hồi sinh từ sau năm 1955 ở cả hai miền Nam – Bắc.

Như vậy, trong phần thứ ba của bài nghiên cứu, Thanh Lãng lần lượt đặt Truyện Kiều trong các hình thái cấu trúc xã hội khác nhau để xem xét sự tương tác giữa tác phẩm với cả hệ thống. Mỗi thế hệ có những đặc trưng riêng mà khi Thanh Lãng “ném” Truyện Kiều xuống, sẽ dội lại những hồi âm khác nhau. Thanh Lãng đang áp dụng khá bài bản cách nhìn lịch sử của cấu trúc luận – hình dung lịch sử như sự đặt liền kề của những hệ hình khác nhau chứ không phải một chuỗi liên tục. Mốc phân kỳ lịch sử mà ông sử dụng ở đây cũng là các mốc thời gian trong công trình Bảng lược đồ văn học – một công trình văn học sử có giá trị của Thanh Lãng. Bài nghiên cứu công phu này, một mặt, đưa ra những kết luận rất lý thú, thuyết phục; một mặt làm nảy sinh hoài nghi rằng: Nếu cái khung Nguyễn Du vừa tái dựng ở phần một đó xộc xệch, lỏng lẻo hay thậm chí sai lệch thì sao? Cái sai một ly đó sẽ kéo cách lý giải tác phẩm đi xa bao nhiêu dặm nữa đây? Đó cũng là băn khoăn của việc đọc bằng phương pháp cấu trúc luận. Công trình của Thanh Lãng áp dụng thành công việc đọc Truyện Kiều bởi người viết phối hợp linh hoạt phân tâm học, tiểu sử tác giả đối chiếu với lịch sử trong một phương pháp lớn thống nhất là cấu trúc luận. Bên cạnh kỳ công xử lý khối lượng tư liệu khổng lồ, điểm yếu nhất trong mắt xích lập luận của Thanh Lãng là sử dụng tư liệu chưa được thẩm định, dự đoán là di cảo của Nguyễn Du, để xây dựng nên hình ảnh “Nguyễn Du, thi sĩ của tình yêu tuyệt vọng” (4, tr.98).

Tưởng cũng nên nói qua “Nghệ thuật như một chiến thắng” của Đặng Tiến (Văn, số 44, 15-10-1965). Điểm đáng lưu ý ở bài viết này là tác giả đã hiện thực hoá mềm mại việc nghiên cứu hình thức Truyện Kiều trong khung quan niệm nghệ thuật rằng “con người trong Đoạn trường tân thanh là con người phi lý, nô lệ, cô đơn, nhục nhã, lưu đày, tha hoá, gian dối” (tr.35)… Ý thức bi đát của thân phận con người không làm nên giá trị của Truyện Kiều mà vũ trũ thi ca của Truyện Kiều mới làm nên giá trị của tác phẩm. Trong vũ trụ đó có những không gian, thời gian, con đường, âm thanh… bện quyện với số phận và tâm trạng của nhân vật. Qua bài viết này, Đặng Tiến đã tiếp cận Truyện Kiều bằng con đường thi pháp học mà không sa vào tủn mủn, rời rạc bởi tác giả lần ra được những hình thức mang tính nội dung của tác phẩm.

Trên đây là hai công trình tiếp cận thành công tác phẩm của Nguyễn Du từ góc độ cấu trúc luận và thi pháp học.

Nghiên cứu Nguyễn Du và tác phẩm của ông theo hướng lịch sử - chức năng

Hướng nghiên cứu này lấy độc giả của Truyện Kiều làm trọng tâm, qua đó, thấy được sức sống của tác phẩm qua không gian, trong thời gian. Thật sự gần với hướng tiếp cận lịch sử - chức năng có loạt 4 bài viết về Kiều của Thuần Phong Ngô Văn Phát công bố ở Bách Khoa Thời Đại năm 1965. Tác giả giới thiệu về Truyện Kiều trong không gian văn hoá Đồng Nai theo tiến trình lịch sử. Khởi thuỷ, ai là người đã rước Kiều vào Đồng Nai? Tác giả chứng minh rằng chính thế hệ nhà Nho miền Nam có tiếp xúc với Huế, như: Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Thọ Tường, Thủ Khoa Nghĩa là những người đầu tiên tiếp cận với Truyện Kiều, điều đó phản ảnh trong Lương Khê thi văn tập (Phan Thanh Giản), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), Kim thạch kỳ duyên (Bùi Hữu Nghĩa)… Ba phần tiếp theo lần lượt có tên “Tuý Kiều với trí thức”, “Tuý Kiều với đại chúng” và “Tuý Kiều với kịch trường”.

Tác giả phân tích ảnh hưởng của Truyện Kiều lên thơ văn nhà Nho, lên công việc biên khảo và giảng dạy của trí thức Tây học thời kỳ đầu như Trương Vĩnh Ký, Diệp Văn Cương, Nguyễn Văn Mai, Huình Tịnh Của. Lập luận đến đâu, dẫn chứng đến đó, khảo cứu của Ngô Văn Phát đi đến kết luận đầy thuyết phục rằng việc cổ động Truyện Kiều ở Miền Nam có ý nghĩa rộng hơn bản thân Truyện Kiều, đó là cổ động chữ quốc ngữ, vì vậy, nhiều trí thức Nam Bộ tích cực phổ biến Truyện Kiều bằng nhiều hình thức. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Kiều vào đến Miền Nam trở nên thuần nhất, thành “gương hiếu hạnh đáng thương và dùng làm một bài học thi thơ ngôn ngữ” (210, tr.40) chứ không gây tranh cãi về phương diện luân lý, đạo đức như tại những vùng miền khác.

Với đại chúng Đồng Nai, người bình dân không lẩy Kiều, tập Kiều… mà chẻ câu Kiều ra thành những ý nhỏ, những hình ảnh, những nhân vật để phổ vào thơ truyền miệng. Đặc biệt, người bình dân Miền Nam chuộng Kiều án, Kiều phú hơn Truyện Kiều gốc. Những “phó bản” Kiều này “là một bài luân lý về hiếu tình” (211, tr.66) đã được diễn ra giọng bình dân, hợp với đôi tai và lời ăn tiếng nói của người Miền Nam.

Khi Truyện Kiều bước lên sân khấu hát bội, rồi cải lương, chúng ta hiểu rằng Truyện Kiều đã nhuần thấm vào mạch văn hoá ở vùng đất mới. Soạn giả sáng tạo lại các vở tuồng Kim Vân Kiều mà không hề bị câu thúc bởi nguyên tác –Ngô Văn Phát đánh giá cao điều này, ông gọi đó là “tài nghệ”, là “tinh thần nghệ thuật” của người Đồng Nai (212, tr.64).

Theo lời giới thiệu của Bách Khoa Thời Đại, các bài trên được trích lược từ sách cùng tên, sắp xuất bản. Thời điểm Ngô Văn Phát viết “Tuý Kiều ở Đồng Nai”, năm 1965, tiếp nhận văn học vẫn là một lý thuyết đang trong quá trình hình thành. Tác giả ý thức đến mức độ nào về hướng tiếp cận lịch sử - chức năng, chúng tôi chưa được đọc sách nên chưa dám xác quyết. Chỉ xét riêng trong 4 bài trích thì công trình của Ngô Văn Phát quả rất kỳ công và được xây dựng theo hướng lịch sử tiếp nhận. Tác giả tìm hiểu đời sống của Kiều tại Miền Nam từ thế hệ trí thức Nho học sang Tây học, với người bình dân và cách Kiều thay hình đổi dạng bước lên sân khấu.

Tóm lại, không có phương pháp luận chủ đạo, các nghiên cứu và phê bình của Miền Nam giai đoạn 1954-1975 linh hoạt và tự do nhìn ngắm Nguyễn Du và các tác phẩm của ông từ đủ mọi góc độ, có góc độ truyền thống như phê bình luân lý, trực cảm; có góc độ hiện đại như tâm lý học, xã hội học, ngôn ngữ học, tâm lý học… Có những phương pháp bén duyên được với Truyện Kiều, mở rộng chân trời đọc tác phẩm ngày một cao rộng hơn. Ngược lại, có những phương pháp chỉ đến để rồi đi.

VỀ NỘI DUNG CÁC BÀI PHÊ BÌNH, NGHIÊN CỨU

Chúng tôi phân loại nội dung các bài viết về Nguyễn Du thành ba nhóm lớn:

- Nhóm 1: Nghiên cứu về độc giả của Nguyễn Du.

- Nhóm 2: Nghiên cứu về Nguyễn Du

- Nhóm 3: Nghiên cứu về tác phẩm của Nguyễn Du

Ai tri âm đó: Nhóm bài viết về độc giả của Nguyễn Du là nhóm ít ỏi nhất trong 3 nhóm trên. Bên cạnh bài của Thuần Phong Ngô Văn Phát có thể kể thêm bài viết của Thanh Lãng về “Vụ án Kiều” công bố trên Thế Kỷ XX năm 1960(6) và “Ảnh hưởng qua lại giữa Truyện Kiều và dân ca” của Lê Văn Hảo (Bách Khoa Thời Đại, 211, 15-10-1965, tr.13-24).

Bài của Ngô Văn Phát tập trung vô nhóm độc giả có chung môi sinh văn hoá Đồng Nai, từ bình dân đến trí thức, nghệ sĩ. Bài của Lê Văn Hảo khảo sát sự tiếp nhận Kiều của nhóm độc giả bình dân chủ yếu ở quê hương Nguyễn Du. Trong khi đó, bài của Thanh Lãng tập trung vào nhóm độc giả tinh hoa, trí thức, nhà phê bình chuyên nghiệp với các tranh luận về Kiều trên báo chí.

Thanh Lãng rất công phu thuật lại cuộc bút chiến về Truyện Kiều giữa phe tân học đứng đầu là Phạm Quỳnh và các nhà Nho Ngô Đức Kế - Huỳnh Thúc Kháng. Tổng thuật lại bài viết của từng người tham gia tranh luận một cách lớp lang, sáng rõ đã khó, mà kỳ công hơn cả là công việc “bếp núc” của Thanh Lãng, nghĩa là xử lý khối lượng tư liệu hơn 10 năm báo Nam Phong từ trước năm 1919 đến sau năm 1929, để xác định bài viết đầu tiên dính líu đến cuộc tranh luận là bài viết hơn 60 trang của Phạm Quỳnh năm 1919 đến bài viết cuối cùng liên quan đến cuộc tranh luận là năm 1929.

Sau mỗi phần tổng thuật, Thanh Lãng chỉ rõ lập trường tranh luận và mục đích thật của từng người tham gia. Ông nhận xét Phạm Quỳnh năm 1919 dẫu có cực tán Kiều đến mức viết những lời to tát, vượt khỏi phạm vi nghệ thuật chăng nữa thì vẫn là thái độ của một nghệ sĩ tràn đầy xúc cảm mãnh liệt trước một tác phẩm. Lối phê bình của Phan Khôi nhằm vào Phạm Quỳnh là phê bình thái độ. Lối phê bình của Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng là phê bình quan điểm; đứng trên lập trường luân lý, đạo đức.

Trên bình diện rộng, ông nhận ra nhược điểm chung trong phê bình của thời đại 1913-1932 là chưa tách bạch rạch ròi ranh giới giữa luân lý và nghệ thuật. Ông quy cho Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong trách nhiệm đã quạt bùng lên cái lò lửa lãng mạn thời điểm bấy giờ, làm phương hại tinh thần của thanh niên trí thức. Ông bày tỏ sự kính trọng trước lập trường của hai vị chí sĩ trong cuộc tranh luận về Kiều nhưng vẫn sáng suốt nhận ra: “Những băn khoăn nhiều khi đến bi đát của một thế hệ, tuy thái độ có khác nhau, mà cũng cảm thông trong một lo lắng chung, cái lo lắng đó là cố giữ lấy được tinh thần dân tộc trong khi chúng ta đã mất chủ quyền về đường chính trị” (2, tr.50)

Nhìn chung giai đoạn 1954-1975, nghiên cứu về độc giả của Nguyễn Du là mảnh đất còn khá trống trải. Tính ra đến thời điểm này, khi lý thuyết tiếp nhận đã ổn định, khảo sát việc tiếp nhận tác phẩm Nguyễn Du là một hướng tiếp cận sẽ có nhiều khám phá.

Con tằm đến thác: Nội dung các bài viết về Nguyễn Du và những chi tiết xung quanh tác giả của Truyện Kiều rất phong phú. Trong nhóm bài về tác giả Truyện Kiều, có hai cách đặt vấn đề. Thứ nhất là các bài đặt ra một vấn đề cụ thể và xử lý vấn đề đó trong phạm vi một vài bài viết.

Liên quan đến thân thế của tác giả Truyện Kiều có bài “Thanh Tâm Tài Nhân là ai” (Bách Khoa Thời Đại số 209, 9-1965). Tác giả Lý Văn Hùng và Bùi Hữu Sủng đưa ra 2 lý do chính, 6 lý do phụ để xây dựng giả thuyết Từ Vị - Từ Văn Trường (1521-1593) chính là người có bút danh Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả của Kim Vân Kiều truyện. Giả thuyết này không nhất trí với nghiên cứu của Giản Chi công bố trên Văn (1965). Dựa vào việc đối chiếu các bản Kim Vân Kiều của Trung Quốc, Giản Chi ghi nhận có hai bản Kiều liên quan đến nhau, một của Từ Vị thời Minh và một của Thanh Tâm Tài Nhân biên soạn lại sau đó.

Liên quan đến cuộc đời, hành trạng của Nguyễn Du có “Nguyễn Du và bộ chén trà mai hạc” của Vương Hồng Sển (Bách Khoa Thời Đại, số 209, 9-1965). Tác giả chỉ ra các điểm vô lý để bác bỏ giai thoại Nguyễn Du đã tự tay đề hai câu thơ vịnh mai hạc vào bộ chén trà trong chuyến đi sứ năm Quý Dậu 1813, và khuôn bộ ấm chén mai hạc đã bị huỷ để không ai còn dùng kiểu ấy được nữa. Một bài viết công phu khác của Bùi Hữu Sủng, “Theo gót Nguyễn Du trên đường đi sứ” (Bách Khoa Thời Đại, số 209 và 212), lần theo thời gian và lộ trình đi sứ để làm rõ tâm trạng của Nguyễn Du…

Liên quan đến tư tưởng sáng tác của Nguyễn Du: Bình Nguyên Lộc – Nguyễn Ngu Í góp thêm một tiếng nói có màu sắc xã hội học, lý giải “Hoàn cảnh nào đã gợi hứng Nguyễn Du viết Chiêu hồn? Mục đích thật của thi sĩ và giá trị Chiêu hồn” (Bách Khoa Thời Đại số 209, 9-1965); Nguyễn Trọng Khanh đối chiếu gia phả của Nguyễn Tiên Điền với bối cảnh lịch sử cuối thời Lê để trả lời câu hỏi “Họ Nguyễn Tiên Điền thờ vua hay thờ chúa?” (Bách Khoa Thời Đại, số 210, 1-10-1965, tr.25-31).

Thứ hai là nhóm bài phân tích nhiều khía cạnh trong tác phẩm và cuộc đời để đánh giá, định vị, xác định tầm vóc Nguyễn Du. Thử kể trong nhóm này có “Trường hợp hai Nguyễn Du của Đoạn trường tân thanh” (Vũ Hạnh, Bách Khoa Thời Đại, số 209, 9-1965, tr.76-93); “Từ Vạn Hạnh đến Nguyễn Du”; (Nguyễn Đăng Thục, Nghiên Cứu Văn Học, số 9, 11-1971, tr.70-78) …

Qua nhóm bài nghiên cứu về tác giả, chúng ta thấy nhiều phương diện về cuộc đời, hành trạng, tư tưởng… của Nguyễn Du đã được xem xét, đánh giá. Dung lượng của một bài báo tất nhiên không thể đẩy vấn đề đi hết chiều sâu nhưng một số bài khảo cứu rất công phu và đáng lưu ý về tính gợi mở vấn đề. Trong phạm vi báo chí, những bài viết đặt ra những vấn đề nhỏ gọn, cụ thể chiếm ưu thế hơn về số lượng.

Tay thần lại mượn bút hoa: Các tác phẩm của Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều, là đối tượng thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà phê bình, nghiên cứu, chiếm tỷ lệ 70% số bài viết.

Các vấn đề văn bản, ngôn ngữ Truyện Kiều: Nhà nghiên cứu Giản Chi đề cập trực tiếp vấn đề “Nguồn gốc Truyện Kiều”, trên Văn số 43 (1-10-1965), tr.9-27. Ông so sánh giữa bốn bản Kiều trong sách Trung Quốc để kết luận Truyện Kiều của Nguyễn Du có nguồn gốc từ Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị, cũng chính là bản Kim Vân Kiều truyện mà Thanh Tâm Tài Tử biên thứ. Từ kết luận đó, ông chủ trương xác định lại: “Lam bản Truyện Kiều quyển Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị, viết vào thời Gia Tĩnh triều Minh đầu thế kỷ XVI” thay vì là bản Thanh Tâm Tài Tử. Trong số báo tiếp theo, ông lại dịch một bài tựa Truyện Kiều của Đào Nguyên Phổ để cung cấp thêm tư liệu cho người nghiên cứu (“Tân khắc Đoạn trường tân thanh tự”, Văn, số 44, tr.3-8).

Ngành ngôn ngữ học cũng đặt vấn đề “Cần có một bản hiệu chú Truyện Kiều” trước tình hình quá nhiều bản Kiều đang lưu hành, mỗi bản mỗi khác. Lê Ngọc Trụ đề xuất cần có một bản Kiều được hiệu chú theo phương pháp khoa học để làm cơ sở cho các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu sâu. Việc xây dựng bản Kiều chuẩn mà nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trụ đề xuất từ 50 năm trước đến nay vẫn còn tính thời sự (“Cần có một bản hiệu chú Truyện Kiều”, Văn, số 44, 10-1965, tr.15-24).

Ngoài ra, một số phát hiện đáng lưu ý của Bửu Cầm – Tạ Quang Phát trong “Bài Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn và cuộc đời của Thuý Kiều” công bố trên Văn sô 44, 10-1965, tr.9-14. Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình dày công lục lại 90 chữ “đâu” trong Truyện Kiều để tìm hiểu nghĩa và cách dùng của chúng trong bài “Tiếng “đâu” trong Truyện Kiều” (Văn, số 43, tr.19-43).

Mối tình của Kiều: Có các bài viết “Nghĩ về về thệ ước của Truyện Kiều” (Đông Hồ, Văn số 44, 10-1965, tr.61-66); “Một Thuý Kiều, ba tình yêu” (Thiên Thụ, Nghiên Cứu Văn Học số 9, 11-1971, tr.19-33); “Vài cảm nghĩ về Truyện Kiều hay mối tình Thuý Kiều – Kim Trọng” (Phạm Văn Song, Nghiên Cứu Văn Học số 9, 11-1971, tr.60-68)… Nhóm bài viết này không có phát hiện gì đặc sắc, chủ yếu chỉ ghi lại các suy nghĩ, nhận xét chủ quan của các tác giả.

Nhân vật trong Truyện Kiều: Về nhân vật của Truyện Kiều, trong số Văn 43, 10-1965, Võ Hồng viết một bài về Thúc Sinh và Nguyễn Văn Xung công bố bài “Mụ quản gia, một nhân vật lành mạnh trong Truyện Kiều”. Chữ “lành mạnh” ở đây, tác giả dùng như một đối trọng với kết luận của Nguyễn Bách Khoa rằng mọi nhân vật trong Truyện Kiều đều “bệnh hoạn về thể chất và sa đoạ trong tinh thần” (43, tr.57). Cả hai bài viết Võ Hồng và Nguyễn Văn Xung dù đi theo hướng phê bình chủ quan, ít nhiều thiên về xã hội học, lấy việc phân tích nhân vật trong tác phẩm để đối chiếu với những mẫu người tương tự ngoài đời. Võ Hồng, sau khi phân tích nhân vật Thúc Sinh, kết luận rằng: “… (tôi lược – LTTV) Thúc Sinh không gây thán phục nơi kẻ bàng quan nhưng có biết bao nhiêu người đàn ông soi thấy bóng mình trong đó” (43, tr.51). Nguyễn Văn Xung nhận ra mụ quản gia nhà họ Hoạn “tiêu biểu cho một tầng lớp căn bản của giai cấp cần lao ở xã hội Việt Nam ham sống, thiết thực, nhẫn nại và cố gắng, thức thời và luôn luôn tìm cách thích ứng với hoàn cảnh” (43, tr.53).

Các bài viết nội dung này không có khám phá lớn do cách tiếp cận vấn đề không mới. Trong khi đó, Trần Văn Khê sử dụng phương pháp đọc kỹ văn bản để tìm xem “Kiều đánh cây đàn gì?” (Bách Khoa Thời Đại số 209, 9-1965, tr.95-101) không có kết luận cuối cùng nhưng lại là một bài viết thú vị.

Truyện Kiều và vấn đề luân lý đạo đức: Luân lý, đạo đức một thời gian dài từng là đề tài bàn luận sôi nổi về Truyện Kiều, sang giai đoạn này không còn thu hút như trước: “Nội dung Truyện Kiều với tinh thần luân lý và thuần phong mỹ tục Việt Nam” (Tử Vi Lang, Văn Hữu số 4, 3-1960, tr.47-56), “Hiếu trong đời Kiều” (Huỳnh Minh Đức, Nghiên Cứu Văn Học số 9, 11-1971, tr.45-58). Nội dung này kém sôi động đi có thể là điều đáng mừng bởi cho thấy rằng nhà phê bình đang dỡ dần chức năng tải đạo khỏi tư duy phê bình.

Tư tưởng, triết lý, tín ngưỡng, tôn giáo trong tác phẩm của Nguyễn Du: Ảnh hưởng của tư tưởng tam giáo trong Truyện Kiều… là vấn đề các nhà phê bình thế hệ trước đã phân tích nhiều nhưng dư âm còn tiếp tục sang thời kỳ 1954-1975 với “Triết lý đoạn trường” của Nguyễn Sỹ Tế (Sáng Tạo số 27, 12-1958, tr.1-8); “Thân phận con người trong Truyện Kiều” của Nguyễn Hiến Lê (Bách Khoa Thời Đại số 209, 9-1965, tr.26-32)…

Nguyễn Đăng Thục không chọn đọc Truyện Kiều mà đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du dưới ánh sáng của vầng trăng thiền. Tác giả chỉ ra rằng bóng trăng là nguồn ánh sáng trong thế giới thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Đó là bóng trăng gắn với văn hoá nông nghiệp lúa nước. Đó là bóng trăng cổ mẫu sẵn có trong vô thức. Đó là bóng trăng sinh diệt của cõi người. Trên hết, tất cả hình tướng của bóng trăng thiên hình vạn trạng ảo diệu đó chính là biểu hiện cõi tâm Thiền của người nghệ sĩ. Trong bài viết này, chúng ta đã thấy dấu vết của phân tâm học.

Một bài viết đáng lưu ý khác, Trần Thanh Hiệp lật ngược vấn đề ảnh hưởng của Nho – Phật vào tác phẩm Nguyễn Du, đề nghị trả Truyện Kiều về với ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian (“Để giải quyết mâu thuẫn trong Đoạn trường tân thanh”, Sáng Tạo số 6, 3-1957, tr.44-52). Dưới ánh sáng của niềm tin dân gian, tác giả tin rằng những điểm mâu thuẫn lâu nay không giải thích được trong tư tưởng Truyện Kiều sẽ tự hoà giải, tự tháo gỡ. Bảy năm sau, trong nghiên cứu đã nhắc ở trên, “Nguyễn Du, một hiện hữu quái gở…”, Thanh Lãng cũng đi theo hướng này khi phân tích ảnh hưởng của tôn giáo đối với Nguyễn Du. Thuyết phục hơn Trần Thanh Hiệp, Thanh Lãng nhận ra Nguyễn Du không chịu ảnh hưởng trội của một tôn giáo nào mà là “sự điều hoà kỳ diệu” của Phật, Lão, Nho; và quan trọng hơn, của cả các tín ngưỡng dân gian cổ truyền, tin vào thần thánh, ma quỷ. Như Trần Thanh Hiệp, ông cũng ghi nhận rằng niềm tin dân gian này đã làm phức tạp thêm cảm giác hốt hoảng, lo sợ của Nguyễn Du khi nói về kiếp sau, về một thế giới khác.

Nguyễn Hiến Lê từ chối xem Truyện Kiều là tiểu thuyết luân lý hay tiểu thuyết ái tình (“Thân phận con người trong Truyện Kiều”, Bách Khoa Thời Đại số 209, 9-1965, tr.26-32). Với ông, Truyện Kiều là tiểu thuyết viết về thân phận bi đát của con người. Cái bi đát lớn nhất là luôn bị trói buộc bởi định mệnh, không bao giờ được tự do, ở Kiều, sự bi đát đó càng sâu sắc hơn bởi nàng là bậc tài hoa xuất chúng. Nguyễn Hiến Lê chọn đứng về phía con người để diễn giải một cách hiền lành rằng cái “thiên cổ luỵ” cũng chính là cái vinh quang, bởi có cái “luỵ” đó mới có “tân thanh” và khiến Kiều, khiến Nguyễn Du bất tử.

Dấu ấn sâu sắc nhất giai đoạn 1954-1975 để lại trên cách đọc Truyện Kiều là việc đọc bằng quan điểm hiện sinh chủ nghĩa, nhìn Kiều như một hiện hữu biết suy tư, biết chịu trách nhiệm trên con đường đi tìm hạnh phúc, tự do. Bằng cách hiểu này, nhà phê bình đã lật ngược thuyết định mệnh, góp thêm tiếng nói về thân phận con người, bác bỏ việc xem con người là nạn nhân thụ động của định mệnh. Quan điểm đó thể hiện đậm nhạt trong các bài viết của Nguyên Sa (Sáng Tạo, 15), Nguyễn Văn Trung (Đại Học, 1), Đặng Tiến (Văn, 44), Lê Tuyên (Đại Học, 9)…

Trên đây là những ghi nhận về hướng tiếp cận các tác phẩm của Nguyễn Du và những nội dung đã được các nhà nghiên cứu phê bình quan tâm trong giai đoạn 1954-1975. Tựu trung lại, trong hai thập niên này, Nguyễn Du và các tác phẩm của ông đã có một vị trí ổn định, không còn là một hiện tượng tranh luận như đã từng làm náo động báo chí tiền chiến. Ngoài ra, chúng tôi ghi lại vài nhận xét hạn hẹp từ một góc báo chí Mièn Nam 1954-1975 như sau:

Thứ nhất, hướng tiếp cận lịch sử - chức năng chưa được chú trọng bởi đây là hướng nghiên cứu còn rất mới mẻ. Dấu ấn của trào lưu hiện sinh chủ nghĩa khá rõ nét trong cách các nhà phê bình đọc Truyện Kiều. Hướng nghiên cứu so sánh Truyện Kiều chưa thấy phổ biến. Việc áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu trong việc khám phá Truyện Kiều, dẫu non nớt hay cực đoan chăng nữa, vẫn làm cho đời sống của tác phẩm thêm phong phú “…vì cứu cánh của vấn đề không phải là bận tâm về việc tôi nhìn phải, anh nhìn phải nhưng là làm thế nào để lãnh hội được nhiều hơn vẻ đẹp của vườn hoa” (Nguyễn Văn Trung, Đại Học, 1, tr.27).

Thứ hai, tác động của công trình nghiên cứu Truyện Kiều của Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa khá sâu rộng. Trong các bài viết của Nguyễn Văn Trung (1958), Nguyễn Đình Giang (1959), Đặng Tiến (1965), Tam Ích (1969)… đều có sự hồi đáp trực tiếp về bài nghiên cứu trên. Công trình của Nguyễn Bách Khoa có lẽ không thành công trong việc đọc Kiều bằng phương pháp Marxist cứng nhắc nhưng đã rất thành công trong việc đánh động ý thức đọc tác phẩm văn học một cách có phương pháp và thật linh hoạt. Sự vĩ đại của một thất bại nằm ở chỗ nó để lại được những bài học gì. Đằng sau các nghiên cứu giai đoạn này đều có bài học của Nguyễn Bách Khoa.

Thứ ba, dù cùng công bố trên một tờ báo nhưng ranh giới giữa phê bình nghệ sĩ, báo chí và phê bình học thuật đã khá rạch ròi, dễ nhận diện. Những bài phê bình nghệ sĩ, báo chí chủ yếu sử dụng trực giác để tiếp cận vấn đề. Những bài phê bình học thuật đều có phương pháp. Trực cảm sắc bén là năng lực thiên bẩm của nhà phê bình nhưng trực cảm thôi chưa đủ, để đi đến chuyên nghiệp, phê bình nhất định phải có phương pháp. Hiệu quả cụ thể, các nghiên cứu về nội dung triết lý của Truyện Kiều là phương diện có thành tựu nhất trong nghiên cứu giai đoạn này, bởi được áp dụng nhiều phương pháp đọc mới. Ngược lại, các bài viết về nhân vật, về tình yêu, về đạo lý v.v. không có khám phá gì đặc biệt gì so với giai đoạn trước.

Thứ tư, tính chất đối thoại trong các bài viết cao, tạo nên không khí sôi động và dân chủ trong phê bình trên báo chí Miền Nam. Tam Ích đối thoại với Thanh Lãng; Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Giang, Đặng Tiến, Tam Ích đối thoại với Nguyễn Bách Khoa; Chơn Hạnh (Tư Tưởng, số 8) đối thoại với các học giả Miền Bắc; Đặng Tiến đối thoại với các nhà nghiên cứu khác. Ngay cả khi đất nước bị chia cắt, các nhà phê bình Miền Nam vẫn nắm bắt khá nhạy bén thông tin nghiên cứu của các đồng nghiệp phía Bắc, luôn dẫn ra được ai, viết gì, công bố ở đâu. Mặt bằng nghiên cứu, phê bình ở Miền Nam không đồng đều nhưng rõ ràng đang hướng đến sự chuyên nghiệp: nắm bắt nội tình nghiên cứu trong nước và cập nhật các phương pháp luận nghiên cứu của thế giới.

Chú thích

  1. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số
  2. Giai đoạn 1965-1969, Tạp chí Bách Khoa đổi tên thành Bách Khoa Thời Đại, và rồi sẽ khôi phục lại tên Bách Khoa như cũ từ năm 1970. Thời điểm chúng tôi khảo sát, tờ báo đang mang tên Bách Khoa Thời Đại.
  3. Những tạp chí sau đây được khảo ngẫu nhiên vào một số năm và không có bài viết nào liên quan đến Nguyễn Du: Văn Nghệ Tự Do (1955-1956), Cải Tiến (1956), Hiện Đại (1960), Văn Mới (1962), Nghệ Thuật (1966), Văn Uyển (1968), Đối Diện (từ 1969 đến 1971), Trình Bầy (từ 1970 đến 1972), Khai Phóng (1970), Thời Tập (1973-1975).
  4. Trong khi đang hoàn thành bài viết này, tôi được biết Tạp chí Bình Minh, số 76bis, ra ngày 9-9-1965 và Giai phẩm Bách Khoa năm 1972 có dành số đặc biệt để tưởng niệm Nguyễn Du. Tôi chưa có dịp kiểm chứng thông tin này https://vnn.online/uong-ca-phe-xem-kieu-co, xin ghi lại để các nhà nghiên cứu tham khảo thêm.
  5. Toàn bộ trích dẫn của bài viết này, chúng tôi ghi theo bản in trên Nghiên cứu văn học năm 1971.
  6. Bài của Thanh Lãng, theo Lời toà soạn, được lược trích từ chương “Phê bình” trong sách Văn học thế hệ 1913-1932 sắp được xuất bản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Duy Anh (2009) Từ điển Truyện Kiều. Hà Nội: Giáo Dục.
  2. Huỳnh Như Phương (2010) Lý luận văn học. TPHCM: Đại Học Quốc Gia.
  3. R. Wellek và A. Warren (2009) Lý luận văn học. Hà Nội: Văn Học.

Thông tin truy cập

63548564
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6995
12828
63548564

Thành viên trực tuyến

Đang có 159 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website